Vùng Trời

hữu mai

TẬP I
Chương I
❖ 1 ❖

Hảo ra bến xe vừa kịp chuyến đầu tiên chạy Hải Phòng. Hai hàng ghế trên đã có người ngồi chật. Thấy cô gái ló đầu ở cửa sổ, một anh đeo kính nhỏm dậy, muốn nói gì. Có lẽ anh định nhường chỗ. Nhưng Hảo đã chạy vội về phía sau. Cô lên xe đặt chiếc túi du lịch vào gầm ghế, rồi vui vẻ ngồi xuống một chỗ còn trống Đệm xe ngồi khá êm ái. Có lẽ không phải là chiếc xe đã đưa Hảo từ Hải Phòng ra đây một tuần trước. Nhưng rồi Hảo nhận ra chiếc bọc đệm bằng ni lông màu đỏ và nhất là cái cửa kính vỡ được thay bằng một tấm tôn sơn xanh, vẫn chính là nó. Sao hôm nay nhìn nó lại có vẻ sang trọng, cô gái tự hỏi mình.

Một buổi sáng đầu mùa thu trong trẻo và yên tĩnh. Những dãy nhà của thị xã nhỏ ở miền biển này còn ngái ngủ. Một vài cánh cửa vừa hé ra đã vội khép lại. Hàng cây bên đường được sương đêm rửa đi lớp bụi hồng của những chiếc xe hơi chạy suốt ngày, bám trên những chùm lá. Mặt trời không biết còn chìm dưới biển hay khuất ở chân mây màu xám đục giống như tấm kính mờ. Gió sớm lành lạnh từ sông Bạch Đằng thổi về từng đợt.

Cô gái vẫn còn cảm thấy ngây ngất với mỗi làn gió ở đây. Nó mang theo mùi hương ngan ngát, vị đậm đà và hơi thở mãnh liệt của biển. Nó không chịu đi qua mà không để lại dấu vết. Nó làm xanh thêm màu xanh của lá, xám thêm màu xám của con đường nhựa, sẫm thêm màu rêu trên những mái nhà... Và nhất là nó để lại dấu vết ở những con người. Đó là cái chất men rạo rực, kích thích làm cho người ta cảm thấy cơ thể mình cũng căng lên như một cánh buồm lộng gió.

Cô bạn ở phòng phân tích mẫu vật ban nãy tỏ ra băn khoăn vì không tiễn được Hảo ra xe. Sáng nay, Loan phải lên ty họp sớm. Kể ra nó và cả cái phòng của nó đã thừa chu đáo đối với mình. Sự chu đáo đó làm cho Hảo phải ân hận khi nhớ lại những lần bạn về Hà Nội đến thăm mình.

Hảo vừa tốt nghiệp khoa sinh vật tại trường Đại học Tổng hợp và đang ở thời kỳ chờ đợi sắp xếp công tác. Cô xuống Quảng Yên chơi với một người bạn học cũ và cũng là để thăm hỏi tình hình. Hảo đã nhận thấy không khí làm việc khá dễ chịu. Cô bạn ra trường trước Hảo một năm, ngày hai buổi ngồi ở phòng phân tích, trông ra dáng một nhà nghiên cứu. Không có những khó khăn và thay đổi lớn so với lúc ở trường. Mọi người hay nhắc tới những chuyến đi biển. Đó là những chuyến đi tới những hòn đảo mang những cái tên tuyệt đẹp: Minh Châu, Cô Tô, Ngọc Vừng... Nghe anh chị em kể chuyện các đảo, Hảo phát ghen lên với những người đã được đặt chân tới đó. Chỉ mới ở có ít ngày, Hảo đã thấy rất mê sông biển và phong cảnh vùng này. Những khu rừng xanh mướt quanh năm. Những cây thông thơm ngát có những chùm lá vươn lên cao như những bàn tay đẹp của cô gái múa.

