Chết Giữa Mùa Hè
dịch giả: nguyễn nam trân chủ biên, miêng, nam tử
GIỚI THIỆU NHÀ VĂN MISHIMA
YUKIO MISHIMA (1925-1970) Tên thật là Hiraoka Kimitake. Thuở nhỏ, Mishima được dạy dỗ theo truyền thống khắc kỷ như quân đội. Sau khi tốt nghiệp đại học, dầu đỗ vào ngạch công chức cao cấp Bộ Tài chính, ông đã từ chức sau một năm sống đời “sáng vác ô đi tối vác về” để chọn con đường viết văn gian nan gai góc hơn.
.
Là người có lý tưởng tôn quân bảo hoàng, ông đã cùng các bạn đồng chí hướng đánh chiếm doanh trại của quân đội Nhật ở Ichigaya ngày 25/11/1970 nhằm kêu gọi binh linh ở đó hành động, gây áp lực lên dư luận để sửa đổi hiến pháp cho phép Nhật Bản tái vũ trang. Giữa sự thờ ơ và chế nhạo của mọi người, Mishima đã mổ bụng tự sát.
Mishima Yukio (Tam Đảo, Du Kỷ Phu) tên thật là Hiraoka Kimitake (Bình Cương, Công Uy) sinh ngày mùng 4 tháng Giêng năm 1925 tại Tokyo trong một gia đình quan chức, ông nội từng làm Phó Tổng trấn đảo Karafuto nay thuộc Nga. Mishima tuy rất tự hào về ông nội mình nhưng thường gắn bó với gia đình bà nội hơn vì bà vốn dòng dõi samurai đích thực chứ không phải gốc nhà nông như người ông. Bà nội Mishima là người có văn hóa cao nhưng tính tình thất thường, cứng rắn, khắt khe, và có lẽ vì cớ đó mà gia đình đã phải gả bà cho một người chồng có gốc gác xã hội thấp kém hơn. Thuở nhỏ, Mishima được gửi vào Gakushuuin (Học Tập Viện), một trường dành cho con nhà quý tộc nhưng nhận cả con em ngoài tầng lớp đó. Ở đây, ông được dạy dỗ theo truyền thống khắc kỷ như quân đội.
Lúc bấy giờ ông đã tỏ ra có khiếu văn chương và có chân trong một câu lạc bộ văn học của nhà trường. Học xong khoa Đức ngữ ở trung học Gakushuuin, ông vào học Luật ở Đại học Đông Kinh. Sau khi tốt nghiệp, dẫu đỗ vào ngành công chức cao cấp Bộ Tài chính, ông đã từ chức lúc vừa hết một năm sống đời “sáng vác ô đi tối vác về” để chọn con đường viết văn gian nan gai góc hơn. Tháng Hai năm 1945, lúc Nhật Bản sắp thua trận, ông tình nguyện nhập ngũ nhưng khi đi khám sức khỏe lại không đủ điều kiện nên phải quay về. Trung đoàn đáng lẽ ông tham dự đã bị tiêu diệt ở chiến trường Philippines. Vừa vặn ngày 15 tháng Tám năm ấy, chiến tranh kết thúc.
Ông lập gia đình với Sugiyama Yôko (Dao Tử), con gái một nhà danh họa, sinh được một trai, một gái. Tuy có cuộc sống gia đình có vẻ bình thường nhưng ngoài xã hội, ông hành động không giống những nhà văn khác như thích luyện cơ bắp, tập võ, đánh kiếm, lái máy bay, tranh luận trước công chúng, tham dự huấn luyện quân sự và thành lập một đội quân tư nhân với khoảng trên dưới bốn mươi thành viên, phần lớn là sinh viên trẻ và có ý thức hệ cực hữu.
Về mặt sáng tác, Mishima Yukio học hỏi phong cách và phương pháp viết của Âu Tây nhưng tin tưởng rằng có một nguyên lý Nhật Bản biểu hiện qua thần thoại và trật tự xã hội cổ truyền. Tín điều này làm phong phú sự nghiệp văn học nghệ thuật vốn rất đa dạng của ông (thi ca, luận thuyết, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch hiện đại, tuồng Nô kiểu mới, tuồng Kabuki, nhiếp ảnh, đạo diễn và diễn xuất điện ảnh) nhưng tất cả cũng góp phần vào việc dẫn ông đến hành động quá khích và tự diệt.
