NGƯỜI CHỈ HUY

john steinbeck

the leader of the people
dịch và giới thiệu: nguyễn hiến lê

Đa số các tuyển tập đều lựa truyện này của Steinbeck. Tâm lí cả năm nhân vật đều sắc bén, nhất là tâm lí của ông già và em nhỏ. Truyện buồn man mác mà xen lẫn chút vui hồn nhiên. Không có gì cảm động bằng cảnh ông cháu quyến luyến nhau, ông tiếc thời oanh liệt đã qua mà cháu mơ ước những oanh liệt của tổ tiên.

Chiều thứ bảy đó, Billy Buck người làm công trong trại ruộng lấy cào gom đóng cỏ khô còn lại từ năm trước và liệng từ nạng cỏ qua hàng rào dây kẽm cho mấy con bò đã lửng dạ. Trên trời, những cụm mây nhỏ tựa như khói đạn, trôi về phương Đông, dưới ngọn gió tháng ba. Người ta có thể nghe tiếng gió thổi ào ào trong khu rừng rậm ở ngọn đồi, nhưng tại trại ruộng đó ở đáy lòng chảo này, gió không xuống tới.

Em nhỏ Jody vừa chạy ở trong nhà ra vừa ăn một miếng bánh phết bơ. Thấy Billy cào nốt đống cỏ khô, em lết lại gần; người ta bảo em lết kiểu đó thì hại gót giày lắm, nhưng em cũng không chừa. Một bầy bồ câu trắng ở cây trắc bá bay vù ra khi em đi ngang qua, lượn một vòng chung quanh cây rồi trở lại đậu trên cây. Một con mèo vằn nhỏ từ mái hiên căn nhà ván nhảy ra, chạy qua đường, ngừng lại rồi chạy lộn về. Jody lượm một cục đá, tính ném, nhưng đã quá trễ, con mèo đã chui xuống dưới sàn rồi. Em liệng hòn đá vào cây trắc bá và làm cho bầy bồ câu trắng lại bay vù ra, lượn một vòng nữa.

Tới đống cỏ khô đứa nhỏ tựa vào hàng rào dây kẽm gai, hỏi:

- Còn có bấy nhiêu là hết, phải không chú?

Chú Billy, một người đứng tuổi, siêng năng, ngừng tay, cắm cái chàng nạng xuống đất, giở nón ra vuốt tóc, đáp:

- Chả còn gì cả, trừ ít cỏ đã mục vì đất ẩm thấp.

Chú lại đội nón, xoa hai bàn tay khô đét như da thuộc.

Jody hỏi:

- Chắc là đầy nhóc chuột, phải không chú?

- Ừ, lúc nhúc những chuột. Chúng phá quá.

- Vậy khi nào chú làm xong, tôi có thể kêu chó lại cho chúng bắt nhé?

- Được mà.

Chú lấy cái chàng nạng giở một ít cỏ ẩm tung lên cao. Ngay lúc đó ba con chuột nhắt nhảy lên rồi hoảng hốt chui vào đống cỏ.

Jody thở ra khoan khoái. Bầy chuột mập mạp, lông mướt, không biết kiêng nể ai đó, lần này thì tiêu. Đã tám tháng nay chúng sinh sản trong đám cỏ khô, Jody dùng mèo, bẫy, thuốc, đủ cách mà không diệt được chúng. Trong cảnh yên ổn, chúng hoá ra lanh lợi, ngạo mạn và mập ú. Bây giờ thì tới lúc chết rồi: không còn sống thêm được một ngày nào nữa.

Billy ngó những đỉnh ngọn đồi bao vây cái trại, bảo:

- Có lẽ em nên hỏi ý ba em trước đã.

- Ừ, ba ở đâu? Để tôi hỏi ngay bây giờ.

- Sau bữa cơm, ông đã cưỡi ngựa lên trại ở ngọn đồi. Chắc cũng sắp về.

Jody ngã lưng vào hàng nọc hàng rào:

- Ba mà để ý gì tới chuyện đó.

Billy tiếp tục làm việc, giọng ngài ngại:

- Cứ hỏi ý trước thì hơn. Còn lạ gì tính ông.

Jody biết rõ tính cha. Ở trại bất kì là việc quan trọng hay không, ba em, ông Carl Tiflin, bắt mọi người phải xin phép ông rồi mới được làm.

Jody để lưng tuột lần theo cây nọc, cho tới khi ngồi bệt xuống đất. Nó ngẩng lên ngó những đám mây tròn bay theo gió.

- Chú Billy, như sắp mưa hả?

- Có thể lắm. Gió đó thì mưa nhưng gió chưa đủ mạnh.

- Ước gì tôi giết xong bầy chuột trời đánh này rồi hãy mưa.

Nó quay lại ngó xem Billy có để ý đến lời rủa ra vẻ người lớn của nó không, nhưng Billy cứ tiếp tục làm, không phê bình gì cả. Jody quay đi ngó ngọn đồi trên đó có con đường từ thế giới bên ngoài đưa vào trại. Ánh nắng yếu ớt tháng ba như gội sách ngọn đồi. Nhưng cây gai lá như tráng bạc, những cây đậu bông tím và vài cây anh túc trổ bông trong bụi từ bi. Ở lưng chừng đồi, Jody thấy con chó đen Double-tree Mutt[2] đang bới một cái hang sóc. Nó cào cào một lát rồi ngừng để hất đất ở phía cẳng sau; nó hăng hái đào; đáng lẽ nó phải biết rằng đào hang sóc thì không làm sao bắt được sóc chứ.

