CHUỘC TỘI

minato kanae

người dịch: vương hải yến

Chương 1

Gửi cô Asako,

Cảm ơn cô vì hôm trước đã tới dự đám cưới của cháu.

Suốt buổi lễ, cháu đã luôn lo rằng khi nhìn những người họ hàng cháu rồng rắn kéo nhau từ thị trấn thôn quê đó lên, cô sẽ nhớ lại sự việc khi ấy để rồi cảm thấy không thoải mái. Bởi đám người đó chẳng hề nhận ra cử chỉ và hành động của mình thiếu tế nhị tới chừng nào.

Không khí trong lành. Lần đầu tiên cháu nhận ra rằng, ngoại trừ điều đó, thị trấn ấy chẳng còn gì đáng kể là vào khoảng bảy năm trước, khi cháu tốt nghiệp cấp ba và lên Tokyo theo học trường đại học nữ sinh.

Bốn năm trời cháu sống trong ký túc xá của trường. Lúc cháu nói với bố mẹ rằng mình muốn lên Tokyo học đại học, bố mẹ cháu đều đồng thanh phản đối.

Lỡ con bị kẻ xấu lừa, bắt làm công việc bán thân thì phải làm sao? Rồi bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập thì phải làm thế nào? Bố mẹ biết làm gì nếu con bị người ta sát hại?

Một người sinh trưởng nơi đô thành như cô Asako đọc đến đây chắc sẽ phì cười mà nghĩ, rốt cuộc bố mẹ cháu nghe thông tin ở đâu mà lại có những lo lắng kỳ cục như vậy nhỉ.

Cháu đã mang chương trình yêu thích của bố mẹ ra mà cãi lại, rằng, “Đấy là tại bố mẹ xem chương trình Hai tư giờ ở đô thị lớn nhiều quá đó thôi”, dù thực ra cháu cũng nhiều lần tưởng tượng tới những chuyện đáng sợ như thế rồi. Dẫu vậy, cháu vẫn rất khát khao được lên Tokyo học.

“Trên Tokyo có gì hay đâu? Ngành mà con muốn theo học, mấy trường đại học trong tỉnh mình cũng có. Nếu là các trường đó, thì tuy không thể đi về trong ngày, nhưng giá nhà trọ rẻ, gặp chuyện gì cũng có thể về nhà ngay được. Như vậy cả con và bố mẹ đều an tâm.”

Bố cháu đã thuyết phục cháu như vậy.

“Sao bố mẹ có thể an tâm được? Không phải bố mẹ chính là những người hiểu rõ nhất, rằng khoảng tám năm trở lại đây, con đã sống trong sợ hãi ở thị trấn này như thế nào hay sao?”

Thấy cháu nói vậy, bố mẹ không phản đối nữa. Nhưng bố mẹ cháu ra một điều kiện là, khi lên đó thay vì sống một mình ở phòng trọ hay căn hộ chung cư, cháu phải vào sống trong ký túc xá dành cho sinh viên. Cháu không có ý kiến gì về việc đó.

Tokyo trong lần đầu tiên cháu tới thăm giống như một thế giới khác. Bên trong nhà ga nơi cháu bước từ tàu điện cao tốc xuống nhìn đâu cũng thấy toàn người với người, đến mức cháu nghĩ số người bên trong nhà ga này có khi còn nhiều hơn cả dân số của thị trấn quê cháu nữa. Điều làm cháu ngạc nhiên hơn nữa là, dù có nhiều người đến vậy, nhưng mọi người vẫn có thể đi lại bình thường mà không hề đụng vào nhau. Ngay cả cháu lúc đó dù đi loạng quạng do mải nhìn bảng hướng dẫn điện tử để lên tàu điện ngầm mà vẫn không đụng phải ai, vẫn có thể suôn sẻ tới được nơi mình muốn tới.

Lên được tàu điện ngầm rồi, lại có một chuyện khiến cháu ngạc nhiên hơn nữa. Đó là, những người quanh cháu dù có vẻ đều đi cùng ai đó, nhưng hầu như không ai nói chuyện với ai cả. Thỉnh thoảng cháu có nghe thấy tiếng cười hay tiếng nói chuyện lớn, nhưng đa phần những âm thanh đó đều do người ngoại quốc gây ra.

Cho đến hết cấp hai cháu vẫn đi bộ đi học, lên cấp ba thì đi xe đạp nên cho tới lúc đó một năm cháu chỉ đi tàu điện vài lần, ví như những lần tới các trung tâm mua sắm ở thị trấn khác cùng gia đình hay bạn bè. Và trong khoảng một tiếng trên tàu điện trước khi tới nơi ấy, cháu và mọi người trò chuyện không dứt.

Chúng mình mua gì bây giờ nhỉ. À tháng sau có một cái sinh nhật đấy, hay mình mua sẵn quà luôn cho tiện. Trưa nay mọi người muốn ăn ở McDonald’s hay KFC?… Cháu tuyệt nhiên không nghĩ mình làm như vậy là thiếu ý thức. Bởi tiếng nói cười vang lên ở khắp mọi nơi trên tàu, và không ai cau mày khó chịu vì chuyện đó cả, nên cháu đã nghĩ cư xử như thế khi ở trên tàu là bình thường.

Đột nhiên cháu nghĩ, phải chăng người Tokyo không nhìn thấy những người xung quanh mình? Phải chăng họ không quan tâm gì đến người khác. Miễn là bản thân không thấy phiền, thì người bên cạnh muốn làm gì cũng được? Phải chăng họ không muốn biết tiêu đề cuốn sách mà người ngồi ở ghế đối diện đang đọc? Phải chăng họ không buồn để ý dẫu cho người đứng trước mặt họ có mang một cái túi xách hàng hiệu cao cấp đến đâu?

Lúc nhận ra thì cháu đã đang rơi nước mắt rồi. Nhìn một con bé quê mùa với cái túi hành lý lớn đang khóc, hẳn mọi người sẽ hiểu lầm cháu nhớ nhà nên mới vậy. Hơi xấu hổ, cháu vừa quệt nước mắt vừa nhìn quanh, nhưng chẳng có người nào đang nhìn cháu cả.

Cháu cảm động vì nơi đây tuyệt vời hơn cả trong tưởng tượng của mình. Lý do cháu muốn đến Tokyo không phải là vì nơi đây có nhiều cửa hàng tráng lệ, hay nhiều chỗ để đi chơi.

Cháu chỉ muốn hòa vào đám đông những người không biết về quá khứ của cháu, để xóa đi hình ảnh của mình.

Nói chính xác hơn, cháu muốn trốn khỏi đôi mắt của kẻ sát nhân trong vụ án mà cháu là nhân chứng giờ này vẫn đang ung dung ngoài kia.

Cháu ở phòng ký túc bốn người. Mọi người đều là dân tỉnh lẻ, ngày đầu tiên tới ở mọi người tự giới thiệu bản thân và thi nhau khoe về những điều đáng tự hào của quê hương mình. Nào là quê họ có món mì Udon ngon, có suối nước nóng, rồi nhà gần nhà tuyển thủ bóng chày nổi tiếng… Ba người còn lại tuy nói là dân tỉnh lẻ, nhưng tên thành phố, thị trấn quê họ thì cháu đều đã nghe qua.

Cháu có nói ra tên thị trấn quê cháu, nhưng cả ba người đều không biết nó nằm ở tỉnh nào.

Họ hỏi nơi ấy là nơi như thế nào, cháu trả lời, không khí ở đó rất trong lành. Cháu nghĩ nếu là cô Asako, hẳn cô sẽ hiểu rằng, chẳng phải vì nơi đó không có gì đáng tự hào nên cháu mới miễn cưỡng nói một câu chung chung như vậy.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn đó, hằng ngày cháu đều hít thở không khí nơi ấy như một lẽ đương nhiên. Cháu nhận ra không khí nơi đó thật trong lành, vào một ngày khi cháu mới lên lớp bốn, mùa xuân năm vụ án đó xảy ra.

Trong giờ học môn xã hội, thầy Sawada giáo viên chủ nhiệm đã nói thế này:

“Các em đang sống ở vùng quê có khí hậu trong lành nhất Nhật Bản. Các em có biết tại sao thầy có thể nói như vậy không? Những máy móc chính xác được dùng trong các bệnh viện và phòng nghiên cứu phải được chế tạo ở môi trường mà không khí không lẫn bụi bẩn. Vì thế, nhà máy sản xuất những máy móc ấy cũng phải được xây dựng ở nơi có không khí trong lành. Và trong năm nay, nhà máy mới của công ty chế tạo máy Adachi đã được xây dựng ngay tại thị trấn này. Việc nhà máy của công ty sản xuất thiết bị chính xác hàng đầu Nhật Bản được xây dựng ở nơi này chứng tỏ nơi đây đã được chọn là nơi có không khí trong lành nhất Nhật Bản. Các em hãy tự hào vì mình đang được sống trên một vùng đất tuyệt vời như thế nhé.”

Sau buổi học, chúng cháu đã hỏi Emily xem điều thầy giáo nói có đúng không.

“Tớ cũng từng nghe bố tớ nói như thế.”

Nhờ Emily nói vậy nên chúng cháu đã nhận thức được rằng thị trấn nơi mình ở có bầu không khí rất trong lành. Chẳng phải vì bố của Emily là một người có vai vế trong công ty Adachi, với gương mặt đáng sợ và đôi mắt đảo liên hồi, mà vì ông là người từ Tokyo chuyển về.

Hồi đó, chẳng có đứa trẻ nào ở quê cháu thấy bất tiện vì trong thị trấn không có cửa hàng tiện lợi. Với chúng, chỉ những thứ có sẵn từ khi chúng sinh ra mới là lẽ đương nhiên. Dù trên ti vi có quảng cáo búp bê Barbie, thì vì chưa nhìn thấy món đồ chơi đó ngoài đời bao giờ, nên chúng sẽ chẳng thấy thèm muốn. So với búp bê Barbie, những con búp bê Pháp được bày ở gian tiếp khách của các nhà còn quý hơn nhiều.

Nhưng từ khi nhà máy được xây lên trong thị trấn, một cảm giác lạ lùng bắt đầu nảy sinh trong lòng chúng cháu. Đó là vì, những học sinh từ Tokyo chuyển về, bao gồm cả Emily, đã khiến chúng cháu dần thấm thía cái suy nghĩ rằng cuộc sống thường nhật mà mình nghĩ là bình thường này thật ra rất bất tiện và lạc hậu.

Ngay từ nơi ăn chốn ở của họ cũng khác. Lần đầu tiên có một tòa nhà cao hơn năm tầng được dựng lên trong phố. Tòa chung cư dành cho nhân viên công ty chế tạo máy Adachi được xây dựng theo phương châm Thiết kế hòa hợp với thiên nhiên, nhưng đối với chúng cháu thì nó giống như một tòa lâu đài ngoại quốc vậy.

Hôm Emily mời các bạn gái cùng lớp và cùng sống ở khu phía Tây, nơi chung cư kia tọa lạc, tới nhà mình ở tầng bảy - tầng cao nhất chơi, cháu đã háo hức tới mức đêm không ngủ được.

Có bốn người được mời, cháu, Maki, Yuka và Akiko.

Là bạn từ thủa nhỏ và lớn lên trong môi trường giống nhau, nên đối với tất cả chúng cháu, những thứ nhìn thấy ở nhà Emily tất thảy đều giống như đồ ngoại quốc.

Điều ngạc nhiên đầu tiên đó là căn phòng không bị ngăn cách bởi các bức tường. Hồi đó chúng cháu vẫn chưa biết đến khái niệm LDK(*), nên rất ngạc nhiên khi thấy phòng xem ti vi, phòng ăn và nhà bếp ở cùng một chỗ.

LDK: viết tắt của living room, dining room, kitchen, là kiểu nhà mà phòng ăn sẽ kiêm luôn chức năng của phòng bếp và phòng tiếp khách.

