Mỗi mùa, nàng lại cài
một bông hoàng lan lên mái tóc.
Để tưởng nhớ mùi hương
(Thạch Lam)
Chiếc xe hàng cũ kỹ chậm đà lại ở một đầu lối vào khấp khểnh, lác đác cỏ mọc. Lối đi dẫn tới một khoảng đất trống. Khoảng đất ngập ngựa rác rưởi, cao hơn những thửa ruộng láng nước chung quanh. Phía bên kia, sát cạnh một cây xăng sơn màu vàng khè, một cỗ ba chiếc xe, cũng cũ kỹ, già yếu như chiếc xe vừa tới bến, nằm im lìm.
Một đứa nhỏ, trần truồng, chân tay khẳng khiu, đen thui, ngồi chồm chỗm trên một mui xe, ngó thao láo chiếc xe từ từ lượn vòng rồi đậu lại trước cây xăng. Ngày đã về chiều. Nắng trải nhẹ. Vòm trời cao, có một vẻ gì hoang vu ở những dải mây màu trắng đục. Thoáng nghe thấy, từ thật xa, vọng lại trong không gian yên tĩnh của buổi chiều tàn nắng, tiếng còi hú dài, buồn bã, của một con tàu nào, trên một dòng sông.
Ninh cúi lom khom trong khoang xe thấp trần, đi theo sau lưng một người đàn bà ôm trên tay một bọc đồ nặng trĩu. Chờ cho người đàn bà bước xuống, rồi Ninh vịn tay vào thành cửa xe lấy đà, đu mình nhảy mạnh xuống mặt đất bến. Chiếc va-li của chàng được chuyển xuống theo. Ninh đỡ lấy, đặt nó bên chân. Đoạn, chàng đứng thẳng người, ưởn ngực, thở ra một hơi dài khoan khoái.
Từ chuyến xe di chuyển nặng nề trong ngột ngạt choáng váng trên những đoạn đường rực nắng, tới bước chân đầu tiên đặt xuống mặt đất trống trải, thân thể Ninh giãn ra, nhẹ đi, trong một cảm giác dễ chịu. Cuộc hành trình mệt và dài. Sự mỏi mệt chập chờn thiêm thiếp. Những hình ảnh nối đuôi nhau lùi ngược hai bên lề đường trở thành một đè nặng lên thần trí rã rời. Qua những dốc cầu. Men những bờ đê. Con đường dài thẳm phơi mình cho nắng đốt. Không khí hầm hập, nóng bỏng. Nhịp xe lắc lư, vật vã. Mùi khói từ gầm xe bốc lên, khét lẹt. Mi mắt tê cứng, nặng trịu. Mồ hôi ướt đầm những khoảng trũng trong người. Cổ áo láp nháp, đính đầy bụi cát.
Bây giờ thì cuộc hành trình đã chấm đứt, chiếc xe đã đậu lại trên mặt đất trống, và gió mát từng đợt hây hây lùa vào da thịt khiến Ninh tỉnh táo lại phần nào. Chỉ có nơi cổ và hai bả vai chàng là còn ê ẩm.
Ninh châm một điếu thuốc, ngó quanh, ngước hỏi người lơ đứng ngất ngưởng trên nóc xe cao ngất:
– Không có xe kéo rước khách vào tỉnh sao?
Người lơ chỉ tay:
– Kia.
Ở đầu lối một con đường khác, cũng khấp khểnh và lác đác cỏ mọc, mà lúc này, theo hướng tay trỏ của người lơ, Ninh mới nhìn thấy, một chiếc xích-lô từ từ tiến vào. Ninh ngắm nhìn chiếc xích-lô bằng một nhìn ngắm tò mò và bỡ ngỡ. Kiểu xe này, dáng điệu khác biệt hẳn với kiểu xe cùng loại ở cái thành phố lớn, chàng vừa rời bỏ sáng nay. Nó kềnh càng. Không gọn mắt chút nào. Và cao lênh khêah, cũng lênh khênh như dáng điệu anh lơ gầy nhom còn đứng trên nóc xe chưa chịu xuống.
Ninh rút túi áo, lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ, xem lại một địa chỉ. Chàng thân mật hỏi ông lão già vừa ngừng xích-lô trước mặt:
– Đường Đinh Tiên Hoàng?
– Thầy lên đi.
– Biết đường Đình Tiên Hoàng không đã?
Ông lão cau mày, trả lời như gắt:
– Sao không biết. Nhà ai?
– Tiệm Quảng Hưng. Biết không?
Ninh nghe thấy tiếng cười giòn giã vui thú của người lơ đứng chống tay vào sườn trên nóc cao, và tiếng y ném xuống:
– Đường Đinh Tiên Hoàng và tiệm Quảng Hưng thì thằng nhỏ ở truồng kia nó cũng biết. Thày cứ lên đi, già Tám sẽ đưa thầy đến nơi mà.
Ninh lắc đầu, lẩm bẩm: “Lạ thật. Lạ thật “.
Nhưng chàng không dám gặng hỏi thêm nữa, mà xách va-li lẳng lặng bước lên xe. Chiếc xích-lô hơi chúi mũi về đằng trước, lấy lại quân bình, từ từ ra khỏi bến. Ninh nhìn đồng hồ tay. Đúng năm giờ chiều. Trước mắt Ninh, dần dần mở ra những cảnh tượng thứ nhất của tỉnh nhỏ yên tĩnh. Những lòng đường rộng thoáng như từng dòng sông khoan thai chảy qua những ngôi nhà im lìm. Ông lão già bắt chuyện:
– Chừng thầy mới tới đây lần đầu?
– Phải. Lần đầu.
– Thầy muốn đi một vòng quanh tỉnh không?
Ninh đã toan nghe theo. Nhưng nghĩ lại, lại thôi.
Chàng có cả một khoảng thời gian lê thê dài rộng trước mặt để sống với bến tàu, dòng sông, những buổi chiều nhạt nắng, những con đường cỏ mọc, và vòm trời lặng lờ bất động của nơi chốn mới tới.
– Lần khác. Tôi còn ở đây lâu.
Ông lão già chợt hỏi một câu thật tò mò:
– Thầy về làm chi đây?
Ninh đùa:
– Tôi người vùng này mà. Về lấy vợ.
– Bậy. Thầy làm như tôi không biết. Thầy ở tỉnh khác tới.
– Sao ông biết?
– Sao chẳng biết. Ở đây ai cũng biết ai, mọi người đều biết nhau. Thầy là một người lạ mặt.
Thầy là một người lạ mặt! Ninh sửng sốt nghĩ thầm, và có cảm tưởng, qua câu nói của ông lão già, bắt đầu khám phá thấy thế nào là cái vòm trời, cái không khí, cái thế giới riêng tây tạo nên linh hồn và những đặc thù của một thàah phố nhỏ. Một không khí lắng đọng như hình ảnh một mặt hồ mùa thu. Ném xuống đó một hòn đá nhỏ, mặt nước đã xao động sóng sánh. Một thế giới khép kín, rất bên trong, không ngạc nhiên, không bất ngờ, mà bất cứ một mới lạ nào cũng là một có mặt đầy chấn động. Những con đường cỏ đại. Đường như là cũ lắm. Cỏ như là lâu đời, như thế, qua những sáng nắng, những chiều mưa, cho dẫu là mùa xuân hoa nở, cho dẫu là mùa thu lá vàng, cho dẫu là mùa hè phượng đỏ, đời nối đời, không bao giờ thay đổi. Một linh hồn u sầu, lặng chìm, thiêm thiếp. Không có những tiếng động lớn, chỉ có những tiếng thì thầm. Như những bước chân rón rén bước qua, bước chân nhẹ như một niềm ngờ vực.
– Phải, tôi là một người lạ mặt.
Ninh trầm giọng, nói tiếp, cho riêng mình:
– Lạ mặt trước hết với chính tôi.
Chặt đứt một quá khứ. Chôn vùi từng kỷ niệm. Đánh loãng trí nhớ, vít kín con đường trở lại với sau lưng, nơi vẫn những xâu chuỗi ám ảnh chập chờn theo đuổi. Giết chết cái tôi cũ. Khởi đầu cái tôi mới. Làm một kẻ lạ mặt với chính mình, trong đổi thay một con đường khác với con đường của những dấu chân, những cỏ hoa và những bờ bến thưở xưa. Sống là một làm lại. Tôi thí nghiệm đời tôi thêm một lần này. Trên ý nghĩ đó về một thí nghiệm sống bắt đầu bằng những triệu chứng dò thăm thứ nhất, Ninh nhận chìm một nỗi buồn vừa thấp thoáng, lớn tiếng vui vẻ bảo người phu xe già:
– Bây giờ, ông đạp mau cho tôi về đường Đinh Tiên Hoàng.
★
Trang ngồi, xõa tóc, bên thành đá nhẵn bóng của cái bể non bộ chính giữa vùng lát gạch bát tràng của khoảng sân sau nhỏ hẹp. Từ chỗ nàng nhìn lên, bầu trời xa lạ trên cao chỉ hiện hình trong ruột phiến thật nhỏ, màu xanh lơ. Những đám mây trắng bay qua phiến trời nhỏ vừa bằng một khoảng sân sau, phía dưới này, những lúc nàng bất chợt nhìn lên, như lúc này, chỉ là một thoáng hiện mơ hồ trong khoảng khắc. Khoảng sân sâu hút, dưới chân ba phía tường dựng, cao vút. Ánh sáng không lọt tới, sáng cũng như chiều, bóng mát đằm đằm. Bóng mát này dã bao nhiêu năm, là sự lưu đày êm ái đời Trang. Nàng ở trong đó, như một bóng hình, gần như lãng quên hẳn cái thế giới bên ngoài xa lạ.
