XEO-ƠN-PU-LA-KHƠ

trương hiền lượng

dịch giả: thái nguyễn bạch liên

…Thưa đồng chí nhà báo, chắc đồng chí đã đi nhiều nơi, nhưng nếu đồng chí không đến Tân Cương thì hẳn không biết đất nước ta rộng lớn như thế nào. Người Duy Ngô Nhĩ thường nói, ở Tân Cương muốn ăn cơm phải cưỡi con lừa, nếu không, ăn no ở thôn này, đi tới thôn khác là chết đói ngay. Đây không giống như quê mình, hễ lên xe là ngàn dặm chẳng thấy bóng người, luôn phải làm bầu bạn với máy móc, không biết tâm sự cùng ai. Cho nên tôi lái xe thường ưa có người xin đi nhờ, mỗi lần gặp ai trên đường tôi đều giảm tốc độ hỏi họ có muốn lên xe không. Đồng chí thử nghĩ trên cái sa mạc Gobi mênh mông như thế này mà chỉ nhờ đôi chân bước thấp bước cao thì biết bao giờ mới đến nơi. Tôi không phải là tay hay tán chuyện, nhưng có người ngồi cạnh mình trong buồng lái thì vợi đi cái cảm giác cô đơn. Hôm nay gặp đồng chí nhà báo, tôi có vẻ hơi nhiều lời. Tôi vẫn thích nói chuyện, kết giao cùng tri thức mà.

Đồng chí hỏi vì sao tôi lại đến Tân Cương? Câu chuyện có hơi dài dòng đày. Quê tôi ở Hà Nam, lên trường huyện học xong sơ trung thì có biết bao nhiêu là hoài bão, nào là quân giải phóng, nào là bác sĩ, nhà văn, chứ ngờ đâu lại ôm tay lái như thế này suốt một đời. Năm sáu mươi đói, ở nhà không có cái mà ăn, nghe nói Tân Cương trù phú, bèn lên đây tìm kế sinh nhai. Hồi ấy đường tàu mới chỉ thông tới Vĩ Á, dân “lưu vong” đến Tân Cương đều ùn lại ở đó. Vĩ Á chẳng khác nào một cái chợ, đâu đâu cũng thấy lều bạt, tưởng là người Mông Cổ mở hội “Na-ta-mu”. Đó là nơi chiêu mộ công nhân của các binh đoàn xây dựng sản xuất ở Tân Cương mà đối tượng nhằm vào dân “lưu vong” chúng tôi. Nhờ giấy chứng nhận tốt nghiệp sơ trung mà tôi đã lọt vào danh sách tuyển mộ của một đơn vị khoa giáo, nếu không vì hai con bé đồng hương Hà Nam thì tôi đã trở thành người giáo viên nhân dân lâu rồi. Chúng thấy tôi chọn được công việc nhàn hạ, cũng đòi thử thi xem sao, nhưng tiểu học chưa xong thi làm sao mà thi với cử, bèn nhận liều là bạn học của tôi cùng lên Tân Cương tìm việc làm ăn. Người của ban tuyển mộ bảo rằng, tôi còn trẻ tuổi mà đã “cặp bồ” với những hai cô gái, “lưu vong” khắp nơi như thế này, thật chẳng đứng đắn gì, bèn loại tôi khỏi danh sách. Hai con bé đồng hương nhận thấy có lỗi, vô cớ đập vỡ bát cơm mà tôi vừa cầm trên tay, nên khóc than thảm thiết. Nhìn chúng nó khóc, tôi lại càng mềm lòng, mọi bực tức tan biến hết, thôi nín đi các em, dẫu sao cũng là đồng hương, phải giúp nhau nơi đất khách quê người chứ. Tôi bán số quần áo mang theo, ba anh em có tiền đủ ăn một ngày, sáng hôm sau, sợ liên lụy đến tôi, hai đứa bèn ghi tên đi nông trường. Còn mình tôi, nghe lời một cựu “lưu vong” chuẩn bị lên đường tới Cáp Mật thử vận khí xem sao. Tôi đi nhờ một chiếc xe tải, may sao tay tài xế là người Hà Nam, mặt mũi hiền từ, nói chuyện cởi mở, chưa đến Cáp Mật thì ông quyết định nhận tôi làm đồ đệ phụ xe. Từ bấy thầy trò tôi rong ruổi không.biết bao nhiêu là dặm đường, ngoảnh lại mà đã hai mươi năm, xe thay mấy bận, ngày Bắc đêm Nam, chạy sang cả xứ người, Liên Xô, Trung Á, cay đắng ngọt bùi đều nếm cả; núi tuyết, hoang mạc, đèo cao, dốc thẳm đều vượt hết, nhiều lúc gặp mưa bão, một mình rơi giữa đường, cũng từng khóc đến giọt nước mắt cuối cùng... Thôi, đừng kể những chuyện ấy nữa, phải không đồng chí nhà báo, tôi sẽ chuyển sang đề tài khác vậy.

