ÔNG Phán Tùng nhìn vợ một cách chán-nản:
– Thôi được, mợ muốn làm gì thì làm. Tôi bảo, mợ không nghe tôi thì thôi…
Bà Phán đưa tay đón miếng trầu ở lưỡi nhả ra, nhìn xem có vừa vôi hay không, rồi thong-thả:
– Tôi đã nói thế, cậu cũng không nghĩ ra thì chết thật. Tôi lễ bái kêu cầu cho cậu, cho chúng nó, tốn kém một tí có làm sao. Rồi Giời Phật lại cởi mở cho mình, đi đâu mà thiệt.
Nói xong, bà nhìn chồng, dò ý. Ông Phán lạnh lùng, đáp gióng một:
– Thì xưa nay mợ lễ bái, tôi có nói gì. Nhưng bây giờ tôi đào đâu ra tiền…
Chép miệng, bà Phán thở dài:
– Cậu khao ở nhà quê mất hơn nghìn bạc, tôi lo cho cậu còn được…
Rồi bà ngừng lại. Ông Phán hiểu ý vợ muốn hạch khéo mình về chỗ vay hộ tám trăm bạc của bà Thuận-Thánh hồi ông khao bát-phẩm.
– À, vô vọng bất thành quan. Việc khao khác…
Vẫn nhẹ-nhàng:
– Cậu bảo khác là khác thế nào?
Nhắc tờ báo lên, rồi lại đặt xuống:
– Khao là mình muốn thành ông nọ bà kia, mới khao. Tự dưng cũng chả ai muốn mất tiền làm gì. Đằng này mợ vô cớ mất bạc nghìn…
Nặng-nề mãi, ông mới tiếp được:
– Rồi lấy đâu mà giả người ta.
Thất ý về chỗ chồng không chịu hiểu sự tiêu tiền vào việc của mình, bà nói xẵng:
– Cứ kể lúc tiêu thì phải tiêu. Việc nào cũng là việc. Lễ-bái mà cậu bảo là vô cố thì rồi những lúc cần đến lại chả kêu cầu vào đâu được đâu!
Ông Phán cười nhạt, gật-gù như người mắc lỡm, nói dỗi:
– Thôi đấy, mợ muốn làm gì thì làm. Thôi được, tôi bằng lòng rồi. Cứ làm văn-tự đi, rồi tôi ký.
Nói xong, ông cựa mình lách ra khỏi ghế:
– Còn ăn hết nhịn, lúc nào không giả được thì hẵng hay.
Bà Phán nở một nụ cười:
– Cậu cũng hy-sinh (?) cho tôi một tý xem nào.
Rồi bà kể luôn chiến-công của bà hồi ông Phán suýt nữa thì vào «đề-lao» vì sổ sách không được phân-minh:
– Cậu đừng có dè-bỉu mà mất thành đi. Năm cậu ở Ninh-Bình, tôi không kêu cầu cho cậu thì có… Việc tày trời đấy, cũng chỉ kêu Mẫu là Mẫu xá cho ngay. Trên trần có quan lớn, quan bé, dưới âm cũng thế chứ. Cậu xem báo mãi, cậu còn lạ gì?
Hai chữ « xem báo » đây, bà Phán có ý nịnh chồng là người học-thức, nhưng bị ông lấy ám khí của bà vật lại:
– Vì tôi xem báo nên tôi mới không chịu được cái lối lễ-bái … nhẩy múa như con choi choi ấy.
Như người con chí hiếu bị người ta đả-động đến tính xấu của bố ngày kỵ-nhật, bà chồm lên. Nhưng chồm lên cái lối con nhà danh-giáo (?), nghĩa là nói chết cây gẫy cành, nhưng vẫn cố ôn-tồn, mặc dầu sự cố ấy, người ta vẫn thấy nó căng ra ở mặt:
– Đến cậu còn mờ-ám thế không trách được. Xưa nay ai còn lạ gi cái bọn làm báo! Chỉ gà què ăn quẩn. Chế bác hết người này người khác. Họ thì có tha ai. Họ chỉ có tha họ.
Rồi bà vênh mặt lên một cách chế-nhạo:
– Đọc báo lắm chì tổ nhảm nhí, hại tiền. Nuôi cho bọ béo, họ nói láo.
Biết vợ đã đến lúc tam bành lục tặc sắp nổi lên, như người thức thời giữ kín miệng trước một thế-lực không thể đàn áp, ông Phán theo thường lệ rót lui, rút lui để hàng xóm láng giềng khỏi dị-nghị vợ chồng lục-đục:
– Người ta chế-bác cũng có lý. Nhiều bà lễ-bái mải mê quá không tan cửa nát nhà à. Lễ-bái mà kêu cầu được cho tai qua nạn khỏi thì còn nói chuyện gì.
