- Giới thiệu - Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
- Chương 47
- Chương 48
- Chương 49
- Chương 50
- Chương 51
- Chương 52
- Chương 53
- Chương 54
- Chương 55
- Chương 56
- Chương 57
- Chương 58
- Chương 59
- Chương 60
Mật mã Champa là một cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên viết về mật mã, lịch sử và tôn giáo của nền văn minh Champa cổ xưa đầy huyền bí trên dải đất miền trung Việt Nam. Những đền tháp uy nghi có từ hàng thế kỷ trước, những pho tượng Bà-la-môn giáo nhuốm màu thời gian cùng hàng trăm tấm bia kí phai mờ đang ẩn chứa vô số bí ẩn mà hậu thế chưa thể giải mã. Sau nhiều năm trùng tu thánh địa Mỹ Sơn, một kiến trúc sư đã phát hiện ra nhiều mật mã bằng Phạn ngữ khắc trên bia đá tiết lộ các lễ hiến tế thần bí.
Điều làm ông bất ngờ và sợ hãi là những bí ẩn kho báu Champa và lễ hiến tế người gắn liền với một hội kín tà giáo có từ thời trung cổ. Lúc ông quyết định thám hiểm vào sào huyệt của hội kín thì bị sát hại đúng theo cách mà ông từng biết qua bia kí.
Rất may, trước khi chết ông đã kịp để lại một mật mã.
Ngay lập tức, một kiến trúc sư trẻ đã vào cuộc. Anh bắt đầu giải chuỗi mật mã mà nhà khảo cổ kì cựu này để lại rồi rơi vào một cuộc rượt đuổi kinh hoàng. Cuối cùng, anh đã sập bẫy rồi bị đưa lên đài cúng tế đúng như nghi thức man rợ cổ xưa.
Sau nhiều diễn biến kịch tính tại hang ổ của hội kín, bí ẩn về hội tà giáo Naga và kho báu của vương triều Champa lần lượt được đưa ra ánh sáng sau hàng thế kỉ chìm trong bí ẩn.
Tác giả
Giản Tư Hải sinh năm 1977 tại Thanh Chương, Nghệ An. Là một nhà văn tay ngang, nghề chính là kiến trúc sư, nhưng Giản Tư Hải có số lượng sách được xuất bản đáng nể. Giản Tư Hải có nhiều trải nghiệm và vốn hiểu biết rộng, anh thường đưa vào tác phẩm những kiến thức rất đa dạng, phong phú, thú vị. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hiện làm việc tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Tiểu thuyết “Ổ buôn người” của anh đoạt giải C cuộc thi truyện ngắn, ký và tiểu thuyết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2007 - 2010 do Hội Nhà văn và Bộ Công an phối hợp tổ chức. Những sáng tác của Giản Tư Hải đều theo thể trinh thám và chủ yếu lưu hành trên Internet.
Các tác Phẩm đã in.
1, Ổ buôn người. Tiểu thuyết trinh thám.
2, Âm mưu thay não. Tiểu thuyết trinh thám.
Chương 1
Dưới độ sâu 35 mét, người đàn ông cao lớn và một phụ nữ dắt theo một con dê trắng thắt nơ đỏ đang dò dẫm dọc một đường hầm lát đá để tìm một cánh cửa. Ông ta cầm đèn pin chiếu lên tường hầm rồi dừng lại trước một mảng tường khả nghi quan sát hồi lâu.
- Phòng 178. Chính căn phòng này.
Người phụ nữ trẻ mệt mỏi đến mức không buồn nói câu nào, cô chỉ mong chồng đứng lại để tranh thủ ngồi phệt xuống. Cô không ngờ thánh địa lại xa xôi hiểm trở đến mức đi ba ngày trời mới tới. Ngay cả con dê đực quen nhảy nhót trên núi cũng run chân và thè lưỡi ra để thở.
- Rốt cuộc cũng tới đích. – Người đàn ông Pháp nói - Chúng ta cứ trải chiếu nằm ở đây chờ cửa mở.
