Chuyện Xứ Lang Biang

nguyễn nhật ánh

giới thiệu

sau những Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua… rồi Hạ đỏ, Trại hoa vàng, Kính Vạn hoa …một thời có trong cặp sách của rất nhiều một cô cậu học trò, sắp tới, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ cho ra mắt bạn đọc Chuyện xứ Lang Biang - bộ truyện dài mới nhất của nhà văn. Bộ truyện này gồm 4 tập, dày 2.000 trang, được xây dựng trên nền tảng của óc tưởng tượng phong phú theo kiểu Animorphs, Harry Potter, Cô phù thủy nhỏ…Nhân việc xuất bản bộ truyện mới này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

* Thưa nhà văn, điều gì đã khiến anh bắt tay viết một bộ truyện dài mang tính thần thoại này? Phải chăng anh đang chạy theo trào lưu truyện thần thoại đang phổ biến trên thế giới?

- Tôi cũng đã từng viết những truyện có tính thần thoại như các bộ truyện tranh Bim và những chuyện thần kỳ và Ba đứa trẻ và những chuyện rắc rối, tôi nhận thấy sự vận dụng và khai thác trí tưởng tượng trong sáng tác cũng là một phương pháp thích hợp để viết truyện cho trẻ em. Tôi đã ấp ủ về hướng viết mới này từ lâu nhưng chưa có thì giờ thực hiện vì đang viết dở bộ Kính vạn hoa.

Còn về chuyện "chạy theo trào lưu", tôi không nghĩ mình đang làm điều đó mà chỉ nghĩ đơn giản muốn các em nhỏ ở VN được đọc những truyện thần thoại do chính các nhà văn trong nước viết. Vì thế tôi bắt tay vào viết ngay, viết không nghỉ.

* Trong truyện của anh có rất nhiều yếu tố phép thuật, từ đâu mà anh có nhiều "phép lạ" đến vậy?

- Tôi đã phải mất nửa năm "lang thang" trên Internet tìm tài liệu và đọc các loại sách liên quan như Phù thủy và pháp sư, Ma thuật và thuật phù thủy ở Philippines, Các huyền thoại phưng Đông, Thần thoại Hy Lạp và La Mã, Một số vấn đề phát triển kinh tế xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Họ và tên người Việt Nam, Các dân tộc ít người ở Việt Nam, Các nền văn minh cổ đại... Có những cuốn tôi đọc chỉ để lấy cảm hứng hoặc chỉ để viết cho đúng những chi tiết nhỏ mà thôi…

* Tên của các nhân vật trong truyện anh sao cứ phải là tên của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như K'tul, K'tub, Ka Minh, Đam Pao, Kan Tô...?

- Tất cả những cái tên tôi đặt cho các nhân vật của mình đều mang đậm màu sắc Tây Nguyên, đặc biệt là liên quan đến địa danh Lang Biang trong truyện, mặc dù đây là Lang Biang của thế giới hoàn toàn khác. Tôi muốn các bạn nhỏ khi đọc truyện của tôi sẽ đắm sâu vào những câu chuyện kỳ lạ của các nhân vật, cùng tham gia vào những chuyến đi ly kỳ của họ. Chính vì vậy tôi muốn tên của nhân vật cũng phải có gì đó đặc biệt, lạ lẫm. Và hơn nữa tôi muốn truyện có không khí khác lạ mà vẫn giữ được màu sắc VN.

* Theo anh, thách thức lớn nhất khi lần đầu tiên viết một bộ truyện dựa hoàn toàn trên nền tảng của óc tưởng tượng là gì?

- Về mặt sáng tạo, thách thức lớn nhất chính là sự hợp lý của các tình tiết và sự chặt chẽ của bố cục. Truyện rất dài, không phải viết theo lối “độc lập – liên hoàn” như Kính vạn hoa. Quán xuyến và kiểm soát được sự vận động của nhân vật kéo dài hàng ngàn trang không phải là dễ dàng.

* Là một nhà văn đã rất thành công với các sáng tác dành cho tuổi mới lớn, hẳn là rất am hiểu tâm lý lứa tuổi này, anh có thể đánh giá về thể loại viết truyện mới này không?

- Thực ra kiểu viết dựa trên trí tưởng tượng không phải là mới, nhưng chúng ta quá ít quan tâm, khai thác. Nước ngoài đã làm điều này từ rất lâu. Có hàng ngàn truyện phù thủy cho trẻ em ra đời hằng năm. Riêng ở Pháp, các loại truyện xoay quanh đề tài này nhiều vô kể và in rất đẹp: Amandine Malabul - sorcieứre a des ennuis, La sorcieứre camomille, La baguette magique de Peựlagie… Xưa nay chúng ta cũng đã biết đến những tác phẩm nổi tiếng được xây dựng theo lối này như Tây du ký, Liêu trai chí dị, Nghìn lẻ một đêm hay các truyện thần tiên của Andersen.

Tại VN, có thể thấy điều đó trong kho tàng truyện cổ tích, thậm chí trong các tác phẩm từ thời Lý -Trần như Lĩnh nam chích quái của TrầnThế Pháp hay Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên. Dĩ nhiên tôi không coi đó là một xu hướng sáng tác mới mà chỉ là sự tiếp cận với một trong nhiều cách viết có thể thích hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Với tôi, Chuyện xứ Lang Biang chỉ là một giai đoạn sáng tác sau khi lối viết cũ đã không còn kích thích tôi nữa.

* Anh có e ngại gì nếu ai đó so sánh truyện của anh với những bộ truyện phù thuỷ nước ngoài đã rất thành công?

- Tôi không ngại. Tôi chỉ cố đem lại nhiều tác phẩm cho trẻ em, khi mà mình còn có thể. Cũng có thể có sự so sánh, khi mà trào lưu truyện dịch đang nở rộ. Văn chương theo kiểu tưởng tượng thực ra vẫn có sự giao lưu qua lại tự nhiên. Truyện Harry Potter ảnh hưởng rõ rệt lối dựng truyện của nữ hoàng trinh thám Agatha Christie, sử dụng rất nhiều “pháp thuật” của Đôremon và hình ảnh của thần thoại Hy La đó thôi. Trong khi Đôremon lại lấy rất nhiều tình tiết của nhà văn viễn tưởng George Wells, còn Wells lại có dấu ấn khá rõ của bậc tiền bối Jules Verne.

* Vậy anh mong muốn điều gì ở phía các độc giả của mình?

- Thực ra câu hỏi này mới chạm vào “thách thức lớn nhất” của Chuyện xứ Lang Biang. Và mong muốn của tôi tất nhiên là: Chuyện xứ Lang Biang sẽ đem đến cho các em nhiều thích thú và được các em đón nhận như đã từng nồng nhiệt đón nhận Kính vạn hoa.

giới thiệu

Tiến >>


Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 7 tháng 4 năm 2024