Quỳnh xoay chốt, mở cửa ra ngoài. Ngoái tay ra sau, nàng chỉ khép hờ. Mặt hồ sáng nay có mầu xanh đục, không trong như mọi ngày có lẽ vì trời nhiều mây. Xa xa trên đầu rặng núi có ửng chút ánh sáng nhạt nhòa như một hứa hẹn có chút thảng thốt nửa vời.
Căn nhà bên kia hồ mùa này bị cây cối che phủ gần hết, chỉ thấy thấp thoáng vài đốm trắng, nâu lẩn khuất trong bát ngàn cây xanh. Những đốm trắng mới mát mắt làm sao! Lần nào cũng thế, khi vừa mở cửa sau ra sân là tầm mắt Quỳnh cũng bị chặn lại bởi cái mầu trắng lạnh lẽo và kỳ cục đó! Nào chỉ có thế thôi? Đi sau cái cảm giác lạnh và lạ lẫm là những tò mò về căn nhà không hề thấy bóng người. Nhưng nàng biết là có người ở vì đến chiều tối là thấy làn khói xam xám lửng lơ từ mái nhà bay lên. Mùa nào cũng thế. Nàng ở đây qua bao nhiêu mùa rồi nhỉ? Quỳnh chẳng muốn đếm vì có đếm hay không đếm thì xuân, hạ, thu, đông vẫn trôi qua. Cứ tảng lờ đi có lẽ lại dễ chịu hơn.
Chung quanh im phắc. Quỳnh nghe rõ tiếng chân nàng dẫm trên mặt đất. Nghe như có một người nào đó đang đi cạnh nàng, cùng bước, cùng di chuyển và làm nên những tiếng động. Càng chú ý nghe ngóng lại càng cảm thấy rõ. Nàng dừng bước. “Người đó” cũng im luôn. Ngay đến cả tiếng thở của Quỳnh sáng nay sao nghe rõ thế! Nàng nghe thấy cả tiếng lồng ngực phập phồng lên xuống vội vã của mình. Một trái thông khô rơi tõm trước mặt Quỳnh làm nàng nhẩy nhổm lên, nhưng không hét! Miệng nàng chỉ há to mà không phát ra tiếng kêu. Nàng đã tập yên lặng từ bao lâu nay như vậy. Nói thế thật ra không đúng, quanh nàng có ai đâu để mà nói? Những tiếng nói chực phát ra lâu ngày chỉ được thầm thì rất nhỏ, kín đáo trong nhà, và được vây quanh bằng những đồ vật nàng yêu quý nhất.
Ngắm nhìn cảnh vật ở một chốn heo hút mà quanh hồ Mitchell chỉ lác đác chừng 4, 5 căn nhà, Quỳnh tự hỏi đây liệu có phải là nhà của mình? Hay chỉ là một chỗ trú ẩn tạm bợ như thoạt đầu mới đến đây? Ở gần sát mặt hồ, cây đào năm nào Quỳnh mang theo từ thành phố về trồng nay đã cao vượt nàng. Mà kìa! Lốm đốm mầu hồng! Nàng đi nhanh xuống dốc về phía gốc đào. Quỳnh cười tươi khi nhìn thấy những bông hoa mầu hồng phấn rung rinh trước gió. Trong một ngày thiếu nắng, thiếu mây xanh, cái mầu hồng mới rực rỡ và yêu kiều làm sao! Không nhiều. Chỉ vài bông hoa mà làm dậy lên cái mùi thành phố. Quỳnh ghé sát mặt vào để ngửi cái mùi hăng hắc nhưng nồng nàn làm nàng ngây người. Đã tưởng rằng chốn thị thành phảng phất những bóng dáng mang đầy hệ hụy đã biến mất khỏi trí nhớ nàng rồi chứ? Chính Quỳnh đã tự tay mang cái mầu hồng vương giả kia đến đây trồng xuống, vun xới, để bây giờ cây đào trổ bông và nàng đòi quên!
