Lan và Huệ

hoàng đạo

- I -

loại sách hồng

Hoàng Đạo (1907-1948), tên thật: Nguyễn Tường Long, là một nhà văn Việt Nam, trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Ngoài bút danh Hoàng Đạo, ông còn có những bút danh khác: Tứ Ly, Tường Minh.

Sinh ngày 16 tháng 11 năm 1907 tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình công chức, gốc quan lại đã đến hồi sa sút.

Cha ông là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918) làm Thông phán và mẹ là Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật ở Cẩm Giàng (Hải Dương).

Hoàng Đạo là người con thứ tư trong một gia đình gồm sáu trai, một gái. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy, là công chức, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm đến Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Vinh và người em út là bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều đã ít nhiều dự vào nghiệp văn chương.

Khi ông chào đời, được cha đặt tên là Tứ (cho thuận vì trước đã có Tam (Nguyễn Tường Tam), nhưng sau nghĩ lại, mới thấy cái tên này trùng tên người bạn thân của mình, nên gọi chệch là Tư (Nguyễn Tường Tư). Sau vì ông không đủ tuổi để đi thi, gia đình đã khai thêm bốn tuổi (thành ngày 3 tháng 4 năm 1903 trên giấy khai sinh) và đổi tên lại là Nguyễn Tường Long.

.

Chợ Chu là một đô thị nhỏ ở vùng Thái nguyên. Mấy gian chợ xây gạch ở chính giữa, chung quanh là những ngôi hàng của người Kinh lên đây buôn bán với bọn Thổ, Mán, rồi là rừng núi bao phủ bốn phía.

Trong các ngôi hàng kia, có ngôi hàng của vợ chồng ông Bá là thịnh vượng hơn cả. Cũng như các bạn hàng khác, ông bán cho dân Thổ những thứ họ cần dùng như muối, đường…và mua sản vật của họ để xuôi Thái Nguyên bán lại. Nhưng ông hiền hậu và thực thà, không có tính lừa lọc, lại sẵn lòng cứu giúp kẻ nghèo, nên dân Thổ thích giao dịch với ông và mến yêu ông lắm.

Vì thế, công việc làm ăn của ông rất dễ dãi và hai ông bà có thể tự mãn, nếu không có một nỗi khổ tâm: Hai ông bà muộn con. Hai ông bà uống thuốc suốt năm và luôn luôn đi cầu tự ở các đền chùa, nhưng vẫn không có kết quả gì.

Mãi đến năm ông đã năm mươi, bà mới sinh hạ được một mụn con gái. Hôm bà lâm sàng, ông Bá thấy trong vườn nở một nhánh hoa lan bạch ngọc, ông bèn đặt tên con gái là Lan.

Lan trông rất xinh, nước da trắng mịn, đôi con mắt to và thơ ngây như mắt thỏ. Cha mẹ nâng niu và quý báu như ngọc, ngày ngày bà Bá ra chùa tạ ơn Trời, Phật đã cho bà được toại nguyện.

Năm Lan lên ba, bà Bá không may thụ bệnh rồi từ trần. Từ đấy, tình cảnh hai bố con Lan thực là đáng thương. Ông Bá phần thì nhớ vợ hiền, phần thì thương con nhỏ mồ côi, buồn phiền không thiết làm gì hết, sao nhãng cả công việc buôn bán, ngày ngày chỉ uống rượu hay rong chơi cho khuây khỏa.

Một hôm, ông đương ngồi buồn nhắm rượu thì có một người đàn bà đến thăm. Bà ta ăn vận đại tang và nói là bạn của bà Bá, được tin bà mất nên đến viếng.

Phú ông nghe nói trạnh lòng, đem việc nhà ra kể lể than thở. Bà khách cũng khóc òa lên, sụt sùi nói rằng thấy cảnh nhà ông, chợt nhớ đến nông nỗi góa bụa của chính bà. Nghe bà khách nói, ông Bá cũng động lòng thương. Hai người kể lể với nhau chán chê rồi lại khóc, và đến lúc khóc chán chê rồi thì nhìn nhau và cùng thương hại lẫn nhau.

