Quần Đảo Solomons Hung Hiểm
dịch giả: lê vy
từ “the jack london: south sea tales”, 1998
i
Một mặt, không thể không công nhận quần đảo Solomons là một nơi hung hiểm, nhưng mặt khác, cũng phải thấy là trên thế giới có nhiều nơi còn ác hiểm hơn Tuy nhiên, đối với những người mới đến, những người chưa hiểu biết mấy về con người và cuộc sống ở vùng hoang sơ, thì Solomons thật là một nơi kinh khủng.
Quả đúng là bệnh sốt rét và bệnh kiết lỵ luôn đồng hành trên từng bước đường du cư của thổ dân ở trong rừng, là đầy rẫy các chứng bệnh ngoài da kinh tởm, là chướng khí gây ghẻ lở, làm nhức nhối đến tận lỗ chân lông, và có nhiều người lúc mới đến thì khoẻ như vâm nhưng khi thoát chết về đến quê nhà đã thân tàn ma dại...Và cũng đúng là thổ dân ở đây vẫn còn hoang dã, thích ăn thịt người và sưu tập đầu người: môn giải trí mà họ khoái nhất là bắt một người đứng xoay lưng lại rồi dùng rìu phóng một nhát vào gáy ngay vào chỗ đốt xương sống đỡ hộp sọ sao cho đầu người đó đứt rời ra... Và cũng đúng là trên một vài đảo, chẳng hạn như ở đảo Malaita, thổ dân tính số đầu người kiếm được để phân định thứ vị thấp cao trong quần thể... Đầu người là món hàng để trao đổi, và đầu người da trắng là có giá trị cao nhất. Ở hàng chục làng trên đảo, thổ dân có lệ góp của cải lại để treo giải, và qua mỗi mùa trăng, giải thưởng càng lúc càng to hơn, cho đến khi có một chiến binh dũng cảm nào đó đem đến mấy cái đầu của người da trắng còn đẫm máu tươi roi rói, chiến binh đó sẽ ôm trọn giải thưởng.
Tất cả những chuyện kể trên đều là thật, ấy vậy mà có những người da trắng sống ở Solomons đôi ba chục năm, khi rời khỏi nơi này đã không khỏi nhớ nhung lưu luyến. Muốn sống lâu đài ở Solomons, người ta chỉ cần thận trọng - cùng với một ít may mắn, - nhưng đồng thời cũng phải thuộc loại cứng cựa, phải tin chắc rằng người da trắng là những.người cứng rắn; bản thân anh ta cũng phải cứng rắn, phải tin chắc là mình thuộc giống người ưu việt, phải hết sức tự mãn, tự tôn, phải giữ vững lòng tin suốt sáu ngày trong tuần rằng một người da trắng “bảnh” hơn một ngàn thổ dân và vào ngày chủ nhật có thể lột sạch hai ngàn thổ dân, bởi vì chính những điều đó đã làm cho người da trắng trở thành cứng rắn. Còn nữa; muốn trở nên cứng rắn, một người da trắng còn phải bất chấp nguồn gốc xuất thân thấp kém của mình, phải nghĩ nhiều về bản thân mình, và không được nghĩ quá xa; anh ta không được biết quá nhiều về bản năng, tập tục, về diễn biến tâm linh của người da đen, người da vàng và cả người da đen lai trắng hay vàng, bởi vì đó không phải là cái cách mà người da trắng sử dụng để đặt bước chân của mình trên khắp thế giới.
Bertie Arkwright không phải là một người cứng rắn; anh quá nhạy cảm, quá thật thà, và quá giàu óc suy diễn, đối với anh, cuộc sống quả thật hết sức phong phú và anh luôn háo hức khi nghĩ đến môi trường mà mình sắp dân thân vào. Do vậy, đối với anh, nơi cuối cùng trên thế giới này mà anh còn phải đến, đó là quần đảo Solomons. Đến, nhưng không phải là để sinh cơ lập nghiệp ở đó; anh quyết định chỉ dừng chân trong khoảng năm tuần giữa quãng thời gian khứ hồi của các chuyến tàu là đủ để thoả mãn tiếng gọi của vùng nguyên sơ đang rung lên trong từng thớ thịt của anh. Ít ra thì anh cũng đã tán vung lên như vậy với những nữ du khách trên con tàu Makembo, và họ đã tâng bốc anh như một vị anh hùng, bởi vì họ là những nữ du khách và hẳn là họ chẳng biết gì khác ngoài sự an toàn trên boong tàu khi tàu len lỏi khắp các đảo trong quần đảo Solomons.
Trên tàu còn có một người khác mà chẳng nữ du khách nào để ý đến, đó là một người đàn ông nhỏ thó, làn da nâu sậm khô sắt lại; trong danh sách hành khách đi tàu, tên của ông ta lọt thỏm giữa tên của những hành khách khác, nhưng một tên gọi khác của ông - Thuyền trưởng Malu - đối với thổ dân da đen là một cái tên đáng ngán sợ, và đám thanh thiếu niên thổ dân ngỗ nghịch từ đảo New Hanover đến đảo New Hebridges hễ nghe đến tên ông là mặt cứ tái xám tái xanh... Ông làm ăn nhờ vào sự hoang sơ và những con người hoang dã, nhờ vào bệnh sốt rét và sự gian khổ, nhờ vào tiếng nổ của súng Snider và ngọn roi da của các đốc công; ông đã giành giật, tích góp được năm triệu bảng dưới dạng hải sâm, gỗ đàn hương, xà cừ, đồi mồi, dừa và cơm dừa khô, đồng cỏ, các tiệm buôn và các trang trại... Tính cứng rắn ẩn chứa trong ngón tay út đã gãy của Thuyền trưởng Malu còn cứng rắn hơn toàn bộ tính cứng rắn trong cả con người Bertie Arkwright cộng lại. Tuy vậy, các nữ du khách đâu thể dựa vào cái gì khác ngoài cái mẽ bề ngoài để đánh giá, mà Bertie thì rõ là một anh chàng điển trai.