Quên và chạy trốn những điều đã trở thành một phần của mình từ bao giờ là một điều hoang tưởng! Quỳnh vẫn nói với chính nàng như thế nhưng vẫn khăng khăng đi ngược lại, thách đố, để xem ai thắng ai? Xem ra cuộc chiến ngay giữa chính mình là một cuộc chiến dai dẳng, bất phân thắng bại, và mãi đến ngày hôm nay, chỉ vì mấy bông hoa đào, chỉ vì mầu hồng đột nhiên nở giữa chốn núi rừng hoang vu mà nàng chợt thấy hoảng hốt! Sợ rằng mình sẽ thua cuộc! Thua chính mình! Sợ hãi sự yếu đuối mỏng manh chơi vơi lúc chìm lúc nổi mà vây bủa chung quanh là muôn ngàn cám dỗ mời mọc.
Té ra con người của chính mình đáng sợ hơn mọi thứ trên đời này hay sao? Sợ vì biết nó rõ mồn một. Nó nằm đấy, khi là con trừu ngoan hiền, lúc lại nhe nanh, mọc sừng chực nuốt sống người khác, có lúc lại lửng lơ con cá vàng chập chờn bay lượn. Làm sao chỉ để có một con trừu ngoan hiền thôi nhỉ? Không gian này, thời gian đây có phải là cách duy nhất? Hay chính trong cái vắng lặng, soi mình dưới mặt hồ, mà bên cạnh nỗi cô đơn chỉ nhỏ bằng chiếc lá vừa rụng xuống mặt nước nhưng sự va chạm tuy nhẹ nhàng mà lây lan làm thành từng vòng lăn tăn lan ra, lan mãi đến tận giữa hồ hay xa hơn nữa, hình bóng phản chiếu của chính nàng lấp lánh chập chờn không chỉ cô lẻ mà thấp thoáng đâu đó Quỳnh vẫn thấy cả con quái vật dị kỳ đang cười thách đố bên cạnh con trừu hiền lành.
Quỳnh ngắt một bông hoa, để trong lòng bàn tay. Mầu hồng của bông hoa dường như nhạt hẳn đi và lẫn vào mầu da nàng. Nàng biết chắc chắn bông hoa đào vẫn nguyên vẹn với mầu sắc tự nhiên của nó, nhưng nằm trên cây, cận kề với mầu mặt nước hồ, mầu bảng lảng của trời đất thì nó khác, mà nằm trong lòng bàn tay ửng hồng của nàng nó lại khác. Giống như.. mình vậy!
Có lẽ nàng cũng cần phải xuống phố đi mua những thứ cần thiết dùng cho vài tháng, để nói chuyện với những người bán hàng, trao đổi vài câu chuyện bâng quơ, để nghe thấy chính tiếng nói của mình, không thì quên mất! Nhỡ lại tưởng tiếng nói đó của ai? Giống như những bược chân khi nãy tưởng của ai đó?
Cứ hai tuần Quỳnh xuống hộp thư ở bưu điện cách hồ Mitchell chừng 50 cây số để lấy thư từ. Gọi là thư từ, nhưng chỉ toàn là các thứ bill, giấy tờ ngân hàng hay những liên lạc cần thiết khác và quảng cáo. Quỳnh đã trốn biệt vào đây, còn ai biết nữa đâu mà thư với từ! Đi lấy thư vì phải trả bill điện. Người duy nhất có địa chỉ hộp thư của nàng là anh Huân, anh ruột Quỳnh. Anh Huân cũng chỉ có địa chỉ hộp thư chứ không biết chỗ ở của Quỳnh. Nàng đã nhất định đoạn tuyệt với cuộc đời bên ngoài và dặn dò anh chỉ liên lạc qua hộp thư khi thật cần thiết. Với số tiền mà hãng bảo hiểm nhân thọ đã trả cho nàng khi Bảo mất đủ bảo đảm cho nàng không phải làm việc gì đến mãn đời. Không con cái, không còn chút gì ràng buộc Quỳnh, chỉ có chính nàng tự trói buộc mình mà thôi!
Căn nhà làm theo kiểu miền núi, nửa gỗ nửa gạch nằm trên triền đời thoai thoải nhìn xuống hồ Mitchell. Từ bên dưới mà leo lên được khu này cũng phải là loại xe mạnh, leo dốc khỏe. Và mùa đông thì thôi! Hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Sau nhà Quỳnh chất đầy củi đốt, thức ăn khô và đồ hộp cũng như các thức ăn đông lạnh bao giờ cũng dự trữ đủ cho cả 4, 5 tháng mùa đông. Quỳnh lại rất handy, mua sách về tự học hỏi và sửa chữa lấy mọi thứ trong nhà. Quả thật nàng không cần ai! Cũng có đôi lần phải gọi thợ, và những lần ấy Quỳnh phải trả tiền công bộn họ mới chịu đến đây!