Ông ta xem đồng hồ rồi lấy thuốc ra vừa hút vừa đi đi lại lại nhưng mắt không rời cánh cửa đá mang số 178 đang đóng im lìm. Bỗng đất đá xung quanh rung lên báo hiệu một cơn địa chấn dữ dội bất ngờ ập đến. Cánh cửa đá bật mở rồi rút lên cao theo chiều thẳng đứng, ông ta thét vợ ngồi dậy rồi cúi xuống nhìn cái hố vuông sâu nơi cánh cửa đá vừa rút lên trần.
- Dê trắng đâu lại đây! – Ông thét to lên.
Ông quay lại nhặt sợi dây nhấc bổng con vật đáng thương lên cao rồi thả xuống cái hố đen ngòm đang ngoác to. Tiếng thét thê thảm của con dê trắng câm bặt trong tiếng đá nghiến. Viên Kiến trúc sư người Pháp cùng với phu nhân mau lẹ vọt qua miệng hố trước mặt để vào bên trong. Hành trình gian nan đi tìm kho báu Champa cổ xưa mà họ theo đuổi bấy lâu nay rốt cuộc đã tới đích. Trong hang đá tối đen như mực, người phụ nữ trẻ tỏ ra sợ sệt khi nhìn lại cánh cửa đã sập xuống sau lưng. Một dải sáng lân tinh bò ngoằn ngoèo trên vách đá nổi lên một dòng chữ Phạn cổ đập thẳng vào mắt cô:
.
“ Dâng máu cho Ngài! kẻ nào xúc phạm đến thần linh sẽ bị rút sạch máu ba đời dâng lên Ngài’’.
- Anh nhìn kìa... - Cô gái chỉ tay nói.
Viên kiến trúc sư đến từ EFEO (1) rùng mình hoảng sợ khi đọc kĩ dòng chữ khắc sâu trên mặt đá. Từng bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu bia mộ cổ, ông liên tưởng đến một lời nguyền được cho là thần bí nhất lịch sử, đó là câu khắc trên bia mộ các hoàng đế Ai Cập “ Bất cứ người nào đến quấy nhiễu sự yên ổn của Pharaông, thì cánh cửa tử thần sẽ giáng xuống đầu người đó. ’’
Đó không phải là lời dọa suông. Hàng ngàn năm nay, lời nguyền bí ẩn kia vẫn là bản án tử hình siêu linh đã giáng phạt bao nỗi chết chóc kinh hoàng cho giới khảo cổ và cả những tên săn trộm dám phớt lờ nó.
Viên kiến trúc sư chiếu đèn pin rồi xích lại gần, ông nhìn thấy những vẩy máu khô loang lổ trên vách cửa đúng vị trí mà ông và vợ vừa nhảy qua. Ông biết rằng mình không phải là người đầu tiên bước qua đây và số phận những kẻ đi trước ra sao thì đã rõ. Ông trấn an người vợ đang run rẩy trong làn hơi ẩm lành lạnh trong lòng núi.
- Đừng để tâm, anh đã có cách khắc chế cánh cửa đó.
Người đàn bà đầu tiên đặt chân nơi cung cấm này vẫn chưa hết sợ hãi.
- Em tưởng cả vách núi đã sập xuống rồi chứ. Làm sao mà nâng lên được?
- Anh đã nghiên cứu tấm bản đồ cổ rất kĩ rồi. Trong này có cỗ máy bằng đá dùng sức nước để điều khiển cánh cửa đó.
- Nhưng trong lòng núi này làm sao có nước được?
- Em đừng quên đây là thánh địa Naga nhé. Đã có thánh địa thì bắt buộc phải có nguồn nước thiêng. Ở đây không chỉ có nước mà có cả một dòng suối ngầm. Khi băng rừng đến đây, em có nhớ chúng ta đã vượt qua mấy con sông và dòng suối không? Một nhánh trong những dòng nước đó chảy qua lòng núi này đấy.
Cô gái vội liên tưởng đến Mỹ Sơn, Cát Tiên, Ăngkor Wat và nhiều thánh địa Balamon khác mà cô từng đến đều có cả những dòng sông và suối thiêng bao quanh ngàn năm không ngừng chảy.