Thình lình, Jody thấy con chó sửng ra, chui khỏi hang rồi ngó về chỗ lõm ở đỉnh đồi, chỗ mà con đường đi qua. Một lát sau, hình ông Carl Tiflin cưỡi ngựa in lên nền trời xanh nhạt, rồi ông xuống dốc tiến về trại. Trong tay ông có vật gì.

Đứa nhỏ đứng phắt ngay dậy, la:

- Có thư.

Nó chạy về trại, vì chắc là thư sẽ đọc lớn tiếng; nó muốn được nghe. Nó tới nhà trước ba nó, chạy tuốt vô. Nó nghe thấy ông Carl xuống ngựa – cái yên rít lên – rồi vỗ vào sườn con ngựa để bảo nó vô lẫm, dặn Billy tháo yên rồi thả cho ăn cỏ.

Jody chạy vô bếp, la:

- Chúng ta có thư.

Má nó đương coi cái xoong đậu, ngẩng lên hỏi:

- Chúng ta là ai?

- Ba. Con thấy ba cầm cái thư.

Ông Carl bước vô bếp, bà vợ hỏi:

- Thư ai gởi đó, mình?

Ông ta cau ngay mày lại:

- Làm sao mình biết là có thư?

Bà quay về phía đứa nhỏ:

- Thằng Cái-gì-cũng-biết, nó bảo đấy.

Jody mắc cỡ.

Ba nó khinh bỉ ngó nó, bảo:

- Ừ, nó đã thành ra thằng Cái-gì-cũng-biết. Việc của ai nó cũng xen vô, trừ việc của nó. Cái gì nó cũng chúi mũi vào.

Bà Tiflin dịu giọng:

- Cũng tại nó không có công việc gì để làm. Nhưng thôi, thư của ai đấy?

Carl trợn mắt ngó Jody:

- Nó coi chừng đấy, tôi sẽ kiếm việc cho nó làm không kịp nghỉ tay ra.

Ông chìa một bức thư niêm phong ra:

- Đoán là thư của ba em.

Bà Tiflin lấy một cái ghim cài tóc để mở thư. Bà mím môi lại, vẻ chú ý lắm. Jody thấy mắt bà đưa đi đưa lại theo những hàng chữ. Bà kể cho mọi người nghe:

- Ba nói là chiều thứ bảy sẽ đánh xe lại đây, ở chơi với chúng mình ít lâu. Nhưng hôm nay là thứ bảy rồi, thư tới trễ quá.

Bà nhìn lên con dấu nhà bưu điện:

- Thư bỏ hôm kia. Đáng lý hôm qua phải tới rồi chứ?

Bà ngó chồng, có vẻ hỏi han, rồi sầm mặt lại, bất bình, hỏi chồng:

- Vẻ mặt mình sao kì vậy? Mấy khi ba đã tới!

Carl quay mặt đi, tránh cơn giận của vợ. Thường thường ông ta nghiêm khắc với vợ, nhưng đôi khi vợ quạu quọ là ông ta xò.

Bà vợ lại hỏi:

- Mình làm sao đấy?

Ông ta giảng giải, giọng xin lỗi như giọng em nhỏ Jody vậy. Coi mà thảm hại:

- Chỉ vì ba nói nhiều quá. Chỉ những nói và nói.

- Nói nhiều, ừ, rồi thì làm sao? Mình cũng nói nhiều vậy.

- Phải. Nhưng ông ngoại bầy nhỏ chỉ nói có mỗi một chuyện.

Jody hăng lên, xem vô:

- Chuyện Da đỏ. Tụi Da đỏ với cuộc băng qua cánh đồng.

Carl quay lại, giận dữ:

- Cút đi, Cái-gì-cũng-biết. Đi, đi, cút đi!

Jody lầm lũi đi ra cửa sau và khép cánh cửa có lưới sắt lại một cách bình tĩnh không tự nhiên. Dưới chân cửa sổ nhà bếp, nó nhìn thấy một cục đá hình kì cục, thích quá, ngồi xổm xuống để nhặt rồi mân mê trong tay.

Qua cửa sổ để ngỏ, có tiếng vọng xuống rõ mồn một. Ba nó nói:

- Thằng Jody nói đúng quá đi. Chỉ kể chuyện về tụi Da đỏ và cuộc băng qua cánh đồng. Tôi đã phải nghe chuyện ăn cắp ngựa ít nhất là cả ngàn lần rồi. Nhắc đi nhắc lại hoài huỷ mà không lần nào đổi lấy một tiếng.

Má nó đáp, giọng thay đổi hẳn đi, làm cho nó ngồi dưới cửa sổ, quên ngắm nghía viên đá. Giọng bà hoá ra ôn tồn, giảng giải. Jody đoán rằng vẻ mặt bà cũng phải biến đổi dữ thì mới có giọng đó được. Bà bình tĩnh nói:

- Mình nè, nên nhìn nhận sự đó như vầy. Nên coi đó là một đại sự trong đời của ba. Ba đã dẫn một đoàn xe băng qua các cánh đồng cho tới bờ biển, và khi hoàn thành thì đời ba coi là hết rồi. Đó là việc lớn, nhưng nó không lâu bền. Nè, ba tiếp tục nói, coi như là ba sinh ra đời để làm việc đó, và một khi làm xong thì không còn cái gì để làm nữa, ngoài cái việc nhớ và kể lại cuộc hành trình đã qua. Nếu còn nơi nào tiến về phương Tây được nữa thì chắc chắn ba đã tiến rồi. Chính ba đã nói với em như vậy. Nhưng rốt cuộc là gặp biển. Ba bắt buộc phải ngừng lại và định cư ở bờ biển.

Giọng ngọt ngào đó làm cho Carl nguôi giận và chịu thua. Ông ta bình tĩnh gật đầu:

- Phải, anh đã trông thấy ba xuống núi, ngó về phía Tây mông lung ra ngoài khơi.