Nói chuyện với Thuyền trưởng Malu trong cabin hút thuốc, Bertie tỏ ý muốn coi qua cuộc sống máu lửa trên quần đảo Solomons. Thuyền trưởng Malu cho rằng đó là là một ý định lãng mạn rất đáng trân trọng, và chẳng mấy ngày sau ông đã tỏ ra quan tâm tới Bertie khi anh chàng khoái phiêu lưu đó phô ra cho ông thấy một khẩu súng ngắn tự động cỡ nòng 44 [1]. Bertie giảng giải cách sử dụng và biểu diễn bằng cách lắp kẹp đạn vào ổ đạn trên báng súng.
“Cũng dễ thôi”, anh vừa nói vừa kéo giật cơ bẩm ra sau rồi buông ra. “Ông thấy đấy, vậy là đạn đã lên nòng và mình chỉ còn mỗi việc co ngón tay bóp cò, tám lần liên tiếp... Ông xem cái khoá an toàn này; đây là cái mà tôi thích nhất bởi vì nó bảo đảm an toàn. Quá dễ, có ngu ngốc mấy cũng xài được”. Anh tháo kẹp đạn ra. “Ông xem, nó an toàn quá đi chứ, phải không nào?”.
Lúc anh cầm súng trên tay, nòng súng cứ chĩa thẳng vào bụng Thuyền trưởng Malu làm ông cứ nhíu mắt nhìn chăm chăm vào đó.
“Anh chĩa súng ra hướng khác được chứ?”. Ông bảo.
“Không sao đâu”, Bertie trấn an. “Tôi đã tháo kẹp đạn ra rồi; ông cũng biết đấy, lúc này súng không có đạn đâu”.
“Anh phải nghĩ là súng lúc nào cũng có đạn...”.
“Nhưng lúc này thì không có đâu”.
“Tốt hơn cả là anh nên chĩa ra hướng khác ngay đi!”. Thuyền trưởng Malu hạ thấp giọng, nhưng mắt ông vẫn không rời nòng súng cho đến khi nó được chĩa sang hướng khác.
“Tôi dám cá năm bảng là súng không có đạn”. Bertie sôi nổi đề nghị.
Người kia lắc đầu.
“Được rồi, tôi sẽ cho ông thấy”.
Bertie hướng mũi súng lên thái dương mình chuẩn bị bóp cò.
“Khoan đã nào”, giọng trầm tĩnh, Thuyền trưởng Malu vừa nói vừa chìa tay ra. “Đưa đây tôi xem đã”.
Cầm lấy khẩu súng, ông hướng mũi súng xuống biển và bóp cò, một tiếng nổ lớn vang lên cùng lúc với tiếng click sắc nhọn và một chiếc vỏ đạn nóng hổi, bốc khói rơi xuống sàn tàu.
Bertie sửng sốt đến cứng cả hàm. “Tôi... tôi... đã kéo giật cơ bẩm lại rồi mà... phải không nào?” - Anh giải thích - “Phải nói là tôi hết sức choáng váng...”.
Anh gượng cười méo mó, buông mình ngồi xuống ghế, mặt vẫn còn tái mét, mắt vẫn chưa lấy lại thần. Tay anh run rẩy cầm điếu thuốc đưa lên môi không vững. Đối với anh, cuộc sống sao mà quá rắc rối, và anh hình dung cảnh anh nằm sóng soài trên sàn tàu, óc não tung toé...
“Ghê quá!... ghê quá!...”. Anh lảm nhảm.
Trả khẩu súng lại cho anh, Thuyền trưởng Malu nói: “Thứ này “chơi” được đây!”.
Trên đường từ Sydney trở về, ông Uỷ viên di trú lúc ấy cũng đang có mặt trên tàu Makembo và ông cho phép tàu đậu lại đảo Ugi cho một nhà truyền đạo lên bờ. Cũng vừa hay, chiếc Arla, một chiếc tàu buồm nhỏ do Thuyền trưởng Hansen chỉ huy, cũng đang neo đậu tại đó. Nay thì Arla đã là một trong rất nhiều những chiếc tàu của Thuyền trưởng Malu, và theo lời mời của ông ta, Bertie lên làm khách trên chiếc tàu này để dạo quanh đảo Malaita trong bốn ngày, sau đó nó sẽ thả anh xuống trang trại Reminge (cũng của Thuyền trưởng Malu), ở đó Bertie có thể lưu lại một tuần, rồi sau đó anh sẽ được đưa đến lỵ sở của chính quyền bảo hộ đặt trên đảo Tulagi và sẽ là khách của ông Uỷ viên di trú. Thuyền trưởng Malu còn có hai gợi ý nữa (mà nếu nói rõ ra thì chắc chắn là ông ta sẽ phải biến mất khỏi truyện này), một là đối với Thuyền trưởng Hansen và một là đối với ông Harriwell, người quản lý trang trại Reminge. Cả hai gợi ý đại khái có nội dung như nhau, đó là giúp ông Betram ][2] Arkwright nhìn thấu cuộc sống thô lậu và đẫm máu trên quần đảo Solomons. Đồng thời, người ta cũng rỉ tai với nhau là Thuyền trưởng Malu có nói bóng nói gió cái gì đó về một thùng rượu Scotch có liên quan đến bất cứ hiểu biết thật sự đáng giá nào mà ông Arkwright tiếp thu được...
II
“Vâng, Swartz đúng là một kẻ ngang ngạnh. Ông biết nhé, hắn đã đem bốn người trong đoàn thuỷ thủ trên chiếc tàu của hắn sang Tulagi để bán - một cách công khai, rồi sau đó lại cùng họ trốn về trên một chiếc xuồng cứu nạn. Một cơn gió mạnh nổi lên, xuồng bị lật ở ngoài khơi, Swatz là người duy nhất chết đuối. Tất nhiên, đó là một tai nạn”.
“Tai nạn thật à?”. Bertie hỏi đẩy đưa trong khi ánh mắt vẫn nhìn dán vào người thổ dân đang điều khiển bánh lái tàu.
