From A twist in the tale
nxb văn học - hà nội 2003
người dịch: nguyễn đình chí, linh tâm
TRÊN THỰC ĐƠN
rthur Hapgood được giải ngũ ngày mồng 3 tháng mười một năm 1946. Sau một tháng, anh quay trở lại chỗ làm cũ ở xưởng nhà máy Triumph, ngoại ô thị trấn Coventry. Năm năm đóng quân ở Sherwood Foresters – bốn năm trong quãng thời gian đó ở vị trí là sĩ quan hậu cần tiểu đoàn được phái tới một trung đoàn thiết giáp – chỉ nhấn mạnh cái số mệnh có vẻ phù hợp của Arthur sau chiến tranh. Mặc dù anh đã nuôi hy vọng tìm được công việc có nhiều đãi ngộ hơn sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy vậy, sau khi trở về nước Anh, người lính nhanh chóng khám phá ra là ở một “mảnh đất nuôi dưỡng biết bao bậc anh hùng”, công ăn việc làm kiếm được cũng không dễ dàng gì, và mặc dù không muốn quay trở lại với công việc mà anh đã làm được năm năm trước khi người ta tuyên bố chiến tranh – công việc lắp ráp bánh xe vào xe hơi – sau bốn tuần lễ nhận trợ cấp thất nghiệp, anh đã miễn cưỡng tìm gặp ông đốc công cũ của mình ở công ty Triumph.
“Việc làm đó là của anh đấy, nếu anh muốn làm, anh Arthur ạ,” ông đốc công đảm bảo.
“Thế còn tương lai?”
“Xe hơi đã không còn là đồ chơi của những người giàu có lập di hay chỉ là nhu cầu cần thiết của giới doanh nhân,” ông đốc công trả lời. “Trên thực tế,” ông ta tiếp, “ban giám đốc đang chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất xe hơi đấy.”
“Thế thì họ sẽ cần nhiều nữa những cái bánh để mà lắp cho xe hơi,” Arthur nói chán nản.
“Đúng vây.”
Chỉ sau một tiếng đồng hồ, Arthur đã ky kết xong hợp đồng, và chỉ còn vài hôm nữa là anh sẽ trở lại với những công việc thường ngày ở dây chuyền cũ của mình. Anh thường nói với vợ mình rằng suy cho cùng cũng không cần đến một tấm bằng ngành cơ khí để bắt bốn cái bu lông vào một cái bánh xe một trăm lần trong một ca.
Arthur sớm chấp nhận thực tế là anh sẽ phải ổn định cuộc sống với cái tốt thứ nhì thôi. Tuy nhiên, cái tốt thứ nhì không phải là những cái mà anh ta lập kế hoạch cho thằng con trai của mình.
Cậu bé Mark đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ năm khi cha cậu chưa biết mặt mũi cậu ra sao. Thế nhưng từ khi Arthur trở về nhà, anh tiêu xài hoang phí mọi thứ mà anh có thể làm được cho cậu bé.
Arthur quyết tâm không để thằng Mark phải lao động trên cái sàn nhà xưởng của một nhà máy sản xuất xe hơi suốt cuộc đời nó. Anh liên tục làm thêm ngoài giờ để kiếm đủ tiền đảm bảo cho cậu bé có thể học thêm toán, các môn thông thường, và tiếng Anh. Anh cảm thấy được ban thưởng một cách hào phóng khi cậu bé thi đỗ vượt trên mười một điểm và giành được một vị trí tại trường Trung học Vua Henry VIII. Niềm tự hào đó không bị lung lay khi Mark tiếp tục thi đỗ năm chứng chỉ O, và hai năm sau thêm vào hai chứng chỉ A.
Arthur cố gắng không để lộ ra sự thất vọng của mình khi vào sinh nhật lần thứ mười tám của Mark, chàng trai thông báo với ông rằng cậu không muốn đi học đại học.
“Thế con định làm việc gì, hả chàng trai?” Arthur hỏi.
“Con đã điền vào bản mẫu xin việc để cùng làm với cha ở xưởng ngay khi nào con rời ghế nhà trường.”
“Nhưng tại sao con lại…”
“Tại sao lại không? Bạn bè của con sẽ rời khỏi trường cuối học kỳ này và họ đã được Triumph chấp nhận, chúng nó đều sốt ruột muốn được bắt đầu ngay cơ.”
“Chắc con quẫn trí rồi.”
«Thôi mà, cha. Lương lậu tốt, và cha biết rằng luôn có tiền bồi dưỡng làm việc ngoài giờ mà. Và con không ngại công việc vất vả nặng nhọc đâu.»
«Thế con nghĩ rằng cha dành suột bao năm qua để đảm bảo cho con có một sự giáo dục tốt nhất chỉ để con kết thúc giống như ta, lắp bánh xe vào xe hơi trong suốt quãng đời còn lại của con sao?» Arthur hét lớn.
“Đó không phải là toàn bộ công việc và cha biết thế mà, cha.”
« Mày bước qua xác tao rồi hãy đến đó. Tao không cần quan tâm bạn bè mày rốt cuộc sẽ làm cái gì.» Cha cậu bảo. «Ta chỉ lo lắng cho con. Con có thể là một luật sư, một nhân viên kế toán, một sĩ quan quân đội, thậm chí là một ông hiệu trưởng. Tại sao con lại muốn kết thúc tại một nhà máy sản xuất xe hơi?»
«Công việc đó được trả lương khá hơn là hiệu trưởng, đầu tiên là thế cái đã,» Mark nói. «Ông thầy dạy tiếng Pháp của con một lần bảo với con là thầy không được sung túc bằng cha.»
“Đó không phải là vấn đề, chàng trai ạ…”
“Vấn đề là, thưa cha, con không muốn dành trọn cuộc đời còn lại của mình làm một công việc mà con không thích, mà nó chỉ là để thỏa mãn một trong những trí tưởng tượng của cha.”