Năm thứ hai ở Tân Cương tôi được tin cả cha lẫn mẹ đều tử nạn trên công trường sửa chữa thủy lợi, tôi là con một, thế là từ đó trên đời này chẳng còn ai thân thuộc nữa, cô đơn lại càng cô đơn. Hồi “Văn cách” lòng người ly tán, ngăn cách.lẫn nhau, tối ngậm tăm, câm như hến, sư phụ khuyên tôi nên hỏi vợ, lập tổ ấm, có người thương yêu mình thì sẽ khuây khỏa hơn. Tôi nghĩ cũng phải, nhưng Tân Cương con gái hiếm lắm, kiếm vợ đâu dễ. Nhờ bạn đồng nghiệp giới thiệu, tôi kết hôn với một cô gái người Thiểm Bắc, cũng vì đói kém mà lên đây kiếm việc làm ăn. Vợ tôi vừa tròn đôi mươi, tướng mạo đoan trang, cần cù chăm chỉ, chuyện bếp núc vá may đều thành thạo, lại không như các bà các cô thích ngồi lê đôi mách, chu đáo hầu hạ chồng, cơm nóng canh ngọt, quần áo sạch sẽ tươm tất, nghĩa là không chê vào đâu được. Nhưng chỉ tội ít tình cảm, lạnh băng băng, chẳng cười và không bao giờ nói thừa một câu một chữ, hình như muốn xa cách tôi thì phải. Xin đồng chí nhà báo đừng cười, ngay như lúc ân ái cô ta cũng như người chết chưa mặc áo quần, không một chút cảm hứng gì cả, mặc tôi muốn làm gì thì làm. Thật là ngán, hóa ra lấy vợ còn phiền muộn hơn cả sống độc thân. Tôi bắt đầu hút thuốc, uống rượu, tất nhiên là uống vừa phải vì còn phải lái xe. Dăm tháng nửa năm, tôi cảm thấy bà con hàng xóm nhìn mình với con mắt khang khác, nên càng bực. Rồi một hôm cùng đàn đúm với dân tài xế cơm no rượu say, một cậu lái lỡ mồm tiết lộ, rằng cái thằng cha đốt lò hơi mới “lưu vong” đến Tân Cương nào đó thường lảng vảng ra vào nhà tôi. Về nhà vẫn thấy cô ta “đẹp như hoa đào, lạnh tựa băng giá”, nhà cửa sạch sẽ, cơm nước đầy đủ, áo quần giặt giũ tươm tất, không thể trách cứ điều gì. Nhưng hôm sau phá lệ, giữa trưa xộc vào, thì ôi thôi con dâm phụ của tôi đang trần như nhộng ôm ấp lấy tình nhân. Tôi run lên hỏi: Ai? Hắn khóc, và tự nhiên lòng tôi lại mềm ra như bún. Tôi tìm gặp kẻ ngoại tình đã phá nát hạnh phúc gia đình tôi để hỏi tội. Đáng thương thay, họ yêu nhau từ thuở mười bảy, mười tám, một mối tình đẹp như “thanh mai trúc mã”, chàng tòng quân dặm trường chinh chiến, nàng đợi ngày tái ngộ kết hôn. Nào ngờ gặp năm mất mùa đói kém, người con gái ra đi cậy nhờ bà dì ruột. Sợ cháu mình ăn ở trong nhà tốn kém, bà dì nọ bèn gán gả cô ấy cho tôi, và thế là đôi uyên ương bị rẽ cánh, họ nhớ nhau và tìm đến với nhau. Tôi thật đau lòng và cảm thấy tình yêu của họ là chân chính, nên ly hôn để cô ấy ra đi với tình lang yêu dấu. Dẫu vẫn biết giữa chúng tôi không có và không còn tình cảm gì nữa, nhưng sự ra đi của nàng cứ để lại nỗi trống vắng trong tôi. Tôi buồn rười rượi, thế là một đời vợ đã qua. Dân xế chúng tôi bắt đầu chạy đường dài, một năm bốn mùa đều ở tận đâu đâu, ngủ nhà trọ nhiều gấp trăm lần so với tổ ấm của mình, ai cũng mong rảnh rỗi tạt qua thăm vợ thăm con, còn tôi thì cô đơn lạnh lẽo, biết về với ai. Miếng cơm sao cứ mặn chát và khô khốc, nuốt chẳng buồn xuống. Có điều ngày tháng dần trôi, sống lâu thành quen, nỗi buồn cũng vợi đi ít nhiều. Trước mắt là con đường thẳng tắp, trước mắt là hồ nước xanh trong, trước mắt là thảo nguyên mênh mông, là trời cao vời vợi, là mây trắng bồng bềnh, phiền muộn rồi cũng có lúc phải tiêu tan.

