Mồng một đầu năm mới là ngày Tết Nguyên Đán. Những nhà khá giả thôn quê trước Tết cả tháng trời đã rục rịch sửa soạn ăn Tết đón Xuân. Việc đầu tiên là gói bánh chưng, phải sắm sửa vật liệu, gạo nếp, đậu xanh để sẵn. Trước ngày gói bánh một ngày mới đi mua lá giong về rửa sạch, để ráo nước. Thường đến các ngày phiên chợ 23, 26, 28 giáp Tết người ta mới cắt lá giong đi bán. Nhà nào nấu nhiều bánh phải giết cả con heo để làm nhân, nấu ít người ta mua ở chợ cho tiện. Nhà giầu nấu nhiều bánh hay chia làm hai hạng, thứ ngon có nhiều nhân để ăn, biếu những chỗ thân tình, hạng ít nhân để cho người nghèo đến chúc Tết chủ nhà.
.
Định ngày nấu bánh rồi thì gạo nếp, đậu xanh phải ngâm từ chiều hôm trước. Sáng hôm sau người gói bánh đổi công giúp lẫn nhau vì gói nhiều phải làm cho kịp đến chiều để nấu. Nấu bánh chưng nấu nhiều phải nấu bằng chum, không giản tiện như nấu bằng nồi bắc trên bếp.
Vì chum quá lớn và nặng không thể bắc bếp nấu bằng củi, người ta phải vần chum ra giữa sân rộng vì khi đốt lửa cháy, rơm bùng lên, ngọn lửa cao như cháy nhà. Xếp bánh nén cho chặt mới đổ nước sôi để sẵn bên cạnh, khi nước chum bánh cạn, lấy nước sôi ở nồi đổ xuống rất tiện. Mỗi chum lớn chỉ xếp hết 100 bánh, nếu nấu nhiều hơn phải nấu hai chum.
Người ta bện rơm xoắn lại cho chắc và dài đem quấn vòng quanh chum, mỗi vòng được đổ vỏ trấu ở giữa, cuốn cho tới miệng chum rồi mới đốt lửa chung quanh. Lửa bốc lớn cháy hết rơm bên ngoài còn lại trông như một đống than hồng. Bây giờ lửa không bốc ra ngoài nhưng cháy âm ỉ vào trong trấu của nồi rơm. Để giữ cho khỏi trụt than ra ngoài, bẹ cây chuối tươi được lột sẵn, xếp chung quanh chum và giây chuối được dùng để ràng giữ than chung quanh chum. Sáng hôm sau than tàn, nước nguội mới vớt bánh ra ép cho chảy bớt nước. Bánh chưng nấu bằng nổi chum như vậy được nhuyễn nhừ ăn rất ngon.
Gần đến ngày Tết, người ta thường tìm câu đối Tết để dán. Ở tỉnh, các thầy đồ ra vỉa hè ngồi viết câu đối bán chờ có người mua. Ở thôn quê, nhiều nơi các thày đồ còn giữ giá trị, ai muốn có câu đối phải mang trầu rượu kèm quà như gà vịt, bánh mứt, đến xin thầy viết câu đối đem về dán cạnh bàn thờ tổ tiên. Trước Tết vài hôm, nhà nào cũng lo dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phượng, dán giấy đỏ cột nhà.
Ở thôn quê, các phiên chợ gần Tết rất đông, nhiều người chờ ngày phiên kéo nhau ra chợ tìm mua tranh, mua pháo, vàng hương, bánh mứt trái cây. Phiên chợ này không mua đủ lại chờ phiên chợ sau tìm mua. Trái cây để bày mâm cần có: phật thủ, phải chọn trái nào có hình thù giống như bàn tay Phật mới quý, chanh yên lựa được trái lớn có khi một người mang nặng tay, trẻ con mang không nổi, ngoài ra còn cam, quít, đu đủ, nải chuối v.v…
Nhà sang có thêm vào củ thủy tiên, vài chậu cúc, chậu quít, quất, ngoài mâm ngũ quả ngoài Bắc phải có cành đào, trong Nam có cành mai vàng, các thứ rượu mùi đặc biệt có chai rượu ngâm táo đỏ, quy, thục hay chai rượu nếp cẩm và ít hạt dưa để đãi khách.
Trước sân nhiều nhà chặt tre dựng cây nêu có treo chiếc khánh đồng, khi có gió va chạm tiếng kêu leng keng rất vui tai.
Nhà nghèo không có được như trên nhưng cũng đi vay tiền mua sắm ăn ba ngày Tết, thường cũng làm một khay Tết có năm quả trứng vịt, ba quả cau, đi chu du khắp các nhà giàu sang để lấy bánh chưng mừng tuổi.
Những người đi làm, đi học, công chức, buôn bán ở xa ai cũng muốn trở về quê ăn Tết với gia đình, thăm phần mộ tổ tiên, thăm họ hàng, xóm làng. Không có phương tiện thông tin nhanh chóng như bây giờ, chỉ được báo trước bằng thư, hay nhắn miệng có người về trước, nên mấy ngày trước Tết, gia đình cho người túc trực chờ cạnh đường xe chạy đón người nhà. Họ dư biết những người đi xa về thường mang theo nhiều đồ vật quý lạ, chỉ ở tỉnh mới có. Không có gì sung sướng vui mừng bằng đoàn tụ gia đình cha mẹ, ông bà, gặp lại con cháu, thêm đưa tiền, đồ vật về góp Tết.