Mặc dù chiếc đèn pin công suất sao, chùm sáng vẫn mờ lụi trong khoảng không mịt mù. Họ mò mẫm theo hướng nam như trong trí nhớ, đi qua một khoang rộng không rõ hình thù, cuối cùng một bức tường đá xám xịt đã hiện ngay trước mắt họ. Men theo bức tường cho tới khi nhận ra một cánh cửa vòm, ông liền đẩy mạnh. Tiếng nước rào rào bất ngờ phả ra từ một đoạn suối ngầm chảy qua lòng núi. Trước mắt ông là một guồng nước khổng lồ đang chuyển động để đưa dòng chảy lên một hệ thống phức tạp nằm trên cao mà ông không thể nào nhìn rõ. Trục quay bánh guồng được gá trên hai trụ đá lớn song song mọc lên từ lòng suối giúp cho chiếc bánh xe nặng hàng chục tấn vận hành trơn tru suốt mấy trăm năm nay chưa từng ngưng nghỉ. Thấy một chiếc thang đá dựng đứng, ông lội xuống bám tay vào những thanh giằng để tìm cách trèo lên. Thận trọng leo đến bậc cuối cùng, từ độ cao của một ngôi nhà ba tầng nhìn xuống, những lá guồng gạt nước trắng xóa dưới ánh đèn bàng bạc làm ông cảm tưởng như đang lạc vào gầm máy của một chiến hạm khổng lồ thời Trung cổ đang nhởn nhơ vô định giữa đêm đen trên đại dương. Nước từ hệ thống ống máng chằng chịt trên cao dội xuống ào ào xen lẫn với dòng suối réo von tạo thành một bản hòa tấu hoang sơ đến kì dị.
Nhìn quanh, viên Kiến trúc sư ngạc nhiên khi phát hiện trước mặt là một bể đá rất lớn ngỡ là một tầng lầu. Tuy nhiên bể nước này đã cạn khô và chỉ có một dòng nước đang nhỏ giọt vào bể. Chỉ mất vài phút, ông đã phát hiện ra quy luật vận hành của chiếc đồng hồ nước cổ đã được phác họa chi tiết trong tấm di chỉ quý báu. Nắm được cấu tạo và nguyên lí hoạt động khắc sẽ điều khiển được nó. Trên chiếc bàn điều khiển, ông tìm cách cài chế độ mở cửa đá. Tháo chiếc ống nhỏ đang rỉ nước đặt sang bên cạnh rồi ông dùng hết sức xoay một ống đồng có đường kính bằng miệng bát thay thế. Ống đồng lập tức truyền nước ào ào vào bể chứa. Toàn bộ lan can và hành lang đá dưới chân ông bắt đầu rung lên nhè nhẹ. Chỉ vài chục phút nữa thôi, mực nước sẽ đạt ngưỡng cực điểm để đẩy bật một chiếc lẫy. Mấy trăm khối nước cùng hàng chục tấn đá sẽ trút xuống để khởi động một chiếc đòn bẩy có khả năng ném bay một tòa nhà với một sức mạnh khủng khiếp. Năng lượng đang tích tụ với một tốc độ rất nhanh tỉ lệ thuận với mực nước dâng trong bể. Mặc dù muốn nán thêm vài phút để đo lại thể tích và vận tốc nước nhưng một giọng rất thanh át tiếng thác vọng lên.
- Xuống ngay, nó sẽ sập xuống mất!
Nhìn qua luồng sáng yếu ớt chiếu qua đám bụi nước bạc, ông phát hiện một máng đá dốc chéo xuống dưới. Không chần chừ, ông bò qua một dầm đá trơn nhẫy để nhảy vào lòng máng. Trong tích tắc, ông gần như trượt ùm xuống lòng suối làm nước bắn tung tóe lên mặt vợ.
- Xin lỗi!... - Ông vùng đứng lên đưa tay vuốt mặt. – Tốt rồi, cách cửa lát nữa sẽ tự mở ra.
- Cửa tự động ư? Hệ thống gì mà lạ vậy?
- Một cỗ máy bằng đá chạy bằng sức nước. Tổ tiên người Chăm của em đã chế tác ra nó đấy!
- Nó đủ sức nhấc cánh cửa mấy trăm tấn kia không? Anh cam đoan là chúng ta không bị kẹt lại đây chứ?
