KANSUKE NAKA (1885-1965) là nhà thơ, tiểu thuyết gia người Nhật. Ông là học trò của tiểu thuyết gia vĩ đại Soseki Natsume, người đã hết lời khen ngợi “sự mới mẻ và trang nghiêm” trong văn xuôi của Naka và khuyến khích ông xuất bản tác phẩm đầu tay Chiếc thìa bạc.
..
Một trong những tác phẩm KINH ĐIỂN VĨ ĐẠI của văn học Nhật hiện đại. Chiếc thìa bạc là thước phim thuần khiết đượm màu “hoài niệm”, là tác phẩm được độc giả Nhật Bản vô cùng yêu thích kể từ khi xuất bản năm 1913. Cuốn sách là “tấm vé trở lại tuổi thơ” đầy đói khổ nhưng vẫn lạc quan, đau thương nhưng rực rỡ, để được đắm mình một lần nữa trong cơn mưa rào của những thay đổi nhanh chóng về văn hóa - xã hội Nhật Bản, mở ra thế giới rộng lớn hơn trong thời kỳ Minh Trị sau năm 1868. Bằng ngòi bút đầy tinh tế và đa màu, Naka đã cho chúng ta được trải nghiệm sự ngập ngừng, bỡ ngỡ, rón rén nhưng hân hoan đón nhận của một cậu bé sống trọn trong dòng thác đổi thay của xã hội thời bấy giờ.
.“Một cuốn sách hấp dẫn từ đầu đến cuối. Một tác phẩm nhận được rất nhiều sự đón nhận của giới học thuật và độc giả không chuyên nói chung quan tâm đến lịch sử và văn hóa Nhật Bản.” – Midwest Book Review
*
Lời giới thiệu
Chiếc thìa bạc (Gin no saji) của Naka Kansuke (1885-1965), được xuất bản dài kỳ lần đầu trên một tờ nhật báo hồi năm 1913, là cuốn hồi ký về tuổi thơ được yêu thích nhất từng được viết ở Nhật Bản. Như triết gia Watsuji Tetsurö (1889-1960) viết trong lời bạt dành cho cuốn sách này vào năm 1935 thì, “thế giới của đứa trẻ được khắc họa sống động một cách diệu kỳ.” Năm sau đó, khi đọc tác phẩm này để dịch một vài đoạn tiêu biểu sang tiếng Trung Quốc, nhà văn Chu Tác Nhân (1885-1967), em trai của nhà văn Lỗ Tấn (1881-1936), đã nhận xét rằng Naka là một tác giả “không chịu sự ảnh hưởng của các bậc tiền bối, không quan tâm đến những trào lưu của thế giới, ông dùng chính mắt mình để nhìn và chính con tim mình để cảm nhận.”
Hai thập niên sau, khi dịch một vài đoạn trong Chiếc thìa bạc sang tiếng Anh, học giả nghiên cứu văn chương Nhật Bản người Mỹ Howard Hibbett đã gọi đây là “sự tái hiện đẹp đẽ đến phi thường về thế giới tuổi thơ mà đến nay vẫn còn vẹn nguyên sự mới mẻ.”
Ở Nhật Bản trong giai đoạn gần đây hơn, cuốn hồi ký này được trìu mến gọi là “một câu chuyện trẻ em dành cho người lớn” (otona no döwa). Có lẽ cách gọi này bắt nguồn từ chính thuật ngữ “truyện trẻ em dành cho người lớn” (seijin no tame no döwa) mà Naka dùng cho một nhóm các câu chuyện ngụ ngôn do ông sáng tác và tập hợp lại thành một cuốn sách xuất bản năm 1961; những câu chuyện này lấy cảm hứng từ truyền thuyết Trung Hoa cổ đại, thơ ca Nhật Bản cổ đại, Kinh Thánh, cùng nhiều nguồn khác, và nó đòi hỏi một trình độ kiến thức nhất định về các tác phẩm kinh điển mới hiểu được. Ngược lại, Chiếc thìa bạc là một cuốn hồi ký thuần túy, không hề mang dụng ý huấn thị cho độc giả.
Sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản và hồi ký của Naka
Phần lớn thế giới tuổi thơ mà Naka mô tả trong Chiếc thìa bạc có liên quan đến những dịp lễ hội, hội chợ, những nghi lễ thường nhật và những trò chơi, mà mọi người tham dự vào đó như một lẽ tự nhiên, những niềm tin và mê tín tồn tại từ cổ xưa của họ không bị ảnh hưởng - phải nói thêm rằng, những đoạn mô tả này đã trở nên đặc sắc hơn rất nhiều nhờ sự có mặt của người bác từ tâm và kiên nhẫn khôn cùng, một thành viên bán thường trực trong gia đình tác giả và tự nhận về mình trách nhiệm chăm sóc cho Naka. (Người bác này là chị cả của mẹ Naka, bà Shö, 1849-1934. Nhưng bởi vì tên của bà không được xác định một cách chắc chắn, nên trong cuốn sách bà không có tên.)
Đối với những người hiểu biết về lịch sử Nhật Bản, thì sự tập trung vào “truyền thống” như vậy dường như hơi kỳ lạ. Suy cho cùng, Naka được sinh ra và lớn lên vào thời điểm vài thập niên sau phong trào Minh Trị Duy Tân diễn ra vào năm 1868 - đây là cuộc cải cách đưa Thiên hoàng trở về ngôi vị thống trị, từ đó chấm dứt 250 năm cầm quyền của chế độ Mạc phủ Tokugawa cùng chính sách bế quan tỏa cảng bán phần của chế độ này. Chính quyền mới không chỉ mở cửa để nước Nhật được thông thương và thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc tế mà còn tích cực tiếp nhận mọi thứ từ phương Tây. Mục tiêu lớn nhất của quốc gia này vào thời điểm đó là cạnh tranh với phương Tây.
Vì thế, vào năm 1883, chỉ hai năm trước khi Naka ra đời, chính phủ Nhật Bản đã hoàn thiện Rokumeikan, “Lộc Minh Quán” (tòa nhà nai kêu), một tòa nhà bề thế hai tầng theo lối kiến trúc Phục hưng Ý ở thế kỉ XVI dùng cho các buổi vũ hội do kiến trúc sư người Anh Josiah Conder thiết kế, với lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại Giao Inoue Kaoru vào ngày khánh thành: “Chúng tôi đã quyết định biến Rokumeikan trở thành nơi mà các quan chức cấp cao và các quý ông trong và ngoài nước Nhật có thể gặp gỡ và giao lưu, quên đi sự tồn tại của các kinh độ và vĩ độ, nơi mà họ có thể xây dựng nên mối liên hệ bạn bè bằng hữu không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia.”
Năm 1889, khi Naka lên bốn tuổi, chính phủ sau nhiều năm cân nhắc thận trọng đã quyết định công bố bản Hiến pháp mới được mô phỏng chủ yếu dựa trên Hiến pháp của Đức, qua đó thiết lập nên chế độ quân chủ lập hiến. Năm 1894, khi Naka chín tuổi, trong nỗ lực công khai đầu tiên hướng đến mục tiêu cạnh tranh với các đế quốc lớn, Nhật Bản tham chiến với Trung Quốc và giành thắng lợi.
