Tôi đứng cạnh Charles ngước mắt nhìn tấm bảng nhỏ bằng đồng treo trước cửa nhà hàng. Cái tên “Au Vieux Moulin” khiến tôi chợt cảm thấy lòng thoáng chút bồi hồi. Hình như đã lâu lắm rồi tôi không có dịp nói tiếng Pháp. Đã hơn ba năm rồi còn gì. Dòng kỷ niệm chợt ùa về trong trí nhớ nhưng tôi không có thì giờ để suy nghĩ nhiều. Người đàn ông trong bộ đồng phục màu sậm với chiếc nơ đen trên cổ đã nhìn thấy Charles và tôi nên nhanh nhẹn mở rộng cửa kính cho chúng tôi bước vào.
Trái ngược với tấm bảng hiệu nhỏ và đơn giản bên ngoài, khung cảnh tráng lệ bên trong khiến tôi không khỏi khen thầm. Đây có lẽ là phòng dành cho khách chờ đợi bạn bè trước khi vào bàn vì tôi nhìn thấy vài cái ghế salon bằng nhung màu rượu chát kê rải rác ở một bên. Phía bên kia treo dọc theo tường là những bức tranh đóng khung thật đẹp. Tôi đứng xa nên không nhìn rõ chữ ký và cũng không rành về hội họa nhưng cũng có thể đoán được đó là những bức danh họa đắt tiền chứ không phải loại tranh bình thường. Những bình hoa lớn với màu sắc rực rỡ được sắp xếp xen kẻ tạo nên không khí ấm cúng cho cả phòng. Cũng may mà hôm trước nhìn thấy vẻ trịnh trọng của Charles khi ngỏ lời mời nên hôm nay tôi diện bộ đầm màu đen có ánh kim tuyến thay vì lười biếng xỏ vội chiếc quần jeans như thường ngày. Tôi liếc nhìn Charles đang rất thoải mái trong bộ complet màu xám đậm. Có lẽ Charles thường hay đến những nơi thế này nên không bỡ ngỡ và nhà quê giống tôi.
Một người đàn ông khác bước ra lịch sự chào chúng tôi. Sau khi Charles nói tên anh ta hướng dẫn chúng tôi đi đến một căn phòng khá rộng có cửa đóng kín. Cách trang trí ở đây khiến tôi có cảm tưởng mình đang đứng trong một lâu đài của Pháp vào thế kỷ 19. Lối kiến trúc có vòm cong làm tăng thêm vẻ quí phái của căn phòng. Ở một góc tôi nhìn thấy cây đàn piano màu nâu gụ có chạm trỗ cùng màu với những khung cửa hình vòm. Chùm đèn thủy tinh lóng lánh với những bóng đèn nhỏ làm theo hình dáng của những ngọn nến tỏa ánh sáng thật nhẹ xuống bộ bàn ăn trải khăn satin phủ tới đất có dệt những hoa nổi màu ngà. Hai đầu bàn là hai chiếc ghế chạm trỗ cũng bằng gỗ màu nâu với nệm bọc cùng loại vải của khăn trải bàn. Sáu cây nến trên hai cái chân đèn bằng thủy tinh sang trọng được đặt ở hai bên đang toả ánh sáng mờ ảo khiến khung cảnh càng thêm vẻ lãng mạn.
Người bồi bàn kéo ghế mời tôi ngồi. Ở phía bên kia Charles cũng đang ngồi vào chỗ của mình. Tôi hơi ngạc nhiên vì hình như cái bàn hơi lớn cho hai người. Có lẽ dân quí tộc người ta quen ngồi rộng rãi như vậy. Tôi đoán và tự cười thầm mình. Mang tiếng là sống ở Canada hơn mười lăm năm mà lần đầu tiên mới đến một nơi sang trọng như thế này.
Người bồi bàn đưa mắt nhìn Charles. Tôi thấy Charles gật nhẹ đầu và anh ta bắt đầu khui chai rượu đỏ. Anh ta rót ra chút xíu cho Charles nếm thử. Charles gật đầu lần nữa và anh ta bắt đầu rót vào hai cái ly cổ cao trước mặt chúng tôi. Anh bồi lui ra ngoài và khép cửa lại.
Charles nhìn tôi hỏi:
-Vanny thích khung cảnh ở đây chứ?