Ông Phán đã không khéo, thành thử muốn lấy lòng vợ cho câu chuyện trở về chỗ êm thấm của nó, lại thành ra vô tình nói móc máy vợ.
Bà Phán đai ngay:
– Cậu bảo làm gì tan cửa nát nhà?
Biết mình nhỡ nhời, ông Phán hoảng. Không phải ông sợ bà, điều ấy tất nhiên rồi. Nhưng ông sợ sự to tiếng của bà.. Vì ông đã rõ máu hoàng-bào của vợ. Nhịn đấy, nhưng nếu nếu lúc đã bùng lên thì này… giời cũng nhỏ. Bà sẽ làm rầm-rĩ lên để đủ cho mấy nhà bên cạnh nghe tiếng. Để hôm sau, vợ ký Tuyên lại nhí-nhảnh hỏi ngọt ông: « Gớm, hai bác làm gì hôm qua to tiếng thế? » Cho nên ông vội dập ngay cái lửa giận của bà, bằng một câu cựu-truyền:
– Thôi vâng, bà phải rồi.
Câu nói ấy không đủ hiệu-lực để ngăn cơn hỏa đang ngùn-ngụt, bà Phàn dằn cái âu trầu, nói như người vu vạ:
– Tôi biết ngay mà, đàn-ông chúa ích-kỷ! Tiêu tiền trăm bạc nghìn cho họ thì được. Mình có xê sẩy một tí là họ tiếc đứt ruột.
Câu ấy, bà muốn ám-chỉ những lúc ma to cỗ nhớn nhà chồng. Ông Phán nghĩ đến cái tang cụ cố đã khiến vợ phải chạy méo mặt lấy mấy trăm bạc để lo-liệu, ông phát tức vì vợ ông đã dám rêu-rao đến người chết. Nhưng tức thì lại càng phải nhịn đi, vì nếu không, ông sẽ phải nghe ở cái miệng hàm-hồ của vợ những lời thiết-thực hơn. Nghĩa là bà Phán sẽ gọi mặt chỉ tên rõ ràng ra, nếu ông không biết đường nhịn đi. Không lúc nào bằng lúc này, câu «dĩ hòa vi qúy» được áp-dụng một cách mau chóng:
– Nào, mợ lại sắp kể con cà con kê bây giờ đấy. Tôi đã bảo mợ muốn làm gì thì làm cơ mà.
Bây giờ thì bà Phán không làm gì nữa. Bà chỉ sinh sự thôi, sinh sự để cho sự khỏi sinh. Nghĩa là bà chấn không cho cái long-mạch lý-sự cùn của ông phụt ra nữa. Cho việc lễ-bái của bà được «tố hảo».
– Cậu còn có cái thói báng-bổ ấy, nhà này có làm sao, cậu đừng có trách tôi, cậu đừng có hạch sẳng!
Bà Phán đã lo xa quá. Thì nào ông Phán đã trách bà bao giờ. Ông chỉ lo làm thế nào cho khỏi bị trách cũng đã mệt rồi còn gì. Ban nãy, trong lúc hứng chí, ông thốt ra một câu « lễ bái gì lại nhẩy như con choi-choi » để bà dồn cho một chập bở vía cũng đã gần quỵ, lại còn dám hạch xách gì. Mớ đóm phơi nắng nỏ đến hơi qua lửa là bắt rồi. Ông Phán chịu đã quen sự điên-tiết của bà, ông đành chịu, ông chỉ còn thoát bằng cái lối xí-xóa:
– Thì tôi đã bảo mợ làm gì thì làm. Tôi bằng lòng rồi cơ mà.
Thấy cái vẻ co quắp của con tôm bị bỏ chảo, bà Phán lại thương chồng. Thương vì bà đã hết giận, vì con hỏa đã thăng, hay vì ông Phán đã chịu lún. Bà liền trở lại trách yêu chồng:
– Cậu là cứ hay… Việc gì tôi cũng phải hỏi qua cậu cho vui cửa vui nhà, cậu đã không biết thế, lại cứ lôi thôi. Người ngoài người ta xì-xào.
Ông Phan như người làm công được chủ phủ-dụ sau một hồi mắng như vũ như bão, nở một nụ cười hoa đại:
– Đã biết người ta hay xì-xào, sao động một tí mợ cứ làm to chuyện?
Lòng tự-ái đã thỏa, bà Phán cười theo cái cười của chồng:
– Khốn nhưng cậu có như người ta!