Lúc mới đến ở, nàng nghĩ đến chuyện đặt một cái tên cho căn nhà. Hàng chục cái tên khác nhau chen chúc chờ đợi cho Quỳnh chọn nhưng cuối cùng nàng quyết định không chọn tên nào cả. Một am, cốc có tên cũng là một nơi chốn làm người ta biết đến, còn căn nhà không có số? Không có căn nhà nào lại không có mang một con số? Chỉ có nhà của Quỳnh! Nàng đã gỡ những con số bên ngoài và ném xuống hồ. Khi hành động như vậy nàng có cảm tưởng như mình đang ném tất cả nhưng quy ước, luật lệ mà con người đã đặt ra bên ngoài cuộc đời kia xuống hồ. Là một căn nhà không có số cũng chẳng khác gì không thừa nhận những luật lệ đó. Và Quỳnh đã rất hài lòng với chính mình khi nghĩ như vậy, mặc dù nàng vẫn bị Ty điện lực quấy rầy vì “không có số nhà”.
Từ cây đào gần sát mặt hồ nhìn ngược lên căn nhà, Quỳnh nhìn thấy một vài vách tường bên ngoài cần phải sơn lại trước khi mùa đông sắp tới. Nàng lại có việc để làm. Có lẽ lần này xuống phố phải mua thêm nhiều thứ. Phải xem lại chiếc xe. Chắc nàng phải mất nửa buổi! Nửa buổi giữa nơi phố phường đông đảo rồi trở về “nhà” và càng thấy cuộc đời của mình ở đây bình an và giản dị như nàng hằng mong muốn là một điều có nghĩa lý.
Bông hoa đào được Quỳnh thả vào bát nước con con trong vắt và để trên kệ sách sát tường gần lò sưởi.
“Xem nó đẹp được bao lâu?” Quỳnh thầm nghĩ. “Giỏi lắm là đến ngày mai!”
Đêm đó nàng nằm mơ thấy vẫn cây đào nọ nhưng to lớn dị thường, cành lá mọc dài đâm nhánh xuyên vào tận trong nhà và nở hoa sực nức, cái mùi của cuộc đời mà nàng đã từng trải qua. Những nhánh, những lá, những hoa của cây đào tràn hết trong các phòng, lên cả giường ngủ của Quỳnh. Những bông hoa đào và mầu hồng rực rỡ phủ kín cả thân hình Quỳnh. Nàng không còn nhìn thấy mình đâu nữa…
Tỉnh dậy. Quỳnh đến kệ sách tìm bông hoa đào. Bông hoa nhỏ bé vẫn lềnh bềnh trong chiếc bát nhỏ, mầu vẫn hồng, vẫn y như lúc nàng hái hôm qua.
Mở hộp thư, nàng chẳng buồn nhìn mà cất hết vào chiếc xắc tay khá to đeo trên vai. Đến garage sửa xe, người thợ quen mặt nhìn Quỳnh rồi hỏi:
- Xe cô mới check đây mà! Chừng 2, 3 tháng chứ bao nhiêu? Bữa nay bị sao đây?
- Chỉ muốn nhờ anh coi có gì trục trặc cần sửa không, sắp tới mùa đông rồi!
- Tôi mới coi đây mà! Để coi nào..
Anh ta chỉ tờ giấy nhỏ xíu dán bên hông cửa sổ xe.
- Thấy chưa! Mới hồi tháng tám! Để coi từ tháng tám đến nay cô chạy bao nhiêu miles?
Không đợi Quỳnh trả lời, anh ta nói luôn:
- Chạy ít xịt! Có chừng 200 miles. Xe tốt! Không sao đâu! Mà mùa đông tới cô đâu có chạy mấy phải không? Đợi qua mùa đông coi lại luôn thể.
Quỳnh cám ơn người thợ máy rồi ghé vài chỗ mua một lô đồ dự trữ cho mùa đông. Nàng không quên mua sơn để sơn lại bên ngoài tường nhà. Tự dưng nàng lại nhớ đến anh Huân và câu chuyện hai anh em trao đổi với nhau lần cuối trước khi Quỳnh dọn về đây.