Chúng cháu được mời uống trà đen rót từ cái ấm có hoa văn đồng bộ với tách mà nếu có ở nhà cháu thì chắc chắn cháu sẽ không được phép chạm vào. Vừa ngồm ngoàm ăn bánh tart hoa quả với rất nhiều loại trái cây mà ngoại trừ dâu tây ra thì cháu hoàn toàn mù tịt, được đặt trên chiếc khay cùng bộ với bộ ấm tách kia, vừa mơ màng vì mọi thứ xung quanh, nhưng cháu vẫn có cảm giác gì đó không thoải mái với nơi này.

Sau bữa ăn vặt, Emily rủ chúng cháu chơi búp bê, bạn ấy lấy búp bê Barbie và hộp quần áo bằng nhựa hình trái tim từ trong phòng mình ra. Búp bê Barbie ngày hôm đó mặc bộ váy giống với bộ Emily đang mặc.

“Trên phố Shibuya có một cửa hàng bán quần áo giống với quần áo của búp bê Barbie, nên dịp sinh nhật năm ngoái mẹ đã mua cho tớ đấy. Mẹ nhỉ?”

Quả thực lúc ấy cháu đã muốn chạy ra khỏi nơi đó lắm rồi.

Đúng lúc ấy, ai đó trong số ba người còn lại đã nói:

“Emily cho chúng tớ xem con búp bê Pháp của cậu đi!”

Nghe thấy thế, Emily ngơ ngác hỏi lại.

“Đấy là búp bê gì cơ?”

Emily không có búp bê Pháp. Thậm chí bạn ấy còn không biết tới loại búp bê này. Cảm giác như trái tim cho tới lúc này vẫn co lại của cháu giờ đã phình to dần lên. Emily không biết là đương nhiên. Bởi vì ở thành phố, nó là một thứ đã lỗi thời rồi.

Có một điểm chung giữa những căn nhà kiểu Nhật cũ nằm rải rác trên phố được xây từ khoảng hai mươi năm trước. Đó là căn phòng gần với cửa vào nhất sẽ được xây theo kiểu tây và được dùng làm phòng khách. Đặc biệt ở đó nhất định sẽ có một chiếc đèn chùm và một con búp bê Pháp được bày trong hộp kính. Dù loại búp bê này đã có từ xưa, nhưng phải khoảng một tháng trước khi Emily chuyển đến, mới bắt đầu rộ lên phong trào tụ tập lại và đi tham quan các con búp bê Pháp.

Ban đầu chỉ là lui tới nhà bạn bè, nhưng dần dần chúng cháu đi khắp các hộ xung quanh và xin chủ nhà cho xem. Ở vùng thôn quê thế này, hầu như mọi người đều biết mặt nhau, vả lại phòng đó nằm ngay sát tiền sảnh, nên chúng cháu không bị từ chối bao giờ.

Sau đó chúng cháu làm một cuốn “Ghi chép về búp bê”, và bắt đầu xếp hạng các con búp bê Pháp. Vì thời đó trẻ con không dễ dàng chụp ảnh mọi thứ như bây giờ, nên nếu có con búp bê nào thích, chúng cháu liền vẽ lại bằng bút chì màu để lưu lại.

Thứ hạng búp bê chủ yếu được quyết định bởi độ đẹp của chiếc váy, nhưng cháu đặc biệt thích nhìn khuôn mặt của chúng. Bởi cháu có cảm giác việc mua búp bê sẽ phản ánh được tính cách của chủ nhân hoặc khuôn mặt búp bê thường có nét giống với đứa trẻ hoặc bà mẹ ở nhà đó.

Vì Emily nói muốn được xem búp bê Pháp, nên chúng cháu quyết định sẽ dẫn bạn ấy đi xem những nhà có búp bê lọt vào top mười của chúng cháu. Emily nói chắc chắn những đứa trẻ sống trong tòa chung cư đó cũng chưa bao giờ nhìn thấy búp bê Pháp, nên đã gọi thêm mấy bạn nữa, và thế là nhóm đi xem búp bê của chúng cháu có cả những bạn cháu không biết tên gì học lớp mấy, thậm chí có lẫn cả mấy bạn nam.

Chủ nhân ngôi nhà đầu tiên thấy chúng cháu đến liền bảo, lại là tour tham quan búp bê Pháp đó à. Chúng cháu rất thích cái tên ấy, nên đã quyết định đặt tên cho sự kiện ngày hôm đó như vậy.

Búp bê nhà cháu được xếp hạng thứ hai. Phần ngực và diềm của chiếc váy màu hồng được viền bằng lông vũ trắng muốt bồng bềnh, ở vai và hông có đính những bông hồng tím cỡ đại. Nhưng cháu thích hơn cả là khuôn mặt của nó, khuôn mặt mà cháu cảm giác có chút giống mình. Có lần cháu tô cho nó một cái nốt ruồi giọt lệ giống cháu ở dưới mắt phải bằng bút dạ màu, rồi bị mẹ mắng. Ngoài ra, cháu thích cái vẻ không-rõ-tuổi-tác, nhìn không biết được là trẻ con hay người lớn của nó.

Cháu còn nhớ khi đó cháu đã rất tự hào khoe với nhóm tham quan, nhưng những đứa trẻ đến từ thành phố có vẻ đã hết hứng thú và điều ấy khiến cháu vô cùng thất vọng.

Sau khi đến tham quan ở nhà cuối cùng, Emily nói: “Đúng là búp bê Barbie vẫn thích hơn nhiều.” Cháu nghĩ khi đó mình không nảy sinh ác ý gì với cậu ấy. Nhưng vì một câu nói đó của Emily mà những con búp bê Pháp trước đây vô cùng lấp lánh xinh đẹp bỗng chốc trở nên thật tầm thường. Kể từ hôm đó, chúng cháu không còn chơi búp bê Pháp nữa, và cuốn sổ ghi chép về búp bê cũng bị cất vào sâu trong ngăn kéo bàn cháu mãi mãi.

Cụm từ “búp bê Pháp” bắt đầu len vào câu chuyện của người dân thị trấn khoảng ba tháng sau đó, vì “vụ trộm búp bê Pháp”. Cô Asako biết những gì về vụ án này vậy ạ?

Vào đêm lễ hội mùa hè cuối tháng Bảy, năm nhà trong thị trấn đã bị lấy búp bê Pháp. Trong số đó có nhà cháu. Thật là một vụ án kỳ lạ vì đồ đạc trong nhà không bị xáo trộn, tiền cũng không mất, chỉ có con búp bê đựng trong hộp kính là bị lấy đi.

Lễ hội được tổ chức tại sân của nhà sinh hoạt văn hóa thị trấn hơi cách xa trung tâm một chút, cuộc thi múa Obon(*) bắt đầu từ khoảng sáu giờ chiều, sau đó, cuộc thi hát karaoke được tổ chức từ khoảng chín giờ, và kết thúc vào khoảng mười một giờ. Đó là một sự kiện khá lớn so với quy mô của thị trấn, nơi dưa hấu, kem, mì và bia được phát miễn phí, và dẫu ít nhưng cũng có những quán kem đá bào, quán kẹo bông di động đứng bên đường.

Obon là lễ hội được tổ chức vào tháng Tám dương lịch hằng năm để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Trải qua thời gian dài, phong tục này đã phát triển thành lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên.

Những nhà bị lấy trộm, bao gồm nhà cháu, có hai điểm chung. Một là cả gia đình đều đi chơi hội, hai là không nhà nào khóa cửa cả. Cháu nghĩ hồi đó thì nhà nào cũng vậy. Bởi dạo ấy mỗi lần nhận hàng chuyển phát hộ hàng xóm lúc họ đi vắng, cháu vẫn hay mở cửa nhà họ, đặt hàng lên thềm nhà rồi mới về mà.

Bởi trước đó đã có tour tham quan búp bê Pháp của bọn cháu, nên cảnh sát nhanh chóng đưa ra kết luận rằng đó là trò nghịch ngợm của trẻ con, họ coi đó là một vụ án kỳ lạ đêm hội và khép nó lại, dù vẫn chưa tìm thấy hung thủ cũng như con búp bê nào.

“Cũng tại các con làm như thế nên mấy bạn không có búp bê mới ghen tị và lấy trộm mất búp bê đấy.”

Cháu còn nhớ bố đã mắng mình như vậy.

Tuy kỳ nghỉ hè đã bắt đầu bằng sự kiện ấy, nhưng ngày nào chúng cháu cũng nô đùa cả ngày từ sáng tới tối. Đặc biệt, nơi chúng cháu thích nhất là bể bơi của trường. Buổi sáng chúng cháu sẽ tụ tập làm bài tập ở nhà bạn nào đó, đến chiều thì ra bể bơi, bể bơi đóng cửa lúc bốn giờ, nhưng chúng cháu vẫn chơi trong sân trường cho tới khi mặt trời lặn.

Những năm gần đây, ngay cả trường tiểu học ở thôn quê cũng thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, trong ngày nghỉ thì đến cả trẻ em cũng không được tự ý vào trường. Nhưng hồi đó, chúng cháu có chơi ở đấy đến tối cũng không có người lớn nào quở mắng.

Đến mức, thỉnh thoảng khi cháu về nhà trước khi bản nhạc Greensleeves vang lên vào sáu giờ chiều, bố mẹ cháu sẽ hỏi, Đã về rồi cơ à, hôm nay cãi nhau với bạn hay sao mà về sớm thế?

Về những sự kiện trong ngày xảy ra vụ án ấy, cháu đã kể lại ngay sau đấy, và nhiều lần sau đó nữa. Cháu đã kể hết những việc cháu có thể kể với cảnh sát, với thầy cô, với bố mẹ mình, với bố mẹ của các bạn kia, với cô Asako và chồng cô. Nhưng lúc này, cháu muốn kể lại một cách tuần tự một lần nữa. Bởi có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng…

Ngày hôm đó, buổi chiều ngày mười bốn tháng Tám, vì nằm trong đợt lễ Obon nên những bạn cháu hay chơi cùng cũng tới thăm nhà họ hàng, hoặc họ hàng tới chơi nhà các bạn ấy, vì thế nhóm chơi trong sân trường chỉ còn lại năm người, gồm cháu, Maki, Yuka, Akiko và Emily.

Bốn đứa bọn cháu, đứa thì ông bà ở cùng nhà, đứa thì ông bà và họ hàng sống trong cùng thị trấn, nên Obon không phải là một dịp lễ gì đặc biệt, chúng cháu vẫn chơi đùa như mọi ngày.

Đợt Obon ấy, những người từ Tokyo chuyển về làm việc trong nhà máy hầu như đều không ở lại, nhưng Emily thì khác vì bố bạn ấy phải làm việc trong cả đợt lễ, và vì cuối tháng Tám cả nhà họ sẽ đi du lịch Guam, nên đợt lễ này họ chỉ ở thị trấn thôi. Emily hôm đó có kể với bọn cháu như vậy.

Tuy trong chuyến tham quan búp bê Pháp, cháu đã không mấy thoải mái với Emily, nhưng ngay sau đó chúng cháu lại thân thiết với nhau như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Có lẽ cũng nhờ Emily đã tỏ ra rất say mê trò thám hiểm lâu đài đang thịnh hành trong nhóm cháu hồi đó.

Trong đợt nghỉ Obon, bể bơi không mở cửa nên chúng cháu chơi bóng chuyền ở một góc sân chơi, nơi có bóng râm của nhà thể chất hắt xuống. Trò chơi rất đơn giản, chúng cháu đứng thành vòng tròn và chuyền bóng cho nhau, nhưng nhờ việc đặt mục tiêu ngay từ đầu là chuyền bóng 100 lần liên tiếp, chúng cháu đã chơi nỗ lực và hăng say hơn hẳn.

Đúng lúc đó thì người đàn ông ấy xuất hiện.

“Các cháu dừng lại cho chú hỏi một chút được không?” ông ta bắt chuyện với bọn cháu.