Rồi chỉ tay sang bên cạnh:
– Con mẹ ký Tuyên là chúa hay dòm giỏ. Hơi một tí, nó đi kháo chuyện thì phải biết!
Và nhìn theo với một đe dọa:
– Cứ để nó đấy, hôm nào trình-đồng xong cho mát-mẻ đã, rồi tôi cho nó một trận trên đền, cho nó bẽ.
Ông Phán vội xua xua tay:
– Thôi tôi xin mợ, đứng có lôi-thôi, rồi chẳng ra làm sao! Nó cũng chẳng vừa đâu.
Ông Phán sinh ra để can mọi người đừng có lôi-thôi, nhưng ông không có cái tài đặt lời nói đúng với chỗ của nó. Thành thử mỗi lần ông can bà, lại làm cho bà tức thêm.
– Cậu bảo nó không vừa thì nó làm gì tôi?
Ông Phán nghĩ đến chỗ buột miệng của mình đã làm lạm oai-quyền của bà, cái thứ oai-quyền thấp của những kẻ hơi một tí bé xé ra to. ông vội chữa:
– Làm gì, thì nó làm gì được mình? Nhưng rắc-rối với nó làm gì?
– Ai thèm giây với cái thứ nó. Có cái nó hay điều ong tiếng ve thì hôm nào tôi đốp ngay vào mặt nó trước cụ Đồng cho nó bẽ. Đã rách như con mẹ ăn mày, cũng đòi ngồi hầu. Không biết sỉ cái thân! Quần áo chả có, ngồi giá nào là mượn giá ấy… Tôi mà thế, các vàng cũng chả dám vác mặt đi đến đâu.
Ông Phán vốn biết xưa nay vợ vẫn hợm-hĩnh về chỗ hơn vợ ký Tuyên ở cái tên «Phán». Nên ông thốt nhiên tủm-tỉm:
– Chuyện, người ta thử được như mình xem.
Ông nịnh vợ một câu để phải thẹn thầm. Vì ông biết ông cũng không hơn gì ký Tuyên. Cùng là đôi bạn học lúc nhỏ, ông có hơn là hơn ở chỗ được cụ cố đưa vào thế chân khi cụ cố về hưu. Còn ký Tuyên phải vào làm cho một hãng buôn. Nhưng có điều ông rõ hơn ai hết, lúc còn ở trường, ký Tuyên vẫn ngồi trên ông ba bốn mươi cái đầu nữa. Và hiện nay, ký Tuyên lương cũng chẳng kém gì ông. Có khác chỉ khác ở cái tiếng, miếng thì vị tất ai đã hơn ai. Bà Phán không hiểu ý-nghĩ của ông, tưởng chồng về hùa với mình trong sự khinh-miệt «nhà» kia, bèn hợm-hĩnh:
– Giống ấy, giá nó cũng con ông cháu cha, ăn trên ngồi chốc như mình, dễ nó coi người bằng nửa con mắt.
Ông Phán muốn tắt câu chuyện, phá ngang:
– À, họ kể gì. Chỉ có mình giấy rách giữ lấy lề..
Rồi ông hỏi bắt ngay:
– Nhưng người ta cũng bằng lòng cho giả làm hai mươi tháng đấy chứ?
Bà Phán đáp nhẹ-nhàng như người bắt được của:
– Bác Thái đấy chứ ai? Giả làm bao nhiêu chả được.
Một cái gì u-ám từ đâu đến phớt trên mặt ông Phán. Ông vừa nhổ râu, vừa thủng-thẳng:
– Giả làm bao nhiêu, cũng vẫn phải đủ cho người ta.
Biết chồng lo nợ, bà Phán đáp xí-xóa:
– Nhưng chỗ thân-tình, nó cũng dễ.
Rồi bà tuởng tiền bà ra đồng cũng như những khi còn phong-lưu đóng họ, bà nói một cách rất thản-nhiên:
– Cũng như của để dành. Lễ-bái đi đâu mà thiệt. Không ốm không đau, làm giầu mấy chốc.