Tuy nhiên, hầu hết những biến cố lịch sử ấy không ảnh hưởng đến tuổi thơ của Naka, ít nhất là theo như ông nhớ về nó - ngoại trừ cuộc chiến tranh Thanh-Nhật vừa nhắc đến ở trên. Như Naka kể trong một chi tiết của Chiếc thìa bạc, sự nổi lên bất ngờ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự sụp đổ gần như ngay lập tức về thanh danh của một dân tộc mà người Nhật trong suốt chiều dài lịch sử của mình vẫn giữ lòng ngưỡng mộ đã tạo nên một cảm giác bất mãn sâu sắc trong lòng cậu bé mười tuổi. Chu Tác Nhân, nhà văn Trung Quốc được đề cập đến ở phần trên, đặc biệt ấn tượng với chi tiết này: vào thời điểm giữa những năm 1930, khi ông đang ngồi dịch một số trích đoạn tiêu biểu của Chiếc thìa bạc, thái độ “nước lớn” của Nhật Bản đối với Trung Quốc kể từ sau khi Nhật Bản bắt đầu các nỗ lực Âu hóa đã tạo ra một tình huống nan giải ở chính đất nước của ông.
Về khía cạnh “truyền thống”, thiết nghĩ cũng nên đề cập đến một chính sách nữa. Để quảng bá hình ảnh “văn minh và khai sáng” mà phương Tây đại diện, chính phủ Nhật Bản từ sớm đã tuyên bố rằng năm dịp lễ hội theo mùa[1] và các lễ hội truyền thống khác là lạc hậu và độc hại. Mục đích ở đây không chỉ nhằm quảng bá cho quá trình Âu hóa mà thiên về dụng ý củng cố tinh thần sùng bái Nhật hoàng vốn hầu như không tồn tại khi ấy - điều này được thể hiện rõ qua những ngày quốc lễ mới được ban hành để thay thế các dịp lễ hội và sự kiện đã bị hủy bỏ, trong đó phải kể đến lễ Tenchösetsu (sinh nhật Thiên hoàng) để kỷ niệm ngày sinh của Thiên hoàng (ngày 3 tháng Mười một) và lễ Kigensetsu (ngày Quốc khánh) để kỷ niệm ngày được coi là ngày thành lập đất nước Nhật Bản (ngày 11 tháng Hai). Theo lời kể mang tính bán thần thoại trong cuốn Nhật Bản thư kỷ (được biên soạn vào năm 720), đó là ngày Jinmu lên ngôi trở thành vị hoàng đế đầu tiên ở quốc gia này.
Những mệnh lệnh nặng tính áp đặt này khiến người dân bối rối và hoang mang, và những người tạo ra chúng biết rõ điều đó. Trong Hỏi đáp về sự khai sáng (Kaika mondö, 1874), một trong số rất nhiều cuốn sách ra đời để nâng cao nhận thức của dân chúng về những yêu cầu của kỷ nguyên mới, nhân vật Kyühei (hay Lạc Hậu) hỏi Kaitarö (Khai Sáng) như sau:
Kể từ khi lịch bị thay đổi [từ âm lịch sang dương lịch, vào năm 1873), những ngày lễ quan trọng như năm ngày lễ theo mùa và Lễ hội Đèn lồng đều bị xóa bỏ để tôn vinh những ngày không thể hiểu như Tenchösetsu và Kigensetsu. Ngày tám tháng Tư là ngày sinh của Đức Thích Ca Mâu Ni và ngày thứ mười sáu của Lễ hội Đèn lồng là ngày cửa Địa ngục mở ra - ngay cả những đứa trẻ miệng còn hôi sữa cũng biết điều này, thưa ngài. Còn về nguồn gốc của các ngày Tenchösetsu[2] và Kigensetsu, thì ngay cả kẻ Lạc Hậu già cỗi như tôi đây, những kẻ ăn canh dải thịt bò hầm rau củ, cũng chẳng mảy may hay biết.
Việc nhân vật Lạc Hậu nhắc đến món “canh dải thịt bò hầm rau củ” (“gyünabe”, ngày nay được gọi là “sukiyaki”) là sự châm biếm về sự đảo lộn trong chế độ ăn uống. Trước đó, nước Nhật theo Đạo Phật không tiêu thụ thịt bò, nhưng người phương Tây đã mang đến thói quen ăn món thịt này. Ngụ ý của Lạc Hậu ở đây là anh ta đủ văn minh và khai sáng để biết rằng không nên ăn thịt, nhưng anh ta chưa đủ khai sáng để có thể hiểu được ý nghĩa của những ngày quốc lễ mới được tạo ra. Tiếp đó, Lạc Hậu mỉa mai về quốc kỳ của Nhật Bản, một sự áp đặt mới nữa đối với một dân tộc vốn trước đó không có thứ gì gọi là biểu tượng quốc gia, cùng với yêu cầu người dân phải thực hiện những cuộc “rước đèn lồng” vào các ngày kỷ niệm.