Trang mặc một cái áo cánh ngắn. Vải phin trắng nõn, ôm lấy một thân hình tròn lẳn. Cổ áo hình trái tim. Trái tim này vây quanh một cái cổ rất thanh và trắng ngần. Người đàn bà chừng ba mươi tuổi. Có thể hơn một chút, ở cái nhìn tuy còn trong suốt, đen láy, nhưng thăm thẳm phảng phất buồn như màu đen nhìn thấy giữa lòng một đài hoa. Buổi chiều đi qua trên đầu nàng, trên mái tóc Trang, trên cuộc đời nàng, nàng ngồi đó một mình, trầm tư trong mơ màng, và nàng vừa gội đầu xong. Những sợi tóc lướt thướt toát ra mùi bồ kết thơm cay, được những ngón tay cong vút lùa vào, hất nhẹ, cho thả dài thành một dòng suối mun từ đỉnh đầu xuống gần sát mặt đất.
Trang ngồi như thế, hơi cúi xuống, soi dung nhan nàng trên mặt nước giới hạn và trong vắt của cái bể non bộ. Đường mũi, vành môi, gò má, trũng mắt mờ mờ hiện. Đẹp. Trang biết nàng đẹp. Khuôn mặt phản chiếu lên từ đáy nước, đã mất đi ánh hào quang rực rỡ của những xuân đời. Trang đã bỏ lại, nhưng Trang biết nàng còn đẹp, một nhan sắc vô ích, một mình, lặng lẽ, nó biết nó đẹp, nhưng không biết đẹp cho ai và dùng để làm gì. Ngày tháng đi qua cuộc đời Trang không tiếng vang. Ngày tháng đi qua cuộc sống Trang hờ hững. Nàng nghĩ như thế, đôi khi, để chảy nước mắt. Những giọt lệ len lén thầm thầm, quay trở vào. Nàng nghĩ, như thế, thường để thở dài, rất nhẹ, tâm hồn tê đi, như một dần dần khép mắt.
Trang bất chợt dúng một ngón tay vào lòng nước, khoắng mạnh. Mặt nước tan tác. Phiến trời mất biến. Khuôn mặt Trang vỡ tan.
Tiếng chuông điện từ ngoài cửa truyền vào, vang lên trong cái thế giới thu mình hoàn toàn im lặng. Tiếng chuông vang vang không dứt làm Trang giật mình, đứng vụt lên.
Nằm thiêm thiếp trên một bộ ghế ngựa bóng loáng ở căn nhà thờ bên trong, bà Quảng Hưng cũng nghe thấy tiếng chuông. Trang nghe thấy vọng ra, tiếng hỏi hụt hơi và khàn khàn của người mẹ chồng:
– Ai đó, mợ Quýnh?
Trang quấn vội lại mớ tóc thành một vòng trễ nải trên đầu, lớn tiếng trả lời. Biết mẹ chồng nặng tai, Trang phải nói thật lớn bà mới nghe rõ:
-Thưa mẹ, con chưa biết ai.
– Chúng nó đâu cả thế?
– Đi phố hết rồi ạ! Để con ra xem.
Cho chân vào đôi dép Nhật Bản, Trang xem lại những chiếc khuy nơi cổ áo, đoạn đi rảo theo bờ tường, ở đó, tiếng chuông vẫn reo hoài chưa dứt, ra phía cửa ngoài,
Ngoài thềm, Ninh buông ngón tay khỏi nút diện, sửa soạn lại cho chàng một dáng đứng ngay ngắn, chỉnh đốn. Tiếng chuông vang vang, chạy theo chiều dài của căn nhà đoán thấy được sự im lặng đầy và lớn. Ninh nghe thấy tiếng lạt sạt của một đôi dép trên nền đá hoa. Một phút. Rồi là tiếng một gióng gỗ cài cửa được nhấc đi, đầu gióng hạ xuống, dội lên một âm thanh khô gọn. Tiếng mở cửa. Một cánh cửa hé ra, thận trọng như một niềm ngờ vực.
Ninh ngó vào. Trên một nền bóng tối mờ mờ không cho đoán thấy những hình ảnh bên trong, khoảng cách nhỏ chỉ vừa đủ cho Hinh nhìn thấy một nửa khuôn mặt, ở nửa khuôn mặt đó là một sóng mũi dọc dừa, rất thanh thoát. Và một vực mắt tròn. Vực mắt chiếu thẳng vào Ninh.
Ninh gật đầu chào, lễ phép:
– Thưa, đây có phải nhà cụ Quảng Hưng.
Vực mắt vẫn mở 1ớn, vây mọc bởi bóng tối, khẽ chớp:
– Phải.
Cánh cửa mở rộng thêm một chút. Tất cả sáng và rõ hơn. Ninh ngó xuống bàn tay tròn dầy, nhưng không thô kệch chút nào, trắng nuốt, thoáng những vết hồng của máu. Bàn tay đẹp ấy là tận cùng của một đường cong mềm mại chạy xuống từ một bờ vai thanh thoát. Ninh chớp mắt. Một nét đẹp nào cũng làm chàng rung động. Người đàn bà thu vội bàn tay về. Nàng đứng thẳng. Nghiêm trang và đợi chờ. Sự thật là Trang đang bối rối. Sự nghiêm trang trên nét mặt chỉ là một cố gắng trấn tĩnh. Làm ra bộ thản nhiên là lúc người ta không thản nhiên. Bao giờ Trang cũng bối rối như vậy trước một người lạ mặt. Người đàn ông trẻ tuổi đứng đó, trước mặt nàng, trên một nền nắng phố đang tàn dần, Trang chưa nhìn thấy lần nào. Chiếc va-li đặt dưới chân trên thềm cửa nói y từ xa tới.
Ninh nhìn thấy sự thận trọng của người đàn bà đứng im sau cánh cửa chỉ mở ra nửa chừng, như một trấn giữ. Chàng thấy cần phải nói rõ ngay:
– Tôi đã gởi xuống trước một bức điện tín. Chiều hôm qua. Chắc cụ nhà đã nhận được?
Ninh mỉm cười nói tiếp:
– Tôi là Ninh.
Trang kêu lên một tiếng nhỏ. Cánh cửa mở rộng hẳn. Ánh sáng từ sau lưng Ninh bây giờ làm rực rỡ toàn vẹn một khuôn mặt không còn nghiêm trang nữa. Trang luống cuống đứng tránh sang một bên.
– Chết thật. Mời anh vào. Dạ, vâng, chúng tôi đã nhận được điện tín. Nhưng điện tín lại nói là…
Ninh xách va-li bước vào, nói theo vào câu Trang bỏ đở:
– Là đầu tuần sau tôi mới tới, phải thế không ạ! Nhưng rồi tôi đã đi ngay. Tôi đang rỗi rãi, không có việc gì, muốn tới trước mấy ngày. Có phiền gì không ạ?
– Đâu có. Căn buồng trên lầu, ở phía sau, dành cho anh đã sửa soạn sẵn. Buồng vẫn bỏ không. Chỉ hơi bụi bậm một chút, nhưng sáng nay mẹ tôi đã cho người nhà lên quét dọn tươm tất. Mời anh ngồi.
Trong khi Trang chạy đến cửa sổ, mở rộng hai cánh, Ninh đặt va-li vào một góc nhà, ngồi xuống ghế. Bóng tối bị đuổi dạt. Căn phòng sáng bừng như một ngạc nhiên mừng rỡ.
Trang nói:
– Anh ngồi chơi. Tôi vào trong nhà cho mẹ tôi hay anh đã xuống.
Nhìn theo người đàn bà rảo bước đi vào nhà trong, Ninh ngồi thẳng lại, rút thuốc lá châm lửa hút. Căn buồng khách rất rộng. Tường màu vàng. Sàn đá hoa bóng loáng. Bài trí kiểu cổ. Một bộ ghế chạm trổ, gỗ gụ đã ngả màu, kê ngay ngắn ở chính giữa. Trên tường, hoành phi và câu đối cách nhau bằng những khoảng cách đều đặn. Ninh miết nhẹ ngón tay lên mặt bàn. Không một hạt bụi. Căn buồng hơi lạnh lẽo trong sự sạch sẽ và ngăn nắp trống trải buồn bã. Tấm hình một ông lão già, nét mặt thờ ơ, đặt trên cái tủ che lồng kính cho Ninh đoán thấy dễ đàng đó là ông Quảng Hưng, tạ thế đã lâu, theo như cha mẹ chàng đã nói chuyện.
Trang trở ra phòng khách với một khay nước bốc khói thơm ngát bưng ở trên tay. Ở nàng, vừa có một thay đổi nhỏ, về làm đẹp, mà Ninh nhận thấy liền tức khắc. Trang đã chải tóc. Mái tóc đen mượt bây giờ được cuốn lại thành một vòng tròn gọn ghẽ, cao hơn trước. Khi Trang cúi xuống rót rước từ ấm lớn vào chén; khói trà toả nhẹ qua một đường gáy trắng ngần. Nàng mím môi, như muốn lấy lại vẻ nghiêm trang lúc ban đầu:
– Mời anh xơi nước.
Nước trà nóng hổi. Ninh nâng chén, uống từng ngụm nhỏ. Chàng thấy chàng đang sống với một không khí thật khác lạ. Đặt chén trà xuống, Ninh đưa mắt nhìn vào phía nhà trong:
– Chị cho tôi vào chào cụ.
Trang ngăn lại:
– Mẹ tôi hơi khó ở trong người, anh thứ lỗi cho. Mẹ tôi nói mời anh rửa mặt. Lên lầu nằm nghỉ. Chiều dùng cơm. Mẹ tôi ăn chay, sáng mai sẽ gặp anh sau.
Ninh hỏi, nghĩ đến mẹ chàng:
– Cụ nhà theo đạo Phật?