Thói quen chinh-phục đã xui bà nói câu ấy. Nó là cái mộc để bà giơ ra, mỗi khi sợ chồng nghĩ đến sự tốn kém, bà sắp ra trình đồng «Không ốm không đau, làm giầu mấy chốc». Chẳng rõ ông Phán có hiểu dụng-ý của bà, đem tiền thuốc men lúc bệnh tật thay vào món tiền kếch sù năm trăm bạc may mươi cái áo, làm hình-nhân thế mạng, sắm hài, sắm bình hương, ống nhổ, để hầu giá ông Hoàng bà Chúa không? Sợ chồng không quán cái lẽ cao siêu ấy, bà cắt nghĩa ngay:
– Kêu cầu cho yên cửa yên nhà, làm ăn nó mới linh-lợi. Ốm đau quặt-quẹo, tiền mất mà lại khốn đến thân. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
Sau cái việc nghe vợ «diễn-thuyết», ông Phán làm bổn-phận của một người đi làm: ông lên buồng ngủ trưa. Thường lệ này, ông không thể nào bỏ qua được. Càng không thể bỏ qua, khi đầu óc ông rối beng, tai ù, mắt hoa. Ông lấy tay vỗ vỗ trán, đứng dậy:
– Mợ cứ lo làm văn-tự, rồi tôi ký.
Nhưng bà Phán không phải người nước đến chân mới nhẩy, bà chạy lại tủ, mở cái hộp, lấy tờ giấy ra:
– Đây, Thảo nó viết đấy, cậu xem xem có được không.
Nặng nhọc, ông Phán đỡ tờ giấy ở tay bà, đưa lên mắt. Rồi buông thõng một tiếng:
– Được!
Không để cho cơ-hội trôi đi, bà Phán nắm lấy nó trong câu giục:
– Được thì cậu ký vào, để tôi lại lấy tiền cho xong đi. Đằng nào chả một lần.
Rồi nhác thấy vẻ thẫn-thờ trên mặt chồng, bà làm một cử-chỉ vuốt-ve, lấy tay nhấc cái tóc bám ve áo ông:
– Cậu có vui-vẻ, tôi mới ra đồng, không thời thôi. Việc Thánh không thể miễn-cưỡng được.
Bà Phán nói thế vì bà biết, dử-thính chồng bà cũng không dám trái ý. Quả nhiên, ông Phán gật ngay:
– Ừ, để tôi ký … Nhưng chắc có xong không?
Bà Phán trách chồng một câu khiến kẻ được trách phổng mũi:
– Việc gì tôi thu xếp chả xong, có khó là chỉ cậu làm khó dễ được tôi. Người ngoài, đời nào…
Và bà nói trên môi:
– Cái gì cũng thế, tôi cứ là phải trình cậu trước, cho nó hợp gia-đạo.
Hai chữ «gia-đạo», bà nói như thằng bé con quay cái máy, không biết vì đâu máy chạy. Bà được nghe câu ấy từ năm bà lên tám, và bắt đầu nhắc nó khi bà bước chân về nhà chồng. Bà nhắc sau những lúc lòng tự-ái được thỏa, nhắc để tỏ ra mình là con nhà danh-giáo. Chỉ vì những chữ «cổ-truyền» ấy, bà Phán đã xếp được chồng ngồi gọn thon lỏn vào một cái khuôn. Và khi nào ông cọ quậy định thoát-ly, thì bà lại nghiến răng kèn-kẹt, nèn bằng một «luân-lý» khác:
– Cậu nói khẽ chứ, không hàng xóm người ta dị-nghị.
Đến thế là việc gì cũng phải xong. Bao nhiêu chênh-lệch đều tiêu-tán cả. Mà nếu ông Phán uất-ức quá, ông cứ việc giải nó bằng một giấc ngủ trưa, với cái chặc lưỡi:
– Chẳng sống mãi ở đời, hơi đâu… Mặc!…
Thảo vừa về đến cửa, ló mặt vào, nàng liền bị mẹ mắng ngay:
– Cô đi đâu ưỡn ẹo, bây giờ mới dẫn xác về?
Thảo chưa kịp đáp, bà Phán đã chỉ lên trên gác:
– Bố cô mà biết thì liệu xác. Đừng có đú-đởn! Nhớn trương lên như con bò cạp, không chịu làm ăn, chỉ đàn đúm!
Thảo nghe đã quen những câu mắng như thế, nàng sà ngay vào chỗ mẹ ngồi:
– Con lên dì chứ đi đâu?
Bà Phán lườm con:
– Này, đừng có trí-trá, lên dì thì dì tống cổ về. Không đời nào dì lại cho mày ngồi hết ngày hết buổi.
Thảo ngớ mặt:
– Ơ, con ở nhà dì xem con Bích làm bánh quế. Mợ không tin, mợ lên hỏi xem.
Bà Phán đặt bút chì xuống mảnh giấy bà kê các món tiêu về việc sắp ra trình đồng:
– Tôi không rỗi hơi như cô, việc gì tôi phải hỏi ai! Cô cứ còn cái thói đi đâu mất ngày mất buổi, rồi tôi bảo cho cô. Rồi bố cô mà biết….
