Những Con Đường Rẽ

lê văn trương

Phần I - 1 -

Tỉnh Thái-bình hôm đó tươi như một cô gái dậy thì. Ánh nắng mùa xuân gội trên các mái nhà, đem đến cho không khí một đầm ấm. Chim sẻ ríu rít trên các ống máng. Rặng cây bên đường chớm nẩy những lộc xanh mơn mởn.

Hợi đặt quyển tiểu thuyết, nhòm ra ngoài đường, nhìn lên những rặng cây. Nàng mỉm cười với nắng xuân, nàng mỉm cười với những nõn cây canh mơn mởn. Nàng cảm thấy đời mình vui tươi, đang vui tươi, sẽ …vui tươi, vui tươi mãi mãi.

Nàng mở ngăn kéo, lấy ra một cái hộp; nàng mở cái hộp, lấy ra một cái ảnh. Nàng nhìn ngắm cái ảnh một cách say sưa, nàng đặt lên đấy một cái hôn dài, rồi đang đem ấp cái ảnh vào ngực, miệng lẩm bẩm:

– Anh của em, anh y…êu của em!

Nhà ngoài có tiếng chân người. Nàng vội vàng cất cái ảnh vào hộp, vội vàng cất cái hộp vào ngăn kéo.

Mẹ nàng đẩy cửa bước vào:

– Con cứ đọc truyện không đi chơi đâu ư? Hôm nay hửng nắng đẹp trời quá.

Lòng đang tràn ngập hạnh phúc, nàng thấy cần phải nũng nịu với mẹ:

– Không, con chả đi đâu cả. Con đang xem quyển truyện này hay lắm.

Mẹ nàng mắng yêu nàng:

– Cô bảo hay mà cô chỉ xem một mình, cô chả đọc cho tôi nghe bao giờ cả.

– Tại mợ chứ. Con cứ đọc mấy trang là mợ ngủ. Con còn đọc cho ai nghe? Nào mợ có nghe bây giờ, con đọc cho mợ nghe nào.

– Thôi thôi, giã ơn cô. Hôm nay, tôi còn phải đi lễ. Bà Cả vừa cho người lại mời kia. Cô nhớ chiều nay đi thu họ cho tôi nhé.

– Con đã viết sẵn biên lai cả đây. Chiều nay con đi. Nhưng mợ phải trả công con chục bạc để con may một cái áo mùa xuân đấy nhé.

– Úi chà, bao nhiêu là áo, còn may cái gì?

– Áo từ năm ngoái, bây giờ không hợp thời nữa, năm nay người ta mặc toàn mầu gạch.

Bà Lợi Thái chép miệng:

– Các cô bây giờ thật là phí của. Xưa kia chúng tôi may một cái áo mặc mười năm.

Hợi nhoẻn miệng cười:

– Xưa kia khác, bây giờ khác. Mợ cứ bì thế thì vừa. Bây giờ mặc cái áo mười năm để ma nó nhìn.

– Ứ ừ, thế mà xưa kia con gái vẫn đắt chồng. Bây giờ các cô thì ế khối.

Hợi nghĩ đến người yêu:

– Con chả sợ ế.

Những bà mẹ có con gái đều sung sướng khi nghe những câu nói ấy. Bà Lợi Thái nhìn vẻ mặt xinh tươi của con, rồi tủm tỉm cười:

– Bà Cả hôm nay lại có câu chuyện hay hay nói về cô đấy. Thôi, mợ đi nhé. Ở nhà coi sóc cho mợ nhé.

Câu chuyện hay hay? Hợi đã biết rồi. Lại có một người muốn hỏi nàng chứ gì. Nàng sẽ từ chối một cách quyết liệt như lần trước. Đời nàng phải thuộc về người yêu của nàng. Nàng vừa toan lại ngăn kéo để nói với tấm ảnh những câu ân ái nó đang rạo rực ở trong trái tim mười chín của nàng thì ở ngoài cửa có tiếng người gọi tên nàng:

– Cô Hợi ra mà lĩnh thư.

Nàng giật nẩy mình. Chỉ có một người có thể gửi thư cho nàng, nhưng tại sao vừa mới gặp nhau hôm qua, mà nay đã lại gửi thư. Nàng hấp tấp chạy ra vì nàng sợ nếu cha nàng ở trong nhà nghe tiếng, hỏi lôi thôi thì lộ chuyện.