Giọng ông hơi nghiêm một chút:

- Rồi ba lại câu lạc bộ Móng ngựa ở Pacific Grove, kể cho mọi người nghe tụi Da đỏ quất dẫn bầy ngựa ra sao.

Bà vợ lại rán làm nguôi lòng chồng:

- Mình nghĩ xem, đối với ba, việc đó quan trọng nhất mà. Mình nên chiều ba một chút, cứ chịu khó làm bộ nghe ba kể.

Carl quạu quọ quay đi, giọng gắt gỏng:

- Ừ, nếu chịu không nổi thì tôi trốn vô cái nhà ván rồi ngồi lì ở đó với chú Billy.

Nói xong, ông ta đi qua nhà trên, bước ra ngoài, khép cửa trước một cái rầm.

Jody chạy đi làm công việc. Nó vãi thóc cho gà con mà không phá chúng. Nó lượm trứng trong các ổ chim. Nó chạy đi ôm củi về nhà, cột lại kĩ lưỡng đến nỗi chỉ có hai ôm mà đầy nhóc cái thùng đựng củi.

Má nó nấu xong món đậu rồi, rút lửa đi, cầm một cánh gà mái quét mặt lò. Jody nem nép dò ý xem má nó còn giận nó không.

- Ngoại tới hôm nay, phải không má?

- Ừ, trong thư ngoại nói vậy.

- Con nên ra đường cái đón ông ngoại không?

Bà Tiflin đóng mạnh cửa lò.

- Ừ, ngoan. Đi đón, chắc ông ngoại vui lắm.

- Vậy con đi đây.

Ra ngoài sân, nó huýt còi lanh lảnh để gọi chó, ra lệnh:

- Đi lênh đồi.

Hai con chó ngoe nguẩy đuôi, chạy trước. Bên bờ đường, cây từ bi đã có trái non. Jody hái ít cọng vò trong tay, không khí thơm một mùi hăng hoang dã. Hai con chó nhảy một cái vào trong bụi, sủa để bắt một con thỏ. Bắt không được, chúng bỏ Jody, trở về nhà.

Jody leo lên đỉnh đồi.

Khi nó tới cái đèo nhỏ, chỗ con đường cái đi qua, gió chiều thổi mạnh làm rối bù mớ tóc của nó và chiếc áo sơ mi đánh phần phật. Nó nhìn thấy dãy đồi nhỏ ở dưới chân và đàng xa là thung lũng Salinas xanh mướt, bát ngát. Nó nhận ra được châu thành Salinas trắng toát ở giữa cánh đồng, ánh chiều lấp lánh trên các cửa kính. Ngay dưới chân nó, một bầy quạ, họp nhau trên một cây “sên”. Cây đen ngòm những quạ, chúng kêu vang cùng một lúc.

Rồi nó ra con đường xe thoai thoải từ chỗ nó đứng, mất hút sau một ngọn đồi để lại xuất hiện ở phía bên kia. Trên khúc đường khá xa đó, nó thấy một cái xe do một con ngựa hồng kéo. Xe khuất, sau trái đồi, Jody ngồi xuống đất, rình chỗ mà xe sẽ hiện ra. Gió reo trên ngọn cây và những cụm mây phinh phính trôi về phương Đông.

Chiếc xe xuất hiện và ngừng lại. Một người bận áo đen, trên ghế bước xuống, lại gần đầu con ngựa. Mặc dầu còn ở xa tít, Jody cũng đoán được người đó tháo bộ cương giả cho con ngựa vì đầu ngựa cúi gục xuống. Con vật lại bước và người đó chầm chậm leo dốc bên cạnh nó. Jody mừng quá la lên, chạy lại đón. Những con sóc chạy vọt qua bên đường chạy trốn và một con chim[3] ve vẩy cái đuôi, chạy lên đỉnh đồi rồi lượn đi, biến mất.

Jody rán vừa chạy vừa giẫm vào giữa bóng của mình. Một hòn đá lăn dưới chân nó, nó té nhào. Tới một khúc quẹo, nó chạy băng ngang và thấy ông ngoại nó với chiếc xe ở trước mặt, cách nó không xa. Nó ngừng lại và chững chạc tiến tới, không lăng xăng nữa.

Con ngựa khó nhọc lên dốc, bước không muốn vững, còn cụ già thì đi ở bên cạnh. Dưới ánh tà dương, bóng người và vật chập chờn ở sau, to lớn dị thường. Cụ già bận một bộ đồ nỉ đen, đi đôi “ghệt” bằng da dê, cổ áo cứng và rất thấp, đeo một chiếc cà-vạt đen. Tay cầm một cái mũ đen vành bẻ xuống. Râu cằm trắng, cắt ngắn; lông mày trắng rủ xuống mắt y như râu mép. Mắt xanh, vui mà nghiêm. Từ nét mặt đến toàn thân đều có vẻ uy nghi như núi đá, đến nỗi thấy cụ cử động, người ta phải ngạc nhiên. Khi cụ ngồi nghỉ, người ta có cảm tưởng rằng cụ hoá ra đá và không sao nhúc nhích được nữa. Bước chậm chạp mà chắc chắn, tưởng như đã bước thì không thể nào lùi được, đã nhắm một hướng nào thì con đường cứ sẽ theo hướng đó, và bước chân cứ đều đều, không khi nào nhanh hơn, cũng không khi nào chậm lại.

Khi Jody hiện ở chỗ quẹo, cụ già lấy mũ vẫy nhè nhẹ làm dấu và lớn tiếng hỏi:

- Cháu Jody đi đón ông đấy hả?

