ôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài gòn, nơi mà một thời mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông, nói là nói vậy cho oai chứ kỳ thực thời ấy từ thủ đô Sài gòn mà đi vào nơi tôi sinh sống cách nhau tròm trèm gần năm cây số, thậm chí đôi lúc từ ngữ trên báo chí ngày xưa trước năm 1975 người ta còn cho nơi đây là vùng ven đô, đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng thời ấy thật thanh bình, cái tình người thắm thiết chan hòa mà quả thật vậy vào những năm 1960 lúc ấy tôi còn là đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới sau những giờ học ở trường thì cả bọn con nít trong xóm tôi xúm xít bên nhau chơi những trò của con trẻ, thời bấy giờ trò chơi chủ yếu là những trò tiêu khiển tốn rất ít tiền như: đánh đáo bằng những đồng tiền loại 5 cắc có in nổi một mặt là Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng Hòa mặt bên kia là hình bụi tre là biểu tượng quốc huy, còn các đồng xu nhỏ hơn thì có hình cô gái đầu búi tóc thật cao trông thật khỏe mạnh, hoặc chơi trò năm mười mười lăm hai muơi..
Một hôm, sau cái màn tay trắng tay đen, thằng Thành là đứa bị nhắm mắt úp mặt vào tường để cho cuộc chơi được bắt đầu:
- Năm mười, mưòi lăm, hai mươi..., một trăm.
Nó xòe bàn tay và vỗ mạnh 3 cái vào vách tường, đồng thời đếm tiếp:
- Một hai ba, đứa nào chạy ra bị bắt ráng chịu.
Trong lúc thằng Thành đang năm mười thì cả bọn chúng tôi túa đi khắp nơi, đứa thì leo lên cây, đứa thì trốn trong chòm mả nơi có những ngôi mộ làm bằng đá ong cũ kỹ. Đứa thì lẫn mình vào mấy bụi tre, nhưng thường thì những bụi tre thì mấy đứa tụi tôi không thích trốn ở đây, vì đơn giản là dễ bị gai của Tre cào gây thương tích, khi tàn cuộc chơi về đến nhà thế nào cũng được ba má cho ăn bánh tét nhưn mây, thét rồi đứa nào cũng né chỗ trốn hắc ám đó hết, nhất là mấy đứa con gái trong xóm không bao giờ chúng bén mảng đến bụi tre, chòm mả do sợ ma, cứ như vậy đó con trai bọn tôi suy ra yếu điểm này nên tìm đến nơi sạch sẽ là xí được các cô nàng liền.
Tôi nhớ hôm đó thằng Cu, con của bà Mười Quán phá lệ, nó chui vào trốn trong bụi tre gai bên vệ đường mà không ai biết, nó nằm im thin thít trốn rất kỹ, cả bọn nhóc tụi tôi đều bị thằng Thành xí hết ráo, chỉ còn lại một mình thằng Cu là chưa thấy tăm hơi của nó đâu cả, bầu trời dần mờ tối những bóng đèn điện vàng vọt bắt đầu bật sáng bên đường, cả bọn lo lắng vô cùng, bỗng tiếng thằng Lập một đứa trong đám bạn nói rú lên:
- Ơi tụi bây! Có khi nào thằng Cu bị ma giấu không ta? mấy ngày trước tao nghe ba tao nói cái xóm đường đất đỏ của mình có ma đó.
Nghe thằng Lập nói đến đây tự dưng tôi thấy mình bị hiện tượng nổi da gà như có một luồng điện chạy tê rần nơi sống lưng, vì câu nói của thằng Lập nó trùng với câu chuyện chú Út tôi kể cho lũ trẻ trong xóm nghèo mỗi khi đêm về, chú kể rằng:
- Mấy đứa bây biết không, hồi đó thời người Pháp còn ở Sài Gòn mình chú cũng còn trẻ, ba của chú nói ngày xưa có bà Tám ngụ tại cái xóm chuồng Trâu, xóm này nằm gần chùa Giác Quang ở chợ Cây Thị, đặc biệt khi trời về khuya chừng khoảng mười giờ thì tiếng rao hàng ngọt ngào của bà Tám vang lên:
- Ai chè đậu đen, bột báng, nước dừa, đường cát trắng hông.