Ông ta mặc chiếc áo lao động màu xám hơi ngả vàng, quần lao động, đầu quấn một chiếc khăn bông trắng nhỏ.

Đột nhiên bị bắt chuyện, Yuka - ngày hôm đó có vẻ phong độ không được tốt - đã bắt hỏng. Người đàn ông nhặt quả bóng lăn dưới đất đó và đi về phía bọn cháu. Và rồi, vừa cười tươi, ông ta vừa nói với một âm điệu rõ ràng như thế này:

“Chú tới kiểm tra định kỳ quạt thông gió ở phòng thay đồ của bể bơi, nhưng lại quên không mang thang theo. Công việc chỉ là vặn con ốc cho chặt thôi, có cháu nào tới giúp chú được không, chú sẽ kiệu lên vai?”

Với những học sinh tiểu học ngày nay, ở trong hoàn cảnh như vậy, liệu chúng có cảnh giác không nhỉ? Trường học không hẳn là nơi an toàn. Nếu nhận thức được điều này, phải chăng ngày đó bọn cháu đã tránh được vụ án ấy? Hay là lẽ ra trước đó người lớn nên dạy chúng cháu rằng, khi có người lạ bắt chuyện, hãy la lên thật to và chạy đi thật nhanh?

Ở thị trấn thôn quê ngày ấy, cùng lắm bọn cháu cũng chỉ được nhắc nhở là không được trèo lên xe của người lạ, dù người đó có hứa cho bọn cháu kẹo bánh hay nói là bố mẹ bị ốm đi chăng nữa.

Cháu không mảy may nghi ngờ người đàn ông trước mặt. Không biết Emily thì thế nào, nhưng có lẽ những bạn khác cũng vậy. Trái lại, nghe thấy người kia nhờ giúp đỡ, chúng cháu còn hăng hái xung phong giúp nữa.

“Nếu chú định kiệu ai đó trên vai, thì người nhỏ bé như cháu là hợp nhất.”

“Nếu không với tới quạt thông gió thì cũng chẳng được việc. Cháu là người cao nhất, để cháu đi với chú.”

“Hai cậu có biết vặn ốc không đấy? Tớ giỏi việc ấy lắm nhé.”

“Thế nếu con ốc chặt quá thì sao? Tớ là người khỏe nhất, tớ nghĩ phải tớ mới làm được.”

Cháu nghĩ bọn cháu mỗi đứa đều nói một câu kiểu như thế. Emily im lặng không nói gì. Người đàn ông lần lượt nhìn năm đứa bọn cháu như đang thẩm định hàng hóa.

“Lớn quá hay bé quá đều không được… Đang làm mà kính mắt rơi xuống thì cũng phiền, còn cháu thì có vẻ nặng…”

Cuối cùng, vừa nhìn Emily ông ta vừa nói.

“Cháu là người phù hợp nhất.”

Emily có vẻ hơi khó xử, nhìn về phía bọn cháu. Không rõ là vì nghĩ cho Emily, hay ghen tức vì không được chọn, Maki đề nghị tất cả bọn cháu cùng đến giúp. Ba đứa còn lại cũng nhất trí là nên làm như vậy.

“Cảm ơn các cháu. Nhưng mà phòng thay đồ chật lắm, đông người vào sẽ cản trở công việc, vả lại nhỡ bị thương thì không ổn, nên các cháu cứ chờ ở đây nhé. Sẽ xong ngay thôi. Nếu các cháu nghe lời, chú sẽ mua kem cho.”

Không có đứa trẻ nào phản đối. Người đàn ông nói, “Chúng ta đi thôi”, rồi kéo tay Emily băng qua sân. Bể bơi nằm ở phía bên kia của sân trường rộng, nên chúng cháu không nhìn theo hai người họ tới phút cuối mà lập tức quay ra tiếp tục chơi bóng chuyền.

Sau khi chơi bóng một lúc, chúng cháu ngồi xuống bậc thềm nhà thể chất giờ đã chìm trong bóng râm mát mẻ, bắt đầu tán gẫu. Nghỉ hè mà bố mẹ chẳng dẫn tớ đi chơi đâu cả. Giá mà nhà ông tớ ở xa nhà tớ một tí. - Emily bảo tuần sau cậu ấy sẽ đi Guam đấy. - Guam là ở Mỹ à? Hay đấy là tên một đất nước? - Không biết nữa. - Emily sướng thật đấy. Hôm nay cậu ấy cũng mặc bộ đồ giống búp bê Barbie. Khuôn mặt cũng xinh xắn. - Mắt Emily dài nhỉ. Đẹp thật đấy. Trong khi mắt bố mẹ bạn ấy thì đều to tròn như mắt người ngoài hành tinh. - Váy ngắn bạn ấy mặc dễ thương quá. Chân bạn ấy dài thật… Mà này, các cậu biết không? Emily đã ở tuổi đó rồi đấy. - Tuổi đó là tuổi gì? - Hả, Sae không biết à?

Đó là lần đầu tiên cháu nghe nói đến từ “Kinh nguyệt”. Tới năm sau, khi cháu lên lớp năm, tụi con gái mới tụ tập lại để nói về chuyện đó, mẹ cháu cũng chưa nói gì với cháu cả. Cháu không có chị gái, cũng không có chị họ lớn tuổi hơn, nên cháu hoàn toàn không tưởng tượng được nó là cái gì.

Ba đứa còn lại hình như đã nghe mẹ hoặc chị gái nói, nên giải thích cho cháu với khí thế như thể chúng đang truyền bá thứ tri thức gì ghê gớm lắm.

Kinh nguyệt là bằng chứng cho việc cơ thể của người đó đã có thể sinh con được. Nghe nói máu sẽ chảy ra giữa hai chân. - Hả? Nghĩa là Emily đã có thể sinh em bé rồi ư? - Ừ, đúng thế. - Chị gái của Yuka cũng thế à? - Ừ. Mẹ tớ bảo tớ cũng sắp đến tuổi đó rồi, nên đã mua quần nhỏ cho tớ. - Hả!! Cả Maki cũng thế á? - Nghe bảo những đứa trẻ lớn thì thường lớp năm là đến tuổi đó. Nhưng mà lên cấp hai thì cả Sae cũng sẽ vậy thôi. Mẹ tớ bảo lên tới cấp ba thì mọi người đều đã ở trong tuổi đó rồi. - Không thể nào! Tớ đã thấy ai mới học cấp hai mà đã sinh em bé đâu. - Đó là vì họ không tạo ra em bé thôi. - Tạo ra nghĩa là sao? - Hả, Sae này, không phải ngay cả việc làm thế nào để có em bé cậu cũng không biết nốt đấy chứ? - À, phải rồi, phải kết hôn trước nhỉ. - Không phải! Thật là… Họ phải làm mấy chuyện không đứng đắn với đàn ông thì mới tạo ra em bé được.

Cháu thật sự lo cô sẽ nổi giận, xé thư vứt đi vì không hiểu cháu đang viết gì mất.

Đang mải nói chuyện thì bọn cháu nghe thấy bản nhạc Greensleeves vang lên, nhờ thế mới nhận ra đã là sáu giờ chiều.

“Hôm nay anh họ tớ sẽ dẫn bạn về chơi nên mẹ đã dặn tớ về trước sáu giờ.”

Akiko nói, chúng cháu cũng bảo hôm nay là Obon, phải về sớm hơn một chút, nên chúng cháu quyết định đi gọi Emily cùng về. Bốn đứa bọn cháu cùng đi ngang qua sân, vô tình nhìn lại, thấy bóng chiều đã dài ra rất nhiều so với lúc còn chơi bóng, lúc đó cháu mới lần đầu tiên nhận ra là Emily đã đi khá lâu nên trong lòng có hơi lo lắng.

Quanh bể bơi có hàng rào lưới thép, nhưng cửa vào không khóa mà được cố định bằng dây thép. Cho đến năm đó, đợt nghỉ hè hằng năm họ đều làm như vậy.

Bước lên bậc thang ở cửa vào là tới ngay bể bơi, phía trong có hai căn phòng thay đồ kiểu lắp ghép(*). Phía tay phải là dành cho nam, phía tay trái dành cho nữ. Vừa đi cạnh bể bơi, cháu vừa nghĩ, im ắng thật đấy.

Nguyên văn: prefabricated house, kiểu nhà mà các bộ phận của căn nhà được đúc sẵn ở xưởng rồi mang tới nơi chỉ việc lắp ráp lại.

Cánh cửa phòng thay đồ là dạng cửa trượt sang bên, đương nhiên ở đó cũng không có khóa. Cháu còn nhớ người mở cửa phòng thay đồ nữ là Maki, người đi đầu.

“Emily ơi, xong chưa?” Maki vừa hỏi vừa mở cửa, nhưng rồi bạn ấy kêu “Ơ kìa” một tiếng và nghiêng đầu khó hiểu. Vì bên trong không có ai cả.

“Hay họ làm xong nên về rồi chăng?” - Akiko nói.

“Thế còn kem thì sao? Hay là chú ấy mua cho mình Emily thôi?” - Yuka bực dọc nói, Maki đệm vào, “Thật không công bằng.”

“Ấy, còn bên này thì sao?”

Cháu trỏ tay vào phòng thay đồ nam, nhưng không nghe thấy động tĩnh gì từ bên trong cả.

“Chắc họ không ở đó đâu, vì nào có nghe thấy tiếng ai đâu. Đây này.”

Akiko vẫn bực bội, tay mở cánh cửa phòng thay đồ nam phía sau lưng mình. Thấy ba người còn lại chợt nín thở, Akiko ngạc nhiên quay đầu lại, liền sau đó sợ hãi hét lên.

Giữa nền nhà được trải tấm lót ván, Emily đang nằm sóng soài, đầu quay về phía cửa ra vào.

“Emily ơi!”

Maki run run gọi, sau đó mọi người đều gọi tên Emily. Emily mắt vẫn mở nhưng không hề động đậy.

“Nguy rồi!”

Maki kêu lên. Nếu lúc đó có ai nói với chúng cháu rằng Emily chết rồi, chắc chúng cháu sẽ sợ hãi mà bỏ chạy về nhà rồi cũng nên.

“Phải báo cho mọi người biết. Akiko chạy nhanh nhất, cậu tới nhà Emily. Yuka tới đồn cảnh sát. Tớ sẽ đi tìm thầy cô, còn Sae thì ngồi đây trông chừng nhé.”

Sau khi nghe Maki phân công, mọi người lập tức chạy đi. Bốn người chúng cháu ở cùng nhau cho đến lúc đó. Cháu nghĩ lời kể của cháu không khác với lời làm chứng của ba bạn kia nhiều lắm.

Bốn đứa chúng cháu đều bị hỏi đi hỏi lại nhiều lần về những chuyện trước khi xảy ra vụ án, nhưng lại không bị hỏi cụ thể những chuyện sau khi tìm thấy thi thể, vả lại bốn chúng cháu cũng chưa từng họp riêng nhau để nói chuyện về vụ án, nên cháu không biết lúc đó mọi người đã làm những gì.

Phần tiếp theo đây, vì thế, sẽ chỉ nói về những hành động của cháu.

Mọi người nhất loạt chạy đi hết, chỉ còn mình cháu bị bỏ lại trước cửa phòng thay đồ nam, cháu nhìn thân thể Emily lần nữa. Chiếc áo T-shirt bó màu đen bị cuộn lên trên, đến nỗi khó mà đọc được dòng logo hồng in chữ Barbie trên ngực áo, khiến cháu nhìn thấy làn da trắng và khuôn ngực bắt đầu nảy nở của Emily. Chiếc váy ngắn xếp ly kẻ đỏ cũng bị cuộn lên, phần thân dưới không có đồ lót lộ ra.