Jody lại gần, quay nửa vòng, theo nhịp bước của ông ngoại, thân thể ngay ngắn, hơi lết gót một chút, đáp:

- Thưa ngoại vâng. Ở nhà mới nhận được thư ngoại hôm nay.

- Đáng lẽ thư phải tới từ hôm qua rồi. Chắc chắn vậy. Nhà bình an cả chứ?

- Thưa ngoại vâng.

Nó ngập ngừng một chút rồi rụt rè hỏi:

- Thưa ngoại, mai ngoại đi săn chuột không ạ?

Cụ già mỉm cười, đáp:

- Đi săn chuột ư, cháu? Con người ở cái thế hệ này đã tới cái nước phải đi săn chuột ư? Ngày nay người ta không còn mạnh mẽ nữa nhưng ông nghĩ đã tới nỗi nào phải bắt chuột làm con thịt.

- Thưa ngoại không ạ. Chỉ là trò chơi thôi ạ. Đống cỏ khô sắp hết rồi. Cháu tính đuổi chuột ra cho chó bắt. Ngoại có thể ngồi coi hoặc đập ít cái lên đống cỏ.

Cặp mắt vui và nghiêm của cụ già ngó xuống đứa nhỏ:

- Ông hiểu rồi. Mà không ăn chuột chứ? Chưa đến nỗi vậy chứ?

Jody giảng giải:

- Thưa ngoại, để cho chó ăn ạ. Cháu đoán là săn chuột với săn tụi Da đỏ, có chỗ khác nhau.

- Ừ, khác nhau nhiều… nhưng khi đã đuổi tụi Da đỏ đi, giết con cái chúng, đốt chòi của chúng thì đó cũng không khác săn chuột là mấy.

Hai ông cháu lên tới đỉnh đồi rồi bắt đầu xuống lòng chảo; ánh chiều không còn chiếu trên vai họ nữa.

Cụ già bảo:

- Cháu đã cao thêm hai phân đấy nhỉ?

Jody khoe:

- Dạ hơn. Chiều cao của cháu có đánh dấu ở cửa. Mới từ lễ Thanksgiving[4] năm ngoái, cháu đã cao thêm được ba phân.

- Có lẽ tại người ta tưới nhiều cho cháu quá, cho nên chỉ có cái thân cây và cái ruột là phát mau. Đợi khi nào có trái rồi nới biết được.

Jody liếc ông ngoại để xem có nên tỏ vẻ bất mãn không, nhưng không thấy ông có ý gì làm nhục mình cả mà trong cặp mắt xanh, tinh anh đó cũng không có vẻ trách mắng gì mình cả.

Nó nói:

- Có lẽ nhà sẽ mổ heo.

- Không được. Ông sẽ ngăn cản. Cháu muốn ngạo ông ư? Cháu biết rằng lúc này không phải là mùa nên mổ heo mà.

- Thưa ngoại, ngoại biết con Riley không, con heo nọc bự đó?

- Ừ, ông biết.

- Con Riley đã ăn cỏ khô ở cái đóng cỏ mà cháu mới nói, nó khoét một lỗ trong đó và đống cỏ đổ lên mình nó, nó suýt nghẹt thở.

- Ừ, heo thường làm vậy.

- Con Riley dễ thương lắm, ngoại ạ. Thỉnh thoảng cháu cưỡi lên lưng nó mà nó làm thinh.

Có tiếng cửa mở trong căn nhà ở dưới chân họ và hai ông cháu thấy má của Jody đứng dưới hiên, vẫy cái khăn lá đáp để chào. Rồi lại thấy Carl Tiflin ở lẫm đi lên nhà trên để có mặt tại đó khi hai ông cháu tới.

Mặt trời đã lặn sau đồi. Khói xanh ở lò sưởi toả ra, trải thành từng lớp đều ở trên cái lòng chảo màu tim tím. Gió đã ngừng, mấy cụm mây nhỏ lơ lửng ở trên trời.

Billy Buck ở trong chòi ván ra, đổ vung một chậu nước xà bông lên mặt đất. Mới giữa tuần mà chú cũng cạo râu vì chú trọng ông ngoại của Jody lắm và ông cụ cũng mến chú, bảo rằng trong cái thế hệ mới này chỉ có vài người như chú còn thì toàn là tụi thỏ đế hết. Chú tuy đã đứng tuổi mà cụ coi chú như con nít. Chú đương bước vội lên nhà trên.

Khi hai ông cháu tới nơi, cả ba người đều đứng đợi ở cổng.

Carl chào:

- Thưa ông mới tới. Cả nhà đợi ông.

Bà Tiflin ôm cha và đứng yên cho cha vỗ nhẹ vào vai bằng bàn tay lớn của cụ. Billy trang trọng bắt tay cụ, nhếch mép mỉm cười sau bộ râu vàng và cứng như rơm. Chú thưa:

- Để cháu dắt ngựa của cụ vô chuồng.

Rồi chú dắt ngựa đi.

Ông cụ ngó theo rồi quay lại với đứa cháu, nói như cả trăm lần trước đã nói:

- Thằng đó ngoan. Tao biết ba nó, ông lão Buck Đuôi la cái. Không hiểu tại sao người ta lại gọi lão là Đuôi la cái, có lẽ tại lão dắt những con la chở đồ.

Bà Tiflin vô nhà trước nhất.

- Ba ở chơi bao lâu? Trong thư không thấy nói.

- Ờ, ba cũng không biết nữa. Tính ở khoảng nữa tháng. Nhưng lần nào cũng định ở lâu mà rồi có bao giờ ở được lâu đâu.

Một lát sau họ ngồi vào bàn ăn phủ một tấm vải trắng. Ngọn đèn có chụp thiếc treo ở trên bàn. Ở ngoài, những con bướm đêm lớn đập nhè nhẹ vào cửa kính phòng ăn.