Bà đem chồng ra dạy con là do thói quen của lưỡi, thực ra bà biết thừa, chồng bà cũng chẳng đủ làm cho Thảo sợ. Nàng nhoẻn miệng:
– Thì thôi, lần sau con chả đi đâu nữa.
Nhưng lại minh-oan ngay:
– Tại hôm nọ dì đến chơi, dì bắt lên xem Bích nó làm bánh quế. Dì bảo không tập làm tập ăn, rồi sau này thành ra vô-dụng.
Bà Phán nguýt con, chặc lưỡi:
– Dì mày, ai cũng vô-dụng. Vẽ, bánh mới chả bánh! Đồng bạc một hộp thì ăn chán. Giời nắng này, ngồi gần lửa cho mồ-hôi nó sủng người ra à!
Thảo ngẩng vào tận mặt mẹ để nghe.Thấy mẹ nói thế, nàng cãi ngay:
– Con Bích thế mà nó khéo lắm, mợ ạ. Nó làm còn đẹp hơn ở hiệu. Trông ngon đáo để!
Bà Phán chề môi:
– Ngồi nặn ra lại chả khéo! Bánh với trái, tao cho làm mọt xương cũng chả bằng người ta. Vài ba thứ bánh như cái ruột mèo, nay giở, mai giở, làm như nhà quan không bằng!
Rồi dấp dấp bút chì lên môi:
– Tao đến chúa ghét cái lối hàng phố dở của dì mày!
– Chả trách cậu cứ bảo mợ xung-khắc với dì.
– Xung-khắc với lại xung-khắc. Một tí tuổi đầu, nói như bà già chín mươi. Hơi một tị, giở đạo-đức. Gớm, người đâu lại có người dềnh- dàng thế.
Rồi nhìn ra ngoài như để lục tìm những cái gì đã qua trong ngày thơ-ấu:
– Chả trách ngày xưa bà cứ bảo trông như bà huyện, hóm như ranh.
Thảo chợt nhớ, vừa rũ mớ tóc vừa hỏi:
– Quên, con không nói với mợ, dì dặn con chiều đem khăn bàn lên để con Bích nó mạng cho.
Bà Phán thở đánh phào, lắc đầu:
– Dì mày đến hay nhiều chuyện, cái khăn bàn nó toạc một tí thì kệ nó, việc gì phải mạng!
Và yên lặng một lát, cái thứ yên lặng để bới lông tìm vết:
– Tao lại còn lạ gì dì mày, ra điều ta có con khéo đây. Hơi một tí là giở tài may vá thêu thùa của «cô Chiêu» ra.
Thảo lúc này đã bị thôi-miên vì những lời ganh-gỏi của mẹ, cũng hùa theo:
– Mợ nói phải đấy. Gớm, dì hay nói lắm! Con Bích hơi một tị là dì nói rạch ruột. Dì dạy từng li từng tí.
– À, dì mày chỉ được cái nói là giỏi. Chồng chưa quát đã rúm lại như con sâu. Thật tốt đôi, chồng cũng như ông hạng nói thì vỡ nhà người ta ra.
– Thế mà chú ấy chiều con Bích đáo để, mợ ạ. May mặc cho nó luôn.
Bà Phán chề môi:
– May để làm gì, để đút vào tủ khóa lại, lúc đem ra mặc, nát như tương ấy à?
Thảo vội vàng:
– Đúng đấy mợ ạ. Nó thì đi đến đâu mà cũng may.
Nói xong, nàng trầm-ngâm, có lẽ để nghĩ đến sự mình kém Bích, nói như người dỗi:
– Thì may để đấy cũng thế, còn hơn con đi đâu, chả có cái mà đeo.
Bà Phán xồ ngay vào mặt con:
– Cô thì có mo-nang, cô mặc cũng rách. May cho cô hàng trăm cái cũng vừa. Con cái, mặc như cắn vải.
Thảo chép miệng ;
– Mợ bảo con mặc như cắn vải. Thế mợ xem con may những gì nào? Được vài cái «bombay» mỏng như giấy bản, hơi cựa là bương ra.
Bà Phán phát gắt:
– Thôi, câm họng đi, mày thì có áo quan bốn ván. Không biết nhục, lại còn ….Kiếm lấy tiền mà may có được không?
Lần nào cũng thế, hễ con than phiền về nỗi thiếu phấn sáp, giầy dép, bà Phán cũng bảo: «Không kiếm lấy tiền mà may». Câu ấy đã khiến em ruột bà, bà Lan, không bằng lòng, bảo bà: « Chị dạy con đến hay. Nó là con gái lại bảo nó thế, chị cứ lèn vào đầu nó những ý-tưởng ác hại ấy, rồi nó đâm hư đấy».