Đảo Ugi khuất dần về phía đuôi tàu, và chiếc Arla đang chạy men theo bờ xuyên qua một vùng biển ấm về hướng khu vực cây cối rậm rạp của đảo Malaita. Bertie tò mò nhìn người lái tàu; anh ta trang điểm bằng cách xiên một cái đinh dài xuyên qua sống mũi, cổ đeo một xâu chuỗi cúc quần; xuyên qua các lỗ trên hai vành tai, anh ta gắn nào là khoá khui đồ hộp, một cái cán bàn chải gãy, một ống điếu bằng đất nung, một bánh răng đồng hồ và mấy cái vỏ đạn súng Winchester; lủng lẳng trước ngực là một mảnh sứ bể xỏ vào sợi dây đeo vòng qua cổ. Nằm ngồi la liệt trên sàn tàu là khoảng bốn chục thổ dân cũng trang sức như vậy, trong đó có mười lăm người là thuỷ thủ trên tàu, số còn lại là những người vừa tuyển mộ được.
“Tất nhiên đó là một tai nạn”, Jacobs, phó thuyền trưởng tàu Arla, một người thanh mảnh, mắt đen trông giống một giáo sư hơn là một thuỷ thủ, nói. “Johnny Bedip cũng gần như đã gặp phải một loại tai nạn giống như vậy. Anh ta được mang về sau khi đã no đòn lúc chúng lật thuyền của anh. Nhưng anh bơi giỏi không kém gì chúng, và hai đứa trong bọn chúng đã chết đuối. Anh ta đã dùng một tấm ván thuyền và một khẩu súng lục. Tất nhiên đó cũng là một tai nạn...”.
“Các tai nạn loại ấy vẫn thường xuyên xảy ra”, viên thuyền trưởng nói. “Ông Arkwright, ông nhìn thấy người đang lái tàu kia chứ? Anh ta là người ăn thịt người đấy. Sáu tháng trước, anh ta cùng với tất cả những thuyền viên còn lại trên tàu đã làm cho viên thuyền trưởng lúc ấy của tàu Arla bị chết đuối... Vâng, thưa ông, họ làm chuyện ấy trên sàn tàu, ngay chỗ bánh lái tàu ở đằng kia”.
“Sàn tàu lúc ấy trông nhơ nháp lắm”, viên thuyền phó đế vào.
“Các ông nói sao? Tôi chẳng hiểu gì cả...”, Bertie thắc mắc.
“Vâng, ngay ở chỗ đó đấy”, vừa nói thuyền trưởng Hansen vừa đưa mắt nhìn về phía đuôi tàu. “Đúng là một vụ chết đuối”.
“Nhưng đấy là sàn tàu mà...?”.
“Đúng như thế; nhưng tôi quên chưa nói với ông - tất nhiên là nói riêng thôi đấy là họ đã dùng một cái rìu”.
“Đó cũng là đoàn thuỷ thủ hiện nay của các ông à?”
Thuyền trưởng Hansen gật đầu
“Viên thuyền trưởng kia là người rất thận trọng”, viên thuyền phó giải thích. “Nhưng ông ta đã vô tình xoay lưng lại khi chúng chỉ trỏ ra hiệu bảo ông ta làm như vậy”.
“Ở đây chúng tôi chẳng có cơ hội nào cả”. Viên thuyền trưởng than phiền. “Bất cứ lúc nào nhà nước cũng bảo vệ thổ dân trong quan hệ với người da trắng. Ông không được nổ súng trước. Ông phải để cho thổ dân bắn trước, bằng ngược lại chính phủ sẽ coi đó là hành vi giết người và ông sẽ phải sang đảo Fiji. Điều đó giải thích tại sao có quá nhiều tai nạn chết đuối”.
Đã đến giờ ăn; Bertie và viên thuyền trưởng xuống bên dưới, để viên thuyền phó ở lại trông coi trên sàn tàu.
Trước khi đi, viên thuyền trưởng nhắc: “Nhớ để ý thằng mọi Auiki. Từ nhiều ngày nay tôi thấy ánh mắt nó có vẻ khang khác...”.
“Yên chí đi!...”. Viên thuyền phó đáp.
Buồng ăn đặt dưới khoang tàu, nằm cách đó một quãng, và ở đó viên thuyền trưởng tiếp tục kể về chuyện viên thuyền trưởng người Tô Cách Lan đã bị xẻ thịt như thế nào.
“Vâng”, ông ta nói: “đó là chiếc tàu đẹp nhất ở đây, nhưng khi nó bị tuột neo và trước khi va phải đá ngầm, từ trong bờ, một đám xuồng con đã túa ra. Lúc ấy trên tàu có năm người da trắng, một đoàn thuỷ thủ gồm hai mươi thổ dân người các đảo Samoa và Santa Cruz, và chỉ có một người áp tải hàng là thoát được. Tất cả những người kia đều đã bị “kai kai”... Ông không biết “kai kai” là gì à? Ông thứ lỗi cho; ý tôi muốn nói là họ đã bị ăn thịt cả rồi. Rồi có cả James Edwards, người trông coi các thiết bị trên tàu...”.
Nhưng ngay lúc ấy trên sàn tàu rộ lên tiếng la chói lói của viên thuyền phó cùng với tiếng la ó ầm ĩ của đám thổ dân. Vang lên ba tiếng súng nổ cùng lúc với tiếng vật gì đó rơi ùm xuống nước. Thuyền trưởng Hansen phóng lên chiếc cầu thang dẫn lên sàn tàu, và ánh mắt Bertie thoáng nghệch đi khi anh nhìn thấy ông ta vừa chạy vừa móc tay vào túi rút súng ra.
Bertie dè dặt bước theo; anh ngập ngừng giây lát trước khi ló đầu lên cầu thang. Trên sàn tàu dường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Viên thuyền phó trông có vẻ kích động, súng lục lăm lăm trong tay. Đôi lúc ông quay nhìn dáo dác như thể để xem chừng có mối nguy hiểm nào từ phía sau lưng hay không.
“Một thổ dân rơi khỏi tàu”, ông ta nói, giọng căng thẳng.”Hắn ta không biết bơi”.
“Ai vậy?”. Viên thuyền trưởng hỏi.
“Auiki”, viên thuyền phó đáp.
“Nhưng tôi...”. - Bertie nói, giọng run lên đầy vẻ bức xúc vì anh cảm thấy có chuyện gì đó bất thường, một chuyện bất thường cần phải tìm hiểu kỹ - “tôi... chắc mấy ông cũng nghe thấy mà, tôi nghe có tiếng súng nổ...”.
