Mật Mùa Xuân

thủy nguyễn

Cả một đợt sóng ký ức ùa về khi tôi bỗng nghe mẹ hỏi: "bữa ni hăm mấy rồi hè?".Năm nào vào thời khắc này, tức là sau rằm tháng chạp thì mọi người không xem ngày bằng Dương lịch nữa,mà chỉ tính ngày bằng Âm lịch.

Còn không đầy một tuần lễ nữa là Tết rồi, nghe chung quanh đang chuẩn bị đón Tết làm tôi bồi hồi nhớ lại những mùa xuân tuổi thơ đã qua trong cuộc đời.

Thuở ấy tôi còn rất nhỏ, một bé gái mới lên mười, tóc dài thượt luôn được cột cao đằng sau như cái đuôi ngựa, người thì khẳng khiu như cây sậy, lúc nào cũng ngồi đứng không yên, chỉ chực chạy nhảy vui đùa.

Trong không khí se lạnh của những ngày giáp Tết, tôi được mẹ dẫn đi chợ Đông Ba để sắm sửa.Vừa bước ra khỏi nhà tôi đã rùng mình vì lạnh, mặc dù mẹ đã cẩn thận mặc cho tôi đến hai cái áo len.Suốt cả mùa đông mưa dầm lạnh buốt, đến hôm nay, những ngày cuối năm trời tạnh ráo, hửng nắng, làm Huế như đang thay áo mới sáng tươi và ấm áp.Từ nhà đến chợ, phải đi dọc theo mé bờ sông Bạch Đằng.Trên bờ hàng dừa nghiêng đầu rủ bóng xuống vạn đò đậu san sát vào nhau như đang thầm thì,than thở: " năm ni răng mà lạnh hơn năm ngoái dữ hè"...

Qua khỏi cầu Gia hội là đến chợ,tôi nắm chắc tay mẹ vì sợ bị lạc, vừa đến bến xe buýt tôi đã thấy đầy dẫy những chiếc xe đạp chở đầy hoa giấy Thanh Tiên từ Tiên Nộn lên bán rất sớm, rồi thì hoa nylon đủ màu, đủ kiểu từ Sài gòn chở ra cùng nhau khoe sắc.Đông nhất là hàng pháo, thôi thì đủ thứ, từ bánh pháo chuột nhỏ xíu cho đến những cây pháo tống to bằng cườm tay trẻ con, thậm chí có những dây pháo kết lại dài cả mấy thước đều được treo đầy trước mặt hàng, tiếng người mua bán mặc cả, tiếng gọi nhau í ới làm huyên náo cả một góc chợ.

Đi một đỗi, bên phải là bán đồ hàng bông, từng đống củ kiệu, củ hành, dưa chuột, cà rốt, đu đủ xanh đầy chợ...

Chỗ nào cũng thấy đông nghịt người, mẹ tôi kéo tôi băng băng qua các hàng bán đậu, nếp mua vội vàng các thứ để gói bánh chưng rồi bước qua hàng bán nguyên liệu làm mứt như khoai lang, bí đao, gừng, cam quật.Cũng chưa xong,rẽ tiếp vào hàng mã mua hương đèn,vàng bạc để chuẩn bị cúng giao thừa và đưa rước ông bà.

Rồi thì cũng tạm xong, mẹ thở phào một hơi và dẫn tôi vào lầu chuông mua áo quần Tết, bà chọn cho anh và em trai tôi hai quần tây dài và hai áo sơ mi kẻ sọc xanh, chị tôi được khúc vải màu hồng may áo dài, còn riêng tôi thì được mẹ chọn cho một chiếc áo đầm màu thiên thanh, điểm những bông mai màu vàng trông rất duyên, lúc ướm thử vào người, tôi như mê đi, thật lòng chẳng muốn cởi ra và mong ngày mai là ngày mùng một để được sung sướng chạy khoe khắp xóm với các bạn cùng trang lứa là con Hoa, con Hồng em.

Mua bán xong, mẹ dẫn về ngang qua bến phà nghỉ mệt để uống nước đậu ván giải khát, tôi thấy dòng người chen chúc lên xuống ở bến đò Đập Đá qua lại hối hả, kẻ lên người xuống làm ồn ào cả một vùng bến sông.

Hai mẹ con về tới nhà thì cũng đã gần trưa, sau khi ăn cơm trưa xong mẹ bắt đầu bày những thứ mới mua từ sáng ra để làm mứt và bánh,thế là tôi lại quên ngay chuyện áo mới và sà xuống bên mẹ xem rim mứt, mẹ luộc gừng cho bớt cay, ngâm vôi vào khoai cho săn lại,bào những sợi dừa thật trắng, thật dài giống như những sợi ruban thật đẹp, xong lại quay qua nấu nước đường để thay nước cho thẩu mứt me mẹ đã làm từ tuần trước.

