Lời Hò Hẹn

mặc bích

aren Fish đến Blue Note Club rất sớm dù nàng phải đợi cả 45 phút. Chỉ để có được chỗ ngồi quen thuộc ở trong góc, gần sân khấu, bên cánh trái. Số thực khách ăn tối cũng không đông lắm. Ánh sáng lung linh của những chiếc đèn cầy đặt trên mỗi bàn chập chờn trên từng bóng di động nhẹ nhàng của những người hầu bàn như những bóng ma trong đêm vắng. Loáng thoáng có tiếng dao nĩa lách cách, tiếng thì thào chuyện trò nho nhỏ, làm thành những âm thanh lao xao không rõ rệt nhưng cũng không gây khó chịu.

Lần thứ bao nhiêu Karen đến đây? Vài lần? Vài chục lần? Chắc thế! Nhưng liên tục và ở một chỗ ngồi nhất định thì chỉ mới gần đây. Năm lần, nàng nhớ rõ như vậy. Vẫn bóng tối bao trùm, những bàn ghế, vách tường sơn đen thẫm. Ở một vách tường bên phải có những ô cửa sổ với ánh đèn vàng dịu soi rõ từng tấm hình nghệ sĩ hàng đầu của làng nhạc Jazz: John Coltrane, Miles Davis, Louis Armstrong, Billie Holiday, Sara Vaughan, Ella Fitzgerald, Nina Simone, Dizzy Gillespie, rồi cả Django Reinhardt và Sony Rollins nữa.. Mỗi người trong một phong thái trình diễn riêng.

Những ô cửa sáng ở trên cao kia, những ánh đèn cầy, ngọn đèn nhỏ ở hai bên sân khấu hắt lên tấm màn phông mầu đỏ huyết dụ, những bóng hình qua lại, như một thế giới huyễn mộng. Và lạ lùng thay mỗi lần đến đây Karen đều có cùng một cảm giác là cả căn phòng này có một hơi thở riêng, như nhịp tim đập của một sinh vật, làm nàng tò mò muốn biết. Biết gì? Cũng không hiểu nữa! Có những buổi, hơi thở “nó” mạnh bạo, hổn hển làm nàng chạy theo bắt mệt! Nhưng cũng có lần “nó” lừ đừ, nhừa nhựa, dai dẳng và hình như dính đầy người nàng đến cả mấy ngày hôm sau, để rồi Karen lại trở lại với Blue Note Club.

Nhưng gần đây sự lôi kéo phải trở lại không chỉ đơn thuần chỉ vì thế nhưng còn vì sự xuất hiện mới mẻ của một tay chơi kèn saxophone còn trẻ lắm nhưng cũng già lắm! Thật mà! Những âm thanh mà anh ta mang đến chín ngọt và hoàn hảo như một kẻ chơi điệu nghệ cả đời. Nhưng phải nhìn cái vóc dáng tươi trẻ mà sự sung mãn và nhiệt tình đắm đuối của anh ta khi chơi nhạc mới thấy bị lôi cuốn. Chung quanh Karen “nó” cũng ngừng thở khi tiếng kèn cất lên. “Nó” cũng phải ngưng thở huống chi nàng? Không phải trước mắt nàng là người nghệ sĩ và cây kèn saxophone nữa mà chỉ có một. Đó trở thành một hình tượng đồng nhất, từ âm thanh, giai điệu, tiết tấu đến vóc dáng vặn vẹo khi thì ưỡn người, lúc lại cúi gập xuống, hay lại run rẩy theo nhịp điệu. Tất cả những cử động của anh ta, từ cái đầu, đến hai vai hơi co lên, và cặp chân, đôi tay, mái tóc đen.. đều tỏa ra một hơi ấm nồng nàn, mà cứ mỗi lần nhớ đến Karen đều thấy xốn xang trong nỗi rạo rực lạ thường.

Xúc cảm thoát từ ống đồng kia, trên những nút bấm, ở cặp mắt nhắm nghiền của người nghệ sĩ đang tận hưởng hết mọi hoan lạc của cái đẹp do âm thanh hay do những hình ảnh, kỷ niệm nào mang lại. Mà nào sự hoan lạc nào chỉ riêng cho anh ta, nó còn truyền xuống đến tận cùng châu thân Karen. Đã có lần nàng muốn lên tận trên bục sân khấu và ôm choàng vào toàn thể vóc dáng kia xem nó có mượt mà, nóng bỏng và man dại như những âm thanh từ đó phát ra không?