Dù được dặn là ở lại trông chừng, nhưng cháu có cảm giác, nếu cứ để Emily trong trạng thái này, khi người lớn chạy đến, họ sẽ mắng cháu mất. Dù không phải là người khiến Emily gặp phải cảnh này, cháu vẫn lo mình sẽ bị mắng rằng sao không sửa lại quần áo cho bạn, tội nghiệp quá, thế nên cháu đã bước vào phòng thay đồ ấy, vừa bước vừa run rẩy.

Đầu tiên, cháu dùng khăn tay của mình che đi khuôn mặt với đôi mắt mở trừng trừng, và dịch cơ thể đang chảy ra từ mũi và miệng của Emily. Rồi, cố gắng không nhìn về phía Emily, cháu dùng đầu ngón tay nhón vạt áo T-shirt để kéo xuống. Lúc đó cháu không biết thứ nhớp nhớp vương vãi trên bụng Emily là gì. Cháu cũng sửa lại váy như vậy. Ngay khi cúi khom người xuống, cháu tìm thấy chiếc quần nhỏ đã nhàu nát bị nhét vào ngăn dưới cùng của tủ đồ.

Cháu nghĩ, phải làm sao với cái quần nhỏ bây giờ. Áo hay váy thì có thể chỉnh lại mà không chạm vào cơ thể, nhưng quần nhỏ thì không làm như thế được. Nhìn đôi chân dài và trắng của Emily đang xoải ra theo hình chữ bát(*), cháu nhận ra có một dòng máu chảy ra từ giữa hai chân, men theo đùi bạn ấy.

Chữ bát: 八

Ngay lập tức, đột nhiên trở nên sợ hãi, cháu chạy ra khỏi phòng thay đồ.

Cháu nghĩ rằng mình có thể sửa sang lại quần áo cho Emily dù biết Emily đã chết, là bởi bạn ấy bị bóp cổ nên không có máu chảy ra. Ngay khi chạy ra khỏi phòng thay đồ, lần này tới lượt bể bơi trước mặt trở nên đáng sợ với cháu, chân cháu ríu lại. Thoáng chốc, mặt trời đã lặn xuống rất thấp, trời bắt đầu có gió. Khi nhìn thấy mặt nước hồ bơi gợn sóng, cháu chợt có cảm giác mình sẽ bị kéo xuống đó. Đi bơi vào dịp Obon thì sẽ bị ma kéo chân. Câu chuyện đã nghe kể từ nhiều năm trước chợt trở lại mòng mòng trong đầu cháu, cháu bị nỗi sợ hoang tưởng rằng ngay lúc này Emily đã đứng dậy, và để dẫn cháu theo cùng, bạn ấy sẽ đẩy cháu xuống hồ bơi. Cháu ngồi xổm, mắt nhắm tịt, tay bịt chặt tai, ôm lấy đầu mình, hét thất thanh liên tiếp như muốn xé rách cả cổ họng.

Tại sao cháu không thể ngất đi nhỉ? Nếu có thể chủ động ngất đi, thì có lẽ hoàn cảnh của cháu hiện tại đã khác.

Không biết cháu ngồi như thế bao lâu thì người đầu tiên - cô Asako - chạy đến. Những chuyện từ đó về sau, cháu nghĩ chính cô cũng nhớ rõ, nên ở đây, cháu sẽ chỉ viết đơn giản về mình thôi.

Yuka trở lại cùng chú cảnh sát trực đồn, ngay sau đó, là mẹ cháu, đang lo lắng vì chưa thấy cháu về thì bắt gặp đám đông xôn xao, nên chạy đến, rồi mẹ cõng cháu về nhà. Về tới nhà cháu mới khóc được. Cháu nghĩ cháu đã khóc to hơn cả khi kêu hét lúc trước nữa.

Mẹ cháu không tìm cách hỏi cháu ngay xem sự tình như thế nào. Cháu nằm trên những tấm đệm ngồi xếp cạnh nhau, mẹ đi pha trà lạnh cho cháu, rồi chậm rãi xoa xoa lưng cháu. Và rồi mẹ thầm thì một câu không đầu không cuối bằng một giọng trầm thấp.

“Thật may vì đó không phải là Sae.”

Vừa cảm nhận lời nói ấy ngấm dần vào đầu, cháu vừa nhắm mắt lại, chìm vào giấc ngủ.

Những điều cháu viết ra đây không khác nhiều so với lời làm chứng ngay sau khi xảy ra vụ án. Dù gặp phải sự việc kinh khủng như vậy, nhưng cháu nghĩ chúng cháu vẫn đã cung cấp lời khai khá chắc chắn. Chỉ có điều, đến lúc này cháu vẫn cảm thấy có lỗi vì chuyện cần phải trả lời rõ ràng nhất thì cả bốn chúng cháu đều không nhớ ra.

Cháu có thể nhớ lại chuyện ngày hôm đó rõ ràng trong đầu như những hình ảnh trên ti vi, vậy mà chỉ riêng khuôn mặt người đàn ông ấy là không thể nào nhớ lại được.

“Chú đó quấn một chiếc khăn bông nhỏ màu trắng trên đầu ạ.”

“Chú ấy mặc bộ đồ lao động màu xám.”

“Ơ, không phải là màu xanh nhạt à?”

“Tuổi của chú ấy ư? Nhìn chú ấy khoảng bốn, năm mươi tuổi ạ.”

Đường nét tổng thể thì cháu có thể nhớ ra, nhưng không tài nào nhớ ra khuôn mặt. Ông ta cao hay thấp, béo hay gầy, mặt tròn hay nhọn, mắt to hay nhỏ, mũi, miệng, lông mày thế nào? Có nốt ruồi hay vết sẹo ở đâu không? Dù có hỏi từng chi tiết thì cháu cũng chỉ biết nghiêng đầu ngẫm nghĩ mà không đáp được.

Chỉ có điều, chắc chắn là “trước đó cháu chưa nhìn thấy ông ta”.

Thị trấn quê xôn xao lên vì vụ án suốt một thời gian. Thậm chí, mẹ cháu phải đuổi một người họ hàng vì tò mò mà tới tận nhà hỏi chuyện cháu. Giữa lúc đó, “vụ trộm búp bê Pháp” lại được dân trong phố xì xào bàn tán. Họ đồn rằng trong thị trấn này, hoặc thị trấn bên cạnh có kẻ biến thái hứng thú với các bé gái. Hẳn là tên hung thủ ăn trộm búp bê Pháp thấy chỉ búp bê thôi thì không đủ, nên đã ra tay giết hại một cô bé dễ thương giống búp bê rồi. Những chuyện đó được người ta thì thầm nói với nhau như thể chúng đã được chứng thực vậy.

Một thời gian sau, thấy cảnh sát tới hỏi chuyện những nhà bị mất búp bê lần nữa, hầu hết mọi người đều cho rằng hai vụ án ấy có cùng một hung thủ.

Kẻ biến thái thích các bé gái chính là hung thủ.

Nhưng trong lòng cháu có gì đó không đồng tình với giả thuyết này. Bởi người có ngoại hình phù hợp với từ “bé gái” nhất chính là cháu.

Từ sau vụ án, mỗi khi đầu óc lơ đãng, hình ảnh thi thể Emily lại hiện lên trong đầu cháu. Đó là hình ảnh đen trắng, chỉ riêng dòng máu chảy dọc đùi là đỏ thẫm. Và gương mặt của Emily dần biến thành gương mặt cháu, đầu cháu bắt đầu đau ong ong. Ôm đầu thật chặt, trong cháu chỉ có một suy nghĩ.

“Thật may đó không phải là mình.”

Hẳn là cô cho rằng suy nghĩ đó của cháu thật thiếu nhân ái. Cháu không biết ba bạn còn lại nghĩ gì. Có lẽ có bạn sẽ thương cảm cho Emily, có bạn sẽ bị dằn vặt cắn rứt vì đã không thể cứu được bạn ấy. Còn cháu, chỉ riêng việc lo cho bản thân đã đủ chiếm hết tâm sức của cháu rồi.

Tiếp sau ý nghĩ “Thật may không phải là mình” ấy là ý nghĩ “Tại sao lại là Emily nhỉ?”, nhưng trong lòng cháu, cháu đã có một câu trả lời rõ ràng. Đó là, trong năm đứa chúng cháu, chỉ có mình Emily đã trở thành người lớn. Bạn ấy đã trở thành người lớn, nên mới bị người đàn ông ấy giở trò đồi bại và giết chết.

Người đàn ông - gã hung thủ đó lúc ấy đang đi tìm những cô bé vừa trở thành người lớn.

Một tháng trôi qua, rồi thêm nửa năm, rồi một năm, cảnh sát vẫn chưa tìm ra được hung thủ. Cô Asako chuyển về Tokyo khoảng ba năm sau khi vụ án xảy ra nhỉ. Cô đã nhận ra rằng, vì lời hứa khi đó, nên giờ đây cháu mới viết bức thư này chưa?

Sau vụ án, ngày tháng dần trôi đi, người dân thị trấn không còn nhắc tới vụ án nữa, song nỗi sợ trong cháu lại càng lúc càng lớn lên. Tuy cháu không nhớ mặt hung thủ, nhưng biết đâu gã vẫn nhớ mặt cháu. Biết đâu, hung thủ tưởng rằng mình đã bị nhớ mặt, nên sẽ tìm giết cháu và những bạn kia để bịt miệng. Đến giờ người lớn vẫn quan tâm để ý đến chúng cháu, nhưng mọi người đang dần quên đi. Có khi hung thủ đang chờ chúng cháu đi riêng với nhau để ra tay không biết chừng…

Dù làm gì, cháu cũng có cảm giác mình đang bị hung thủ theo dõi qua khe hở cửa sổ, từ sau các tòa nhà, từ trong xe ô tô.

Sợ quá, sợ quá. Mình không muốn bị giết đâu. Để được như vậy thì…

Mình không được trở thành người lớn!

Dù đôi khi vẫn cảm thấy có ánh mắt theo dõi, nhưng cùng với thời gian, dần dần số lần cháu nhớ về vụ án đó đã ít hơn. Có lẽ cũng nhờ hồi cấp hai và cấp ba, cháu đã vào câu lạc bộ kèn, câu lạc bộ có quy định nghiêm ngặt nhất trong các câu lạc bộ khối văn hóa, hằng ngày cháu đều phải luyện tập chăm chỉ, nên không còn thời gian cho việc ấy nữa.

Nhưng không phải cả thể xác và tâm hồn cháu đều đã được giải thoát khỏi vụ án đó. Cháu nhận ra điều ấy, nói đúng hơn là buộc phải nhận ra, khi cháu mười bảy tuổi, học lớp mười một.

Đã tới tuổi đó nhưng cơ thể cháu vẫn chưa đón kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Mẹ cháu bảo dẫu cơ thể có nhỏ bé đến đâu, tới tuổi đó mà chưa có kinh thì vẫn là một việc bất thường. Có thể do cơ địa mỗi người một khác, nhưng vẫn nên đến bệnh viện khám một lần xem sao. Nghe lời mẹ, cháu đã tới khoa phụ sản của bệnh viện tỉnh ở thị trấn bên cạnh.

Việc một học sinh cấp ba bước qua cánh cổng khoa phụ sản là một việc rất cần dũng khí. Cháu nhận ra từ trước tới giờ mình đã không hề để ý đến chuyện kinh nguyệt của bản thân và tuy cháu có đoán được nguyên nhân, nhưng chắc gì đã vì thế mà kỳ kinh đầu tiên không tới, lỡ cháu thực sự mắc bệnh phụ khoa gì đó thì nguy. Nghĩ thế nên cháu đã thu hết can đảm để tới đó.

Trong thị trấn của cháu cũng có bệnh viện tư có khoa phụ sản, nhưng cháu không muốn người dân ở đây trông thấy cháu lui tới một chỗ như thế. Cháu chẳng mấy khi nói chuyện cùng tụi con trai, huống hồ là hẹn hò gì với ai, thế nên càng không thể chịu được chuyện người ta bàn tán linh tinh sau lưng mình. Đó chính là lý do.