Về việc chính phủ buộc chúng tôi phải lấy ra một cái băng-rôn trông giống biển hiệu của cửa hàng bán lửa và đèn lồng để kỷ niệm những ngày như thế này vốn không hề tồn tại trong tâm trí của những người dân bình thường như chúng tôi, thì quả thực là không có lý do nào để làm điều đó, thưa ngài. Suy cho cùng, ngày lễ là ngày mà thường dân tổ chức khi họ cảm thấy muốn tổ chức cùng nhau. Thiết nghĩ việc ép buộc chúng tôi phải tôn vinh những ngày mà chúng tôi không cảm thấy muốn tổ chức là điều vô cùng phi lý.
Với giọng điệu bề trên, Khai Sáng trả lời lý do vì sao hành động của chính phủ không hề phi lý chút nào, và Lạc Hậu có vẻ bị thuyết phục. Dù sao thì đó cũng là bố cục của cuốn sách.
Dĩ nhiên, “những người dân bình thường” không dễ dàng bị thuyết phục như vậy. Giống như những gì vẫn thường xảy ra trong các giai đoạn có nhiều biến động xã hội tương tự, tới thời điểm Naka chào đời, quả lắc từng phóng đi lúc này quay trở lại, và người dân Nhật Bản đã khôi phục lại nhiều phong tục và lễ hội từng tồn tại trước phong trào Duy Tân, thậm chí còn khiến chúng trở nên sống động như thể từng bị loại bỏ. Theo như lời nhận xét của giáo sư kiêm dịch giả của các tác phẩm văn chương tiếng Anh Baba Kochö (Katsuya: 1869-1940) khi ông trìu mến hồi tưởng lại Tokyo trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), có lẽ người dân khôi phục lại lề lối cũ là bởi cuộc cách mạng Minh Trị là “một chiến thắng và sự chinh phục của thiểu số tiến bộ trước đám đông không tiến bộ” và đứng ở vị trí tiên phong, thiểu số ấy đã không nghĩ nhiều đến một thực tế rằng phong tục tập quán và các hoạt động hội hè tương tự cần một thời gian lâu dài mới ăn sâu bén rễ vào đời sống nhân dân.
Tổ tiên và gia đình
Dòng họ của Naka Kansuke bắt nguồn từ một thầy thuốc tên là Kansetsu sống vào thế kỷ XVII ở một thái ấp nhỏ gọi là Imao ở Mino (ngày nay là thành phố Gifu) - dù rằng Imao chỉ được chính thức công nhận là một thái ấp độc lập vào năm 1868 khi chế độ Minh Trị bắt đầu. Nhờ tài y thuật đặc biệt, Kansetsu nhận được một khoản thu nhập đáng kể hằng năm, tính bằng thóc, là 150 koku, tương đương gần 800 giạ thúc. Nhưng khoản thu nhập với cách đo lường trên chỉ là danh nghĩa, phần thực nhận ít hơn rất nhiều, và tới đời con cháu ông còn bị cắt giảm hơn nữa. Không những thế, những biến động về xã hội và chính trị trong giai đoạn cuối cùng của chế độ Mạc phủ Tokugawa đã bóp nghẹt đời sống kinh tế của tầng lớp samurai. Tới đời cha của Naka, ông Kan’ya (1842-1906), gia đình lâm vào cảnh khó khăn khi mức thu nhập của ông là 13 koku, chỉ vừa đủ sống đối với một samurai.