“Hừ, nhưng tao không định sẽ cho phép mày uổng phí phần còn lại của cuộc đời mày,” Arthur nói, bật dậy khỏi bàn ăn sáng. “Việc đầu tiên mà tao sắp làm khi đến chỗ làm buổi sáng nay là làm sao cho đơn xin việc của mày bị từ chối.”
“Như thế là không công bằng, thưa cha. Con có quyền để…”
Nhưng cha cậu đã rời khỏi phòng, và không hề thốt ra thêm một lời nào với cậu trước khi rời nhà đi đến nhà máy.
Hơn một tuần lễ trôi qua, hai cha con không hề nói với nhau nửa lời. Chính bà mẹ của Mark là người dàn xếp để hai cha con đi đến một thỏa hiệp. Mark có thể làm đơn xin bất cứ công việc nào ma cha cậu tán thành, và chừng nào cậu hoàn thành một năm làm công việc đó, nếu cậu vẫn còn mong muốn, cậu có thể lại viết đơn xin làm việc ở nhà máy. Về phần cha cậu lúc đó sẽ không đặt thêm bất cứ cản trở nào trên con đường của con trai.
Ông Arthur gật đầu. Mark cũng miễn cưỡng đồng ý giải pháp đó.
“Nhưng chỉ khi nào con hoàn thành trọn vẹn một năm,” Arthur nghiêm trang cảnh báo.
Trong những ngày cuối cùng ấy của kỳ nghỉ hè, Arthur đưa ra mấy gợi ý để Mark xem xét, nhưng chàng trai không hề tỏ ra nhiệt tình với bất cứ sự gợi ý nào. Bà mẹ của Mark trở nên rất lo lắng rằng con trai bà rốt cuộc sẽ không có nghề ngỗng gì cả. Cho đến một buổi, trong khi đang giúp đỡ bà thái lát khoai tây cho bữa ăn tối, Mark nói rằng cậu nghĩ quản lý khách sạn có vẻ là một đề nghị dễ chịu nhất mà cậu đã xem xét từ trước tới giờ.
“Ít nhất thì con cũng có một mái nhà ở trên đầu mình và luôn được cho ăn uống,” mẹ cậu nói.
“Con dám đặt cược là họ nấu nướng không bằng mẹ đâu, mẹ à,” Mark bảo khi cậu đặt những lát khoai tây thái mỏng lên trên món thịt hầm khoai tây với phomát Lancashire. “Tuy nhiên, chỉ một năm thôi mà mẹ.”
Trong tháng kế tiếp, Mark tham dự mấy cuộc phỏng vấn tại các khách sạn quanh vùng nhưng không thành công. Đến lúc này thì cha cậu biết rằng ở cùng đại đội cũ với mình có ông trung sĩ là người sếp bồi phòng tại khách sạn Savoy. Ngay lập tức Arthur bắt đầu gợi lại mối thân tình xưa.
“Nếu anh chàng mà tốt,” ông bạn chiến hữu già của Arthur bảo đảm với ông sau một vại bia, “Nó có thể làm lên đến sếp bồi phòng, thậm chí một giám đốc khách sạn.”
Ông Arthur có vẻ rất thỏa mãn. Mặc dù vậy, Mark vẫn cam đoan với bạn bè rằng cậu sẽ nhập cuộc với họ đúng ngày này năm sau.
Ngày mồng 01 tháng chín năm 1959, Arthur và Mark Hapgood cùng nhau du hành bằng xe buýt tới nhà ga Coventry. Ông Arthur bắt tay chàng trai và hứa với cậu, “Mẹ con và ta sẽ đảm bảo chắc chắn co một lễ mừng Giáng sinh đặc biệt năm nay khi họ cho phép con nghỉ kỳ phép đầu tiên. Và đừng lo lắng – chú “Trung Xỉ” sẽ chăm sóc con. Chú ấy sẽ dạy dỗ con một vài điều. Hãy chỉ nhớ giữ cho lỗ mũi mình sạch sẽ.”
Mark chẳng bảo sao và đáp lại bằng một nụ cười nhạt khi cậu lên tàu. “Con sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì làm việc này đâu…” là những lời nói cuối Mark nghe thấy từ cha cậu khi con tàu kéo ra khỏi nhà ga.
Mark cảm thấy hối tiếc về việc này ngay từ khi cậu đặt chân vào khách sạn.
Ở vị trí một anh bồi phòng cấp dưới, cậu bắt đầu một ngày mới vào sáu giờ sáng và kết thúc vào sáu giờ tối. Cậu được hưởng chế độ nghỉ giải lao mười lăm phút giữa buổi sáng, một quãng bốn mươi lăm phút nghỉ ăn trưa và thêm một quãng nghỉ mười lăm phút tầm giữa buổi chiều. Tháng đầu tiên trôi qua, cậu đã không thể nhớ lại khi nào cậu được hưởng cả ba quãng nghỉ trong cùng một ngày, và cậu nhanh chóng biết rằng không ai để mà cậu có thể phản đối. Trách nhiệm của cậu bao gồm mang vác các va li, hòm xiểng của khách nghỉ trọ lên phòng của họ, rồi lại lôi chúng xuống trở lại ngay khi nào họ muốn đi khỏi. Với trung bình ba trăm khách nghỉ tại khách sạn mỗi đêm, công việc như không có hồi kết. Tiền lương thì chỉ bằng một nửa số tiền mà bạn bè cậu nhận được ở nhà và vì cậu phải giao nộp toàn bộ số tiền boa cho người sếp bồi phòng, nên cho dù Mark có làm ngoài giờ nhiều bao nhiêu, cậu cũng không bao giờ trông thấy một xu thu nhập thêm nào. Duy nhất một dịp cậu dám nêu việc này với người sếp bồi phòng, thì cậu được nghe những từ ngữ như sau, “Rồi sẽ đến thời của cậu, chàng trai ạ.”
