Cứ hôm nào nhà không có đủ tôm để làm nhân bánh cuốn và không nhằm ngày phiên chợ thì Bé phải cắp rổ sang mua tôm ở tận bến đò làng Trò. Những ngày như thế ít khi xảy ra nên buổi sáng nào thấy nhà không có tôm là Bé bắt đầu mong chóng đến giờ cô Mùi về nhà để Bé đi mua tôm và gặp anh Đỗi chở đò và bán tôm.
Bé và Đỗi gặp gỡ nhau lần đầu tiên, cách đây đã gần nửa năm. Gặp lần đầu, Bé để ý ngay đến Đỗi vì Đỗi đã để ý ngay đến con mắt của nàng. Bé đứng trên bờ cất tiếng hỏi mua tôm, nhưng Đỗi hình như không nghĩ gì đến việc mua bán. Đỗi thấy có con gái đến mua tôm có đôi môi xinh và tươi nhưng mắt vì có khăn che nên chàng không biết ra sao. Đỗi nhìn vào chiếc khăn trắng che mắt rồi lại cúi đầu để cố tìm hai con mắt dưới khăn nhưng tìm không thấy; chàng cất tiếng hỏi:
- Đau mắt à?
Bé mỉm cười vì thấy anh chàng bán tôm lại tự nhiên hỏi về đôi mắt đau của mình; nàng đáp:
- Trông thì biết.
- Nhưng chẳng trông thấy gì cả.
Rồi Đỗi vẫy Bé bảo xuống thuyền:
- Xuống đây.
Bé chưa biết nghĩ sao nhưng giọng nói của Đỗi thẳng thắn, quả quyết làm cho Bé phải nghe theo và xuống thuyền mặc dầu lúc đó bến đò vắng không có ai.
- Lại gần đây. Ngồi xuống người ta xem cho.
Rồi Đỗi cũng ngồi sát bên cạnh Bé. Đỗi hình như chỉ để ý đến con mắt nên chân Đỗi dẵm lên cả chân Bé, Bé phải vội vàng rút chân mình ra. Đỗi giơ tay từ từ nhấc miếng vải trắng lên, nhìn một lúc:
- Hừ, đau nặng. Đau từ bao giờ rồi?
- Chẳng biết đau từ bao giờ!
Đỗi mỉm cười:
- Đau mà không biết đau từ bao giờ. Rõ ngớ ngẩn.
Bé cũng mỉm cười:
- Nhà bác mắng tôi đấy à?
- Thế nhà chị có ngớ ngẩn không?
Tuy mới gặp có mấy phút mà hai người đã thấy như thân nhau từ lâu.
- Tồi không đùa nữa. Để tôi xem cho, đau lâu không khéo đau mắt hột.
Bé hốt hoảng:
- Đau mắt hột thì sao?
- Đau mắt hột thì mù, chẳng sớm thì muộn, mà thuốc của tôi cũng chịu không chữa được. Nào đưa mắt đây...
Rồi Đỗi lật cả hai mi mắt trên của Bé lên xem: thấy không phải đau mắt hột chàng lại cho hai mi mắt xuống. Bé lo sợ, quả tim đập mạnh; Đỗi đã buông tay ra rồi mà nàng vẫn còn ngửa mặt, mắt nhìn ngược lên trời và hai làn môi hé mở, hồi hộp đợi. Bỗng Đỗi lặng người nhìn Bé; không phải chàng thấy Bé đẹp nhưng chàng thấy cả người Bé tỏa ra một thứ gì nồng nàn, hơi là lạ mà chàng ưa thích, thấy hợp với mình lắm. Chàng để mặt mình sát gần thêm mặt Bé, ngây ngất về mùi tóc, mùi da thịt và nhất là về hơi ấm ở cô, ở vú nàng đưa nhẹ lên có vẻ thân yêu ngay. Đỗi khẽ đưa bàn chân mình dẵm lên chân Bé, nhưng lần này không phải vô tình. Chàng lại giơ hai bàn tay lên để ngón tay vào mắt nhưng lần này không phải để xem mắt mà chỉ cốt cho lòng bàn tay được áp vào hai má mịn màng và nóng của nàng.
- Không phải đau mắt hột, may quá.
Rồi chàng bỏ tay ra, sợ để lâu Bé sinh nghi.
Bé vui mừng nhắc lại câu của Đỗi:
- May quá nhỉ.
Đỗi nói:
- Đau mắt này thì tôi chữa được.
Nhưng giọng Đỗi đã mất vẻ tự nhiên lúc đầu. Thực tình mới trông thấy Bé, chàng chỉ nghĩ đến một người đau mắt mà chàng muốn thử cái môn thuốc lá riêng của chồng.
Trước kia, Đỗi cũng đau mắt ròng rã đến sáu bảy tháng và đã chữa đủ mọi thứ thuốc. Nhà nghèo lại tốn nhiều tiền mà mắt vẫn không khỏi, chàng ra vườn sau gặp lá gì hái lá đó, đem về giã rồi đắp lên mắt:
- Một là khỏi hai là mù thì mù quách đi.