Viên thuyền phó lừ mắt nhìn anh, miệng hầm hừ:
- Anh nói lếu nói láo cái gì vậy hả? Súng đạn gì ở đây chứ? Anh không hiểu là thằng mọi đó trượt chân rơi qua mạn tàu à?...
Thuyền trưởng Hansen đưa đôi mắt thản nhiên, lừ đừ nhìn Bertie.
“Tôi... tôi cứ tưởng...”. Bertie ấp úng.
“Ông tưởng là có tiếng súng nổ chứ gì?” làm ra vẻ ngơ ngác, Thuyền trưởng Hansen hỏi. “Tiếng súng nào nhỉ?... Ông Jacobs, ông có nghe tiếng súng nổ chứ?”.
“Nổ niếc gì ở đây cơ chứ; tôi có nghe thấy tiếng nổ tiếng niếc nào đâu!...”. - Viên thuyền phó đáp.
Nhìn vị khách của mình với ánh mắt đắc thắng, viên thuyền trưởng nói:
- Rõ là tai nạn rồi... Thôi, ông Arkwright, chúng ta xuống ăn tiếp cho xong bữa đi!...
Tối hôm đó Bertie ngủ trong buồng ngủ của thuyền trưởng; đó là một gian riêng tách biệt với cabin chính, vách ngăn được chắn bằng một chiếc giá mắc đầy súng; trên giường ngủ còn có thêm ba khẩu súng nữa. Dưới giường có một ngăn kéo lớn chứa đầy đạn dược, cốt mìn, ngòi nổ... Anh chọn chiếc trường kỷ đặt ở phía bên kia chiếc giường. Đặt trên chiếc bàn ngủ là quyển nhật ký hành trình của tàu Arla. Bertie không biết đó là tập nhật ký được chuẩn bị riêng cho Thuyền trưởng Malu, và anh đã đọc thấy trong đó có ghi rõ ngày hai mươi mốt tháng chín, hai thuỷ thủ của tàu đã rơi xuống biển và chết đuối ra sao. Bertie đọc giữa các giòng chữ và anh biết rõ hơn. Anh biết chiếc xuồng cứu nạn của tàu Arla đã bị thổ dân trong rừng ở đảo Suu đánh úp ra sao và đã mất đi ba người như thế nào; anh cũng đã đọc thấy là viên thuyền trưởng đã phát hiện ra việc anh đầu bếp hầm món thịt người trong buồng bếp, món thịt người mà anh ta đã mua của bọn thuỷ thủ trên bờ đảo Fui; về chuyện mìn đã phát nổ làm chết đoàn thuỷ thủ của một chiếc tàu khác; về những nơi tàu trú ẩn chờ qua đêm, về những cuộc tấn công của thổ dân nấp trong các khu rừng đước hay của bọn cướp biển vẫn thường dọc ngang nơi những eo biển lớn... Một khoản khác cũng rất thường thấy là chết vì bệnh kiết lỵ. Anh đặc biệt chú ý đến khoản ghi về hai người da trắng - cũng là khách như anh - đã chết như vậy trên tàu Arla.
Sáng hôm sau anh nói với Thuyền trưởng Hansen: “Tôi vừa đọc lướt qua nhật ký hành trình của ông...”.
Ánh mắt của viên thuyền trưởng thoáng lộ vẻ khó chịu khi nhìn thấy quyển nhật ký hành trình nằm hơi lệch về bên trái.
“Tôi thấy chuyện mấy người chết vì bệnh kiết lỵ” - Bertie nói tiếp - “và cả các tai nạn chết đuối nữa, sao mà vô lý quá... Thật ra thì “kiết lỵ”, ở đây có nghĩa là gì vậy?”.
Viên thuyền trưởng tỏ ý thán phục nhận xét sắc sảo của vị khách; ông tìm cách né tránh, nhưng rồi cũng trả lời:
“Ông Arkwright, là vầy… mấy hòn đảo này mang tai mắc tiếng nhiều quá rồi, điều đó làm cho việc thuê người da trắng đến làm việc càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. Giả sử như có một người bị giết, công ty phải trả một cái giá cắt cổ để thuê người khác thay thế, nhưng nếu có người chết vì bệnh tật thì chẳng có vấn đề gì cả.. Những gã mới đến chẳng quan tâm đến chuyện đau bệnh; điều làm họ lo ngại là bị thổ dân giết chết. Tôi cứ tưởng là viên thuyền trưởng cũ của tàu Arla chết vì bị kiết lỵ nên mới nhận công việc này, đến chừng ký hợp đồng xong, biết ra thì đã muộn...”.
“Ngoài ra”, ông Jacobs tiếp lời, “cũng có quá nhiều người chết đuối do tai nạn; điều đó cũng không mấy ổn... Tại nhà nước cả; trước thổ dân, người da trắng chẳng có cơ hội nào để tự vệ...”.
“Vâng”, viên thuyền trưởng tán thành, “ông cứ xem chiếc Princess và viên thuyền phó người Mỹ kia; tàu chở một viên chức nhà nước đi cùng với năm người da trắng; viên thuyền trưởng, vị công chức và người buôn hàng được đưa vào bờ trên hai chiếc xuồng và họ đã lần lượt bị giết cho đến người cuối cùng. Lúc ấy, viên thuyền phó và người phụ trách neo tàu cùng với đoàn thuỷ thủ gồm mười lăm thổ dân người Samoa và Tonga đều ở trên tàu. Từ trên bờ, một đám thổ dân túa ra, và khi viên thuyền phó hiểu ra vấn đề thì cả đoàn thuỷ thủ cùng với người trông coi neo, buồm đã bị giết ngay trong đợt tấn công đầu tiên; ông ta chộp vội ba dây đạn và hai khẩu Winchester rồi nằm dán vào giữa các thanh giằng cột buồm. Ông ấy là người duy nhất sống sót và đã trở nên điên loạn. Sàn tàu đen đặc thổ dân, ông ta xả đạn cho đến khi khẩu súng này đỏ rực lên không còn bắn được nữa thì thay bằng khẩu kia, quét cho chúng dạt ra; ông bắn vào chúng cho đến khi chúng phóng chạy qua thành tàu và cả khi chúng đã chộp được mái chèo; vậy là nhiều tên cứ nhào đại xuống biển bơi lấy bơi để... Trong cơn điên loạn đó, ông ta đã bắn chết thêm sáu tên nữa, và ông có biết là ông ta đã phải gánh chịu điều gì không?...
