Bạn Tôi Người Khiếm Thị

tuyết phượng đỗ

Anh là một người bạn mà tôi vô cùng khâm phục! Chúng tôi là bạn chung trong QGAN lớp Pháp văn từ lớp 9-12. Thời đi học, anh ngồi đầu bàn dãy nam, tôi nhớ về anh qua âm thanh tiếng gõ lốc cốc của bộ chữ braille mỗi khi anh viết bài. Hình ảnh ký ức làm tôi nhớ nhất là anh được H., ông xã tôi, chở đi học. H ngồi yên trước, hai chân tụm lại trên sườn xe, anh Việt ngồi sau hai chân liên tục đạp bàn đạp. Cứ thế họ chở nhau suốt những năm học trong trường nhạc và tình bạn cũng lớn lên, họ cũng là đồng môn chung khoa mandolin trong QGAN.

.

Tên anh là Lê Dân Bạch Việt, anh sinh ra không mù nhưng do bị đục thủy tinh thể bẩm sinh nên anh mất gần như hoàn toàn thị giác khi vừa hai tháng tuổi. Sau những năm dài lận đận đi học với phương tiện di chuyển chính của anh là đi bộ, anh cũng tốt nghiệp trường phổ thông và hoàn thành chương trình đại học nhạc.

Sách vở dùng cho người khiếm thị thời đó rất hiếm. Anh đọc bằng chữ Braille, là loại chữ nổi dùng cho người khiếm thị, họ sờ bằng tay qua những dấu chấm nổi cộm để nhận ra đó là chữ gì. Đặc biệt khi một giác quan bị khiếm khuyết thì những giác quan khác phát triển để bù trừ, anh có thính giác rất nhạy bén, đã giúp anh học nhạc và học ngoại ngữ rất tốt.

Khi học đàn anh cực hơn người khác rất nhiều vì phải học thuộc lòng các nốt nhạc rồi từ đó mới đàn. Anh yêu nhạc và cũng hết lòng đam mê. Ngoài âm nhạc, anh cũng thích học ngoại ngữ. Thời đi học, chúng tôi học lớp pháp văn nhưng sau này anh tự trau dồi Anh ngữ bằng cách nghe đài BBC và anh đã tìm được học bổng du học Mỹ. Khi gặp từ khó, anh nhờ bạn bè, người thân tra tự điển dùm.

Năm 1987, bạn tôi tốt nghiệp chương trình đại học nhạc ở QGAN và về dạy nhạc cho trường học sinh mù Nguyễn Đình Chiểu trên đường Nguyễn Chí Thanh ở Saigon.

Năm 2003, anh xin dự thi một học bổng ở Mỹ và đã là 1 trong 27 người trúng tuyển.

Anh trúng tuyển chương trình học bổng IFP và theo học chuyên ngành Định hướng và Di chuyển (Orientation and Mobility) tại Hoa Kỳ.

Bạn thử tưởng tượng một người mù phải sống ở một thế giới xa lạ, tự dò đường đi đến trường và về nhà, tự xử dụng lò để nấu ăn, tự phục vụ mình, tự đối phó với mọi tình huống ở xứ lạ quê người …biết bao là khó khăn nhưng anh bạn tôi đã hoàn thành xuất sắc chương trình học bằng ý chí và vốn Anh ngữ của mình. Anh là người duy nhất tại Việt nam được đào tạo thạc sĩ chuyên ngành sâu về lĩnh vực này.

.

Những năm gần đây, người khiếm thị (NKT) trên thế giới đã có thể tiếp cận với thông tin thông qua chiếc máy tính nhờ áp dụng những phần mềm dùng công nghệ chuyển đổi văn bản thành tiếng nói (text to speed). Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ phát âm bằng các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật… mà không hỗ trợ tiếng Việt. Từ bức xúc này, đầu năm 2003, nhóm dự án Ánh Dương- thuộc Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã bắt tay vào chương trình.

Anh Việt có công giúp nhóm Ánh Dương trong việc tạo ra hai phần mềm hổ trợ người khiếm thị nhờ đó NKT ở Việt Nam có thể lướt web “đọc” tin tức, truyện ngắn, giải trí… trên Internet qua bộ loa máy tính. Đến cuối tháng 7-2004 họ đã cho ra đời hai phần mềm “Đọc trang web tiếng Việt” và “Hỗ trợ luyện tập chính tả tiếng Việt”, phát hành miễn phí cho NKT.

Năm 2005 Bạch Việt được phong tặng danh hiệu “hiệp sĩ công nghệ thông tin” cùng 15 người khác nhờ việc góp phần tạo ra phần mềm hỗ trợ đọc web tiếng Việt cho người khiếm thị.

Trong một lần kỷ niệm 20/11, một học sinh khiếm thị đã bị tai nạn giao thông mất, do không dùng gậy dẫn đường. Sau khi nghe tin anh rất buồn và mong tìm biện pháp để giúp cho những người đồng cảnh ngộ.