Khi chiếc đèn nhỏ từ trên mặt đàn dương cầm được bật lên, những người nghệ sĩ xuất hiện, 4 khuôn mặt quen thuộc nhưng với những bài hát mới lại đốt lên những ánh sáng ảo diệu cho những kẻ mê nhạc Jazz ngồi dưới kia. Đấy không phải là một đám đông sôi nổi cuồng nhiệt, mà chỉ là một số chọn lọc vừa kín căn phòng nhưng đủ làm dậy lên ngọn lửa đam mê từ đôi bàn tay thoăn thoắt chạy trên phím dương cầm, những ngón đàn hờ hững trên đây đàn bass mà người nghệ sĩ có màu da đen bóng đang ôm ghì như ôm tình nhân, trên chiếc đàn acoustic guitar luyến láy, trên nhịp trống nho nhỏ, để rồi chiếc kèn saxophone kia như một thứ phù thủy mê hoặc.

Tối nay là buổi trình diễn cuối của họ tại Blue Note Club. Nàng không muốn nghĩ đến chữ “cuối cùng” vì biết đâu trên đường lưu diễn sẽ có ngày họ lại trở về đây và sẽ gặp Karen ngay chỗ ngồi quen thuộc này. Nàng viết xuống tấm giấy napkin yêu cầu Jonathan Nguyễn với bài “How deep is the ocean”. Đưa cho người bồi, nàng ngồi lặng lẽ trong bóng tối.

Ngồi đây, nghe, nhìn, ngắm, đã bao nhiêu lần nhưng chưa lần nào Karen nhìn rõ được khuôn mặt của Jonathan Nguyễn. Thật ra dưới ánh đèn và trên sân khấu, nàng có dịp để quan sát rõ lắm, nhưng có lẽ những cảm xúc mê man đã che mờ mắt nàng, để lần nào cũng thế khi ra về, Karen luôn luôn dừng lại bên ngoài nhìn tấm bích chương có hình của anh ta ở một góc. Nàng mang theo những xao xuyến đẫm ướt âm thanh còn chất đầy trên toàn thân về nhà trong một chờ đợi mà không hiểu là mình chờ đợi gì!

Ban nhạc nghỉ giải lao chừng 15 phút rồi trở lại sân khấu. Trước khi tiếp tục chơi nhạc tiếp, Jonathan cầm micro, không nói ngay, có vẻ như đang lựa lời, một chút băn khoăn nào đó trong dáng vẻ ngập ngừng.

“.. Có một vị khách yêu cầu tôi chơi bản “How deep is the ocean” của Irving Berlin. Đây là một bài hát rất hay mà Berlin viết trong thập niên 30.. Tôi rất tiếc không nhớ hết được trọn bài.. nên không thể chơi được vì e sẽ làm người yêu cầu thất vọng. Xin cho tôi hẹn đến một lần khác.”

Chàng ta vừa nói vừa nhìn về góc Karen ngồi - Người bồi đã chỉ. Trong bóng tối và với khoảng cách, Jonathan không nhìn thấy mặt người khách. Chỉ biết đấy là một phụ nữ. Trẻ hay già, xấu hay đẹp, không thể biết được vì trên bàn cô ta, ngọn đèn cầy đã tắt hay không được đốt lên. Nhưng ánh đèn vàng từ những ô cửa sáng trên tường xa xa cho chàng thấy lờ mờ phần đỉnh đầu của một mái tóc vàng rất nhạt.

Giọng anh ta cũng trầm và đục như những âm thanh từ chiếc kèn đồng kia. Lời từ chối cũng là một nốt trầm thở ra, và dù tiếng thở dài trong nàng rất nhỏ nhưng Karen có cảm tưởng những người chung quanh đều nghe thấy cả!

Chương trình được tiếp nối với những bài hát liên tục đã được chọn sẵn. Khi chương trình kết thúc, những ngọn đèn ở quầy rượu và nước giải khát ở cuối phòng chợt bật sáng. Jonathan liếc nhìn về góc tối ban nãy tìm kiếm. Chiếc ghế không người ngồi trơ trẽn dưới ánh đèn dù tiếng vỗ tay vẫn còn vang vọng theo bước chân khách ra đến tận ngoài cửa.

Bốn chàng nhạc sĩ, thêm ông bầu, với một lô nhạc khí từ giã Las Vegas sau hai tháng trình diễn ở đây. Chỉ có mỗi ngày hôm qua, Chủ Nhật, mới thực sự được nghỉ ngơi hoàn toàn sau đêm Thứ Bảy cuối chơi ở Blue Note Club. Bao giờ ông bầu cũng bắt mọi người ra phi trường sớm đến hai tiếng.