Có hôm bà Tám vừa đặt gánh chè đậu dừng lại nghĩ chân nơi mấy bụi Tre gai ven đưòng, tiếng rao lảnh lót của bà Tám vang lên mọi khi, đứa cháu gái nhỏ đi theo phụ bà Tám bán hàng, nhiệm vụ nó là cầm cái đèn bão loại đèn ngày xưa có bốn mặt kiếng chung quanh, có khi đuợc sơn thêm màu xanh, đỏ vàng lên kiếng để tránh chóa mắt người đi đường.đèn này dùng nhiên liệu là dầu hỏa mà dân miền nam hồi đó gọi là dầu hôi bên trong có sợi tim đèn bằng sợi bông chắc chắn, đèn phát ra ánh sáng vàng rất tiện lợi cho những người nghèo buôn gánh bán bưng như bà Tám, nó còn công dụng chống được những cơn gió lớn mà đèn không bị tắt nên người ta đặt tên cho nó là đèn bão, còn những tiệm quán sang trọng hồi đó thì xài đèn " Măng xông " loại đèn hiện đại của người Pháp du nhập vào Việt Nam, cũng xài bằng dầu hôi, nhưng có thiết kế cái bơm hơi làm tăng áp suất trong bầu đèn, khi đốt đèn thì nhờ áp suất này tim đèn cháy cho ánh sáng trắng khác với đèn dầu Hoa Kỳ một trời một vực.
- Gái Ba! Mầy đem đèn tới đây để dì Tám đảo lại nồi chè để nó khỏi bị khét coi con.
Con Gái Ba làm theo lời bà Tám, khi nắp nồi chè đậu được mở, khói ùa bay lên gió cuốn đi mang cái mùi hấp dẫn của nồi chè len lỏi vào những căn nhà lân cận ven đường, cũng nhờ vậy mà cả cái xóm đường đất đỏ nhỏ bé của chúng tôi là thân chủ hàng đêm của bà Tám.
Vơ cái vá khuấy nhẹ nồi chè, khi ngước nhìn lên thì đâu trước mắt bà Tám xuất hiện gần cả tiểu đội lính " Pặt tê giăng" súng ống đầy đủ, hình như họ đang đi làm nhiệm vụ gì đó, nghe mùi thơm lừng của nồi chè nóng hổi của bà Tám khiến họ không cưỡng lại được, sà xuống vây quanh gánh chè, cả bọn họ nói cười rôm rả vừa đưa miệng húp rồn rột, mới thoáng một chút mà mỗi chú lính thanh toán gọn ba chén chè vô bụng, chú Út còn nói tiếp nghe đâu có ông lính chưa đã thèm, còn lấy cái cà mèn mua thêm mang về đồn để ăn tiếp, ăn uống thỏa thê xong thì một người lính ra dáng là sếp móc tiền trả, ổng còn hào phóng " poa " luôn cho bà Tám phần tiền thay vì phải thối lại cho họ.
Nghe đâu nhờ cái " vía " của mấy ông Tây nên chỉ loanh quanh gánh đến đầu đường là nồi chè bán hết sạch. Bà Tám và gái Ba trở về nhà, gái Ba lui cui dọn dẹp rửa ráy chén muỗng còn bà Tám thì ngồi lọm khọm đếm tiền, vừa trút rổ tiền ra " Bộ đi văng " bà Tám thất kinh hồn vía la làng:
- Ma.. Ma bớ người ta có ma, gái Ba ơi..cứu dì..... với.
Bà Tám kêu được như thế rồi tự nhiên bà thấy hai quai hàm như có ai bóp chặt khiến bà trừng mắt không thốt thêm được lời nào. Nguyên nhân trong số tiền bà vừa trút ra thì gần phân nửa là giấy tiền " vàng bạc " một loại giấy tiền dùng cho người cõi âm do mấy ông ba Tàu ở Chợ Lớn phát hành.
Bà con lối xóm nghe tiếng la của bà Tám thì mọi người tông cửa nhà chạy đến rất đông họ tưởng nhà bà bị trộm cướp viếng thăm. Khi tỉnh hồn lại bà Tám mới kể kể sự tình và đoan chắc rằng tiền âm phủ này là do mấy chú lính khố xanh khố đỏ gì đó đưa cho bà.