Viên thuyền phó búng tay: “Bảy năm tù trên đảo Fiji”.
“Chính phủ nói là không thể biện hộ được về hành vi bắn vào thổ dân khi họ đã nhảy xuống biển”, viên thuyền trưởng giải thích.
“Cũng bởi vậy mà ngày nay người ta thường quy nguyên nhân cái chết của họ là do bệnh kiết lỵ”, viên thuyền phó nói thêm.
“Thật khó mà hình dung nổi!” Bertie nói, và anh cảm thấy mong sao cho cuộc đi chơi sớm kết thúc.
Cũng trong ngày hôm đó anh đã gặp và nói chuyện với một thổ dân, người đã tự giới thiệu với anh là một kẻ ăn thịt người; hắn tên Sumasai, đã từng làm việc ba năm trong một trang trại ở Queensland đã từng sống ở Samoa, Fiji và Sydney, đã từng được tuyển làm thuỷ thủ trên các tàu đi New Britain, New Ireland, New Guinea và Admiralties [3]; hắn là một người hay chuyện và cũng đã được các thuyền trưởng của hắn chỉ vẽ ít nhiều. Phải, nó đã ăn thịt nhiều người. Bao nhiêu người? Không nhớ nữa… Ừa, có cả người da trắng; thịt bọn đó ngon lắm, trừ khi chúng mắc bệnh. Có lần nó đã ăn thịt một người da trắng, bị bệnh chết. “A dui”, hắn nhớ lại, “tao cũng bịnh theo, chạy té re, đau bụng muốn chết!”.
Bertie rùng mình, nhưng anh vẫn tiếp tục hỏi hắn về những chiếc đầu người. Có, Sumasai có mấy cái rất tốt, đã phơi nắng và hun khói kỹ, giấu ở trên bờ. Một cái là của thuyền trưởng một chiếc tàu khách, cái này có bộ râu dài, bán cũng được hai bảng. Đầu của thổ dân chỉ bán được một bảng. Có mấy cái đầu của bọn con nít thổ dân hơi xấu, mỗi cái chỉ bán được chừng mười shilling.
Khoảng mươi phút sau, khi đến ngồi ở hành lang trên sàn tàu, Bertie thấy bên cạnh mình có một thổ dân bị một chứng bệnh ngoài da trông rất dễ sợ; anh bỏ đi và khi hỏi ra, anh mới biết đó là một người bị bệnh phong cùi. Anh hoảng sợ, chạy vội xuống khoang tàu tắm gội kỳ cọ đến cả giờ đồng hồ bằng loại xà phòng sát trùng. Trong suốt ngày hôm đó, cứ mỗi khi nhìn thấy một thổ dân bị lở loét là anh lại dùng xà phòng sát trùng kỳ cọ khắp cả người.
Khi chiếc Arla được đưa được đưa vào vũng đậu nằm trong một cánh rừng đước, người ta kéo hai hàng kẽm gai rào quanh thành tàu. Công việc được tiến hành một cách chu đáo và khi Bertie nhìn thây ở ven bìa rừng, lấp ló những chiếc thuyền trang bị đầy giáo mác, cung tên và cả súng Snider nữa, anh chỉ mong sao cho chuyến đi này sớm kết thúc.
Chiều hôm đó lúc mặt trời sắp lặn, bọn thổ dân lần chần không muốn rời tàu, một số cà khịa với viên thuyền phó khi ông ta ra lệnh cho chúng lên bờ. “Không sao, để đó tôi tính cho”, vừa nói Thuyền trưởng Hansen vừa rảo bước về phía chiếc cầu thang dẫn xuống khoang tàu.
Lúc trở lên ông ta chìa cho Bertie thấy một vật giống như thỏi cốt mìn có buộc sẵn trên đó một cái lưỡi câu lớn. Nay thì một chai chlorodyne [4 được bọc trong bao giấy để ló ra một mẩu dây cháy chậm chẳng hù doạ được ai, nhưng lúc đó, vừa nhìn thấy vật trong tay Thuyền trưởng Hansen, cả Bertie cũng như đám thổ dân đều tái mặt. Khi Thuyền trưởng Hansen đốt mẩu dây cháy chậm và móc lưỡi câu vào đai khố của một thổ dân, anh này hốt hoảng ba chân bốn cẳng vọt mình qua hàng rào kẽm gai bên mạn tàu phóng thẳng lên bờ, quên cả chuyện lột khố ra; anh ta cứ thế chạy nháo chạy nhào mang theo cả chai chlorodyne và sợi dây cháy chậm đang ngún xì xì sau mông... Theo chân anh ta, đám thổ dân còn lại cũng nháo nhào phóng qua hàng rào kẽm gai chạy bán sống bán chết... Bertie khiếp hãi, mặt tái ngoe tái ngoét và cả Thuyền trưởng Hansen cũng vậy; ông vừa chợt nhớ ra là ông đã ứng tiền trọn cho hai mươi lăm thổ dân mới tuyển mộ được, mỗi người ba mươi shilling; tất cả bọn họ đều đã vọt cả lên bờ và chạy hút vào các lùm bụi dày đặc...
Thừa lúc Berlie còn đang bàng hoàng, viên thuyền phó lẳng lặng đốt một thỏi cốt mìn quẳng vào khoảng trống phía sau đuôi tàu; nghe tiếng nổ, Bertie nhớm chân nhìn với theo hướng chạy của đám thổ dân nhưng anh chỉ thấy làn khói tuôn ra mờ mịt và hình như cái chai vẫn chưa phát nổ, và do vậy sau này cho dù có muốn ra làm chứng trước tòa, anh cũng không thể nào dám nói một cách chắc chắn là có thổ dân nào bị tan xác hay không. Tuy nhiên, cuộc tháo chạy vào các lùm bụi của hai mươi lăm người mới tuyển mộ đã làm cho chiếc Arla bị mất toi gần bốn mươi bảng [5] và hai người phụ trách tàu chẳng còn biết làm gì hơn ngoài việc cố nuốt trôi nỗi xót của bằng cách tu ừng ực những ngụm trà ướp lạnh.