Bác sĩ nói kết quả xét nghiệm không có gì bất thường, nên có thể do nguyên nhân tâm lý gây nên, rồi hỏi cháu xem ở trường hay ở nhà có bị căng thẳng, ức chế gì không.

Khi biết tình trạng tâm lý có thể khiến một người đón kinh nguyệt muộn, hoặc làm họ tắt kinh, cháu đã hiểu và chấp nhận tình trạng của mình. Nếu cháu trở thành người lớn, cháu sẽ bị sát hại. Nếu cháu bắt đầu có kinh nguyệt, cháu sẽ bị sát hại. Ban đầu cháu chủ ý nhắc nhở điều đó với bản thân, về sau cháu ngầm ám thị nó với cơ thể mình hoàn toàn trong vô thức. Vậy là dù cháu không còn nghĩ đến vụ án đó nữa, nhưng một phần sâu thẳm trong não cháu vẫn bị vụ án đó chiếm giữ.

Bác sĩ khuyên cháu nên đi tham vấn tâm lý hoặc tiêm hormone định kỳ, nhưng cháu chỉ đáp sẽ bàn bạc với bố mẹ rồi ra về, sau đó không tới bệnh viện lần nào nữa. Cháu báo với mẹ việc cơ thể mình không có bất thường gì, chỉ là hơi muộn một chút thôi.

Tốt nhất là nó đừng bắt đầu trước khi hết thời hạn khởi tố. Cháu nghĩ thế.

Dù đã đi khỏi thị trấn, hòa mình vào dòng người, sinh sống giữa những người không biết về vụ án ấy, nhưng có thể cháu vẫn sẽ tình cờ gặp lại hung thủ. Nhưng một cơ thể chưa trưởng thành sẽ bảo vệ cháu. Cháu muốn có được cảm giác an tâm đó.

Dần dà, cháu còn mong ngày hết thời hạn khởi tố đến sớm và bản thân được giải thoát khỏi vụ án ấy hơn là việc hung thủ bị bắt và vụ án được lật lại.

Không liên quan gì tới lời hứa với cô Asako cả.

Nhưng cháu chưa từng nghĩ có ngày sẽ gặp lại cô.

Sau khi tốt nghiệp khoa Anh văn của trường đại học nữ sinh, cháu làm việc trong một công ty thương mại tầm trung chuyên về thuốc nhuộm. Ở công ty đó, bất kể là tốt nghiệp khối tự nhiên hay xã hội, hai năm đầu mọi người đều phải làm việc trong phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm. Mục đích là để mọi người hiểu rõ công ty mình đang phân phối những sản phẩm như thế nào.

Lần cuối cháu chạm vào ống nghiệm và cốc becher(*) là trong giờ hóa học ở trường cấp ba, và lần đầu tiên cháu thấy một chiếc máy dùng để phân tích có giá tới hàng triệu yên như vậy. Lúc đó, dù được chỉ cho tên những cỗ máy dạng hình hộp vuông là Gas Chromatography và Liquid Chromatography, cháu cũng không hiểu được chúng là máy dùng để làm gì, nhưng vẫn nhận ra nhãn mác được vẽ ở một góc máy.

Loại cốc có mỏ và chia vạch, thường được dùng để pha trộn các chất hóa học trong phòng thí nghiệm.

Công ty chế tạo máy Adachi. Trong cháu liền nảy sinh cảm giác thân thuộc, hóa ra khu nhà máy ở vùng quê có không khí trong lành ấy chế tạo những loại máy như thế này, nhưng đồng thời, cảm giác khó chịu vì bị rình rập ở thị trấn thôn quê đó lại dâng lên trong cháu, nên mới đi làm chưa lâu mà tâm trạng cháu đã trở nên thật phức tạp.

Mùa xuân năm thứ ba sau khi đi làm, khi cháu vừa kết thúc hai năm đào tạo và được chính thức phân về phòng kế toán, trưởng phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm đã tới dò hỏi ý cháu về việc đi xem mắt.

“Cháu họ của ông giám đốc điều hành công ty đối tác làm ăn lâu năm với chúng ta có lần tình cờ trông thấy cháu nên đã nhờ bác sắp xếp cho hai đứa gặp mặt.”

Nếu trưởng phòng gặp riêng cháu và nói về việc này, thì dù đó có là đề nghị của cấp trên đi chăng nữa, cháu cũng sẽ ngay lập tức từ chối. Bởi cháu không phải một người có thể kết hôn với người khác được. Nhưng trưởng phòng lại nói như vậy rất to trong phòng kiểm tra chất lượng, khi xung quanh có bao nhiêu là nhân viên vào cùng đợt với cháu đang thu xếp đồ đạc để chuyển sang phòng ban chính thức của mình. Khi bác ấy đưa cho cháu xem ảnh và profile(*) giới thiệu bản thân của người đó, mọi người liền hứng thú vây quanh cháu.

Ở Nhật, khi đề nghị một buổi xem mắt, phía người đàn ông sẽ gửi cho phía cô gái một bản hồ sơ giới thiệu về bản thân có kèm ảnh để cô gái xem và quyết định có nhận lời tới xem mắt không.

Mở ảnh, các cô gái khen “Trông được đấy.” Mở profile ra xem, các anh đồng nghiệp nức nở, “Cậu này khá thật!” Nhìn cảnh đó, trưởng phòng chêm vào, “Thế nào, rất được đúng không?” làm mọi người càng thêm phấn khích. Mọi người xung quanh đều bắt đầu khuyên nhủ lấy được người đó là có phúc phận lắm, rằng ấy là cơ hội lớn nhất trong đời, nên cháu chẳng có cơ hội mà từ chối, đành phải đồng ý gặp mặt.

Tại sao một anh chàng ưu tú xuất thân từ một trường đại học hàng đầu, làm việc trong công ty thương mại hàng đầu, vẻ ngoài cũng bảnh bao như vậy lại đề nghị xem mắt một cô nhân viên văn phòng của một công ty thương mại hạng ba như cháu nhỉ. Anh ấy đã nhìn thấy cháu khi nào, lúc cháu đang làm gì để rồi có hứng thú với cháu? Cháu đã nghĩ suốt về những điều đó cho tới ngày gặp mặt, cuối cùng cháu kết luận là anh ấy chắc đã nhầm người.

Anh ấy đề nghị là không đặt nặng nghi thức quá, chỉ hai người đi ăn một bữa bình thường thôi, nhưng điều đó trái lại làm tâm trạng cháu càng nặng nề hơn. Từ sau khi đi làm, cuối cùng cháu cũng có thể trò chuyện bình thường với nam giới, nhưng cháu chưa từng đi ăn riêng với một người lần đầu gặp mặt bao giờ.

Cháu mặc chiếc váy liền màu hồng đúng không khí mùa xuân mà người bạn ở công ty rất nhiệt tình chọn cho. Vừa đến sảnh khách sạn nơi hẹn gặp, người có khuôn mặt giống hệt trong ảnh đã chạy tới bên cháu. Đó là anh Takahiro.

Với cách nói lịch sự và vui vẻ, anh ấy xin lỗi vì đã thông qua cấp trên để đề nghị hẹn gặp, và cảm ơn cháu đã dành thời gian ngày nghỉ để tới đó. Về phía cháu, cháu trở nên luống cuống, còn chưa chào hỏi được rành mạch rõ ràng thì đã đi theo anh ấy tới một nhà hàng Ý trên tầng cao nhất mà anh đặt chỗ trước. Sau khi lấy lại bình tĩnh, cháu liền đưa cho anh ấy tệp profile giới thiệu bản thân không viết được điều gì đáng kể cho lắm.

Nhưng anh ấy không mở nó ra mà đặt lên góc bàn rồi nói:

“Em ngày trước sống ở thị trấn XX phải không?”

Nghe nói tới tên thị trấn có không khí trong lành đó, cháu bất giác nín thở. Anh ấy vẫn tươi cười nói tiếp.

“Anh cũng từng sống ở thị trấn đó ba năm hồi anh học từ lớp sáu đến lớp tám. Anh học trên em hai lớp, chắc em không nhớ nhỉ?”

Chẳng những không nhớ, cháu thậm chí còn không biết anh ấy. Hồi anh ấy học lớp sáu, cháu đang học lớp bốn. Năm đó nhà máy ấy vừa xây xong, trong trường toàn là học sinh chuyển từ nơi khác đến.

“Tiếc thật. Có lần chúng ta còn đi chơi với nhau rồi mà. Tour tham quan búp bê Pháp ấy, khi đó em là người đi đầu làm hướng dẫn viên nhỉ?”

Cháu nghĩ, hóa ra anh ấy nằm trong đám trẻ đó, nhưng không nhớ ra cụ thể anh ấy là đứa bé nào. Nhưng anh đã chuyển chủ đề trước khi cháu kịp nhớ ra cảm giác thua kém trong tour tham quan, và vụ trộm búp bê Pháp sau đó. Anh ấy đã ở đó ba năm, vậy đương nhiên anh ấy biết về vụ án kia, thậm chí có lẽ anh ấy biết cháu có liên quan tới vụ án, nên mới tế nhị chuyển chủ đề sớm cũng nên.

Anh Takahiro kể rằng mình phụ trách bán hàng cho bộ phận kinh doanh đồng hồ, nên hay có cơ hội đi Thụy Sĩ, và đúng dạo cảm thấy hoài niệm thị trấn đó vì nó có nét giống với Thụy Sĩ, thì anh ấy tình cờ trông thấy cháu và rất muốn gặp cháu.

Khi cháu hỏi anh ấy trông thấy cháu khi nào, thì anh đáp có lẽ là trong sự kiện nào đó của công ty cháu, hình như là dịp liên hoan cuối năm. Cháu nêu tên một nhà hàng Trung Hoa, anh bảo chính là nơi đó, anh và bạn cũng tới nhà hàng ấy. Có chuyện tình cờ đến vậy ư? Thật xấu hổ, lúc đó cháu đã cảm thấy như thể giữa chúng cháu có một thứ định mệnh nào đó, nhưng giờ nghĩ lại, có lẽ đó chỉ là anh ấy thuận miệng nói thế thôi.

Sau đó, mỗi tuần cháu và Takahiro hẹn gặp nhau một, hai lần. Chúng cháu cũng chỉ đi ăn, đi xem phim, đến viện bảo tàng, giống như những buổi hẹn hò bình thường của bao người khác, nhưng mỗi khi ở cạnh anh ấy, thật kỳ lạ là cháu liền được giải phóng khỏi cảm giác đang bị ai đó rình rập, tới mức dần dần mỗi lần chia tay, cháu lại muốn ở bên anh ấy thêm một chút nữa.

Nhưng anh ấy không một lần rủ cháu đi khách sạn hay đề nghị tới căn hộ chung cư mà cháu đang ở một mình. Đương nhiên mỗi lần anh ấy đưa cháu về chung cư bằng taxi, cháu cũng không mời anh ấy lên phòng uống trà hay gì cả. Nếu anh ấy lên đó thì mi định làm gì tiếp? - Giọng nói ấy vang lên từ sâu thẳm trong đầu cháu, nhưng cháu không biết đó là giọng nói của ai.

Anh ấy đột nhiên cầu hôn vào buổi hẹn hò thứ bảy.

Đó là ngày đầu tiên chúng cháu nắm tay nhau. Thực ra, hôm đó là buổi công diễn đầu tiên của một ca sĩ nổi tiếng, trong hội trường đông đúc chúng cháu suýt thì lạc mất nhau, nên anh ấy đã kéo tay cháu đi, nhưng chỉ như vậy cũng đủ khiến trái tim cháu đập rộn. Sau đó, cháu đã rất buồn, giữa lúc xem trình diễn trong khán phòng tối, cháu đã rơi nước mắt.

“Anh được cử đi công tác dài hạn ở Thụy Sĩ, em có thể đi cùng anh không?”