Cậu không phiền lòng về bộ đồng phục không vừa, hay căn phòng của cậu cỡ mét tám nhân mét tám, và nằm đối diện với nhà ga Charing Cross, hay thậm chí là cậu không được chia một phần tiền boa; thế nhưng điều cậu thấy phiền lòng là cậu chẳng thể làm gì được để vừa lòng viên sếp bồi phòng – cho dù cậu có giữ lỗ mũi của mình sạch sẽ đến đâu chăng nữa.
Trung sĩ Crann, người xem khách sạn Savoy không khác gì hơn một sự tiếp nối cái trung đội ngày xưa của ông ta. Ông ta không có nhiều thời gian dành cho những người trẻ tuổi dưới quyền chỉ huy của ông ta, những người này thường chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự.
“Nhưng mà tôi không đủ tư cách để thực hiện nghĩa vụ quân sự,” Mark khăng khăng bảo. “Không có một ai sinh sau năm 1939 bị gọi nhập ngũ.”
“Đừng lấy cớ, chàng trai ạ.”
“Đó không phài là một cái cớ, chu ‘Trung sỉ’. Đó là sự thật.”
“Và đừng gọi ta là ‘Trung sỉ’. Ta là ‘Trung sĩ Crann’ với anh, và đừng có quên đấy.”
“Rõ, thưa Trung sĩ Crann.”
Vào cuối mỗi ngày, Mark thường quay trở về cái hộp chật chội của mình với cái giường bé nhỏ, chiếc ghế nhỏ xinh, các ngăn kéo tí tẹo, đổ gục xuông, kiệt sức. Bức hình duy nhất trong phòng – bức Chàng kỵ sĩ đang cười – in trên cuốn lịch treo trên đầu giường của Mark. Ngày mồng một tháng chin năm 1960 được khoanh tròn đỏ để nhắc nhở cậu cái ngày cậu sẽ được phép hòa nhập cùng bè bạn của cậu tại nhà máy ở quê nhà. Cứ mỗi đêm trước khi thiếp đi, cậu lại xóa đi một ngày làm việc khó chịu, giống như một tù nhân tạo ra những vết cào xước trên một bức tường.
Vào dịp lễ Giáng sinh, Mark trở về nhà nghỉ bốn ngày, mẹ cậu nhận thấy được tình trạng của cậu, bà liền cố gắng thuyết phục cha cậu cho phép Mark sớm từ bỏ công việc, thế nhưng ông Arthur vẫn không lay chuyển, không thể làm mủi lòng ông được.
“Chúng tôi đã thống nhất một giao kèo. Đừng mong tôi để cho nó đi làm tại nhà máy nếu như nó không có đủ tinh thần chịu trách nhiệm trong cái giao kèo đó.”
Trong kỳ nghỉ phép, Mark đợi các bạn mình ở bên ngoài cổng nhà máy cho đến khi ca làm của họ kết thúc, lắng nghe các câu chuyện chúng bạn kể về những ngày nghỉ cuối tuần đi xem đá bóng, uống rượu, uống bia ở quán xá và nhảy nhót theo tiếng nhạc của nhóm Everly Brothers. Tất cả bạn bè đều thông cảm với cậu và trông ngóng cậu nhập hội với họ vào tháng chín. “Chỉ còn một vài tháng nữa thôi mà,” một người bạn trong bọn họ vui vẻ nhắc nhở cậu.
Nhanh quá đi mất, Mark lại có mặt trên chuyến quay lại London, nơi cậu tiếp tục miễn cưỡng mang vác những chiếc va li lên xuống những hành lang của khách sạn từ tháng này qua tháng khác.
Khi những cơn mưa Anh quốc đã lắng xuống, luồng chảy thông thường của những dòng du khách Mỹ bắt đầu đỏ vào. Mark thích những người Mỹ, họ đối xử với cậu bình đẳng và thường boa cho cậu cả một đống silinh trong khi những người khác chỉ có thể cho cậu sáu xu thôi. Thế nhưng bất kể số tiền Mark nhận được là bao nhiêu đi nữa, Trung sĩ Crann vẫn cứ đút túi hết với cái câu cửa miệng, “Rồi sẽ đến thời của cậu, chàng trai ạ.”
Một người Mỹ mà Mark đã sốt sắng chạy lên chạy xuống hàng ngày trong suốt đợt nghỉ nữa tháng của ông ta, cuối cùng đã tặng cho cậu một tờ bạc mười bảng khi ông ta rời khỏi cửa chính của khách sạn.
Mark nói, “Xin cảm ơn, thưa ngài,” và quay người lại đã thấy Trung sĩ Crann đang đứng chắn lối.
“Đưa nó ra đây,” Crann bảo ngay khi ông khách người Mỹ vừa đi khỏi.
“Tôi đang định làm thế khi tôi trông thấy ông,” Mark nói, tay đưa tờ bạc cho cấp trên của mình.
“Không định đút túi cái đúng ra là của tôi, phải không?”
“Không, tôi không định như thế,” Mark nói. “Mặc dù có Chúa biết tôi đã kiếm ra nó.”
“Rồi sẽ đến thời của cậu, chàng trai ạ,” Trung sĩ Crann nói, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.
“Không đến lượt tôi đâu khi người bần tiện như ông còn làm sếp,” Mark sắc sảo.
“Mày vừa nói cái gì thế?” ông sếp bồi phòng đổi giọng ngay.
“Ông nghe thấy rồi đấy, Trung sĩ.”
Cái bạt tai ngang làm Mark kinh ngạc.
“Này thằng ranh, mày vừa mất việc rồi đó. Không có ai, không có ai dám nói với tao bằng cái giọng xấc xược đó.” Trung sĩ Crann quay người và hộc tốc lao về hướng văn phòng của giám đốc.