Hai năm sau thì tôi “đi bước nữa”, kể lại cũng thật có ý nghĩa. Hồi ấy tôi không hề có ý định lấy vợ, nhưng trời xui đất khiến thế nào lại gặp cô ấy trên đoạn đường này. Từ rất xa tôi đã nhìn thấy người đàn bà chít khăn xám tro bồng đứa con ngồi bên vệ đường, chắc là họ muốn đi nhờ xe, nên tôi từ từ giảm tốc độ. Nhưng người đàn bà không hề đứng dậy vẫy tay, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt vừa hoài nghi, sợ hãi, vừa hy vọng, thỉnh cầu, khiến lòng tôi xốn xang. Tôi cho xe lăn bánh, chạy đâu được vài chục mét, lòng cảm thấy vẫn chưa yên, dừng xe và quay lại hỏi mẹ con họ về đâu. Người đàn bà trả lời. “Xeo-ơn-pu-la-khơ”[1] nhưng vẫn do dự không chịu xin lên xe. Người ấy vận cái áo gió cũng màu xám tro như chiếc khăn chít trên đầu, rất thời thượng và tôi đoán chắc cô là “thanh niên trí thức Thượng Hải”[2]. Tôi biết vì sao cô ta không đi nhờ xe. Chả giấu gì đồng chí nhà báo, trong cánh lái xe chúng tôi cũng lắm kẻ xấu hay chọc ghẹo hãm hiếp đàn bà con gái lúc độ đường ngay trên xe. Tôi rút tấm bằng lái đưa cô xem, cô mới bồng con đứng dậy uể oải theo tôi. Lên xe rồi, tôi thấy đứa bé rất khác thường, không hiếu động như bao trẻ con khác, yên lặng nép mình trong lòng mẹ. Sờ lên trán thấy cháu nóng ran, bụng dạ tôi như lửa đốt, nhấn ga cho xe chạy hết tốc độ, vượt qua thị trấn U-sơ-ta-la mà vẫn không dừng lại nghỉ đêm. Cô gái trí thức Thượng Hải ấy tưởng tôi có ý đồ xấu nên hốt hoảng liên mồm hét lớn: dừng xe. Tôi giải thích chúng ta phải chạy nhanh tới bệnh viện, còn ở cái thị trấn U-sơ-ta-la này có đốt đuốc cũng tìm không ra một ông lang băm. Cô vẫn không nghe, khóc la đến là tội nghiệp, đòi xuống xe cho được, tôi bèn lôi ra cái ca uống nước sơn chữ “thưởng” rõ to để chứng minh rằng mình không phải là hạng người tồi. Ca uống nước có chữ “thưởng” quả là liều thuốc an thần đối với người thiếu phụ, cô bình tĩnh trở lại, và chiếc xe của ba chúng tôi lao nhanh về phía trước. Đến thị trấn Ya-lao, có bệnh viện, nhưng người trực đi vắng, tôi lại cho xe bay tới Khu-ơn-lơ. May mắn gặp bác sĩ quen, gửi gắm xong hai mẹ con họ cho bệnh viện, chợp mắt được một lát thì trời rạng sáng, tôi nổ máy lên đường.