Cầm bức thư, tay nàng run lên. Nàng cảm mơ hồ như có một biến cố gì xảy đến. Nàng chạy vào buồng, đóng cửa, cài then, rồi mở bức thư.

Em Hợi yêu quý,

Anh đau đớn mà viết cho em bức thư này, anh mong em sẽ can đảm, và đừng có trách anh là người phụ bạc. Cuộc tình duyên của đôi ta tan gãy mất rồi! Anh nói với thày mẹ anh xin cưới em, nhưng thày mẹ anh nhất định không nghe. Thày mẹ anh đã định đoạt cho anh một nơi khác rồi. Là đứa con hiếu, anh không thể cưỡng lời cha mẹ để cho gia đình anh đang yên vui bỗng xảy ra những sự bất hòa. Anh đứt ruột mà vâng lời cha mẹ. Anh đứt ruột mà xa em. Hôm qua, gặp em, anh định nói cho em rõ, nhưng trước cái tình yêu thiêng liêng của em, anh không đủ can đảm.

Thôi, em cố quên anh đi, và tha thứ hết cả tội lỗi của kẻ bạc tình này.

T.B. Những thư từ của em gửi cho anh đã đốt hết cả rồi.

Hợi nghẹn thở, ruột cồn lên, nhưng nàng không khóc. Nàng ngồi ngây ra một lúc lâu, đầu tràn ngập những ý nghĩ đen tối nó đen tối hơn cái đen tối đang kéo đến vây bọc nàng. Nàng cảm thấy một cái gì như cái chết đang tung hoành ở trong cơ thể, rồi nàng nhắm nghiền hai mắt lại. Nàng sung sướng biết mấy, nếu lúc ấy nàng chết ngay đi được, chết đi như một con sâu, con bọ bị một bàn chân người dẫm lên, chẳng phải ma chay lôi thôi, chẳng phải phiền lụy đến ai.

Lúc nàng mở mắt, thấy bức thư trắng xóa rơi ở cạnh mình, nàng liền cầm lấy, đọc kỹ một lần nữa, rồi nàng nghiến răng xé nhỏ bức thư ra không biết làm bao nhiêu mảnh.

Con người đểu giả, nàng không tiếc. Nàng chỉ tiếc rằng mình đã dại khờ yêu y một cách tuyệt đối, yêu như một người vợ đối với chồng, chẳng từ chối một tí gì đối với y cả.

Buổi chiều, nàng đi thu họ, biết được tin người yêu của nàng sắp lấy con một ông Tuần ở tỉnh bên, có tiếng là giàu có. Nàng đã hiểu nghĩa cái chữ hiếu của kẻ kia nói ở trong thư rồi. Chữ hiếu ấy, chỉ có nghĩa là tiền tài và danh vọng.

Thuộc vào hạng con nhà trung lưu, sống bằng sự cần lao và sự đảm đang của bà mẹ, nàng chỉ đem được về cho người lấy nàng một sắc đẹp và một tấm lòng. Cái sắc đẹp ấy, kẻ kia đã được hưởng rồi. Còn tấm lòng – tấm lòng – bọn con trai chỉ thích có khoái lạc không cần đến. Họ chỉ cần tiền. Đang là Tham-tá ở Tòa Sứ, kẻ kia có thể nhờ nhà vợ để đi Tri-huyện, cái điều mà trong khi trò chuyện với nàng, kẻ kia hằng ao ước.

Là cô con gái nghèo, nàng thắng thế nào nổi được cái lòng tham ghê gớm của con người, nàng thắng thế nào được tiền tài và danh vọng là những thứ mà cả xã hội này đang tôn thờ.

Lúc ấy, nàng thấy ghê tởm bọn đàn ông, ghê tởm cả loài người, ghê tởm cả chính bản thân. Nàng nhận thấy rằng chính cái sức mạnh nó du nàng vào cánh tay kẻ kia một phần là do cái hi vọng một ngày kia sẽ được là bà Tham, có trong tay hơn trăm bạc lương để tha hồ mà đua đòi với chị em.

Là con cá tham mồi, nàng bị phụ bạc, đáng lắm rồi.