Ông giám đốc khách sạn, Gerald Drummond, nghe xong câu chuyện do ông sếp bồi kể, liền yêu cầu Mark có mặt tại văn phòng ông ta ngay lập tức. “Anh biết là tôi không còn có một cơ hội nào ngoài việc sa thải anh”. Đó là những câu đầu tiên của ông ta khi cánh cửa được đóng lại.
Mark nhìn lên người đàn ông cao, mảnh trong chiếc áo choàng dài màu đen, cổ cồn và thắt cravat đen. “Tôi có được phép kể lại cho ngài điều đã thực sự xảy ra không, thưa ngài?” chàng trai hỏi.
Ông Drummond gật đầu, rồi lắng nghe mà không ngắt lời khi Mark thuật lại câu chuyện của cậu về vụ việc đã xảy ra buổi sáng hôm đó, và cũng tiết lộ cái giao kèo mà cậu đã thỏa thuận với cha câu. “Xin hãy cho tôi hoàn thành mười tuần lễ cuối cùng của tôi,” Mark kết thúc, “không thì cha tôi sẽ chỉ nói là tôi đã không giữ đúng nghĩa vụ của mình trong giao ước.”
“Trong lúc này, tôi không có một chỗ làm trống nào,” ông giám đốc phản đối. “Trừ khi anh vui lòng gọt khoai tây trong mười tuần lễ tớ.”
“Vâng bất cứ việc gì cũng được,” Mark nói.
“Vậy thì có mặt tại nhà bếp vào sáu giờ sáng mai. Tôi sẽ bảo người đầu bếp thứ ba đợi anh. Chỉ có điều nếu anh nghĩ ông sếp bồi phòng là người theo kỷ luật hà khắc thì cứ việc đợi đến khi anh gặp Jacques, ngài sếp bếp trưởng của chúng ta. Ông ta không bạt tai anh đâu, mà ông ta sẽ cắt đứt nó đấy.”
Mark chẳng cần. Cậu tin rằng chỉ còn mười tuần lễ thì cậu có thể đối mặt với bất cứ điều gì, và vào lúc năm giờ ba mươi sáng hôm sau, cậu thay bộ đồng phục màu xanh lam sẫm lấy chiếc áo trắng và chiếc quần ca rô trắng xanh rồi ra trình diện cho nhiệm vụ mới. Đầy ngạc nhiên, cậu thấy gian nhà bếp chiếm giữ gần như toàn bộ tầng trệt của khách sạn, và nó còn tấp nập hối hả hơn cả tiền sảnh.
Ông đầu bếp thứ ba đưa cậu vào một góc của gian bếp, bên cạnh một núi khoai tây, một bát nước lạnh và một con dao sắc lẹm. Mark gọt khoai suốt bữa sáng, bữa trưa rồi bữa tối, và trôi vào giấc ngủ đêm đó trên giường, không còn đủ năng lượng để gạch chéo, xóa đi ngày tháng hôm đó trên cuốn lịch của cậu.
Trong tuần lễ đầu, cậu thực sự chưa bao giờ trông thấy cái ông Jacques huyền thoại nọ. Với bảy mươi người đang làm việc trong gian bếp, Mark thấy tin rằng cậu có thể vượt qua toàn bộ quãng thời gian này ở đây mà không có bất cứ ai hay biết đến cậu.
Mỗi buổi sáng vào lúc sáu giờ cậu bắt đầu gọt, rồi chuyển số khoai tây cho một thanh niên có dáng vẻ băng nhóm tên gọi Terry, đến lượt anh ta, sẽ cắt khối xúc xắc, hay thái miếng theo chỉ dẫn của ông đầu bếp thứ ba cho bữa ăn của ngày hôm đó. Thứ hai chiên giòn, thứ ba nghiền nhừ, thứ tư chiên kiểu Pháp, thứ năm thái lát, thứ sáu áp chảo, thứ bảy bọc bột rán… Mark nhanh chóng lập ra một thời gian biểu và nó làm cho cậu vượt trước Tery rất nhiều, vì thế mà cậu tránh được mọi phiền phức.
Sau hơn một tuần quan sát Terry làm công việc của anh ta, Mark cảm thấy chắc chắn cậu có thể chỉ bảo anh ta, Mark cảm thấy chắc chắn cậu có thể chỉ bảo cho anh chàng tập việc trẻ tuổi này làm cách nào giảm nhẹ được khối lượng công việc một cách hoàn toàn đơn giản. Thế nhưng cậu quyết định giữ mồm giữ miệng: mở mồm ra có thể chỉ mang lại thêm những phiền toái cho cậu, và cậu chắc chắn ông giám đốc sẽ không cho cậu một cơ hội thứ hai.
Mark sớm phát hiện ra rằng Terry luôn bị rớt lại rất xa với món thịt bằm khoai tây hầm ngày thứ ba và món thịt hầm khoai tây với phó mát Lancashire ngày thứ năm. Thỉnh thoảng ông đầu bếp thứ ba thường tạt qua để phàn nàn và ông ta thường liếc xéo qua Mark để chắc chắn không phải là anh chàng này làm chậm dây chuyền lại. Mark chắc chắn rằng cậu luôn có một chậu khoai tây đã gọt còn dư nằm cạnh, do đó cậu thoát khỏi sự kiểm tra.
Đúng vào buổi sáng thứ năm đầu tiên của tháng tám (Thịt hầm khoai tây với phó mát Lancashire) thì Terry gọt phăng mất một đầu ngón tay chỏ của anh ta. Máu tràn lan lên khắp chỗ khoai tây đã cắt gọt và vương lên mặt bàn gỗ khi anh chàng bắt đầu la lên hốt hoảng.