Hôm sau mắt chàng đỡ; chàng lại ra vườn hái đúng những lá ấy đem về đắp, trong vòng năm hôm bệnh khỏi hẳn. Từ độ ấy, hễ gặp ai đau mắt chàng lại đem thử thuốc và cũng có một vài người khỏi, chỉ trừ đối với những người đau mắt hột thì thuốc lá của chàng vô công hiệu: vì thế hễ gặp ai đau, muốn thử thuốc lá của chàng, bất kể đàn bà con gái; việc đầu tiên của Đỗi là vạch mắt, uốn mi xem. Còn đắp bằng những thứ lá gì thì chàng giấu kín vì nghĩ nếu chữa khỏi nhiều người chàng sẽ lấy tiền.
Đỗi ngồi kể hết ra với Bé và cả cái hy vọng của chàng được trở nên một ông lang chữa mắt.
- Giỏi hơn cả ông lang Hàn nữa. Rồi chị xem. Bây giờ ngày nào nhà chị cũng đến đây, tôi đẳp lá chỉ năm hôm là khỏi. Khỏi thì thích biết bao, không cần phải lúc nào cũng che khăn...
Đỗi mỉm cười nhìn Bé rồi tiếp theo:
- Chẳng ai nhìn được mắt mình.
Đỗi thích trí tìm được câu có nghĩa ngầm: ai đây tức là chàng và mình đây là tiếng thân yêu chàng gọi Bé.
Bé thì không chú ý đến chỗ đó nàng hỏi:
- Ngày nào cũng đến đây? Sao nhà bác không bảo tôi hái lá gì, tôi ở nhà đắp tiện hơn.
Đỗi đáp, tiếng tự nhiên nhỏ hẳn đi như là sợ có người người nghe thấy:
- Đối với đằng ấy thì tôi cũng chẳng cần giấu nhưng sợ đằng ấy đi hái lá người ta biết mất. Vậy thế này thì tiện, chiều nào cũng giờ này đến đây tôi giã sẵn lá chỉ việc đem về đắp. Chiều nào cũng đến nhé?
Bé hỏi lại:
- Chỉ năm hôm là khỏi?
- Cái đó chị cứ tin ở tôi.
Bé sung sướng thầm cảm ơn anh chàng bán tôm mà nàng cũng bắt đầu thấy hơi mên mến.
- Thích nhỉ, chỉ năm hôm?
Bỗng Bé lặng người, nhấc một bên mép khăn nhìn Đỗi. Nàng vừa nhận ra là chân Đỗi lại dẵm lên chân nàng. Nhưng lần này, Bé để yên không rụt chân lại.
Ngày hôm sau Bé đến thì Đỗi đã để sẵn một gói lá giã ở thuyền. Chàng lại bảo Bé ngồi xuống bên cạnh và nói:
- Cho tôi xem.
Bé ngoan ngoãn nhấc hai mép chiếc khăn lên để Đỗi xem mắt; nhưng Đỗi “nhìn” chứ không xem vì hôm nay đã có gì khác hôm qua đâu mà phải xem. Bé lại thấy chân Đỗi dẵm lên chân mình.
Cứ như thế luôn năm hôm mà mắt Bé vẫn không đỡ chút nào. Đỗi bảo Bé cố chữa thêm năm hôm nữa. Bé chỉ thất vọng là mắt không khỏi, chứ chữa thêm năm hôm hay mười hôm nữa Bé cũng không ngại. Bé đã bắt đầu thấy thinh thích mỗi khi chân Đỗi đặt lên chân mình song nàng vẫn làm như mải về con mắt, không biết tới chỗ đó.
Mỗi lần đến là Bé ngồi ngay xuống cạnh Đỗi và không cần Đỗi bảo, nàng đã nhấc chiếc khăn lên để hở mắt cho Đỗi xem. Nhưng bây giờ thì về phần riêng Đỗi, Đỗi biết là mình không xem xét gì cả và về phần riêng Bé, Bé cũng không phải giơ mắt cho Đỗi xem. Trong một lúc, hai người “nhìn lẫn nhau”. Hai người đường hoàng nhìn nhau ở một nơi vắng người mà không ai thẹn ngượng cả.
Dần dần hai người sau khi “nhìn lẫn nhau” xong, cũng không nói đến đau mắt và thuốc đau mắt nữa. Họ nói đến những chuyện xa gần đâu đâu, hay có khi cũng không cần nói chuyện gì. Sau khi nhìn nhau và sau khi chân Đỗi đã đặt lên chân Bé một lúc khá lâu thì Bé đứng dậy cầm gói lá giã, chào Đỗi đi về. Đến hôm thứ mười, Đỗi mới hỏi Bé:
- À quên, đằng ấy tên gì.
- Thế còn nhà bác tên gì?
