TIỂU ĐOÀN TRỪNG GIỚI

heinz günter konsalik

nguyên tác: straf-battalion 999
dịch thuật: tâm vũ

Chương 1

Sáng hôm đó, Julia Deutschmann trông rất dễ chấp thuận sự giúp đỡ nếu người khẩn cầu là một phụ nữ xinh đẹp. Nàng cũng chẳng phải cố gắng nhiều lắm vì nàng đã đẹp sẵn dù cặp mắt có bị quầng đen vì thức đêm và đôi môi hơi nhợt nhạt. Một chút son, một chút phấn, vài nhát bàn chải trên mái tóc đen, cuộn thành lọn, buông lơi. Nàng mặc bộ quần áo thật giản dị, rất vừa vặn và chợt nhớ ra là Ernst đã chọn vải này. Một thoáng mơ mộng về kỷ niệm, nàng xỏ chân vào đôi giày gót cao, màu sắc cân xứng, liếc mắt kiểm điểm lần chốt trong gương rồi đi ra.

Tới cổng tòa nhà đồ sộ, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội Quốc Xã Đức (Wehrmachl) nàng đưa tờ giấy cho anh lính gác. Anh ta đọc thật lâu và thật cẩn thận mặc dầu tờ giấy rất ngắn: vỏn vẹn có 3 dòng mời nàng tới trình diện Tướng Von Frankenstein.

Trong căn phòng phía trước, một Thiếu-úy trẻ đập gót chân chào nàng và nhanh nhẩu xin dẫn nàng lên lầu hai. Anh ta ngừng ở đầu hành lang trước một chiếc cửa lớn bằng gỗ sồi, chiếc cửa có vẻ như mở sang một thế giới khác, thế giới mà số phận Ernst sẽ được định đoạt, một thế giới xa lạ thù nghịch,và bí ẩn. Một tấm bảng bên cạnh cửa ghi: Bodo v. Frankenstein.

Viên Thiếu-úy nói.

- Đại-Tướng chắc sẽ tiếp bà ngay. Tôi sẽ xin báo cho bà biết. Thưa bà, bà vui lòng đưa cho tôi tờ giấy mời.

Julia đưa cho anh ta. Một lát sau, anh trở lại, rõ ràng là có vẻ cứng cỏi hơn, dè dặt hơn.

- Chờ một phút. Người ta sẽ gọi tên bà.

Chẳng còn "Thưa bà", chẳng còn chào hỏi. Anh ta bỏ đi thật nhanh. Đôi bốt nện ròn trên hành lang. Julia tự nghĩ với nỗi chua chát: "Vậy đó, chỉ riêng cái tên Deutschmann cũug đủ làm hắn ta thay đổi lạnh lùng như băng đá!"

Nàng ngồi trên chiếc ghế gỗ tồi tàn ở hành lang. Nửa giờ sau chiếc cửa nặng nề mới mở. Đầu người Thư ký trẻ hiện ra ;

-"Bà Deutschmann?"

-"Dạ tôi đây".

-"Đại-Tướng mời bà vào".

Tướng von Frankenstein tiến lên ba bước trước mặt nàng khi nàng bước vào phòng thứ hai, rồi ông đột nhiên đứng sững lại như một thứ đồ chơi bằng máy mà bị đứt lò xo. Ông ta khẽ nghiêng mình:

-"Thưa có phải bà Deutschmann?"

-"Dạ đúng, Thưa Đại-Tướng".

-"Bà có nộp một lá đơn xin ân xá cho chồng bà?

-"Dạ đúng như vậy."

-"Tại sao"?

Julia nghĩ rằng, tiếng nói của ông này cũng răng rắc như đôi bốt của anh Thiếu úy. Nàng ấp úng:

-"Vì.... vì nhà tôi bị bắt lầm và bị tuyên xử phục vụ trong một Tiểu-đoàn Trừng Giới.... Tôi không biết bây giờ nhà tôi ở đâu"...

-"Chẳng có truyện sai lầm nào cả."

-"Nhưng...."

Viên Tướng nghiêng mình một lần nữa và nói:

-"Xin lỗi ngắt lời bà".

Hiển nhiên, đây là một Sĩ-quan thuộc lớp cũ mà chỉ gần đây người ta dạy cho Sĩ-quan trong mọi trường hợp phải tỏ ra lịch sự với các bà. Julia rõ ràng là một bà hẳn hoi, dù là một bà có chồng mang tên Bác sĩ Ernst Deutschmann. Điều đó ai chẳng thấy ngay.