Là người có lý tưởng tôn quân bảo hoàng, ông tôn sùng những sĩ quan trẻ mưu toan đảo chánh ngày 26/2/1936 (Chính Biến Niriroku) với mục đích trung hưng thế lực Hoàng gia, hòng đưa nước Nhật trở lại vị trí một quốc gia hùng cường. Theo gương họ nhưng chọn nhầm thời, ông đã cùng các bạn đồng chí hướng trong tổ chức Tate No Kai (Hội Cái Khiên) xâm nhập doanh trại của quân đội Nhật ở Ichigaya (Tokyo) trưa ngày 25/11/1970 kêu gọi binh lính ở đó hành động để gây áp lực trên dư luận nhằm sửa đổi hiến pháp cho phép Nhật Bản tái vũ trang. Giữa sự thờ ơ và chế nhạo của mọi người, ông đã mổ bụng tự sát.
Lời ngỏ
Mishima Yukio là một tác giả dễ gây tranh cãi. Ông có lắm người yêu và không thiếu gì kẻ ghét. Tất cả chỉ vì ý kiến chính trị và lối sống khác đời của ông. Tuy nhiên, chúng ta đều phải công nhận rằng Mishima là một tài năng đích thực và là một tồn tại hãn hữu, không những ở giữa lòng văn học sử Nhật Bản mà cả trong văn học thế giới. Việc cho ra đời một tuyển tập truyện ngắn tại Việt Nam nhân kỷ niệm 95 năm sinh và 50 năm mất của ông thiết tưởng chỉ là một sự đền bù xứng đáng cho một tài năng hiếm có.
Vì Mishima là một người thường xuyên bị ám ảnh bởi cái chết nên chúng tôi xin phép được dùng “Chết giữa mùa hè” - tên một truyện khá dài được chọn dịch ở đây - làm nhan đề cho toàn bộ tập truyện. Tuy nhiên, ở Mishima, chúng ta có thể hiểu rằng cái chết chỉ là một phần của cuộc sống và là cái mốc đánh dấu đỉnh cao nhất trong tình yêu của con người đối với cuộc sống ấy.
Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng chúng tôi hãy còn nhiều khuyết điểm trong khâu trình bày lẫn nội dung. Mong quý vị độc giả vui lòng chỉ giáo để chúng tôi có thể khắc phục trong những lần ra mắt tới.
Tokyo, 01/01/2020
Nguyễn Nam Trân
Tác phẩm
Tuy có nhiều cách đánh giá một văn nghiệp, tác phẩm chính (dưới dạng trung hay trường biên) của Mishima có thể kể ra như sau:
- Lời tự thú của mặt nạ (Kamen no Kokuhaku, 1949)
- Khát tình (Ai no Kawaki, 1950)
- Tình kiểu cấm (Kinjiki, 1951)
- Tiếng sóng xao (Shiosai, 1954)
- Kim Các Tự (Kinkakuji, 1956)
- Sau bữa tiệc (Utage no Ato, 1960)
- Bể Phong Nhiêu (Hôjô no Umi, khởi đăng từ 1965) gồm có 4 tập: Tuyết mùa xuân (Haru no Yuki, 1969), Ngựa bon (Honba, 1969); Ngôi chùa trong bình minh (Akatsuki no Tera, 1970) và Người tiên bị đọa (Tennin Gosui, 1970).
Phong cách trữ tình:
Lúc đầu, khi còn ở trên ghế nhà trường, ông làm thơ mới và haiku. Nhà thơ ông yêu thích, Tachihara Michizô (Lập Nguyên Đạo Tạo, 1914-39) đã ảnh hưởng đến phong cách trữ tình của thơ văn ông. Về văn xuôi, năm 1938, lúc mới có 13 tuổi, ông đã viết đoản thiên đầu tay Một câu chuyện tọa thiền (Zazen monogatari), tuy nhiên sử dụng bút hiệu Mishima lần đầu tiên với Khu rừng kết hoa (Hanazakari no mori) năm 16 tuổi (1941).
Kết nối Đông phương với Tây phương:
Về các tác giả Tây phương, ông đặc biệt thích Oscar Wilde, sau đó đến các tác phẩm cổ điển Hi Lạp, rồi Raymond Radiguet, François Mauriac, Thomas Mann, Hofmanthal, Strindberg, Yeats và Baudelaire. Ông rất rành về cổ điển Nhật Bản. Khác với văn nhân đương thời vốn chủ trương đoạn tuyệt với văn chương thời Tiền Meiji, ông lại tìm nguồn cảm hứng từ các tác phẩm cổ điển ấy. Tứ bộ tác mà ông để lại như di chúc chịu ảnh hưởng các tác phẩm thời Heian (cuối thế kỷ thứ 8 đến giữa thế kỷ 12). Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga (Shigadera shônin no koi) cũng mượn bối cảnh thời này. Trung thế (Chuusei, 1945) nói về nỗi buồn mất con của Tướng quân Ashikaga Yoshimasa lồng trong không khí thời đại Muromachi (1333-1568). Những tác phẩm cổ điển như tập thần thoại Cổ sự ký (Kojiki), tập thơ Cổ kim tập (Kokin-shuu), Nhật ký của bà Izumi Shikibu, tuồng Nô, Diệp Ẩn (Hagakure - tập sách về giáo lý vũ sĩ đạo viết hồi thế kỷ thứ 18), truyện kinh dị thời Edo của Ueda Akinari... đều là nguồn cội của văn chương Mishima.
