Nắng Thu

nhất linh

trong tự lực văn đoàn

I, II, III, VI

văn chương trong tự lực văn đoàn
i

Phong thấy trong lòng vui vẻ nhẹ nhàng. Không phải chàng vui vì lâu mới được thăm quê nhà, hay vì được lánh xa Hà - nội náo nhiệt về một nơi rộng rãi, yên tĩnh. Chàng vui vì lúc này, khi xe sắp đến cổng, chàng đã được thoáng thấy Trâm đứng trong vườn, sau giậu găng thưa, hình như có ý mong đợi chàng từ lâu.

Đã gần một năm nay, chàng mới được thấy mặt Trâm ; ở xa, chàng cũng vẫn đôi khi nhớ tới người bạn gái chơi bời thủa nhỏ của chàng, nhưng có về, có thấy đôi mắt Trâm khi nhìn mình, có thấy trong lòng mình vui vẻ một cách lạ thường, chàng mới biết là Trâm đối với chàng từ nay không phải chỉ là một người bạn.

Phong bảo người nhà cất đồ đạt đi rồi xuống dưới nhà ngang, một cái nhà gạch ba gian để xem lại cái buồng cũ của chàng. Lúc mở cửa buồng, mùi mốc xông lên lạnh lẽo, đủ chứng rằng đã lâu không ai vào buồng đó. Nhà rộng, mà ở đây chỉ có cụ Án - bà nội Phong - là thường ở luôn với hai đứa cháu nhỏ. Còn cha Phong hiện làm thương tá ở tỉnh T..., thì ít khi về tới nhà.

Phong bảo mở cửa sổ cho sáng và ngắm nghía cái buồng còn để dự định trước cách trang hoàng. Chàng muốn bày biện lại theo cách tối tân có vẻ đẹp đẽ và ấm cúng, vì lần này, chàng định về ở hẳn một năm để học thi nốt tú tài phần thứ hai.

Thấy lành lạnh trong người, Phong ra đứng tựa vào cửa sổ, chỗ có bóng nắng để sưởi cho ấm rồi vơ vẩn đưa mắt nhìn ra vườn. Một cơn gió thu thoảng đưa qua, đem lại cho Phong mùi của thơm của hoa mát nhẹ nhàng. Chàng thấy hương cau, lại nghĩ đến lọ nước hoa và một vài thứ đồ vật chàng đã mua sẵn để làm quà cho Trâm. Nhìn qua rặng na lá xanh non, thấp thoáng thấy nóc nhà gạch mới: đó là nhà bà hàn Đạm, mợ ruột của Phong, và mẹ nuôi của Trâm.

Con đường lát gạch bát tràng đi từ nhà Phong sang bên nhà bà mợ và dẫy bưởi nặng chĩu quả vàng lại nhắc Phong nhớ tới cái thời kỳ còn cùng Trâm trèo cây hái trộm quả trong vườn. Rồi lân la, Phong nghĩ tới Trâm một ngày một lớn, càng ngày Phong càng nhận thấy Trâm xinh đẹp hơn lên ;hai người, trong những khi nô đùa quá sỗ sàng đã thấy ngượng nghịu bẽn lẽn: chàng lấy làm sung sướng khi gặp sự gì nguy hiểm, chàng đã che chở cho người bạn gái dịu dàng và yên lặng. Chàng mỉm cười và lẩm bẩm:

- Người bạn yên lặng!

Là vì hồi mới lên tám, Trâm vấp ngã nên mắc bệnh cảm mà thầy thuốc bảo khó lòng chữa khỏi được. Có lẽ vì bệnh cảm đó mà Phong không bao giờ có điều gì có thể trách Trâm được, coi Trâm như một người bạn gồm đủ các tính nết tốt, có thiếu chỉ thiếu cái tính hay nói của đàn bà, con gái. Dẫu sao, Phong cũng ngẫm nghĩ thương cho Trâm bị tật, (song chính sự thương đó đã làm tăng cái cảm tình của Phong đối với Trâm, vì Phong có sẵn trong lòng tình thương những người đau khổ mà yên lặng không than vãn. Phong chỉ biết một cách lờ mờ rằng Trâm) là con một ông bạn của cậu chàng. Hồi Trâm mới lên ba tuổi, cha mẹ nàng đều mất và người cậu Phong đem về làm con nuôi và coi Trâm như con đẻ. Nhưng từ khi cậu Phong mất đi, thì Phong thấy mẹ mình đối đãi với Trâm một cách khác.