Nàng sở dĩ từ chối bao nhiêu đám mà nàng biết chắc rằng nàng sẽ được sống một cuộc đời êm ái trong sự yêu đương và trọng vọng như mẹ nàng, chỉ vì những đám ấy không đem đến cho một địa vị to tát ở trong xã hội.

Chỉ bởi nàng muốn được sống một cuộc đời sướng thỏa mà chẳng cần phải nỗ lực tần tảo như mẹ nàng, cho nên nàng mới bị lóe mắt bởi cái danh vọng để cho kẻ kia lừa dối như một con khốn nạn, như… một con đĩ.

Nàng dò hỏi lòng mình một cách kỹ càng, kết tội mình một cách chặt chẽ, rồi nàng thấy kẻ kia chẳng có gì là đáng trách: kẻ kia cũng chỉ đã ươn hèn như mình thôi. Đã ươn hèn, nàng bị lừa dối. Vì ươn hèn, kẻ kia tình phụ.

Bên tám lạng, bên nửa cân, thật là xứng đáng với nhau.

Lúc nãy, những giọt máu di truyền của một giòng họ cần lao đã bao đời tu nhân tích đức, đã bao đời đi trong con đường thẳng của nghĩa vụ, đang lên tiếng ở tâm hồn nàng.

Nàng thấy tiếc cái trong trắng của thủa xưa nhưng đã muộn! Nàng muốn bắt chước sống một cuộc đời như mẹ nàng, một cuộc đời bình dị, đầy gắng gỏi, hi sinh cho bổn phận, nhưng nàng cảm thấy trong người đã có một cái gì sứt vỡ nó không cho nàng đủ nghị lực để sống như thế.

Một cuộc đời như thế phải bắt đầu bằng sự trinh bạch, mà thân nàng đã bị lấm bùn nhơ!

Làm thế nào? Làm thế nào? Trên con đường dài chừng dăm trăm thước, đã bao lần, nàng đã dồn nàng, bằng những câu hỏi ấy? Nàng chẳng biết làm thế nào cả. Nhưng có một điều nàng biết là nàng không muốn lấy chồng, không thể lấy chồng. Nàng ghét đàn ông cũng có, nàng không muốn đem cái nhục gieo vào một gia đình lương thiện cũng có. Tưởng tượng một ngày kia, nếu nàng lấy chồng, kẻ kia nhìn chồng nàng bằng cái nhìn nó như bảo:«vợ mày, tao đã… ôm ở trong cánh tay », nàng thấy rợn gai ốc đầy mình.

Không thể! không thể! Nàng không thể lấy chồng. Nhưng không lấy chồng thì tương lai nàng sẽ ra sao? Tương lai lúc đó là một thứ ghê gớm mà nàng không dám hình dung tới.

Nàng về đến nhà thì thấy mẹ nàng đang ngồi thì thầm với cha nàng. Nàng cúi đầu không dám trông thẳng, vì ở trong con mắt của ai, nàng cũng như nhìn thấy hiện lên cái hình ảnh lầm lỡ của đời mình. Nàng tưởng chừng như ai cũng đã biết cả rồi! Nhớ lại những phút yêu đương mà nàng đã sống với kẻ kia, nàng thấy cái thẹn thùng như làm chín cả da thịt.

Nàng đưa túi tiền họ cho mẹ nàng thì mẹ nàng liền cởi túi lấy ra mười đồng đưa cho nàng:

– Đây, mợ cho con tiền để may áo.

Nàng lắc đầu:

– Thôi con không may áo nữa.

Nàng vừa quay đi thì mẹ nàng gọi lại:

– Thế sao sáng ngày con xin mợ cơ mà?

– Bây giờ con không thích nữa. Con không muốn làm tốn tiền của mợ. Đồng tiền của mợ kiếm khó lắm.

Mẹ nàng cười, sung sướng:

– Gớm, bây giờ con mới biết thương mợ. Nhưng con cứ may. Mười đồng có là bao. À hôm nay, mợ đi lễ với bà Cả thấy cái Hồng nhà bà mặc chiếc áo mùi gạch trông nổi quá. Đây con cứ cầm lấy mà may.

Hợi không cầm:

– Con chả muốn may nữa.

– Thì mợ đã bảo con cứ may đi.