Rồi bên ngọn lửa riu riu, mẹ kiên nhẫn rim từng thứ mứt một, hết thứ này đến thứ khác, xong lại đổ ra trong chiếc mâm đồng ba chân, có lót sẵn giấy báo, giao cho hai chị em ngồi gỡ từng lát mứt, dùng muỗng cán cho thật thẳng. Một tay cầm thau, một tay cầm muỗng, chị em tôi tranh nhau cào rột rột vào mấy cái thau vừa ngào mứt xong để lấy lớp bột đường còn bám ở đáy thau rồi ăn ngon lành.Những vị ngọt thơm lạ lùng ấy cứ theo tôi suốt quãng đời thơ ấu khiến tôi cứ bồi hồi mỗi khi nhớ lại, đó là những hương vị mùa xuân xứ Huế trong tôi của những tháng ngày được ấp ủ trong vòng tay mẹ.

Xong các món mứt mẹ lại chuyển sang làm bánh gateaux, những chiếc bánh nhỏ nhắn trong chiếc khuôn giấy đủ màu vàng ruộm thơm phức, trên một chiếc bánh là một trái nho khô làm duyên rất hấp dẫn, khi bánh đã nguội mẹ kêu tôi xếp vào những chiếc thùng thiếc giúp mẹ, những công việc nho nhỏ đó cũng là những bài học nữ công đầu đời mà mẹ đã dạy cho tôi.

Mứt và bánh xong thì trời cũng sắp tối, mẹ lại tất bật cho buổi cơm chiều, chị tôi lãnh phần xếp mứt vào thẩu theo từng loại rồi đậy kín chờ đến 30 Tết cúng rước ông bà, cúng Giao thừa và đãi khách trong ba ngày Tết.

Đến sáng hăm chín Tết, mẹ bắt đầu gói bánh chưng, mấy chị em ngồi chò hỏ vây quanh mẹ. Mẹ vừa làm vừa chỉ cho chị em tôi cách ngâm nếp, đãi đậu, lọc lá, chẻ lạt, mẹ còn chỉ cách ướp thịt và xào đậu xanh làm nhân bánh như thế nào, tay mẹ thoăn thoắt vừa làm vừa chỉ cho chị em tôi tập gói những chiếc bánh đầu tay, tuy chưa vuông vức, góc cạnh thẳng thớm như mẹ nhưng chị em tôi cũng rất đỗi tự hào...

Đêm lại ngồi dưới gốc cây Bích đào canh nồi bánh chưng với mẹ,tôi thoáng nghe đâu đây mùi hoa ngâu thoang thoảng trong vườn, tiếng pháo chuột nổ lẹt đẹt của trẻ con hàng xóm, hoà với tiếng lá xào xạc của cây khế trên mái tôn làm lòng tôi bỗng bâng khuâng, bồi hồi và ngủ thiếp đi trên lưng mẹ hồi nào không hay...

Sáng hôm sau khi nồi bánh đã chín, ba tôi bắt đầu vớt bánh để xếp lên tấm phản, nhìn chiếc bánh tự gói hôm qua tôi bỗng bật cười. Ôi chao, chiếc bánh hình thù thật là kỳ dị, nó không phải hình vuông bình thường mà là hình thang, nhưng tôi vẫn lấy làm hãnh diện cho tác phẩm đầu tay của mình nên cầm bánh chạy khoe khắp nhà.

Mẹ xoa tay nhìn lên tấm phản thấy nào là bánh chưng, bánh ngọt, các loại mứt xếp hàng mà mỉm cười hài lòng, tuy tất bật suốt cả ngày nhưng trong mắt bà lúc nào cũng lấp lánh niềm vui.

Bây giờ cuộc sống hiện đại, công việc luôn chạy đua với thời gian thì sự chuẩn bị mứt món, bánh trái cho gia đình vào dịp lễ Tết có lẽ như là điều không tưởng, vì chỉ cần một cú phone vào siêu thị thì một giờ đồng hồ sau đã có đầy đủ thức ăn cho một cái Tết và tôi lại lẩn thẩn nghỉ ngợi: chắc đến thế hệ cháu chắt của mình thì Tết đồng nghĩa với đầu năm cùng nhau vào nhà hàng ăn một bữa thật ngon.Thế là xong.... Buồn.

Sáng ba mươi, Ba tôi ra khỏi nhà để mua hoa, lúc về ông chở một cây mai vàng thật lớn và hai chậu hoa cúc đại đoá đầy bông, sau khi đặt hai chậu hoa cúc vào hai bên cửa ra vào, ông liền khiêng chậu mai để giữa nhà, cây mai thật to, nụ chi chít, lác đác vài hoa đã nở vàng mơ như những chiếc kén (tằm) vàng rực rỡ và thơm phức như mùi nếp mới.