Ông cụ cắt thịt bò áp chảo ra từng miếng nhỏ rồi nhai chậm chạp. Cụ nói:

- Đói. Ngồi xe như vậy mà ăn thấy ngon miệng. Y như hồi băng qua các cánh đồng vậy. Tối nào mọi người cũng đói như cào, đến nỗi không chịu đợi cho thịt chín nữa. Mỗi tối tao ăn được gần hai kí rưỡi thịt bò rừng.

Billy nói:

- Nhờ vận động nên ăn được nhiều. Ba tôi hồi xưa vận tải cho chính phủ. Tôi còn nhỏ xíu mà đã giúp việc cho người. Chỉ có hai cha con mà ăn hết nhẵn một cái đùi nai nhỏ.

Ông cụ bảo:

- Tao biết ông già mày, Billy. Người rất tốt. Người ta gọi là ông Buck Đuôi la cái, không hiểu tại sao, có lẽ tại chú ấy dắt bầy la cái chở đồ.

- Thưa đúng vậy, ba tôi dắt bầy la cái chở đồ.

Ông cụ đặt dao nĩa xuống và ngó chung quanh bàn:

- Tao nhớ có lần tao thiếu thịt…

Giọng cụ bỗng hạ xuống, du dương, kì dị, như theo một cái ngấn âm thanh mà câu chuyện đã tự vạch sẵn:

- Không có bò rừng, không có sơn dương, đến thỏ cũng không. Bọn đi săn không bắn được một con chó sói nào. Lúc đó là lúc người chỉ huy phải đề phòng. Mà tao là người chỉ huy, tao phải để ý xem xét. Tại sao ư. Có gì đâu. Hễ họ đói thì họ giết bò kéo xe để ăn thịt. Các con có tin được điều đó không? Tao đã thấy những đoàn xe giết bò kéo xe để ăn thịt. Họ bắt đầu giết những con đi giữa rồi tiến lần lần tới hai đầu. Cuối cùng thì hạ nốt cặp bò dẫn đầu rồi tới những con vật được buộc ở bên gọng xe. Người chỉ huy đoàn lữ hành phải ngăn việc đó.

Một con bướm lớn không biết làm cách nào vô được phòng, bay quanh ngọn đèn treo đốt bằng dầu lửa. Billy đứng dậy tìm cách đập nát nó trong lòng bàn tay. Carl chụp được, bóp chết nghiến, lại cửa sổ liệng ra ngoài.

Ông cụ tiếp tục:

- Lúc nãy tao nói…

Nhưng Carl ngắt lời:

- Ông xơi thêm ít thịt nữa. Chúng con sắp tráng miệng món “pudding”[5] đây.

Jody thấy một vẻ giận trong cặp mắt của má. Ông cụ cầm dao và nĩa lên.

Khi xong bữa, cả gia đình với chú Billy Buck hội họp trước lò sưởi ở phòng bên, Jody lo lắng rình ông ngoại. Nó đã quen những dấu hiệu đó rồi. Mặt cụ già râu ria xồm xoàm cúi xuống; cặp mắt mất vẻ nghiêm nghị mà ngần ngừ nhìn ngọn lửa; những ngón tay lớn khô đét chắp lại đặt lên đầu gối.

Cụ bắt đầu kể:

- Không biết tao đã kể cho các con nghe tụi cướp Piute đã đánh cắp ba mươi lăm con ngựa của chúng tao chưa.

Carl ngắt lời:

- Hình như ông đã kể rồi. Có phải đúng cái lúc ông sắp tới xứ Tahoe không?

Cụ già quay lại ngó chàng rể:

- Đúng. Vậy là tao đã kể chuyện đó rồi à?

Carl tránh cặp mắt của vợ, đáp một cách tàn nhẫn:

- Cả chục lần rồi ạ.

Nhưng ông ta có cảm giác là cặp mắt giận dữ của bà vợ đương ngó mình chăm chú, và nói tiếp:

- Tất nhiên, tôi nghe lại vẫn thấy thú.

Ông cụ nhìn ngọn lửa. Những ngón tay cụ mở ra rồi chắp lại. Jody biết lúc đó cụ đương cảm xúc ra sao; trong thâm tâm cụ chán nản và trống rỗng biết bao. Mới ban chiều nó bị rầy là “Cái-gì-cũng-biết”, mà bây giờ nó can đảm liều một lần nữa. Nó nhỏ nhẹ thưa:

- Ông kể cho chúng con về tụi Da đỏ.

Cặp mắt cụ lại hiện lên cái vẻ nghiêm nghị:

- Con nít bao giờ cũng muốn nghe về tụi Da đỏ. Công việc của người lớn mà con nít lại thích nghe. Ừ, được, để xem nào. Hồi đó tao muốn mỗi chiếc xe có một miếng sắt dài, chuyện đó tao kể chưa nhỉ?

Mọi người làm thinh. Chỉ có Jody là nói:

- Thưa chưa ạ.

- Ừ, chuyện như vầy. Khi tụi Da đỏ tấn công, chúng tao quay xe lại thành một vòng tròn rồi chiến đấu ở trong vòng đó. Tao nghĩ rằng nếu mỗi chiếc xe có một miếng sắt dài đục lỗ để chĩa súng ra bắn, thì có thể gắn những miếng sắt đó vào những bánh xe ở phía ngoài, và khi các xe quay lại thành vòng tròn thì ở trong vòng được yên ổn lắm. Như vậy tiết kiệm được mạng người, đủ bù vào số sắt nặng phải chở thêm. Nhưng tất nhiên là lữ đoàn không chịu. Từ xưa chưa có lữ đoàn nào làm như vậy, và họ thấy không có lý gì phải tốn thêm tiền vào việc đó. Sau này họ mới ân hận là không nghe lời tao.