Anh ấy nói với cháu như vậy sau khi món tráng miệng kiểu Pháp và một ly rượu hợp vị với loại tráng miệng đó được bưng tới. Đó là một nhà hàng mà mỗi bàn được ngăn ra thành một phòng nhỏ riêng, giống như một nơi ở ẩn, vô cùng phù hợp cho những cặp đôi hạnh phúc trao nhau lời cầu hôn. Giá mà cháu có thể tiếp nhận lời đề nghị trong mơ ấy không một chút đắn đo, thì sẽ hạnh phúc biết chừng nào.

Nhưng cháu đã không thể làm như vậy. Cháu có lý do cho sự không thể đó.

Khi cháu cúi thấp đầu nói lời xin lỗi, anh ấy hỏi cháu tại sao. Mọi việc đương nhiên sẽ diễn ra theo trình tự đó, nhưng cháu đã bối rối không biết phải nói gì. Cháu nghĩ, mình có thể dùng mấy câu rất điển hình kiểu như, “Thay vì để ý tới một cô gái chẳng có gì nổi bật như em, xin anh hãy kết đôi với một người nào đó xứng đáng với anh hơn” để từ chối, nhưng như thế sẽ không đúng với thành ý của cháu, nên cháu đã quyết định bày tỏ lý do thật sự.

Cháu chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ kể ra chuyện không muốn nghĩ tới ấy để đáp lại một lời cầu hôn.

“Em là một cô gái có khiếm khuyết.”

Gương mặt anh hiện rõ vẻ ngơ ngác. Cháu nghĩ đó là vì câu trả lời ấy nằm ngoài dự liệu của anh. Trước khi cơn xấu hổ cuộn lên và trào ra bên ngoài, cháu nói liền một mạch.

“Từ nhỏ cho tới bây giờ, khi em đã hai mươi lăm tuổi, em chưa từng có kinh nguyệt lần nào. Bởi vì phần nào đó trong trí óc em đã cản trở việc cơ thể em trở thành cơ thể của một người lớn. Với cơ thể này, em không nghĩ mình có thể sinh hoạt vợ chồng một cách bình thường, càng không thể sinh con được. Một người có tương lai rạng ngời như anh không nên kết hôn với một sản phẩm lỗi như em.”

Lần đầu tiên trong đời cháu nguyền rủa sự tự kỷ ám thị mà cháu đã thực hiện để bảo vệ bản thân. Cháu đã rất hối hận, nếu biết chuyện sẽ thế này, thì hồi học lớp mười một cháu đã đi tiêm hormone và tham vấn tâm lý rồi.

Nhưng cháu nghĩ nếu khóc lúc này thì rất hèn, nên cháu cố gắng nén nước mắt lại. Cháu cho món tráng miệng xinh xắn như một món đồ thủy tinh tinh xảo, với nhiều loại dâu đủ màu sắc rực rỡ trang trí bên trên lớp kem bông làm từ sô cô la trắng lên miệng nhai ngồm ngoàm. Dâu tây, mâm xôi, nham lê, việt quất… Dù có biết hết tên những loại quả này, cháu vẫn mãi mãi bị trói buộc với thị trấn thôn quê đó.

“Không sao cả.”

Anh Takahiro nói: Chỉ cần em đi cùng anh thôi. Lúc anh đi làm về mệt mỏi, trong nhà đã có em đợi sẵn. Anh có thể kể những chuyện xảy đến trong ngày với em, rồi ôm em chìm vào giấc ngủ. Anh không thể tưởng tượng ra thứ hạnh phúc nào hơn thế. Em có thể cùng anh bắt đầu cuộc sống mới ở Thụy Sĩ, nơi giống với thị trấn mà chúng ta đã cùng nhau sinh sống ấy được không?

Vả lại, rời Nhật Bản cũng đâu phải việc không tốt với em. Em trở nên như thế này chắc chắn là vì vụ giết người năm đó. Có lẽ em sẽ lo lắng rằng ở một nơi giống với thị trấn ấy, em sẽ nhớ lại chuyện cũ. Nhưng anh có thể nói chắc chắn điều này với em.

Ở nơi mới không có tên hung thủ ấy. Và ở đó sẽ có anh bảo vệ em.

Khi nghe anh Takahiro hỏi anh có thể mời vợ chồng cô Asako tới dự đám cưới được không, cháu đã rất ngạc nhiên. Đó cũng là lần đầu tiên cháu được biết bố của anh Takahiro chính là anh em họ gần với chồng cô Asako. Khi cháu nói, lỡ đâu nhìn thấy em, cô chú ấy sẽ nhớ lại vụ án đó và sẽ đau khổ thì sao, anh ấy liền đáp rằng cô chú nói rất vui lòng đến dự.

Thật lòng mà nói, nếu có thể, cháu không muốn gặp lại cô Asako chút nào. Vì cháu lo sợ cô sẽ không tha thứ cho cháu, khi cháu chưa thực hiện được lời hứa kia mà đã định tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng cháu đâu có quyền đưa ý kiến về việc tổ chức lễ cưới. Bởi chi phí cho bữa tiệc cưới xa hoa được tổ chức tại một bảo tàng mỹ thuật do một kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế, nơi mà một số cặp ngôi sao cũng đã tới cử hành hôn lễ, hầu hết đều là do phía nhà anh Takahiro, bao gồm bố mẹ anh và những người họ hàng có vị trí cao trong công ty chế tạo máy Adachi chi trả. Thứ duy nhất cháu có quyền chọn chỉ là chiếc váy cô dâu mà thôi.

Nhưng trong ngày cưới, cô Asako đã nói với cháu rằng hãy quên vụ án đi và hãy sống thật hạnh phúc. Lời nói đó đã làm cháu vui sướng biết bao… Một niềm vui khác nữa cháu nhận được là điều bất ngờ mà anh Takahiro đã chuẩn bị sẵn.

Khi bàn với anh Takahiro về chuyện lễ cưới, cháu vẫn nghĩ tới lúc đãi tiệc, cháu sẽ thay sang một chiếc váy cocktail(*) khác màu. Nhưng anh ấy lại gạt chuyện ấy đi, bảo cháu rằng cháu nên mặc váy cưới trắng cho đến phút cuối. Và rồi như cô thấy, giữa buổi lễ, đột nhiên một chiếc hộp lớn có đính nơ được trao cho cháu như một món quà bất ngờ từ chú rể, rồi người tổ chức tiệc liền tới dẫn cháu mang theo chiếc hộp về phía phòng nghỉ tạm.

Váy cocktail là loại váy dự tiệc nhẹ, tiệc thân mật gia đình, thường có phần ngực bó sát và độ dài váy không quá gối quá nhiều.

Khi cháu mở hộp, bên trong là một chiếc váy màu hồng. Phần ngực và diềm váy được viền bằng lông vũ trắng, vai và hông có đính những bông hồng tím cỡ đại. Sau khi thay xong váy, cháu còn được cài lên đầu chiếc trâm cài tóc làm từ bông hồng tím và lông vũ trắng nữa. Nói vậy cháu mới nghĩ tới, có lẽ vốn ban đầu bộ váy đã có kèm theo chiếc trâm. Vừa nghĩ vậy, cháu vừa ngắm mình trước gương soi toàn thân, ở đó, hình ảnh con búp bê Pháp trong phòng tiếp khách ở ngôi nhà cũ của cháu hiện ra.

Vừa băn khoăn tại sao như vậy, cháu lập tức nhớ ra rằng lần đầu tiên cháu và anh Takahiro gặp nhau là trong tour tham quan búp bê Pháp. Cô bé gái tự hào khoe con búp bê cũ với những đứa trẻ xuất thân thành phố. Cháu nghĩ anh ấy đã nhớ lại hình ảnh cháu ngày đó, nên mới đặc biệt đặt may chiếc váy giống với búp bê cho cháu, để cháu được ngạc nhiên và vui sướng.

Thấy cháu trở lại hội trường hôn lễ, anh Takahiro nín lặng nhìn cháu một hồi, rồi anh cười tươi, khen cháu rất đẹp.

Vài ngày sau, sau khi được mọi người chúc phúc và trải qua những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc, cháu và anh Takahiro lên đường đi Thụy Sĩ. Cảnh sắc khi nhìn xuống từ máy bay ngày càng nhỏ dần, cùng với đó, cảm giác được tự do cũng dâng lên tràn đầy trong cháu.

Ở đó không có tên hung thủ ấy. Và ở đó sẽ có anh bảo vệ em - Nhưng hung thủ đã ở đó.

Thị trấn cháu đang ở có không khí rất giống với thị trấn thôn quê đó, nhưng những thứ còn lại thì đều đẹp đẽ và dễ thương, tới mức sẽ thật có lỗi nếu ví nó với thị trấn ấy. Hôm nay là tròn hai tuần từ khi hai đứa chúng cháu bắt đầu cuộc sống riêng với nhau.

Ồ, vậy là mới chỉ hai tuần thôi ư.

Vừa viết ra như vậy cháu vừa có chút ngạc nhiên. Từ đầu thư đến giờ, cháu đã viết khá bình tĩnh, nhưng từ đoạn này trở đi, cháu không tự tin rằng mình sẽ viết được suôn sẻ cho tới phút cuối. Nhưng đoạn về sau này mới là đoạn cháu cần phải viết ra nhất.

Đầu tiên là chuyện về ngày đầu tiên chúng cháu đến thị trấn này.

Vì anh Takahiro nói nhà mới đã có sẵn những thứ thiết yếu cho cuộc sống, như đồ gỗ và bát đĩa, nên cháu đã bỏ đi hầu hết đồ đạc mình dùng khi còn sống một mình, quần áo cũng chỉ gửi những món cần thiết tối thiểu sang trước. Sau khi quyết định chuyện cưới xin, anh Takahiro vẫn tới Thụy Sĩ công tác mấy bận, nên việc chuẩn bị nhà cửa anh đã tiến hành luôn trong những lần đó.

Chúng cháu đến sân bay trước buổi trưa theo giờ địa phương, người công ty tới đón nên cháu cũng đi cùng đến công ty để chào hỏi, ăn một bữa cơm ra mắt mọi người, thậm chí ở đó còn nhận được quà mừng đám cưới, sau đó cháu và anh Takahiro lên chiếc ô tô công ty chuẩn bị cho để đi về nơi ở mới.

Ngày hôm đó, cháu đã ồ lên thán phục trước tất cả những thứ mình nhìn thấy, nhưng trong số đó, tiếng thán phục lớn nhất là khi cháu về tới nhà mình, một ngôi nhà giống như nhà búp bê cổ nằm trong một góc khu nhà ở cao cấp. Cháu đã thốt lên, Tuyệt quá, tuyệt quá không biết bao nhiêu lần.

Nhà xây hai tầng, tầng một có một phòng khách kiêm nhà bếp và phòng ăn rộng cùng hai phòng riêng. Trong phòng khách có bày bộ xô pha và giá sách, cháu nhanh chóng bày chiếc đồng hồ nặng trịch vừa được tặng làm quà cưới để trang trí phòng, nhưng phòng vẫn có chút gì đó thật nhàm tẻ. Bát đĩa cũng đã có đủ bộ, nhưng cháu còn muốn có bộ cốc uống nước đôi nữa. Thấy cháu háo hức bảo bàn ăn sẽ hợp với khăn trải bàn màu cam, và nên treo thật nhiều ảnh cạnh cửa sổ kính, anh Takahiro vừa cười vừa nói cháu hãy làm theo những gì mình thích. Rồi anh thêm vào, nhưng trước đó em dọn dẹp hành lý đã nhé. Những thùng các tông gửi từ Nhật sang đang chất lung tung trong căn phòng riêng bên cạnh.

Trên tầng hai có bốn phòng riêng với diện tích khác nhau. Căn phòng lớn nhất ở phía trong là phòng ngủ, những phòng còn lại anh ấy nói cháu có thể sử dụng tùy thích, nên cháu đi lần lượt xem từng phòng một, bắt đầu từ căn phòng trước mặt. Vừa nghĩ, nhà này rộng tới mức chỉ sống hai người thì thật lãng phí, cháu vừa bước đi trên hành lang rộng, định đặt tay lên tay nắm cửa của căn phòng ở phía trong cùng.