– Dạ. Mẹ tôi thường nói trẻ vui nhà, già vui chùa. Mẹ tôi ở chùa nhiều hơn ở nhà.
Trang nói tiếp, nửa như vui thú, nửa như xin lỗi:
– Chỉ có tôi là chẳng biết đến cửa chùa là thế nào.
– Vì chúng ta chưa đến được cái tuổi già nhàn nhã của các cụ. Sau này có lẽ rồi chúng ta cũng như thế. Cũng trẻ vui nhà, già vui chùa. Cụ nhà với mẹ tôi bạn thân với nhau là đúng lắm. Mẹ tôi cũng chùa nhiều hơn nhà.
Trang và Ninh cùng cười vì câu nói ngụ ý giễu cợt tuổi già ẩy. Không khí cởi mở và thân mật hơn, khiến Trang cũng trở nên bạo dạn hơn. Kín đáo quan sát Ninh, nàng không khám phá ghi nhận được gì trong quan sát khởi đầu, ngoài cái cảm giác mơ hồ, là Ninh đến, như một luồng gió mới, luồng gió thổi đạt đi sự lặng lẽ âm thầm trước đó. Ninh vào nhà, mang vào theo một thứ ánh sáng, một sự sống nào đó. Làm xao động một cái gì, và cái đó như một đổi thay.
– Anh đi đường có mệt lắm không?
Ninh cười thành tiếng, nhớ lại những đoạn đường nắng dãi chói chang, những dốc cầu khấp khểnh, chiếc xe hàng cũ và yếu, lăn từng vòng nhọc mỏi trong tiếng máy hổn hển đứt quãng:
– Xe cộ gì mà khổ quá. Nhưng tới bến thì mệt mỏi cũng hết.
Ninh chỉ tay ra phía bên ngoài cửa sổ:
– Thành phố này yên tĩnh lạ thường. Lâu lắm tôi mới thấy một buổi chiều đẹp như chiều nay. Xe chở tôi về đây qua những đường phố thật buồn. Chiều yên tĩnh, không một tiếng động. Người đi lại, khoan thai từng bước, như chẳng có gì làm cho vội vã. Chiều nào ở đây cũng đẹp, cũng yên tĩnh như thế sao?
Trang nghĩ đến những buổi chiều lặng lẽ vây quanh đời nàng đã bao nhiêu năm. Đến sự yên tĩnh đấy, thoạt đầu như một thư thái dễ chịu vô cùng, lâu dần trở thành một đè nặng ngột ngạt. Vậy mà người đàn ông trẻ tuổi đang ngồi trước mặt nàng lại ngợi ca sự yên tĩnh ấy. Trang nhìn Ninh bằng một cái nhìn tò mò. Nàng hỏi:
– Anh thích lắm sao?
– Thích gì ạ?
– Sự yên tĩnh ở đây. Như anh vừa nói.
Giọng Ninh sôi nổi, thành thật:
– Vâng. Thích. Thích lắm chứ.
Trang tủm tỉm cười:
– Chúng tôi ở đây quen với sự yên tĩnh này qua rồi. Nên cũng thích. Nhưng vừa thôi. Không thích lắm như anh.
Ninh nhìn Trang chăm chú trong lúc nàng nói. Chàng nhìn miệng nàng, hàm răng trắng bóng của nàng, khiến Trang ngượng. Thân thể nàng nóng ran đồng thời với một sự châm đốt dịu dàng ở gáy.
Trang ngừng bặt lại. Nàng có cảm tưởng bàng hoàng như ngồi nói chuyện với Ninh lần đầu, nàng vừa dùng một thứ ngôn ngữ mới lạ, nói những câu nói không hề nói tới hàng ngày.
Bên kia làn khói trà tỏa nhẹ, Ninh chợt nhớ ra một điều trong những điều cha mẹ chàng đã thuật qua cho biết về gia đình bà Quảng Hưng. Người đàn bà có nét mặt trầm buồn và dáng điệu đài các đang ngồi trước mặt chàng là nàng dâu trưởng?
– Chị Quýnh? – Ninh hơi nghiêng đầu, giọng chàng thân mật.
– Dạ. Trang đáp nhỏ, trong cổ họng.
Tên của người chồng vừa được nói tới, như nhắc cho Trang biết về một cảnh ngộ, một thân phận, một sự thật. Của một người đàn bà buồn phiền thầm kín và đã có chồng.
– Anh đâu?
Giọng Trang đáp, vẫn rất nhỏ, thật mau, cho qua, cho xong:
– Nhà tôi đi vắng. Đi xa.
Bỗng nhiều tiếng chân trẻ nhỏ chạy tới ngoài hè đường, trước cửa. Trang và Ninh cùng ngừng nói nhìn ra. Hai đứa trẻ, đầu húi ngắn, mặc quần soọc, tay cắp cặp, dắt tay nhau chạy vào. Thấy người lạ, chúng đứng lại, lúng túng ngơ ngác.
Trang nhìn Ninh, giải thích:
– Các cháu đi học về.
Vẫy hai đứa nhỏ lại gần, nàng xoa đầu chúng, dịu dàng:
– Phương và Phi chào bác Ninh đi. Bác Ninh về đây buôn bán và bà nội đã mời bác đến ở nhà ta.
Hai đứa nhỏ chắp tay cúi đầu, chào lễ phép. Đoạn chúng quay gót chạy ùa vào nhà trong. Trang đứng lên theo:
– Mời anh vào sân trong rửa mặt. Rồi lên lầu nằm nghỉ.
Nước mát rượi trong thau đồng gây cho Ninh một cảm giác sãng knoái. Trang đứng sau, vịn một tay lên thành tường. Nàng lặng lẽ và kín đáo theo dõi Ninh trong từng cử chỉ nhỏ nhặt của chàng. Thái độ này làm Trang ngạc nhiên với chính nàng. Xưa nay, hình như không có một điều gì trong căn nhà có thể làm Trang lưu ý tới. Mọi chuyện đã thành nếp, những cái nếp bất động trong một thế giới thu nhỏ đã đóng khuôn. Yên lặng dửng dưng. Bóng tối chìm chìm. Những giọt nắng đọng. Những làn gió thoáng. Từng phút trầm trầm, từng giây lặng lẽ. Bỗng chiều nay một hồi chuông rung, một khuôn mặt hiện, một tiếng nói cất lên, chàng trẻ tuổi đến như một đột nhập bất ngờ, và Trang thì cảm thấy rất rõ, lòng nàng đang xôn xao vì sự đột nhập bất ngờ ấy.
Từ dưới sân ngó lên, tầm mắt Ninh bắt gặp một hành lang rộng chạy dài chung quanh một dẫy buồng, từ ba mặt trên cao ngó xuống khoảng sân phía dưới. So với mặt tiền, căn nhà phình rộng ở phía trong và mở vào thật sâu.
Trang chỉ tay lên một cánh cửa buồng trên lầu:
– Phòng anh đó ạ! Cạnh phòng mẹ con bà Phán Địch.
Ninh ngạc nhiên:
– Bà Phán Địch? Tôi tưởng…
– Vâng. Bà Phán là bạn thân của mẹ chồng tôi. Bà ở trên lầu với cô con gái. Cô Hoa.
Rồi như đoán trước được sự ngại ngùng của Ninh, Trang lắc đầu, mỉm cười, nói tiếp:
– Anh đừng lo. Anh yêu thích một không khí yên tĩnh, anh sẽ được yên tĩnh. Mẹ con bà Phán ra cửa hàng từ sáng sớm, chiều tối mới về. Bà Phán mới đến từ đầu tháng. Chỗ bạn thân, mẹ tôi nể, không tiện từ chối.
Ninh vội đáp:
– Không sao đâu. Ở có người nọ người kia càng vui chứ sao. Bây giờ xin phép chị cho tôi được lên nằm nghỉ một lát.
Lầu trên có cả thảy bốn căn phòng. Căn đành cho Ninh là căn cuối cùng. Phòng Trang là căn đầu, ngay sát cầu thang đi lên.
Trang chỉ vào căn thứ hai, đóng kín cả cửa vào lẫn cửa sổ.
– Đây là buồng của ông giáo Điển. Người cùng làng với mẹ tôi. Ông Giáo dạy ở trường học cuối tỉnh. Ở đây đã lâu.
Ninh chăm chú nghe. Sự giới thiệu sơ lược không gợi cho chàng một cảm tưởng gì. Chàng chỉ mới nghe thấy những cái tên. Chưa nhìn thấy những khuôn mặt. Tuy vậy căn nhà nói chung đã có với chàng một liên hệ khởi đầu. Dễ chịu, thoải mái. Chàng vốn yêu thích những cái cũ kỹ, những cái lắng đọng. Ở đây thảy đều cũ kỹ, thảy đều lắng đọng.
Hai người cùng đứng lại trước căn buồng nhỏ ở cuối dẫy. Trang tra chìa khóa vào ổ. Một tiếng lách tách khô gọn. Nàng đẩy nhẹ. Cánh cửa mở ra từ từ. Trang né mình sang một bên, mỉm cười
– Mời anh vào. Hơi chật hẹp một chút. Chắc anh khó lòng ưng ý.
Ninh lặng thinh, bước vào. Đặt va-li, đến mở cửa sổ, Ninh kêu lên một tiếng nhỏ vui thích. Cửa sổ buồng chàng mở ra một khoảng rộng, không lắp vướng tầm mắt chút nào. Bến tàu hiện lên ở xa xa. Cùng với nắng chiều chiếu nghiêng, gió từ phía xa xa đó, từ phía dòng sông, từ phía bến tàu thổi tới, mát rượi. Trời xanh và cao. Mây trời tỉnh lẻ khoan thai bay. Ninh quay lại:
– Tôi rất ưng ý. Từ chỗ cửa sổ này tôi có được một cái nhìn đẹp lắm.
