Rạp Chiếu Phim Thời Gian

diêu dao

tạ phương chi (dịch)

LỜI NÓI ĐẦU

Những ngày đầu năm 2017, tôi ngồi vẽ nguệch ngoạc trên chiếc Macbook của mình trong giờ làm việc. Chính giữa bức tranh tôi vẽ là một tòa nhà có kiến trúc vuông vắn, phía trên đỉnh tòa nhà là dòng chữ “Rạp chiếu phim Nặc Thành”, hai bên là tòa dân cư nối liền, cùng hàng phượng vĩ khá trừu tượng. Sau này, mỗi khung cửa sổ trên những tòa nhà ấy đều được tôi đặt cho một cái tên và viết lên câu chuyện riêng.

Đây chính là khởi điểm cho chuỗi truyện ngắn “Rạp chiếu phim thời gian” . Khi viết xong câu chuyện đầu tiên, tôi đâu thể ngờ rằng, mười chương văn này không chỉ bên cạnh làm bạn với tôi suốt mười hai tháng trời đằng đẵng, mà còn là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp viết lách của tôi. Đến khi chính thức khép lại cánh cửa của “Rạp chiếu phim thời gian” , ngoảnh đầu nhìn lại, mới chợt nhận ra mình đã đi một quãng đường dài.

Nhìn về quá khứ, từ khi bắt đầu ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay thời còn là học sinh, đến nay đã mười năm trôi qua. Thế nhưng tôi chưa từng nghiêm túc xem xét kỹ lưỡng cách viết của bản thân mình, bởi bản thân tôi chưa từng viết vì một mục đích nhất định nào cả, mà chỉ đơn thuần rằng tôi muốn viết tiểu thuyết, cảm xúc yêu ghét của mỗi người đối với tôi đều là một thứ phép màu, khiến tôi thấy vui vẻ. Tôi vẫn luôn cho rằng, mình sẽ mãi viết tiếp như thế. Vậy mà mười năm sau, khi cuộc đời sang trang, tôi mới nhận ra, mười năm qua, mình đều dùng bản năng để sáng tác, từ ngôn ngữ, cốt truyện, nhân vật, tôi đều đem tất thảy những điều vụn vặt tháo rời ra, rồi lại cẩn thận lắp ráp chúng thành những câu chữ từng chút một. Tôi đem vào văn chương mọi điều quen thuộc, về những điều tôi yêu, và những trải nghiệm tẻ nhạt của bản thân. Cũng giống khi đứng trên đỉnh núi và hét vọng xuống thung lũng trống trải nào đó, cứ hét và hét, mặc trời kệ đất, chỉ cần biết đến mình, lao vào một thế giới ồn ào mờ ảo. Như vậy, tất cả những gì tôi viết đều là sự tự phát, đó là lý do tôi chưa bao giờ thấy được cái khó của viết lách, tôi chưa từng thực sự nỗ lực vì nó.

Những kinh nghiệm trong quá trình sáng tác “Rạp chiếu phim thời gian” khác hoàn toàn so với những kinh nghiệm trước kia của tôi. Tôi chuẩn bị hết thảy nguyên liệu để làm một “nồi lẩu” thập cẩm, nhưng rồi phát hiện ra những nguyên liệu đó đối với tôi đều vô cùng lạ lẫm. Cảm giác thật mới lạ, cũng rất khó để diễn tả thành lời, tôi tự hỏi mình đang làm gì vậy?