“Đem nó ra khỏi đây!” Mark nghe thấy ông sếp bếp trưởng rống lên, át tiếng ồn ào của gian bếp khi ông ta lao về phía họ.
“Còn anh”, ông ta nói, chỉ tay vào Mark, “thu dọn lộn xộn và bắt đầu thái số khoai tây còn lại đi. Tôi có tám trăm thực khách đói meo vẫn còn đang đòi được cho ăn đấy.”
“Tôi ư?” Marjrk nói đầy nghi hoặc. “Nhưng mà…”
“Đúng, anh đấy. Anh không thể làm tệ hơn cái thằng dốt nát tự gọi mình là đầu bếp học việc và cắt phứt ngón tay kia.” Ông đầu bếp giậm bước đi khỏi, để lại Mark miễn cưỡng bước qua chỗ bàn nơi Terry vẫn làm việc. Cậu thấy không nên tranh cãi, cuốn lịch vẫn còn đó để nhắc nhở cậu chỉ còn có hai mươi lăm ngày cuối cùng nữa thôi.
Mark bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ mà cậu đã từng thực hiện cho mẹ cậu nhiều lần rồi. Những miếng khoai được cắt gọt sạch sẽ, gọn ghẽ và được chuyển đi với một kỹ năng mà Terry sẽ không bao giờ học được. Đến cuối ngày, cho dù đã kiệt sức, Mark không cảm thấy quá mệt mỏi như cậu đã cảm thấy ngày trước.
Mười một giờ tối, ông sếp bếp trưởng ném cái mũ xuống và lao ra khỏi cánh cửa quay, một dấu hiệu cho mọi người khác biết rằng họ cũng có thể ra đi một khi tất cả trách nhiệm của họ đã được thực hiện xong. Một vài giấy sau cánh cửa lại bật mở và ông đầu bếp xông vào. Ông ta chằm chằm nhìn quyanh gian bếp, tất cả mọi người đều chờ đợi xem ông ta sắp sửa làm gì. Sau khi đã tìm thấy cái điều ông ta đang tìm kiếm, ông ta tiến thẳng về phía Mark.
“Ôi, Chúa ơi,” Mark nghĩ bụng. “Ông ta sắp giết mình mất thôi!”
“Tên anh là gì?” ông đầu bếp hỏi.
“Mark Hapgood, thưa ngài,” cậu cố gắng lắp bắp.
“Anh thật phí uổng với khoai tây, Mark Hapgood,” ông đầu bếp bảo. “Anh hãy bắt đầu với rau tươi vào bữa sang. Có mặt lúc bảy giờ. Nếu cái thằng ngu độn với nửa ngón tay ấy bao giờ quay lại, cho nó gọt khoai tây.”
Ông bếp trưởng quay gót thậm chí còn trước khi mark có cơ hội trả lời. Cậu sợ hãi với ý nghĩ phải làm việc ba tuần lễ tại chính giữa nhà bếp, sẽ không có lần nào thoát ra ngoài tầm nhìn của ông sếp bếp trưởng, thế nhưng cậu đành phải chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào nữa.
Buổi sáng hôm sau, Mark tới nơi lúc sáu giờ vì sợ muộn và dành một tiếng đồng hồ xem xét những mớ rau quả tươi rói được dỡ xuống từ chợ Covent Garden. Người phụ trách cung cấp của khách sạn kiểm tra từng thùng rau thật cẩn thận, từ chối một vài thùng trước khi ký nhận vào tờ giấy biên nhận cho thấy khách sạn đã nhận được lượng rau quả trị giá trên ba ngàn bảng. Trung bình cho một ngày đấy, ông ta quả quyết với Mark.
Ông sếp bếp trưởng xuất hiện trước bảy giờ ba mươi phút, kiểm tra thực đơn và bảo Mark thái rau cải Brucxen, tỉa những quả đậu Pháp và cắt bỏ những lá ngoài thô ráp của những trái bắp cải.
“Nhưng tôi không biết làm thế nào,” Mark trả lời thành thật. Cậu có thể thấy những người học việc khác trong bếp từ từ dịch ra xa câu.
“Để ta dạy anh,” ông bếp trưởng gầm lên. “Nếu hy vọng trở thành người đầu bếp giỏi, có lẽ điều duy nhất là anh phải học. Ta có khả năng làm được công việc của tất cả mọi người trong bếp, thậm chí cả gọt khoại tây nữa.”
“Nhưng tôi đang hy vọng trở thành một…” Mark bắt đầu nói rồi sau đó nghĩ kỹ hơn. Ông bếp trưởng có vẻ như chưa nghe thấy Mark nói khi ông ta đứng vào bên cạnh anh chàng mới được tuyển mộ. Tất cả mọi người trong nhà bếp nhìn chằm chặp khi ông bếp trưởng bắt đầu chỉ bảo cho Mark những kỹ năng cơ bản của cắt, thái quân xúc xắc và lạng mỏng.
“Và nhớ lấy cái ngón tay của thằng ngốc kia,” ông bếp trưởng nói để kết thúc bài học, chuyển lại con dao sắc như lưỡi lam cho Mark. “Có thể rồi sẽ đến lượt anh đấy.”
Mark bắt đầu thận trọng thái quân xúc xắc những củ cà rốt, rồi rau cải Brucxen, loại bỏ những lớp lá ngoài rồ cắt mạnh ngang thân. Kế tiếp cậu chuyển sang tỉa và thái lát những cọng đỗ. Lại một lần nữa cậu thấy khá dễ dàng vượt lên trên những yêu cầu của ông bếp trưởng.
Cuối mỗi ngày, sau khi ông bếp trưởng đã đi khỏi, Mark ở lại mài sắc tất cả các con dao của cậu để chuẩn bị cho buổi sáng hôm sau và không rời khỏi khu vực làm việc của cậu chừng nào nó chưa sạch bóng không một tì vết.