- Yên tâm, nếu cỗ máy kia chạy đúng, khoảng nửa tiếng nữa cửa sẽ mở ra.
- Sao nhanh vậy? liệu chúng ta còn thời gian đi khắp cung điện này không?
- Chỉ có hai ống đồng. Anh đã cài chế độ mở nhanh nhất. Thôi đừng hỏi nữa, nhanh chân lên!
Họ chui trở lại tiền sảnh, do thiếu ô-xy và vận động mạnh nên ông đã có dấu hiệu rối loạn phương hướng. Tránh mất thời gian, trong khi cúi mặt xuống ông tranh thủ mở tấm bản đồ cổ ra định vị lại lần nữa.
- Đằng kia kìa! – Người vợ trẻ chỉ tay phía sau lưng ông.
Ông quay lại bắt gặp một khoảng tối đen đặc đang phả hơi lạnh vào mặt mình, ông xoay đèn về hướng đó và lờ mờ nhận ra một miệng giếng. Ông nắm tay vợ đi nhanh về phía đó và thấy một cầu thang xoắn ốc dẫn xuống dưới. Không rời một bước theo chồng, mắt cô sợ sệt nhìn theo ánh đèn nhấp nhoáng trên các phiến đá ẩm ướt và cố không để trượt chân rơi xuống cái hố mà cô chưa nhìn thấy đáy. Để thêm an toàn, cô bám tay kia lên lan can có tay vịn bằng rắn đá ưa thích của người Khmer. Con rắn bảy đầu bằng đá hoa cương xoáy lượn hình trôn ốc xuống sâu hun hút nhìn như thể nó đang cố ngoi lên từ địa ngục. Bất chấp lối đi hiểm trở, cô nhắm mắt đi theo chồng cho đến khi ông ghìm tay cô lại.
- Kia mới là kẻ giữ đền đích thực, rắn thần Naga! – ông nói.
Người phụ nữ ngước lên, dưới ánh đèn yếu ớt xuyên qua không khí đặc quánh hiện lên một cuộn trắng căng tròn bềnh bệch.
- Trong truyền thuyết Khmer rắn giữ đền Naga có tới bảy đầu cơ mà? - Người phụ nữ hỏi. - Con này lớn nhưng chỉ một đầu.
- Đúng thế, nhưng đây là con rắn thật đang sống!
Cô gái thất kinh ôm chặt hông chồng mình. Người đàn ông từ tốn gỡ nhẹ tay cô:
- Đừng sợ, đây chính là rắn khổng lồ sống trong rừng nhiệt đới hạ lưu sông Mê Kông. Trước đây xuất hiện thường xuyên tại rừng U minh Thượng nhưng nay gần như tuyệt chủng. Truyền thuyết rắn thần Naga lấy cảm hứng từ loài bò sát khổng lồ có thật này. Sách cổ của người Khmer còn mô tả những con long xà to như cây Thốt nốt.
Vẫn nhìn con vật qua vai chồng mình, giọng cô chưa hết run:
- Nó đang ăn?
- Chính con dê trắng mà ta vừa thả xuống khi qua cửa đấy thôi, đây là bữa điểm tâm đầu tiên của nó sau 12 năm đấy.
Cô gái mắt mở to nhìn con rắn bất động, chỉ có mang tai đang phập phồng đẩy con vật bé bỏng khuất dần trong khoang miệng đang ngoác to.
- Đây là giống rắn sống nơi không ánh sáng nhưng mắt nó có thể nhìn xa hàng cây số trong bóng đêm.
Cô gái nhè nhẹ lùi xa hơn, mắt vẫn không rời con vật, cô hỏi.
- Nó nhịn đói tới 12 năm sao?
- Giữa chu kì mở cửa tháp dài tới một giáp, làm gì có ai vào được để cho nó ăn, nó rất đói. Nếu hôm nay chúng ta quên mang con dê cho nó, em có biết thức ăn của nó sẽ là gì không?
Cô kéo chồng quay lại nhưng người đàn ông to cao không hề nhúc nhích. Viên kiến trúc sư biết rằng họ đã rơi vào phạm vi tấn công của con vật từ lâu, nhưng hôm nay con dê đã thế mạng cho họ. Ông chỉ khe hở đủ một người đi phía sau con rắn và nói.