Mặc dầu Đỗi gọi Bé là “đằng ấy” ngay từ đầu mà Bé cũng chưa lần nào dám gọi Đỗi là “đằng ấy”. Hai người hỏi nhau thế nhưng cũng không nói tên của mình ra. Lúc Bé đứng dậy ra về, mặc dầu đã biết ngày hôm ấy là ngày thứ mười chàng cũng cứ bảo Bé:
- Mai lại đến.
Quả nhiên ngày hôm sau Bé lại đến. “Bé đến tức là Bé đã ưng mình”, Đỗi nghĩ thế và hôm ấy bạo dạn hơn mọi ngày. Bến đò vắng người vì giờ ấy ngày nào cũng ít người qua lại. Cũng như mọi lần, chàng xem mắt và để chân lên chân Bé. Một lúc lâu sau, bỗng Bé tự nhiên quay mặt cúi nhìn xuống nước sông; nàng vừa nhận thấy mấy ngón chân Đỗi ấn xuống chân nàng rồi lại khẽ nhấc lên rồi lại ấn xuống, ấn rất nhẹ nhưng nàng cũng nhận rõ. Nàng thấy cả người nóng ran, nóng từ đầu ngón chân nóng lên. Người nàng phiêu phiêu và quả tim như ngừng đập. Bé lo sợ và đứng thẳng ngay lên:
- Thôi tôi đi về, thuốc đâu?
Đỗi cũng rụt mau chân lại, quả tim vẫn còn hồi hộp:
- Hôm nay quá mười ngày rồi.
Bé nói nhanh mắt vẫn nhìn xuống sông:
- Mai tôi không phải lại nữa.
* * * * *
Từ hôm ấy Bé không đến nữa cách những dăm ngày sau, nhà không có tôm lại không gặp ngày phiên chợ, Bé lại phải sang bến Trò, nàng thấy mình vui sướng khi cắp rổ ra. Mới lờ mờ trông thấy Đỗi đằng xa, Bé đã vội nói ngay:
- Hôm nay tôi sang để mua tôm.
Đỗi cũng sung sướng nói to:
- Hôm nay tôi có nhiều tôm lắm.
Khi Bé đến bờ sông, Đỗi bảo:
- Xuống đây tôi xem mắt cho. Cách mấy hôm có khi đỡ đi chăng?
Giọng chàng tự nhiên và thẳng thắn như lần đầu tiên và Bé cũng thấy việc ấy rất tự nhiên: nàng ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Đỗi lật khăn lên cho Đỗi xem mắt. Nhưng lần này Đỗi xem thật, chứ không phải “nhìn” và Bé ngạc nhiên không thấy Đỗi dẵm lên chân mình. Xem xong Đỗi nói:
- Đã đỡ được một tí.
Thế rồi cứ hôm nào có dịp mua tôm là Bé lại đến. Tuy ngày nào cũng vậy, cứ độ bốn giờ cô Mùi về nhà rồi là Bé đóng cửa hàng không có việc gì làm nữa, muốn đi gặp Đỗi lúc nào cũng được nhưng chưa một lần nào nhà có tôm mà Bé dám đi.
Có một lần, lâu không thấy Bé sang, Đỗi nhờ mẹ chở đò thay, đánh bạo ra xóm Cầu Mới thăm Bé. Cũng may sáng hôm ấy cô Mùi vào chơi trong ấp cụ Án, chỉ có mình Bé ngồi hàng. Đỗi vào ngồi, lật bát nước chè rồi với cái điếu cày hút làm như một người khách thường. Nhìn chung quanh, chắc chắn không có ai, Đỗi bảo Bé:
- Lâu ngày quá cho xem nào.
Ý ngầm của Đỗi là định nói lâu ngày nhớ quá muốn nhìn mắt Bé một tí cho đỡ nhớ. Bé đưa mắt nhìn sang nhà trước cửa rồi khẽ lật khăn lên nhìn lại Đỗi. Tuy là xem mắt nhưng hai người ngồi cách nhau một cái trõng và xa nhau đến hai thước. Bàn chân Đôi và đặt lên bực cửa. Như thế một lúc lâu, Đỗi nói:
- Thôi đủ rồi.
Câu ấy có thể muốn nói xem mắt đủ cẩn thận rồi nhưng cũng có thể muốn nói “nhìn” thế đủ nhớ rồi. Bé nói:
- Ăn vài chiếc bánh cuốn nhân tôm. Bánh ngon lắm.
Đỗi cười nói to:
- Không có tiền.
Bé ngắt:
- Nói khẽ chử.
Nhưng cả hai người đều không chú ý đến chỗ vô lý; tại sao phải nói khẽ. Bé muốn lấy bánh mời Đỗi ăn nhưng không dám, vì lúc trước khi Mùi đi, Bé đã đếm bánh xem còn bao nhiêu và bảo cho chủ biết. Bỗng nàng sực nghĩ ra, khẽ bảo Đỗi:
- Cứ ăn đi, tôi có tiền đây.
