Món ăn này ra đời nhờ những người không muốn ăn thịt chó nhưng vẫn muốn thử cái hương vị cực ngon của thịt cầy chính hiệu. Trong gia đình muốn cải thiện bữa ăn, các bà nội trợ chẳng nên tiếc công nấu món này.
Cách chế biến cũng chẳng khó khăn gì. Một cái chân giò xách về lúc nửa buổi là xong, nhưng phải là cái chân giò sau mới "nây" thịt và mua thêm vài ba chiếc móng giò.
Hai thứ đốt lên cho vàng đều, sau đó cạo sạch, rửa kỹ. Phần thịt thái miếng bằng bao diêm. Phần móng chẻ đôi, chặt thành khúc nhỏ. Xong xuôi ướp mẻ lọc, mắm tôm rây và riềng củ giã nhỏ. Rưới tí nước hàng cho thịt đỡ nhợt rồi ướp gia vị ít nhất một tiếng đồng hồ cho đủ ngấu. Vài giờ sau trút cả vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp. Lúc đầu lửa to, sau khi sôi rút bớt lửa.
Cũng là một lối ninh nhưng khác với ninh xương cũng chẳng giống chân giò luộc ăn kèm bún bung mà phải ninh sao cho khi ăn còn có thể được gặm hoặc phải xé như đùi chó mới ngon. Nước giả cầy phải sền sệt để mỗi lần mở vung lại ngửi thấy một lần bốc thơm chẳng phải mùi thịt chó, cũng chẳng ra mùi thịt lợn mà là một thứ mùi riêng của thịt lợn giả chó mới tài tình.
Nấu xong, múc ra bát to ăn với bún Phú Đô (1), một loại bún có tiếng ở Hà Nội, cạnh bên là đĩa lạc rang nóng ròn còn vỏ áo. Người ăn tùy thích gắp nạc hay gắp mỡ, gắp sụn hay gắp xương của cái chân giò đã ninh kỹ, ăn kèm với những cuộng rau ngổ tươi non, mập mạp.

Người Đăng:

Bình luận về Món Ăn "giả cầy"