Chuyện Tình Phja Bjooc

bùi thị như lan

Chương 1

trôi trong ký ức

Tháng Chín. Nắng thu trong vắt, vàng sánh như mật mía trôi từ đỉnh núi Phja Bjooc ngút ngát mây, tràn xuống bản Nộc Nhùng. Nắng kéo nhau nhảy nhót tưng bừng trên những vòm lá ken dày trong rừng rậm, đến rừng thưa, thổi vào da quả mác cọt sậm màu nâu bóng, miên man dắt díu nhau qua những mái nhà sàn đứng dựa lưng vào núi, thong thả chạy ra vườn, nhuộm vàng chùm quít, thắp lửa quả hồng, ùa xuống dòng Nậm Khao, thỏa thuê nhí nhảnh chơi trò tung hứng trên mặt nước rộng lớn, lấp lánh tơ vàng...

Ri ngồi dựa lưng vào gốc cây mác cọt đôi, nhìn đăm đắm xuống dòng sông Nậm Khao tràn nắng, miên man nghĩ. Ừ, mới đấy mà mấy mươi năm qua rồi. Người đi xa giống như cánh chim lạc lối, bay mãi đến rừng lạ, không nhớ về tổ cũ. Người ở bản tóc màu mây thắc thỏm mong chờ... Chị ngước mắt lên vòm mác cọt trĩu quả mặc áo nâu, anh ánh sắc vàng thở dài. Dường như quá quen tiếng thở sâu hun hút, nặng nề của người đàn bà, thế nên ngàn vạn mắt lá lao xao, đẩy đưa những quả tròn, nghiêng ngả theo gió.

Thảm lá dưới vô vàn gốc mác cọt, từng giọt nắng đung đưa, tựa như bàn tay tạo hóa lắc rắc những mảnh nắng vụn, nhập nhòa vào sương sớm, rồi vung vẩy tãi ra. Ri mặc vô số giọt nắng nhún nhẩy trên mặt, khe khẽ thầm gọi tên người đàn ông đã đi qua cuộc đời. Tiếng gọi bật lên từ sâu thẳm trái tim nhàu nhĩ. Hụt hẫng. Nuối tiếc. Ân hận. Mòn mỏi. Mong đợi.

Bao năm qua, rừng mác cọt đếm bước chân chị, biết chị vui hay buồn, sướng hay khổ. Hai cây mác cọt già cùng dây võng tầm gửi, tụi nó nghe tiếng ời ời gọi anh của chị, chịu nghe chị kể chuyện. Chị biết tụi cây có hồn. Lần nào cũng vậy, khi nghe chị nhẩn nha chuyện trò, cây cất lời rì rào an ủi. Đứng trước thiên nhiên hoang dã, trong trẻo, tinh khiết, Ri không ngại ngần phơi lộ tình cảm. Nơi cánh rừng êm ả giúp chị thanh thản, sau bao biến cố, trân chuyên.

Không biết rừng mác cọt trên núi Phja Bjooc, sau lưng nhà Ri có từ bao giờ. Không hiểu đôi cây mác cọt to cao nhất rừng này có tự thủa nào. Khi chân chị lũn cũn theo mé lên nương, vào rừng hái nấm, nhặt quả, cây đã cao lớn, tỏa bóng mát bao trùm một vùng rộng lớn. Gốc hai cây mác cọt vồng lên vững chãi, quấn quít ôm chặt nhau. Khi cây vượt cao hơn một người lớn, thân hai cây sù sì tách ra, sừng sững, song hành vươn lên giữa mây trời. Xung quanh nó, vô số cây mác cọt cao, thấp chen chúc nhau, làm nên rừng mác cọt trải dài ngút ngát.

Rừng mác cọt rộng lớn, chân người bản chưa ai đi hết. Theo lời già bản, những năm chiến tranh, rừng mác cọt che mưa, che nắng cho dân quân bản trên, mường dưới cái tay học cầm chắc súng, giữ yên quê núi. Mác cọp cây nọ nối cây kia, dấu bí mật chuyện tình trai thanh, gái tú tuổi hoa, tuổi nụ trong vùng. Mác cọp cho quả để người bản hái mang ra chợ gần, chợ xa, xuống tận vùng xuôi bán, tăng thêm thu nhập cho cái khổ vơi đi, nồi cơm đầy thêm, trẻ nhỏ có nhiều quyển sách thơm mùi giấy mới... thế nên người dân quí rừng như quí ngôi nhà mình.

Như đã thành lệ, bao đời nay mỗi dịp xuân sang, dân quanh vùng lại tổ chức lễ cúng trời đất, thần rừng, cầu sức khỏe, nuôi con thú chóng lớn, cây ngô, cây lúa cho hạt chắc, bắp to, cây mác cọt địu nhiều quả... Lễ vật cúng trong hang đá lớn gọi là động Ngườm Nải nằm giữa rừng mác cọt, chếch về phía Tây, giáp bản Nộc Pháy. Thường thì, dân bản trong vùng gặp chuyện vui buồn cũng lên đây thắp hương.