Vào ngày thứ sáu, sau một cái gật đầu cộc lốc của ông bếp trưởng, Mark nhận thấy chắc cậu đang làm cái gì đó hơi đung đúng. Vào ngày thứ bảy kế tiếp cậu cảm thấy cậu đã làm chủ được những kỹ năng đơn giản của việc chuẩn bị rau quả và tự thấy bản thân mình trở nên hồi hộp, háo hức với những điều mà chính bản thân ông bếp trưởng theo đuổi. Mặc dù Jacques hiếm khi trò chuyện với bất cứ ai khi ông ta đi quanh quẩn mẫu đất của gian bếp ngoại trừ càu nhàu những lời tán thành hoặc phản đối – điều sau thông thường hơn điều trước – Mark nhanh chóng nắm bắt được các yêu cầu của ông ta. Sau một khoảng thời gian ngắn, cậu bắt đầu cảm nhận được cậu đang là một bộ phận của một đội hình – cho dù cậu quá biết bản thân mình chỉ là một anh chàng học việc mới được thu nạp.
Vào ngày nghỉ việc của ông bếp phó ở tuần lễ kế tiếp sau đó, Mark được phép trình bày những rau quả đã nấu trên những cái bát, đĩa và dành chút thời gian làm cho các món trông vừa hấp dẫn vừa ăn được. Ông đầu bếp không chỉ nhận thấy, mà còn đã thực sự thốt lên lời tán thưởng rộng rãi nhất của ông ta – “Tốt.”
Trong ba tuần lễ cuối cùng của cậu ở khách sạn Savoy, Mark thậm chí đã không nhìn lên tờ lịch treo trên đầu giường.
Một buổi sáng thứ năm, một thông điệp được chuyển xuống từ ông phó giám đốc. Mark sẽ phải trình diện tại văn phòng của ông ta ngay khi nào thích hợp. Mark đã hoàn toàn quên đi mất rằng hôm đó là ngày 31 tháng tám – ngày cuối cùng của cậu. Cậu cắt tư mười quả chanh, rồi hoàn tất việc chuẩn bị bốn mươi đĩa cá hồi hun khói được thái lát mỏng, hoàn thiện món ăn đầu tiên cho một bữa tiệc trưa phục vụ đám cưới. Cậu tự hào ngắm nhìn những thành quả của mình trước khi gấp tấm tạp dề lại và đi ra để nhận giấy tờ và món tiền thưởng cuối cùng.
“Thế anh nghĩ anh sắp đi đâu hả?” ông bếp trưởng hỏi, ngước mắt nhìn lên.
“Tôi xong xuôi rồi,” Mark nói. “Trở vể Coventry.”
“Thế thì gặp lại cậu vào thứ hai nhé. Cậu xứng đáng được hưởng những ngày nghỉ.”
“Không đâu, tôi sẽ đi về nhà mãi mãi,” Mark bảo.
Ông bếp trưởng dừng việc kiểm tra những miếng thịt bò hảo hạng dành cho món thứ hai của bữa tiệc cưới.
“Đi?” ông ta nhắc lại cứ như thể ông ta không hiểu cái từ đó.
“Đúng vây. Tôi đã kết thúc một năm của tôi và bây giờ tôi muốn trở về nhà để làm việc.”
“Tôi hy vọng cậu tìm được một khách sạn loại xịn nhất,” ông bếp trưởng nói thực sự quan tâm.
“Tôi sẽ không làm việc trong một khách sạn.”
“Có lẽ là một nhà hàng?”
“Không, tôi sắp sửa nhận việc làm tại Triumph.”
Ông bếp trưởng trông có vẻ bối rối trong chốc lát, không chắc có phải là do vốn tiếng Anh của mình có vấn đề, hay là chàng trai trẻ đang giễu cợt mình.
“Triumph – là cái gì thế?”
“Một nơi mà ở đó họ sản xuất xe hơi.”
“Cậu sẽ sản xuất xe hơi?”
“Không phải toàn bộ một chiếc xe, mà tôi sẽ lắp đặt những cái bánh xe.”
“Cậu cho xe hơi lăn bành?” ông đầu bếp nói đầy nghi hoặc.
“Không phải thế,” Mark cười to. “Cho bánh xe lên xe.”
Ông đầu bếp vẫn không chắc chắn.
“Vậy là cậu sẽ nấu ăn cho những công nhân xe hơi?”
“Không đâu. Như tôi đã giải thích đó, tôi sẽ lắp đặt những bánh xe lên những chiếc xe hơi.” Mark nói chậm rãi, phát âm từng từ một.
“Điều đó không thể được.”
“Ồ, có, được chứ,” Mark trả lời. “Và tôi đã chờ đợi cả một năm trời để chứng minh điều đó đấy.”
“Nếu tôi mời cậu công việc trợ lý bếp trưởng, cậu đổi ý chứ?” ông bếp trưởng hỏi khẽ.
“Tại sao ông làm thế?”
“Bởi vì cậu có tài năng trong những ngón tay. Với thời gian tôi nghĩ cậu sẽ trở thành đầu bếp, thậm chí có lẽ là đầu bếp cừ nữa cơ đấy.”
“Không đâu, xin cảm ơn. Tôi sắp phóng về Coventry để nhập hội với bạn bè của tôi.”
Ông đầu bếp trưởng nhún vai. “Tùy thôi,”… ông ta bảo, và không hề đưa mắt liếc nhìn thềm một lần, ông ta quay trở lại với những miếng thịt bò tươi ngon. Ông ta liếc nhìn những đĩa cá hồi hun khói. “Một tài năng phí hoài,” ông ta nói thêm sau khi cánh cửa xoay đóng lại phía sau lưng người được ông bảo trợ.