Bà tám quả quyết:
- Mấy ông tây này chắc chết trận được chôn phía đồng mả ở cạnh cầu hang xe lửa cũng nên.
Chuyện ma cỏ hư thực thế nào không rõ, nhưng kể từ đêm sau bà Tám giải nghệ không bán chè đêm nữa, nghe đâu bà con trong xóm cũng buồn buồn vì từ đây không còn nghe tiếng rao hàng thân thương và cái mùi chè đậu đen nước cốt dừa đường cát trắng ngọt ngào thoang thoảng trong đêm nữa rồi, và cũng do ám ảnh cái rổ tiền vàng bạc hôm ấy nên bà Tám dọn nhà đi biệt xứ từ đó...
Vậy mà đêm ấy, thằng Cu con bà Mười quán nó trốn biệt ở đâu? mà có ma thật hay không? giả sử có con ma nào đó hiện ra lúc đó trước mặt chúng tôi thì tôi tin chắc rằng ít ra phải có một vài đứa té xỉu, một ẩn số mà lúc bấy giờ chúng tôi chỉ lò mò đoán già đoán non mà thôi. Con Hồng đứa con gái tham gia trò chơi được chúng tôi cử về nhà thằng Cu để báo hung tin:
- Bà mười ơi! Anh Cu chơi năm mươi với tụi con không biết ảnh trốn ở đâu tụi con tìm không ra. Tụi con sợ quá nên báo cho bà Mười nè.
Bà Mười hoảng hốt chạy đôn chạy đáo đầu trên xóm dưới để tìm cho ra thằng con quý tử của mình.
Tin thằng Cu mất tích, lời đồn đại nó bị ma giấu gây rúng động cho lũ nhóc trong cái xóm nhỏ này.
Thế là cả xóm, người cầm đèn cầy, kẻ cầm đèn dầu tìm tòi hết mọi nơi cuối cùng cũng thấy nó đang khò khò trong bụi tre gai.Nó mãi trốn cố giấu mình thật kỹ, rồi nằm mơ màng gặp những cơn gió thổi hiu hiu làm cho đôi mắt nó sụp mí hồi nào không hay, đến khi nghe tiếng kêu ầm ĩ của mọi người nó mới lòm còm bò ra khỏi cái bụi tre gai, bà Mười gặp nó bà mừng rơi nước mắt, nhưng cũng không quên gõ vào mông của nó hai cây roi mây kèm theo lời hăm:
- Còn chơi kiểu này lần nữa là má không cho mày đi chơi nữa, nghe chưa cái thằng kia.
Như biết lỗi, và ân hận đã làm mọi người hốt hoảng vì mình, thằng Cu tha thiết
- Con xin lỗi má, con không dám vậy nữa.
- Hứ chơi bời trốn tìm mà chui vô bụi rậm, ma nó chưa giấu bây thì rắn nó cũng cắn bây có ngày đó mấy con ơi.
Sau lần tai nạn đó bọn tôi thôi không còn chơi trò trốn tìm nữa. Còn nhiều nhiều trò chơi của tuổi thơ yêu dấu nữa như:nhảy lò cò, chơi u, chơi ăn ô quan, thả diều, đá dế, câu cá, chia phe đánh trận như những người lính chống chọi với quân thù, ngày đó trong đám tụi tôi đứa nào phải làm quân địch trong cuộc chiến thì y như rằng đứa nào cũng tiu ngỉu chấp nhận làm phe ác một lần đó thôi, nếu lần sau mà chơi trò đánh trận thì phải đổi phe lại cho công bằng, có mấy cô bác lớn tuổi biết chuyện này đã lên tiếng:
- Mấy đứa nhỏ coi vậy chứ tụi nó cũng biết phân biệt chánh tà lắm nghe, làm phe địch là xấu nên hỗng có đứa nào vui hết trơn hết trọi á.
Cái năm tôi thi đậu vào lớp đệ thất, cả nhà tôi ai cũng mừng rỡ, tháng đó sau khi lãnh lương của hãng xong, để khao tôi có được cái thành quả vừa qua trong học hành, chiều hôm nọ ba nói:
- Chiều nay ba thưởng cho xem phim cầu sông wai hay lắm, con nói thằng Lập, Thằng Kháng, với con Hồng nữa xin phép nhà nó cho đi chung với con luôn.