Tôi chớp mắt:
-Đẹp lắm, tôi rất thích...
Charles hài lòng:
-Tôi đoán không sai chút nào... Vanny thích tính cách lãng mạn của người Pháp hơn...
Tôi mỉm cười với Charles. Nghe Charles nói câu nào cũng có chữ Vanny tôi cảm thấy vừa buồn cười vừa cảm động. Có một lần tôi nói với Charles là nếu so với tiếng Việt của tôi thì tiếng Anh của Charles hơi nghèo nàn trong cách xưng hô. Chỉ có hai chữ I và You mà dùng cho tất cả mọi trường hợp. Rồi tôi kể sơ cho Charles nghe cách xưng hô trong tiếng Việt. Charles hỏi tôi nếu vậy thì bạn thân phải gọi nhau như thế nào? Tôi đã nửa đùa nửa thật nói với Charles là gọi bằng tên thay vì bằng you như trong tiếng Anh. Không ngờ Charles đem áp dụng liền. Lúc đầu tôi nghe không quen nhưng sau đó cảm thấy hay hay vì nó giống cách nói trong tiếng Việt nên cứ để Charles nói như vậy nghe đỡ khô khan hơn chữ “you”.
Thật ra tên tiếng Việt mà ba mẹ đặt cho tôi là Vân Di. Không hiểu có phải đúng là cái tên vận vào số mạng hay không mà từ ngay khi còn nhỏ cuộc đời của tôi có rất nhiều di chuyển và thay đổi. Năm năm tiểu học tôi đổi trường hết bốn lần. Lên trung học đỡ hơn chút nhưng vẫn phải đổi hai lần. Đến khi đang học đai học thì lại đổi thêm lần nữa. Lần này tôi “di” luôn cả nửa vòng trái đất.
Sau khi định cư tại Montreal, vì tên Di gọi theo âm Anh hay Pháp gì cũng không hay nên tôi lấy chữ của tên lót là Vân sửa lại chút xíu là Vanny cho người ta dễ gọi. Tưởng bỏ được tên Di thì không còn “di” nữa nhưng không phải. Sống ở Montreal được hơn mười năm, vì nhiều lý do, tôi lại chuyển qua thành phố Regina, thủ đô của tỉnh Saskatchewan này hơn ba năm nay. Trừ một vài người bạn Việt Nam thật thân mới biết tên tôi là Di, còn thì tất cả đều kêu tôi là Vanny hay Vân.
Tiếng gọi của Charles cắt ngang dòng tư tưởng của tôi. Thì ra thức ăn đã bắt đầu được dọn ra. Charles nâng cao ly rượu:
-Happy Birthday Vanny...
Tôi cũng giơ cao ly rượu của mình:
-Cám ơn Charles...
Tôi cảm động và có chút ngạc nhiên vì không ngờ năm nay Charles có nhã ý chúc mừng sinh nhật của tôi long trọng như vậy. Tôi quen Charles đã hơn ba năm, từ những ngày mới chân ướt chân ráo dọn về sống ở thành phố này. Còn nhớ hôm đó là giữa mùa Hè, thời tiết vừa nóng vừa ẩm. Tôi đi phố với cái bụng bầu bẩy tháng. Bé Du đã sắp ra đời mà tôi lại chỉ có một thân một mình nên phải lo sắm sửa đủ thứ từ sớm. Đang nhìn những món đồ chơi đủ màu xoay quanh cái trục gắn trên chiếc giường nhỏ của em bé thì tôi chợt cảm thấy khó chịu, xây xẩm mặt mày. Tôi vội nhìn quanh tìm chỗ nào để ngồi đỡ vì biết mình sắp bị ngất đi. Trong thời gian mang bầu tôi vẫn thường bị như vậy. Mắt tôi đã hoa lên nên không còn nhìn rõ cảnh vật phía trước. Tôi chỉ cảm thấy hình như có ai đó đỡ lấy mình rồi không còn biết gì nữa.