Chàng quan sát căn buồng. Một cái giường nhỏ. Một cái tủ gương. Một cái bàn viết kê ở một góc. Bỗng Trang từ thềm cửa đi vào, bước mau mấy bước, đến tháo một tấm hình treo trên tường xuống. Ninh chưa kịp hiểu, Trang đã giải thích:
– Hình nhà tôi. Căn buồng này trước là buồng nhà tôi dành cho bạn hữu anh ấy ở các tỉnh xa về chơi, và cũng là nơi làm việc. Từ ngày nhà tôi đi xa, căn buồng đóng lại, cho đến bây giờ có anh, nó mới được dùng đến.
Giọng Trang thoáng một chút ngậm ngùi buồn bã. Nhưng đó chỉ là một tỏ lộ ngắn ngủi. Cắp khung ảnh trong tay, Trang đi mau trở ra. Vừa đi nàng vừa nói:
– Anh nằm nghỉ. Tòi sẽ bảo cháu lên mời anh xuống xơi cơm.
Ninh nhìn theo Trang nhanh nhẹn đi ra. Một niềm vui bé nhỏ, tròn và long lanh như một hạt ngọc, làm sáng láng ở Ninh một ý nghĩ ấm áp. Ý nghĩ về một may mắn đầu tiên. Chàng vừa đột nhập vào một gia đình xa lạ. Chàng vừa gặp người đàn bà thứ nhất của cái gia đình xa lạ này. Và người đàn bà này đã gây cho Ninh một cảm giác dễ chịu. Người đàn bà thường lắm điều lắm nhời. Và phát hiện ngay ở lần gặp gỡ những cái tầm thường khó che giấu. Trang không thế. Nàng nhẹ nhõm, tế nhị. Và điều này, đối với Ninh đã là một ngạc nhiên.
Chàng mỉm cười với ý nghĩ này, và mở va-li lấy đồ dùng và quần áo ra. Khi quần áo, những đồ đùng lặt vặt và mấy cuốn tiểu thuyết đã được nhắc ra, đáy va-li để lộ ra một tấm hình đóng khung. Ninh nhẹ nhàng nhấc khung ảnh lên, ánh mắt chàng đằm lại, gờn gợn buồn. Người thiếu nữ mỉm cười trong tấm hình chỉ còn là kỷ niệm. Nàng đã thuộc về một cái gì đã qua. Đã lỡ. Đã thôi. Đã rồi. Nàng chỉ còn là một dấu vết của trí nhớ, một khuôn mặt của quá khứ. Nàng là hình ảnh một đoạn đời Ninh đã sống, đã bỏ lại, một trong nhiều nguyên nhân xui chàng giã từ thành phố lớn để đến với cái vùng trời lặng lẽ của tỉnh nhỏ này không tiếng vang.
Ninh nhìn quanh quẩn, tìm một chỗ đặt tấm hình. Chàng đặt nó lên mặt cái tủ ngăn thấp kê ở một góc phòng. Nụ cười trong tấm hình như một giễu cợt. Và tấm hình tối lại dần dần. Chiều tỉnh nhỏ đã xuống hản. Nắng đã tắt trên những lùm cây bên ngoài cửa sổ. Con đường phía dưới hoang vắng hơn. Tỉnh nhỏ trong cái nhá nhem của ngày tàn rụng chứa đựng một vẻ gì âm thầm phiền muộn.
Ninh bật đèn. Ánh đèn tỉnh nhỏ cũng khác biệt. Nó vàng vọt, yếu ớt, như lúc nào cũng có thể tắt đi. Ninh đứng trầm ngâm bên thành cửa sổ, nghĩ đến những cái chàng đã bỏ lại, ở một nơi chốn khác, bây giờ đã ở thật xa chỗ chàng đang đứng đây, nhìn đêm tối dần buông những mắt lưới đầu tiên. Một tiếng chuông nhà thờ vang lên đâu đó, gợi lên hình ảnh một nóc tháp chuông cô độc in lên nền trời. Tiếng chuông đó, buồn bã. Ninh nhớ lại. Chàng đã sống. Đã bỏ lại. Đã đổi thay một nơi chốn. Đã giã từ những thói quen. Một cuộc tình lỡ dở, tưởng sâu nặng vững bền mà tan vỡ thật dễ dàng và mau chóng. Thuần đi lấy chồng. Thuần là người thiếu nữ trong tấm hình Ninh mang theo như dấu vết cuối cùng của một phần đời đã hết. Nụ cười của Thuần lúc nào cũng thấp thoáng một nét giễu cợt. Nàng nói nàng yêu Ninh. Từng đã ngả đầu vào vai chàng mà khóc. Từng đã nói đến chuyện sống chung một kiếp, sống hết một đời. Những buổi đi chơi trong công viên. Lá biếc trên đầu. Thảm cỏ dưới chân. Những đêm trăng tự tình. Vai kề vai nhau. Tóc lẫn trong tóc. Thế mà dễ dàng và nhanh chóng, chia tay nhau thành riêng biệt những ngả đường.
Ninh bật cười một tiếng ngắn. Một tiếng cười nửa vui thú, nửa chua chát. Thì ra yêu nhau là thế. Chỉ là những lời nói. Chỉ là những danh từ. Những lời nói hoa mỹ mà giả đối. Những danh từ ghê gớm nhưng chỉ là những danh từ trống rỗng. Cũng may mà vết thương không trầm trọng. Nó chưa là một đau đớn. Nó chỉ là một ngậm ngùi. Nó sẽ được hàn gắn dần. Nó sẽ là một lãng qưên.
Một đứa nhỏ đứng thập thò ngoài cửa buồng. Ninh thân mật:
– Gì đó cháu?
– Mẹ bảo mời bác xuống xơi cơm.
– Bác xuống ngay. Vào đây đã.
Đứa nhỏ ngập ngừng, rồi bước vào. Nó đứng im, dáng điệu ngoan ngoãn, để cho Ninh vuốt tóc.
– Tên cháu là gì?
– Phương.
– À Phương. Em cháu là Phi phải không?
Đứa nhỏ gật. Ninh nghĩ đến chuyện một người chồng đi xa, chàng vừa được Trang nói qua cho biết. Chàng hỏi:
– Bố đi xa, cháu nhớ không?
– Không.
Đứa nhỏ trả lời gọn lỏn làm Ninh bật cười:
– Phải nhớ chứ, tại sao không?
– Bố đi lâu quá, Phương không nhớ nữa. Chỉ có bà nội nhớ bố. Bà nhắc đến bố luôn. Nhưng mẹ bảo bố đi xa, bố không về nữa. Mẹ bảo bố chết rồi.
Chợt, có tiếng chân chạy mau ngoài hành lang. Rồi là tiếng lách tách của một chìa khóa tra vào ổ. Tiếng một cánh cửa mở mạnh. Vệt ánh đèn từ căn buồng bên chiếu ra hành lang. Ninh nhìn thấy từ chỗ chàng đứng. Hai cái bóng đàn bà in lên dòng ánh sáng ấy. Một cái bóng gầy guộc, bé nhỏ. Cái bóng kia mập mạp, đoán thấy trẻ trung và nhanh nhẹn.
Ninh đưa mắt nhìn bé Phương, có ý hỏi. Đứa nhỏ hiểu. Nó trả lời:
– Bà Phán và cô Hoa ở cửa hàng về.
Nó nói thêm, tay trỏ ra phía cửa sổ:
– Cửa hàng bà Phán ở ngoài bến tầu.
Ngoài hành lang, tiếng bà Phán Địch, yếu ớt trong một phiền trách dịu dàng:
– Mày làm gì mà cứ chạy huỳnh huych như voi ấy.
Ninh mỉm cười vì người mẹ mắng con gái chạy huỳnh huych như voi. Hoa nghe mẹ mắng, phá lên cười ngặt nghẻo. Tiếng cười vang động, có một cái gì bất thường và quá đáng trước sự yên lặng đó.
– Đi như mẹ ấy à! Cả ngày không bước được một bước.
Tiếng người mẹ, yếu nhỏ và mệt mỏi hơn:
– Tao mệt chết người. Cả ngày ở ngoài bến, chịu hết nổi. Bọn phu phen ồn ào. Bụi. Nắng. Cân hàng không lúc nào ngơi tay. Có mày cũng như không. Suốt ngày mày chỉ vùi đầu vào mấy cuốn tiểu thuyết. Cụ Quảng Hưng ở dưới nhà đau mấy ngày nay rồi đó. Tao rồi cũng đến đau mất thôi.
Tiếng Hoa, vẫn lẫn trong tiếng cười không dứt:
– Mẹ và cụ Quảng Hưng đi chùa suốt ngày. Các cụ có cái thú của các cụ. Con cháu cũng có cái thú của con cháu chứ. Ở cái tỉnh thổ tả này, buồn thấy mồ. Không đọc truyện, con dùng thì giờ rỗi rãi của con làm gì đây. Tám chín giờ tối đã chui vào mùng. Con thích đọc tiểu thuyết. Ngày nào con cũng đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Mẹ có biết ông Lê Văn Trương là ai không?
– Ai đó? Ông ta đến hỏi mua hàng sao?
Tiếng cười của Hoa lại vang động, vui thú:
– Mua hàng nào? Lúc nào mẹ cũng chỉ hàng với họ, mua với bán. Ông ta viết tiểu thuyết. Ông Lê Văn Trương viết tiểu thuyết hay không chê được.