Nghe ba tôi nói cho mấy đưa bạn cùng đi xem hát bóng với mình tôi mừng ra mặt, mấy đứa ba tôi vừa kể tên cũng đạt kết quả tốt kỳ thi vừa rồi, tôi khẽ cám ơn ba và chạy nhanh đến nhà báo tin vui cho bọn nó, con Hồng mẹ nó đang bệnh nặng, ba nó thì đi chiến trường chưa về, ở nhà còn hai mẹ con hủ hỉ với nhau nên nó không đành lòng tìm niềm vui riêng cho mình.
Gần đến giờ hẹn, con Hồng mới lò dò đến nhà tôi, nghèn nghẹn trong lòng nó nói:
- Mấy anh đi chơi vui vẻ, coi hát xong về kể lại Hồng nghe cũng được mà. Má Hồng trở bệnh nặng, Hồng phải canh chừng má, chứ không thì....
Con Hồng nói giữa chừng rồi nó ù chạy ngay về nhà.Tôi kịp nhận thoáng qua đôi mắt buồn buồn của Hồng đã đỏ hoe ngấn lệ...
Ba tôi dẫn chúng tôi lội bộ ra đến đầu ngã ba đường để đón xe, chiều vẫn còn chút nắng, không khí oi nồng, hơi nóng vẫn còn hắt lên từ con đường nhựa nơi chúng tôi đang đứng chờ xe, thỉnh thoảng cũng có chút gió thổi nhẹ qua làm dịu bớt đi cái nóng bứt rứt trong người.
Chiếc xe Ngựa vừa tấp vô sau cái vẫy tay đón của ba tôi, chủ xe một người đàn ông luống tuổi, ông trạc cở tuổi ba tôi, mặc trên người bộ " Pi ja ma " màu đen có ba cái túi áo thật lớn, tôi thấy ông bỏ trong đó nào là thuốc rê, hột quẹt, giấy tờ gì đó, và túi ông đựng tiền nằm phía trên ngực. Chiếc nón nỉ đẹp đắt tiền ông hay giở lên chào khi có khách lên xe, một phong cách mà thời nay dễ gì còn gặp lại. Con ngựa thì mang cặp kiếng bằng da màu đen che hờ đôi mắt, nó chỉ quan sát được phía trước, không thể nhìn hai bên, sau này tôi khi đi xe quen thân với chủ xe ngựa thì ông mới giải thích:
- Sở dĩ che như thế cho ngựa khỏi giật mình khi có xe qua mặt nó, để nó không sợ mà gây ra tai nạn.
Trên đầu con ngựa ông gắn một chùm lông đuôi của gà trống trông thật oai phong, quanh cổ nó được đeo cái vòng lục lạc, mỗi khi ngựa phi trên đường nhựa, bốn vó gỏ lốc cốc hòa theo tiếng reo của lục lạc tạo thành âm thanh rất vui tai.
Sau này chúng tôi học năm đệ thất một trường gần chợ Bà Chiểu, đi riết thành mối của ông Tám xe Ngựa, trong đám tụi tôi chỉ có mình tôi là ông Tám ưu ái cho ngồi gần ông phía trước, vì ngồi vị trí này thòng hai chân xuống khỏi phải cởi giày, còn lũ bạn tôi thì lên xe phía sau phải cởi giày ra xỏ vào cái móc bên hông xe, đến nơi mới được mang giày lại như cũ vì trong lòng xe chật hẹp vả lại mang giày dép vào thì làm dơ tấm đệm lót dưới sàn xe thì không hợp vệ sinh cho lắm, đi xe Ngựa cũng lắm thú vui, nó cũng tròng trành như ghe gặp sóng lớn đôi khi Ngựa dở chứng khiến cả xe ai nấy mặt xanh như tàu lá chuối vì sợ rớt xuống đường do chú Ngựa tung 2 vó trước lên cao khiến xe nghiêng hẳn về phía sau...