- Muốn vào thánh địa phải đi qua mặt con rắn này.
Người vợ định bỏ chạy, nhưng cô vội nhận ra phía ngoài là cánh cửa đá đã đóng chặt. Đã vào đến đây dù chết cũng phải đi đến tận cùng. Chẳng phải mười mấy năm nay cô chỉ mong ngày này đấy thôi.
- Đi tiếp! – Cô hạ quyết tâm.
Tuy lấy hết can đảm, không chỉ cô mà người đàn ông đầy chất thép kia cũng phải co mình nín thở để lách qua lưng con rắn đang phả hơi tanh nồng nặc. Ngay vừa đặt chân vào khu tiền điện, viên kiến trúc sư đã ngỡ ngàng sửng sốt với vô số pho tượng các vị thần Balamon giáo đặt trang trọng trong các khám thờ ăn sâu trong đá. Tượng Siva, Vishnu, Bharma, bò Nadin, dấu triện cổ và các thanh kiếm ánh lên màu sắc của vàng thật.
Do thời gian có hạn nên không thể xem kĩ từng chi tiết, ông muốn đi thật nhanh để bao quát quy mô thánh địa nhưng một pho tượng nữ thần vàng óng làm ông sững người lại. Đúng là pho tượng này được đúc bằng vàng khối, với kích cỡ lớn bằng người thật như vậy làm ông nghĩ đến tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng tại Po Nagar đã bị quân Khmer băng qua cao nguyên Langbian đến tấn công Nam Champa năm 945. Sự tập trung của ông bị cắt ngang khi có tiếng động vang lên từ xa. Lúc này ông mới giật mình nhớ lại người vợ đã biến đi đâu mất. May thay, nỗi sợ của ông tan biến khi thấy nàng từ xa chạy lại với một thứ gì đó nặng trĩu trước ngực. Ông lia đèn sang nhìn thứ trên tay vợ và không thể tin nổi vào mắt mình nữa.
- Lạy chúa! Em bê cái này từ đâu ra?
- Trên đài thờ.
Người đàn ông nhìn theo chỉ tay của vợ về cuối đường hầm hun hút và nhận ra rằng mình đang ở đoạn đầu của một cung điện. Còn vô số điều hấp dẫn và lạ mắt vẫn đang chờ ông ở phía trước. Định đi tiếp nhưng môt sức mạnh vô hình đã ghìm chặt ông lại. Kinh ngạc và giận dữ, ông chỉ tay lên linh vật.
- Em... em định mang nó đi đâu?
- Mang về Mỹ Sơn.
Ông chết lặng đi sau câu nói thản nhiên như không.
- Về Mỹ Sơn?
Mặc dù hiểu được nỗi lòng khao khát đến cháy bỏng trong trái tim vợ mình bấy lâu nay, nhưng ông không ngờ cô ta lại xốc nổi như vậy. Chỉ mấy phút trước đây, nàng còn là phụ nữ non gan e thẹn, vậy mà chỉ trong phút chốc, chả hiểu phép thuật nào đã biến cô trở nên ngang nhiên đến ngỗ ngược như thế.
- Không được! - Ông dứt khoát xua tay. - Những thứ nằm trên đài thờ là bất khả xâm phạm!
- Đây là báu vật của người Chăm. - Cô nói đầy thách thức. - Nó phải trở về với người Chăm.
- Nhưng không phải lúc này, hãy trả lại đài thờ ngay!
- Không được! - Cô bướng bỉnh đáp. – Chính anh thường nói cái gì của Cesar thì trả cho Cesar đó sao. Đây là Quốc bảo của Champa, là linh hồn của người Chăm, chúng ta phải có trách nhiệm trả về đúng chủ của nó.
- Hãy nghe anh nói đã. - Ông xòe hai tay phân bua. - Chúng ta sẽ hồi hương những gì đã bị lấy cắp nhưng chưa phải lúc này. Chúng ta chưa hiểu gì về thánh địa này và sẽ phải trả giá đắt cho sự xốc nổi và ngu dốt.