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang ngồi dựa thoải mái trên một chiếc ghế lắc, loại ghế mà các bà mẹ thường ngồi để cho con bú, của cửa tiệm bán đồ cho em bé. Bên cạnh tôi là ba khuôn mặt cúi xuống có vẻ lo lắng. Hình như họ đang gọi xe cứu thương. Tôi vội khoát tay bảo không cần. Tôi hay bị như vậy lắm, chỉ cần ngồi nghỉ chút sẽ hết. Thấy tôi có vẻ không sao thật nên hai người đàn bà trở về làm việc, họ là nhân viên của cửa tiệm. Tôi ngạc nhiên vì người đàn ông còn lại vẫn còn chần chờ chưa đi. Thấy tôi nhìn ông ta hỏi:
-Cô chắc chắn là cô đi một mình được chứ? Lúc nãy nếu tôi không kịp đỡ thì cô đã té xuống đất rồi...
Thì ra người đỡ lấy tôi lúc nãy là ông ta. Tôi mỉm cười cho ông ta yên tâm:
-Cám ơn ông nhiều, tôi ngồi nghỉ thêm chút nữa sẽ khoẻ...
Người đàn ông vẫn chưa an lòng:
-Hay cô gọi người nhà ra đón cho chắc ăn...
Tôi cười buồn:
-Tôi chỉ một mình, không có người nhà...
Đôi mắt màu hạt dẻ trong veo của người đàn ông mở to nhìn tôi như không tin. Tôi chợt hối hận vì sự mau miệng của mình. Dù nhìn ông ta có vẻ đàng hoàng nhưng vẫn là một người lạ, sao tôi lại tự khai ra là mình chỉ có một mình. Phải rời khỏi đây thôi, tôi nghĩ thầm và dợm đứng dậy nhưng chưa đứng vững thì lại phải nhăn mặt ngồi xuống. Bắp chân trái bị vọp bẻ đau điếng. Tôi vừa cúi xuống xoa chỗ đau vừa tủi thân muốn khóc. Không biết người khác mang bầu có khổ sở như tôi không. Nhưng dù cho có khổ đi nữa thì họ cũng có chồng bên cạnh để an ủi dỗ dành. Còn tôi một mình thui thủi không ai chia sẻ, kể cả một người bạn gái.
Giọng người đàn ông lo lắng:
-Cô có sao không?
Tôi ngước nhìn:
-Tôi bị vọp bẻ... đỡ đau rồi...
-Đỡ đau rồi sao cô còn khóc?
Tôi đưa tay chùi vội những giọt nước mắt trên má, gượng cười:
-Không gì... ông không cần lo cho tôi...
Người đàn ông chợt lấy trong ví ra một tấm danh thiếp vừa đưa cho tôi vừa nói:
-Tên tôi là Charles, tôi làm việc ở tầng trên trong cao ốc này. Tôi vốn không phải là người hay xen vào chuyện của người khác... Nhưng thú thật, vẻ yếu đuối của của cô khiến tôi không thể bỏ đi. Coi như tôi vì cô hay vì đứa bé trong bụng, hôm nay tôi xin được hộ tống cô về tận nhà thì mới có thể yên tâm...
Tôi bối rối muốn từ chối nhưng không biết phải nói như thế nào. Vẻ thành khẩn trong ánh mắt kia chắc không thể là giả tạo. Tôi thở ra nghĩ thầm, thôi kệ, tới đâu thì tới, miễn tôi không cho ông ta vào nhà thì chắc không có gì nguy hiểm.
Và như vậy chúng tôi quen nhau. Sau hôm đó Charles và tôi trở thành hai người bạn. Cũng may là có Charles nên trong thời gian tôi sinh bé Du có người ra vào lo lắng cho hai mẹ con. Charles tốt bụng và rất thương trẻ con vì vậy có nhiều người thường tưởng lầm chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Thời gian dần trôi, tình bạn của chúng tôi càng ngày càng trở nên thân thiết. Qua lời Charles tôi biết được Charles 35 tuổi, đã kết hôn nhưng ly dị từ hai năm nay. Đứa con gái sáu tuổi theo mẹ hiện sống ở Anh.