Đỗi lấy làm lạ sao bé không mời mình ăn lại nói là trả hộ?
- Thôi chịu thôi, với lại tôi sợ ăn tôm lắm rồi.
- Thế thì ăn bánh nhân thịt. Ngon lắm có cả cà cuống ở Hà Nội mới về.
Câu ấy Bé bắt chước lời cô chủ vẫn nói với khách hàng. Đỗi nói:
- Ừ thì ăn.
Bé gắp bánh ra đĩa vui sướng nhìn Đỗi ăn, Đỗi chưa bao giờ được ăn thứ bánh ngon như thế.
Đỗi đi rồi, Bé lần hầu bao lấy sáu xu rón rén đặt ở cạnh đĩa, rồi lại nhặt lên và cho xu vào khe hòm thu tiền của cô chủ, cố ý làm cho những đồng xu rơi kêu to để mọi người chung quanh nghe thấy.
Lần thứ hai Đỗi đến thì gặp lúc có cả cô Mùi và Bé ở cửa hàng. Chàng khó chịu vì có cô Mùi ở nhà; nhưng đã chót rẽ vào cửa hàng mất một bước và thấy cô Mùi đã biết là mình định vào cửa hàng rồi nên chàng không dám quay ra. Trong khi Đỗi uống nước, Bé khó chịu thấy Mùi cứ nhìn Đỗi không chớp mắt, Bé nghĩ thầm:
- Hay cô ấy biết rồi.
Bé lại thấy tự nhiên Mùi mỉm cười nhìn Đỗi rồi lại nhìn Bé một cái. Bé thấy hai tai nóng bừng. Mùi nói:
- Tôi trông bác quen quen?
Đỗ chưa kịp trả lời thì Mùi lại nói tiếp:
- À phải rồi, bác chở đò ở bến Trò.
Nàng vừa nhớ lại trước đây lâu lắm đi qua bến đò Trò, thấy người chở đò có nhiều tôm, nàng có hỏi chuyện và chính nàng bảo Bé đến mua khi nào thiếu tôm. Nàng chỉ vào Bé:
- Chị này vẫn sang mua tôm của bác luôn.
Nàng gọi Bé và làm Bé giật mình:
- Chị vẫn sang mua tôm của bác ấy có phải không? Thế sao bác ấy vào mà không chào hỏi gỉ cả. Chị này lạ quá.
Đỗi đáp hộ bé:
- Tại chị ấy đau mắt, không nhìn thấy.
Truyện xảy ra chỉ có thế thôi nhưng ngay chiều hôm sau đợi Mùi trở về nhà, Bé chạy vội sang bến đò Trò mặc dầu hôm ấy nhà có tôm. Nàng bảo Đỗi giọng như cự:
- Đừng đến nữa.
Đỗi cũng gắt, đáp lại:
- Thế sao lâu không đến?
Thế là hai người đã ngỏ tình yêu cho nhau biết mà không ai định tâm cả. Nhưng cả hai người chỉ thấy vui sướng chứ không thẹn vì cả hai đều làm như không chú ý đến nghĩa ngầm ẩn trong những câu nói ấy, Đỗi nói tiếp:
- Bánh cuốn ngon quá. Mai lại phải đến.
Bé gắt:
- Con khỉ, người ta đem đến cho mà ăn.
- Mai nhé.
- Mai không được. Sao đằng ấy nóng nảy thế?
Lần đầu tiên Bé gọi Đỗi là “đằng ấy” và lại mắng cả Đỗi là “con khỉ”. Nhưng còn đến với Đỗi luôn mà không có cớ mua tôm thì Bé chưa dám. Không phải Bé ngượng với Đỗi nàng chỉ ngượng với mọi người trong phố và nhất là sợ họ đoán biết.
Bé đợi mấy hôm bên nhà mẹ nàng mới không có tôm. Bé vội đem cất đi một chạc chiếc bánh. Bé không sợ Mùi nghi ngờ vì từ lúc đến ở với Mùi chưa lần nào nàng lấy vụng bánh. Hôm ấy, lại may Mùi có việc về nhà sớm hơn mọi khi. Nàng hạ những cái phên đóng cửa hàng rồi lấy bánh ra. Nhưng Bé không biết cất bánh ở đâu và không dám để ở cái rổ mua tôm trống trải quá. Bé nghĩ mãi mới tìm được một cách; nàng gói cẩn thận từng cái một vào trong lá chuối khô rồi cho vào thắt lưng buộc tròn quanh bụng; ở ngoài buộc thêm hai cái thắt lưng nữa. Đũa thì không cần, ăn bốc cũng được những phải đem đi cái đĩa đựng nước mắm chấm; Bé bỏ một cái đĩa vào trong túi áo cánh. Nàng đi tìm một cái chai nhỏ để đựng nước mắm nhưng tìm khắp nhà không có cái chai nhỏ nào cả. Chỉ có một cái chai nước chanh cũ. Bé rót nước mắm vào trong chai nước chanh và cho chai vào thắt lưng cuộn lại buộc nút ở hai đầu cho khỏi rơi rồi bỏ thõng lẫn với những đầu dây thắt lưng khác.