Đất trời sang thu, rừng mác cọt đeo quả trĩu cành, vỏ ngả màu nâu vàng, tỏa hương thơm, người bản hái quả thơm thảo đầu mùa lễ tạ, chia nhau quả mang về ăn, cho lên lưng ngựa thồ đi chợ bán. Của rừng nhiều vô số, không ai tham lam, tranh giành. Ai hái được nhiều hưởng nhiều, ai hái ít hưởng ít. Lộc của trời cho đấy mà.

Không đếm nổi biết bao lần Ri lên động Ngườm Nải, ngồi như dính xuống nền hang, trước những pho tượng phật bằng đá, thầm thì kêu cầu tâm an, tính lành, người trong nhà có sức khỏe... Và chị xin bước chân người trai ấy trở về nhận mặt con, tạ tội với mé già. Thế nhưng, dường như lời kêu cầu của chị chưa thấm vào hồn tượng đá, nên giờ đây tâm chị day dứt khôn nguôi.

Leo mãi lên cao, trôi giữa màu xanh mác cọt, lên đến đỉnh núi Phja Bjooc bốn bề gió lộng, sương giăng và bồng bềnh mây bay là cơ man những viên đá lớn nhỏ, sắc màu rực rỡ, nằm ngồi ngổn ngang, xoắn xuýt giữa ngàn hoa mạy mác. Vào những mùa trăng, đá ở đỉnh núi tỏa ra ánh sáng muôn màu lấp lánh, tạo thành khối hoa lớn long lanh sáng rực. Không hiểu có phải vì thế mà các cụ tổ của vùng này gọi là núi Phja Bjooc? Đấy là tiếng nói người bản, theo tiếng người vùng xuôi là Núi Hoa. Và có phải vì những viên đá quí ở trên núi, tỏa ánh sáng diệu kỳ mà có tên là ngọc đá?

Trong hơi nắng, hơi sương đượm mùi mác cọt vào độ chín, Ri thấy nồng nàn hơi người đàn ông ấy. Phải rồi, mùi mồ hôi mặn mòi vị nắng, thơm thảo hơi rừng, hòa quyện, đan xen giữa hương mác cọt thanh tao làm chị nhớ quay quắt. Bao năm qua đi, vết thương từ thời Ri còn tuổi hoa tưởng như đã liền sẹo trong bụng, thế nhưng năm nào cũng vậy, vào độ cây mác cọt trổ từng chùm hoa trắng muốt, đến lúc cây đeo quả trĩu cành, chị lại thấy vết thương sưng tấy, nhức buốt, tứa máu.

Mong xóa vết đau lỡ dở mà không thể. Nếp nghĩ của Ri trốn chạy quá khứ nhưng không được. Cuộc sống của chị không suôn sẻ cũng vì bóng hình người ấy...

Chị tự lục vấn bụng mình bằng ngàn ngàn câu hỏi, khắc tự trả lời, nhưng cái nghĩ quẩn quanh đi vào rừng rậm không có lối ra. Vòng vo, xoay sở nhưng lại quay về câu hỏi cũ, không có giải đáp. Sự lẩn quẩn ấy thoát ra khi chị lên với rừng mác cọt, ngồi trên sợi dây tầm gửi chằng chịt kết lại hình chiếc võng thong thả đung đưa.

Ở nơi võng tạo hóa ban tặng này, trong một chiều thu nắng chạy chéo thân cây, giữa vòm mác cọt đeo quả trĩu cành, Ri ngất ngây trong men say tình ái. Ui chao! Nghĩ đến hôm ấy là máu trong người chị chạy rần rần, bốc nóng, nhuộm mặt đỏ rựng như quả mác lừ vào độ chín... suy nghĩ lôi chị lạc vào ký ức khao khát. Châng lâng. Đê mê.

Chị tháo vòng cổ bằng bạc chạm trổ hình đôi chim công, ngậm đóa hoa mác cọt ngắm nghía, ngậm ngùi cho duyên phận. Không biết chiếc vòng tay khắc hình tụi nai, đùa giỡn dưới mặt trời tỏa nắng, giữa rừng hoa mạy mác, làm từ đá núi Phja Bjooc của chị có còn ở cổ tay vâm váp, cứng cỏi của người ấy? Nếu còn thì sao người ấy không biết lối về? Chiến tranh giống như con dao sắc cứa cắt ngàn nỗi đau trong ký ức người bản, giờ theo gió thời gian trôi qua mấy thập kỷ rồi. Dẫu người còn, người mất, nhưng mấy ai bặt tin như người trai ấy? Sao phận chị lại gắn liền với sự xa lìa đến thế? Từ đời cha, mé rồi đến đời con gái của chị cùng người ấy, tuy vòng quay tháng năm khác nhau, nhưng việc lặp lại giống lối mòn cũ kỹ.