Trà ướp lạnh được chứa trong những chai đựng rượu whisky, do vậy Bertie cũng không biết thứ mà họ vừa tu có phải là trà ướp lạnh hay không nữa, có điều là cả hai trông có vẻ như say bí tỉ khi họ hùng hồn tranh luận với nhau là dù cho tên thổ dân ấy có bị nổ banh xác hay không, họ nên háo cáo là hắn đã chết vì kiết lỵ hay là vì bị trượt chân rơi xuống biển và không biết bơi... Khi họ lăn ra ngủ trên sàn tàu, anh là người da trắng duy nhất còn thức; suốt đêm cho tới khi trời sáng bạch, anh căng mắt, lúc nhìn quanh sàn tàu, lúc đảo nhanh về phía bìa rừng, bụng cứ giật thon thót khi nghĩ tới chuyện các thuyền viên thổ dân có thể bất chợt thức giấc hoặc giả bọn thổ dân từ ngoài bìa rừng có thể bất thần xông lên tấn công tàu...
Chiếc Arla tiếp tục đậu trong vũng thêm ba ngày nữa, và thêm ba đêm nữa hai vị thuyền trưởng và thuyền phó tiếp tục mềm môi với thứ nước trà ướp lạnh của họ, bỏ mặc Bertie một mình thức canh thâu đêm suốt sáng, họ biết là anh không dám lơi lỏng và đồng thời họ cũng biết là nếu anh còn sống, điều chắc chắn là anh sẽ nói lại với Thuyền trưởng Malu việc họ thường xuyên say xỉn như thế nào... Mãi đến sáng ngày thứ năm, chiếc Arla mới rời vũng lên đường tới đảo Guadalcanar và buông neo ở trang trại Reminge, ở đó ông quản lý Harriwell đang chờ đón Bertie...
Ôm vai anh, ông Harriwell thân mật bảo: “Trong bọn tôi có mấy người trông có vẻ suy sụp, nhưng rồi ông sẽ thấy ngay là chẳng có gì đáng lo ngại đâu. Có tin đồn về chuyện thổ dân nổi loạn, và tôi cũng thấy có vài dấu hiệu khả nghi, nhưng thật lòng mà nói, tôi nghĩ đó chỉ là chuyện vặt vãnh mà thôi...”.
“Ở… ở trang trại này... có... có nhiều thổ dân không?” - Giọng ngập ngừng, Bertie hỏi.
“Hiện chỉ có bốn trăm đứa thôi” - ông Harriwell vui vẻ đáp - “chúng tôi ba người, nay có thêm ông, ông thuyền trưởng, ông thuyền phó tàu Arla, bọn mình thừa sức chế ngự bọn chúng...”.
Đúng vào lúc đó, anh thủ kho McTavish không biết từ đâu bước tới; anh ta gãi đầu gãi tai xin nghỉ việc:
“Ông Harriwell, ông thông cảm cho, tôi đã có gia đình rồi, tôi không thể tiếp tục đảm đương công việc được nữa đâu; bọn mọi đang rục rịch gây rối, chỗ này sắp trở thành một Hohono nữa cho coi!”.
“Hohono là cái gì vậy?” - Bertie tò mò hỏi sau khi ông quản lý đã thuyết phục được viên thủ kho chịu ở lại tiếp tục làm việc cho đến cuối tháng.
“Ý là anh ta nói tới trang trại Hohono ở đảo Ysabel đấy mà” - ông quản lý Harriwel đáp. “Ở đó có lần bọn thổ dân đã dấy loạn; chúng giết chết năm người da trắng, rồi giết luôn thuyền trưởng và thuyền phó một chiếc thuyền buồm để cướp thuyền thoát sang đảo Malaita... Chuyện chẳng chóng thì chầy thôi; tôi vẫn thường bảo, ở Hohono người ta sơ sẩy lắm, chứ như ở đây, đố bọn chúng dám làm càn... Thôi, ông Arkwright, mình ra ngoài hàng ba ngắm cảnh đi!..”.
Bertie nóng ruột muốn sang trú ngụ trong nhà ông Uỷ viên di trú ở đảo Tulagi, anh chẳng còn lòng dạ nào để nhìn ngắm cái gì, và trong khi anh còn đang bần thần trong dạ thì ngay sau lưng anh, một loạt đạn bỗng nổ giòn; anh chưa kịp hiểu mô tê gì thì đã bị ông Harriwell chộp lấy cánh tay lôi tuột vào trong nhà...
“Hú hồn hú vía nhé, ông bạn!” - vừa nói, ông Harriwell vừa xoay quanh nhìn ngó khắp người Bertie xem thử coi anh có bị thương tích gì không - “Thật không biết phải xin lỗi ông thế nào... Mà ông cũng thấy, giữa ban ngày ban mặt thế này, làm sao tôi có thể ngờ được cơ chứ!...”.
Mặt Bertie xanh như chàm đổ.
“Ông quản lý trước đây cũng đã bị chúng bắn như vậy đấy”, McTavish tặc lưỡi. “Tội nghiệp; óc não văng tung tóe khắp ngoài hàng ba; ông có thấy mấy cái vệt sâm sẫm ở chỗ bậc tam cấp đằng kia chứ?...”.
Bertie đón lấy ly rượu ông Harriwell vừa pha cho anh, nhưng ngay lúc đó đã có một người mặc quần cộc, chân quấn xà cạp lên tới tận đầu gối, bước vào.
“Lại có chuyện gì nữa đây?” - ông Harriwell nhíu mày nhìn thẳng vào mặt người vừa mới đến - “Bộ nước sông chảy ngược nữa rồi à?”.