Câu chuyện ngộ nghĩnh giữa hai mẹ con ngoài hành lang vọng vào khiến Ninh phải mím môi lại để khỏi bật cười thành tiếng. Chàng nghĩ thầm: thiếu nữ tỉnh nhỏ này không ngờ là một độc giả trung thành của Lê Văn Trương, và có một lối ăn nói thật tự do. Chàng kéo bé Phương lại gần, lắng tai nghe tiếp. Người mẹ gắt:
– Mày đừng nói chuyện ông văn chương văn chung nào đó với tao. Tưởng hay lắm đấy hả. Con gái như mày là hư thân, mất nết. Xem như bà Trang đó. Đứng đắn. Trầm tĩnh. Bà ấy có suốt ngày vùi đầu vào mấy cuốn tiểu thuyết như mày không?
Tiếng giẫm chân giận dữ của Hoa. Và Hoa lớn tiếng:
– Lúc nào mẹ cũng đưa chị Trang ra. Chị Trang là nhất. Không ai bằng chị Trang. Chị Trang cái gì cũng hay cũng đẹp.
Giọng nói trở lên hằn học, hỗn xược:
– Nhưng hay đẹp mà làm gì. Có chồng cũng như không có chồng. Con không phải là chị Trang. Con không thích là chị Trang, mẹ biết thế không?
Bà Phán Địch dịu giọng:
– Nói khẽ chứ. Con khỉ. Hơi một tí là làm ầm lên. Bà Trang nghe thấy thì còn ra làm sao không? Thôi, rửa mặt thay quần áo đi. Xuống ăn cơm cho tao còn lên nằm một chút. Mệt chết đi thế này.
Hai mẹ con đi vào buồng. Câu chuyện ngoài hành lang chấm dứt. Ninh xoa đầu thằng Phương:
– Thôi, chúng ta đi xuống.
Qua cửa buồng bà Phán Địch, Ninh kín đáo nhìn vào. Chàng nhìn vào và quay vội đi ngay. Trong buồng, đứng trước một mặt gương, mặc dầu cửa buồng vẫn mở, Hoa rất tự nhiên thay áo dài, để lộ một khoảng lưng trần nhễ nhại. Bên cạnh, bà Phán Địch đứng lặng nhìn con gái. Bà khẽ lắc đầu. Nhẫn nhục và ngao ngán.
Dưới nhà, tiếng bát đũa lách tách vọng lên.
Hai mẹ con bà Phán Địch xuống sau Ninh chừng năm phút, và khi thấy người đàn ông lạ mặt, cùng đứng dừng lại trước cửa buồng. Bà Phán Địch dáng diệu thanh nhã, nét mặt dịu dàng, là một trái ngược hoàn toàn với con gái bà. Hoa còn trẻ lắm. Chỉ mới chừng mười bảy, mười tám. Ninh nhìn cái khổ người sớm đã đẫy đà của thiếu nữ, đã hình dung được ra người đàn bà mập hú sau này, khi thiếu nữ lấy chồng, thành mẹ, và đã có năm bảy đứa con. Trái với nước da trắng muốt của Trang, Hoa ngâm đen, hai gò má ửng hồng màu nắng. Khổ người thô và nặng.
Ninh đẩy vội ghế đứng lên. Trang đứng bên cạnh Ninh. Nàng nói nhỏ:
– Anh cứ ngồi.
Ninh mỉm cười:
– Tôi chờ chị giới thiệu.
Từ thềm cửa, Hoa đi vượt mẹ, bạo dạn tiến thẳng đến trước mặt Ninh. Thiếu nữ bước từng bước dài mạnh mẽ, xô chuyển chung quanh nàng rất nhiều không khí. Ánh mắt và bộ ngực Hoa là hai sự khiêu khích đồng thời và sỗ sàng. Một ánh mắt long lanh. Một bộ ngực dậy thì nhọn hoắt. Nó đến trước, tới trước thân thể. Ninh nhìn thấy Trang hơi cau mặt lại. Bà Phán Địch rụt rè bước sau con gái. Ninh nghĩ thầm: sai rồi, không phải là mẹ nào con ấy. Mà là mẹ thế này và con thế kia.
Trang giới thiệu ba người với nhau. Ninh nghiêng đầu, lễ độ nói với bà Phán Địch:
– Tôi ở bên cạnh. Mong không có gì làm phiền cụ và cô.
Trong khi bà Phán Địch đáp lại Ninh bằng mấy câu thăm hỏi xã giao thường lệ, Hoa vẫn ở nguyên trong một thái độ khiêu khích lộ liễu. Cô gái nhìn Ninh chòng chọc, không chớp. Ninh thản nhiên chịu đựng cái nhìn ấy. Chàng chợt nghĩ đến mẩu chuyện giữa hai mẹ con ngoài hành lang trên lầu. Chàng hỏi Hoa bằng một giọng trêu cợt:
– Cô thích đọc tiểu thuyết Lê Văn Trương?
Hoa chẳng những đã không bối rối chút nào, còn gật đầu liền và hỏi lại liền:
– Thích. Còn ông?
Bà Phán Địch nhíu mày, mắng con gái:
– Hoa!
Mọi người ngồi xuống ghế. Hoa chọn ngay cái ghế sát cạnh, bên tay mặt Ninh, thản nhiên ngồi xuống. Trang ngồi ở bên kia bàn, đối điện với người vừa tới từ xa. Nàng ngồi giữa hai con. Mới ở trong bếp ra hai gò má Trang phớt hồng màu lửa. Mái tóc nàng bây giờ đã búi lại, kéo về sau gáy, làm nổi bật khuôn mặt đều đặn tươi sáng dưới ánh đèn. Thiếu phụ để nguyên khuôn mặt trần không son phấn. Nàng đẹp, chững chạc và đài các trong vẻ đơn giản mát mẻ khiến Ninh nghĩ đến một làn gió chiều thổi nhẹ, một dòng sông hiền hòa chứa đựng một vẻ gì rất đáng yêu giữa nàng và cái thế giới tỉnh nhỏ bình yên nàng sống. Trong ý nghĩ này, Hoa trở thành một hiện tượng lạc lõng khó chịu. Cô gái xức nước hoa thơm lừng. Bôi son đỏ chói. Đánh phấn trắng toát.
Mọi người vừa ngồi thì một tiếng ho khan nổi lên và ông giáo Điển vừa ho vừa che miệng vừa bước vào. Đầu hói, để lộ một vừng trán nhẵn bóng, bụng phệ, dáng đi mềm nhẽo, hai tay buông thõng. Người nhà giáo đi thẳng lại bắt tay Ninh, không chờ giới thiệu, như đã biết trước về sự có mặt của chàng, và sự có mặt này hình như không gây được ở ông ta một chút ngạc nhiên nào hết. Cái bắt tay thờ ơ và chiếu lệ. Xong, ông giáo Điển lại thẳng cái ghế ở đầu bàn, ngồi xuống.
Bữa ăn đầu tiên có Ninh, thiếu tự nhiên, đứt quãng trong những trao đổi nhát gừng về thời tiết, mưa nắng. Mọi người cùng cố gắng ở yên trong một thái độ khoan thai và bình tĩnh. Nhưng Ninh biết là mọi người đều đang vừa ăn vừa đổ dồn tất cả sự chú ý vào chàng. Nhất là Hoa. Không nhìn sang, nhưng Ninh biết chàng là đối tượng cho một quan sát tò mò ở người thiếu nữ này. Đến nửa bữa ăn, Hoa bắt đầu tấn công:
– Tỉnh này buồn chết được. Ông đã thấy như thế chưa?
– Tôi không thấy như thế. Có lẽ tại tôi mới đến.
– Phải đó. Ông ở lâu, ông sẽ thấy như chúng tôi. Sẽ thấy cái tỉnh này buồn chết đi được.
Ninh đưa mắt nhìn sang Trang. Chàng bắt gặp cái nhìn của Trang, nhưng không đoán được ý nghĩa cái nhìn đó. Chàng thận trọng phát biểu ý kiến:
– Tôi tưởng buồn vui là tự mình. Cái chung quanh bao giờ cũng ảnh hưởng đến tâm trạng mình. Cố nhiên như thế. Nhưng chỉ một phần rất nhỏ. Người nào có một đời sống mãnh liệt và toàn vẹn, người ấy tạo lấy những vui buồn cho riêng mình. Cái chung quanh vui hay buồn không ăn thua gì hết.
Hoa mím môi ngồi yên. Thiếu nữ như đang tìm kiếm một câu để trả lời. Rằng nàng không đồng ý. Ninh không để cho Hoa nói. Chàng cười thành tiếng:
– Vả lại tôi về đây cũng không phải để vui hay để buồn. Mà để làm việc. Một công việc rất tầm thường và rất thực tế.
Câu trả lời chừng như làm Hoa hậm hực. Nhưng hình như lại làm Trang bằng lòng. Nàng hơi tủm tỉm cười. Suốt bữa ăn, nàng chỉ nghe mọi người nói chuyện mà không phát biểu một ý kiến nào hết. Suốt từ hồi chiều đến lúc này, nàng cảm thấy và sống với một niềm xôn xao diu nhẹ trong lòng, nàng giấu kín nó như một nỗi vui kín thầm không tỏ lộ.
Một người lạ mặt đã tới đây. Đem theo sự xáo động. Đem theo ánh sáng và đem theo tiếng nói. Với sự có mặt của người đàn ông này, tất cả, trước đó lặng chìm chợt như đấy động hẳn lên. Trang cảm thấy sự đổi thay lạ lùng này. Những vùng bóng tối vụt tan biến. Những đồ đạc thiêm thiếp thức giấc. Bữa ăn này nữa. Bữa ăn này cũng khác lạ với bữa ăn buổi sáng, cũng không giống như bữa ăn chiều hôm qua.
Nàng lắng nghe, thêm nữa, niềm vui trong lòng nàng, nở thành một đài hoa thơm ngát.