Có người nhà đem thau nước vào, chàng bảo đến trưa hãy dọn cơm vì còn đợi cụ An về chuyến xe lửa sau rồi chàng qua vườn sang chào bà mợ và để gặp Trâm.

Lúc đến sân thì (hai cô em họ của Phong), cô Nhung và cô Nga lên tiếng chào to:

- Kìa anh Phong đã về.

Hai cô rối rít như hai con chim, hỏi săn hỏi đón làm Phong cuống quít (không biết trả lời sao, có ý khó chịu, nhưng không dám lộ ra). Phong chào mợ, rồi bắt tay Viễn), người em trai họ, đương đứng bế đứa con nhìn mấy con chim bồ câu ăn thóc ở hiên.

Thẫn thờ Phong hỏi Viễn:

- Mợ ấy đâu?

Phong đưa mắt nhìn khắp nhà có ý tìm Trâm nhưng không thấy. Chàng muốn hỏi Trâm đi đâu và làm ra tự nhiên như khi hỏi vợ Viễn, nhưng không biết tại sao, chàng ngập ngừng không dám hỏi và sợ mọi người cho câu hỏi ấy là có ý. Chàng vờ đùa nói nựng vói đứa cháu bé, rồi một lúc lâu, chàng như vừa mới sực nhớ ra, thốt nhiên hỏi:

- À, còn cô Trâm đi đâu vắng?

Bà Hàn vội trả lời:

- Em nó ra sau vườn.

Phong như không để ý đến câu trả lời, hỏi sang chuyện khác, rồi nhận thấy tiếng Nhung và Nga cười nói ở ngoài vườn, Phong cũng theo hai em ra xem vườn cam. Phong nhìn thấy hai cô mặc hai bộ áo cùng một màu, nói đùa:

- Hai cô em tôi tân thời quá!

Rồi bỗng Phong đứng chăm chú nhìn, qua cành lá cây: trên cầu ao, một bóng người mảnh dẻ mặc áo nâu đứng soay lưng về phía chàng. Tuy không nhìn thấy mặt, tuy chưa được thấy Trâm mặc áo nâu bao giờ chàng cũng nhận thấy được người con gái có dáng thanh thanh đó là Trâm.

Tiếng Nga nói:

- Có lẽ quít đã có quả chín, để em tìm anh ăn thử, ngọt lắm.

Chàng cũng rẽ lá tìm, rồi đi hết cây nọ sang cây kia, lần lần ra đến bờ ao, chỗ Trâm đứng.

Trâm lặng lẽ quay lại, đôi mắt hoa thơ ngây nhìn Phong, Phong cũng đứng lặng đăm đăm nhìn nàng không chớp mắt.

Ánh nắng thu phấp phới trên lá cây rung động, cơn gió heo may thoảng qua giải trên mặt ao trong yên lặng một làn sóng gợn lăn tăn trắng. Phong thấy có cái cảm tưởng đã sống một phút thần tiên, sáng láng - chàng tê mê, không muốn nói một lời.

Một lúc lâu thấy Trâm cúi xuống nhắc cái rá gạo toan đi, Phong mới cất tiếng hỏi:

- Em Trâm vẫn được mạnh?

Câu hỏi bâng quơ ấy, và tiếng "em" chỉ dùng riêng đối với Trâm chàng cho là ngụ nhiều ý thân mật, âu yếm.

Vừa lúc đó, có tiếng bà Hàn gọi Trâm. Phong thấy tiếng gọi có nhiễm vẻ giận dữ. Trâm ngơ ngác, cắp rá gạo đi vội qua vườn về nhà. Phong cũng vờ gọi hai cô em họ lại bảo có nhiều quả đã vàng da.