Một tuần sau trở về, trước là cám ơn bác sĩ, sau nữa thăm hai mẹ con người thanh niên trí thức Thượng Hải. Anh bác sĩ chọc tôi có cháu bé kháu quá, bị viêm phổi cấp tính, may mà kịp thời cứu chữa. Người mẹ cảm động xin lỗi. Tôi nhận thấy cô ta hiền hậu dịu dàng, hoàn toàn khác hẳn với cái đêm điên cuồng lồng lộn trên xe. Cô chỉ mới hai mươi sáu, hai mươi bảy gì đó, mắt tròn xoe, nước da vàng vàng với khuôn mặt âu sầu, thương đau. Đứa trẻ đã hoạt bát hiếu động, bi bô nói từng tiếng một: mẹ - bảo - cháu - lớn - lên lái - xe - giỏi - như - chú... Mọi người vỗ tay hưởng ứng, tôi cảm động bởi câu nói ngây thơ đó của cháu, nó còn quý giá hơn bất cứ phần thưởng nào trên đời này. Mũi tôi đỏ mọng, đôi mắt cay xè, chực nhỏ lệ, bèn quay người ra sau, giả bộ cười ha hả. Ngày hôm sau tôi nhờ anh bạn đổi hàng đi U-lu-mu-xi, còn mình thuận đường đưa mẹ con họ trở về Xeo-ơn-pu-la-khơ. Xeo-ơn- pu-la-khơ có nghĩa “suối nước kiềm”. Trên đường về suối nước kiềm, cô thanh niên trí thức Thượng Hải đã kể cho tôi nghe những chuyện buồn vui trong đời.

Thưa đồng chí nhà báo, đời người kể cũng lạ, có những lúc đồng chí lại muốn nói hết mọi bí mật của mình cho người khác, một người không thân thích hoặc liên quan gì cả, như hôm nay tôi đang tỉ tê với đồng chí vậy. Cô xuất thân từ một gia đình tư sản, năm sáu tư tốt nghiệp cao trung, với ý thức tự cải tạo và quyết tâm xây dựng biên cương, người con gái ấy tình nguyện lên Tân Cương dạy văn hóa. Năm sáu bảy, phái tạo phản chuyên quyền, cô bị đẩy xuống lao động ở đội sản xuất, và ngày càng bị kỳ thị. Rồi một hôm tên đội trưởng lừa cô vào rừng liễu, cướp đi cái quý giá nhất của người con gái. Cô đau đớn chịu đựng, không biết tố cáo với ai và cũng chẳng có cách nào để phá đi cái thai trong bụng, bèn trốn về Thượng Hải nói dối cha mẹ, sinh con và để lại nhờ hai cụ nuôi giúp. Năm “phê Lâm phê Khổng”, ông bà phải lánh nạn ở quê, cô phải đón cháu lên Tân Cương, mẹ con đắp đổi qua ngày. Nghe vậy, tôi mới hiểu vì sao người thiếu phụ ấy đã nhút nhát như vậy. Tôi hỏi sao cô không đi lấy chồng, cô thở dài đáp rằng, nơi ấy chẳng còn người đàn ông Thượng Hải nào nữa, mà theo người khác tỉnh thì sau này khó lòng hồi hương. Tôi mạnh dạn triết lý: ngày tháng có tốt đẹp hay không, chắc không phải là do ta ở nơi nào, mà chính là ta cùng ở với ai. Cô gật đầu đồng ý với cách nói của tôi, nhưng vẫn cho rằng thực tế lại không như vậy.