Mọi người lục tục đứng lên. Hoa có ý còn muốn ngồi lại. Nhưng rồi cô gái phải theo mẹ lên lầu. Những đứa nhỏ chạy vào buồng trong. Chỉ còn lại Trang và Ninh.
Ninh châm một điếu thuốc, thở khói lên trần nhà. Chàng nghe ngóng sự im lặng dàn rộng. Và nói về sự im lặng đó:
– Đêm tỉnh nhỏ thật yên tĩnh.
Bên kia bàn, Trang đáp:
– Yên tĩnh như một lãng quên.
Nàng muốn nói thêm: “Đêm tỉnh nhỏ dài lâu không cùng “. Nhưng ý nghĩ như là một tỏ lộ quá thân mật khiến Trang ngại ngùng không dám nói. Mà tưởng chừng như nàng cũng không cần phải nói. Lời nói lúc này chỉ là một kinh động. Lúc này lời nói là một âm thanh lạ tai. Im lặng tràn đầy đang nói chuyện với người bằng cái tiếng nói thầm lặng không lời của im lặng. Một cơn gió nhẹ thoảng qua ngoài khoảng sân tối là một dấu chân bước hờ của đêm đang dịu dàng về. Khói từ điếu thuốc trên tay Ninh bay thành một vệt nhỏ, chập chờn và xanh biếc. Tỉnh nhỏ đâu đó, trên những mái nhà, ngoài những con đường, ngó xuống bẳng cái nhìn thăm thẳm. Ninh gạt tàn thuốc. Chàng cần phải nói chuyện để phá tan sự im lặng đã nhen lên một cái gì ngượng ngùng, thiếu tự nhiên:
– Chị có hay đi đâu xa?
– Xa là thế nào ạ!
– Ra khỏi thành phố này. Đến một thành phố khác. Du lịch. Thăm viếng một người bà con.
Tiếng Trang, ngậm ngùi:
– Tôi không bao giờ có cơ hội đó.
– Chị không thích du lịch?
– Tôi nghĩ là tôi thích chứ. Thích lắm. Thay đổi một bầu không khí quá quen thuộc đến trở thành nhàm chán, tầm mắt được nhìn thấy những điều mới lạ. Đó là một kỳ thú. Nhưng tôi không được sống như thế. Người đàn bà không đi du lịch một mình bao giờ, phải thế không anh?
– Không được nếu không muốn. – Ninh chữa lại câu nói của Trang.
Trang chữa lại câu Ninh vừa nói:
– Có muốn cũng không được.
Chợt Ninh nhớ đến một người chồng ở xa. Chàng hỏi:
– Chị không đi thăm anh bao giờ sao?
Trang lắc đầu, đáp rất nhanh:
– Không ạ!
Không hiểu tại sao nàng lại nói thêm, lại thấy cần phải nói thêm:
– Không bao giờ.
Cùng với câu nói, hình ảnh một người chồng hiện lên trong đầu óc nàng như một hình ảnh xa xôi và hoàn toàn xa lạ. Nó chỉ còn là một kỷ niệm. Nàng cũmg ít khi nghĩ tới, nhớ tới. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua từ đó. Thời gian làm loãng nhạt trí nhớ, đánh nhòe mọi kỷ niệm. Bây giờ chỉ còn một bâng khuâng mơ hồ. Rồi bắt đầu cho đời nàng những đêm dài cô đơn, rồi khởi sự cho đời nàng một nếp sống hắt hủi. Trang nhớ nàng đã đau đớn, đã tan nát, đã khóc lóc, đã tuyệt vọng. Đã tưởng chết. Lệ ướt đẫm gối. Hồn là sa mạc. Nàng rối loạn, nàng quằn quại, nàng vật vã, niềm đau tột đỉnh tàn phá nàng như một trận bão rừng hung dữ thổi qua, và nàng nghĩ rằng nàng sẽ ngã xuống trong cô đơn, hãi hùng hành hạ nàng như một cực hình. Nhưng cuộc đời mạnh hơn. Người ta phải sống. Bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ điều kiện nào người ta phải sống. Và nàng đã nương theo năm tháng mà đi, cùng với niềm đau âm thầm lắng dịu dần, lặn chìm vào thổn thức. Khoảng sân sau kín khuất của căn nhà đóng kín trở thành cái thế giới nương náu nhỏ bé của đời nàng. Đời nàng thôi đã lỡ những nắng hồng và những mưa lụa của mùa xuân. Cái bể non bộ. Những con cá vàng. Những bờ tường phủ rêu. Những góc nhà bóng tối. Nàng sống như thế, làm một chiếc bóng âm thầm, và nghe thấy trong hồn nàng tàn dần những hy vọng, tắt dần những xôn xao, xa dần những chờ mong. Người chồng bỏ đi không bao giờ trở về đến nay không hơn gì một người lạ mặt. Y còn sống ư? Thế nào? Tôi không biết. Y ở dâu? Tôi hay biết để làm gì. Y còn sống. Nhưng với tôi quá khứ là một khoảng trống không, và tôi sống lạnh lùng có khác nào như tôi đã chết.
Bên kia bàn, tiếng Ninh cất lên, cắt đứt ở Trang một ôn lại buồn rầu:
– Anh ở xa?
– Vâng. Xa lắm. Xa lắm.
Xa lắm. Xa như một đời một kiếp xa nhau. Xa như một tương lai nào mịt mùng không thấy. Xa như một dĩ vãng nào không tìm được đường về. Chừng như sợ hãi, Trang thay đổi câu chuyện:
– Chắc anh đi luôn.
– Vâng.
Đi là một hiện tượng sống tất nhiên phải có ở những người trẻ tuổi. Đi như một tìm đời. Đi như một thấy mình. Khi nào thấy chán ngấy những chân trời, dửng dưng với những dặm đường thì người ta dừng lại. Khi đó tuổi trẻ đã hết. Người đàn ông lập gia đình và đoạn tuyệt với nếp sống cũ.
Chuông đồng hồ thong thả buông xuống vùng yên lặng ngưng đọng chín tiếng ngân nga. Ninh lắng nghe từng tiếng chuông ngân, hình dung thấy một dấu chân của thời gian nhẹ nhàng bước. Thời gian ở đây cũng khác. Nó khoan thai, lững lờ. Nó ung dung nhàn hạ. Nó không xô đẩy người. Người không chạy theo nó, chóng mặt, choáng váng, đứt hơi như thời gian dồn đập nơi thành phố lớn Ninh vừa rời bỏ. Người đàn bà ngồi bên kia bàn cũng vậy. Nàng cũng là một hình ảnh của thời gian hồ thu. Thời gian ở đây như chứa đựng trong một lòng giếng khơi thăm thẳm mát, với một thoáng mây trời lãng đãng trôi qua; với những giọt nước từ thành đá thánh thót nhỏ xuống, từng giọt, theo một nhịp đều đặn không ngừng.
– Còn sớm quá. Tôi tưởng đã khuya lắm.
Trang đứng lên. Cái bóng Trang in lên thành tường, thành một đường nét thanh thoát đẹp.
– Mời anh lên nghỉ.
Ninh gần như kêu lên:
– Ở đây, giờ này tất cả mọi người đã vào màn hết?
Nụ cười trên môi, Trang thoáng một chút vui thú tinh quái:
– Anh chưa buồn ngủ?
– Ngủ sao được? Lúc này là lúc tôi tỉnh táo nhất.
Tự nhiên Trang thấy nàng bị thúc đẩy bởi một tò mò mãnh liệt. Nàng nói:
– Thường thường anh thức khuya lắm?
– Tôi yêu đêm. Một vòm trời sao, tôi yêu hơn một vòm trời ban ngày chói nắng. Đêm có một vẻ gì hư ảo. Cái gì trong đêm cũng trở thành sâu xa và ý nghĩa hơn. Bóng tối có một thứ linh hồn nào đó của bóng tối. Chị không thấy như thế?
Trang muốn nói: tôi không thấy như thế, tôi không thấy được như anh. Đêm không đẹp cho tôi cô đơn. Đêm không vui vì tôi âm thầm, đêm với tôi chỉ là một thế giới của những phút giây lê thê thao thức không cùng. Đêm là của những tiếng thở dài, não nuột, của những hình bóng vô hình ám ảnh, tròng mắt tôi mở lớn cùng bóng tối giăng lưới tâm hồn tôi buốt lạnh như một tảng băng. Đêm là giờ tôi lặng lẽ khóc thầm. Đêm là lúc tôi xót xa đau đớn. Đêm là lúc tôi lúc tôi nương theo cái âm thanh lạnh lùng của những chiếc lá rụng xuống ngoài khoảng sân khuya; và nghĩ đến tôi, đến đời tôi trôi qua, trôi từ một sáng sớm của đời tôi đã lỡ, trôi đến một cuối chiều của đời tôi sắp tàn. Nhưng Trang nghĩ mà không bao giờ nói được. Có những điều nàng không bao giờ tỏ lộ được với ai. Nàng là một nấm mồ. Đêm tỉnh lẻ là một nấm mồ khác. Đêm tỉnh lẻ là một vùi chôn cuộc đời nàng thôi những xuân hồng đã trôi qua.
Trang lắc lắc đầu. Ninh nhìn theo những sợi tóc mềm mại rủ xuống gò má người đàn bà.
– Đêm ở đây không đẹp như anh tưởng. Thành phố thiếu ánh sáng. Đêm tối tăm. Đêm buồn bã.
– Tôi không tin như thế. Buồn vui tùy theo ở lòng người.
Ninh nói và đứng lên theo:
– Tôi muốn ra phố một lát. Có phiền gì không chị?
– Không sao hết. Mời anh cứ đi chơi.
Trang cười:
– Nhưng tôi nói trước cho anh biết: Không có gì đâu. Lúc nào về, anh cứ bấm chuông.