Ông Lợi Thái thấy thế liền bảo vợ:

– Nó không muốn may thì thôi. Nó ăn mặc như thế đã là xa phí lắm rồi, sao bà còn cứ chiều nó một cách quá lố như thế?

– Thì nó còn con gái. Cũng phải cho nó ăn mặc chứ. Ở với cha mẹ, sướng được ngày nào hay ngày ấy. Sau này đi lấy chồng….

Nói đến đấy, bà Lợi Thái kéo tay con gái cho ngồi xuống cạnh mình:

– À này, hôm nay bà Cả nói muốn xin con cho thằng thứ ba nhà bà, con có bằng lòng không?

Hợi bỗng thấy người run bắn. Nàng nghẹn ngào, cố mãi mới nói được với mẹ:

– Không, con không cần chồng, con suốt đời ở với cậu mợ.

Ông Lợi Thái vít cái xe điếu ống:

– Mày nói dễ nghe nhỉ. Con gái lớn thì phải đi lấy chồng. Ở nhà để làm bà cô à?

Trong khi thất vọng, Hợi quên cả sự lễ phép:

– Làm gì thì làm. Nhưng con nhất định không bao giờ đi lấy chồng cả.

Ông Lợi Thái nghe con nói thể liền buông cái xe điếu, quắc mắt, Hợi sợ hãi, vội vàng nói chữa ngay:

– Nhà chỉ có một mình con là nhớn, con đi lấy chồng thì còn ai giúp đỡ mợ con.

Ông Lợi Thái lại vít cái xe điếu:

– Sẽ có người. Trước kia mày còn bé thì ai giúp mợ mày. Con cái cho đi học cái chữ Tây thật là lố lăng khó bảo. Ấy mới cho mày học đến cái bằng Cơ-thủy mà mày còn lố lăng khó bảo như thế, chứ giá cho mày đi Hanoi học đến cái «đíp-lôm» thì mày còn lố lăng khó bảo đến đâu? Lần này, mày không bằng lòng, tao cũng cứ gả. Nó đi làm giáo học, mặt mũi tuấn tú như thế, mày chê nó về nỗi gì?

– Con không chê. Nhưng con không muốn đi lấy chồng.

Ông Lợi Thái nhả một làn khói xanh nó lừ lừ bay quấn quít lấy tấm màn the treo trước bàn thờ, rồi cau đôi lông mày:

– Mày nói thế mà nghe được!

Bà Lợi Thái thấy giọng nói của chồng có vẻ gay gắt, liền vội đàn giải:

– Thì ông hãy để rồi bảo con dần. Con gái đứa nào nghe đến sự lấy chồng chả thế. Tính ông thì cứ nóng như lửa.

Hợi vào buồng được một lát thì mẹ nàng theo vào. Thấy mặt nàng bơ phờ, mẹ nàng hỏi ngay:

– Con làm sao thế?

– Con đi về thấy hơi mệt.

Mẹ nàng đặt tay lên trán nàng thấy nóng hâm hấp.

– Ồ, nóng đấy mà. Dễ thường bị cảm. Để mợ lấy dầu xoa cho con.

Hợi chưa kịp cản thì mẹ nàng đã ra khỏi buồng. Nàng vừa đặt mình xuống giường thì mẹ nàng đã cầm lọ dầu vào.

– Xoa cái dầu Như-ý này là đổ mồ hôi, khỏi ngay.

Bà vừa nói, vừa lấy dầu xoa vào thái dương, cổ, lưng, chân con gái.

Bà xoa xong, cầm cái nút lọ dầu đặt vào mũi mình hít mấy cái:

– Hôm nay, nắng mới, mợ cũng thấy choáng váng cả người. Có phải xoa dầu, con thấy dễ chịu không?

– Vâng, dễ chịu.

Hợi vội vàng nói xuôi như thể để mẹ nàng đi ra, đừng hỏi lôi thôi nữa, chứ nàng cũng thừa hiểu cái nóng của nàng không một thứ dầu nào ở trên trái đất có thể trị được.

Bà Lợi Thái không ra, kéo chiếc chăn đơn phủ lên bụng cho con, rồi khẽ bảo:

– Thày con tính nóng nẩy, bảo gì con phải nghe. Nếu không thày con giận lên thì mợ cũng không làm thế nào được.