Thảo cắm-cẳn:
– Con kiếm được tiền, con đã chả phải xin cậu mợ.
– Cô xin cậu cô chứ tôi làm gì có cho cô. Nay mai hưu, rồi khối tiền ra đấy!
Rồi bà níu lấy một «huấn-điều» để che chỗ mè nheo của con:
– Con nhà, không biết thương cha thương mẹ tí nào. Chỉ những cái xa-hoa rởm! Từ rầy, tôi cấm cô không được đến nhà con Bích đấy. Học làm học ăn chả học, chỉ đua đòi sắm sửa ầm-ĩ cả lên!
Thảo biết chỗ vô-lý của mẹ, nàng không chịu:
– Là con nói chuyện chú may nhiều quần áo cho con Bích, chứ nó làm sao mà mợ cấm con không được đến?
Thói quen không chịu ai bẽ khiến bà Phán vặc luôn:
– Tôi muốn cấm thì tôi cấm, cô có nghe hay không nghe thì bảo?
Sợ mẹ làm to chuyện như những lúc «cà-khịa» với cậu, Thảo liền im. Nhưng mặt nàng phù như người cai thuốc phiện. Bà Phán quăng cái bút chì xuống bàn:
– Được, rồi tôi mách bố cô, xem bố cô có dạy được cô không? Con nhà không có giáo-dục tí nào..
Nếu nhời bà Phán mắng con nó có mồm, nó sẽ lớn tiếng: « Bà không có giáo-dục, con bà làm sao có được?»
Bà Công-Thái đỡ tờ văn-tự của bà Phán với một câu nói lấy lòng:
– Bà chị tính, tôi với bà chị thì cần gì! Nhưng đàn ông, các ông ấy là gớm lắm. Rồi sau này, các ông ấy mè nheo, chúng mình lại khổ.
Rồi bà đặt tờ giấy trên nắp cháp:
– Cứ là yêu nhau ta «rào giậu» cho nhau.
Đến lượt bà Phán nói lấy lòng bạn:
– Thì bà chị tính, bà chị có muốn đâu khe khắt với tôi, nhưng còn ông anh tôi nữa, có phải mình bà chị đâu.
Bà Công-Thái hất hàm một cái, nhìn lên gác, nháy mắt, rồi nói nhỏ vào tai bà Phán:
– Cũng đáo để như lão ấy đằng nhà
Bà Phán cười cầu tài:
– Thì họ là đàn ông! Chị em chúng mình là cứ chịu phép.
Thích ý, bà Công-Thái đưa vào tận tay bà Phán điếu thuốc lá, với một câu lúc đầu rất khẽ, rồi to dần:
– Không chiều ý… là.. tan cửa… nát nhà ngay. Bà chị còn lạ gì. Chứ tôi với bà chị, ta bóc áo tháo cầy gì nhau?
Rồi làm như không để ý, bà ném cái văn-tự xuống…chiếu:
– Chứ giấy má thì làm gì, tôi ăn được à!
Muốn cho bạn đứng dậy mở tủ lấy tiền, bà Phán vươn vai đứng dậy:
– Cụ Đồng đợi ở đằng nhà, thành thử bây giờ mới đến được.
Hiểu ý, bà Công-Thái đứng dậy. Tuy bà không cố ý bắt chẹt bạn, nhưng thói quen nghề «sét-ty» vẫn có những kênh-kiệu tự-nhiên:
-Hay bà chị cứ về, mai tôi cho nó đem lại?
Câu nói ấy có sức hút những cái gì vồn-vã, hể-hả trên mặt bà Phán. Bà thất-sắc.
– Ấy chết, bà chị giúp em ngay mới được. Cần lắm. Cụ Đồng đang ngồi chờ lấy tiền.
Cười hở cả lợi, bà Công-Thái ngặt nghẽo:
– Gớm, bà chị làm gì vội thế? Cứ lật đà lật đật quanh năm.
Bà Phán nói như người đi khất nợ:
– Bà chị tính, việc làm tôi con Mẫu, không cần thế nào được. Hai mươi nhăm này là phải đủ lệ bộ cả.
Bà Công-Thái như cái cối, xoay một vòng lại phía tủ chè:
– Vâng, thì để xin chiều ý bà chị.
Mở cánh cửa tủ, bà lấy chùm chìa khóa rồi trước khi vào nhà trong, còn ngoái lại:
– Chỉ bà chị là sung-sướng, đền này phủ nọ luôn. Tôi chỉ ru rú xó nhà.