Nga bĩu môi:

- Anh nói lạ, ở đây có quả nào chín, con Trâm nó đã chẳng tha. Mợ em mắng, mãi nó vẫn không chừa.

Nhung tiếp thêm:

- Bây giờ nó lớn, nó đổi hẳn tính, không ngoan ngoãn như trước nữa.

Phong thẫn thờ hỏi:

- Con Trâm bây giờ nó mười mấy rồi nhỉ?

Nhung đáp:

- Nó kém con Nga một tuổi, năm nay nó mười tám...

- Thế em Nhung bao nhiêu rồi?

- Em hai mươi.

Thật ra thì Nhung hai mươi tuổi, chàng cũng biết thế, nhưng chàng cũng nói đãi bôi:

- Tôi trông ba cô, chẳng biết cô nào xinh hơn cô nào, cô nào nhiều tuổi hơn cô nào?

Nhung cúi đầu bẽn lẽn sung sướng.

Phong muốn làm cho Nhung và Nga vui lòng, và đỡ có ác cảm với Trâm vì chàng biết hai cô em mình ghét Trâm không phải vì tính nết Trâm đổi khác, chính vì hai cô xấu mà Trâm đẹp.

Trong nhà có tiếng máy hát làm Phong ngạc nhiên. Nhung nói:

- Anh Viễn mới mua được hơn một tháng nay. Em vẫn bảo trong nhà có đủ cả: có cái máy nói, lại có cả con Trâm là cái máy không biết nói.

Rồi hai chị em tưởng nói được câu có ý vị, thích chí cười mãi. Phong cũng gượng cười theo.

II

Phong về nhà đã được một tuần lễ. Chàng định bắt đầu học sớm, nhưng không thể được, hết chạy nhẩy ngoài vườn, lại sang bên nhà mợ: chàng chỉ cốt gặp Trâm nói truyện, nhưng bây giờ không như trước nữa - Trâm luôn luôn mắc bận công việc và thường nhiều khi có ý tránh mặt Phong - Phong phải nói truyện với Viễn, câu truyện bao giờ cũng tẻ ngắt, vì hai người không cùng một tính tình.

Viễn trước cùng học với Phong một lớp, nhưng thi mãi không đỗ được bằng Sơ-học tốt-nghiệp, nên về ở hẳn làng, sống cái đời ao tù, uể oải, vô vị, hết ngày rỗng không lại đến ngày rỗng không - Phong cho cái thú ở đời là phải luôn luôn đổi mới, ngày tháng trôi qua linh hoạt như giòng sông chẩy- cho nên nói truyện với Viễn, Phong thấy chán – nản khó chịu.

III

Phong ngồi trong cửa sổ nhìn ra thoáng thấy bóng Trâm đứng hái lá bên cạnh bức tường thấp phân đôi hai nhà. Chàng cầm vội cái máy ảnh, chạy ra phía tường chỗ Trâm đứng, sẽ gọi:

- Cô Trâm.

Trâm đương hái lá rau ngót, giật mình quay lại, khi thấy Phong thì mỉm cười như có ý trách.

- Anh làm em giật mình!

Phong nói như để diễn ý ngầm của Trâm:

- Chắc anh làm em giật mình. Xin lỗi nhé. Em làm gì đấy?

Chàng hỏi xong mỉm cười vì thấy câu hỏi của minh quá ư vô-lý. Rồi chàng lại trả lời:

- Em hái rau ngót có phải không?

Phong lại mỉm cười lần thứ hai, vì thấy câu nói thứ hai của mình cũng vô lý chẳng kém câu hỏi trước, Trâm tưởng Phong không biết chắc là rau ngót nên gật đầu ra hiệu bảo phải.

Trâm lại cúi xuống hái, còn Phong chẳng biết nói truyện gì nữa, ngồi nhìn Trâm yên lặng. Một lát, chàng se sẽ gọi:

- Em Trâm.

Trâm lại ngửng đầu lên, đưa mắt hỏi. Phong vừa giơ cái máy ảnh vừa nói:

- Em bỏ đấy, chốc nữa hái. Sang đây chụp ảnh đi!