Họi đã biết mẹ nàng sắp nói đến cuộc nhân duyên của mình. Nàng xem ra cha mẹ nàng lần này cả quyết lắm, chứ không như mọi lần trước. Lần này, người hỏi nàng là một người có danh phận, lại là con nhà khá giả, bạn buôn với mẹ nàng đã bao nhiêu năm, nàng thấy khó lòng từ chối. Vả nàng cũng không viện lẽ gì chánh đáng để từ chối được. Nàng đã hình dung thấy tất cả những cử chỉ nghiêm khắc của cha nàng, nhưng nàng không thấy sợ. Nhất quyết là nàng phải từ chối. Nàng không đủ can đảm đem cái nhục đến một gia đình lương thiện cũng có, nàng sợ một khi lấy chồng rồi, chồng nàng biết chuyện trước của nàng cũng có.

Bà Lợi Thái đặt tay lên trán con:

– Thằng giáo Hải mẹ xem ra phúc hậu và tử tế, lương nó một tháng cũng được gần sáu chục, bà Cả là người hiền lành, con về làm dâu nhà ấy thì sẽ được sung sướng. Vả thằng giáo Hải một khi cưới con rồi thì đem con về chỗ làm, con có phải ở với mẹ chồng đâu mà con sợ. Buổi sáng, bà Cả hỏi mợ, mợ đã bằng lòng rồi.

Hợi vùng ngay dậy:

– Tại sao mợ chưa hỏi con, mợ đã nhận lời?

Bà Lợi Thái chưa kịp trả lời thì Hợi đã lại nằm xuống. Nàng rên rỉ nói với mẹ:

– Con không lấy chồng đâu. Con nhất định không bao giờ lấy chồng cả. Cậu con muốn làm gì thì làm.

Bà Lợi Thái thở dài, cái thái độ của Hợi làm cho bà nghi:

– Tại làm sao con lại từ chối? Con không thương cậu mợ hay sao?

Rồi bà lầm bầm như nói một mình:

– Nhà có con gái nhớn, như cưỡi đầu voi dữ.

Mọi lần trước, mẹ nàng nói thế thì nàng đã phản đối ầm ỹ. Nhưng lần này, nàng thấy sạn cả mặt, nàng lặng im.

Bà Lợi Thái lại càng nghi, bà dịch lại gần con gái:

– Hay con có… điều gì…con cứ nói thật, con đã biết mợ rất chiều con. Mợ xét thấy chẳng có lẽ gì để cho con từ chối đám ấy. Hay là… con cứ nói thật, mợ sẽ liệu cho con.

Hợi thấy ê ẩm cả người, nhưng sợ lặng im thì mẹ nàng biết chuyện, nàng vội vàng làm ra vẻ khó chịu, nhổm dậy nhìn mẹ:

– Sao mợ lại nói thế? Con có phải là đứa hư hỏng đâu. Xưa nay mợ đã rõ.

Những tiếng ấy làm cho nàng cháy môi, nàng vội vàng cúi xuống để tránh cái nhìn dò hỏi của mẹ.

– Con còn nhỏ, con chưa muốn lấy chồng vội, chứ có làm sao.

Bà Lợi Thái lại thở dài, nhưng cái thở dài này có một ý nghĩa trái với cái thở dài trước. Nghe tiếng thở dài sung sướng ấy, Hợi cảm thấm thía thấy sự đau đớn của mẹ mình, một khi mẹ mình biết sự thực. Nàng vội vàng dấu diếm, nàng cần phải dấu diếm:

– Con không bao giờ bắt chước những kẻ… hư-hỏng dấu cha mẹ đi chim chuột đâu. Sao mợ không tin con? Con chưa muốn lấy chồng vội. Chờ vài năm nữa.

Cái kế hoãn binh của nàng không đem đến cho nàng cái kết quả mà nàng muốn. Bà Lợi Thái vui vẻ bảo nàng:

– Nếu thế thì mợ cứ nhận lời. Rồi vài ba năm nữa cho cưới cũng được.

Hợi hoảng sợ:

– Ấy đừng, nhỡ người ta xin cưới ngay thì sao.

– Mình không cho cưới thì thôi chứ. Con đừng lo.

Bà Lợi Thái nới xong đứng dậy đi ra, Hợi muốn nói nữa, nhưng nàng đã không còn sức. Nàng dơ tay toan gọi mẹ,nhưng nàng lại buông tay xuống. Nàng tự nhủ:

– Thôi để mai, cũng chưa muộn.