Cánh cửa khép lại sau lưng Ninh. Bên kia cánh cửa, chàng nghe thấy bước chân Trang đi trở vào. Châm một điếu thuốc hút, Ninh đút hai tay vào túi quần men theo bờ tường, rẽ về con đường phía tay phải. Từ con đường này, nhìn lên, nhìn thấy được khung ánh sáng vuông nhỏ trên cao là cửa buồng chàng. Cửa buồng bên cạnh, một cái bóng thiếu nữ in hình. Đó là Hoa. Hoa đứng trên cửa sổ, tự lúc nào, tưởng như thiếu nữ đứng đó từ rất lâu, chờ rình sự xuất hiện của Ninh trên hè đường phía dưới. Ninh thản nhiên bước rảo qua. Chàng nhẹ hẳn người khi đã ra khỏi tầm mắt mà chàng biết đang chăm chú dõi theo của thiếu nữ. Ninh lắc đầu mỉm cười. Chàng nghĩ đến những cuốn tiểu thuyết của Lê Văn Trương với cái thế giới hoang đường không có thật, trong đó là thần trí Hoa mơ mộng chìm đắm.
Đi được một quãng, Ninh nhận thức lại được sự im lặng lớn, đầy và khác thường vây bọc lấy chàng qua bước chân chàng, tuy đặt nhẹ mà như vang vang trên lòng phố. Tỉnh nhỏ đã thật sớm tắt mọi hình thái đời sống. Những mặt tiền im lìm. Thoảng hắt ra đâu đó, một vài vệt ánh sáng mờ đục. Điện đường vàng vọt và bóng tối ở đây làm chủ. Lác đác một vài bóng người đi lại, đầu cúi xuống, khép kín trong nín thinh.
Từ những lòng phố hẹp chật, theo một dòng ánh sáng rõ hơn, Ninh đi dần vào phố chính. Con đường thẳng tắp. Những chùm đèn lớn treo ở chính giữa chạy suốt từ ngoài bến tàu vào tới chân con đê phía bắc. Nó gần như cắt đôi thành phố thành hai khu vực đồng đều nhau về diện tích. Kiến trúc đường xá ở một tỉnh nhỏ bao giờ cũng vậy. Con đường này là con đường mạch máu, con đường xương sống. Nó giống như những con đường mạch máu, những con đường xương sống ở những tỉnh nhỏ khác Ninh đã có dịp đi qua. Sinh hoạt ban đêm thu lại trên hai vỉa hè của con đường lớn này trong khi những con đường nhỏ hai bên đã mất đi những tiếng động, lắng chìm trong bóng tối.
Vỉa hè của con đường lớn thật rộng. Những cửa hàng còn sáng đèn. Tiệm tạp hóa. Tiệm ăn của người Trung Hoa với những tờ giấy đỏ treo la liệt trên những bờ tường. Chủ quán bụng phệ, khăn bông vắt vai, đứng sau quầy. Hầu sáng đi lại, lớn tiếng. Bàn thờ thần tài với ngọn đèn đỏ như màu máu ở một góc nhà. Những người đàn bà Trưng Hoa, mặc áo ngắn màu tối, ngồi trên những cái ghế đẩu kê sát tường, ném ra ngoài những cái nhìn thờ ơ. Lác đác mấy tiệm bánh, mấy hiệu sách. Những cuốn sách bụi bậm nằm buồn phiền trong nhữug ô kính bụi bậm như những đồ vật vô ích bị hất hủi, bị lãng quên. Ninh bước vào một hiệu sách. Tất cả đều cũ, vàng ố, lăn lóc. Ninh cầm lên một cuốn tiểu thuyết. Cuốn Trường Đời của Lê Văn Trương. Chàng mỉm cười lật một vài trang không xem, chợt nghĩ đến Hoa, đến cái nhìn dõi theo của thiếu nữ lúc chàng vừa ra khỏi cửa.
Bỗng có tiếng âm nhạc trầm bổng từ đâu đó vọng lại. Ninh lắng tai nghe, ngạc nhiên. Âm nhạc này là thứ âm nhạc rõ nhịp, thứ âm nhạc đặc biệt rót xuống từ một giàn nhạc vũ trường. Vô lý, Ninh nghĩ thầm. Tỉnh nhỏ này làm sao có được một tiệm nhảy. Tiếng nhạc vẫn bổng trầm không dứt. Ninh lắng nghe một chút nữa. Chàng hỏi người bán sách:
– Ở đây có phòng trà?
– Không. Một tiệm nhảy.
Thì ra âm nhạc của một tiệm nhảy thật sự. Ninh bật cười một tiếng ngạc nhiên và vui thú:
– Ở đây cũng có người mở vũ trường?
– Mới từ năm ngoái thôi.
– Đông khách không ông?
Người bán sách, vẫn cúi xuống với quầy hàng:
– Tôi có đến đó bao giờ đâu mà biết. Nhưng chưa đóng cửa chắc là phát tài.
Y lẩm bẩm giọng gắt gỏng:
– Nhạc gì mà nhạc hoài từ chập tối đến giờ.
Đặt cuốn tiểu thuyết của Lê Văn Trương vào chỗ cũ Ninh bước ra. Chàng đi theo hướng vọng lại tiếng nhạc, trong đầu đã thấy nổi lên hình ảnh trơn nhẫy của một sàn nhảy với những màu đèn xanh đỏ đổi thay, với những tà áo màu và những khuôn mặt vũ nữ đầy son phấn.
Đến trước một cánh cổng sắt mở rộng, mở vào một lối đi hai bên trồng hoa, Ninh đứnglại, tần ngần. Tiếng nhạc phát ra từ cuối lối đường nhỏ trồng hoa, ở một khúc phình rộng khuất lấp nào đó tận tít bên trong mà Ninh không nhìn thấy. Nhưng đúng trong đó là một vũ trường rồi. Ninh không nhầm được. Chàng đã nhìn thấy những vệt đèn màu đặc biệt của vũ trường hắt lên những chùm lá.
Một đứa nhỏ tựa lưng vào thành cổng, ngủ gật. Ninh cúi xuống vỗ vai nó. Thằng nhỏ giật mình chồm dậy. Tròng mắt đục lờ, ngơ ngác. Ninh mỉm cười thân mật, chỉ tay vào phía bên trong:
– Gì trong đó thế em?
– Nhảy đầm.
Thằng nhỏ đáp cộc lốc. Nó nhìn Ninh từ đầu đến chân, và nhìn rất nghi ngờ, rất khó chịu. Đối với nó, Ninh cũng là một khuôn mặt hoàn toàn xa lạ, một khuôn mặt tối nay nó mới nhìn thấy lần đầu.
– Vào được không em? Ninh hỏi đùa.
Đứa nhỏ cau mặt:
– Muốn nhảy đầm thì vào.
Bỏ thẳng nhỏ cau có và cánh cổng sắt mở rộng lại sau lưng, Ninh bước vào lối đi trồng hoa hai bên. Chàng chưa từng thấy một lối vào vũ trường nào lại như thế. Không có những vệt đèn màu hắt lên vòm lá, không có tiếng âm nhạc vọng ra, lối đi chỉ có thể dẫn tới một biệt thự trang nghiêm và kín khuất, của một ông tuần phủ hồi hưu nào đó.
Con đường từ đầu lối vào tối mờ mờ, sáng dần cùng với tiếng nhạc rõ hơn, Ninh phân biệt được tiếng dương cầm và tiếng tây ban cầm, và thoang thoáng những tiếng cười nói. Một mùi thơm phảng phất trong không khí. Không đoán được là mùi thơm của một loài hoa đêm hay là mùi thơm của hương phấn đàn bà. Điều này không làm Ninh bận tâm lắm. Quan trọng là ở đây có một vũ trường cho những buổi tối tỉnh lẻ của chàng đỡ trống rỗng.
Với một niềm vui bé nhỏ trong lòng, Ninh rảo bước mau hơn trên lối đi trồng hoa, tới chỗ có đèn màu và âm nhạc.
Đã tới khúc phình rộng. Ninh đứng sững, tròn mắt. Chàng vừa từ một bất ngờ này rơi thẳng vào một bất ngờ khác. Đã có mặt ở rất nhiều tiệm nhảy, nhưng Ninh chưa từng thấy một tiệm nhảy nào giống với cái tiệm nhảy tỉnh nhỏ uày. Nó không có mái, không có nhà. Nó là một căn vườn được sửa sang lại. Nó là một vũ trường lộ thiên.
Sàn nhảy lát xi-măng, hình bầu dục, được bao bọc bởi một lối đi chạy vòng trải cuội trắng. Những giàn đèn mắc lửng lơ trong không khí, lẫn lẫn với những vì sao trời lấp lánh trên cao. Ở chính giữa, và cũng treo lửng lơ trong không khí, một khung nê-ông đỏ chói. Giữa cái khung đỏ chói này là một chữ Paradis màu xanh.
Paradis! Ninh lẩm bẩm. Một thiên đường lạ lùng. Chàng mỉm cười nghĩ thầm và lững thững đặt chân vào con đường trải cuội trắng.
Dưới gót giày Ninh, cuội lạo xạo kêu lên. Khu vườn chung quanh tối hơn sàn nhảy. Những bóng cây um tùm. Vũ trường được ngăn cách với chung quanh bằng một vì tường rất thấp, chỉ ngang tầm người, có thể nhún mình dễ dàng nhảy qua. Ninh nhìn thấy phía bên kia bức tường thấp, hành lang và cửa sổ trên lầu của những căn nhà còn sáng đèn. Nhiều bóng người lố nhố ở những cửa sổ và hành lang ấy. Họ cùng hướng tầm mắt xuống sàn nhảy lộ thiên, tò mò dõi theo một cảnh tượng lạ mắt.
