Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra đời.
Hương Cảng, trên núi, ngày 16-10-1949
Nhất Linh
Cuốn truyện dài Xóm cầu mới được Nhất Linh cho ra đời là do đề nghị của một người đàn bà đã khuyên ông từ bỏ chính trị để trở về với đời viết văn.
Trước khi nhắm mắt lìa đời vào ngày mồng bẩy tháng Bẩy năm một chín sáu ba Nhất Linh đã để lại mấy dòng chữ trên gửi đến người đàn bà "rất thân yêu" ấy, người bạn đời của ông, và cũng là người Mẹ của chúng tôi: bà Nguyễn Tường Tam, khuê danh Phạm Thị Nguyên.
°
Ảnh chụp: Lê Văn KiểmNhân ngày giỗ Mợ lần thứ hai mươi (mồng ba tháng Tư năm Nhâm Ngọ) chúng con, những đứa con còn lại của Mợ, cho tái bản cuốn Xóm cầu mới này và trang trọng in lời di chúc của Cậu, như thắp nén hương tưởng nhớ, biết ơn và vinh danh công đức của Mợ; người đàn bà tần tảo và đức hạnh đã hết lòng hy sinh cho chồng cho con mà suốt cuộc đời nhọc nhằn, vất vả chỉ sống với một niềm vui và hãnh diện qua lời ngợi khen của cụ Nguyễn Hải Thần: "Anh Tam nếu không có chị ấy thì không thể làm nên sự nghiệp này".
Nguyễn Tường Việt
Nguyễn Tường Triệu
Nguyễn Tường Thạch
Nguyễn Kim Thoa
Nguyễn Tường Thiết
°
Bèo giạt về đâu hàng nối hàng...
Huy Cận
Một cuốn Đông chu liệt quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của những nhân vật, những gia đình sinh hoạt ở trong một cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khi cầu gẫy và xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo với chiếc Cầu gỗ. Những đời "bèo giạt" đến tụ hội ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo dòng nước, không biết về đâu?
Nhất Linh.
°
Mở đầu
Xóm Cầu Mới
Xóm Cầu Mới là một cái xóm nhỏ ở cạnh một chiếc cầu gỗ cũ đã long mất gần một nửa số ván và gẫy mất gần một nửa số chân, cũng may ván long đều và chân cầu cũng gẫy đều nên cầu còn đứng vững và xe cộ còn qua lại được. Chiếc cầu gỗ sơn hắc ín và có lẽ từ lúc bắc đến giờ chưa sơn lại một lần nào.
Con đường qua cầu là một con đường đất, đi được ô tô con, chạy khỏi cầu đã dăm cây số thì dừng lại ở trên một bến đò không có phà qua sông, vì ở bên kia sông không bao giờ từng có đường. Ở đầu cầu, sở Lục Lộ mấy chục năm trước đã cẩn thận đóng một tấm biển báo là đường cụt, nhưng vì cái biển đã mọt và rơi từ lâu rồi nên thỉnh thoảng có ô tô đi lầm đường cứ phăng phăng chạy thẳng.
Người trong xóm, mỗi lần có ô tô đi qua, đều nhôn nhao cả lên vì đó là một sự rất hiếm có, trẻ con thì kêu la ầm ĩ, giơ tay đón mừng một cảnh lạ mắt. Không một ai muốn báo cho ô tô biết là đường cụt, cả xóm ai cũng xao lãng công việc, ngong ngóng đợi ô tô trở về. Vào quãng hai mươi phút sau, từ nhà nọ truyền sang nhà kia những tiếng reo mừng "Nó kia rồi!" "Đó nó về đó rồi!" Ô tô trở về bởi vì nếu không trở về thì chỉ còn mỗi một lối là đâm đầu xuống sông. Ô tô trở về chạy có vẻ hục hặc tức giận, nhảy chồm chồm trên con đường gồ ghề và cố tung thật nhiều bụi vào mũi những người dân xóm như để phạt họ và sở Lục Lộ. Dân xóm người thì lật vạt áo che mặt, người thì nhắm mắt bịt mũi, ngậm miệng nín thở; nhưng khi xe đi khỏi và bụi mù đã quang, họ nhìn nhau mỉm cười, trong mắt đầy vẻ vui tinh nghịch thấy những người trên xe đã bị lừa và bị tức.