- Không bây giờ thì bao giờ? Ngoài tôi và anh ra còn ai nữa? – Cô lại lùi xa tầm tay của người chồng như tránh một kẻ phản trắc. - Tổ tiên tôi đã mất bao nhiêu công sức và xương máu để đi tìm linh vật này nhưng đều thất bại. Đây là cơ hội duy nhất và tôi không thể chờ thêm được nữa. Anh không thuyết phục nổi tôi đâu!
Không chần chừ, người vợ ôm chặt báu vật nặng hàng chục cân lao ra cửa với một sức mạnh kinh ngạc. Nàng bất chấp bóng đêm và sợ hãi khi băng ngang trước mũi thần rắn. Người đàn ông Pháp chỉ biết chạy theo soi đèn cho cô khỏi ngã mà không dám chạm vào người vợ đang nổi cơn tam bành.
Khi chạm cửa đá, người phụ nữ quay phắt lại nhìn ông thế thủ. Nhìn cặp mắt hoang dại mà ông chưa bao giờ nhìn thấy ở người phụ nữ đầu gối tay ấp mấy năm nay, bản năng sinh tồn mách ông không nên dồn ai đó vào đường cùng. Ông lùi lại và tỏ ra lịch lãm như một đàn ông Paris thứ thiệt.
- Anh hiểu và trân trọng suy nghĩ của em. Nhưng chúng ta không thể đón rước thần linh một cách thô bạo như vậy. Đây là di sản của Champa nhưng đã nằm trong lãnh thổ Camboge(2) mấy trăm năm nay. Để mang được nó về chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề lịch sử để lại. Dù sao chúng ta cũng sẽ hành xử đàng hoàng trong luật pháp chứ quốc tế không phải hành động như những tên mộ tặc.
- Không, sẽ không còn ngày nào nữa, em linh cảm rằng chúng ta không thể quay trở lại đây được nữa. Chúng ta sẽ vĩnh viễn mất linh vật này!
Quý ông Paris len lén nhích tới, chỉ đợi một cái chớp mắt của nàng, ông sẽ vồ cướp.
- Đừng động vào tôi. - Cô dơ cao pho tượng. - Nếu ông cướp, tôi sẽ đập đầu chết ngay trước mặt ông!
Lời nói này đã đánh gục ý chí của ông. Đứng chết lặng giữa phòng, mắt ông trân trối nhìn người phụ nữ xinh đẹp và tự hỏi rằng nàng có còn là vợ mình nữa hay không. Sai lầm! Không phải sai lầm khi cưới nàng mà sai lầm khi đưa nàng vào đây. Ngàn lần sai lầm.
- Cô có biết là cô đang xúc phạm thần linh không hả? – ông than lên.
Ông chỉ còn biết trút hết tức giận vào lời nói nhưng tiếng gào của ông dội vào vách đá rồi hắt thẳng vào chính mặt ông. Nàng vẫn im lìm dựa lưng vào cánh cửa và không thể nào nhìn thấy dòng chữ đang tỏa ám khí ngay trên đầu. Ông rùng mình nhận ra dòng chữ Phạn kia là dành cho ông, nó đang chiếu thẳng vào số mệnh ông. Họ nhìn thẳng mặt nhau trong bóng tối, câm lặng đến rợn người. Tiếng tích tích trên chiếc đồng hồ đeo tay đang nhắc nhở ông thời khắc sắp đến. Cửa sẽ mở.
Ông đưa tay nhìn đồng hồ và hốt hoảng khi nhận ra thời khắc đó chỉ tính bằng giây và cô ta sẽ dễ dàng thoát ra ngoài. Thời gian cứu vãn thần linh của ông sắp hết. Người phụ nữ vẫn nén lặng chờ đợi vì cô biết thời gian đang ủng hộ mình. Trong tích tắc ông biết mình vẫn hoàn toàn làm chủ tình huống. Cánh cửa sẽ không khởi động nếu ông kịp ngắt ống đồng. Nhanh như cắt, ông quay đầu lao vụt vào bóng tối, chưa đầy mười giây sau ông đã đứng trước thác nước.
- Khoan, anh làm gì thế?