Ra đến ngoài đường Bé mới bắt đầu thấy khó chịu, phải đi chậm bước lại vì lá chuối khô gói bánh cứ lạo xạo chung quanh bụng cái đĩa cứ đập vào sườn và khó chịu nhất là cái chai lủng lẳng lúc thì va vào đùi bên trái, lúc va đùi bên phải.
Khi đi qua cửa nhà cụ Huế hai, cụ gọi giật lại:
- Chị Bé đi mua tôm đấy à? Mua cho tôi một mớ với.
Bé đi tạt vào, hỏi:
- Cụ làm bánh sèo?
- Ừ, lâu lắm chưa làm. Chị sang ăn, tôi để dành cho hai chiếc.
Tuy chỉ có một mình và rất hà tiện nhưng vì nhớ Huế và nhớ lũ cháu ở quê nhà nên mỗi lần làm bánh cụ làm đến hai chục chiếc cụ chỉ ăn có một chiếc đầu rồi ra cửa hễ thấy đứa trẻ nào là cụ gọi lại cho ăn. Thành thử mỗi khi làm bánh sèo nhà cụ đông như cái chợ; trẻ con ngồi la liệt đợi và đứa nào đến trước thì được ăn trước. Thấy số trẻ con đủ số bánh rồi, cụ ra đóng cửa lại.
Bé nhận lấy tiền rồi đáng lẽ đi thẳng nàng lại quay trở về bảo cho lũ em ở nhà biết để chúng đến nhà cụ giữ chỗ, và làm giúp đỡ cụ và như thế được ăn hai chiếc. Khi tôm về cụ rán bánh ngay, nên Bé phải quay lại báo trước các em mới kịp. Thấy Tý, em nàng đứng xem con yểng của cụ Hai hàng cơm, Bé bảo:
- Hôm nay bên cụ Huế hai làm bánh sèo.
Tý vui mừng chạy đi.
- Về bảo các em mày nữa chứ. Mày chỉ biết ăn một mình.
Tý hỏi:
- Hôm nay chị sang bến Trò?
- Ừ tao sang bến Trò mua tôm.
Bé khó chịu thấy Tý cứ nhìn vào chỗ thắt lưng mình.
- Mày hỏi làm gì?
Tý không trả lời lại hỏi thêm:
- Chị sang bác Đỗi?
Bé giật nẩy mình, lo sợ; vội nhấc khăn che mắt để nhìn rõ mặt Tý:
- Mày biết bác ta à?
- Thì ngày nào em cũng sang học bác ấy cách thức câu tôm. Bác ấy bảo bác ấy có thuốc đau mắt hay lắm. Sao chị không chữa?
Bé hết lo nhưng vẫn còn khó chịu; nàng vội quay đi sợ đứng lâu Tý có thể nhìn thấy cả những chiếc bánh cuõn chung quanh bụng mình.
- Nó ranh mãnh lắm.
Bé vừa đi ra bến Trò vừa tức Đỗi; nàng lẩm bẩm luôn miệng.
Đỗi thấy Bé đến với cái rổ không vội hỏi:
- Bánh đầu?
Bé không trả lòi, quăng mạnh cái rổ không xuống thuyền. Đỗi cười nói:
- Người ta hỏi ăn bánh lại cho người ta ăn cái rổ.
Bé gắt:
- Sao lại cho thằng Tý nó đến?
- Thì nó cứ đến, cấm thế nào được nó.
- Sao lại dạy nó câu tôm?
- Nó đến, nó bảo dạy nó thì dạy nó. Nó chịu khó lắm, chịu khó nghe, chịu khó hỏi. Tôi thích nó lắm.
Nghe mấy tiếng “chịu khó hỏi” Bé lại giật mình.
- Mai đừng dạy nó câu nữa. Nó tinh lắm.
- Nó tinh thì mới dạy nó chứ.
Bé gắt:
- Con khỉ, đùa mãi. Tôi về đây.
Đỗ vội nói:
- Ừ thì mai không dạy nó câu nữa.
- Mai đừng cho nó đến nữa.
- Ừ thì mai không cho nó đến nữa.
Bé bước xuống thuyền, nhìn hai bên bờ sông, nói:
- Nào ăn bánh.
Dưới con mắt ngơ ngác của Đỗi, Bé rút ở túi ra một cái đĩa đặt trên sàn thuyền, mở nút thắt lưng lấy ra một cái chai đổ nước mắm vào đĩa, rồi nói:
- Ăn đi.
Đỗi nhìn vào hai túi áo cánh của Bé tìm, nhưng hai túi đều dẹt, không có hình bóng một chiếc bánh nào cả. Đỗi lại nhìn vào mắt Bé, hất đầu một cái.
Bé cười:
- Thong thả đã.