Đời dân xóm liền với đời chiếc cầu nên bất cứ một tin gì lạ về chiếc cầu cũng làm họ thao thức và xôn xao bàn tán. Bốn năm trước có một người làm ở sở Lục Lộ, trong lúc vui câu chuyện, đã nói là sẽ sơn lại cầu. Sơn lại thì họ không cần lắm nhưng sơn tức là phải sửa chữa lại, dân xóm tán ra như vậy.
"Sơn tức là phải chữa lại cầu", câu ấy ròng rã bốn năm trời vẫn được nhắc đến luôn ở cửa miệng những người dân xóm, nghèo tiền nhưng rất giầu hy vọng hão.
Còn duyên do vì đâu lại oái oăm bắc một chiếc cầu vô dụng và đắp một con đường tắc tị thì không ai hiểu gì cả và sở Lục Lộ bây giờ có lẽ cũng không hiểu nốt.
Nhưng cũng nhờ có con đường tắc tị nên mới có chiếc cầu gỗ và nhờ có chiếc cầu gỗ nên mới có Xóm Cầu Mới.
Xóm Cầu Mới lập thành là do sự tiện lợi. Gia đình bác Lê là gia đình đầu tiên đến ở xóm. Hai mươi năm trước, nước sông Hàn lên to và chảy xiết, thuyền đánh cá của bác bị đắm và nhờ có chiếc cầu nên hai vợ chồng và đứa con đầu lòng sống sót; thuyền đắm đồ đạc mất hết, trời lại mưa to luôn mấy hôm. Nhờ có cái hốc ở cây đa nên gia đình bác Lê có chỗ tạm lánh. Ngay đêm đầu, bác Lê gái nằm mộng thấy có một bà tiên cho bác một cành hoa và dặn phải quét lá đa cho sạch. Cho là điềm hay, hai vợ chồng bàn đến việc ở hẳn dưới gốc đa. Bác Lê trai mấy hôm liền ra đứng ở cầu nhặt nhạnh các mảnh ván, tấm phên theo nước lụt trôi vướng vào chân cầu và dựng nên cái nhà đầu tiên của Xóm Cầu Mới.
Gần đây vì cả mạn sông Hàn bên Xóm Cầu Mới được mùa luôn, nên các bà cân gạo bên Phủ Lệ sang dựng rất nhiều quán cân gạo để đón mua trước của những người hàng sáo từ phía đó đi đến. Vì có các bà sang cân gạo nên mới có hàng bánh cuốn của cô Mùi, hàng cơm của bà cụ Yểng và nhờ có hàng cơm của bà cụ Yểng mới có gia đình ông Năm Bụng bán rượu lậu. Xóm lại gần Phủ nhưng vừa đủ xa để tiện việc nên có cả một nhà hát ả đào, và vì tiện nước nên có cả nhà bán áo quan.
Số đông dân xóm là những người ở nơi khác vì nghèo đói phải tha phương cầu thực rồi đến đấy thấy dễ làm ăn thì ở lại hẳn như những đám bèo giạt từ trăm ngả nước xa trôi về vương bám vào chân cầu. Hai người ở xa nhất đến có lẽ là hai cụ Huế Cả, Huế Hai; không biết duyên do gì hai cụ Huế nghèo như vậy mà từ ở trong Huế xa xôi đem nhau đến ở xóm; không ngày nào là hai cụ không cãi nhau và tiếng cãi nhau lanh lảnh bằng giọng Huế mỗi buổi chiều đưa vang khắp xóm nghe thực lạc loài, lạ tai.
Cả xóm không có một căn nhà gạch hay nhà gỗ nào. Toàn là những nhà tranh lụp xụp, xiêu vẹo; trông cũng cũ kỹ như chiếc cầu gỗ chỉ có cái tên là mới. Có mỗi một nhà bà Ký Ân cân gạo làm bằng gỗ lợp ngói thì lại ở cách xóm đến hơn trăm thước.
Cây đa của xóm người ta gọi là cây đa Cốc vì cốc ở khắp vùng thấy cây đa cao nhất và an toàn nhất đến đậu và ỉa trắng xoá cả lá cây. Người ở các nơi xa có việc lên Phủ thường vẫn lấy cây đa đó làm cái đích để biết được đường còn xa hay gần. Cây đa Cốc to đến nỗi "theo lời bác Lê gái nói đùa một cách nửa than phiền, nửa tự cao rằng sớm quét, chiều quét, quét đã gần hai mươi năm mà chưa hết lá.
Mở đầu
Tiến >>
Nguồn: Talawas
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 26 tháng 6 năm 2007