Từ giã mẹ con người đàn bà ngẫu nhiên gặp gỡ trên đường, tôi trở về U-lu-mu-xi nhưng hình ảnh họ luôn luôn hiện lên trong đầu óc. Tôi như người mất hồn và cuối cùng đánh bạo, đêm ba mươi tết tìm tới Xeo-ơn-pu-la-khơ với nhiều quà cáp và đặc biệt là những chiếc xe đồ chơi cho cháu... Về sau cô cứ lục vấn tôi: vì sao anh lại yêu em? Tôi trả lời, đã nói rằng yêu thì không thể hiểu vì sao cả. Tôi kể hết câu chuyện người con gái Thiểm Bắc cho cô nghe. Dù anh có hơn hẳn cậu thanh niên đốt lò hơi ấy về mọi mặt, nhưng tình yêu đã không đến với anh, dù sau này có khổ sở đến mấy nàng vẫn theo chàng. Vì sao lại như thế? Anh cố vắt óc mà không hiểu ra, nhưng bây giờ anh đã hiểu. Đó là tình yêu, với em anh cũng như chàng thanh niên Thiểm Bắc nọ...

Còn bây giờ? Đồng chí nhà báo vừa hỏi, cô ta đã là hiệu phó một trường trung học, đứa bé lớn rồi, nhưng không đi lái xe như bố, mà làm nhà văn và đang viết câu chuyện tình giữa tôi và mẹ cậu. Năm trước, nhờ cải cách, cha mẹ cô ta làm ăn yên ổn, nếu không phải là vợ tôi, thì cô ta hoàn toàn có thể hồi hương về Thượng Hải. Tôi hỏi: em có hối hận không? Thế là hết cơ hội làm tiểu thư Thượng Hải rồi đó! Cô im lặng, mãi tới khuya mới vừa khóc vừa trách tôi: anh có ý gì vậy, chẳng phải anh đã nói - ngày tháng có tốt đẹp hay không, chắc không phải là do ta ở nơi nào, mà chính là ta cùng ở với ai đấy ư? Tôi phải làm lành đến tận nửa đêm, cô mới cười trở lại. Tất cả là do tôi quá chén nhỡ lời, từ đó tôi bỏ luôn cái khoản rượu...

Đồng chí nhà báo ơi, sắp chia tay rồi, Xeo-ơn-pu-la-khơ, ôi suối nước kiềm, những người bơi lội trong dòng suối ấy đều có trái tim vàng, đều là bảo bối của đất nước, không chỉ mỗi cô ta, mà tất cả ai ai từng chịu khổ, từng uống nước “xeo-ơn-pu-la- khơ” đều như vậy cả phải không đồng chí nhà báo?

Chú thích:

[1] Tiếng Tân Cương có nghĩa là “suối nước kiềm”

[2] Hồi “Văn cách” học sinh trung học đi lao động ở nông thôn đều gọi chung là “trí thanh” - ND

Đánh máy: hoi_ls
Nguồn: hoi_ls - KTNN số 444, 445 (Tháng 12/2002)
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 7 tháng 9 năm 2020