Thấy Trâm lưỡng lự, chàng nhẩy sang đỡ lấy cái rá rau của Trâm. Trâm lấy tay chỉ vào đầu tóc và quần áo. Phong hiểu ý, nói:

- Không sao. Làm quái gì cái vật ấy. Sang đây!

Trâm nhìn Phong ngẫm nghĩ một lát rồi mỉm cười, gật đầu.

Hai người chui qua rặng na, vòng ra phía sau. Nhìn Trâm thấy vẽ mặt nàng hớn hở, Phong tưởng sống lại mấy năm trước, hồi còn cùng Trâm tự do đùa nghịch. Lúc ra đến phía bờ sông Phương, Phong nói:

- Anh còn nhớ độ nào em câu được con cá diếc ở sông này.

Tuy chỗ Phong và Trâm đứng đã cách nhà một cái vườn mà Trâm cũng đưa mắt nhìn quanh xem có ai trông thấy mình không.

- Chỗ này đẹp lắm!

Phong vừa nói vừa rút cái máy ảnh ở trong hộp ra. Chàng bảo Trâm đứng tựa lưng vào gốc cây sung già và bảo đứng cho tự nhiên. Thấy Trâm đứng thẳng nhìn chăm chú vào ống ảnh, hai tay bỏ thõng, không có vẻ gì tự nhiên, Phong bật cười, chạy lại gần cầm lấy tay Trâm đặt lên cành sung.

Nhìn thấy Trâm đầu bù tóc rối, áo đã bạc cả hai vai, tay đã sàm sạm đen vì làm lụng nhiều, Phong bùi ngùi thương hại.

Phong lùi về chỗ cũ để chụp, nhưng hễ sắp chụp thì Trâm lại đưa tay lên sửa mái tóc, thành thử hỏng đến ba, bốn cái kính. Phong gắt đùa.

- Nếu cô còn động đậy nữa thì tôi trói cô vào gốc sung tôi chụp đấy.

Bỗng Phong như sực nhớ ra điều gì bảo Trâm:

- Em đứng đấy một lát, anh chạy về lấy cái này, anh ra ngay.

Phong về đến buồng vội mở tủ tháo cái gói trong có một lọ nước hoa, một hộp phấn và sáu cái khăn lụa thêu. Chàng lưỡng lự một lúc rồi cất phấn và nước hoa đi, bỏ khăn vào túi và cầm lấy cái chân gọng ống ảnh, chạy ra vườn.

Đồ đạc trong cái gói, chàng định đem về làm quà cho Trâm, nhưng chàng không ngờ nay Trâm phải làm lụng khổ sở, vì vậy chàng không dám cho Trâm phấn và nước hoa, sợ làm Trâm tủi thân.

Lúc ra, Phong không thấy Trâm đâu. Đương ngơ ngác nhìn vào trong vườn thì bỗng có tiếng cười trong trẻo bên mình. Phong quay lại thấy Trâm ngồi ẩn bên gốc chanh, tay còn cầm cái máy ảnh, Phong chạy lại ngồi bên cạnh rồi lấy khăn ra đưa cho Trâm, âm yếm nói:

- Đây, quà Hà-nội mua về cho em đây.

Trâm thấy Phong cho mình khăn có ý ngượng nghịu, bẽn lẽn, hai con mắt luôn luôn chớp. Lần đầu nàng nhận của Phong một thứ quà mà nàng biết mang máng rằng không phải một thứ quà thường của ngươi bạn: nàng như cảm trước thấy một sự gì to tát sắp sẩy ra, tuy rằng nàng không biết rõ sự đó là gì.

Phong cũng đoán được nỗi e lệ của Trâm, thấy Trâm lưỡng lự vân vê mấy cái khăn trong tay, nên chàng làm ra vẻ tự nhiên nói:

- Lần này thì em không động đậy được nữa, vì có anh đứng bên, hễ em động là anh trói em lại...

Rồi Phong đứng sát bên Trâm. Hai ngươi lặng yên đợi. Nghe thấy tiếng "tách". Phong bảo Trâm:

- Xong rồi.

Trâm lấy làm ngạc nhiên vô cùng, nàng không ngờ đâu đã đứng chụp ảnh chung với Phong.