Nhưng rồi ông Tưởng cũng mỉm cười và tiếp:

-"Thưa bà, chính bà cũng là một bác sĩ và tôi khỏi cần phải giải-thích để bà rõ. Không có chuyện sai lầm. Đó không phải là ý kiến riêng của tôi khi tôi nói như vậy, mà là kết quả của một điều tra do các nhà chuyên môn nổi tiếng thực biện. Chúng tôi không hành động nông nổi bao giờ. Quân đội Đức không có tính cách như vậy. Trường hợp của chồng bà đã được xem xét một cách khoa học và kết thúc minh bạch: tự hủy hoại thân thể bằng cách chích vi khuẩn Sta... Sta............"

-"Staphylocoques"

-"Đúng thế".

Giọng nói thực dõng dạc. Viên Tướng trở lại chiếc bàn giấy uy nghi. Một vệt nắng chiếu qua bức màn làm sáng rực những nẹp đỏ trên quần ông. Tới đằng sau chiếc bàn ông ngừng lại tay nắm để trước mặt, đầu hơi cúi. Ánh mắt Julia từ từ ngước nhìn lần lượt đôi bàn tay nổi gân của ông ta dọc theo chiếc áo màu xám, nhấp nhánh, ngưng lại một chút trên chiếc Bội tinh anh dũng hạng nhất của thế chiến I, màu đỏ với nhành lá sồi vàng. Ánh mắt của Julia tiếp tục nhìn sang chiếc huy chương khác, rồi đến chiếc cà-vạt Phần-Lan, chiếc cổ xếp nếp, bộ mặt xương xương, lạnh lùng, cho tới cặp mắt xanh lợt, mi đỏ duới chiếc trán

nhăn và bộ tóc cắt ngắn dựng dứng. Julia nhìn thẳng vào cặp mắt:

-"Chính vì tôi là một bác sĩ và tôi đã giúp đỡ công việc cho nhà tôi nên tôi mới càng chắc chắn về sự lầm lẫn của Đại-Tướng. Chưa có ai đã dám làm như nhà tôi. Để có thể cứu giúp cho nhiều người khác, nhà tôi đã thực hiện một cuộc thí nghiệm ngay trên thân thể mình. Đó sự thật là thế. Nhưng người ta đã bắt giữ anh ấy như một tội nhân và xử phạt. Vì vậy tôi đã nộp đơn xin ân xá cho nhà tôi, "

Vị Tướng trả lời với vẻ bồn chồn:

- "Sự việc còn có thể trở nên tai hại hơn cho ông ấy. Thưa bà, bà nghe tôi đây: Chồng bà là một nhà bác học nổi tiếng. Vì vậy, đầu tiên chứng tôi đã miễn nghĩa vụ quân sự cho ông ấy. Nhưng có thể chúng tôi phải gọi ông ấy. Thế là ông ấy tự chích cho mình cái... cái bệnh đó. Như vậy là một hành động hủy hoại, khỏi cần bàn cãi gì nữa. Và ông ấy bị xử phạt phải phục vụ tại Tiểu đoàn Trừng Giới, một đơn vị của quân đội Đức cũng như những đơn vị khác. Cho tới khi nào mà ông ấy chứng tỏ được lòng dũng cảm, ông ấy sẽ được thuyên chuyển. Như vậy người ta có thể chắc chắn ông ấy sẽ thoát khỏi nơi đó tới chỗ tốt đẹp hơn."

Julia hỏi lại, biết rằng những lời nói của minh với con người này sẽ nẩy ngược lại như những viên đạn gặp bức tường:

- "Tôi nghe nói... nghe nói rằng Tiểu đoàn Trừng Giới 999... "

- " Bà nghe nói như thế nào? "

- " Những người ở Tiểu đoàn này bị ngược đãi hết sức, coi như những tội nhân... "

Vị tướng giơ tay một cách oai vệ và nói bằng giọng lạnh lùng:

- " Ông ấy là một quân nhân. Bà đừng có nghe những lời đồn như vậy. Trong quân đội người ta phải chiến đấu. Hàng triệu người khác từng chiến đấu từ nhiều năm nay. Đó, tôi chỉ có thể nói với bà tất cả như vậy ".

Julia nói yếu ớt:

- " Dạ..."