Những con sông cuồn cuộn đổ ra biển, đem phù sa từ đất liền tạo thêm bờ bãi mới. Cô gái đã ngồi hàng giờ nhìn những cây sú hoang dại đứng dầm chân trên bùn đỏ và những con cáy, con còng chạy ngang, chạy dọc say sưa nghĩ đến công việc mình sẽ làm sau này. Một chân trời xán lạn, xanh rờn sóng nước đang mở ra trước mắt. Trong khi mọi người kể cho Hảo nghe về cái hay của biển và đảo, có những người đã để lộ ra một điều: đó là sự ngại ngùng đối với sóng gió. Họ đã coi những chuyến đi biển như vậy là không thể tránh được vì nghề nghiệp của mình. Chính cái thái độ ấy đã kích thích Hảo. Mình sẽ không sợ những khó khăn, không tìm cách né tránh nó, không coi nó là cái gì mà mình chịu đựng. Mình sẽ không ở trong buồng kính như cái Loan và các bạn cùng phòng nó đâu. Mình sẽ xin đi... Tốt nhất là về một trong những đoàn điều tra mà Hảo nghe nói đang được tổ chức. Ở phòng thí nghiệm cũng hay nhưng ít nhất, trước khi vào phòng thí nghiệm, mình phải đi đã. Mình sẽ tự tìm đến với những khó khăn. Và chính ý nghĩ ấy đã đem niềm vui cho Hảo sớm nay khi cô gái lên đường trở về.

Anh thanh niên đeo kính ngồi ở hàng ghế phía trước quay lại bà có bồ na ngồi bên Hảo, hỏi mua ít quả đã mở mắt. Bà bán na đang chọn, thì một anh mặc quần áo xanh công nhân nói chen vào:

- Mua na mở mắt của bà ấy để bà ấy bóp mắt cho à?

Hảo quay lại nhìn anh áo xanh, lo câu nói của anh dẫn đến chỗ to tiếng. Nhưng bà bán na có bộ mặt ngắn ngủn và cái lưng rất dài, không hề tỏ vẻ tức giận.

- Chú em đừng nói càn. Ngoan rồi chị làm mối cho cô khí tượng ở Hà Nội mới về ở ngay nhà chị, đẹp như huê.

- Người Hà Nội mà về cái đất nhà bà ngày mấy lần gánh nước leo dốc sỏi thì cũng mất "phom" Hà Nội đi rồi.

Nhiều tiếng cười, trong đó nổi bật lên những tiếng hơ hơ hơ hơ...

của anh chàng đội mũ cát, mặc áo sơ mi trứng sáo. Anh bắt đầu gom chuyện bằng giọng nói hiền lành:

- Tôi sợ nhất đi xe đạp ở thị xã này. Đường chẳng có ma nào.

Mình một bên đường, cô ấy một bên đường. Thế mà trông thấy mình là cô ấy lao sang đâm thẳng vào mình, quẹo cả ghi đông.

Từ khi Hảo bước lên xe, nhiều người bỗng nhiên hoạt bát hẳn lên.

Mấy anh thanh niên đều như muốn giới thiệu mình là người Hà Nội hoặc Hải Phòng. Hảo không khó chịu chút nào, cô cười theo họ rất hồn nhiên.

Xe bắt đầu chuyển bánh. Những chùm lá tre lòa xòa hai bên đường cọ vào mấy chiếc xe đạp xếp trên mui. Những tiếng lạo xạo khô ráp như tiếng thóc đổ vào bổ. Anh áo xanh công nhân đã ngồi vào vị trí của mình ở cuối xe với cặp vé trong tay. Anh là người phụ lái.

Những câu chuyện ngổ ngộ vẫn không dứt. Chốc chốc lại rộ lên những chuỗi cười trong đó vẫn bay lên những tiếng hơ hơ hơ hơ... của cái anh chàng chắc là tính nết phổi bò.

Bác lái xe già sùm sụp chiếc mũ cát-két trên đầu, mặt mũi cau có.

Bác đưa mắt nhìn vào gương phía trước xem anh chàng vô duyên đang nói là ai. Chỉ có một cô gái mà cánh thanh niên này đã bốc đồng cả lên.

Đường ra sông Rừng vắng vẻ mà bác bỗng ấn những hồi còi.

❖ 2 ❖

Xe ô tô đổ người xuống bến Bính vừa kịp chuyến phà sang ngang.

