Sài Gòn, có một "thế giới cháo", từ cháo trắng, cháo đậu xanh, cháo đậu đen đến cháo bầu dục, óc heo, cháo lòng, cháo thịt bì, cháo thập cẩm, cháo tiều... Nhưng chỉ hơn dăm năm trở lại đây, sự xuất hiện của cháo mực đã tạo sự thích thú cho người ăn và góp phần vào sự phong phú của thực đơn các món cháo.
Có thể xem cháo mực là món biến tấu của cháo huyết. Nhưng cháo mực đậm đà hơn và cách nấu cũng cầu kỳ hơn.
Có hai cách nấu cháo mực. Cách thông thường nhất là dùng mực khô, loại con nhỏ cỡ bàn tay, ngâm kỹ. Để bớt mùi nồng của mục, nước ngâm mực pha thêm một ít rượu trắng. Khi mực đã mềm, dùng kéo cắt sợi và cho vào nồi. Để nồi cháo mực ngon, phải nấu cháo bằng gạo ngon. Người nấu khéo canh lửa kỹ để hạt gạo mềm nhưng chỉ nở lúp búp, ngay cả huyết cũng vậy. Huyết cho vào nồi khi cháo đã gần chín, huyết phải còn nguyên vẹn theo hình khối, mềm tan trong miệng, nhưng không nhũn nát.
Có một cách nấu cháo mực khác phức tạp hơn nhưng hương vị mực đậm đà hơn. Người nấu chịu khó mua mực tươi về xẻ và phơi qua một nắng. Khi con mực bắt đầu quắt lại mới xắt nhỏ và cho vào nồi. Với cách nấu này nồi cháo mực sẽ thơm và ngọt lừ.
Ngoài mực và huyết, tô cháo mực phải có thêm da heo xắt nhỏ, tôm khô và giò chá quảy kèm gừng thái chỉ. Cháo phải loãng, lượng cháo rất ít để gây cảm giác lưng lửng, thòm thèm.
Cháo mực là món ăn có vẻ là của cư dân miền biển, nhưng thật ra là sản phẩm của vùng Đồng Tháp Mười. Ở vùng sâu Tả Hưng, Mộc Hóa... nơi xa chợ búa làng mạc, người dân ở đây có thói quen nấu bất kỳ thứ thủy hải sản khô nào với rau. Có thể là canh rau nấu với cá khô, tôm khô và cả mực khô. Ngay cả cháo cũng vậy. Ăn cháo cá đồng nhiều dễ ngán, bỏ thêm con mực khô vào để đỡ nhớ mùi đại dương. Món cháo nấu với mực đơn giản của Đồng Tháp Mười vô tình lọt vào con mắt xanh của một người sành ăn nào đó đã được nâng lên thành một thứ ẩm thực nơi đô hội.

Người Đăng:

Bình luận về Món Ăn "Cháo mực"