- "Bà thấy không, việc bà tới đây thực hoàn toàn vô ích. Tiểu đoàn 999 cũng là một đơn vị như những đơn vị khác. Tôi xin nhắc lại điều đó. Ông bà phục vụ ở đó hoặc ở nơi nào khác..."

- " Dạ ".

- " Vậy thì chẳng có gì cần phải nói nữa ".

Vị Tướng gập hồ sơ lại, ngước mắt lên và lại mỉm cười.....

❉❉❉

Julia đã ra qua khỏi chiếc cửa lớn bằng gỗ sồi...

Julia đứng tựa vào chiếc cửa sổ bên cạnh. Nàng nghĩ: "Anh ấy phục vụ ở Tiểu đoàn 999 hay nơi nào khác.. Anh ấy là quân nhân như hàng triệu người khác. Anh ấy phải chứng tỏ được lòng dũng cảm, rồi thì... Ernst! Ernst yêu dấu..."

Tất cả diễn lại trong đầu óc nàng: những tuần lễ phấn đấu tuyệt vọng và vô ích dài lê thê, những đêm thức trắng, rồi hồ sơ, phán quyết, rồi toan tính xin tái thẩm, cuộc tranh đấu dài với những người đã kết tội anh ấy, người nào cũng ngoan cố như viên Tướng vừa rồi, những nỗi lo ngại hoảng hốt, sự từ chối ít hay nhiều phũ phàng và tới hôm nay là sự tiêu tan của mối hy vọng chót! Nàng cảm thấy như bị cuốn trôi trong cơn tuyết đổ. Mắt trừng trừng nhìn vào quãng không, nàng không hiểu gì nữa, tâm thức nhạt nhòa dần dần....

Viên Thiếu-úy,trẻ tuổi với đối bốt kêu lách cách huýt sáo tiến lên thang lầu. Bước tới bậc chót, anh thốt nhiên ngừng lại, ngừng huýt sáo, môi mấp máy, kinh hãi nhìn hình thù nằm sóng sượt trước cửa phòng vị Tướng. Thế rồi, anh ta chạy, mới đầu còn ngập ngừng sau phóng thẳng.

Julia nằm yên, bất động. Những mẫu khăn mùi soa rách còn lắt lay trên cặp môi hé mở.

❉❉❉

Trại Fridrichlust, căn cứ chính của Tiểu đoàn 999 ở ngay đầu tỉnh Posen, trên đường đi Kostzyn. Không biết ai đã đặt tên đó cho những căn trại bằng đá, đồ sộ, buồn nẫu này. Một cái tên nhắc nhớ đến những khu rừng trong sáng, những tiếng kèn săn, những tiếng sủa của bầy chó săn và những kỵ sĩ lãng mạn. Tên đó được ghi trên một tấm bảng đã hư mòn vì thời tiết, đặt cạnh điểm gác và chiếc rào cản di động ngăn cách quân trại với thế giới bên ngoài.

Đang mùa thu. Mưa bụi bay dưới nền trời xám nặng.

Cùng lúc này khi mà ở Bá-Linh, cách xa bao nhiêu cây số, viên Thiếu-úy đang cúi xuống hình thù bất động của Julia, thì ở đây, Thượng Sĩ Nhất Kruil, thuộc đại-đội 2, Tiểu đoàn 999, đứng ngay trước cổng ra vào, chờ đợi những tên lính mới tới để dành cho họ một sự đãi ngộ mà ông gọi là "cuộc tiếp đón xứng đáng".

Trước hết, ông đáp lại những người quân cảnh bằng một cái chào hờ hững như muốn bảo họ:"Các anh đừng ngại gì cả. Kế từ giờ, tôi sẽ liệu cho bọn nó, những thằng cha này sẽ được đối xử xứng đáng với chúng".

Bốn người được lệnh xếp hàng theo thứ tự lớn nhỏ cạnh đội lính gác. Ông Thượng-Sĩ lông mày nhíu lại dưới chiếc mũ kết hơi lật về phía sau, khoan thai ngắm nghía họ từ trái sang phải, từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất, từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên. Ông ta có vẻ bực bội, bộ mặt tròn, núng nính, lộ vẻ khỉnh thị.

Ông gục gặc đầu như đã tìm thấy một sự khẳng định nào đó, ông quay sang hỏi người cao lớn nhất ở bên trái ;

- Tên?