Làm gì với thời gian chờ đợi lâu như vậy? Tán dóc? Jonathan không hào hứng gì. Chàng vốn ít nói. Lười thì đúng hơn! Mọi người cũng quen tính chàng nên chẳng ai phiền hà gì. Mua tờ báo địa phương, tìm chỗ ngồi yên tĩnh và đọc báo giết thì giờ. Không xem thì thôi, nhưng hễ mở tờ báo ra là chàng đọc cho bằng hết, ngay cả những bài thật vớ vẩn. Như một món ăn dọn sẵn trên đĩa, Jonathan ngốn cho bằng hết! Khi mắt bắt đầu đã hơi mỏi, chàng chợt nhìn thấy một cột tin nhỏ với tấm hình về một vụ án mạng vừa xẩy ra đêm Thứ Bảy. Nạn nhân là một thiếu nữ còn trẻ, Karen Fish, 27 tuổi. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng có lẽ là một vụ cướp giựt vào lúc nửa đêm, ở góc đường… gần Blue Note Club. Ba chữ Blue Note Club làm chàng chú ý hơn. Người con gái đáng thương bị đâm ở ngực. Chết trên đường đến bệnh viện. “Còn gì nữa?” Johathan đọc tiếp “Người nhà của nạn nhân cho biết Karen Fish là khách hàng thường của quán Blue Note. Chiếc xe hơi của cô hiện vẫn chưa tìm thấy.”

Dù không trông thấy mặt người khách yêu cầu chơi bản “How deep is the ocean” nhưng không hiểu sao Janathan nghĩ ngay đến nạn nhân trong bản tin là cô ta! Đọc đi đọc lại 2, 3 lần. Nhìn tấm hình người thiếu nữ tóc màu cát vàng, đôi mắt xa xăm, không có nụ cười, chết oan uổng ở một góc đường vào đêm tối, chàng thấy nao nao và bồn chồn khó hiểu! Đọc tiếp tờ báo, nhưng nhìn đâu cũng loáng thoáng thấy tấm hình của người con gái tên Karen Fish. Tình cờ hay không phải ngẫu nhiên! Sự bứt rứt càng lúc càng làm chàng khó chịu. Quăng tờ báo xuống ghế. Đứng dậy đi lại, lên xuống. Sự thôi thúc ở đâu? Không phải trong chàng! Nó cắn xé như kim. Châm chích cả người.

Jonathan trở lại chỗ những người bạn đang tụ tập bên cạnh đồ nghề. Chàng cầm túi xách đàn và nói với ông bầu Lester:

“Tôi đi chuyến sau. Gặp lại nhau ngày mai!”

Lester ngớ người ra nhìn Jonathan Nguyễn:

“Tại sao? Có chuyện gì hả?”

Chàng lắc đầu nói vắn tắt:

“Có chuyện phải giải quyết. Nếu tôi trở lại kịp thì thôi, còn không thì tôi sẽ lên đó bằng chuyến muộn hơn”

Mọi người nhìn nhau, rồi nhìn Jonathan, nhưng không ai nói gì. Lester ngần ngừ:

“Có muốn tụi này mang đồ nghề của cậu đi trước không?”

“Không! Không cần! Mình gặp lại nhau sau!”

Như một cái máy, ra bên ngoài chàng gọi tắc xi, đưa địa chỉ Blue Note Club. Chỉ mất chừng hơn 15 phút đã đến nơi. Tay xách túi kèn saxophone, Jonathan nhìn quanh quất lẩm nhẩm trong đầu: “Gần đây lắm thôi!”. Buổi chiều ở quãng đường này vắng hoe. Một ngày Thứ Hai như những ngày Thứ Hai khác. Vài người bộ hành đi ngược chiều với Jonathan.

Đó là một góc phố hơi khuất vì đường hai bên đều nhỏ. Ngay góc đường là trụ đèn mà tàn cây lưa thưa xòa xuống rung rinh trong nắng chiều mát rượi. Những chiếc lá đã đổi sang màu vàng, rồi đỏ, rực rỡ trên một tấm phông màu xi măng của những vách tường nhà cao ngay phía sau. Chàng quỳ một chân xuống lề đường. Mở xắc đựng kèn saxophone. Lắp kèn. Mân mê. Những bồn chồn, nôn nao dường như đã nguội đi. Thay vào đó chấp chới, chìm khuất nỗi ngậm ngùi mà dù kèn đã kề môi nhưng mãi chàng không làm ra được tiếng động nào! Nó ứ đến ngang cổ, ngập đầy cả mắt, tê dại cả đôi tay. Có lẽ 5, 10 phút như thế qua đi, rồi Jonathan mới thổi kèn được. Chàng chỉ nhớ mơ hồ vài câu trong bài hát rất nổi tiếng của Berlin “How deep is the ocean”…

“How much do I love you? I’ll tell you no lie. How deep is the ocean? How high is the sky? How many times in a day. Do I think of you?.. And if I ever lost you. How much would I cry? How deep is the ocean? How high is the sky?..”