“Không phải là chảy ngược, mà là tràn bờ, ý tôi nói là tụi mọi ấy; chúng xông vào tôi ở chỗ gần rẫy mía; có cả tiếng súng Snider từ trong nhà bắn ra nữa, và điều mà tôi muốn biết lúc này là tụi nó lấy khẩu súng đó ở đâu ra... Ôi, xin thứ lỗi; chào ông Arkwright, ông khỏe chứ? Rất hân hạnh được gặp ông…”.
“Đây là ông Brown, người phụ tá của tôi”, ông Harriwell giới thiệu. “Giờ thì mình làm một ly đã nhé”.
“Nhưng mà tụi nó lấy cái khẩu Snider ấy ở đâu ra mới được chứ?”. Ông Brown tức tối. “Biết bao lần tôi đã bảo là không được để những khẩu súng ấy ở trong nhà..”.
“Thì chúng vẫn còn ở đấy thôi”, ông Harriwell tỏ ý khó chịu.
Ông Brown nhếch mép cười khẩy.
“Ông cứ vào trong ấy xem là biết ngay chứ gì?”, viên quản lý gắt.
Bertie theo chân mấy người bước vào văn phòng, ở đó, với vẻ mặt đắc thắng, ông Harriwell chỉ cho ông Brown trông thấy chiếc thùng lớn vẫn còn yên vị trong một góc phòng đầy bụi, nhưng ông Brown vẫn tiếp tục lải nhải: “Vậy thì cái tụi khốn đó nó đào ở đâu ra khẩu súng ấy mới được chứ?”.
Bất thần McTavish bước lại nhớm thử, rồi nâng bổng chiếc thùng lên. Viên quản lý há hốc miệng, trố mắt nhìn; chiếc thùng rỗng không, đáy thùng trống toang hoác. Mọi người đưa mắt nhìn nhau, hoảng sợ, còn Harriwell thì rũ xuống như một tàu lá héo.
Đến lượt McTavish cự nự. “Lâu nay tôi đã bảo là đám thổ dân phục dịch trong nhà chả có đứa nào đáng tin...”.
“Chuyện nghiêm trọng đây!”, ông Harriwell nhìn nhận, “nhưng bọn mình sẽ giải quyết ổn thoả đâu vào đấy ngay thôi; phải cho bọn mọi khát máu này biết tay mới được; khi đi ăn, mấy ông nhớ mang súng theo; còn ông, ông Brown, ông sắp sẵn cho vài chục thỏi mìn... lấy thứ ngòi nổ nhậy nhất ấy... Phải cho bọn chúng một bài học mới được!... Nào, mấy ông, giờ thì mình đi xuống nhà ăn được rồi chứ?”.
Thứ mà Bertie ghét nhất là cơm trộn cà ri, do vậy chỉ một mình anh chọn món trứng tráng. Khi anh ăn đã gần hết đĩa, Harriwell cũng đến lấy cho mình một đĩa trứng, nhưng mới vừa đưa một muỗng vào miệng, ông ta đã vội phun ra ngay.
“Lần thứ hai rồi đấy!”, McTavish lo ngại nói.
Harriwell vẫn tiếp tục khạc nhổ.
“Lần thứ hai cái gì?”, Bertie run giọng hỏi.
“Đầu độc”, có tiếng trả lời. “Phải treo cổ tên bếp ấy mới được!”.
“Ở doi March, một viên kế toán đã chết như vậy đấy”, Brown lên tiếng. “Chết một cách khủng khiếp; những người ở trên chiếc Jessie đang chạy cách đó ba dặm nói là họ cũng nghe tiếng rống của anh ta”.
“Tôi sẽ xích tên bếp lại ngay”, Harriwell hầm hừ. “Cũng may là chúng ta phát hiện kịp thời”.
Bertie ngồi đờ người ra, mặt cắt không còn chút máu; anh muốn nói, nhưng cổ họng như khô cứng lại, chỉ có thể phát ra những tiếng khò khè. Mọi người nhìn anh lo ngại.
“Không phải vậy chứ, không phải vậy chứ?!”, McTavish la lên, giọng căng thẳng.
“Tôi... tôi đã ăn món đó... cả một đĩa đầy!..”. Rán hết sức, Bertie la lớn như sắp chết đến nơi.
Một sự im lặng đáng sợ kéo dài có đến hơn nửa phút, và Bertie kinh hãi khi nhìn thẩy ánh mắt hoảng hốt của mọi người.
“Có lẽ đĩa đó chưa bị hạ độc...”, Harriwell dè dặt.
“Kêu thằng bếp lên đây!”, Brown quát.
Tên bếp bước vào, đó là một thổ dân mũi hểnh, tai vảnh lên.
“Này, Wi-wi, các đó là cái gì?”. Tay chỉ vào đĩa trứng tráng. Harriwell quát hỏi.
Wi-wi trông có vẻ hoảng sợ; hắn lúng búng: “Cái đó... kai kai... ngon lắm mà…”.
“Bắt nó ăn đi coi thế nào...”. McTavisk đề nghị.
Harriwell xúc một muỗng trứng tráng và nhảy bổ lại chỗ tên bếp nhưng hắn đã đảo người co giò phóng chạy.
“Nó không dám ăn món đó”. Brown run giọng nói. “Vậy đúng là nó đã hạ độc vào trong đó rồi!...”.
“Ông Brown, ông làm ơn ra bắt nó xích lại giùm!”. Giọng điềm tĩnh, ông Harriwell bảo, rồi ông xoay qua trấn an Bertie: “Ông bạn, cứ yên tâm đi, rồi thì đâu cũng vào đó cả thôi; nếu ông chết vì đã ăn món trứng đó, ông Uỷ viên Di trú sẽ xử cho treo cổ tên bếp ngay cho coi...”.
“Đừng hòng Nhà nước làm vậy!”: McTavish tức tối.
“Nhưng các ông”, Bertie la lên. “Các ông phải lo cho tôi với chứ!”.
Harriwell nhún vai tỏ ý thương hại:
“Ông bạn thông cảm cho, đó là thuốc độc của thổ dân, đối với các loại thuốc độc đó người ta chưa tìm ra thuốc giải… Ông ráng giữ bình tĩnh; nếu chẳng may..”.
Không biết từ đâu vang lên hai tiếng súng chát chúa làm Harriwell ngưng bặt. Từ bên ngoài, Brown bước vào, nạp lại đạn vào khẩu súng và ngồi xuống bàn.