Đỗi thấy Bé cởi dây lưng ngoài rồi lại cởi cả dây lưng trong, cho tay vào lần cái dây lưng thứ ba và rút ra có một cái gói lá chuối đưa cho mình. Đỗi hỏi:
- Chỉ có một cái?
- Ăn đi. Không cần đếm. Cô Mùi biết thì chết.
Đỗi mỉm cười, nghĩ đến truyện ma só ở đường ngược và cô Mùi là còn ma só.
Đỗi chấm bánh vào đĩa rồi ngửa mặt cho cả chiếc bánh vào mồm. Bé rút cái thứ hai, ngồi nhìn Đỗi ăn ngon lành, trong lòng sung sướng. Nàng chợt nghĩ nếu Mùi biết thì chắc chắn nàng sẽ bị đuổi; về nhà, nhà cũng không chứa nữa và nếu lại biết cả là ăn cắp bánh đem cho trai thì... Bé không dám nghĩ đến chỗ đó, định tâm lần sau không chiều Đỗi như thế nữa và cất tiếng bảo Đỗi:
- Ăn thế thôi nhớ.
Đỗi tưởng lầm, vội nói:
- Chỉ có hai cái thôi à?
Bé rút luôn ra ba bốn chiếc nói:
- Còn nhiều, ăn cho chán chê đi.
Ăn đến sáu bảy cái, Đỗi mới sực nhớ mời Bé:
- Hai người cùng ăn mới ngon.
Trong lúc Bé cầm miếng bánh cắn từng miếng nhỏ, Đỗi khẽ rón rén đưa chân mình lại gần chân Bé và dặt chân mình lên bàn chân Bé. Bỗng Bé giật nẩy mình kêu “ấy chết” lên một tiếng to làm Đỗi sợ rụt ngay chân lại. Bé đặt vội cái bánh xuống sàn thuyền còn bao nhiêu bánh cuốn trong người trút ra hết, giơ hai tay với các đầu dây lưng, rối rít buộc lại và trong lúc cuống quýt buộc lẫn cả đầu dây nọ với đầu dây kia, thành một mở lung tung ở trước bụng. Bé vừa sực nghĩ đến việc ngồi ngay trước mặt một người con trai mà dây lưng trong dây lưng ngoài lại cởi tung hết cả ra. Bé bảo Đỗi:
- Thôi ăn mau lên người ta về đây.
Nghĩ đến hai cái nguy hiểm ăn cắp bánh và ngồi ăn bánh với Đỗi Bé nói tiếp:
- Con khỉ, lần sau đừng có hòng người ta đem bánh cho mà ăn nữa.
Đỗi thì cho là Bé giận mình, dẵm lên chân. Chàng tự hỏi mình đã dẵm lên chân Bé không biết bao nhiêu lần rồi mà sao bây giờ Bé mới biết và mới giận; chàng nghĩ thầm:
- Mà dẵm chân thế thì thích chết người, có việc gì mà phải giận.
Tuy nghĩ vậy nhưng từ hôm đó, Đỗi không dám dẵm lên chân Bé nữa và lại đến lượt Bé lấy làm lạ không biết vì sao tự nhiên Đỗi lại bỏ hẳn cái thói rất lý thú ấy đi.
* * * * *
Một buổi sáng trước khi đi câu tôm, Tý bảo Bé:
- Từ rày có thiếu tôm thì chị phải đi mua lấy. Em không đi câu tôm ở bến Trò nữa, em tìm được một chỗ nhiều tôm lắm cơ.
Ngừng một lát, Tý lại nói:
- Với lại bác Đỗi bây giờ bác ấy khó chịu làm sao ấy.
Nghe Tý nói vậy, Bé nhẹ hẳn người và cái ý nghĩ chiều nay lại có thể đến thăm Đỗi ở bến Trò làm tim nàng thổn thức. Mới cách mặt độ hai mươi hôm mà Bé tưởng đã lâu như một năm. Nàng tức Đỗi không tìm đến cửa hàng để gặp mặt nàng. Ngày nào Bé cũng đợi và ngày nào cũng thất vọng và càng lâu ngày cái tức càng tăng. Bé định bụng nếu Đỗi đến thì sẽ đứng ngay lên chạy vào trong bếp, không thèm tiếp để Đỗi tức và nàng hả giận. Bé tưởng tượng lúc Đỗi đến cửa hàng, vào ngồi ở ghế; nàng để Đỗi ngồi vào ghế hẳn hoi, lật xong bát nước chè, lúc đó nàng mới đứng lên và đi vào trong bếp, nhất định không thèm nói nửa lời và nếu Đỗi cả gan dám gọi thì nàng nhất định không đáp, đợi cho vừa đúng lúc Đỗi đi ra đến đường cái nàng lại ra hàng và hắng giọng cho Đỗi nghe thấy để Đỗi phải tức uất lên. Bé thấy trước là sẽ thích lắm nếu làm được như thế và từ ngày nghĩ ra được cách ấy, mỗi buổi chiều không thấy Đỗi đến nàng lại càng tức mình hơn trước và càng khổ hơn.