- Quỳnh ở một mình lỡ có chuyện gi không ai biết thì sao? Ốm đau, bệnh hoạn rồi sao?
- Em lo lấy được. Còn chuyện mà anh muốn nói đến thì nếu chết ở đâu cũng có thể chết. Vậy có gì đâu mà anh phải quan tâm? Em có ghi ở hộp thư nếu quá sáu tháng không thấy ai lấy thư, họ sẽ liên lạc với anh. Còn tiền thuê hộp thư em trả một lúc cả 5 năm, anh khỏi lo.
- Tại sao phải làm như vậy?
Quỳnh đã không trả lời anh Huân. Nàng giữ câu trả lời cho riêng mình. Nàng còn nhớ vẻ mặt băn khoăn của anh Huân làm Quỳnh suýt mềm lòng.
Nàng chỉ muốn mua đồ cho nhanh cho chóng để trở về, làm như ở đây lâu thêm giờ phút nào nàng sẽ đổi ý ở lại và không quay về nữa! Lần nào nàng cũng giải quyết tất cả những việc cần phải làm thật nhanh rồi quày quả lên xe lái một mạch về. Đi như đi trốn!
Cất hết mọi thứ vào kho xong cũng làm Quỳnh mệt nhoài. Nàng mệt không phải vì khuân vác, mà chính vì cái hơi hướm thị thành còn quấn quít đâu đây! Quỳnh đổ hết cả những đồ trong xắc ra bàn. Lần này nàng có nhiều thư hơn thường lệ. Quảng cáo, bill, và.. gì nữa đây? Quỳnh choáng người khi thấy nét chữ và tên anh Huân! Phải là một cái gì quan trọng lắm đây! Nàng chưa muốn bóc ra. Nàng chưa sửa soạn đủ để biết. Hãy để đến tối! Hay đợi đến mai! Nàng đang tìm cách lần lữa với chính mình!
Cái thư nằm yên trên bàn nhưng Quỳnh không yên ổn. Đi ra đi vào, nàng cố tránh không nhìn đến nó. Nhưng ngay trên những trang sách mà nàng đang dọc dở, Quỳnh vẫn nhìn thấy bức thư đang chờ đợi và hàng nghìn câu hỏi làm nàng bứt rứt.
Nàng có nên bóc ra đọc để rồi sẽ mất ngủ, hay đợi đến ngày mai, ngày mốt, mà không chừng vẫn bị mất ngủ? Trong căn nhà này không còn mình Quỳnh nữa! Bức thư nằm kia là một sự hiện diện của “ai đó”! Nàng trì hoãn đến bao giờ mới thấy mình sẵn sàng? Sự kéo dài chỉ làm nàng chới với thêm! Giống như một người sắp chết ngộp! Càng lúc càng ngộp thở thêm vì thiếu không khí!
Quỳnh mở hé cửa sổ. Có mùi củi đốt thoang thoảng luồn vào khẽ nhắc nhở cho Quỳnh biết không phải chỉ có mình nàng ở giữa núi rừng.
Nàng đến gần, nhìn bức thư. Cầm lên. Lại gần lò sưởi. Ngồi xuống. Tay vẫn cầm lá thư. Ánh lửa bập bùng từ lò sưởi hắt ra làm thành những vệt sáng nhẩy múa trên tay Quỳnh, trên bức thư. Nàng mân mê mặt giấy, tần ngần tìm chỗ bóc.
Bên trong là một lá thư khác với nét chữ.. Tay cầm lá thư mà run. Người Quỳnh lạnh ngắt. Ngay lúc này chỉ có một chọn lựa: đọc hay không đọc? Đọc đây không phải để biết vì nàng đã hiểu. Cho dù nàng có trốn đến tận cùng trái đất thì vẫn không thoát! Làm sao thoát được một cái gì đã trở thành một phần của nàng từ lâu, lâu lắm. Cho dù như thế đi nữa, cái cảm tưởng lúc mờ mịt lúc thật rõ ấy vẫn chỉ là những cảm nhận không thể giải thích, phân tích hay đụng chạm được. Vẫn như những ý tưởng trong đầu nàng, hay dù là hình bóng thì vẫn chỉ là bóng! Còn lá thư này là một thực thể trước mặt nàng, có bút tích hẳn hoi, từng đường nét lên xuống phóng khoáng mà đẹp đẽ. Có những gì trong đó? Thương yêu, trách móc, hay là những tiếng tình yêu bất kể..? Có thể là sôi bỏng lắm mà cũng có thể là lạnh ngắt như cả người Quỳnh đang run rẩy.