☆
Bà Lan đến tìm bà Phán vào một buổi sớm. Bà đến tìm chị chỉ vì hôm qua Thảo đến chơi nói với Bích, con bà, mẹ bắt đội bát nhang. Bà Phán vốn biết tính em không sùng việc lễ-bái, nên chỉ nói qua loa:
– Hai mươi nhăm này tôi ra đồng, dì xuống ăn cỗ.
Bà Phán không mời em xuống lễ, vì bà tránh những sự «cãi lẽ» lôi thôi. Bởi bà đã được bà Lan «diễn-thuyết» về vấn-đề này nhiều lần rồi, và hơn nữa, bà giận về chỗ hỏi vay em không được, phải nhờ bà Công-Thái để nghe bà này hỏi mát:« Trên bà Lan tôi thiếu gì, bà chị còn thử tôi».
Bà giận em đã nghiệt-ngã với bà đã không cho bà vay. Nhưng bà không dám hé răng trách móc, vì cũng đã nợ em hơn bốn trăm hồi bà ốm thương-hàn.
Bà Lan nhìn chị chăm chăm:
– À, phải, hôm qna cháu Thảo lên chơi, nó cũng nói thế.
Rồi bà giở cái gói bà vừa đem đến:
– Đây, tôi biếu chị cái ống nhổ bạc để chị ngồi hầu cho xinh.
Bà Phán hớn-hở, vừa vì được quà, vừa vì thấy em chẳng những đã không «báng bổ» như mọi khi, lại còn cùng «chia ý-tưởng» với bà. Vừa ngắm nghía cái ống nhổ, bà vừa thân-mật bảo em:
– Dì lại còn cho.
Rồi nói như người tắc-trách:
– Tôi cũng ra cho nó xong, đằng nào cũng phải một lượt. Mẫu đã bắt, tránh cũng không được.
Nối xong, bà giật mình. Vì đã vô-tình kéo em vào một vấn-đề em vẫn phản-đối. Bà lo lắng phải nghe những lời cạnh-khóe. Nhưng không, em bà không nói gì. Nhưng không nói cái thứ không nói ra tiếng, song bằng nét mặt. Một cái nhìn dài ập vào đồng-tử bà:
– Nếu chị tưởng là nên thì cũng nên.
Ngừng một phút, bà Lan tiếp:
– Nhưng còn cháu Thảo thì tôi can chị.
Bà Phán đặt cái ống nhổ xuống, ngước mắt, chờ câu em tiếp.
– Tôi nghĩ cháu nó còn trẻ, Mẫu cũng chưa cần đến nó. Đừng bắt nó đội bát nhang, bát khói gì cả.
Nhăn mặt như những lúc có việc phải sở-cậy em, bà Phán dịu-dàng:
– Ấy, cụ Đồng bảo nó có số thờ, không đội thế nào được. Ai còn muốn mất tiền.
Bà Lan cương-quyết:
– Mất tiền thì chả ngại. Trẻ cho nó bén mảng vào những chỗ ấy, rồi hư thân ra.
Bà Phán rất sợ em, vì bà Lan, khi đã nói thì cứ « tên cái » của việc ra mà gọi:
– Chết, sao dì lại bảo hư thân? Trình diện Mẫu, Mẫu tiếp tài tiếp lộc cho.
Bà Lan đã không muốn dính vào chuyện đồng-cốt của chị, nhưng cái «kiểu» nói của bà Phán khiến bà lại bực mình. Bà phản-đối:
– Nó còn trẻ, làm ăn gì mà bảo Mẫu tiếp tài, tiếp lộc? Có chị bây giờ cần Mẫu thì ra đồng, chứ nó cần gì.
Giá như người khác nói câu ấy, có lẽ bà Phán đã sôi lên vì chạm đến «Mẫu» của bà. Nhưng không, cái oai-quyền đức-hạnh của bà Lan đã cất hết cả những hàm-hồ của bà. Vẫn dịu-dàng, bà giảng-giải:
– Dì không tin, nên không hiểu. Con gái không đội bát nhang hay quặt quẹo và rồi thường bị trắc-trở về nhân-duyên. Tôi lại còn muốn mất tiền làm gì!
– Tôi tưởng chị cứ dạy nó làm việc, tự khắc nó khỏe mạnh. Như con Bích nhà tôi thì quặt-quẹo ở đâu? Ăn không ngồi rồi, không chịu vận-động, lại không ốm đau thì sao?
Rồi chỉ ra sân:
– Con gái, cứ sáng ngày giặt một chậu quần áo, trưa vào phụ với thằng bếp làm cơm, chiều tắm rửa, thay mặc cho các em, thì chả làm sao cả. Ông ba-mươi mà ngồi đâu ngồi đấy rồi cũng gầy mòn đi nữa là người.
