Sách ở dạng Scan, Nhấn vào bìa sách ở trên để xem
Ray Bradbury là một cây bút sung mãn. Các tác phẩm quan trọng nhất của ông là các tập truyện ngắn: Dark Carnival (1947), The Illustrated Man (1951), The Golden Apples of the Sun (1953), The October Country (1955), A Medicine for Melancholy (1959), The Machineries of Joy (1964), I Sing the Body Electric! (1969) và các tiểu thuyết: The Martian Chronicles (1950), Fahrenheit 451 (1953), Dandelion Wine (1957) và Something Wicked This Way Comes (1962). Vừa viết văn ông vừa viết kịch cho sân khấu và kịch bản truyền hình lẫn điện ảnh. Trong số kịch bản ông viết cho cho Hollywood nổi tiếng nhất phải kể đến kịch bản phim Moby Dick (1956).
Chất hoài cổ bàng bạc tạo thành bầu không khí cảm xúc của mọi tác phẩm của Ray, ngay cả trong những truyện được cho là “khoa học viễn tưởng”. Các bối cảnh xa xôi như sao Hoả, các hành tinh, phi thuyền không gian, vv… thực tế chỉ là cái cớ để ông đưa ra những phê phán xã hội và lên tiếng cảnh báo về sự mai một tính người trong sự phát triển ào ạt của các phương tiện kỹ thuật nhân danh “văn minh”. Bên cạnh những bối cảnh “viễn tưởng” ấy, nhiều tác phẩm của Bradbury lại đặt nhân vật vào bối cảnh xã hội hiện đại hay thậm chí của quá khứ từ thuở hồng hoang. Dù sử dụng bối cảnh nào thì truyện của Bradbury nói chung đều phản ánh sự cô đơn của con người trong thời đại vật chất và chủ nghĩa thực dụng. Nói về mình, Bradbury tự nhận ông là một nhà văn viết truyện huyền ảo (fantasy) hơn là khoa học viễn tưởng (sci-fi). Ông nói: “Tác phẩm viễn tưởng duy nhất của tôi là cuốn Fahrenheit 451.”
Sinh năm 1920, Ray Bradbury hoàn tất trung học năm 1938 và sống tự lập bằng nghề bán báo. Truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản vào năm 1940 và Bradbury được văn đàn Mỹ đương thời đón nhận như một phát hiện sau khi ông đoạt giải truyện ngắn O. Henry năm 1947. Sau đó truyện ngắn của Bradbury được đăng liên tục trên các tạp chí tên tuổi khắp nước Mỹ và cho tới nay đã được chọn in trong hơn 700 tập văn tuyển. Bradbury có một lợi điểm là không bao giờ theo học bậc đại học, chính điều ấy đã giúp ông tránh khỏi làn gió của các chủ thuyết, không bị chi phối bởi các trường phái văn chương, và cho ông có thời gian để đọc được nhiều. Văn xuôi của ông đầy nhạc tính và tiết tấu của thơ, chính vì vậy mà khó chuyển ngữ. Chính cái văn phong mà giới phê bình văn chương Mỹ thường gọi là “poetic stylist prose” đặc trưng của ông mới là yếu tố quan trọng khiến cho truyện của Ray Bradbury thẩm thấu và đọng lại trong lòng người đọc. Đa số truyện của Bradbury – đặc biệt là các truyện ngắn – không có cốt truyện mà chỉ có những ý tưởng lạ lùng từ những sự việc bình thường được khuếch đại bằng ngôn từ bay bổng, hồi vọng qua nhiều tầng lớp hình tượng. Ông thường chỉ thiết lập ra một bối cảnh cảm xúc và để cho bầu cảm xúc ấy xâm chiếm người đọc, cuốn hút họ bằng dòng chảy văn chương có tiết tấu, nhạc điệu đầy âm ba. Với ông, “cốt truyện chỉ là những dấu chân để lại trên tuyết sau khi nhân vật của ta đã chạy qua trên đường tới những đích đến khôn lường”.
Ray Bradbury được công nhận là một tác giả lớn của văn học Mỹ đương đại với nhiều giải thưởng văn chương, trải dài từ giải thưởng O. Henry dành cho truyện ngắn năm 1947 đến huy chương của Hội đồng giải National Book Awards năm 2000 vinh danh một đời đóng góp cho văn học Mỹ của ông và giải Pulitzer dành cho sự nghiệp cống hiến văn học và nghệ thuật năm 2007. Ray qua đời năm 2012, trên bia mộ chỉ ghi độc một hàng chữ: “Tác giả của Fahrenheit 451”. Nhưng Ray không chỉ có mỗi Farenheit 451. Từ kết quả bình chọn của 17.000 độc giả, nhật báo Le Monde của Pháp năm 1999 đã đưa ra danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 (Les cent livres du siècle), trong đó có tác phẩm The Martial Chronicles của Ray Bradbury. Năm 1971, phi thuyền Apollo 15 đã đặt tên một miệng núi lửa trên mặt trăng là “Dandelion Crater” dựa theo tiểu thuyết Dandelion Wine của ông. Một tiểu hành tinh phát hiện năm 1992 được đặt tên là “9766 Bradbury”. Năm 2012, trạm tự hành Curiosity của NASA đáp xuống sao Hoả ở vị trí được đặt tên là “Bradbury Landing”. Tên của Ray vĩnh viễn khắc lên vũ trụ.
