QUẢNG TRƯỜNG NGÔI SAO

patrick modiano

dịch giả: vũ đình phòng

LỜI NÓI ĐẦU

Sinh 1945, Modiano bắt đầu sáng tác từ rất sớm. QUẢNG TRƯỜNG NGÔI SAO ra mắt bạn đọc lúc ông mới 23 tuổi, đã gây tiếng vang khá lớn. Với lối hay xếp các nhà văn vào từng “phái”, có người đã từng xếp Modiano vào số “Những cây bút viết ngụ ngôn mới” (Les nouveau fabulistes). Modiano thuộc số những nhà văn biết cách rung động một công chúng khá rộng rãi bằng cách huy động những phương tiện rất tinh tế: sử dụng hồi ức, tạo những cuộc chạm trán bất ngờ giữa những sự việc diễn ra trong nội tâm và ngoài cuộc đời, bằng một giọng văn kín đáo.

Modiano quan tâm nhiều đến lịch sử. Đặc biệt, lịch sử nước Pháp thời kỳ bị phát xít Đức chiếm đóng (1940 - 1944) luôn là nguồn cảm hứng của ông trong nhiều tác phẩm, mặc dù lúc đó ông chưa ra đời. Phải chăng là vì những sự kiện lịch sử thời gian đó gợi cho ông nhiều suy nghĩ về mình là ai, tại sao vấn đề “căn cước” lại quan trọng đến thế, vân vân.

Cốt truyện ông bịa ra, tuy có nhưng chỉ nhằm để nối những đoạn chắp vá thể hiện những cảm giác, những hoang tưởng, những khuôn mặt, nhưng lại là những đoạn viết rất hay. Phải chăng Modiano là một trong những nhà văn đóng vai trò chuyển tiếp. Trước ông, cốt truyện giữ vai trò chủ chốt để thể hiện nội dung tư tưởng tình cảm của tác giả; và sau ông, những tác giả trẻ trong mười năm gần đây lại coi nhẹ cốt truyện mà tập trung thể hiện những “khoảng khắc đặc sản” trong cuộc sống của nhân vật!

Đối với Modiano, thời gian là thứ gì co giãn, mềm mại, nơi các ấn tượng, kỷ niệm, hoang tưởng chen vào nhau, chồng chéo lên nhau. Ông tạo ra những “lý lịch” giả, những “sự thật nhỏ” theo cách gọi của văn hào Stendhal, làm lẫn lộn mối quan hệ giữa hư và thực. Tất cả những đặc điểm đó tạo cho các tác phẩm của Modiano một màu sắc ngập ngừng và hư ảo.

Nhân vật trung tâm trong QUẢNG TRƯỜNG NGÔI SAO, Raphael Schlemilovitch, người Do Thái, băn khoăn về “căn cước” của bản thân đến mức anh ta quay cuồng trong cuộc sống thật và cuộc sống hoang tưởng, để cuối cùng cảm thấy hình như không làm gì có người Do Thái…

Có lẽ phong cách nghệ thuật của Modiano bộc lộ đầy đủ nhất trong tiểu thuyết CUỐN SỔ CỦA GIA ĐÌNH (Livre de famille): một loạt chương miêu tả lời khai của một cô gái nhỏ tại toà Thị chính. Các viên chức ở đây lại là những nhân vật bước ra từ trong tác phẩm VỤ ÁN của Kafka, họ từ chối không đăng ký cô bé bởi họ của cô khai không có trong danh sách. Sau đấy việc đi tìm cha cô hoặc ông nội cô cũng không đem lại chút kết quả nào, bởi người ta không tìm ra được “một vết tích nhỏ chứng tỏ người có tên là James Lévy đã từng tồn tại trên trái đất”. Ở đây, cũng như ở hầu hết sáng tác của Modiano, vấn đề “căn cước”, gốc gác con người là điều ông trăn trở: tại sao việc chúng ta thuộc chủng tộc nào, tổ tiên chúng ta là ai lại quan trọng đến thế? Nếu như ở QUẢNG TRƯỜNG NGÔI SAO Modiano mượn lời của nhân vật Freud để kết luận không làm gì có “người Do Thái” thì ở cuốn này ông cũng kết luận không có ai là James Lévy và việc cô bé đi tìm cha là chuyện vô ích, chẳng để làm gì.

Sách của Modiano được tặng nhiều giải thưởng văn chương, cao nhất là giải Goncourt cho cuốn PHỐ CỦA NHỮNG NHÀ HÀNG TĂM TỐI.

QUẢNG TRƯỜNG NGÔI SAO đã từng là sách bán chạy nhất trong nhiều năm liền, đến này vẫn được tái bản đều đặn, và được tặng giải thưởng văn học Roger Nimier 1968.

TÁC PHẨM CỦA MODIANO

1968: Quảng trường Ngôi Sao - Giải thưởng Roger Nimier

1969: Tuần tra ban đêm

1972: Một tuổi trẻ

1972: Những đường phố ngoại vị - Giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp

1976: Biệt thự buồn - Giải các hiệu sách

1978: Phố của những nhà hàng tăm tối - Giải Goncourt

1985: Khu phố hẻo lánh

1986: Những Chủ nhật tháng Tám

LỜI NÓI ĐẦU

Tiến >>

NXB: Văn Học
Đánh máy: Bảo Trân, Tố Uyên, Thùy Hương, Thanh Tâm
Nguồn: BookaholicClub.com
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 24 tháng 12 năm 2020