Suốt ngày hôm ấy Bé lưỡng lự không biết có nên đến tìm Đỗi không, hay là không đi, cương quyết đợi cho Đỗi đến. Theo lý ra thì Đỗi có lỗi phải đến trước, nàng sẽ không tiếp để cho Đỗi tức rồi sau đó nàng mới đến bến Trò gặp Đỗi và xí xóa hết cả những truyện cũ đi. Nhưng Bé thấy mình khó lòng nén được cái ý muốn đến ngay chiều hôm nay, đến để mắng Đỗi một trận cho hả tức. Đợi Đỗi đến thì lâu quá và cái tức cứ kéo dài ra mãi không biết tới bao giở. Đến chiều Bé quả quyết hẳn là sẽ đi đến bến Trò để cự Đỗi ngay.
Bé thấy cô Mùi đã mở hộp đếm số tiền thu được trong ngày. Cô Mùi sắp về nhưng vừa lúc đó thì ôug giáo Đông lại vào hàng gọi một chai bia. Bé thì không hiểu hai người nói chuyện gì. Nàng khó chịu thấy Mùi mải nói truyện chưa về để nàng có thể đi sang bến Trò; ông giáo Đông còn một ít rượu trong cốc cũng mải nói chuyện quên không uống cạn. Bé đâm ra tức ông giáo Đông vì ông giáo Đông còn ngồi đây thì cố nhiên Mùi không bỏ về được. Nàng dứt cái khăn che mắt, vứt xuống ghế để tỏ sự tức của mình và đưa mắt nhìn ông giáo Đông tưởng như làm thế thì ông giáo Đông phải bỏ đi ngay. Đông thì chú ý nhìn cái khăn trắng nằm trên ghế cũng giống như cái khăn trắng chàng tưởng là khăn tay của Mùi và nhặt bỏ túi hôm nọ để đem về làm kỷ niệm. Chàng sực nhận ra mùi thuốc ở khăn tay mà hôm nọ chàng cho là hơi hướng của da thịt Mùi, con gái một ông Lang, thì chỉ là mùi thuốc đau mắt và chiếc khăn tay chàng tưởng của Mùi chỉ là một chiếc khăn bẩn Bé dùng để che mắt đau. Chàng thấy một sự ngượng làm cả người chàng rờn rợn như bị nổi gai ốc. Đã không biết bao nhiêu lần trước khi đi ngủ, chàng đã hôn hít một chiếc khăn che mắt bẩn. Chàng đứng lên nói với Mùi:
- Thôi cô ngồi hàng, tôi phải về, có tí việc.
Đông trả tiền rồi đi thẳng về nhà, đóng cửa lại chắc chắn. Chàng lấy bao diêm rồi đến đầu giường lật cái gối lên và dón dén đưa hai ngón tay cầm nhẹ lấy góc khăn đem xuống bếp đốt. Đông thấy gai gai ở mắt như là đã bị lây đau mắt của Bé rồi. Chàng sợ cả cái mùi khét của vải đốt và thấy hơi lợm giọng. Đốt xong, Đông nhẹ hẳn người tháo cái áo gối đem giặt ngay và giặt đến ba bốn nước xà phòng. Chàng nghĩ lại giá lúc lấy trộm khăn giấu vào túi mà Bé trông thấy thì thật là suốt đời không bao giờ chàng quên được cái xấu hổ đó: nghĩ đến chỗ ấy, Đông thấy lạnh ran cả ở sống lưng.
Bé lấy làm ngạc nhiên rằng cái lối vứt khăn và nhìn ông giáo Đông lại có hiệu nghiệm làm ông vội vã đi ngay. Bé nghĩ thầm chắc ông ấy sợ nhìn vào mắt đau thì sẽ bị lây. Cô Mùi về rồi nàng lấy cái khăn lụa hoa trắng mới khâu xong che lên mắt, rồi móc lúi lấy cái gương con lật khăn lên soi và ngắm nghía một hồi lâu. Cái khăn lụa hoa trắng đắt tiền thật, nhưng đeo lên mắt thật là xinh và nhẹ quá. Bé lại mong cho cái khăn vải thường cũng mất để nàng có cớ mua cái khăn lụa hoa nữa thay đổi và lúc nào cũng được đeo khăn đẹp.
Tuy nhà có tôm, Bé cũng xách cái rổ để đi qua phố cho khỏi ngượng. Bé thấy ai cũng nhìn mình và cho là họ nhìn cái khăn lụa mới. Ông giáo Đông đương đứng ở bực cửa thấy Bé đi qua vội vàng quay vào nhà khép cửa lại.
Đi khỏi nhà bà Ký Ân, Bé bỗng nhiên đứng dừng lại một lúc. Quả tim nàng lại đập mạnh lên, hai tai nóng bừng và tuy không có ai, Bé cũng thấy xấu hổ như có người đương nhìn mình và biết rõ là mình có tính đĩ thoa.