Tiếng kèn của Jonathan Nguyễn vang lên ở góc phố ngay nơi mà người con gái tên Karen Fish đã ngã xuống. Bài hát không chỉ là vài đoạn mà chàng còn nhớ nhưng đã được biến đổi, thêm thắt với những cung nhạc mới tinh đến từ nỗi ngậm ngùi trong chàng. Nỗi chua xót không rõ rệt từ sự ra đi đột ngột của một người con gái không quen biết. Không một ràng buộc nhưng lại thầm kín khơi dậy một cái gì mơ hồ. Như bóng tối trong đôi mắt chàng khi chiều đã tắt nắng, ray rứt miên man với tiếng run rẩy của sự bồi hồi không rõ hình tượng. Bẩy nốt nhạc với nhiều thay đổi trong cung bậc đã trở thành một thứ ngôn ngữ riêng, mạnh bạo hơn vết máu loang của người con gái trên hè phố ngay chỗ Jonathan đang đứng trong sự tưởng tượng của chàng.

Khi những xúc động trong chàng đã trút bỏ hết, Jonathan Nguyển chợt ngừng đột ngột. Tiếng vỗ tay lác đác làm chàng bừng tỉnh. Quanh chàng có chừng vài người đi đường đứng nghe. Thói quen làm Jonathan cúi đầu cám ơn. Trong hộp đựng kèn saxophone có dăm đồng tiền lẻ. Lần đầu tiên trong đời, Jonathan có được những đồng tiền lẻ như thế. Chàng lẳng lặng cất vào túi. Còn một cái gì nữa? Một chiếc lá? Chàng giơ lên nhìn. Đúng! Một chiếc lá cây! Jonathan định ném đi, những nghĩ sao lại thôi, chàng bỏ vào túi áo sơ mi. Cất nhạc khí vào hộp đựng đàn.

Trước khi lên xe tắc xi, chàng còn nhìn lại góc phố, gửi một lời thầm thì không thành tiếng. Karen Fish đã trở về với điểm khởi đầu.

Từ sau cây cổ thụ to ngang hơn vòng tay ôm, người thiếu nữ chợt xuất hiện. Mặt cô ta lạnh như có sương phủ, nhưng đôi mắt sáng xanh ngời, trong vắt, đuôi mắt kéo dài. Không thấy màu của đôi môi vì nhạt gần như màu trắng của làn da. Gương mặt không có nụ cười, chỉ chút long lanh ở đôi mắt mở rộng. Chiếc áo màu xanh biếc như màu mắt bay phất phới trong gió lộng. Mái tóc xõa dài bay tạt ra sau. Gió mỗi lúc một mạnh. Cô ta vẫn đứng yên ở một chỗ, không hé môi, không một cử động. Như tượng.

Khi mặt trời rực ở phía sau, ánh sáng bùng lên phớt trên mái tóc vàng sáng đỏ. Mái tóc được đốt cháy như đuốc làm chóa mắt Jonathan. Cô ta chợt dợm mình quay đi. Trước khi khuất sau thân cây nâu nhám, cô gái nghiêng mình quay lại. Đuôi mắt xanh biếc bỗng nồng ấm luyến lưu như một hẹn hò mời gọi rồi biến mất. Mầu xanh của áo nàng, của đôi mắt biến mất. Chỉ còn lại toàn một màu đỏ, nâu, vàng của rừng phong….

Chiếc máy bay chao đi rồi hụp xuống. Jonathan choàng tỉnh giấc, mở bừng mắt. Phải đến mấy chục giây đồng hồ sau chàng mới biết mình đang ở đâu. Tiếng người hoa tiêu nhắc nhở hành khách buộc giây an toàn. Chừng vài phút sau lại êm ru. Bà khách bên cạnh quay sang Jonathan:

“Sợ quá hả?”

Jonathan mỉm cười thay cho lời nói.

Giấc mơ vừa qua vẫn còn y nguyên trong trí nhớ chàng như một cái gì rất thật. Jonathan chợt nhớ đến chiếc lá trong túi áo sơ mi. Chiếc lá vẫn nằm yên trong túi áo bên trái, ngay sát ngực.. Không! Ngay sát trái tim chàng! Chiếc lá có màu đỏ với nhiều đốm nâu nâu. Có khác gì những chiếc lá trong giấc mơ? Nhưng hình ảnh mà chàng nhớ đến nhất vẫn là đuôi mắt xanh, cái ngoái đầu, lời hẹn hò thầm kín.

Những ngày tháng trước mặt. Làm sao biết được? Làm sao biết bao giờ mình trở về lại với điểm khởi đầu? Vậy thì cứ hẹn đi!

Mc Bích


Nguồn: Tác giả: VNThuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 23 tháng 6 năm 2016