Chiếc ca nô nhỏ xoay mình, dìu cái phà to bè, chở đầy người, xe đạp, xe tải ra khỏi bờ. Mặt sông xao động. Nước rất xanh, chắc là mặn, lúc này đã lấp lánh ánh mặt trời.

Tàu, thuyền đậu chen chúc trên bến cảng.

Những chiếc tàu phần lớn màu sắc sặc sỡ, bao giờ cũng là vật thu hút cặp mắt của người vừa đặt chân tới thành phố miền biển này.

Trên những tấm ván treo lơ lửng ở thành một con tàu, những thủy thủ người nước ngoài to béo, nước da đỏ sậm đang cạo gỉ và quét cho con tàu một lớp sơn mới. Mấy con chim hải âu cánh trắng lượn lờ quanh một chiếc xà lan để kiếm mồi. Chúng mới từ biển bay vào khi trời sáng.

Mình chưa có dịp để đi cùng những con tàu kia tới các vùng biển xa xôi nhưng chắc chắn không bao lâu nữa mình sẽ đi tới chỗ ở của những con chim này, cô gái nghĩ.

Một chiếc ca nô bé con con, lăng lăng chạy trên sông rúc còi inh ỏi. Từ một nhà máy ở bờ sông vang lại tiếng thình thình nhức tai của chiếc búa sắt đập vào tấm tôn dày... Hình như ở đó là nhà máy đóng tàu.

- Lên đi cô! - Một bà mang quang gánh đứng phía sau, cau có giục Hảo.

Phà đã ghé bến. Những chiếc xe tải rú máy, chờ người đi hết để lao lên bờ. Nghe tiếng gắt của bà bán hàng, một đồng chí thượng sĩ hải quần mặc bộ quần áo xanh đã bạc màu, quay lại nhìn Hảo mỉm cười. Đôi hàm răng đều hiện lên trắng lóa trên bộ mặt nâu bóng. Hảo hơi lúng túng. Cô xách cái túi du lịch bước vội lên bờ.

Lần đầu tiên tới đây, Hảo đã có cảm giác cả cái thành phố này cũng là một con tàu lớn. Những ống khói cao ngất chen chúc nhau tuôn khói đen, khói vàng lên bầu trời xanh ngắt, bát ngát đổ xuôi ra đại dương. Hàng chất đống ở bến, cao như núi. Những người thợ mặc quần áo đầy dầu mỡ. Những quán hàng dọn ngay trên vỉa hè. Nhìn mọi người đi lại trên đường, nghe họ nói năng với nhau, Hảo cảm thấy như mình đang đứng trong khoang của một con tàu hoặc đang đi ở sân sau một ngôi nhà lớn. Tất cả đều bề bộn, mộc mạc, không chút phô trương.

Cái thành phố trên bến dưới thuyền này rất ấm cúng, dễ thương.

Nhưng Hảo vẫn cảm thấy bỡ ngỡ. Có lẽ vì chưa có công việc gì gắn mình với nó. Và nhất là vì mình chưa quen biết ai ở đây.

Mãi 2 giờ chiều mới có xe lửa đi Hà Nội. Phải làm gì cho hết buổi sáng hôm nay? Đêm qua, khi nằm tính toán cuộc hành trình, Hảo nghĩ mình qua Hải Phòng sẽ hấp tấp lắm. Phải vào chợ kiếm chục cua bể đem về làm quà. Phải qua mậu dịch mua vài thứ đồ dùng lặt vặt mà ở Hà Nội lại hiếm. Phải tìm chỗ ăn cơm trưa. Rồi lại phải sắp hàng mua vé tàu. Nhưng bây giờ Hảo đã thấy, trừ việc ăn cơm trưa và mua vé tàu, làm tất cả những việc kia cũng chưa hết nửa buổi sáng.

Con ve sầu chưa dừng những tiếng nỉ non. Cây phượng mùa hè còn lác đác những chùm hoa đỏ. Hoa phượng là hoa của những mùa thi, những kỳ kiểm tra. Những mùa thi đối với mình đã kết thúc rồi. Ở ngoài cuộc đời chắc chẳng thể nào có những mùa thi đẹp như thế. Kể ra mình còn muốn kéo dài thêm vài năm nữa cuộc đời sinh viên.