Đã trốn không được thì tại sao lại không đọc?
“Tháng bẩy..
Yêu Quỳnh cho đến chết. Cho dù không bao giờ gặp lại nữa Chương vẫn yêu Quỳnh. Ngày tháng trôi qua chỉ làm cho tình yêu ấy sâu đậm hơn. Có Quỳnh hay không có Quỳnh, tình yêu ấy vẫn như thế”
Có ngần ấy câu cũng đủ nhận nàng chìm lỉm! Tưởng đâu có thể chết đuối trong đó! Bỏ bức thư vào túi áo, Quỳnh mở cửa ra ngoài màn đêm.
Le lói bên kia hồ có ánh đèn. Chấm đèn vàng nhỏ xíu leo lét. Nàng ngồi xuống bậc thềm và có cảm giác Chương đang ngồi bên cạnh. Ngay trong lúc này, nàng muốn ngả đầu vào vai chàng và để mặc những tình cảm giấu kín được phơi bầy, để được sống thật như nàng muốn và sợ hãi. Những con mắt đỏ rực của dã thú quanh đây sẽ nhìn thấy những đam mê nồng nhiệt đang bị nhốt kín trong nàng bung ra như những ánh lửa trong đêm đen mà những tàn lửa bốc cao bay tỏa khắp nơi thiêu trụi cả núi rừng. Trong bóng tối, Quỳnh không thấy được làn má đỏ au của mình nhưng toàn thân nàng, da thịt nàng đầy ắp như được bơm hơi, như sắp nổ tung, như con sâu đang cố banh da rách thịt để chui khỏi cái kén giam giữ nó bấy lâu nay.
Như người mộng du, Quỳnh cởi áo khoác ngoài, đi lần xuống hồ. Nàng chỉ giữ lại hai mảnh áo lót mỏng manh. Bước những bước vội vã trên mặt gỗ của chiếc cầu hẹp. Nàng lao mình xuống hồ. Nước lạnh buốt làm nàng tỉnh táo hẳn. Quỳnh bơi một hai vòng ngắn rồi nhoài người lên ngồi vào trong lòng chiếc thuyền con buộc ở chân cầu. Nàng không biết mặt mình đẫm nước hồ hay do một cái gì khác, nhưng Quỳnh ngồi thu nhỏ lại, hai đầu gối co cao che kín ngực. Nàng ước gì mình có thể nén người nhỏ lại, nhỏ thật nhỏ.. rồi biến mất!
Nàng ngồi như thế lâu lắm. Nàng nhìn thấy cả con trừu hiền lành và con quái vật vĩ đại đang cười ngạo nghễ thách thức! Khi sương đêm che lấp ánh đèn bên kia hồ, Quỳnh mới quay vào nhà. Hai mảnh áo lót của nàng trắng toát không thua gì mầu sơn trắng của căn nhà bên kia hồ là điểm di động duy nhất trong đêm.. xa dần và khuất sau cánh cửa ập lại.
Lá thư của Chương vẫn nằm trong túi áo. Nhìn trong gương, Quỳnh không nhận ra mình. Nàng đang nhìn ai đó. Cặp mắt kia sao sáng quá, long lanh như có đốt nến. Cả gò má, đôi môi kia, không giống như nàng nhìn thấy mỗi ngày từ bao lâu nay. Mà không chỉ có thế, cả người nàng, trong cũng như ngoài, như đã được lột đi một lớp vỏ dầy cộm và hé ra làn da mới, non, và tràn đầy sức sống.. ở một con người khác đang nhìn trả lại Quỳnh. Cái nhìn nửa diễu cợt nửa thương hại! Diễu cợt cho sự sợ hãi ở nàng, thương hại cho Quỳnh không dám sống như Quỳnh muốn. Cười cợt trên sự ngu muội ở một con người chỉ biết sống như người khác, như cuộc đời muốn nhào nặn như thế.