Vừa mới ngày nào Ri run bần bật khi người ấy trao vòng. Mà thật ra là đổi vòng thì đúng hơn. Những đôi trai, gái vùng này có ai hứa hôn, hẹn hò như chị không nhỉ? Có lẽ không đâu. Chị tin chắc như thế. Chỉ có người trai ấy của chị mới làm vậy, trước khi hành quân lên mặt trận phía Bắc thôi. Anh hẹn, khi nào đất nước im tiếng súng sẽ về với chị. Thế mà hơn hai chục năm qua, anh như thể hóa thân vào mây gió bay đi. Chị không hiểu chuyện gì xảy ra nữa. Biên giới phía Bắc rộng lớn như thế, nhưng cũng thật gần với bản Nộc Nhùng này. Theo đường con chim sải cánh hơn đôi trăm cây số thôi. Sao anh quên lối về?

Chị không tin vào khung hình "Tổ quốc ghi công" có dấu tròn đỏ chót và dòng chữ đề rõ tên anh để trên ban thờ, cạnh bát hương cha... Một ngày nào đó anh sẽ trở về. Anh không để mẹ già rầu rĩ đau khổ như thế được. Thật tội lớn quá đi.

Mắt Ri đỏ lên, ngân ngấn nước. Lặng lẽ gục đầu vào võng cây than vãn, trong tiếng gió thổi không ngừng.

Trong hương thơm thanh dịu của quả mác cọp vào độ tròn căng, ngồi trên cánh võng nhẹ đưa, Ri nâng chiếc vòng bạc áp vào má. Mắt chị xuyên qua vô vàn chùm mác cọp, vươn qua tầng lá ken dày, mơ màng nhìn khoảng trời vời vợi, cao tít, ngập nắng.

Chao đi, chao lại theo nhịp võng, chị thấy thư thái. Mắt nhìn từ năm này, trôi qua năm khác, thì chị cũng không thể thấu bầu trời rộng lớn. Thế nhưng, dưới tán cây ngờm ngợp xanh, chị có cảm giác anh đang ở đâu đó, trên chín tầng mây bay, lắng nghe chị nói, an ủi khi chị khóc, vui lúc chị cười. Chị thủ thỉ tâm tình với anh những chuyện chẳng có điểm dừng để vơi nỗi niềm mặn đắng, vón kết tâm can.

...Anh à, có phải anh đang chơi trò trốn tìm như hồi chúng mình còn bé đúng không? Anh trốn chỗ nào, hãy chạy về ú òa, đừng bắt em căng mắt ra tìm anh mà lo lắng như thế. Nhớ hồi tụi mình bé, lần nào anh cũng trốn kỹ ở góc rừng, hay hốc đá nào đó. Khi em chạy lung tung, không thể tìm ra, chân anh nhẹ như chân nai, miệng bật tiếng hét vang rừng "ú...òa". Anh nhảy tâng tâng, vỗ tay đôm đốp, kêu toáng lên: "Tao thắng rồi!". Lúc ấy, cái Rinh đành hanh, dằn dỗi:

- Khôn như chấy! Thắng mãi như thế chả thích, chả thèm chơi nữa!

Nói xong, nó ngúng nguẩy ngồi phệt xuống đất, giận dữ bứt từng nắm hoa cỏ vò dập, vơ luôn sỏi đất, ném liên hồi về phía anh...

Thường thì anh quờ tay, vo tròn những ngọn cỏ nát, chạy đến xòe ra trước mặt nó, buông lời chọc: - Mày không chơi á? Ơ hơ đúng là đồ...dở người! – Nói thế rồi anh tung cỏ lên khoảng không, chúng lả tả rơi xuống, phủ đầy tóc, rơi đầy mặt anh và Rinh.

- Ai dở người? – Rinh đỏ rựng mặt, hét.

- Lại còn hỏi nữa lá? Mày đấy! Mày đấy! – Anh cố tình trêu tức.

Em Rinh bặm môi, đứng vụt dậy, hò hét, chạy đuổi anh. Bàn chân đạp lên lá khô rào rào, lũ chim sẻ ri, liếu tiếu trên cây nháo nhác, bay vút lên, kêu chí chóe vang động bìa rừng.

Hai người dượt đuổi nhau mãi làm em sợ, co dúm, chúi người vào bụi cây cậm cang, cây cơm nguội, miệng lắp bắp:

- Đừng có đánh nhau, tao mách mé...