Lúc đó anh ấy nói chỗ này để sau hãy xem. Anh ấy bảo, để hôm nay có thể dùng luôn căn phòng này, anh ấy đã chuẩn bị sẵn từ lần tới đây lúc trước rồi, nên giờ hãy đi ăn tối đã. Ý nghĩ phòng ngủ đã được chuẩn bị đầy đủ làm cháu xấu hổ, cháu không mở cửa nữa mà theo anh tới một nhà hàng ăn gần đó.

Chúng cháu uống bia, ăn những món ăn địa phương đơn sơ nhưng ngon miệng, và về nhà trong tâm trạng vui vẻ. Lúc đó anh Takahiro chợt nhấc bổng cháu lên bằng hai tay, bế cháu trước ngực, bắt đầu đi lên cầu thang. Anh đi qua hành lang, mở cánh cửa của căn phòng trong cùng, vào bên trong và chậm rãi đặt cháu vào khoảng giữa phòng. Bên trong phòng tối thui, không nhìn rõ thứ gì, nhưng cháu biết mình đã được đặt lên giường.

Anh ấy kéo cái dây khóa phía sau lưng chiếc váy liền, váy trôi tuột từ vai xuống. Trong mấy ngày sống trong khách sạn ở Nhật, vì anh Takahiro bận bàn giao công việc nên chúng cháu vẫn chưa làm gì cả, nhưng thời khắc nên đến cuối cùng cũng đã đến rồi. Dù cơ thể cháu không được toàn vẹn, nhưng với tình yêu của cháu với anh ấy, cháu sẽ làm được. Anh ấy sẽ dẫn dắt cháu.

Khi cháu nín thở cảm nhận nhịp đập trái tim rộn lên, chợt thấy có thứ gì bồng bềnh che phủ lấy đầu mình. Hai cánh tay cháu lần lượt được xỏ vào tay áo, khóa sau lưng được kéo lên, rồi anh kéo tay để cháu đứng dậy, đoạn cẩn thận chỉnh sửa lại phần thân váy dài cho cháu, lúc đó cháu mới biết anh ấy vừa mặc một chiếc váy cho mình.

Đúng lúc đó, phòng bừng sáng lên. Anh Takahiro đã bật đèn phòng. Đồng thời, một thứ đập vào mắt cháu, đó là một con búp bê Pháp. Trên chiếc bàn gỗ được chạm khắc rất đẹp đặt ở cạnh giường, con búp bê đó nhìn về phía cháu và mỉm cười, khuôn mặt nó giống hệt con búp bê đặt trong phòng khách nhà bố mẹ cháu.

Anh ấy đã mua một con giống hệt cho cháu ư? Không phải vậy. Bên dưới mắt phải của búp bê có một nốt ruồi giọt lệ nhỏ. Nhưng nó mặc bộ váy khác. Không phải màu hồng, mà là một chiếc váy màu xanh dương. Và chiếc váy anh ấy vừa mặc cho cháu cũng là một chiếc váy màu xanh dương như thế.

Cháu ngơ ngác quay lại nhìn thì thấy anh Takahiro đang ngắm nhìn cháu với nụ cười giống nụ cười hôm lễ cưới. Và rồi anh nói:

“Con búp bê trân quý của anh.”

“Chuyện này là… thế nào?”

Ngay khi cháu nặn ra mấy tiếng khàn khàn, một tiếng thét sắc nhọn được ném về phía cháu: “Không được nói chuyện!” Nhìn gương mặt nóng nảy với nụ cười đã tắt ngấm kiểu tâm thần không ổn định ấy, cháu chợt nhớ ra anh ta là đứa trẻ nào trong đám con trai đã đi theo tour tham quan búp bê Pháp dạo đó.

Không thể hiểu nổi hoàn cảnh mà mình bị đặt vào, không được phép cất tiếng, cháu đứng yên trong tình trạng cứng ngắc toàn thân một lúc, thì anh ta chợt trở lại vẻ mặt vui tươi mọi khi, đặt cháu ngồi xuống giường rồi bản thân cũng ngồi xuống bên cạnh.

“Xin lỗi vì anh đã lớn tiếng, em sợ lắm phải không?” - Anh ta dịu dàng hỏi, nhưng cháu không thể trả lời được. Vì anh ta đang nhìn cháu, nhưng đó không phải là ánh mắt dành cho một người đang sống. Thấy cháu im lặng nhìn lại, anh ta vuốt ve đầu cháu và khen cháu ngoan. Rồi anh ta bắt đầu kể.

Cho đến lúc đó, anh vẫn chưa từng thích ai bao giờ. Những đứa con gái xung quanh anh từ hồi bé tí đã bị tiêm nhiễm thói cư xử như thể mình xuất chúng lắm, trong mắt anh chúng thật xấc xược và nhàm chán. Mẹ anh chính là phiên bản người lớn của các cô gái ấy, bà suốt ngày kêu ca về những thuộc cấp kém cỏi ở phòng nghiên cứu và về bố anh - người làm việc cùng bộ phận với bà.

Nhưng lần đó nhà anh phải chuyển nhà. Ở thị trấn chẳng có thứ gì, khiến người ta phải nghĩ nơi này cũng là Nhật Bản đó ư? Ở đấy có những đứa trẻ thuộc kiểu mà anh chưa hề biết tới. Chúng thô kệch, ăn nói bỗ bã, và hay ghen tị. Cứ nghĩ sẽ phải sống với lũ ấy mấy năm trời là anh lại gần như phát điên.

Đúng lúc đó một đứa con gái ở cùng chung cư đến rủ anh đi xem một thứ mà theo nó là rất thú vị. Ban đầu không biết thứ ấy là búp bê, anh quyết định đi theo những đứa trẻ bẩn bẩn, quê mùa đó chỉ để bớt buồn chán. Những đứa trẻ thôn quê tự tiện mở cửa vào nhà người khác, hét tướng lên xin cho xem búp bê, người trong nhà cũng không lộ diện, chỉ hét trả là cứ xem tự nhiên. Anh không thể tin được. Rằng có một trò chơi kiểu tới phòng khách nhà người khác để xem những món đồ trang trí trong phòng như thế.

Nhưng trò chơi ấy hóa ra lại thú vị. Ngoài búp bê, nhìn vào những vật được bày trong phòng đó như tranh vẽ, bằng khen hay quà lưu niệm, anh có thể tưởng tượng ra những người sống trong ngôi nhà ấy. Đến khi người giống hệt như trong tưởng tượng của anh xuất hiện với trà lúa mạch hoặc nước Calpis trên tay, thì anh thán phục mình vô cùng. Trong lúc đi xem, đến nhà thứ tư, anh nhận ra rằng thần thái con búp bê khá giống với đứa trẻ ở nhà đó, nên anh chú ý quan sát kỹ hơn. Tuy rằng đó toàn là những ấn tượng xấu kiểu như hung hăng, điệu bộ, hoặc ngu đần mà thôi.

Anh nhớ nhà gần cuối cùng là nhà em. Anh đã sớm phát ngán, đang định im lặng ra về, nhưng khoảnh khắc nhìn thấy nó lần đầu tiên, anh đã nghĩ mình rất muốn có nó.

Cả khuôn mặt lạ lùng không rõ là trẻ con hay người lớn, vừa như một đứa trẻ già dặn, lại giống một phụ nữ trưởng thành có gương mặt trẻ thơ; lẫn đôi chân đôi tay dài mảnh dẻ, nhìn chỉ muốn vươn tay chạm vào ấy của nó đều thật hấp dẫn. Anh đã nghĩ giá như có thể đặt nó bên cạnh mình, để có thể trò chuyện với nó khi nào mình muốn, thì tốt biết bao. Đồng thời anh cũng hy vọng như thế với chủ nhân của con búp bê. Nhưng cô bé chủ nhân đó lại chỉ là một cô bé nghèo hèn chốn thôn quê có nốt ruồi ở cùng vị trí với con búp bê mà thôi.

Về nhà rồi anh vẫn không thể quên được con búp bê đó. Khi tiếng cãi nhau của bố mẹ từ phòng bên vọng sang, anh lại nhớ đến nó, khi thằng bạn cùng lớp cười nhạo vì anh không biết luật lệ trò chơi đá lon, anh cũng nhớ đến nó. Và rồi cuối cùng, anh quyết định sẽ biến nó thành của mình.

Trong ngày lễ hội, mọi người sẽ càng thiếu phòng bị hơn, nên anh đã dễ dàng lấy trộm được búp bê. Anh tạm mang nó về nhà cẩn thận, rồi thực hiện năm vụ liền như thế. Bởi nếu chẳng may việc anh lấy cắp búp bê bị lộ, anh cũng không muốn người nào biết được rằng anh yêu con búp bê đó. Những con búp bê khác anh đã vứt hết vào lò đốt của nhà máy ngay trong tối hôm ấy rồi.

Anh không có cảm giác tội lỗi đâu. Vì anh tự tin rằng mình sẽ trân trọng em hơn bất kỳ ai khác.

Ngay sau chuyện đó, vụ giết người đã xảy ra. Vì nạn nhân là cô bé sống cùng chung cư, nên chỗ anh bàn tán xôn xao lắm, nhưng so với việc đó, thì việc người ta gộp vụ anh ăn trộm búp bê với vụ giết người còn làm anh ngạc nhiên hơn.

Anh luống cuống, không ngờ mình lại bị nhầm với tên hung thủ giết người, nên quyết định sẽ đi gặp cô bé có liên quan tới vụ án để điều tra thử. Và anh đã tới nhà em. Đứa bé anh cố tìm cách để gặp ấy vừa trở về từ trường học hoặc từ đồn cảnh sát, có mẹ đi cùng, vừa nhìn xuống đất vừa bước đi. Đột nhiên, trong khoảnh khắc, ánh mắt anh chạm ánh mắt cô bé ấy. Khoảnh khắc ấy anh đã rùng mình. Bởi vì cô bé có đôi mắt giống hệt em.

Anh nghĩ, tuy cô bé chỉ là một cô con gái thôn quê nghèo khó, nhưng có thể cô bé sẽ trở nên rất tuyệt vời. Em với chiều cao chưa tới một mét cũng rất dễ thương, nhưng có khi em với chiều cao của người trưởng thành, sẽ càng diễm lệ hơn ấy chứ. Anh sẽ không chỉ nói chuyện được với em khi em đứng, mà còn có thể cho em ngồi, cùng em đi dạo, đêm có thể ôm em ngủ, dự cảm đó đối với anh kỳ diệu như một phép mầu vậy.

Nhanh chóng sau đó, báo chí bắt đầu đăng tin kẻ tình nghi là một người đàn ông chừng bốn mươi đến năm mươi tuổi, nên anh không còn bận tâm đến vụ án nữa. Anh chỉ còn nghĩ về em.

Có vẻ em không nhận ra, nhưng anh đã luôn dõi theo em. Ở trường, trên đường đi học, trước cửa nhà. Sau đó do bố mẹ chuyển công tác nên anh phải chuyển về Tokyo, nhưng mỗi dịp nghỉ, anh lại trở về thị trấn đó để xem tình hình em ra sao. Tất nhiên mỗi lần đều là giả vờ đến chơi nhà một thằng bạn ít khó chịu nhất của anh đang sống ở thị trấn đó.

Em đã lớn lên theo đúng cách mà anh kỳ vọng. Từng có lúc anh lo lắng rằng, lỡ như trong vô thức em nhiễm phải cái thói ghê tởm thích lấy lòng đàn ông thì anh phải làm sao, nhưng ở em không hề có chút dấu hiệu nào như thế. Hồi đại học, có lần anh đã định thử bắt chuyện với em, nhưng anh đã kiềm chế lại, vì anh muốn để dành đến khi mình tạo dựng được nền tảng vững chắc để đón em về đã.