Lúc bà khách từ biệt ra về, ông Bá tiễn ra tận cửa, rồi cách đó vài hôm, ông sang đáp lễ. Hai người hóa ra năng đi lại với nhau, và không bao lâu, ông Bá cưới bà khách góa về làm vợ kế. Ông mong rằng từ đây ông sẽ có một người nội trợ đảm và Lan sẽ được người mẹ có thể thay người mẹ hiền đã khuất.

Song điều người ta mong ước thường không hay đến. Bà khách ban đầu còn tỏ vẻ âu yếm miễn cưỡng, nhưng về sau, lòng ghẻ lạnh đối với Lan dần dần rõ rệt. Lấy ông Bá được một năm, bà cũng sinh hạ một đứa con gái đặt tên là Huệ. Nhưng Huệ xấu xí, thô kệch, không được như Lan, nên bà mẹ từ đấy ghen tức với Lan, sinh ra thù ghét Lan.

Nhất là Lan càng khôn lớn lên trông càng xinh đẹp ra. Nước da cô trắng mịn, đôi má lúm đồng tiền, cái miệng cười rất có duyên, dáng đi mềm mại như một nhành lan, ai trông thấy cũng phải yêu.

Và, đáng mến hơn sắc đẹp, Lan có một tính tình hòa nhã, dịu dàng. Luôn luôn, cô khâu vá, hay làm một việc khác giúp đỡ mẹ ghẻ, và cố sức làm cho trong nhà có một hòa khí đáng yêu. Ông Bá rất yêu Lan, nhưng Lan không hề dựa vào lòng yêu ấy để đối phó với mẹ ghẻ; Lan thường nhường nhịn để trong nhà được vui vẻ. Như mẹ Lan khi xưa, Lan rất thương người, không khi nào gặp một người đau khổ là Lan không hết sức tìm cách giúp đỡ hay an ủi. Lan thương cả đến loài vật; mèo, chó trong nhà thấy Lan đâu là theo mừng, và cả đến chim sẻ quanh nhà cũng có khi bay đến đậu trên vai, lên tay Lan mổ thóc gạo, cô hay đem cho chúng ăn.

Huệ, trái lại, là một cô gái đỏng đảnh, chua ngoa, hay mắng chửi đầy tớ, chỉ biết vơ phần lợi về mình, mà lại muốn lúc nào người ta cũng khen mình đẹp và khôn ngoan.

Nhưng hàng xóm láng giềng chỉ yêu Lan và khen Lan, khiến Huệ tức ghen với chị và tìm cách làm hại chị. Song Huệ biết cha yêu quý Lan hơn, nên Huệ đành ghen thầm ghen vụng chị mà thôi.

Một hôm kia, ông Bá bàn với vợ về việc buôn bán, và nhất định xuống Thái mở một ngôi hàng nữa, còn ngôi hàng ở chợ Chu thì để lại cho vợ con trông nom.

Từ hôm ấy, Huệ không còn sợ hãi gì nữa, chỉ lăm lăm tìm dịp làm hại Lan cho bỏ ghét.

Huệ biết Lan tính hay thương loài vật, bèn nghĩ ra một cách trêu. Huệ leo trèo tìm tổ chim lấy trứng hay bắt chim con để chơi, và được con nào là đem về khoe chị, rồi vặt lông nó, đánh đập nó trước mặt chị Huệ, làm thế vừa để thỏa tính ác tự nhiên của cô, vừa để làm gai mắt chị. Lan trông thấy lấy làm thương tâm lắm, nhưng khuyên bảo Huệ làm sao cũng không được. Càng khuyên bảo, Huệ lại càng đánh đập tàn nhẫn hơn: đem việc ấy nói với mẹ ghẻ, thì mẹ ghẻ lại mắng át đi, bênh con ra mặt. Cho nên, nghe tiếng chim bị đánh kêu chiêm chiếp, Lan đành quay mặt đi không nhìn nữa, hay đi nơi khác cho khuất mắt

Huệ biết vậy lại trêu tức già. Cô ta bẫy được một con chuột bèn lấy giẻ tẩm dầu tây quấn vào thân con vật rồi lấy diêm châm. Con vật bị đốt sợ hãi quá, vừa chạy vừa kêu; Huệ lấy làm thích lắm, đứng vỗ tay xem đám lửa chạy quanh trong gian nhà.