Mark khóa cửa, ném cuốn lịch vào thùng rác và quay lại khách sạn để giao nộp những bộ quần áo mặc trong bếp cho bộ phận quản lý. Động tác cuối cùng mà cậu thực hiện sẽ là trả lại chiếc chìa khóa phòng mình cho ông phó giám đốc khách sạn.
“Món tiền lương của anh, những tấm thẻ và khoản trừ thuế thu nhập của anh. À, và ông đầu bếp vừa gọi điện lên để bảo rằng ông ta sẽ vui lòng cấp cho anh một giấy chứng nhận tư cách làm việc,” ông phó giám đốc nói. “Không thể giả bộ là việc này xảy ra hàng ngày đâu đấy.”
“Không cần đến cái đó ở nơi tôi sắp đến đâu,” Mark nói. “Nhưng mà dù sao cũng xin cảm ơn.”
Cậu khởi hành ra ga với tốc độ mau lẹ, chiếc vali nhỏ trầy xước đung đưa theo nhịp bước chân, chỉ để thấy rằng mỗi bước chân lại thêm chậm chạp hơn. Khi cậu tới nhà ga Euston, cậu tiến tới Sân ga số 7, và bắt đầu bước tới bước lui, thỉnh thoảng lại ngó chăm chăm lên chiếc đồng hồ to vĩ đại phía bên trên quầy bán vé. Đầu tiên cậu dõi theo một đoàn tàu rồi một đoàn tàu khác lăn bánh rời khỏi sân ga hướng về Coventry. Cậu cảm thấy bóng tối dần bao phủ xuống nhà ga qua những bóng hình chiếu qua mái hiên kính xuống gian sảnh lớn mênh mông dành cho hành khách đợi tàu. Bỗng nhiên chàng trai quay người và rảo bước với tốc độ thậm chí còn gấp rút hơn trước. Nếu cậu khẩn trương, cậu vẫn kịp quay trở lại đúng giờ để giúp đõ ông đầu bếp chuẩn bị cho bữa tối đêm nay.
Mark được huấn luyện dưới sự chỉ bảo của Jacques le Renneu trong năm năm. Các món rau quả được nối tiếp bởi các món nước xốt, kế theo là gia cầm, thịt, bánh ngọt. Sau tám năm tại khách sạn Savoy, anh được bổ nhiệm làm đầu bếp thứ hai, và đã học được từ người thầy mẫu mực nhiều đến mức những khách hàng thường xuyên không thê biết chắc khi nào là ngày nghỉ của ông sếp bếp trưởng. Hai năm sau, Mark trở thành một đầu bếp bậc thầy, và đến năm 1971, Jacques được tạo cơ hội trở về Paris và nhận lãnh những nhà bếp của George Đệ Ngũ – một cơ sở đối với Paris có ý nghĩa như cửa hiệu Harrods với thành phố Luân Đôn – Jacques đồng ý, nhưng với điều kiện Mark đồng hành với ông ta.
“Chuyến đi ngược hướng với Coventry,” Jacques cảnh báo anh ta trước, “và trong mọi tình huống chắc chắn họ sẽ mời anh làm việc thay tôi tại khách sạn Savoy.”
“Tốt hơn tôi nên đi cùng với ông. Bằng không thì những kẻ ăn ếch nhái kia sẽ không bao giờ có được bữa ăn ra hồn đâu.”
“Những cái lũ ếch nhái đó,” Jacques nói, “sẽ luôn luôn biết khi nào là ngày tôi nghỉ việc đấy.”
“Đúng vây, và thậm chí họ còn đặt bàn đông đảo hơn nữa cơ đấy,” Mark trêu chọc, cười to.
Chẳng bao lâu, những người dân thành Paris tràn đến tiệm George Đệ Ngũ, không phải để nghỉ ngơi thư giãn cho cái đầu của họ mà là để tận hưởng tài nấu bếp của đội hình “hai bếp trưởng.”
Khi Jacques kỷ niệm sinh nhật thứ sáu mươi lăm, tòa khách sạn vĩ đại không cần phải tìm đâu xa để bổ nhiệm người kế vị ông ta.
“Người Anh đầu tiên làm bếp trưởng tại khách sạn George Đệ Ngũ,” Jacques nói, nâng ly rượu sâm panh tại bữa tiệc từ biệt của ông. “Ai mà tin được cơ chứ? Tât nhiên, anh sẽ phải đổi tên của anh thành Mark để tiếp tục giữ vững vị trí đó.”
“Cả hai điều trên đều sẽ không bao giờ xảy ra,” Mark bảo.
“Ồ, có chứ, bởi vì tôi đã gợi ý cho họ lựa chọn anh.”
“Thế thì tôi sẽ từ chối.”
“Sắp sửa lại cho xe hơi lăn bánh xe hả, phải không?” Jacques châm chọc.
“Không đâu, nhưng mà tôi đã tìm được một tiệm ăn nho nhỏ ở Left Bank. Chỉ với riêng số tiền tiết kiệm của tôi thì không đủ sức trả tiền thuê, thế nhưng với sự trợ giúp của ông…”
Nhà hàng Chez Jacques mở cửa trên phố Rue du Plaisir, Left Bank vào ngày mồng một tháng năm, 1982. Chẳng bao lâu sau các thực khách đã coi khách sạn George Đệ Ngũ là điều tất nhiên, bắt đầu chuyển đổi sự trung thành của họ.
Danh tiếng của Mark lan xa khi hai ông đầu bếp đi tiên phong “phong cách nấu ăn mới.” Không bao lâu, cách thức duy nhất để bất cứ ai có thể đặt được một bàn ăn tại tiệm ăn này trong thời gian không dưới ba tuần phải là một ngôi sao màn bạc hay một Bộ trưởng trong Chính phủ.