Giọng em lạc lõng, chìm trong trùm ngợp tiếng la hét... cho đến khi Rinh mệt, nằm sõng xoài dưới thảm lá nhầu nhĩ, thở hổn hển, thổn thức khóc váng lên, anh tần ngần ngồi xuống bên nó, nói lí nhí:

- Rinh à, là tao nói đứa khác dở người, không phải mày đâu...

Khi ấy, em lồm cồm từ trong bụi cơm nguội bò đến bên Rinh, khẩn khoản dỗ:

- Đừng chảy nước mắt nữa, chơi vui thôi mà. – Em chợt quay sang anh trách: - Biết nó hay chảy nước còn đùa dai...

Anh lặng lẽ cúi mặt xuống, cái mắt như thể tìm thứ gì đó, dưới đám lá cây mục dày.

Trong nhà mình, sao anh với Rinh thích đối chọi nhau thế? Bữa cơm là lúc gia đình quây quần, hai anh em hay gây náo loạn, không tranh bát đẹp, thì giằng co đũa tre hay đũa gỗ. Anh không nhường nhịn nó từ lúc đầu, cứ phải tranh giành. Như em thế nào cũng được, có gì dùng nấy. Bát đũa để đựng thức ăn, gắp vào miệng thôi mà, miễn sao cái bụng no.

Anh và Rinh giành giật ngồi cạnh mé. Mé bảo, anh ngồi bên cánh tay phải mé, cái Rinh ngồi bên tay trái, mà anh với nó không chịu yên. Được yên vài bữa lại chí chóe đòi đổi chỗ, kéo nhau loạn xạ, ầm ĩ làm mé bực mình, rút roi mây cài trên mái nhà xuống, dậm chân:

- Hai đứa mày sao thế? Có ăn cơm hay muốn ăn roi đây?- Rồi mé quay sang dí roi vào anh, mắng: - Cái thằng này, có xứng làm anh không? Mày mà không nhường em thì no đòn, hiểu chưa?

- Là tại nó tranh con đấy thôi!- Anh hậm hực cãi.

- Mày mặc kệ nó thích ngồi đâu thì ngồi không được sao?- Mé giận dữ quát lên. Quay sang em Rinh, mé ca cẩm: - Con này cũng đanh đá, ghê gớm vừa thôi, sao mày không như cái Ri để tao được nhờ? Suốt ngày cắm mặt làm nuôi chúng mày, chưa khiến tao đủ khổ a? Mà cái Xa cũng thật tệ, đi biền biệt không biết ở đâu, về mà nhìn chúng mày lớn ngần nào rồi...

Thường những lúc mé nổi cơn bực trước bữa cơm, ông trẻ xuê xoa:

- Trẻ con mà, kệ chúng nó. Trời đánh tránh miếng cơm đấy.

- Hai đứa làm loạn nhà làm con bực quá, cậu bênh che, chúng nó được thể lên nước!- Mé khẽ cau mày.

Bà trẻ múc rau dớn trong nồi ra bát, cười:

- Hầy dà! Trẻ con hiếu động thì khôn! – Nói thế rồi bà giục:- Thôi, ăn cơm đi, kẻo nguội.

Mé lắc đầu, đe nẹt:

- Lần sau chúng mày tranh cãi ầm ĩ thì ăn lươn trạch nghe chưa!

Hôm ấy, lần đầu em nghe mé nhắc đến người tên Xa mà không dám hỏi, em sợ mé buồn. Người ấy là ai, bà con họ hàng hay người bạn của mé? Sao người ta làm mé khổ? Những cái muốn biết cuộn lên trong đầu đứa bé gái sáu tuổi là em.

Đêm muộn. Tiếng nước sông Nậm Khao tát vào bờ đá ùm oạp. Gió rét mà mé vẫn ngồi bên bếp lửa cời than đỏ, thoảng chốc mé đứng lên đi đi, lại lại suy nghĩ mông lung rồi ngồi thụp xuống khóc. Tiếng khóc của mé buốt nhói tai em...

Vừa mới ngày nào chúng mình như lũ gà con, nấp dưới đôi cánh gà mẹ của mé, cái đầu dại khờ, suy nghĩ non nớt, thế mà giờ đây gà trống anh, chân chạy đi mang theo tiếng gáy biền biệt xa. Gà mái tơ em Rinh mải mê làm giàu ở thành phố. Căn nhà sàn cũ kỹ với những cây cột tròn trịa, kê chân bằng đá này chỉ có em với mé thôi. Mé già lắm rồi, thân mé mỏng manh như cây lau, cây sậy mùa bão. Thằng Thành mà mé gọi là thằng Được, con của chúng mình, đi học thành người giỏi rồi làm dưới phố huyện, năm thì mười họa nó mới đảo qua nhà. Giá như anh nhìn thấy nó...

Chương 1

Tiến >>


Nguồn: http://chimviet.free.fr/truyenky
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 4 tháng 3 năm 2023