Giờ là lúc ông trả đũa cô. Bất cần như chả nghe thấy gì, người Pháp phăm phăm lao ra suối.
- Dừng lại! - Tiếng vợ ông thảm thiết. – Chết đấy...!
Ông lội ùng ục đến giữa dòng rồi bất thình lình khự lại không phải vì tiếng thét sau lưng mà là âm thanh trên trời. Ông chiếu đèn lên và kinh hãi khi thấy trần nhà như đang hạ xuống. Tiếng rít của những phiến đá xanh miết vào nhau nghe lộng óc. Ông biết đã quá muộn, lúc này không có sức mạnh nào có thể ngăn cản cỗ máy khủng khiếp kia khi nó đã khởi động.
- Chạy đi! – Ông thét to về phía vợ rồi lao vọt lên bờ trước khi trần nhà sập xuống. Mặc dù bóng tối bao trùm, ông vẫn lao đúng hướng cánh cửa đá đang rung chuyển. Trước ông là tiếng bước chân dồn dập của người vợ.
- Dừng lại. Không kịp đâu! - Ông hét lên.
Người đàn ông ngũ tuần rướn hết sức lao theo, bốn bề rung chuyển tưởng như một cơn địa chấn đang ập đến. Một tiếng rít ghê tai vang lên cùng với luồng ánh sáng tràn vào. Hình ảnh mong manh bé nhỏ của vợ ông như đang bay khỏi mặt đất hướng về ánh sáng. Và đó cũng là hình ảnh nguyên vẹn cuối cùng mà ông còn thấy về người vợ đáng thương của mình. Tiếng động kinh hoàng vang lên. Tất cả lại chìm vào bóng tối.
Ông tin rằng vợ mình đã may mắn thoát qua cánh cửa. Định quay lại con suối thì tiếng động lạ trước mặt làm ông chú ý. Nhẹ nhàng ngồi xuống trong bóng đêm, ông linh cảm một sự thật kinh người đã bày ra trước mắt. Ông nhặt vội cây đèn trên sàn rồi chiếu vào nơi phát ra tiếng động. Lạy chúa tôi!
Thân thể nàng bị đứt lìa. Ông khụy xuống để hai cặp mắt kinh hồn của họ gặp nhau lần cuối. Một làn hơi thều thào hướng về phía ông.
- Hãy... mang nó về... Mỹ Sơn...
Làn hơi yết ớt tan biến vào hư vô. Người đàn ông Pháp mắt nhòa đi và không còn dám nhìn máu của nàng đang trào ra trước ngực và tưới đẫm lên cả linh vật đang nằm trên tay nàng. Phần thân còn lại của nàng đang ở ngoài hay rơi xuống hầm tối? Rõ ràng ông đã thấy nàng băng qua cửa nhưng không hiểu sao lại bị bật ngược vào trong.
Ông soi đèn lên vết cắt ngang người của nàng và rùng mình kinh hãi khi thấy một bàn tay gân gốc bị chặt ngang cổ tay đang bấu lấy ngực áo vợ mình. Một câu hỏi xoẹt ngang óc ông. Ngoài cửa đá là ai? Là người hay quỷ dữ. Hay chúng là người của hội kín Naga? Không lẽ lời cảnh báo của cha ông từ nửa thế kỉ trước rằng hội này còn sống vẫn đúng đến hôm nay? Ông lạnh gáy khi nghĩ rằng, mình cũng không thể toàn mạng khi ra khỏi đây. Làn máu nóng hổi đã tràn ướt dưới chân ông. Đứng chết lặng trên sàn, ông hãi hùng nhìn cách cửa táp đầy máu đang rỏ ròng ròng xuống đất như một máy chém vừa xong ca hành quyết để bảo vệ một chân lí hùng hồn khắc sâu trên đá.
“ Dâng máu cho Ngài! kẻ nào xúc phạm đến thần linh sẽ bị rút sạch máu ba đời dâng lên Ngài’’
Chú thích:
[1] - EFEO: École française d'Extrême-Orient – Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Giới thiệu - Chương 1
Tiến >>
Text: thangli-TVE-4U
Nguồn: Nhà xuất bản. Hội Nhà Văn ( 2016) - TVE
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 22 tháng 3 năm 2023