Bà Phán thật không hiểu em nói gì. Bà chỉ cho em bà hay «báng bổ», hay lý-sự, nên chèn chế bà. Biết nói thế nào cũng không lại được em – bà vẫn nghĩ thế – nên bà Phán thú cái «lỗi» của mình một cách kiêu-ngạo trong cái cười hòa-giải:
– Thôi, tôi ngu-si, dốt-nát!
Câu ấy là một báo-hiệu cho bà Lan hiểu chị muốn kết-thúc câu chuyện. Nhưng hiểu thì hiểu, bà vẫn chưa thôi:
– Tôi không dám can ngăn được chị ra đồng, nhưng tôi xin chị đừng bắt cháu đội bát nhang, rồi chả ra làm sao! Con trẻ, mình dạy nó cái khác hơn, chị ạ.
Kể ra, bà Phán đã bực lắm, giá có thể «vặc» được, bà đã vặc rồi. Nhưng trong em có một cái gì oai-nghiêm khiến bà không thể nói xẵng được.
– Chót nhận lời với trên đền rồi, làm thế nào? Dì chả bảo trước.
Cái lối nói khéo ấy, bà Lan đã được nghe rất nhiều lần nên bà phát chán:
– Người ta, lúc nào làm lại chả được, trước với sau, ai cấm mình?
Em về rồi, bà Phán ngồi phịch xuống ghế. Bà giận uất người về chỗ em bà nói chạm đến việc lễ bái. Vừa lúc ấy, Thảo đi chơi về. Thế là trận mưa những lời chết cây gẫy cành dội vào đầu nàng:
– Mày đi đâu về, con voi giày kia? Đi với giai phải không? Sao không đi chết chìm chết ngập có được không? Vác mặt về làm gì?
Thảo kinh hồn, nàng rụng rời:
– Con làm gì, mợ mắng con?
Sấn-sổ, bà Phán văng vào mặt nàng:
– Làm gì à, làm cái xác mày! Liệu thần hồn!.. Lại nhà con Bích làm gì ngày hôm qua? Lại giặt… cho nó à? Đồ khốn-nạn!
– Dì con bảo lại….
Như tên cướp nghe thấy tên kẻ ăn chặn của mình, bà Phán gầm lên:
– Cả dì mày nữa, cả con Bích nữa, từ giờ tao cấm cửa. Rồi Thánh lại không vật chết cả à!
Vẫn không hiểu cái duyên-cớ nó khiến mẹ thịnh-nộ, Thảo hỏi:
– Con làm gì?
– Mày lên mách con dì mày tao đội bát nhang cho mày, để nó đến đây, nó mè-nheo tao.
Rồi dí tay vào trán con:
– Tao truyền đời báo danh cho mày biết, từ giờ còn cái thói hớt lẻo, tao xé xác mầy ra.
Bà Phán đang thao thao mắng nhiếc con thì thằng xe bà phán Lan chạy vào.
Bà Phán vừa búi tóc, vừa hỏi:
– Mày đi đâu, thằng kia?
– Thưa bà, con lại xin bà cho bà con cái khăn tay, bà con vừa bỏ quên.
Bà Phán nhìn ngược nhìn xuôi, rồi với cái mùi-xoa ở «búp-phê», đưa cho nó.
Thảo nhân lúc mẹ ngớt miệng, lảng vào nhà trong.
Bà Phan lấy khăn ấp-ấp vào mặt, rồi quát:
– Có ra đây tôi nhờ tí không?
Thảo rón rén ra, mặt tím bầm. Bà Phán vất cái khăn đánh thõng xuống chậu;
– Có đi lên Hàng Hài giục người ta đi không? Lúc về tạt vào cụ Đồng, mời cụ ấy lên chơi.
Thảo vâng một tiếng nặng như chì:
– Để chiều, con đi.
Bà Phán quắc mắt:
– Chiều cái gì, nhỡ của người ta!
Thảo nói trong nước mắt:
– Bây giờ nắng, con không đi được.
Bà Phán lườm nàng:
– Nắng cũng không chết!
Rồi bà ném đồng bạc ra sập:
– Không đi ngay, nó làm không kịp, cô đừng có trách tôi.
Và trước khi lên gác, bà còn dặn:
– Bảo nó: hài con mười đôi, hài nhớn mười hai đôi. Phải cho nó «tố hảo» nghe chưa!
Chương 1
Tiến >>
Lê Thy đánh máy từ bản PDF của https://vietbooks.info
Nguồn: ĐỜI MỚI xuất bản 1943 - Baovecovang
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 28 tháng 2 năm 2023