Phải nhìn quanh một vòng, Ninh mới quy định được chỗ phát ra tiếng nhạc. Đó là một cái máy hát kiểu cổ, đặt trên một chiếc ghế đẩu, kê dưới một gốc cây. Bên cạnh cái máy hát, một thằng nhỏ ngồi chồm chỗm. Đĩa quay hết vòng, thằng nhỏ nhấc kim lên, thay một cái đĩa mới. Nó làm công việc này, rất yên lặng và thản nhiên. Nó không đưa mắt nhìn ai. Cũng không có ai tỏ vẻ lưu tâm đến sự có mặt của thường nhỏ.
Đám vũ nữ, chừng năm bảy người, ngồi lùi khuất sau cái thân sù sì to lớn của một thân cây khác. Ngoài sàn nhảy, chỉ có một cặp ôm nhau nhún nhảy lui tới theo một điệu tango Ninh đã nghe thấy chúng bạn huýt sáo từ hồi chàng còn đi học.
Ninh bước vào và mọi người đều chăm chú nhìn chàng. Những tiếng cười nói rì rầm im bặt. Cả đến cặp đang ôm nhau trên sàn nhảy cũng đứng lại. Người đàn ông đầu hói, thân hình mập ú, đứng ngay người, hất hàm với cô vũ nữ gầy nhom, như có ý hỏi xem có biết người lạ mặt mới xuất hiện là ai không. Cô vũ nữ gầy nhún vai lắc đầu. Mọi hoạt động ngưng lại trước người lạ mặt vừa tới.
Ninh đứng lại trên giữa lối đi trải đá cuội, khoan thai chờ người chủ nhà từ chỗ mấy cô vũ nữ ngồi sau góc cây, hớt hãi chạy lại. Người chủ tiệm cũng lại là một ngạc nhiên mới cho Ninh. Đó là một thiếu phụ, đã đứng tuổi, trông không lẳng lơ diêm đúa chút nào, trái lại rất khép nép hòa nhã.
– Thưa ông kiếm ai?
– Đây là một vũ trường?
Người đàn bà vấn khăn nhung, ném cho Ninh một cái nhìn thăm dò đầy ngờ vực. Giọng nói của người đàn bà thận trọng:
– Dạ phải.
– Tôi uống nước và nghe nhạc một chút được không?
– Dạ được chứ ạ! Dạ được chứ ạ! Mời ông lại đằng này.
Người đàn bà đáp hấp tấp, và dẫn Ninh đến trước một cái bàn thấp, cũng sau một gốc cây.
Ninh ngồi xuống. Chàng chỉ một cái ghế đối diện mời người đàn bà ngồi. Cách chàng chừng ba thước đám vữ nữ chạm đầu vào nhau thì thào bàn tán. Thoáng thấy một miệng cười khúc khích mà một lòng bàn tay nào đó đã bịt lại mau chóng.
Ninh nghiêng đầu, tủm tỉm cười, hỏi người đàn bà:
– Bà là bà chủ?
– Dạ….
– Sao bà lại hỏi tôi đến đây kiếm ai. Vũ trường mở ra để cho đàn ông chúng tôi tới. Tôi tới xem chừng làm mọi người đều hết sức ngạc nhiên. Tại sao lại như thế?
Người đàn bà nở một nụ cười thay cho một lời xin lỗi và cắt nghĩa:
– Thưa, chả là các ông đến chơi đây, chúng tôi đều biết mặt hết. Ông..thì thú thật, chúng tôi chưa từng được hân hạnh tiếp đón bao giờ. Chúng tôi hỏi khí không phải, ông ở xa tới?
Ninh gật đầu:
– Tôi vừa tới đây hôm nay. Tôi về đây buôn bán. Tôi ở nhà cụ Quảng Hưng.
– Cụ Quảng Hưng thì chúng tôi biết lắm ạ. Ban đầu lạ lùng, bây giờ quen biết rồi. Mời ông ngồi chơi, muốn gì xin cứ cho biết.
Ninh nhìn theo người đàn bà lễ phép đứng lên, nghĩ đến cái không khí đặc biệt của tỉnh nhỏ, đặc biệt luôn ở cảnh trí và những khuôn mặt chàng vừa gặp gỡ lần đầu ở cái vũ trường lộ thiên này.
Nhạc nổi lên, tắt, rồi nổi lên. Âm thanh đục vỡ, rời rạc. Nổi rõ cả tiếng kim rè rè quét lê trên mặt đĩa mòn. Bầu không khí thờ ơ, tẻ nhạt. Tiếng nhạc lạc lõng, chìm lặng. Người bồi lặng lẽ đưa lại một ly rượu. Ninh nhấp một chút. Rượu dáng chừng để đã lâu, không ai uống, men đã bay, vị rượu nhạt phèo, Ninh đặt ly xuống, duỗi thẳng hai chân dưới gầm bàn, thở ra một hơi dài khoan khoái. Nửa thân trên ngả hẳn vào thành ghế, Ninh cảm thấy thân thể nhẹ nhõm, thần trí dễ chịu. Gió đêm mơn man tuôn đầy trên da thịt khơi khơi. Thành phố nhỏ được cái ít bụi bậm. Đêm, những thước không khí chung quanh trong vắt.
Từ lúc Ninh đến, không có ai bước ra sàn nhảy nữa. Mọi người làm ra bộ thản nhiên như không, nhưng Ninh thừa biết, trong những bóng tối kia, sau những thân cây kia, dưới những mái đầu chụm lại kia, vẫn có những cái miệng đang thì thầm bàn tán về chàng, về sự lạ mặt của vũ trường này, của tỉnh nhỏ này. Càng về khuya, cảnh trí càng đìu hiu. Sàn nhảy chỉ còn là một cái khung bầu dục trơ trẽn, vắng tanh, vắng ngắt. Bên kia vì tường thấp bao bọc vũ trường, những bóng người lố nhố đã đi mất sau những cánh cửa đã đóng lại. Vũ trường lộ thiên le lói những ánh đèn tưởng như bắt đầu run rẩy lạnh. Những khoảng ánh sáng phai dần. Những vùng bóng tối đọng lại, đầy hơn. Tiếng nhạc đĩa vẫn lăn chậm từng vòng nhọc mệt.
Ninh gọi bồi trả tiền, đứng lên. Bà chủ chạy lại xem chừng băn khoăn về sự không vừa ý của người khách lạ. Ninh mỉm cười nói cho bà ta vui lòng. Chàng chỉ tay vào cái cảnh tượng trước mắt:
– Thoáng mát và đẹp lắm. Lần sau tôi trở lại.
Đám vũ nữ tiều tụy nhổm người ngó theo. Ninh lững thững đi ra. Vũ trường lưu trong Ninh một cảm giác nhẹ nhàng không xúc động. Như những con đường, những bóng cây, những đồi cỏ hoang của thành phố này lắng sâu vào đêm như một lòng giếng. Ở đây, không có gì làm cho người xúc động. Tất cả đều như đã có từ lâu, không ngạc nhiên. Một toàn thể khoan thai, dửng đưng và mờ nhạt. Đút hai tay vào túi quần, Ninh bước từng bước nhẹ, ung dung, trên hè đường của con đường phố lớn. Chàng nghĩ đến nhiều điều.
Đến nét đẹp thấp thoáng của những chùm lá trên đầu. Đến sự trống trải như một con mắt trừng mở lớn của con đường thẳng tắp một vệt dưới những ánh đèn đứng im cùng đêm thiêm thiếp về khuya. Đến sự chàng vừa có mặt ở tỉnh nhỏ này. Cô Hoa, Trang. Làn da trắng mịn, mang hình ảnh lưu đày và dấu vết khuất lánh của người đàn bà đã lỡ một thanh xuân, nhưng còn đằm thắm dung nhan. Đến sự đổi thay một chỗ ở, một thành phố. Cốt nhất là ở lòng mình. Cốt yếu không phải là một đổi thay địa chỉ, một căn nhà. Có đúng như thế? Một vài mảnh vụn của một dĩ vãng đầy náo động lại hiện về trong tâm tưởng. Một vài cuộc tình. Một vài cuộc tình dở dang, nửa vời, nghĩ lại vui không ra vui, buồn không ra buồn, bâng khuâng khó nói. Một vài khuôn mặt đàn bà đã đi qua đời bằng khoé mắt, nụ cười, những đam mê và những giận dỗi. Thảy đều đi qua. Thời gian cướp hết. Thảy đều lặng chìm. Sau trí nhớ sâu thẳm và quên lãng mênh mông.
Ninh cúi đầu xuống. Bước chân chàng, nghe dội lên, lạ tai trong cái vang động đều nhịp giữa nín thinh đêm. Gần tới nhà cũng là gần thêm với bờ sông và với bến tầu. Gió mát hơn. Không khí thoáng hơn. Ninh lắc đầu, như muốn dồn đuổi bằng hết mọi ý nghĩ phiền hà ra khỏi đầu óc. Phút này, trên hè đường đêm tịch mịch, lòng hướng vào lòng, mình nghĩ về mình, Ninh cũng muốn chàng giống với tỉnh nhỏ lạ lùng mới tới. Rưng rưng. Bình yên và khép kín. Sống như một vây bọc lại. Sống như một thu nhỏ về. Sống như một cánh cổng thâm nghiêm, như sau một cánh cửa đóng kín. Không náo nức đợi chờ. Không động và không tiếng.
Con phố chạy dài sau lưng Ninh. Đèn tỉnh nhỏ ngó theo chàng, bất động.
chương một
Tiến >>
Đánh máy: Lê Thy
Nguồn: Nhà Xuất bản: NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG 1971
baovecovang2012.wordpress.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 3 năm 2022