IV

Phong loay hoay mãi với cái khung phơi ảnh. Chàng cho giấy xuống dưới kính để phơi trên thành tường bao lơn, rồi đứng đợi dưới bóng mát hơi lạnh của một cây bưởi đầy quả. Phong vui mừng vì kính rõ lắm, thế nào cũng được bức ảnh đẹp tặng Trâm. Chàng mỉm cười nghĩ đến vẽ mặt ngạc nhiên của Trâm khi thấy trong ảnh có cả hai người.

Thoáng thấy bóng người con gái mặc áo tím nhạt đi qua sân, Phong đã ngờ là Nga hay Nhung, toan lấy khung ảnh cất đi, nhưng nhìn lại thì hóa ra Trâm. Chàng sẽ gọi và lấy tay ra hiệu bảo Trâm đến gần.

Trâm nhẹ nhàng đi lại, vẻ mặt vui tươi, chiếc áo nàng mặc đã cũ kỹ nhạt màu, nhưng dưới ánh nắng thu trong, Phong không nhận thấy, chàng chỉ nhận ra rằng Trâm đẹp hơn lên; mà Trâm trang điểm cho đẹp hơn lên là vì chàng.

Phong nhìn Trâm đăm đăm làm nàng thấy ngượng nghịu, không được tự nhiên trong chiếc áo mặc hơi chật. Cái áo ấy may từ hai năm trước và đó là di tích của cái đời sung sướng năm xưa. Thoáng trong một phút, hai người sống trở lại những ngày đã qua.

Phong nghiêng đầu ngắm Trâm, nói đùa:

- Em tôi hôm nay trang điểm tệ... Nào xem ảnh có xứng với người không nào.

Phong lật ảnh nhìn thấy đã rõ hình, liền quay lại bảo Trâm:

- Bây giờ em nhắm mắt lại, bao giờ tôi bảo mới được mở.

Trâm ngoan ngoãn hết sức nhắm nghiền mắt lại, Phong bật cười:

- Nhắm vừa thôi, việc gì phải cau lông mày lại như người uống thuốc độc thế kia?

Trâm lâu không thấy Phong bảo gì liền mở bừa mắt, ghé trông qua vai Phong đương mải cúi nhìn bức ảnh. Trâm xem xong đứng lặng người ra; là vì thoáng thấy cái ảnh hai người đứng sát nhau, nàng có cái cảm tưởng là lạ như là ảnh một cặp vợ chồng mới cưới mà nàng vẫn thường được thấy treo trên tường. Trâm yên lặng quay gót đi xuống vườn. Phong gọi giật lại.

- Em không xem ảnh à?

Bỗng chàng buột tay, chiếc ảnh rơi ra rồi theo gió bay về phía Trâm. Chàng chạy vội theo.

Trâm vừa đi đến đấy cúi xuống nhặt thì chàng cũng vừa tới nơi. Vô tình, bàn tay chàng đặt lên bàn tay Trâm. Nhưng vô tình tự nhiên thành hữu ý, chàng không hiểu sao lúc ấy chàng thấy sự tình cờ đó như đã dự định trước. Chàng nắm lấy tay Trâm, trong người nóng bừng, lúc mắt nhìn Trâm thì cũng vừa gặp Trâm đưa mắt nhìn mình.

Phong không biết hai người yên lặng như thế trong bao lâu. Thấy Trâm giật tay ra đi thẳng ra vườn, chàng cũng chạy theo như người không hồn.

Một cơn gió thổi mạnh, từng chùm lá lấm tấm ánh sáng chốc chốc đưa tạt vào mặt Phong. Chàng thấy Trâm chạy trước mình, thoáng thấy khi hiện khi khuất. Tiếng gió rào rào trong lá cây làm Phong không nghe thấy tiếng thở hồi hộp và không nhận thấy tiếng đập mạnh của trái tim mình.

I, II, III, VI

Tiến >>

Đánh máy: Thanh Vân, Bản
Nguồn: Nhà Xuất Bản Phượng Giang 1952
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 26 tháng 10 năm 2020