Một hàng bán thức ăn sáng của mậu dịch còn để ngỏ cửa. Hảo ngó đầu vào, thấy những chiếc ghế đầu xếp chổng ngược trên mặt bàn đá. Các cô bán hàng đã cởi bỏ chiếc áo trắng có đánh số, xắn cao ống quần, hì hục cọ rửa nền nhà. Thực ra, Hảo không đói. Cô chỉ muốn tìm một chỗ ngồi nghỉ chân, giết thời giờ.

Những chiếc ghế đá trong vườn hoa đều để trống. Kể ra đây là một chỗ nghỉ chân tốt. Nhưng mặc dù không phải là một cô gái nhút nhát, Hảo vẫn thấy không nên ngồi một mình với cái túi du lịch giữa vườn hoa.

Vẫn những thanh niên mình trần đang say sưa với trái bóng tròn trên sân vận động Sông Lấp. Cái sân vận động nằm liền sát với vỉa hè, không có một lớp rào ngăn. Vào giờ này bãi tập vẫn không vắng người.

Có một số người đang đứng xem.

Hay là mình lại đó ngồi xem một lát. Nhưng Hảo nhận ra ngay không nên làm như thế. Những khán giả kia sẽ bỏ những cầu thủ trên sân bóng để quay lại xem chính mình. Nếu phải đối đáp với họ thì minh sẽ bị thiểu số tuyệt đối. Đúng là còn nhiều chuyện chưa hợp lý, nhiều vấn đề thực ra chẳng có quy định nào ràng buộc cả, nhưng lại rất khó vượt qua vi nó đã trở thành những thói quen lâu đời của xã hội.

Trong đám sinh viên gái, mình là đứa hay đầu têu những cuộc đấu tranh đòi bình đẳng với cánh con trai. Đó là những sinh viên cùng lứa tuổi mà ai mình cũng cho là "nhóc", là non choẹt. Nhưng đã nhiều lần mình vẫn cứ thua. Mình đã phải chịu thua những lập luận rõ ràng là "ngụy biện" của cánh đàn ông... Đấy là mình còn chưa chồng con gì.

Sao có đứa sau khi chồng con rồi, cam phận sống như những người nô lệ? Mình thì nhất định không bao giờ chịu như thế. Nếu có chồng, có con mà mất hết mọi say mê làm việc, mất hết tự do thì mình cứ sống mãi mãi như thế này.

Cô gái thong thả bước đi trên hè phố với những suy nghĩ miên man. Ôi! Cái thành phố miền biển to rộng, dễ yêu này, có lẽ nào lại hẹp hòi với mình đến cả một chỗ nghỉ chân...?

❖ 3 ❖

Thành phổ về buổi trưa yên lặng. Chỉ nghe thấy tiếng ve kêu.

Một người bạn mới về làm việc ở bến cảng, tình cờ gặp Hảo trong chợ Sắt, đã đưa Hảo đến cửa hàng tại bến ăn cơm trưa.

Hảo mua hai chai bia, định chia đôi uống với bạn.

Cô bạn Hảo chỉ uống được một cốc nhỏ, còn bao nhiêu Hảo uống hết. Nhưng trong khi đó, những người ngồi chung quanh nhìn vào bàn hai cô gái, lại cứ tưởng cái cô đeo kính cận là người đã uống cả hai chai bia. Cũng chính vì vậy mà người bạn phải về nhà ngay, không thể tiễn Hảo ra ga.

Hảo vừa đi ngang khu bãi trống, sang đến rặng cây to có nhiều bóng râm bên kia đường thì một tiếng còi nổi lên.

Thoạt đầu, cô nghĩ đó là tiếng rúc của một con tàu biển chuẩn bị ra khơi.

Nhưng tiếng còi lớn dần và gầm lên một cách dữ dội khác thường.

Hảo ngoái đầu nhìn về phía cảng. Quang cảnh ở đây bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Những người thợ khuân vác làm việc dưới các tàu biển đang ùa chạy lên bờ. Rồi cô lại nhận thấy có những người cao lớn mặc quần áo trắng từ trên bến, hấp tấp chạy xuống tàu. Cô biết đó là những thủy thủ nước ngoài lên giải trí, ăn uống tại cầu lạc bộ của cảng.