Jody ngó má, thấy vẻ mặt bà chẳng chú ý mảy may gì tới câu chuyện cả. Còn ông chồng thì nạy chỗ chai tay ở ngón cái, chú Billy thì ngó một con nhện bò trên tường.

Ông cụ lại cho giọng nói theo cái ngấn của câu chuyện. Jody biết trước ông ngoại sẽ dùng những tiếng nào. Câu chuyện tiếp tục, giọng xì xào rồi gấp gấp một chút trong cuộc chiến đấu, ủ rủ khi tả những kẻ bị thương, lầm rầm khi làm đám tang ở giữa cánh đồng mênh mông. Jody ngoan ngoãn ngồi yên ngắm ông ngoại. Cặp mắt xanh nghiêm nghị có vẻ bình thản. Hình như chính cụ cũng không thích câu chuyện đó lắm.

Khi câu chuyện đã kể xong và mọi người đã ngồi yên một chút cho phải lễ, Billy Buck mới đứng dậy, vươn vai, kéo quần lên, nói:

- Tôi phải về thôi.

Rồi lại đứng trước mặt ông cụ:

- Ở trại đây cháu có cái sừng cũ đựng thuốc súng và một cây súng tay có thông nòng, không biết cháu đã đưa cụ coi chưa?

Ông cụ gật đầu nhè nhẹ:

- Rồi, hình như coi rồi. Nó làm cho tao nhớ tới cái súng tao dùng hồi chỉ huy lữ đoàn của tao.

Billy lễ phép đứng nghe hết câu chuyện ngắn đó rồi xin cáo biệt:

- Kính chào cụ.

Và đi ra sân.

Lúc đó Carl Tiflin rán xoay hướng câu chuyện:

- Trên đường từ đây tới Monterey[6] ông thấy đồng áng ra sao? Nghe nói là ít mưa.

- Khô khan. Không có một giọt nước trong đầm Laguna Seca. Nhưng chưa thấm vào đâu với năm 87. Hồi đó tất cả xứ này chỉ là cát bụi; và năm 61 nữa, không một con chó sói nào là không chết đói. Năm nay còn mưa được bốn tấc nước.

- Vâng, nhưng mưa trễ quá. Nếu bây giờ mưa cho được một chút thì tốt.

Rồi ông ta ngó Jody:

- Con không thấy rằng tới giờ ngủ rồi ư?

Jody ngoan ngoãn đứng dậy:

- Ngày mai con được giết chuột trong đống cỏ cũ không ba?

- Giết chuột? Được, giết cho không còn một mống đi. Chú Billy bảo cỏ khô hư hết ráo rồi.

Jody nháy ông ngoại, vẻ bí mật và khoái chí:

- Mai con sẽ giết hết cho mà coi.

Nằm trong giường, Jody nghĩ tới cái thế giới kì dị của tụi Da đỏ và loài bò rừng, một thế giới đã mất hẳn rồi. Nó tiếc không được sống vào cái thời đại anh hùng đó, nhưng nó biết rằng nó không có bản chất anh hùng. Tất cả những người đang sống, có lẽ trừ Billy Buck, không ai đáng làm những việc mà người trước đã làm. Thế hệ trước là một hạng người khổng lồ, những người không biết sợ là gì, những người mạnh mẽ phi thường, ngày nay không còn nữa. Jody nghĩ tới những cánh đồng mênh mông, những đoàn xe chạy trên đó như những con rết. Nó nghĩ tới ông ngoại nó cưỡi một con ngựa trắng cao lớn để chỉ huy cả đoàn. Những hình ma to quá đỗi diễn qua óc nó, tiến tới chân trời rồi biến mất.

Lúc đó óc nó trở về trại một lát. Nó nghe tiếng xào xạc và gấp trong không gian tĩnh mịch. Nó nghe thấy chó trong cũi gãi bọ chét, khuỷu chân đụng vào ván. Rồi gió lại nổi, cây trắc bá đen rên rỉ và Jody ngủ lúc nào không hay.

Nó tỉnh dậy nửa giờ trước khi người ta gõ cái khánh tam giác để báo giờ điểm tâm. Khi nó đi qua bếp, má nó đương nhóm lò cho lửa reo. Bà hỏi nó:

- Con dậy sớm thế? Con đi đâu?

- Con đi kiếm một cây gậy tốt. Hôm nay giết chuột đây.

- Ai giết?

- Ngoại và con.

- Vậy ra con muốn ngoại làm hả? Con muốn có thêm người để nếu có bị rầy thì khỏi phải một mình nhận lỗi hả?

- Con sẽ trở vô liền. Con chỉ muốn có cây gậy tốt để ăn sáng xong là sẵn sàng.

Nó khép cửa lưới sắt rồi ra sân. Buổi sáng mát mẻ. Chim ríu rít chào bình minh, và những con mèo của trại từ trái đồi trở về, y như những con rắn mập. Chúng săn ong ban đêm, no nê, ngồi quay quần thành hình bán nguyệt ở cửa sau và kêu meo meo để đòi sữa. Hai con chó Double-tree Mutt và Smasher theo ven bụi rậm, đánh hơi một cách trịnh trọng, nhưng khi Jody huýt còi gọi chúng thì chúng ngẩng ngay đầu lên và vẩy đuôi, chạy xuống, vừa ngáp vừa rũ lông. Jody nghiêm trang vuốt đầu chúng rồi tiến lại đám đồ vụn dãi dầu dưới mưa nắng. Nó lựa một cái cán chổi cũ và một khúc cây cũ dày hai ba phân. Nó móc trong túi ra một sợi dây giày cột đầu hai cây gậy đó mà không thắt, để làm thành một cái đòn. Cầm khí giới mới đó nó vút trong không khí rồi đập xuống đất, để thử, trong khi hai con chó nhảy ra bên để tránh, kêu ẳng ẳng lo ngại.