Lan chợt trông thấy, vội chạy lại, lấy chăn chùm con chuột, dập tắt lửa, nhưng con vật đầy vết thương, nằm yên rên rỉ.

Thấy Huệ đứng cười, Lan giận lắm, uất lên mắng em:

- Sao Huệ chơi ác thế, hở?

- Ác gì mà ác. Nó có biết đau đâu!

Huệ vừa trả lời vừa rũ ra cười.

Lan nhìn con vật nằm rên, nói:

- Em thử bị như thế có đau không?

Ấy thế là Huệ khóc ầm lên, chu chéo kêu la:

- Chị rủa tôi! Chị ác thực!

Thế là Huệ giựt phăng lấy con chuột ném ra ngoài sân rồi vừa khóc vừa chạy ra mách mẹ.

Bà mẹ đương uống nước, gọi Lan ra mắng như tát nước vào mặt:

- Nó chơi thì mặc nó, can chi lại đến rủa nó? Chị bước ngay đi không thì tôi đập cái chén này vào mặt bây giờ.

Lan biết nói cũng bằng thừa, đành cúi đầu lủi vào nhà sau khóc một mình. Lúc đó con chuột đã tỉnh, đứng nhìn Lan khóc, hai con mắt như có vẻ buồn, rồi lủi thủi tìm đường trốn.

Được thể, Huệ lại càng lên mặt, cái gì cũng dành về phần mình cả, lúc nào cũng tìm cách bắt nạt, ăn hiếp chị. Quần áo Huệ tranh lấy cái đẹp, mới, còn đồ thải ra mới đến phần chị; hoa, hột, vòng, xuyến trong nhà chỉ có Huệ được dùng, cả đến những đồ tư trang ông Bá mua cho Lan cũng chỉ có Huệ được đeo. Thậm chí hai lồng chim vàng anh của ông Bá mua về cho Lan, vì ông thấy Lan ưa chim hót, Huệ cũng nhất định chiếm lấy làm của riêng, nhưng đến việc cho chim ăn, thì Huệ lại lười biết không làm được, đành phải giao cho chị.

Tuy vậy, Huệ vẫn ghen với Lan. Khi ra đường, Huệ ăn vận sang trọng và lòa lẹt, còn Lan bao giờ cũng chỉ được mặt cái áo cũ. Nhưng người ta vẫn nhìn Lan và tấm tắc khen cô bé xinh đẹp nõn nà. Những chị em hàng xóm cũng chỉ thích chơi đùa với Lan, vì Lan hòa nhã và vui vẻ, còn hễ thấy mặt Huệ đâu là vội lảng tránh. Huệ không biết là vì Huệ ích kỷ và hay chơi ác, lại tưởng là vì Lan gièm mình với chúng bạn, nên lại càng sinh ra ác cảm với Lan.

Mẹ Huệ đáng lẽ phải bắt con theo gương chị, trái lại, chỉ biết bênh con và nuông con. Hễ Huệ đến mách, là bà ta nghe liền và mắng Lan, phải trái thế nào cũng mặc. Ông Bá thì bận nuôn bán, mỗi năm mới về vài ba lần thăm vợ con. Những lúc ấy, Lan có thể khóc lóc kể với cha được, nhưng vì thương cha đã có tuổi, nói ra sợ cha phiền, nên Lan đành im tiếng. Vả lại, những ngày ông Bá ở nhà, bà mẹ ghẻ tự nhiên sinh ra âu yếm Lan hơn, và thường là đánh mắng Huệ. Lan còn nhỏ tuổi không hiểu là bà làm bộ như thế để che mắt ông Bá, vì mỗi lần ông Bá đi khỏi thì bà lại trở nên ác nghiệt hơn.

- I -

Tiến >>

Scan: Vietmessanger -Đánh máy: Ct.Ly
Nguồn: VNthuquan.net - Thư viện Online
Nhà Xuất bản ĐỜI NAY
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 18 tháng 3 năm 2021