Hảo ngó quanh muốn tìm một người để hỏi xem chuyện gì xảy ra.

Phía đầu phố, nơi có ngôi nhà triển lãm màu hồng đồ sộ và nhiều con đường gặp nhau, những chiếc xe vận tải đang chạy lồng lên. Người đi xe đạp cúi đầu phóng vội. Người đi đường chạy tới tấp. Cả thành phố đang triền miên trong giấc ngủ trưa, bỗng chuyển động hẳn lên vì hồi còi lạ lùng.

Một toán thanh niên trai gái xách súng từ trong ngôi nhà gần đó chạy ra, vượt ngang trước mặt Hảo. Một cậu ngoái lại nhìn Hảo nhoẻn miệng cười. Tại sao cậu ấy lại cười với mình? Một anh đội mũ lưỡi trai xách khẩu trung liên chạy sau, nhưng cứ luôn mồm giục những người đi trước nhanh lên.

Người ở đâu bỗng túa ra nhiều thế?

Tiếng còi nhỏ dần đi rồi lại tiếp tục gầm lên to hơn, như thúc giục cả thành phố vội vã thêm, huyên náo thêm. Hảo tự mắng mình: con ngốc! Có thế mà không hiểu... Báo động máy bay địch!

Tiếng còi đã thôi không giục giã nữa, trầm dần xuống. Nó gầm lên nhè nhẹ một lần cuối cùng trước khi tắt hẳn. Những gợn sóng âm thanh đuổi nhau, chạy xa dần trong khoảng không.

Một ý nghĩ vụt đến: chiến tranh đã nổ ra ở miền Bắc rồi? Trong người cô gái có một cái gì đảo lộn rất mạnh.

Sự yên tĩnh đã trở lại nhanh chóng. Nhưng cái yên tĩnh lúc này khác hẳn với cái yên tĩnh ít phút trước đây, khi tiếng còi chưa nổi lên.

Một sự im lặng thì đúng hơn, căng thẳng, hừng hực như khi trời sắp chuyển bão.

Nhà hai bên đường phố cửa đều đóng kín. Những tấm kính lớn lung linh, hấp dẫn cặp mắt của các cửa hàng đã khuất sau những tấm ván lùa im lìm, màu sơn cũ kỹ.

Bãi đá bóng ban nãy đã trở thành một trận địa. Súng trường chĩa lên trời lố nhố. Một anh mình trần, quỳ một đầu gối trên bãi cỏ, cầm hai chân chống của khẩu trung liên giơ cao cho một người đứng sau thử ngắm bắn. Hình ảnh này Hảo đã nhìn thấy trên một bức tranh.

Thỉnh thoảng lại một chiếc mô tô ba bánh sơn màu xanh lá cây, bên trên có mấy đồng chí công an vẻ mặt nghiêm trang, chạy vút qua.

Không khí im lặng phút chốc bị khua rộn. Có chuyện gì ở phía ấy chăng?... Tiếng máy nổ nhỏ dần. Đường phố trở lại vắng tanh.

Tiếng cười ré lên của một cô gái từ sân thượng ngôi nhà gác vọng xuống. Hảo ngước mắt nhìn, thấy những cái đầu lố nhố quanh một khẩu trung liên.

Bầu trời vẫn êm ả. Đám khói vàng của nhà máy xi măng vẫn tỏa lan trên thành phố. Từ phía biển, một đám mây lớn chói lòa ánh nắng đang từ từ trôi vào. Có cái gì ẩn náu trong đó không?

Mình chỉ mới được nghe tiếng còi này lần đầu trong cuộc đời. Tại sao mình lại thấy cái tiếng u ú kéo dài ấy có một vẻ quen thuộc?...

Một bác có tuổi vừa giụi mắt vừa đẩy chiếc xích lô từ trong ngõ ra. Bác nhìn cái túi du lịch và những con cua kẹp trong tấm bẹ chuối ở tay Hảo, rồi hỏi:

- Cô ở nơi khác về phải không? Đi tàu Hà Nội à?

- Vâng.

- Cô vào tạm trong nhà tôi mà ngồi. Cạnh nhà tôi có cái cầu thang chắc lắm, hồi Nhật ném bom, nó đã cứu sống khối người đấy!