Vào ngày mà tổ chức Michelin trao tặng cho tiệm ăn Chez Jacques ngôi sao thứ ba thì Mark, với sự ban phước lành của ông Jacques, quyết định mở tiệm ăn thứ hai. Giới báo chí và các thực khách lúc này tranh cãi với nhau xem cơ sở nào xịn hơn. Sổ sách đăng ký thực khách cho thấy rõ ràng là công luận cảm thấy không hề có sự khác biệt.
Tháng mười 1986, khi Jacques mất vào tuổi bảy mươi mốt, các nhà phê bình tiệm ăn và nghệ thuật ẩm thực viết đầy tự tin rằng các tiêu chuẩn ẩm thực sẽ có xu hướng bị giảm sút. Một năm sau cũng chính những phóng viên nọ phải thừa nhận rằng một trong năm người đầu bếp vĩ đại của nước Pháp đã xuất thân từ một thị trấn ở miền trung du nước Anh mà họ không thể tuyên bố.
Sự ra đi của Jacques chỉ làm cho Mark mong mỏi thêm trở về quê hương của mình, và khi anh đọc được trong tờ Tin Điện Hàng Ngày về một tòa nhà mới sẽ được xây dựng ở khu Covent Garden, anh gọi điện thoại cho đại lý địa điểm xây dựng để hỏi thêm các chi tiết.
Nhà hàng thứ ba của Mark được mở cửa tại trung tâm thành phố Luân Đôn vào ngày 11 tháng hai, 1987.
Năm tháng qua đi, Mark thường xuyên trở về Coventry đê thăm nom cha mẹ. Cha anh đã về hưu khá lâu rồi, thế nhưng Mark vẫn không thể thuyết phục được cả cha lẫn mẹ mình thực hiện chuyến đi tới Paris và nếm thử những nỗ lực nấu nướng của anh. Nhưng giờ đây anh đã khai trương tiệm ăn tại thủ đô nước Anh, anh hy vọng thuyết phục được cha mẹ mình.
“Chúng ta chẳng cần phải lên tận Luân Đôn,” mẹ ông bảo trong lúc bày biện bàn ăn. “Anh luôn nấu nướng cho chúng ta mỗi khi anh về nhà, và chúng ta đọc về những thành công của anh trên báo chí. Dù sao đi nữa, đôi chân của bố anh không còn vững vàng như ngày nào nữa đâu.”
“Anh gọi cái này là gì hả, con trai?” cha ông hỏi sau đó vài phút, khi món thịt cừu băm viên được bao quanh bằng những củ cà rốt non được dọn ra trước mặt ông cu.
“’Phong cách nấu ăn mới’ đấy ạ.”
“Và người ta trả nhiều tiền cho nó?”
Mark cười to và ngày hôm sau chuẩn bị món ăn khoái khẩu của bố mình, món thịt hầm khoai tây với pho mát Lancashire.
“Này con, đó thực là một bữa ăn ra trò đấy,” ông cụ Arthur nói sau lần tiếp thứ ba. “Và ta cho anh biết đôi điều miễn phí nhé, chàng trai. Anh nấu món này ngon gần bằng mẹ anh nấu đấy.”
Một năm sau tổ chức Michelin công bố tên các nhà hàng trên toàn thế giới được tặng thưởng ngôi sao thứ ba đáng thèm muốn của họ. Tờ Thời Báo cho độc giả biết trên trang nhất rằng tiệm Chez Jacques là nhà hàng Anh quốc đầu tiên được hưởng vinh dự trên.
Để kỷ niệm phần thưởng trên, rốt cuộc cha mẹ của Mark cũng đã đồng ý thực hiện chuyến đi lên Luân Đôn, cho dù phải mãi đến tận khi Mark đã gửi đi một bức điện tín nói rằng anh đang xem xét lại một công việc ở công ty British Leyland. Anh phái đi một chiếc xe hơi để đón cha mẹ và sắp đặt để họ nghỉ tại một khu phòng khách sạn Savoy. Buổi tối hôm đó, anh giữ chỗ sẵn chiếc bàn được ưa chuộng nhất tại tiệm ăn Chez Jacques dưới tên của họ.
Xúp rau quả đầu tiên, theo sau là món bít tết và bánh nướng nhân bầu dục với một đĩa bánh mì phết bơ, kết thúc là bánh pútđinh. Đó không phải là các món dành cho những thực khách ăn cơm tháng buổi tối hôm đó, mà chúng được dọn ra để phục vụ những thực khách đặc biệt ở bàn số 17.
Với tác động của thứ rượu vang xịn nhất, ông Arthur nhanh chóng trò chuyện vui vẻ với bất cứ ai muốn nghe ông nói và không cưỡng được nhắc nhở người đầu bếp rằng chính anh con trai của ông là ông chủ nhà hàng này.
“Đừng ngốc nghếch như thế, ông Arthur,” bà vợ ông bảo. “Anh ấy biết rồi mà.”
“Một cặp vợ chồng thật đẹp đôi, cha mẹ ngài ấy mà,” ông đầu bếp nói với ông chủ của mình sau khi ông ta phục vụ cà phê cho hai cụ và mang cho ông cụ Arthur một điếu xì gà.
“Cha ngài làm nghề gì trước khi ông cụ về hưu? Chủ nhà băng, luật sư, hay thầy hiệu trưởng?”
“Ồ, không, chẳng có gì giống thế đâu,” Mark nói khẽ. “Ông ấy dành cả cuộc đời của mình lắp ráp những cái bánh xe vào xe hơi.”
“Nhưng tại sao ông cụ lại uổng phí thời gian làm công việc đó?” anh đầu bếp hỏi đầy nghi hoặc.
“Bởi vì ông cụ không may mắn có được một ông bố giống như ông bố của tôi,” Mark trả lời.
Hết
TRÊN THỰC ĐƠN
Tiến >>
Đánh máy: khachxa
Nguồn: vnthuquan-thuvienOnline
Được bạn: Mọt sách đưa lên
vào ngày: 29 tháng 2 năm 2012