Phần tôi thì từ sau khi rời Montreal tôi cố gắng quên đi tất cả những chuyện đã qua. Tôi tránh không truy cập vào những trang báo tiếng Việt, không đọc tin tức của cộng đồng, không đến những nơi nào có tập trung nhiều người Việt. Không phải tôi muốn quên đi nguồn gốc của mình mà là tôi muốn quên đi một người. Tôi không muốn tình cờ đọc được bài chàng viết, biết được tin tức hay nhìn thấy hình ảnh của chàng. Tôi hiểu rất rõ mình. Chỉ có không nghe, không đọc, không thấy thì họa may tôi mới có thể quên đi tất cả. Cũng may thành phố Regina này không có nhiều người Việt nên tôi không gặp khó khăn. Khó khăn duy nhất mà tôi gặp có lẽ là sự hiện diện của bé Du. Càng lớn bé Du càng giống chàng như tạc. Mỗi khi nhìn bé Du tôi cố gắng tự nói với mình, bé Du là con của tôi, chỉ một mình tôi.
Ba năm trôi qua, tôi nghĩ là mình đã có thể quên được người xưa. Quả tim của tôi hình như đã có chỗ trống để đón nhận người khác. Tình bạn giữa tôi và Charles đã dần thay đổi. Tôi nhận ra được tình cảm mà Charles dành cho mình và tôi cũng nghĩ là mình có cảm tình với Charles. Charles rất thương bé Du nên nếu tôi có đón nhận tình yêu của Charles thì tôi chẳng có gì phải lo nữa.
-Vanny nghĩ gì mà không ăn vậy? Hay không thích những món này?
Tiếng Charles cất lên âu yếm khiến tôi giật mình trở về thực tại. Tôi vội lắc đầu:
-Không phải, thức ăn có vẻ ngon lắm chứ...
Tôi vừa nói vừa bắt đầu thưởng thức món súp. Đúng là người Tây phương ăn uống thật rắc rối. Lúc mới qua tôi đã học sử dụng dao nĩa cho đúng cách mà vẫn cứ quên hoài. Nào là dao, nĩa rồi còn muỗng lớn muỗng nhỏ cứ loạn cả lên. Còn thêm phải giữ cái khăn ăn trải trên đùi cứ chực rơi xuống, thật là phiền phức.
Đúng như tôi đoán, thức ăn ở nhà hàng này không phải chỉ có vẻ ngon mà là rất ngon. Ít ra không khiến tôi thất vọng với cái vẻ đẹp sang trọng của nó. Tôi đã từng thử qua những nhà hàng thật đẹp, thật sang và dĩ nhiên cũng thật đắt mà thức ăn lại không được ngon. Có lẽ họ chỉ lo chú trọng đến hình thức bên ngoài mà quên mất thức ăn ngon mới là điều quan trọng trong sự thành công của một nhà hàng.
Khi chúng tôi đã dùng xong phần tráng miệng thì tôi thấy Charles ra dấu cho người bồi bàn. Một lúc sau tôi thấy có một người đàn ông bước ra ngồi vào chiếc đàn piano ở góc phòng rồi tiếng nhạc trổi lên. Ánh sáng của chùm đèn trên trần hình như đã được bớt xuống. Không khí thật lãng mạn. Tôi tìm một thế ngồi thật thoải mái và chuẩn bị thưởng thức âm nhạc. Tôi vốn mê âm nhạc từ nhỏ. Có thể nói âm nhạc là người bạn trung thành nhất của tôi trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi mệt mỏi tôi chỉ cần nghe một bài nhạc yêu thích là cảm thấy khoẻ lại rất nhiều.
Tôi khép nhẹ mắt thả hồn chơi vơi trong những dòng nhạc cổ điển của Chopin, Mozart, Tchaikovsky, Beethoven... mà người nhạc sĩ đang khéo léo kết hợp một cách êm ái. Charles quả thật rất hiểu tôi khi sắp xếp một bữa ăn tối lãng mạn như thế này. Một người đàn ông như vậy đâu phải dễ tìm. Tim tôi mềm đi, hình như mình yêu Charles mất rồi. Tôi mở mắt nhìn Charles, bên kia bàn Charles cũng đang mơ màng. Thấy tôi nhìn Charles mỉm cười. Tôi cũng cười với Charles.