Lúc này, nàng thấy cần phải nghỉ ngơi, cần phải được nằm một mình với những ý nghĩ miên man của mình. Nàng cần phải thâu thập những tư tưởng bàng mạc để đi đến một ý định, cái ý định nó sẽ định đoạt cuộc đời nàng sau này.

Nàng ngẫm nghĩ đến quá nửa đêm thì trở dậy, lại ngồi vào bàn giấy. Nàng giở hết những thư từ của Hiệu viết cho mình đọc lại một lượt. Lúc này, những giòng chữ ấy không làm cho nàng say sưa như trước nữa. Vẫn là những lời nói chung tình tha thiết nhưng bây giờ, nó có một nghĩa khác, cái nghĩa giả dối nó làm cho lòng nàng giá lạnh như băng.

Nàng đọc xong, châm một que diêm. Nàng ngồi nhìn những bức thư ấy cho tới khi cháy hết, rồi lấy giấy viết cho Hiệu một bức thư.

Anh Hiệu,

Tôi đã nhận được bức thư đoạn tuyệt của anh, tôi lại được biết tin anh sắp lấy một con quan nhà giầu, thế mà tôi không giận anh, lại cũng không trách anh nữa.Tôi chỉ trách tôi đã có một tâm hồn hèn kém để bị anh lừa dối. Nhưng không sao, đó là một bài học hay cho đời tôi, nếu đời một người con gái đã bị dơ bẩn mà còn cần đến những bài học.

Tôi cố quên anh, cố quên cái tội lỗi của đời tôi. Và tôi không buồn đâu. Tôi viết bức thư này để cho anh được yên lòng mà hưởng hạnh phúc trong tiền tài và danh vọng. Vì lương tâm con người ta, dù khốn nạn đến đâu, cũng có chỗ để rung động trước một cử chỉ như cái cử chỉ anh vừa làm.

Trước kia, chưa bị anh tình phụ, tôi cũng lầm tưởng như anh rằng hạnh phúc cần phải tìm trong tiền tài và danh vọng, nhưng bây giờ, tôi đã hiểu rồi, hạnh phúc phải tìm trong sự yên tĩnh và… sạch sẽ của tâm hồn ta.

Tôi đau đớn, nhưng tôi không buồn. Bất tất anh phải nghĩ đến tôi. Anh khá yên tâm mà hưởng hạnh phúc, nếu hạnh phúc có thể có được cho những tâm hồn hèn kém như tôi và anh.

Sự lầm lỡ của đời tôi sở dĩ có là vì tôi không biết đòi hỏi ở người đàn ông cái bề trong đẹp đẽ của tâm hồn, mà tôi chỉ đi đòi hỏi những cái bề ngoài lòe loẹt, nó hạ thấp đời sống của con người ta đi. Tôi lầm lỡ là đáng lắm. Tôi trách anh để làm gì?

Anh khá yên tâm mà hưởng hạnh phúc. Tôi cầu chúc cho anh một hạnh phúc hoàn toàn, nghĩa là suốt trong đời anh, anh không có lúc nào bị cái thiên lương nổi dậy tra soát kỹ càng những hành vi của đời người, rồi hạch tội nó như đã hạch tội tôi đêm hôm nay.

HỢI

Hợi viết xong bức thư, niêm phong kỹ càng rồi cất vào ngăn kéo. Nàng lôi chiếc ảnh ở trong hộp ra nhìn một lát, rồi lấy kéo cắt vụn ra. Nàng cắt, cắt mãi, cắt cho tới khi nhỏ biến ra không tài nào cắt được nữa. Mỗi nhát kéo lại làm cho nàng hả dạ, không phải hả dạ ở sự báo thù mà hả dạ đã trừng phạt được mình.

Nàng vun gọn lại một đống, rồi lấy tay bốc lên, bỏ xuống mấy chục lượt cho tới khi đã mỏi tay, nàng mới cúi xuống thổi phù một cái cho những mảnh vụn ấy bay tung dưới ánh đèn như những con bướm trắng nhỏ li ti. Nàng nhìn những mảnh giấy ấy từ từ rơi xuống bàn, xuống áo, xuống mặt, xuống cổ, xuống tay; rồi cảm thấm thía đến sự tan vỡ của những cuộc tình duyên, nàng òa khóc.