Anh chia sẻ: “Khó mà nói là cái nào khó khăn hơn. Ở các nước phát triển thì môi trường tiếp cận và những phương tiện hỗ trợ rất tốt, như người khiếm thị có chó nghiệp vụ dẫn đường, đèn giao thông có âm thanh, lề đường, xe buýt… đều thân thiện với NKT, họ thoải mái trong môi trường nên dễ dàng tham gia vào các hoạt động xã hội. Ở nước ta, có nhiều trở ngại không biết là về tiếp cận hay về xã hội, như lề đường vẫn có đó nhưng người ta buôn bán hay đậu xe choán hết rồi… Nhưng tôi thừa nhận cái khó hơn là cộng đồng và cả chính NKT không xem họ như những con người bình thường.”

Anh còn lên tiếng nói để những người khiếm thị được thi vào đại học một cách bình đẳng với người bình thường.

Anh hy vọng sẽ làm được nhiều việc cho NKT như thêm khả năng nhận biết xung quanh, tự tìm đường đi, tránh các chướng ngại vật, định hướng âm thanh...

Tháng 7/ 2010 vợ chồng tôi về Vn thăm anh lần cuối, lúc này anh đã bệnh rồi nhưng tinh thần luôn lạc quan và vui vẻ như không có gì xảy ra. Lúc này anh đang yêu, tình yêu cuối đời đã giúp anh lạc quan và nghị lực đương đầu với bệnh tật.

Anh Việt qua đời do ung thư ngày 2/01/2011 khi còn trăn trở với ước vọng kêu gọi cộng đồng nhường đường cho người khiếm thị mang cây gậy trắng và kêu gọi người khiếm thị hãy xử dụng gậy trắng làm vật hỗ trợ di chuyển.

Ngày 14/10/2011 ở Saigon người ta tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam “ngày Quốc Tế cây gậy trắng 15/10 dành cho người khuyết tật”, đúng 9 tháng sau khi anh mất. Trong ngày này nhiều tình nguyện viên, chuyên gia giáo dục đặc biệt và hơn 50 người khiếm thị cầm cây gậy trắng đi trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh của Saigon.

Sự kiện này nhằm giúp công chúng Việt Nam biết rõ hơn về “Ngày Quốc tế Cây gậy trắng 15/10” với biểu tượng của người khiếm thị là cây gậy trắng; gửi thông điệp đến công chúng cần lưu ý nhu cầu đi lại của người khiếm thị, nhường đường cho họ; đồng thời kêu gọi người khiếm thị có ý thức sử dụng gậy như một công cụ di chuyển an toàn và độc lập.

Xin phép nói sơ qua về sự ra đời của phong trào “cây gậy trắng”:

Vào những năm đầu thế kỷ 20, phong trào sử dụng cây gậy sơn trắng để báo sự hiện diện của người khiếm thị lan ra khắp nước Anh và khu vực Bắc Mỹ.

James Biggs quê ở Bristol (nước Anh) được xem là người đã sáng kiến ra cây gậy trắng vào năm 1921. Sau một tai nạn đã tước mất thị giác của ông, nhiếp ảnh gia cảm thấy bị đe doạ về lượng xe cộ gia tăng quanh nhà mình, Biggs quyết định sơn trắng cây gậy của ông để những người lái xe có thể trông thấy ông rõ hơn. Tuy nhiên phải mất mười năm sau cây gậy trắng mới khẳng định được sự hiện diện của mình trong xã hội. Năm 1930, Mỹ thông qua sắc lệnh “Cây gậy trắng”, đến ngày 15/10/1964 trở thành “Ngày an toàn của Cây gậy trắng” ở Mỹ; sau đó trở thành “Ngày Quốc tế Cây gậy trắng” được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.

.

Rất tiếc Bạn tôi đã không kịp nhìn thấy những công lao và thành quả của mình, nhưng rất mừng là sự khởi xướng của anh làm cộng đồng xã hội VN đã bắt đầu lưu ý đến những người khuyết tật khi họ di chuyển với cây gậy trắng.

Tôi hy vọng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cây gậy trắng sau này có thể được gắn thêm bộ phận GPS chỉ đường và một bộ phận nhạy cảm bằng âm thanh hay rung động để khi sắp chạm vào chướng ngại vật, người mù có thể nhận biết đó là vật gì chẳng hạn…nhưng đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi.

Tôi mong với bài viết này, mọi người hãy lưu ý giúp đỡ những người VN khiếm thị khi gặp họ trên đường phố, nếu không giúp được ít ra cũng đừng làm tổn hại họ, đó vừa là lòng nhân ái, vừa là đóng góp vào việc thực hiện hoài bão của bạn tôi, anh Lê Dân Bạch Việt.

Tuyết Phượng

(Bài viết dành tặng anh LÊ DÂN BẠCH VIỆT)

25/05/2021


Nguồn: FB
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 5 năm 2021