Đối với tôi, mỗi một nhân vật trong từng khung cửa sổ ấy đều là một người lạ. Khi viết về họ, tôi chỉ chực chờ những cánh cửa sổ ấy vụt sáng ánh đèn, liền vội nắm lấy chiếc ống nhòm, đứng từ xa quan sát nhất cử nhất động. Cứ như vậy tôi đã viết câu chuyện về những con người ấy, khi viết xong còn tự mình cảm thán, thì ra còn có những sự tồn tại như vậy. Những nhân vật trước kia đều là những nhân vật hư cấu, được tôi tạo ra để phát ngôn và hành động thay bản thân, tôi hiểu rõ mọi điều họ nói, họ làm, bởi có lẽ đó đều là những gì tôi sẽ nói và làm. Nhưng ngược lại, trong rạp chiếu phim này, tôi luôn phải hỏi bản thân mình rằng, nếu là anh ta tôi sẽ làm như thế nào, nếu là cô ấy tôi sẽ nghĩ ra sao. Như một diễn viên, tôi không ngừng thuyết phục bản thân làm tròn vai diễn của mình, dùng cặp mắt của người khác để quan sát, dùng tư duy của người khác để đánh giá sự việc.

Lúc này, tôi nhận ra rằng mình không còn hét vọng vào khoảng không nữa, tôi đã biết vểnh tai lắng nghe những âm thanh vọng ra từ trong cùng cốc xa xôi, không còn kiếm tìm sự thấu hiểu, thay vào đó là cho đi sự thấu hiểu của mình. Tôi ý thức được điều này khi đang đánh răng, vừa nhìn hình ảnh của mình trong gương, vừa suy nghĩ về những tình tiết trong sách. Đột nhiên, tay tôi dừng lại, tự nhìn mình và nói: “Mày đang viết những điều hoàn toàn khác so với trước kia đó, mày có biết không?”

Điều “Rạp chiếu phim thời gian” cần không chỉ là sự thấu hiểu, mà còn là những gì trước kia tôi chưa từng cho đi. Dường như có một phép thuật nào đó khiến tôi răm rắp làm theo, nếu cần bất kỳ dữ liệu nào để những câu chuyện ấy trở nên hoàn hảo, tôi đều có thể đáp ứng. Dĩ nhiên, đã có những lúc tôi không biết viết sao, không biết “xây” như thế nào, chỉ còn cách nhờ những vần thơ để giải sầu và dựa cả vào những dữ liệu đến từ giấc mộng. Có phải rất thú vị không? Khi viết tuyển tập này, tôi đã nằm mơ rất nhiều, mỗi lần tỉnh dậy tôi đều nhớ như in nội dung của giấc mơ, một vài trong số đó đã trở thành những câu chuyện trong cuốn sách này. Dù sao đi nữa, tôi cũng muốn cảm ơn người đã đem đến cho tôi những giấc mơ ấy.

Đã nhiều lần, sau khi hoàn thành xong một chương nào đó, tôi kiệt sức, mệt đến mức ngồi trên tấm thảm, khóc nấc lên. Thế nhưng khóc xong lại có một cảm giác hết sức chân thực, không ai có thể hiểu rằng điều này quan trọng với tôi như thế nào. Cuối cùng tôi cũng đã có thể bước ra khỏi vùng an toàn bé nhỏ của mình, sải bước trên con đường rộng lớn phía trước dù chưa biết mọi thứ sẽ ra sao. Dường như đây mới thực sự là viết tiểu thuyết.

Những nhân vật nhỏ bé của tôi, mỗi người đều mang trên mình những lỗ hổng, khiếm khuyết. Tôi đã từng lo lắng họ quá cổ quái, thiếu sự đáng yêu, thậm chí là làm người khác phát chán. Thế nhưng, vấn đề của họ không cần sự lý giải, cuối cùng tôi cũng đã thấu, chính những điểm yếu đó đã tạo nên câu chuyện của chính họ. Xét cho cùng, có ai trong chúng ta không vì những mảnh đời giống mình mà đấu tranh chứ?

Những cá thể “khiếm khuyết” này, cũng giống như những chấm nhỏ trên bản đồ, chúng là những hòn đảo trôi nổi trên đại dương bao la, còn tôi thì loạng chạng nhảy từ hòn đảo này sang hòn đảo khác, cuối cùng cũng vượt qua đại dương.

Lại một lần mười năm!

Diêu Dao

Bắc Kinh, tháng 7 năm 2018

LỜI NÓI ĐẦU

Tiến >>


Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 5 tháng 2 năm 2025