Sáng hôm sau, lúc nàng dậy thì mẹ nàng đã đi từ sớm rồi. Nàng hỏi người nhà mới biết mẹ nàng đã đi lễ đền Sòng với bà Cả, hai hôm nữa mới về. Nàng giật nẩy mình.

Lúc ấy, nàng mới hối hận rằng đêm qua đã không cương quyết. Hôm nay đi lễ, mẹ nàng đã nhận lời với bà Cả rồi, biết làm thế nào? Tưởng tượng đến khi đi lấy chồng, lại phải ôn lại với chồng những cử chỉ yêu đương như đối với Hiệu, nàng thấy lộn mửa. Lúc ấy, nàng không nghĩ đến sự rồi đây chồng nàng có thể biết. Nàng chỉ thấy mình không thể gần một người đàn ông nào nữa.

Nhưng, than ôi! sự sống vẫn mạnh hơn ta, mạnh hơn cả sự yêu ghét của lòng ta. Trong cái đà chảy rất chậm chạp của nó, vẫn sẵn chứa những sức mạnh bí mật nó bồi đắp dần những vết thương lòng. Từng tí, từng tí, nó rót cái quên vào tâm hồn ta. Nó tôi mới lại ta, rồi xô ta vào cuộc đời mà ở đó đã sẵn chờ ta những vết thương như những vết thương hồi nào, mà bây giờ ta đã cảm thấy xa lắc, xa lơ và chẳng còn một chút dấu vết..

Đó là cái kém của lòng người, nhưng cũng là chỗ mầu nhiệm của sự sống.

Tuy Hợi không bao giờ dám tưởng tượng đến cuộc nhân duyên, nhưng ba ngày sau, khi mẹ nàng về nói với nàng: «Mợ đã bằng lòng, bà ấy bảo vài ba năm nữa mới cưới cũng được», nàng cũng không phản đối. Nàng tự nhủ: chờ lúc ấy sẽ hay. Lòng người vẫn có những cái chỗ yếu như thế. Nàng không hiểu rằng một khi đã đứng lên đầu dốc thì rồi thế nào cũng lăn. Muốn không lăn, đừng có để chân vào. Ném một sợi lông trên lò lửa mà muốn rằng nó không cháy là một điều không thể được. Phương chi sự bền bỉ của tâm hồn đàn bà lại kém sự bền bỉ của sợi lông ; mà sức cám dỗ của yên vui lại mạnh hơn lò lửa.

Trong một nghìn người chúng ta, họa chăng chỉ có một người có đủ dũng cảm về nghị lực lập cuộc đời theo ý muốn đã lựa lọc của mình, chứ còn thuần là bị cuộc đời đồn dập đưa đi. Nó xếp đắp cho ta, rồi bắt ta phải theo nó.

Hợi không phản đối khi hai tháng sau, bà Cả đem giầu cau lại chạm ngõ. Hay là nàng chỉ phản đối một cách để không phản đối. Nàng cũng hi vọng như trăm nghìn kẻ tội lỗi, như thường tình con người ta rằng thời gian sẽ đem đến sự quên lãng, rồi thì cuộc đời lại cứ cái đà của nó nó đi. Rồi ta tưởng chừng như chẳng có một việc gì xảy ra cả. Ai dám bảo có những cái vực ghê gớm nó cắt đứt đời ta ra làm bao nhiêu đoạn? chia hẳn đời ta làm bao nhiêu chặng không thể nối liền?

Những cái vực ấy, những cái chặng ấy, nếu có thì chỉ có đối với những người có một tâm hồn rắn rỏi, một khí phách lỗi lạc mà thôi. Chúng chỉ có đối với những bậc thượng trí, còn thì cuộc đời thuần là một con đường nhỏ luồn dưới cỏ, chẳng qua lâu lâu bị một vài cụm lau che phủ mà thôi.

Hợi tuy chưa dám tưởng tượng đến cuộc đời của mình sau này một khi đã là bà giáo Hải, những cuộc đời ấy đã có hình bóng ở chỗ cùng để của tâm hồn nàng: không phản đối, tức là đã ưng thuận.

Phần I - 1 -

Tiến >>


Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 28 tháng 11 năm 2024