Tiếng nhạc nhỏ dần rồi ngưng hẳn. Tôi quay nhìn người nhạc sĩ ngồi phía sau cây đàn. Hình như ông ta chuẩn bị đàn một bài khác. Tôi lại khép mắt chờ đợi. Tiếng nhạc trổi lên lần nữa. Mới nghe khúc nhạc dạo đầu là cả người tôi tê cứng. Không, không thể là bài này... Lúc này tôi thật sự không muốn nghe bài này. Không ai nghe tim tôi gào nên những ngón tay của người nhạc sĩ vẫn vô tình tiếp tục lướt trên phím đàn và dòng âm thanh tuôn chảy cuốn trôi tôi về miền quá khứ xa xôi mà tôi đã và đang cố gắng quên đi. Nước mắt tôi lặng lẽ rơi. Trong âm thanh dìu dặt tôi nghe vang lên bên tai giọng hát trầm ấm của Vic Damone mà tôi cùng nghe với chàng ngày nào...
...
More than the simple words I try to say
I only live to love you more each day...
...
More than you'll ever know
my arms long to hold you so,
...
Longer than always is a long long time
but far beyond forever you'll be mine,
I know I never lived before
and my heart is very sure
no one else could love you more
...
Và từng lời... từng lời... thì thầm yêu thương của chàng văng vẳng vọng về. Rồi vòng tay chất ngất đam mê. Rồi nụ hôn ngọt ngào say đắm... Ôi! Tôi nhớ chàng quá đỗi...
Sao định mệnh lại có thể tàn nhẫn với tôi như thế này? Giữa lúc tôi ngỡ mình đã quên. Giữa lúc tôi chuẩn bị mở rộng lòng ra để đón chờ một tình yêu mới. Sao người nhạc sĩ kia lại chọn ngay bài này mà không là một bài nào khác chứ? Cả trăm câu hỏi xoay quanh trong đầu tôi. Nước mắt vẫn tiếp tục rơi...
Tiếng nhạc vẫn réo rắt như xoáy vào nỗi nhớ của tôi. Hình ảnh của buổi tối nào bên chàng trở về thật rõ ràng trong trí. Thì ra tôi vẫn chưa quên hết như tôi vẫn tưởng. Nó chỉ tạm thời lắng xuống và chờ dịp để bùng lên. Đó là lý do tại sao tôi tránh không nghe lại những bản nhạc mang đầy kỷ niệm từ khi xa chàng. Vì tôi biết rằng tôi sẽ khóc. Và tôi biết rất có thể mình sẽ bỏ mặc tất cả để đi tìm chàng. Điều này chẳng những sẽ không giúp được gì mà còn sẽ khiến cho chàng khó xử.
Bản nhạc chấm dứt. Người nhạc sĩ đứng dậy rời khỏi phòng và đóng cửa lại. Bên kia bàn Charles cũng đang đứng dậy bước đến bên tôi với một bó hoa hồng đỏ trên tay. Charles trao bó hoa cho tôi và thì thầm câu cuối cùng của bài hát:
-... no one else could love you more...
Charles đã nhìn thấy những giọt nước mắt trên má tôi. Có lẽ Charles tưởng tôi khóc vì xúc động với cách tỏ tình lãng mạn của Charles.
-Tôi đã chọn lâu lắm mới được một bài nhạc đúng với tâm trạng mình để tặng cho Vanny đó... Những gì tôi muốn nói với Vanny đều nằm trong bản nhạc này...
Rồi Charles lấy trong túi áo ra một chiếc hộp nhỏ. Truớc khi tôi có phản ứng, Charles đã khuỵu người xuống cầm lấy hai bàn tay tôi và nói:
-Vanny có chịu cùng tôi đi chung quãng đường còn lại hay không?
Đầu tôi chợt nhức như búa bổ. Mới cách đây vài phút tôi nghĩ là mình yêu Charles và sẽ nhận lời nếu Charles tỏ tình, nhưng bây giờ tôi mới biết mình lầm. Chỉ nghe một bài hát cũ đã khiến tôi quay quắt thế này thì làm sao tôi có thể dối lòng mà nhận lời cầu hôn của Charles được. Tôi thấy Charles mở chiếc hộp nhỏ và lấy ra một chiếc nhẫn. Tôi không biết phải từ chối Charles như thế nào để Charles đừng buồn. Tất cả cũng lỗi tại tôi. Có lẽ thái độ và cách cư xử khá thân mật của tôi thường ngày đã khiến Charles tin tưởng rằng tôi không bao giờ từ chối lời cầu hôn của mình. Vì vậy Charles đã tốn công sắp xếp cho bữa ăn tối nay. Tôi thật sự bối rối.