Cuộc sống cứ thế êm ả trôi theo tháng ngày. Tôi còn nhớ, năm 1963 Sài gòn sục sôi những biến động, năm đó bên quân đội họ làm đảo chánh, trực thăng mang " rốc két " bay gần sát nóc nhà tôi, họ bắn đại liên trên máy bay hướng vào Dinh gia Long, vỏ đạn rớt lộm cộp trên mái tole nhà, cô bác chung quanh sợ hãi vô cùng, sợ sệt trong tình hình này vài gia đình tụ họp lại những căn nhà kiên cố trong xóm cùng nhau ở đó có gì xảy ra khi tắt lửa tối đèn có nhau thì yên tâm hơn, người lớn ai cũng trong dạ nao nao chờ đón thời cuộc, còn bọn con nít thì được dịp gần nhau thường xuyên thỏa thích chơi đùa, chúng tôi đâu có biết rằng cha mẹ chúng tôi đang rầu thúi ruột, thúi gan khi đất nước đang tranh tối tranh sáng của hai phe...
Rồi cuộc đảo chánh thành công, nền đệ nhị Cộng hòa hiện diện trên quê hương....
Năm 1968, một lần nữa Sài gòn cũng như cả nước, khói lửa tràn lan, tôi và gia đình cũng suýt chút nữa " tiêu diêu miền cực lạc " bởi một trái đạn cối rớt trước sân nhà, cũng may là chúng tôi trốn kỹ trong hầm ngầm dưới đất, nếu không thì không có cơ hội bây giờ ngồi đây ghi lại những hình ảnh thân thương đang mờ dần trong ký ức.
Rồi thì sóng gió cũng qua, đến giữa năm 1970 là năm đám trẻ con ngày xưa chúng tôi đến tuổi lên đường nhập ngũ làm bổn phận công dân trong thời chinh chiến.
Tôi, thằng Kháng, thằng Lập cùng vào lính một ngày. Buổi đầu tiên vào nơi tiếp nhận, ba đứa chúng tôi đều mang tâm trạng nhớ nhà kinh khủng, mặc dù mới rời khỏi tổ ấm gia đình chừng vài tiếng đồng hồ, nhưng đêm ấy với chúng tôi nó dài thăm thẳm. Nằm cạnh bên nhau chúng tôi tâm sự, tôi nói nhỏ vừa đủ cho thằng Lập và thắng Kháng nghe:
- Không biết chừng nào mới vô quân trường hả tụi bây? Rồi lăn, lê, trườn, bò nữa. Mà tao nghe nói ở quân trường cái chuyện tắm giặt khổ sở lắm, nghe mấy ông anh trong xóm mình đi lính về kể lại, mùa khô thiếu nước sinh hoạt lắm.
- Ôi hơi đâu mà lo mầy ơi, chừng nào cũng được, chuyện tắm giặt thì mày làm như vầy... như vầy...
Thằng Kháng cố tạo ra chuyện vui để chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhà, nó thì thầm bên tai tôi tưởng đâu nó hiến kế gì hay để có giải pháp tốt đối phó với khó khăn sẽ phải đối mặt sau này nên tôi chăm chú nghe, thằng Lập cũng xích lại gần cả ba đứa chúng tôi chụm đầu vào nhau trao đổi câu chuyện, bất chợt ai nhìn thấy hình ảnh này có lẽ sẽ để lại nhiều dấu chấm hỏi trong đầu, bọn này đang âm mưu gì đây?.
Thằng Kháng vừa hiến kế xong thằng Lập phá lên cười, nước mắt nó chợt trào nơi khoé mắt cũng bởi chuyện thằng Kháng bày vẽ cho tôi giống như chuyện tiếu lâm làm nó cười ngất ngưởng, khiến mọi người trong "sam" chăm chú hướng nhìn về chúng tôi. Riêng tôi thì đưa tay cốc vào đầu thằng Kháng một cái đau điếng kèm theo lời trách móc nó;
- Tao nói thiệt mà, vô đây mà mày còn giỡn được hả mậy, thôi khùng quá ông ơi.
Tôi còn co giò đạp thằng Kháng một cái nữa, sau này tôi ân hận với sự phản ứng quá trớn đối với nó.
Thằng Kháng nó bàn với tôi nếu sau này khi ra quân trường thụ huấn mà gặp phải cảnh thiếu nước sử dụng thì viết thư về kêu gia đình gửi lên cho cái thùng phuy loại 200 lít đục bỏ cái nắp trên rồi hứng nước mưa chứa vào đó thì coi như giải quyết được vấn đề thiếu nước, đúng là chuyện tiếu lâm không sai.