Tôi đứng trước nhà nhìn qua bên kia sông, phố Hàng Bè lặng im, đường phố lúc này rất sạch sẽ vì hàng quán đã đóng cửa, nhìn lên chợ Đông Ba thấy vắng ngắt. Ai cũng ở nhà chuẩn bị đón Tết, con đường Bạch đằng của tôi im lìm, trước cửa nhà nào cũng có hai chậu hoa vàng tươi, gió chiều se se lạnh, nắng vàng nhạt đổ dài trên các chậu hoa cúc kéo thành những vệt sáng. Khi quay vào nhà sau thì mẹ tôi đã nấu xong mâm cơm cúng rước ông bà, mùi thức ăn thơm phức, quyện vào mùi hương trầm hoà với mùi pháo tạo thành một mùi đặc biệt do tôi cảm nhận được và tự đặt tên là "mùi Tết",mùi đặc trưng của Tết Huế quê tôi, mùi hạnh phúc mà tôi không thể nào quên được, dù đã ăn bao nhiêu cái Tết tha hương, có những cái Tết sung túc hơn, đầy đủ hơn, nhưng những hương vị ngày xuân này thì suốt đời tôi cũng chẳng bao giờ được gặp lại dù chỉ trong mơ....

Sau khi cả nhà quây quần bên bữa cơm chiều cuối năm thì chúng tôi trèo lên hết bộ ngựa sau nhà để chơi đỗ xâm hường, tiếng hột xí ngầu đổ vào tô kiểu nghe lanh canh thật vui tai, chơi chán rồi lại chia phe chơi bài Tới để chờ đón Giao thừa.

Còn năm mười phút nữa là Giao thừa, Ba tôi đang chuẩn bị bàn thờ, mẹ đang chụm môi thổi lửa trong lư trầm cho cháy bùng lên, anh tôi đang đem dây pháo treo vào cây tre dựng sẵn trước nhà, chị thì đang quét trước thềm nhà lần cuối trong năm,vì bắt đầu Giao thừa thì mẹ đã giấu cây chổi vào nhà kho để sáng mùng hai mới được tiếp tục quét nhà, chỉ có tôi và thằng em út là được mặc áo mới, đứng khoanh tay trước cửa để chực chờ mời Chúa xuân vào nhà.

Quê ngoại tôi là con đường Bạch Đằng ven sông, cậu dì,ông bà đều ở tập trung trên cái xóm nhỏ Bạch Đằng thân thương,thông thường Tết đến mọi người đều về làng ăn Tết, riêng tôi: làng ở đây, họ hàng ở đây, quê cũng ở đây luôn nên Tết chỉ cần ở đây thôi thì đã có tất cả rồi.

Năm nào trước Giao thừa khoảng nửa tiếng là ông Ngoại tôi đã chuẩn bị để viếng nhà bà Cố trước, rồi lúc về mới vào nhà tôi.

Giờ khắc thiêng liêng trong năm mới đã đến,tiếng chuông chùa Diệu Đế gióng từng hồi một, ngân nga mãi trong đêm hoà lẫn với tiếng pháo nổ báo hiệu xuân sang, tiếp nhà này đến nhà khác vang mãi không dứt,Ba tôi mặc chiếc áo dài the đen đang kính cẩn cúi đầu khấn vái trước bàn thờ, tôi nghĩ chắc ông đang cầu xin cho gia đình luôn được đoàn tụ, hạnh phúc mãi như hôm nay.

Lúc hương sắp tàn thì ông ngoại bước vào xông đất, năm nào ông cũng đi từ cầu Gia Hội đến nhà tôi, ông mặc chiếc áo dài gấm đen, bịt khăn đóng cùng màu, đi giày đen và trên tay còn xách theo chiếc dù đen phòng trời mưa. Chúng tôi xếp hàng tranh nhau chúc Tết ông Ngoại và được ông lì xì lại những phong bao màu đỏ đựng tiền rất đẹp. Những đồng tiền mừng tuổi này đã đem đến cho chúng tôi bao lần hạnh phúc mà suốt đời tôi khó mà quên được.

Ông Ngoại thắp hương khấn vái xong thì Ba bắt đầu đốt pháo, pháo vừa dứt thì một bầy trẻ con hàng xóm và dưới vạn đò xông vào lượm nhưng viên pháo lép chưa kịp nổ, cúng xong bốn chị em tụi tôi đều được mẹ cho ăn chè rồi đi ngủ.

Khi đêm sâu đã vơi đi tiếng pháo, thỉnh thoảng đâu đây còn một vài tiếng nổ lách tách khi gần khi xa đang nổ muộn, không gian như đặc lại với mùi trầm hương, mùi hoa mai ngan ngát giữa nhà làm tôi như say và cô bé với chiếc áo đầm xanh chưa kịp thay đã thiếp đi trong vòng tay mẹ.

Giao thừa năm ấy là một giao thừa ấm cúng hạnh phúc với sự sum họp đầy đủ ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái.

Giờ đây, biết bao mùa xuân đã đi qua, không còn chút khát khao của tuổi trẻ, tóc đã đổi màu đến một nửa, nhưng mỗi khi nghĩ về những cái Tết ấu thơ lòng tôi vẫn bồi hồi và ao ước: giá như mình được trở lại ngày xưa để được say trong "mật mùa xuân" vì với tôi những ký ức đó còn ngọt ngào hơn cả mật.

NGUYỄN THỦY

.


Nguồn: Trang Huế Online-HUẾ CỐ ĐÔ
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 20 tháng 1 năm 2025