Charles đã nâng bàn tay tôi lên và định lồng chiếc nhẫn vào. Không, không thể nhận chiếc nhẫn đó. Tôi là của chàng, tôi không thể thuộc về một người khác được. Cảnh vật trước mặt như xoay tròn trước mắt tôi. Tôi thấy rất nhiều chấm sáng bay vòng vòng... vòng vòng... Và tôi ngất đi...
Tôi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Bác sĩ nói áp huyết của tôi quá thấp và nghi ngờ tôi bị thiếu máu nên mới ngất xỉu. Họ đã đưa mẫu máu đi thử và cho tôi về nhà chờ kết quả. Nhìn vẻ lo lắng của Charles tôi cảm thấy thật bất nhẫn. Có phải chăng là định mệnh khi cả hai người đàn ông đều chọn cùng bản nhạc để tỏ tình với tôi? Nếu Charles chọn một bản nhạc khác thì có lẽ tối nay tôi đã nhận lời làm vợ Charles. Nhưng sau đó thì sao? Liệu tôi sẽ mang lại hạnh phúc cho Charles hay không khi mà thật sự tôi vẫn chưa quên được chàng? Đáng lẽ tôi phải cảm ơn định mệnh mới phải.
***
Có lẽ kiếp trước Charles mắc nợ mẹ con tôi nên kiếp này cứ phải lo cho tôi và bé Du. Kết quả khám máu của tôi chưa có thì đến phiên bé Du bị sốt nặng. Buổi sáng khi vào phòng gọi con dậy tôi sờ thấy đầu bé Du nóng hổi, bé sốt 39 độ C. Tưởng con bị cảm như mọi lần nên tôi cho bé Du uống thuốc giảm sốt và hai mẹ con nghỉ ở nhà. Đến chiều uống thêm hai lần thuốc mà nhiệt độ chẳng những không giảm còn tăng lên đến 40 độ. Bé Du cứ ôm đầu kêu đau và xoay cổ một cách khó khăn. Tôi đang lo lắng thì may quá Charles đi làm về ghé qua. Tôi vừa kể qua những triệu chứng bệnh của bé Du thì Charles đã vội vàng bảo tôi sửa soạn đưa bé vào bệnh viện. Vẻ lo lắng của Charles khiến tôi quýnh quáng lấy vội ít đồ cần thiết rồi theo Charles ra xe. Đến bệnh viện, Charles không chờ tôi như mọi khi mà vội vàng bế bé Du ngay vào phòng cấp cứu và đi thẳng vào gặp cô y tá trực chứ không ngồi bên ngoài chờ đợi như thường lệ. Tôi chạy theo sau và chỉ nghe loáng thoáng họ nói với nhau chữ “meningitis”. Tuy không biết nhiều về y học nhưng tôi cũng hiểu “meningitis” tiếng Việt gọi là bệnh “sưng màng óc” rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.
Cô y tá đã bế bé Du vào bên trong một phòng nhỏ và bảo chúng tôi chờ trước cửa phòng. Sau đó tôi thấy có hai ba người mặc áo blouse trắng đi vào. Nghe tiếng khóc của bé Du vọng ra tôi bật khóc theo. Charles ôm vai tôi an ủi:
-Vanny đừng lo lắng quá, bé Du không sao đâu...
Charles xoa nhẹ vai tôi như để chia sẻ. Tôi biết Charles cũng đang lo lắng giống như tôi. Charles thương bé Du cũng phải vì chính mắt Charles đã chứng kiến bé Du sinh ra, lớn lên như thế nào. Vì đã có một đứa con nên Charles đã giúp tôi rất nhiều trong việc nuôi nấng và chăm sóc cho bé Du.
Tôi thút thít:
-Bệnh đó nguy hiểm lắm, nếu bé Du có gì chắc tôi cũng không muốn sống nữa...