Ngoài trời bóng đêm dần bao phủ không gian, tôi thoảng nghe một vài tiếng kêu của lũ vạc bay đi ăn đêm, tiếng vo ve bên tai của lũ muỗi đói, cố dỗ giấc ngủ mà đôi mắt đứa nào cũng ráo hoảnh, ba đứa chúng tôi nằm im thin thít, mỗi đứa đang theo đuổi suy nghĩ riêng của mình, chợt thằng Lập nhìn vào mắt tôi nó hỏi:
- Bộ nhớ em Hồng phải không?
Thằng Lập nó gãi trúng chổ ngứa của tôi, như sợ quê với nó tôi nói:
- Gì mà nhớ với nhung, có chăng đi nữa thì cũng hết khóa huấn luyện thì may ra nhung với nhớ mầy ơi.
Thằng Kháng lúc này nó mới lên tiếng:
- Học ra trường xong về đơn vị mới, mầy kêu bác năm nói với thím Hai cho mầy với con Hồng Châu về hiệp phố cho rồi, ông bà mình nói cưới vợ phải cưới liền tay đó nghe mậy.
Nghe thằng Kháng nói như vậy, trong lòng tôi ngờ ngợ nhớ lại câu nói của Hồng cái hôm hai đứa hẹn nhau để nói lời tạm biệt:
- Anh Phương cố gắng làm tròn bổn phận công dân đi, ở Hậu Phương thiếu gì em gái nhỏ chờ đợi, duyên kiếp đều có số phần hết anh đừng lo nhé.
Câu nói đùa của Hồng khiến tôi không vui lắm, tôi ái ngại vô cùng và tự hỏi không hiểu Hồng có thể chờ đợi mình trở về hay không? Chiến trường bắt đầu sôi động trở lại, chiến sự ác liệt, tin tức dội về hàng ngày, có những chàng trai ra đi như tráng sĩ kinh kha, để rồi cũng có nhiều thiếu phụ Nam Sương chờ chồng trong mòn mỏi đợi chờ. Lần ra đi này tôi linh cảm chuyện tình yêu của mình nó có vẻ mang một màu sắc xam xám, đã vậy nghe thằng Kháng đốc thêm vào thì thật lòng mà nói trong lòng tôi như ngổn ngang trăm mối tơ vò.
Rồi thì ba tháng quân trường ở Dục Mỹ cũng xong, ba tháng dầm mưa dãi nắng, thao trường mồ hôi đổ, cả ba đứa chúng tôi đều được tiểu đoàn trưởng của Trung tâm huấn luyện tuyên dương tinh thần học tập, đêm cuối ở quân trường lần đầu tiên trong đời 3 thằng nhóc sợ ma ngày nào cùng nhau nốc bia liên hoan một buổi ra trò, đánh dấu buổi họp mặt cuối cùng ở cái lò luyện thép này, nơi đã un đúc tinh thần và thể xác chúng tôi thêm phần mạnh mẽ.
Rời trung tâm huấn luyện Dục Mỹ, chúng tôi lênh đênh trên biển, chiếc dương vận Hạm 505 rẽ sóng đưa chúng tôi trở về căn cứ Long Bình nơi hậu cứ của đơn vị chúng tôi phục vụ sau này. Ròng rã hai ngày hai đêm trên biển, trong lòng ai cũng nôn nóng mong về đến đất liền, qua hai ngày trên biển chỉ thấy mây, nước và đường chân trời, thỉnh thoảng cũng gặp vài đàn Hải âu bay lượn tìm thức ăn giữa biển trời bao la rộng lớn, lúc ấy thật sự chúng tôi mới cảm phục những người lính Hải quân, bởi họ cô đơn quanh năm với biển khơi mà họ còn chịu đựng được, với chúng tôi hai ngày trên biển như một cực hình vì không thể thích nghi với cái mênh mông của biển trời.