- Cảm ơn bác.

Bác trỏ vào chiếc xe của mình, nói tiếp:

- Nó bỏ bom đầu là tôi phóng đến luôn. Loại xích lô này mà làm công tác tải thương, cấp cứu thì nhất. Nhà đổ, cây cối đổ tôi cũng dắt xe vào được, chứ mấy cái anh cơ giới thì chịu chết... Tôi chỉ chở làm phúc thôi không tiền nong gì!

Ai nấy đều đã được chuẩn bị, chỉ có mình là chưa sẵn sàng, cô gái nghĩ. Chả lẽ mới có mấy tháng nằm chờ công tác mà mình đã bị tụt lại sau mọi người đến thế rồi ư!

❖ 4 ❖

Hồi còi báo yên đã trả lại cho thành phố mọi hoạt động bình thường. Những dòng người, xe đạp, xe hơi bị ứ lại trong gần một giờ qua lại tuôn chảy khắp các nẻo đường, hối hả bù lại quãng thời gian đã mất.

Âm thanh của những hồi còi dường như chốc chốc lại vang vọng trong không gian, như để nhắc nhở mọi người đừng có bao giờ quên nó.

Năng lượng của âm thanh như cô gái đã biết vốn hết sức nhỏ bé, lúc này lại có thể làm thay đổi không khí của cả thành phố. Nó đang tác động đến nhịp đập trái tim của mọi con người.

Chuyến xe lửa đi Hà Nội vẫn chạy đúng giờ.

Hảo đặt chiếc túi du lịch lên trên giá để hàng. Cô vừa ngồi xuống thì một ông tóc hoa râm, mặc áo sơ mi lụa, xách chiếc cặp đen, đến chỉ vào chiếc ghế trước mặt, hỏi:

- Đây có ai chưa cô?

- Chưa ạ.

Ông khách buông chiếc cặp xuống ghế, rồi quay lại hỏi mọi người:

- Các anh, các chị biết tin mới chưa?

Câu hỏi đã làm cho mọi người đều quay cả về phía ông, chờ đợi.

- Tôi vừa ở ty Bưu điện ra. Máy bay Mỹ ban nãy đánh Hồng Gai.

Nhiều tiếng lao xao.

- Đấy, bà chả cãi nữa đi! Tôi đã bảo là báo động thật...

- Cũng tưởng là Chính phủ thử tinh thần chuẩn bị của bà con...

Báo động thật mà tàu vẫn chạy ban ngày à?...

- Các bà yên lặng để ông ấy nói cho mà nghe - Một người lên tiếng.

Toa tàu im lặng trở lại.

- Kết quả ra sao, ông? - Một chị bế con rụt rè hỏi.

- Một thằng phi công nhảy dù, ta tóm cổ được. Phen này thì Giôn-xơn bị bắt quả tang, hết đàng chối quanh.

- Nó rơi bao nhiêu chiếc, ông? - Anh bán báo mặc bộ quần áo nâu, mặt mũi láu lỉnh hỏi ông khách bằng giọng thành thật.

- Rơi bao nhiêu chưa biết. Nhưng tóm được tù binh Mỹ thì tôi nghe tin rõ ràng.

Một người có bộ ria mép rất đen từ nãy đến giờ vẫn chăm chú đọc sách, ngẩng đầu lên, quay sang hỏi ông khách:

- Chính xác chưa đấy hả bác?

- Nhà bưu điện nói với tôi như vậy. Còn muốn biết chính xác hay không, thì bà con ta phải chờ anh này ngày mai trả lời - Ông khách trỏ tay vào anh bán báo, rồi ngồi xuống ghế như để kết thúc câu chuyện.

Cả toa tàu còn ẩm ầm lên một lúc sau đó. Phẩn lớn là những lời phỏng đoán. Có cả sự bán tín bán nghi Anh bán báo kể lại chuyện hải quân ta đánh tàu Maddox đúng như một bài tường thuật trên báo Quân đội nhân dân.

Ông áo lụa bỗng ngó hẳn đầu ra ngoài cửa sổ, nói to với một người nào đó:

- Lên đây anh, còn chỗ.