Nhà nào có con mới lấy vợ phải sắm đồ lễ để đôi vợ chồng mới Tết họ hàng. Theo tục lệ phải đi cả hai vợ chồng. Nhà khá giả có người gánh đồ Tết đi theo, nhà nghèo vợ chồng tự mang lấy, chỉ có một phần đồ lễ với nhiều phần cau, lá giàu. Trông thấy đôi vợ chồng mới vào, gia chủ đã lấy sẵn tiền, sau khi nhận cơi trầu, gia chủ mừng tuổi tiền và đôi bạn mới vội vàng cáo từ đi đến nhà khác. Họ cần phải tết nhiều họ hàng hai bên kịp trong ba ngày Tết để thu tiền mừng tuổi, ngầm hiểu họ hàng giúp đôi vợ chồng mới chút vốn.
Nửa đêm 30, nhiều nhà bầy hương án ra sân để cúng giao thừa, đốt pháo, nhất là các xóm có tế giao thừa, tại đình, điếm sở, gióng trống đốt pháo ầm ầm. Người ta tin rằng lúc giao thừa là lúc ông thần coi việc nhân gian hết năm, thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ đón ông mới. Chiều 30, nhiều người đã đi mời người nào phúc hậu, dễ tính có đủ trai gái, giầu có càng hay, nhờ sáng sớm mồng Một đến xông nhà lấy hên cho cả năm buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt.
Ngày mồng Một còn kiêng nhiều thứ: không dám hốt rác quét nhà, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ mới đổ rác. Mồng Một phần đông cúng gia tiên, còn người Công giáo đi lễ nhà thờ về xong mới mừng tuổi ông bà cha mẹ. Sau khi chúc tuổi các em nhỏ sung sướng trong bộ áo mới tới nhận lì xì của ông bà. Sau đó kéo nhau vào nhập tiệc. Rồi phân tán nhau đi mừng tuổi họ hàng bạn bè.
Các nhà khá giả ăn Tết ngày mồng Một sau các nghi thức làm lễ tổ tiên. Người nhà đã làm cỗ sẵn, chỉ chờ có người đến mừng tuổi sẽ được mời vào ăn cỗ, trước khi ra về còn được biếu bánh chưng một hay hai chiếc tùy người thân sơ. Suốt ba ngày Tết, những người đến Tết nhiều ít đều được mời ăn không kể giờ nào.
Muốn biết nhà nào giầu, cứ xem cột gà trước sân trong ngày Tết. Bước qua cổng nhà giầu đã trông thấy trước sân đỏ giới những con gà sống, gà mái. Gà sống đã thiến lớp mập mạp đi đứng dụng dịnh, mào gà hạ mầu sẫm khác với gà chưa thiến, lông cổ dài đắp lên lưng trông rất mướt. Những con gà này đã nuôi sẵn trong chuồng, chiều 30 được gia chủ bắt ra buộc vào hàng cột trước sân. Những người tết gà sau khi gia chủ nhận cũng đưa buộc thêm cho đẹp, có khi tới ngày mồng 10 các chú gà mới được thả vào chuồng hay vào nồi.
Trong nhà hoành phi câu đối, tranh ảnh treo đầy chung quanh vách tường phòng khách, trên bàn trên sập bày sẵn bánh mứt hạt dưa, rượu để đãi khách. Bên chái nhà cạnh phòng tiếp khách một phản bánh chưng xếp cao nghễu nghện, tua tủa những chiếc giò thủ, giò chân, giò lụa, chả quế được treo hàng dài từ một cây luồn vắt ngang nhà. Ông bà chủ xúng xính trong bộ quần áo mới lịch sự ngồi ở phòng khách tiếp người đến mừng tuổi, nhận đồ lễ, lì xì cho các em nhỏ theo cha mẹ bưng đồ lễ, và lại quả bánh chưng cho những người nghèo.
Muốn tỏ ra là nhà đại danh giá, sang giầu, có nhiều người hầu hạ, chủ nhà còn giữ thói phong kiến, đã dặn trước con cháu và tất cả những người giúp việc trong nhà: khi có khách vào nhà, gia chủ gọi: “Bay đâu lấy nước, lấy giầu” thì tất cả mọi người trong nhà phải dạ ran thật lớn cùng một lúc, bất luận đang làm việc gì, ở đâu, như dưới bếp, ngoài vườn, ở chuồng trâu, chuồng heo, cạnh đống rơm, đống củi v.v.. để tỏ cho khách, nhất là khách ở xa, biết nhà mình có nuôi nhiều người hầu. Dĩ nhiên chỉ có một người hầu lên đưa giầu nước!
Ngày mồng Hai là ngày tết họ hàng xa, ngày mồng Ba những môn sinh tề tựu tới mừng tuổi thầy dạy học, những người chịu ơn, mắc nợ trước Tết chưa kịp biếu quà ân nhân. Và cũng là ngày bắt đầu của những cuộc vui xuân thường lệ của hàng xóm hay các hội tổ chức như đấu vật, đấu cờ, leo cầu treo v.v… đều có giải thưởng bằng tiền nên thu hút nhiều người hiếu kỳ đi xem, những thanh niên hiếu động đi tranh tài. Những người ở xa nơi tổ chức cứ nghe tiếng trống nhận phương hướng tìm đến. Những sòng cờ bạc cũng mọc như nấm, người gẩy sòng chơi bạc trong ba ngày Tết không thiếu.
Một số vui xuân kéo dài nhiều ngày, còn số đông sau ba ngày Tết trở lại sinh hoạt, nhà nông ra đồng, nhà buôn mở cửa hàng, người công chức trở lại nhiệm sở, ai theo nghề gì lại tiếp tục như cũ.
Tuyết Minh
Nguồn: Tác giả VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 24 tháng 1 năm 2023