Bút danh Mishima do những người đỡ đầu (thầy học và nhà xuất bản) đặt cho khi họ họp với nhau trong một cái quán ở Mishima, một thành phố nghỉ mát vùng biển gần núi Fuji, để bàn về việc cho ra mắt một tác phẩm của ông khi còn là học sinh trung học. Mishima đã bắt đầu viết trong chiến tranh (1941) nên người viết văn học sử khó xếp ông hoàn toàn vào phái hậu chiến, nếu không nói phong cách văn chương ông còn là “phản hậu chiến” nữa. Nhưng đó cũng có thể là điểm son. Ông độc lập, không chạy theo thời cuộc, một phần cũng vì có sự tự tin ở tài nghệ của mình.
Di chúc văn học:
Trước khi tự mổ bụng theo nghi thức samurai ngày 25/11/1970, Mishima đã đem những trang cuối cùng của bản thảo Người tiên bị đọa (Tennin gosui), quyển cuối cùng của tứ bộ tác Bể phong nhiêu (Hôjô no Umi), tên một địa danh trên mặt trăng (Sea of Fertility, in từ 1965 đến 1971), giao cho nhà xuất bản.
Bản thân không theo đảng phái nào, không có hoạt động chính trị nhất quán và không có hệ thống có lý luận vững vàng, từ ngày viết Ưu quốc (Yuukoku), hình như Mishima (có lúc ký tên Mishima là Mỵ Tử Ma, tức Kẻ Mê Cái Chết) không còn phân biệt tiểu thuyết và đời thường nữa.
Cái chết của Mishima thật ra gây ấn tượng cho người ngoại quốc hơn là cho người Nhật và từ đó, Tây phương không ngừng phân tích tâm lý ông, viện cớ một tuổi trẻ ốm yếu, một nền giáo dục gia đình quý tộc hà khắc, khuynh hướng đồng tính luyến ái để giải thích hành động bất thường của ông. Có lẽ vì quá yêu mến văn tài mà họ đã trở nên quá dễ dãi và dung thứ.
Theo tổng quan văn học sử Nhật Bản
Nguyễn Nam Trân biên soạn
Cập nhật 29 tháng Hai năm 2020
CHẾT GIỮA MÙA HÈ là tập truyện kết tinh những lý tưởng sống cốt lõi cùng những góc khuất ẩn ức thậm sâu trong con người Yukio Mishima. Đó là sự ngợi ca và nỗi ám ảnh thường trực dành cho cái chết, là tiếng khóc hoang lạc và bi ai của những tâm hồn đang yêu muốn được giải phóng khỏi sự hạn hẹp của giới tính và xác thịt, là nỗi cô đơn vĩnh cửu của nhân loại lúc bình sinh...
Văn chương của Mishima uyển chuyển, tinh tế, kết hợp nhuần nhuyễn những ảnh hưởng của Đông phương và Tây phương, của truyền thống lẫn hiện đại. Nhưng với lý tưởng tôn quân bảo hoàng cùng tư tưởng cực đoan cá nhân, văn tài của ông bị xem là chỉ nở ra những bông hoa ác, bởi thế, văn chương và con người Mishima luôn là đối tượng để mổ xẻ nghiên cứu của các nhà phê bình và người đọc trên khắp thế giới.
Mục lục trong tập truyện:
- ƯU QUỐC (Yuukyoku)
- ĐÔI CÁNH (Tsubasa)
- DÌ HARUKO (Haruko)
- ONNAGATA (Onnagata)
- CHẾT GIỮA MÙA HÈ (Manatsu no shi)
- HỒN BƯỚM (Chôchô)
- CHIM CÔNG (Kujaku)
- MỐI TÌNH CỦA VỊ CAO TĂNG CHÙA SHIGA (Shigadera shônin no koi)
- BỒN PHUN NƯỚC GIỮA CƠN MƯA (Ame no naka no funsui)
- PHỤ LỤC
- BẠT
- GIỚI THIỆU NHÀ VĂN MISHIMA
- NIÊN BIỂU SÁNG TÁC CỦA MISHIMA YUKIO
GIỚI THIỆU NHÀ VĂN MISHIMA
Tiến >>
Nguồn: http://chimviet.free.fr
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 19 tháng 6 năm 2022