Nói đến đây nước mắt tôi lại rơi. Thật vậy, từ ngày xa chàng bé Du là sinh mạng của tôi. Mang bầu cực khổ mấy tôi cũng chịu đựng được. Sinh nở khó khăn bao nhiêu tôi cũng ráng vượt qua. Một mình nuôi con chịu nhiều uất ức tôi cũng cam lòng. Vì bé Du chính là hiện thân của chàng. Tôi không có được chàng bên cạnh nhưng tôi có bé Du thay thế chàng. Nếu bé Du xảy ra chuyện gì thì tôi là người có tội vì đã không cho chàng gặp con mình và không cho bé Du thấy mặt cha. Cái ý tưởng lánh mặt chàng suốt kiếp này trong tôi hình như đang bị lung lay. Nhiều chuyện xảy ra cùng lúc như vậy khiến tinh thần tôi yếu đuối hẳn đi. Lời cầu hôn của Charles tôi vẫn chưa trả lời. Có phải chăng đây là lúc tôi nên đem bé Du trở về để hai cha con gặp mặt nhau? Và để tôi dễ tìm một quyết định cho tương lai của mình? Dù sao chàng cũng là ba của bé Du. Không thể được! Chàng đang yên ổn hạnh phúc với gia đình riêng của chàng. Tôi không thể tự nhiên đem bé Du về nhận lại cha. Càng không thể tìm một thứ tình cảm nào dành cho tôi nơi chàng. Tôi không thể phá vỡ một gia đình vì hơn ai hết tôi hiểu rất rõ hạnh phúc không thể xây dựng trên sự đau khổ của người khác...
Cửa phòng bật mở. Tôi và Charles cùng vội vàng bước tới cạnh những người mặc áo trắng. Một người lớn tuổi nhất, có lẽ là thầy của những sinh viên thực tập kia, nhìn chúng tôi và nói:
-Ông bà đừng quá lo. Cháu bé được đem đến sớm nên không sao đâu nhưng phải nằm lại bệnh viện một thời gian. Chúng tôi sẽ chuyển cháu lên phòng. Ông bà ra làm thủ tục nhập viện cho cháu...
Chúng tôi nói cám ơn cũng vừa lúc thấy cô y tá đẩy chiếc giường nhỏ ra. Bé Du nằm thiêm thiếp. Cánh tay nhỏ xíu đang bị cột chặt để vô nước biển. Dù đã yên tâm là bé Du sẽ không sao nhưng nhìn thấy con bị đau như vậy tôi lại bật khóc.
Charles nhắc nhở:
-Vanny đừng khóc nữa, coi chừng lại ngất đi đó. Phải để dành sức mà lo cho bé Du...
Bé Du bình thường sức khoẻ cũng khá nên sau hai tuần đã khỏi bệnh và được cho về nhà. Tôi và Charles thay phiên nhau chăm sóc nên bé lại sức rất mau, chỉ một tháng sau là đã khỏe hẳn và nhảy nhót trở lại. Phần tôi thì kết quả khám máu cho biết bị thiếu chất sắt nên vừa chích vừa uống đến nay cũng đã tạm ổn định.
Từ sau buổi tối ở nhà hàng, Charles không hề nhắc đến lời cầu hôn lần nào nhưng tôi biết Charles vẫn đang chờ đợi câu trả lời nơi tôi. Thỉnh thoảng tôi hay bắt gặp ánh mắt Charles nhìn mình và tôi luôn trốn tránh, tuy tôi biết rằng đó không phải là cách để giải quyết vấn đề. Vả lại, làm như vậy thật bất công với Charles.
Mới đó mà đã đến Hè. Tháng Bẩy tôi sẽ có ba tuần lễ nghỉ hè. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định sẽ cùng với bé Du trở về Montreal. Ý định của tôi là về để nhìn xem cuộc sống của gia đình chàng bây giờ ra sao rồi mới tính đến việc có cho bé Du gặp chàng hay không. Thôi thì cứ tùy cơ ứng biến vậy.
Charles nghe tôi đi cũng muốn đi theo chúng tôi nhưng tôi đã nhân dịp này kể hết mọi việc cho Charles hiểu. Tôi hứa là sau khi trở về chắc chắn tôi sẽ có câu trả lời cho Charles. Vẻ buồn của Charles khiến tôi cảm thấy bứt rứt trong tim. Hình như Charles cũng có chiếm một phần trong quả tim tôi. Tại tôi đa tình hay tôi quá tham lam?
Chương 1
Tiến >>
Nguồn: Tác giả VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 12 tháng 6 năm 2020