Đến hậu cứ Long Bình được một tuần, sáng nọ lệnh tập họp được ban ra, xe GMC đưa chúng tôi ra sân bay, từng chiếc trực thăng Chinook đưa chúng tôi vào bay vào vùng lửa đạn, mặt trận An Lộc Bình Long hiện ra bên ô kính tròn của chiếc phi cơ, thấp thoáng trong mây chúng tôi thấy rõ mồn một nơi xa xa những cụm khói bốc lên cao do những phi tuần ném bom nơi vùng hỏa tuyến. Hạ dần độ cao, Phi công rà sát chiếc Chinook trên đầu những ngọn cây cao su bên phi đạo, khiến cây lá ngả nghiêng xào xạc do sức mạnh của cánh quạt gây ra, khi phi cơ đáp xuống gần sát mặt đất, tiếng hô vang của nhân viên phi hành người Mỹ:
- Go out.. Go out....
Chúng tôi vụt lao ra khỏi chiếc chinook rồi chạy vào vạt rừng ven đường, cũng là lúc tiếng đạn pháo từ đâu nổ tới tấp, đất bị đào xới tung lên tạo những hố sâu hoắm, mùi thuốc pháo khét lẹt, không khí như mang nặng âm vang tiếng của lão Thần chết đang réo gọi hồn ai.
Tiếng phản pháo vang lên mội hồi lâu rồi cũng chấm dứt, trả lại sự yên tỉnh tịch mịch vốn có của núi rừng,
- Đại đội tập họp. Ngang dọc so hàng, 4 hàng dọc, đằng trước thẳng.
Tiếng khẩu lệnh của ông Thượng sĩ người có trách nhiệm đưa chúng tôi trình diện đơn vị mới đang hành quân nơi chiến trường.
Hàng ngũ xếp ngay ngắn, tôi tranh thủ liếc dọc liếc ngang quan sát nơi mình đặt chân trên chiến trường là nơi đâu, lòng tôi chợt bàng hoàng, trước mắt tôi có tấm bảng viết vội trên tấm ván ép mỏng manh hàng chữ Phi đạo Sa Cam, phía bên dưới là một nắm mộ đất dường như mới đắp gần đây thôi, trên cây thập tự giá bằng hai thanh gỗ thông của thùng đựng đầu đạn cối 81 ly ghép lại, ai đó viết lên hàng chữ thay cho mộ bia một dòng sơn đỏ như máu của người dưới mộ kia đã tuôn ra vì mảnh đất quê hương yêu dấu.
Nơi tạm yên nghỉ: Chuẩn úy.....đại đội...tiểu đoàn.... Anh dũng đền nợ nước ngày......tháng...năm..
Được chào đón bằng những tràng đạn pháo, được thấy những anh hùng ngã xuống nơi tuyến đầu cũng không làm chúng tôi sợ sệt chùng bước, thầm khấn vái vong hồn người sĩ quan bạc mệnh kia, ông hiển linh hãy dìu chúng tôi bước qua cho đến ngày tròn cuộc chiến. Như có một phép mầu, như thấu hiểu sự tôn kính với ông nên có thể ông ta đã che chở cho tôi thoát hiểm nhiều lần trong gang tấc.
Chúng tôi về đến bộ chỉ huy tại thị trấn An lộc điêu tàn đổ nát, được tập hợp lại, sau một hồi huấn thị, lựa chọn, phân phối cho các đơn vị tác chiến trực thuộc, tôi là người duy nhất được chỉ huy phó đơn vị chọn ở lại bộ chỉ huy làm công việc chuyên môn, còn những anh em cùng khóa học được đưa về các tiểu đoàn tác chiến.
Tôi chia tay thằng Lập, thằng Kháng, vậy là chúng tôi mỗi đứa một nơi, trong mắt đứa nào cũng đượm buồn lưu luyến, tôi vỗ vai hai đứa nó và cầm lấy bàn tay, ba chúng tôi xiết chặt tay nhau ngầm hẹn ngày nào đó cùng nhau về lại Sài Gòn khi đất mẹ bình yên..
Tôi cố chọc cười 2 đứa bạn thời niên thiếu:
- Tụi mình lại bắt đầu cuộc chơi năm mười nữa rồi đó, hai thằng bây đi trốn, và tao sẽ đi tìm...
Kỷ niệm xưa chợt hiện ra trong tâm trí, không hẹn nhau mà tự nhiên ba đứa nước mắt chạy thành dòng.
Đưa tay quẹt nước mắt thằng Kháng đáp lời tôi:
- Tụi tao đi đây, nhớ giữ sức khỏe nha, thư từ nhà có gì nhớ cho tụi tao biết với.