Em nói em là một cô gái khiếm khuyết. Khi nghe điều đó, anh còn rùng mình sung sướng hơn cả lần ánh mắt chúng ta chạm nhau. Bởi anh biết rằng, em thực sự là một cô búp bê sống bằng da bằng thịt. Nếu như vụ án đó đã giúp anh có được cô gái lý tưởng của mình, thì anh phải cảm ơn tên hung thủ đó rồi.

Nào, đến đây nào. Trong đêm em sẽ là búp bê bé nhỏ của anh.

Không rõ vì ngồi máy bay, hay do nói nhiều nên mệt, anh ta ôm lấy cháu với bộ váy vẫn mặc trên người, như ôm con búp bê quý giá của anh ta, rồi ngay sau đó chìm vào giấc ngủ.

Thật kinh tởm, thật mắc ói… Cảm giác lúc đó của cháu không thể diễn tả hết bằng một vài câu được. Cảm giác một thời gian dài bị ai đó rình rập hóa ra không phải là tưởng tượng. Dù biết đó không phải là hung thủ, nhưng cháu cũng chẳng có được chút cảm giác tự do nào. Trái lại, cháu còn lo sợ vì mình đã rơi vào tay kẻ còn biến thái hơn tên hung thủ kia nữa, khiến cháu không thể chợp mắt nổi. Ngày mai mình phải về Nhật Bản thôi. Trong đầu cháu chỉ nghĩ tới chuyện đó.

Nhưng rồi, sáng ra, dù thấy cháu đang lặng lẽ rời khỏi giường, anh Takahiro cũng không ngăn cháu lại. Cháu đi tắm, thay bộ đồ bình thường, làm một bữa sáng đơn giản với trứng và bánh mì mua sẵn hôm trước, thì thấy anh ấy dậy và bước tới như chưa có gì xảy ra.

Anh vui vẻ nói với cháu rằng hôm nay anh ấy phải đi làm rồi, nếu ở nhà buồn hay có khó khăn gì thì hãy gọi cho anh ấy bất cứ khi nào cháu muốn. Anh ấy còn hôn cháu trước khi đi tới công ty.

Có thể chuyện tối qua chỉ là một giấc mơ thôi. Không, chuyện tối qua là thật, nhưng có thể là do anh ấy uống bia say. Có thể anh ấy thích con búp bê quá nên mới lấy trộm, rồi vì xấu hổ nên mới bịa ra tất cả những chuyện ấy.

Vừa tự nhủ với mình như vậy, cháu vừa vào phòng ngủ để dọn dẹp, thì con búp bê đã ngồi sẵn đó chờ cháu với nụ cười dịu dàng. Nó mặc một chiếc váy đầm màu đỏ. Trong phòng có giường ngủ, bàn, và một tủ quần áo có họa tiết chạm khắc giống với chiếc bàn. Cháu chậm rãi tiến tới tủ đồ, hai tay kéo mạnh cánh cửa hai bên ra. Trong đó có váy vóc sặc sỡ đủ màu, mỗi mẫu có một bộ cho cháu và một bộ cho búp bê, được chia thành hai ngăn rất ngăn nắp.

Nhìn thấy chúng, cháu chùn người lại, nước mắt chảy ra, nhưng rồi dần dần, cháu bật cười. Trong bóng tối đột nhiên bị mặc cho thứ trang phục như thế, rồi còn phải nghe kể những chuyện mà người có đầu óc bình thường không thể hiểu nổi như vậy, cháu đã rất sợ hãi, nhưng chiếc tủ đồ có chứa đầy váy vóc được ánh sáng ban ngày soi chiếu ấy thật rực rỡ và vui mắt, và cũng thật ngớ ngẩn mắc cười, như chú hề trong rạp xiếc vậy.

Anh ấy làm thế nào để thu thập được những bộ đồ này nhỉ? Anh ấy sẽ không vẽ chúng ra bằng bút chì màu và mang đi đặt may đó chứ? Giống như cuốn Ghi chép về búp bê mà cháu đã vứt đi từ lâu ấy.

Chắc hẳn Takahiro thời thơ bé đã thiếu mất thứ quan trọng gì đó. Nếu con búp bê - mà nếu không bị trộm thì chắc vài năm sau sẽ bị vứt đi - trong phòng khách nhà cháu có thể bù đắp lại thứ đó, thì chẳng phải đó là điều rất tuyệt vời sao. Và bây giờ tới phiên cháu mỗi ngày vài tiếng tiếp nhận công việc bù đắp ấy. Người dẫn cháu từ thị trấn thôn quê kia tới nơi xa xôi này chính là anh ấy. Để hai con người khiếm khuyết có thể sống cùng với nhau, rất cần đến một thứ nghi thức buồn cười đủ để che giấu đi những khiếm khuyết đó.

Cháu đã từng rất giỏi trong việc tự kỷ ám thị mà.

Tối đó, khi anh Takahiro đi làm về, nhìn thấy cháu mặc bộ đồ bình thường giống như ban sáng, anh có vẻ không hài lòng, nên trước khi anh kịp phàn nàn, cháu đã nói liền một hơi.

“Nơi đây, dù là ban đêm, vẫn là không gian cần thiết để em có thể sống như một con người. Hãy để em ăn tối, tắm giặt bình thường, rồi chúng ta cùng nhau đón buổi đêm thực sự trong căn phòng đó nhé?”

Cháu lo lắng rằng ý nghĩ “đón buổi đêm với thân phận của một con búp bê” nghe sẽ hơi kẻ cả, nhưng anh đã mỉm cười và hỏi cháu tối đó ăn món gì.

Dù như vậy nhưng tới ngày thứ hai, thứ ba, trò đóng giả búp bê đã trở nên thật khổ sở đối với cháu. Nếu chỉ cần lặng im nghe anh ấy nói chuyện thôi thì không sao, nhưng anh ấy còn đưa tay vào trong váy cháu, vuốt ve khắp cơ thể cháu, những chỗ da thịt hở ra liền bị anh hôn hít, khiến cháu khó lòng chịu đựng được. Thế nhưng ngày qua ngày, cháu dần quen với việc ấy, thậm chí cháu dần muốn anh ấy chạm vào mình nhiều hơn. Cháu mong mỏi tới giờ mình được làm búp bê, và nuối tiếc mỗi khi trời sáng.

Nhưng buổi tối hôm qua thì khác.

Từ sáng cơ thể cháu đã hơi gây gấy sốt, bụng dưới bắt đầu đau âm ỉ, đến chiều thì không thể đứng dậy nổi. Cháu nằm xuống xô pha trong phòng khách, quấn chăn quanh người nhắm mắt lại, nhưng rồi tiếng kim đồng hồ quay cạch cạch khiến cháu không ngủ được. Cháu bèn nhét chiếc đồng hồ xuống dưới gầm xô pha, cuối cùng cháu ngủ được một chút, nhưng cơn đau vẫn không dịu đi.

Trong lúc ấy, trời đã tối, anh Takahiro đi làm về. Nhìn sắc mặt tái mét của cháu, anh ấy có vẻ lo lắng, thấy cháu xin lỗi vì chưa chuẩn bị được bữa tối, anh nói cháu không cần bận tâm chuyện đó.

Có lẽ cháu không nên buông lỏng bản thân khi thấy anh ấy dịu dàng như vậy. Được đà, cháu nói luôn rằng hôm nay mình muốn ngủ ngoài xô pha một mình. Anh Takahiro liền lạnh lùng nói, “Anh không cho phép.” Giờ nghĩ lại, không hiểu tại sao khi đó cháu lại nổi giận đến thế, nhưng quả thực tối qua cháu đã vô cùng tức giận, nỗi giận dữ cuộn trào lên trong lòng.

“Trong những ngày em mệt mỏi thế này, anh đừng bắt em chơi trò chơi biến thái đó với anh nữa.”

Ngay sau khi cháu nói như hét lên như vậy, một cơn đau rõ rệt chạy khắp má cháu.

“Cô vừa nói gì?”

Anh Takahiro tát cháu, rồi ghé sát gương mặt đáng sợ vào mặt cháu. Nhưng cháu không lùi lại. Vì cháu quá khó chịu.

“Tôi vừa nói là biến thái đấy. Anh không nhận ra bản thân mình biến thái hay sao?”

Cùng với tiếng hét của anh, một cơn đau sắc bén nữa lại chạy dọc trên má cháu, cháu ngã xuống sàn. Anh trèo lên trên phần bụng dưới vẫn đang đau âm ỉ của cháu, đặt hai tay lên cổ cháu.

“Rút lại câu nói đó mau! Giờ vẫn còn kịp đấy, tôi sẽ tha thứ cho cô, nên hãy rút lại lời cô vừa nói và chắp tay xin lỗi tôi ngay!”

Chính là vào lúc đó. Cháu cảm nhận được giữa hai chân mình có một thứ dịch thể đặc và ấm đang chảy ra. Không cần ngồi dậy nhìn cháu cũng tưởng tượng được nó có màu gì. Và rồi, khoảnh khắc tiếp theo, những sự việc xảy ra trong vụ án ngày đó lướt trong đầu cháu như một cuốn băng tua nhanh.

Những đứa trẻ chơi bóng, người đàn ông mặc bộ đồ lao động xuất hiện, những đứa trẻ bị thẩm định như một món hàng, Emily bị dẫn đi, và cảnh tượng nhìn thấy trong phòng thay đồ ở bể bơi…

“Mình sẽ bị giết mất!”

Chuyện sau đó cháu không thể nhớ lại được.

Phía bên kia chiếc bàn ăn mà cháu đang ngồi viết bức thư này, trước ghế xô pha, anh Takahiro đang nằm đó. Dòng máu chảy từ đầu anh đã ngưng, đang chuyển màu đen và đông lại. Chiếc đồng hồ dính bê bết máu lăn lóc cạnh đầu anh. Dù ngồi cách xa anh, nhưng nhìn qua cháu cũng biết anh không còn thở nữa.

Cháu nghĩ chính cháu đã giết anh ấy.

Những hình ảnh tua qua trong đầu đã giúp cháu nhớ ra một điều.

Ngày đó, bốn đứa cháu đều gọi hung thủ là chú, nhưng ông ta không nhiều tuổi như vậy, có lẽ chỉ chừng ba mươi lăm. Cùng với việc hung thủ của vụ trộm búp bê và vụ đó là hai người khác nhau, vả lại thời hạn khởi tố vụ án vẫn còn, cháu thực lòng mong rằng điều này sẽ trở thành một manh mối hữu dụng, giúp vụ án đó được giải quyết.

Như thế này liệu cháu đã thực hiện xong lời hứa với cô chưa ạ?

Bây giờ cháu sẽ đi gửi bức thư này và về Nhật Bản. Vì cháu không biết trong trường hợp lỡ tay hạ sát chồng ở nước ngoài, cháu sẽ phải chịu hình phạt như thế nào, ở đâu, nên cháu sẽ về Nhật trước, rồi tới đồn cảnh sát gần nhất để tự thú.

Có lẽ cháu sẽ bị tống giam, nhưng cứ nghĩ tới việc sau khoảng thời gian đó, cháu có thể sống cuộc đời tràn đầy cảm giác tự do, thì cháu không thấy khổ sở chút nào nữa. Trái lại, lúc này, tâm hồn cháu vô cùng thanh thản. Cháu có cảm giác cuối cùng mình đã có thể trở lại là con người, được hít thở không khí trong lành như một lẽ đương nhiên, con người trước khi những người như cô tới thị trấn ấy.

Cô sống mạnh khỏe nhé. Vĩnh biệt.

Chương 1

Tiến >>

Nhà xuất bản Hà Nội 11-2019
Nguồn: TVE-4U - VCTVEGROUP Scan: songuyento Soát lỗi 1: melaniejng202 Soát lỗi 2: Caruri
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 20 tháng 2 năm 2024