Jody đi vòng căn nhà định tới đống cỏ cũ để nhận xét địa thế chỗ sẽ xảy ra vụ tàn sát, nhưng Billy Buck, kiên nhẫn ngồi trên những bực thềm ở sau, bảo nó:

- Trở về đi, sắp ăn sáng rồi.

Jody đổi hướng và trở về nhà. Nó gác cái đòn của nó vào những bậc thềm, bảo:

- Để đuổi chuột cho chúng ra đây. Tôi cam đoan là chúng mập dữ. Tôi cam đoan là chúng không ngờ gì hết về tai nạn sẽ xảy ra hôm nay.

Billy đáp, giọng một triết nhân:

- Phải, chúng không biết được việc sẽ xảy ra, mà em cũng vậy, tôi cũng vậy, chẳng ai biết được đâu.

Ý tưởng đó làm Jody hoang mang. Nó biết rằng điều đó đúng. Óc tưởng tượng của nó không hướng về cuộc săn chuột nữa. Má nó ra hiên phía sau, gõ vào cái kiểng hình tam giác, và tất cả mọi ý tưởng tan hết.

Khi họ ngồi vào bàn thì ông cụ chưa vô. Billy lấy đầu ra dấu, chỉ cái ghế của cụ, hỏi:

- Cụ mạnh chứ? Có sao không?

Bà Tiflin đáp:

- Cụ thay đồ lâu lắm. Còn chải râu, đánh giày, chải áo.

Carl rắc đường lên món ăn nấu bằng sữa bột.

- Một người đã chỉ huy một đoàn xe băng qua đồng thì phải săn sóc y phục của mình chứ.

Bà Tiflin quay lại:

- Mình, đừng nên vậy! Thôi đi!

Giọng có vẻ doạ hơn năn nỉ, làm cho Carl nổi quạu:

- Thế thì bắt tôi phải nghe bao nhiêu lần nữa câu chuyện miếng sắt và câu chuyện ba mươi lăm con ngựa? Thời đó đã qua rồi. Nó đã qua rồi thì tại sao không chịu quên nó đi?

Càng nói lại càng giận, giọng cao lên:

- Tại sao cứ lặp đi lặp lại hoài huỷ vậy? Ừ thì ba mình đã băng qua những cánh đồng. Tài giỏi lắm! Nhưng bây giờ xong việc rồi. Không còn ai muốn nghe hoài huỷ câu chuyện đó nữa.

Cánh cửa nhà bếp nhè nhẹ khép lại. Cả bốn người ngồi ở bàn bỗng lạnh toát đi. Carl đặt cái thìa lên bàn rồi đưa tay lên cằm.

Cánh cửa nhà bếp mở ra và ông cụ vô. Miệng mỉm cười gượng gạo và mắt như trốn tránh mọi người. Cụ cất tiếng chào, ngồi xuống, nhìn đăm đăm vào đĩa sữa bột.

Carl không thể làm thinh được.

- Ông… ông đã nghe lời tôi nói?

Cụ khẽ gật đầu.

- Thưa ông, không biết hôm nay tôi làm sao ấy. Tôi không muốn nói như vậy. Chỉ là vui miệng nói thôi ạ.

Jody mắc cỡ, liếc mắt nhìn mẹ và thấy bà nín thở ngó chồng. Ông chồng làm cái việc ấy bậy quá. Nói câu đó chắc ông đứt ruột ra. Đã nói rồi mà chối là điều gớm ghiếc lắm đối với ông, chối mà lại tự hạ mình xuống mới là vô cùng xấu xa chứ.

Ông cụ ngó chỗ khác, giọng nhã nhặn:

- Tôi luôn luôn rán nhìn cái phía tốt của mọi sự. Tôi không giận đâu. Anh nói gì tôi cũng không chấp, nhưng điều anh nói đó có thể đúng, và chính chỗ đó, chỗ đó mới làm cho tôi buồn.

Carl đáp:

- Lời tôi nói không đúng đâu. Sáng nay trong người tôi không được bình thường. Tôi ân hận đã thốt ra câu đó.

- Đừng nên ân hận điều gì cả, anh Carl. Già như tôi đâu còn sáng suốt nữa. Có lẽ anh nói đúng. Cuộc băng qua đồng đã xong rồi. Nó xong rồi thì có lẽ nên quên nó đi.

Carl đứng dậy:

- Tôi ăn đủ rồi. Tôi đi làm đây. Cứ thủng thẳng mà ăn, chú Billy!

Ông ta vội bước ra. Billy nuốt cho xong bữa rồi theo ra. Nhưng Jody không thể rời cái ghế được, hỏi ông ngoại:

- Từ nay ngoại không kể chuyện nữa ư?

- Có chứ! Ông cũng vẫn kể, nhưng chỉ khi nào… ông biết chắc người ta muốn nghe kìa.

Jody đứng dậy:

- Thưa ngoại, cháu đợi ngoại ở ngoài. Cháu có một cây gậy đuổi chuột rồi.

Nó ra sân đứng đợi ở cửa cho đến khi ông cụ bước ra hiên.

Nó gọi:

- Thôi đi giết chuột bây giờ đi, ngoại.

- Để ông ngồi sưởi nắng ở đây. Cháu đi giết chuột đi.

- Nếu ngoại muốn, ngoại cầm cây gậy của cháu này.

- Không, ông chỉ ngồi đây một lát thôi.