- Gottfried von Bartlitz.

Người vừa trả lời có mái tóc hoa râm, cặp mắt lõm hẳn trong lòng mắt, hai nếp nhăn hẳn sâu hai bên cánh mũi bao quanh chiếc miệng nhỏ với cặp môi lợt lạt. Nước mưa chảy xối xả trên mặt anh ta. Chiếc áo khoác ngắn thành quá rộng so với anh, đã ướt sũng nước mưa.

Thượng sĩ Krull cất tiếng:

- Chà! Họ von! Tướng lãnh hả?

- Dạ! Binh sĩ.

- Còn tao, tao cũng là binh sĩ, hả?

- Không. Ông là Thượng-sĩ nhất

- Rất đúng. Tao là Thượng-sĩ nhất. Và tao vừa trở thành má mày đó! Nào, bây giờ mày là ai? Tên mày là gì?

Ông Thượng-sĩ rống lên, tay chống nạnh. Người vừa bị la, trả lời mặt tỉnh khô:

- Binh nhì Gottfried Von Barllitz, trình diện Thượng sĩ.

Krull ra lệnh như muốn khạc ra tiếng nói:

- Nằm xuống!

Ông ta im lặng đi vòng quanh anh lính, lấy chân đẩy anh ta vào vũng nước, ngắm một lúc rồi trở lại đứng thẳng trước mặt mấy người khác. Ông hỏi người thứ hai ;

- "Còn mày?"

- "Binh nhì Ernst Deutschmann, trình diện Thượng-sĩ,"

- "Nghề nghiệp?"

Deutschmann ngập ngừng

- "Y-sĩ, thưa Thượng-sĩ."

- "Bác-sĩ hả?"

- "Dạ đúng, thưa Thượng-sĩ."

Thượng-sĩ Krull ngắm nghía con người gầy ốm trán rất cao, mặt vàng vọt xanh xao, cặp mắt đầy lo sợ. Ông ta nhún vai, nhổ bãi nước bọt sang bên cạnh và lại thét:

- "Bác-sĩ với chẳng Bác-sĩ, mày là thằng lính, Nghề nghiệp của mày đó! Nằm xuống!"

Binh nhì Ernst Deutschmann, Y-khoa bác sĩ, nhà sinh hóa học, giáo sư diễn giảng tại Đại- học Bá-Linh, nhà bác-học nổi tiếng, tác-giả nhiều bài khảo luận được chú ý trong tập san y-học, theo lệnh nằm xuống và khép hai gót chân lại.

Viên Thượng sĩ gật gù nói thêm: "Ông binh nhì bác sĩ!" rồi quay hỏi người thứ ba.

- "Binh nhì Erich Wieđeck, trình diện Thượng sĩ".

Viên Thượng sĩ vẫn tiếp tục la hét, nhưng Deutschmann không hiểu ông ta nói gì. Anh nằm yên, mặt gục trên cánh tay, mưa xối xả trên gáy anh, gõ nhịp trên lưng anh. Anh đang nóng lạnh. Ngay trước mắt anh một con kiến lạc lõng đang trèo lên viên đá cuội ẩm ướt. Anh nghĩ: "Phải còn lâu mình mới khỏi hẳn được", rồi anh nghe thấy tiếng người thứ ba đến nằm bên cạnh.

Thượng sĩ Krull đang đứng trước người thứ tư. Anh này người tầm thước nhưng cũng vạm vỡ như ông Thượng sĩ. Tuy nhiên, Thượng sĩ thì béo mỡ, còn anh ta thì bắp thịt dầy và nổi phồng, tràn trề sinh lực trong mỗi cử động dưới chiếc áo khoác ngắn chật chội. Chiếc ngực nở nang căng phồng trên chiếc bụng dẹp. Trông anh ta như một khối đá được đẽo gọt thô sơ và khuôn mặt giống như chiếc mặt nạ bằng đất sét vừa được nắn sơ qua: chiếc trán thấp dưới mái tóc đen cắt ngắn, cái mũi tẹt và chiếc cằm bạnh của những tay anh chị quen giết chóc. Hắn mỉm cười bằng cặp môi, riêng đôi mắt hình như vẫn u tối, không hồn, giống như hai hòn bi ve.

Viên Thượng sĩ nói ;

- "Được lắm... Mày có bộ mặt cô hồn đó".