Nước mắt lại tuôn ra, ông Thượng sĩ già đứng gần bên thấy hết sự việc, hình như ái ngại điều gì ông ta nói:
- Ba đứa bây ở chung xóm với nhau hả, thôi đừng buồn, đóng quân cũng gần đây thôi, muốn gặp nhau dễ ợt hà, thôi đi đi kẻo anh em chờ.
Chiến trường vào mùa khô, mùa cao điểm của chiến trận, lao vào công việc hàng ngày, đối diện với nhiều cam go, có lúc tôi quên bẵng đi hai thằng bạn kia, quên cả cái gia đình ở Sài gòn, quên cả cái tình yêu bé nhỏ của Hồng, đứa con gái nết na thùy mị đùa vui trong quảng đời thơ ấu và tình yêu đến với hai đứa tôi tự hồi nào không hay.
Ba tháng sau, thư đi tin lại cho gia đình, cho người yêu. Lần này nhận lá thư của Hồng, không phải cái bì thư màu xanh hy vọng như những cánh thư trước, mà là bì thư màu trắng trinh nguyên, cũng là màu tang tóc, trong thư Hồng kể rằng:
- Anh Phương thương mến! Viết thư này cho anh, tuy tay thì cầm viết nhưng lòng thì không muốn, nhưng cuối cùng cũng phải viết cho anh, mẹ em ( Thím Hai ) mất tròn một tháng, ba em thì đơn vị báo tin mất tích, đất trời sụp đổ dưới chân em, gia đình lâm cánh túng bấn, may nhờ một người ân nhân đứng ra gánh vác mọi chuyện, và anh ta cầu hôn em thật chân tình sau lần lo tang chế cho mẹ, vì nghĩa em đành phụ anh, mong anh đừng buồn, hậu phương còn rất nhiều em gái khác. Anh nhớ giữ sức khỏe.
Tạm biệt.
Ngàn lần yêu anh, Hồng.
Đọc xong lá thư tôi không trách Hồng phụ bạc, nhưng tự trách mình vô dụng để vuột một mối tình trong trắng thơ ngay. Đổ vỡ trong cuộc tình với Hồng, thế là tôi gặp phải sự cô đơn như những chiến sĩ Hải quân dạo ấy, nhưng không phải cô đơn giữa biển khơi, mà tôi cô đơn giữa biển đời mênh mông vô định, sau vụ này tôi thẩn thờ cả năm thì vết thương lòng mới tạm liền da.
Buổi sáng nọ, đang loay hoay công việc, tôi nghe loáng thoáng phòng bên cạnh có tiếng sếp đang ra lệnh:
- Chiều nay xin trực thăng tản thương, chở mấy anh em thương binh ở ban quân y về Tổng y viện Cộng hòa, nhân tiện đem xác thằng Nguyễn công Lập, và thằng Dương văn Kháng về nghĩa trang quân đội luôn.
Tôi bỏ ngay công việc chạy nhanh qua Ban 3 hành quân, hỏi han một lúc thì đúng là hai thằng bạn thân thiết nhất trong đời tôi đã ra đi vĩnh viễn, thằng Lập chết trước thằng Kháng nửa ngày do bị sốt ác tính quật ngã nó. Còn thằng Kháng thì dẫm phải mìn khi đi hành quân, thân xác nó vương vãi khắp nơi, đồng đội nó gom lại được một ít thịt xương gói lại trong chiếc Poncho từng che chở nó trong những cơn mưa rừng lạnh lẽo.
Chiếc trực thăng sơn màu tang trắng, trước mũi, bên hông đều mang chữ thập đỏ đáp xuống, nó mang những thương binh và mang theo hình hài của hai đứa bạn tôi, cho đến khi chiếc trực thăng có danh hiệu " Nhân ái 95 "" chỉ còn một cái chấm nhỏ trên bầu trời vàng hoe nhuộm nắng cũng là lúc tôi thốt lên trong vô thức:
- Xí thằng lập, xí thằng Kháng.Một.Hai. Ba.
Tôi vỗ tay ba cái vào cái thùng Cô nét nơi lưu giữ xác của hai đứa bạn như vỗ vào vách tường của trò chơi cút bắt những ngày xưa./.
Hai Hùng SG
Nguồn: Tác giả VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: đưa lên
vào ngày: 9 tháng 6 năm 2015