Đỗi thấy bóng Bé ở đàng xa đi lại, vội ngồi soay lưng về phía Bé. Đỗi cũng đã từ lâu tức Bé không đến và Đỗi không hiểu vì cớ gì. Tuy ngày nào cũng có Tý đến câu tôm nhưng Đỗi không dám hỏi thăm về Bé và cứ chiều đến, Tý về là Đỗi bắt đầu ngồi đợi và tức Bé. Đỗi chắc không phải Bé giận mình dẵm lên chân hôm ăn bánh vì sau hôm đó Bé còn đến nhiều lần và hôm cuối; cùng gặp đây còn cho mình xem mắt và mỉm cười với mình. Nghe Tý nói, chàng biết là Bé không ốm đau gì thế mà mua tôm cũng nhờ Tý mua hộ. Thấy tự nhiên vô cớ Bé không đến nữa, Đỗi cho là Bé đã quên mình và lại càng tức hơn. Hôm nay Bé đến giữa vào ngày Tý đi nơi khác câu tôm, Đỗi mới hiểu là Bé không đến chỉ vì Tý và Đỗi mừng rỡ, quả tim dập một cách sung sướng.
Bé thấy Đỗi ngồi quay mặt đi vội hắng giọng nhưng vẫn không thấy Đỗi nhúc nhích. Nàng bước mạnh xuống thuyền như để tỏ cho Đỗi biết là mình bực tức lắm. Đỗi quay lại cười, Bé quăng cái rổ trúng chân Đỗi:
- Cười gì, bán cho một ít tôm, mau lên người ta phải về ngay, bận lắm.
Đỗi nói:
- Tôm với tép gì. Ngồi xuống đây người ta xem mắt cho.
Bé vẫn đứng yên, mặt quay nhìn ra chỗ khác. Đỗi nhìn thấy mặt Bé giận mình, phụng phịu trông vừa đáng ghét vừa đáng yêu, chàng mỉm cười rồi giơ tay kéo mạnh tay Bé:
- Ngồi xuống đây.
Bé ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Đỗi và lật khăn che mắt lên. Nàng định mắng Đỗi nhưng không tìm ra được câu mắng nào đích đáng; chính nàng lúc đó lại thấy rõ ràng là Đỗi không có lỗi gì để mắng cả. Nhưng mặt Bé vẫn hầm hầm đầy tức giận Đỗi nhìn lâu vào hai con mắt Bé, chớp nhanh mấy cái, mỉm cười nói:
- Ừ, mắt độ này đã khá.
Chàng lại để ý đến cái khăn lụa hoa mới và nói tiếp:
- Đẹp nhỉ. Sao lâu lắm, đằng ấy không đến?
Bé vẫn lầm lì nét mặt, không trả lời và ngón chân nàng đã đặt lên một ngón chân Đỗi. Đỗi định rút chân mình lại vì tưởng chính chàng đã vô ý chạm vào chân Bé nhưng chàng ngạc nhiên thấy ngón chân Bè ấn mạnh vào chân mình rồi lại nhấc lên ấn xuống. Đỗi sung sướng không nói được nữa; chàng ngồi đờ ra một lúc rồi khẽ kéo ngón chân mình ra đặt lên ngón chân Bé và bạo dạn đặt hẳn cả bàn chân lên, nhè nhẹ thoa chân mình vào chân Bé. Cả hai người đều thở mạnh. Bỗng có tiếng nói ở gần. Đỗi vội đứng dậy, cúi người cầm lấy cái rổ, tay run run vừa đi ra cửa khoang thuyền vừa nói cao giọng:
- Nào, mua bao nhiêu nào?
Bé hất cái khăn che mắt xuống và nói:
- Bán cho như mọi lần.
Đỗi định kéo cái giỏ tôm ở dưới nước lên, vội ngừng lại vì thấy người di đường rẽ xuống bến. Đỗi nhổ sào nói:
- Bác Phát đi đâu về đấy?
Có người khác cùng đứng ở thuyền lúc đó. Cả Đỗi cả Bé đều thấy dễ chịu và đỡ ngượng. Bác Phát đi rồi, Đỗi đẩy thuyền trở lại chỗ đậu cũ; chàng đưa rổ tôm cho Bé nói:
- Hôm nay tôi bán rẻ đấy.
Nói vậy nhưng Đỗi không nghĩ đến việc đòi tiền Bé và Bé cầm lấy rổ tôm, cũng không nghĩ gì đến việc trả tiền. Bé vội vã đi ngay. Đỗi chống cây sào, nhìn theo Bé đi. Chàng có cái cảm tưởng như Bé là vợ mình rồi.
Đỗi đặt chân lên mũi thuyền và thẫn thờ đưa chân soa đi soa lại trên tấm ván, mỉm cười chớp mắt một lúc.
Mối tình “chân”
Tiến >>
Đánh máy: casau
Nguồn: NXB Đời Nay 1961
cassau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 6 tháng 9 năm 2017