- "Thế mà, tôi đã đoạt giải thi sắc đẹp... chỉ thua có Thượng-sĩ. Tên tôi là Karl Schwaneeke. Còn ông, ông là thứ Thượng sĩ đồ bỏ, thôi bây giờ tôi đi nằm." Hắn phát ra một cử chỉ như muốn đến nằm cạnh mấy người kia, nhưng Krull sững sờ, chết điếng, bảo hắn đứng thẳng. Karl Schwaneeke nghe theo, đứng ngay ngắn, mỉm cười nhìn viên Thượng sĩ trong khi ông ta không nói không rằng một lúc lâu.

Có trời biết ông ta đang nghĩ gì. Có lẽ ông chẳng nghĩ gì, vì đầu óc ông như bị tê liệt. Suốt cả đời, chưa bao giờ ông ta nghe thấy những lời như vậy, Tuy rằng chẳng thiếu những tên "lì" trong cái Tiểu đoàn khốn kiếp này, gồm cả những người thuộc thành phần trí thức ưu tú lẫn những tội nhân thường phạm mà người ta muốn trừ khử đi bằng cách đưa đến đây, nhưng chưa hề ai dám nói với ông, Thượng sĩ nhất Krult, một cách như thế. Ông ta chưa biết phải làm thế nào. Thế là ông văng tục. Đó là giải pháp tốt nhất và chỉ cần văng tục một hồi là sẽ nảy ra ý kiến hay. Mục lục về các câu chửi thề của ông rất phong phú. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã được nghe rất nhiều câu chửi và ông lại có trí nhớ xuất sắc. Vả lại, với vấn đề này ông có một thứ tưởng tượng sáng tạo và một giọng nói chát chúa lắm tăng thêm mãnh lực cho những câu chửi thề mà ông tìm ra. Đức tính đó kèm theo với sự tận tụy, sự khắc nghiệt khó lay chuyển của ông làm cho ông nổi tiếng, và nhờ đó ông như bắt rễ vào Tiểu đoàn trừng- giới này. Một người như ông, hơn ai hết, phải thành công đối với những phần tử kẻ thù của dân tộc và những bọn ác ôn côn đồ đủ loại như vậy. Ông đã đáp ứng một cách thiết thực tất cả những hy vọng đặt ở nơi ông.

Tuy nhiên, trong lúc này, trí tưởng tượng của ông lại bị kẹt mà ông thì chẳng mấy khi tập điều hành khối óc. Chiến cuộc đã đến lúc toàn diện mới phải để cho những loại người như Schwanecke mặc quân phục. Trước kia, người ta nhốt bọn này vào ngục tối hay đem thủ tiêu đi tùy theo trường hợp. Thượng sĩ Krull tuy rằng không thiếu kinh nghiệm vẫn cảm thấy vô phương và ông ta đành che đậy bằng những tiếng la hét vô nghĩa, miệng mở lớn, mặt đỏ gay, mắt nhắm lưng chừng. Tiếng nói chát chúa vang dậy khắp chiếc sân rộng làm im lặng cả một dẫy nhà xám của doanh trại. Duy chỉ có Karl Schwanecke vẫn giữ nụ cười. Cuối cùng rồi Thượng sĩ Krull cũng ngưng và lẫn với tiếng nước xối của ống máng, có tiếng hát của đoàn quân di hành.

Đây là dịp thoát nạn cho Krull. Với khả năng đặc biệt của những người lính già biết thích ứng với mọi trường hợp, ông ta ngưng hẳn những tràng tiếng văng tục, chửi thề, nhìn đồng hồ tay so với đồng hồ ngoài điểm canh, hất đầu về phía Schwanecke vẫn đang mỉm cười, cho phép anh ta nằm xuống và ông lại gần chỗ hàng rào.

Bốn anh lính mới nằm sóng soài trong bùn và dưới mưa.

Đó là buổi đầu của Bác sĩ Ernst Deutschmann tới Tiểu đoàn trừng giới 999. Mắt theo dõi con kiến lạc lõng, thân thể run lên bần bật, anh cố chống lại cơn buồn nôn và lắng nghe tiếng hát quân hành đang tiến gần tới....

Chương 1

Tiến >>

Nhà xuất bản: Thùy Dương 1973, Nguồn text: Giangtvx - Huytop , Trình bày lại ebook: Cuibap
Nguồn: TVE-4U
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 31 tháng 12 năm 2021