Ồng nói một mình đủ để những người chung quanh nghe thấy:

“Có ông nhà báo đây rồi! Tin của nhà báo chắc phải chính xác”.

Một anh bộ đội trạc ngoài ba mươi tuổi, mặc bộ quân phục mùa hè bạc trắng, tay cầm chiếc ba lô, hiện ra ở cửa toa, dáng điệu rụt rè.

- Lại đây, anh Trọng! - Ông áo sơ mi lụa gọi.

Anh giơ cái ba lô ra trước mặt, lách người đi giữa hai hàng ghế, đến bên ông mỉm cười ngồi xuống, hỏi khẽ:

- Bác cũng về chuyến này ạ?

Anh không biết vì lời giới thiệu trước của ông, anh đang được mọi người chú ý.

Ông áo lụa vừa gật đầu vừa hỏi:

- Vừa rồi nó đánh Hồng Gai phải không?

- Vâng. Tôi cũng mới được nghe tin ấy trên đường ra ga.

- Kết quả thế nào?

Anh bộ đội nhướn đôi lông mày rậm, đáp:

- Chưa rõ ạ.

Ồng áo lụa có vẻ thất vọng. Ông nhắc lại:

- Tôi nghe ngoài bưu điện nói có tin ta bắt được cả phi công...

- Tình hình dạo này có căng hơn. ở trong Nam, mình đánh mạnh - Anh bộ đội nói rất nhỏ.

Cái vẻ kín đáo, thận trọng và hơi rụt rè của anh đã làm cho Hảo tin ở những điều anh nói. Một cuộc kháng chiến mới đã bắt đầu trên miền Bắc rồi? Nó đã đến đúng vào lúc mình vừa rời ghế nhà trường.

Mình có thể làm gì? Những năm giùi mài học hành đã trở thành vô ích rồi chăng? Tàu chiến Mỹ đã vào vùng biển của mình. Máy bay của nó đã bay trên bầu trời của mình. Những trái bom của chúng đã bắt đầu rơi. Đời sống con người, loài vật, cỏ cây đều đang bị đe dọa. Những hiểu biết về khoa sinh vật của mình có thể dùng vào việc gì bây giờ?...

Giá mà mình là sinh viên của ngành y, ngành điện hay cơ khí...

Hình ảnh mấy cô tự vệ đứng trên tầng gác thượng vừa rồi hiện lên trong óc Hảo. Mình cũng sẽ làm như họ. Mình cũng phải ra mặt trận chứ không thể sống núp dưới sự che chở của những người khác.

Chả phải là đã có bao nhiêu phụ nữ cầm súng đi đánh giặc đó sao? Ít ra mình cũng có thể thành một cô cứu thương như mình đã được chuẩn bị trong những ngày học quân sự tại nhà trường. Mình sẽ đi vào một môi trường mới lạ. Mình sẽ rất bỡ ngỡ nhưng không sao. Mình sinh ra có phải đâu chỉ để ngồi ở buồng thí nghiệm.

Hảo nhớ lại nụ cười của đồng chí thượng sĩ hải quân sớm nay ở bến phà. Hình như lúc đó mình quay ngoắt đi... Mình đã có một cử chỉ thật không hay! Đối với các anh ấy, không phải chỉ một lần mình đã có thái độ như vậy. Cô gái bất chợt nhìn khoảng trời không một vẩn mây ngoài cửa sổ. Biết đầu các anh ấy đã trở về? Biết đâu trong những giờ phút vừa qua, trên khoảng không xanh ngắt kia, cuộc chiến đấu của chính các anh ấy đã bắt đầu... Những sợi dây điện đan võng trước mắt.

- Cô chú ý cái nón... gió làm bay mất!

Anh bộ đội ngồi trước mặt nói với Hảo. Hảo ngước nhìn anh, bắt gặp một cặp mắt sắc sảo.

- Cảm ơn anh.

Hảo nhắc chiếc nón ban nãy cô đặt trên cái bàn nhỏ cạnh cửa sổ, xếp lên giá để hàng. Tàu đã chạy từ lúc nào. Mặt trời chiều đang đủng đỉnh xuống dần trên cánh đồng xa.

TẬP I
Chương I
❖ 1 ❖

Tiến >>


Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 13 tháng 1 năm 2025