Nét độc đáo của Ray Bradbury và chính là điều giúp tác phẩm của ông vượt ra ngoài ranh giới chật hẹp của những truyện viễn tưởng thông thường chính là khía cạnh thực tế lồng trong bối cảnh hoang đường siêu thực: Những điều vĩnh cửu trong bản chất con người được ông phơi bày dưới ánh sáng của một thế giới khác; những điều mà chính chúng ta thường quên lãng trong cuộc sống thường nhật tầm thường và đơn điệu bỗng nhiên nổi bật lên như một phát kiến mới mẻ: Tại sao ta sống? Sự sống chính nó đã là câu trả lời. Đối với Ray, khoa học không gì khác hơn là một cuộc điều tra về một sự kỳ diệu mà chúng ta không bao giờ giải thích được, và nghệ thuật chính là lời giải thích cho sự kỳ diệu đó.
Nếu gọi Ray Bradbury là nhà văn viễn tưởng hay kỳ ảo thì không đúng hoàn toàn. Điều đó chỉ đúng với những sáng tác của Ray từ thập niên 1960 trở về trước. Hai thập niên 1970-1980 là giai đoạn Ray tập trung cho điện ảnh, truyền hình, sân khấu, thi ca và những đề tài sáng tác mới, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết trinh thám có màu sắc “roman noir” với Death Is a Lonely Business (1985), A Graveyard for Lunatics (1990) và Let’s All Kill Constance (2002). Từ thập niên 1990 đến cuối đời, Ray lại sáng tác nghiêng dần về các đề tài hiện thực. Các tập truyện Quicker than the Eye (1996), Driving Blind (1997), One More for the Road (2003), The Cat’s Pajamas (2004) và We’ll Always Have Paris (2009) ngày càng khiến người hâm mộ Ray Bradbury ngạc nhiên. Nếu ta chờ đợi những câu chuyện viễn tưởng hay kỳ ảo trong năm tập truyện này thì ta sẽ thất vọng vì lạc lối. Thế giới của Ray rộng lớn hơn ta tưởng. Truyện ngắn của ông vắng bóng dần và mất hẳn những bối cảnh hành tinh lạ, người máy, phi thuyền… Bradbury không còn mượn hình thức viễn tưởng hay kỳ ảo để viết những dụ ngôn về xã hội và con người, ông quay ngược về những bí ẩn tâm hồn của từng cá nhân, cắt những lát sâu vào một phần đời đã qua đi không trở lại ở một ngóc ngách hoài niệm của chúng ta.
Đề tài thay đổi nhưng lối viết của Ray Bradbury vẫn thế – một phong cách đã định hình suốt 70 năm không ngừng viết. Những câu thoại vu vơ mà có sức nặng, những kết thúc bất ngờ, những câu văn đầy hình tượng ẩn dụ, truyện không có cốt truyện, cái chất nhạc bay bổng trong những câu văn lắm khi dài ngút ngàn hơi thở. Càng cao tuổi càng thấu hiểu con người, sáng tác trong giai đoạn này của Ray càng tinh vi mặc dù ông viết rất nhanh. Khi không còn sức khỏe để đánh máy, ông đọc ra cho con gái tốc ký trên máy tính và in ra cho ông đọc biên tập lại.
Trong 70 năm văn nghiệp của mình, Ray Bradbury đã viết khoảng 600 truyện ngắn. Tất cả những tiểu thuyết của ông đều phát triển từ những truyện ngắn viết từ trước. Chính truyện ngắn mới là tinh hoa của Bradbury. Người ta thường ca ngợi Bradbury một cách sai lạc như là một văn sĩ viết truyện khoa học viễn tưởng tài ba nhất nhưng thật ra, Bradbury thách thức mọi sự dán nhãn, đặt tên. Ông viết văn trước tiên và trên hết là cho chính mình chứ không chạy theo thị hiếu hay thị trường. Ông không phải là người ham chuộng và tôn thờ khoa học kỹ thuật. Bradbury là một người không biết lái xe hơi, không bao giờ đi máy bay trừ phi bất khả kháng, và ghét tất cả máy móc. Ông cực kỳ dị ứng với Internet và lúc sinh thời không đồng ý xuất bản tác phẩm của mình dưới dạng ebook. Ông cho rằng con người có thể làm hỏng hết mọi sự trên trái đất này và các hành tinh khác bằng cách áp dụng khoa học bừa bãi nhằm những mục tiêu tham lam. Thế giới nội tâm của Ray Bradbury là một thế giới phong phú, tràn ngập tình yêu đối với những sự vật vĩnh cửu và đầy những xúc cảm khoáng đạt.
Tình yêu cuộc đời tràn ngập trong văn chương của Ray Bradbury. Ông viết trong một lá thư gửi bạn là Tiến sĩ Russel Kirk, nhà văn kiêm sử gia: “Điều thúc đẩy tôi nhiều nhất chính là lòng biết ơn bao la của tôi đối với dịp may duy nhất được sống trên đời này, một kinh nghiệm tuyệt vời không ngớt chứa chan oanh liệt lẫn kinh hoàng. Tôi chấp nhận sự thực bi đát này: “Cuộc sống không phải hoàn toàn đẹp, mà cũng không phải hoàn toàn khiếp đảm, đó là một chuỗi liên tiếp những thất vọng chán chường xen lẫn với những phút sung sướng mà ta không lường trước được. Lịch sử của chúng ta thì quá ngắn ngủi, kinh nghiệm thì quá giới hạn, khoa học lại quá thiếu thốn, các triết thuyết của chúng ta lại bị gò bó dồn ép trong những khuôn khổ chật hẹp như hộp quẹt, đến nỗi chúng ta biết rằng mình đang đứng trên rìa của một sự khởi đầu và lịch sử vĩ đại của chúng ta đang trải dài trước mặt, vừa đáng sợ mà lại vừa đáng yêu, chứa chan bóng tối mà cũng tràn ngập ánh sáng.”
Đăng Thư
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)
- 5 Sao
- 4 Sao
- 3 Sao
- 2 Sao
- 1 Sao
Nguồn: TVE-4U
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 1 tháng 4 năm 2019