Nàng để tay lên mặt gương soi, hoang mang không biết tìm mình ở đâu? Ngay trước mặt đây hay phải trở lại ra ngoài sục xạo tìm kiếm?
Sáng hôm sau, Quỳnh thu xếp quần áo bỏ vào trong valise. Nàng thu xếp, đi lại trong nhà như đang đi trong một cơn mộng mị. Ra ngoài, nàng đẩy những cánh cửa gỗ lớn che cửa sổ và khóa lại. Quỳnh kéo chiếc thuyền con lên bờ, đun vào gầm nhà.
Vào trong, nàng kiểm điểm mọi thứ, tay xách valise tần ngần nhìn quanh. Bỗng dưng nàng lại mở cửa ra sân sau. Tay vẫn xách chiếc valise nhỏ, Quỳnh xuống chỗ cây đào. Chỉ một ngày mà đã khác. Cây đào không chỉ còn là những lốm đốm hoa thưa thớt mà rực sáng ở một góc với những chùm hoa nở tung. Nàng đứng bên cạnh cây đào nhìn sang hồ bên kia. Ngày hôm nay trời trong vắt, nắng vàng như lọc và cái mầu trắng bên kia dường như nhạt hơn và thành một mầu gì khác.
Khóa cửa trước. Bỏ valise vào trong xe. Quỳnh lùi xe mà không hề quay đầu nhìn lại ngôi nhà, ngôi nhà không có số.
Bên kia hồ, người đàn ông vẫn dán mắt vào chiếc ống nhòm tối tân để theo dõi từng cử động của Quỳnh. Thời tiết tốt, tại sao cô ta phải đóng cửa? Đâu có cơn bão nào sắp đến đâu? Cô ta xách valise? Đi xa? Một thời gian?
Ông ta thấy buồn bã vô cùng! Hình ảnh nàng đã trở thành một phần trong đời sống hàng ngày. Ông đã thao thức cả đêm qua không ngủ được khi tình cờ nhìn thấy nàng trong manh áo lót mỏng dính nhào xuống hồ. Ngồi trong lòng thuyền, tóc nàng, mặt nàng, thân thể nàng ướt, và từng mảnh vải dính vào làn da mới mời mọc làm sao!
Đã quen với hình ảnh nàng bao ngày tháng. Đã từng băn khoăn khi thấy vắng bóng nàng trong những giờ giấc quen thuộc. Nhìn nàng qua ống nhòm như xem một phim câm ngày xưa, chỉ khác cuốn phim có mầu và mãi hoài không có đoạn kết.
Đoạn đường nàng đã đi qua biết bao nhiêu lần, rõ từng ổ gà, cụm cây. Những cảnh vật đang ngoái nhìn nàng. Cây lá xôn xao trong gió như cất lời gọi. Nàng lái xe bừa vào những ổ gà mà không né tránh như mọi lần. Chiếc xe dằn xóc lên xuống như vật vã kêu than.
Khi những bảng chỉ đường xuất hiện và vài xe cộ lác đác vượt qua nàng, Quỳnh bỗng chạy chậm lại. Nàng nhìn bàn tay đang hờ hững trên tay lái. Mu bàn tay không còn căng dưới ánh nắng xuyên qua ô cửa kính. Những ngón tay xương xẩu, và làn da có những phần nhăn và thành ngấn. Chỉ thế cũng đủ để nàng tìm một chỗ quẹo và vòng trở về.
Lần lái về, nàng cẩn thận tránh những ổ gà dù mắt nhìn không còn rõ lắm. Nhưng dù cho nhìn không rõ, nàng vẫn thấy những nếp nhăn trên mu bàn tay, dù thật nhỏ. Căn nhà không có số đang chờ nàng trở về để mở những lớp cửa khóa bên ngoài.
Như một cuốn phim quay ngược. Người đàn ông lại nhìn thấy Quỳnh. Mở những cánh cửa. Đẩy chiếc thuyền xuống chân cầu. Đi trở ngược lên và mở cửa vào nhà. Ông biết chắc rằng chiều nay sẽ vẫn nhìn thấy làn khói xám từ mái nhà nàng bay lên, như mọi ngày.
Căn nhà không có số
Tiến >>
Nguồn: Nguyễn Đình Phùng - Vietnamthuquan.eu
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 29 tháng 3 năm 2023