“Thằng bếp chết rồi”, anh la nói. “Bị sốt rét ác tính...”.
“Tôi vẫn nói với ông Arkwright là không có loại thuốc nào có thể giải được chất độc của thổ dân...” - Ông Harriwell ngập ngừng...
“Ngoại trừ rượu gin”, Brown đỡ lời.
Làm như chợt nhớ ra, ông Harriwell bật hai ngón tay đánh “tạch” một tiếng rồi với tay lấy chai rượu gin.
“Rượu nguyên chất đấy, ông bạn, rượu gốc đấy!”. Ông la nhắc chừng khi thấy Bertie dốc ngược chai rượu vào miệng, đang ho sặc sụa đến nỗi nước mắt nước mũi tuôn ròng ròng.
Harriwell cầm tay anh thăm mạch rồi cặp ống thuỷ đo thân nhiệt cho anh; ông ta tỏ ra lo lắng và không giấu giếm nỗi lo ngại là món trứng tráng đã bị hạ độc. Brown và McTavish cũng tỏ ý nghi ngờ như vậy, nhưng Beltie đã nhận ra giọng điệu giảo hoạt của họ. Cảm thấy cổ họng đắng ngoét, anh kín đáo đưa tay xuống dưới bàn tự thăm mạch cho mình. Chẳng có vấn đề gì, tuy mạch đập có nhanh hơn, tuy nhiên, anh cũng không dám chắc đó có phải là do tác động của non nửa chai rượu mạnh mà anh vừa uống hay không. Súng lăm lăm trong tay, McTavish bước ra hiên thăm dò.
“Bọn chúng đang tụ tập bên nhà bếp”, hắn báo cáo, “không biết chúng lấy đâu ra mà có lắm súng Snider vậy nhỉ? Cứ theo ý tôi thì mình phải lẻn sang phía bên kia rồi tấn công chúng vào cạnh sườn... Phải bắn phủ đầu mới được... Ông cùng đi với tôi chứ, ông Brown?”.
Harriwell tiếp tục ăn một cách chậm rãi, trong khi đó Bertie nhận thấy mạch của mình đập nhanh hơn bình thường năm nhịp. Mặt dầu vậy, anh vẫn không dám chạy ra ngoài khi nghe tiếng súng đã nổ ran. Nổi lên trên tiếng súng Snider nổ như vãi trấu là những tràng tiếng nổ âm âm của các khẩu Winchester của Brown và McTavish; tất cả hoà lẫn trong những tiếng la thét cuồng loạn.
“Họ đang đuổi theo bọn chúng”. Harriwell nhận định khi nghe tiếng kêu la và tiếng súng mỗi lúc một xa dần.
Chẳng mấy chốc, Brown và McTavish đã quay trở lại bàn ăn sau khi McTavish đi thám sát về.
“Bọn chúng có mìn”, anh ta nói.
“Vậy thì mình cứ việc dùng mìn đáp trả lại bọn chúng”. Harriwell đáp.
Như chỉ đợi có bấy nhiêu, cả hai liền cùng với Harriwell quơ từng bó cốt mìn nhét vội vào túi rồi kéo nhau ra cửa sau khi mỗi người đã tự đốt cho mình một điếu xì gà. Và thế là cuộc “đáp trả” diễn ra; về sau này người ta đổ trút mọi tội lỗi lên đầu McTavish, và hắn ta cũng biện bạch là do quá căng thẳng nên thần hồn nát thần tính, trông gà hoá cuốc, nhưng dù có nói gì đi nữa thì cũng không sao chối cãi được là vào hôm ấy, cuộc đáp trả bằng mìn đã nổ ra ngay từ dưới hàng ba làm cho chén đĩa ly tách trong nhà ăn đổ rơi loảng xoảng và cả chiếc đồng hồ treo trên vách cũng văng xuống sàn; chết máy, nằm chỏng chơ... Miệng la thét xung phong, cả ba người lao mình vào bóng đêm, và cuộc dội mìn ác liệt nổ rền lên...
Khi họ quay về nhà ăn. Bertie không còn đó; anh đã một mình lết về văn phòng chốt cửa cố thủ và ở đó anh đã ngấm rượu say như chết,chẳng còn biết gì về chiến trận đang diễn ra bên ngoài. Sáng hôm sau, đầu nhức như búa bổ và người vẫn còn quay mòng mòng, anh bò ra ngoài và nhìn thấy mặt trời vẫn còn chói lọi trên cao, và hẳn là Chúa vẫn còn ngự ở chốn Thiên đường vì các vị chủ nhà - cả ba người - đều vẫn còn sống và vẫn bình an vô sự.
Harriwell nài nỉ anh tiếp tục ở lại thêm ít lâu nữa nhưng anh cương quyết theo tàu Arla để đi Tulagi và trong khi chờ tàu khách đến, anh sẽ tá túc trong nhà của ông Uỷ viên di trú, ở đó có những nữ du khách cũng đang chờ tàu, và Bertie lại sẽ được xem là người hùng, trong khi Thuyền trưởng Malu, như thường lệ, vẫn không được ai lưu ý, và cũng từ Tulagi, Thuyền trưởng Malu đã gởi trả lại cho nơi bán ở Sydney hai thùng rượu whisky Tô Cách Lan loại ngon nhất bởi vì ông không tài nào biết được là giữa Thuyền trưởng Hansen và ông Harriwell, ai là người đã giúp Bertie nhiều hơn trong việc nhìn thấu cuộc sống dữ dội trên quần đảo Solomons.
Chú thích:
[1] 44% inch, tức vào khoảng 11,2 mm
[2] Tên "cúng cơm" của Bertie
[3] New Britain, New Ireland, New Guinea và Admiralties: các đảo và quần đảo trong vùng biển Nam Thái Bình Dương, hiện nay thuộc Papua New Guinea.
[4] chlorodyne: họp chất gồm chloroform và thuốc phiện được dùng làm thuốc giảm đau.
[5] 1 bảng (pound) = 20 shillings.
Đánh máy :hoi_ls
Nguồn: Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 459, 460 (Tháng 5/2003)
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 25 tháng 3 năm 2022