Jody buồn rầu đi về phía đống cỏ cũ. Nó nghĩ tới những con chuột mập mạp, nung núc để cho thêm hăng hái. Nó lấy đòn dập xuống đất. Bầy chó ăng ẳng mơn trớn chung quanh nó, nhưng nó tiến không được. Nhìn lại sau lưng, nó thấy ông ngoại ngồi dưới hiên, nhỏ bé, gầy ốm và đen.

- Sao mà trở về sớm vậy? Cháu giết chuột rồi ư?

- Thưa ngoại không. Để hôm khác sẽ giết.

Ruồi buổi sáng vo ve mặt đất và kiến lăng xăng ở trước bực thềm. Mùi hăng của cây từ bi từ trên đồi toả xuống. Cái hiên bằng ván phơi ra dưới nắng.

Khi ông cụ bắt đầu nói, Jody còn vớ vẩn chưa nhận ra:

- Buồn như vậy thì ông không nên ở đây nữa.

Ông cụ nhìn những bàn tay già nua và mạnh của mình:

- Ông có cảm tưởng rằng cái việc băng qua đồng đó không đáng làm.

Ông cụ ngước mắt lên nhìn những ngọn đồi và thấy một con ó yên lặng đậu trên một cành khô.

- Ông kể lại những chuyện cũ nhưng ông không muốn nói như vậy. Kể lại là ông muốn cho thiên hạ cảm thấy một cái gì mà cái đó thì ông biết. Cái quan trọng không phải là tụi Da đỏ, cũng không phải là cuộc mạo hiểm, cũng không phải là cái việc tới được đây. Cái quan trọng là biến đổi được một đám người rời rạc thành một con vật thuần nhất, khổng lồ, bò qua cánh đồng. Và ông là khúc đầu của con vật đó. Con vật đó tiến về phương Tây, tiến hoài về phương Tây. Mỗi một người cũng muốn một cái gì cho riêng mình, nhưng con vật khổng lồ gồm tất cả những người đó thì chỉ muốn mỗi một điều này là tiến về phương Tây. Ông là người dẫn đường nhưng nếu không có ông thì cũng có người khác lên cầm đầu. Vật đó cần một cái đầu.

“Giữa trưa nắng mà dưới những bụi rậm nhỏ, bóng tối cũng đen ngòm. Khi người ta nhìn thấy dãy núi ở xa thì ai nấy đều khóc… Nhưng cái quan trọng không phải là cái việc tới được đây mà là cái việc tiến về phương Tây.

Bọn ông đã đem đời sống lại miền này, cho nó an trí ở đây, cũng như bầy kiến tha trứng lại. Và ông là người dẫn đường. Cuộc tây tiến đó lớn như Thượng đế vậy, và những bước chân chậm chạp để thực hiện cuộc di cư đó, mỗi ngày một chồng chất lên nhau cho tới khi xuyên qua được đại lục.

Rồi bọn ông tới biển và thế là hết”.

Ông cụ ngừng lại, chùi nước mắt, mí mắt hoá đỏ.

- Đó, đáng lẽ ông phải nói như vậy, chứ đừng kể chuyện.

Khi Jody nói, ông cụ giật mình, ngó nó:

- Một ngày kia có lẽ cháu có thể cầm đầu một bọn người được.

Ông già mỉm cười:

- Còn nơi nào nữa mà đi. Biển rộng ở đó để cản đường các người rồi. Suốt dọc bờ biển, có một nhóm người già oán ghét biển cả vì nó ngăn cấm bước đường của họ.

- Thưa ngoại, đi tàu thì cháu có thể tiến được nữa chứ?

- Không còn chỗ nào để đi nữa, cháu ơi, chỗ nào cũng có người chiếm rồi. Nhưng cái đó, không phải là cái đáng buồn nhất. Không, không phải là cái đáng buồn nhất. Đáng buồn nhất là con người ngày nay không còn ước vọng tây tiến nữa. Cuộc tây tiến không còn là một khao khát nữa. Nó chết hẳn rồi. Ba con nói đúng. Hết hẳn rồi.

Ông cụ chắp tay lại ôm gối, ngồi nhìn ngón tay của mình.

Jody thấy buồn lắm.

- Ngoại muốn uống nước chanh, để cháu pha?

Ông cụ định từ chối nhưng thấy vẻ mặt đứa cháu, bảo:

- Ừ, pha cho ông một li đi, uống cho vui.

Jody chạy vô bếp; má nó đương rửa chén.

- Má, cho con một trái chanh làm nước chanh cho ông ngoại nhé?

Má nó nhái giọng của nó:

- Và một trái nữa để làm nước chanh cho con.

Bỗng nhiên bà ngừng lại:

- Jody! Con đau ư?

- Không, con không xin cho con.

Bà ngọt ngào bảo nó:

- Lấy một trái trong chạn đó, con. Đợi đấy, má lấy đồ ép chanh cho.

[1] Các bạn có thể xem nguyên tác tại http://www.d.umn.edu/cla/faculty/tbacig/cst1030/1030anth/steinbec.html. (Goldfish).

[2] Ở đây sách in là “Doubietree Mut”, ở sau lại in là “Doubletree Mutt”; tôi đã sửa lại theo bản tiếng Anh. (Goldfish).

[3] Loài chim này tiếng Anh kêu là road-runner (chạy trên đường) ở miền Californie, có đặc điểm là chạy nhanh hơn bay.

[4] Lễ đó ở Mĩ vào cuối tháng mười một. [Tức lễ Tạ Ơn. (Goldfish)].

[5] Bánh làm bằng bột, sữa, trứng, trái cây.

[6] Sách in là: Monterz. (Goldfish)


Nguồn: tve-4u - Goldfish
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 6 tháng 10 năm 2020