Chính phủ mới cũng thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt địa vị của tầng lớp samurai nói chung, và vì thế khó khăn chồng chất khó khăn. Năm 1869, chính phủ ban hành lệnh cắt giảm đáng kể mức thu nhập của samurai. Năm 1872, bốn tầng lớp đang tồn tại trong xã hội thời bấy giờ - được xếp lần lượt theo thứ tự là samurai, nông dân, thợ thủ công, và thương nhân - được phân loại lại thành ba tầng lớp - quý tộc (kazoku), quý tộc nhỏ (shizoku), và thường dân (heimin). Mặc dù Naka Kan’ya thuộc về tầng lớp quý tộc nhỏ, được tạo thành từ tầng lớp samurai trước đây (ngoại trừ những người có mức thu nhập hằng năm từ 10.000 koku trở lên - những người này được gia nhập vào hàng ngũ quý tộc), nhưng theo cách nói của nhà Nhật Bản học thuộc thế hệ đầu tiên Basil Hall Chamberlain (1850-1935), thì lúc này “không còn tồn tại rào cản không thể vượt qua giữa các giai cấp khác nhau nữa.” Điều đó có nghĩa là sự lưu chuyển giữa các tầng lớp đã trở nên dễ dàng hơn so với thời kỳ Edo (1600-1867), dù rằng nhận thức giai cấp vẫn tồn tại mạnh mẽ cho đến khi Nhật Bản thua trận vào năm 1945 và hệ thống giai cấp mới bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 1876, tầng lớp samurai bị tước đặc quyền mang kiếm.
Nhưng Naka Kan’ya có mối quan hệ đặc biệt với người chủ mà ông phục vụ, Takenokoshi Masamoto (1851-1910), địa chủ đầu tiên (và cuối cùng) của tái ấp Imao, và có lẽ điều này đã giúp ích được phần nào. Vợ của Masamoto chính là con gái nuôi của ông. Khi chính thể mới được thành lập, Kan’ya được giao một chức vụ khá cao trong ngành cảnh sát là gon-daizoku, sau đó là daizoku. Năm 1872, ông chuyển tới Tokyo với ông chủ của mình trên cương vị phó quản gia (kafu). Năm tiếp theo, Kan’ya và vị quản gia (karei) thành lập một công ty nhập khẩu mang tên Yöhakusha do Kan’ya làm chủ tịch; công ty này chuyên nhập bạc, kẽm, và nhôm từ Đức để góp phần xây dựng tài chính cho gia tộc Takenokoshi. Có vẻ như tình hình làm ăn của họ rất phát đạt.
Khi Kansuke lên bốn tuổi, vì sức khỏe của cả vợ lẫn con đều không được tốt, nên Kan’ya xây nhà mới ở Yamanote, một khu vực được tầng lớp quý tộc nhỏ ưa chuộng, rồi chuyển cả gia đình tới đó. Nhiều năm về sau, khi Kansuke bán ngôi nhà này và các tài sản khác mà Kan’ya truyền lại, ông đã thu về một số tiền rất lớn. Khác với nhiều thành viên trong tầng lớp cũ của mình, Kan’ya có khả năng ứng phó khá tốt trước những sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong xã hội khi ấy. Dù sao, tới thời điểm Kansuke ra đời, giai đoạn nghèo túng ban đầu đã trở thành một phần trong những câu chuyện kể của gia đình và thời kỳ đó hầu như không có ảnh hưởng gì đến tuổi thơ của ông.
Naka Kan’ya nhớ lại quá khứ
Trong Chiếc thìa bạc, Naka mô tả rằng mỗi khi chiều xuống cha ông thường ngồi ôn lại chuyện cũ bên gia đình và người thợ mộc - dù rằng, như chúng ta sẽ thấy, về sau Naka đã chỉnh sửa nội dung cuốn hồi ký khá nhiều và gạch bỏ những đoạn dưới đây cùng nhiều đoạn khác. Cảnh này diễn ra trong ngôi nhà mới ở Yamanote.
Bác thợ cả Tatsu-san làm việc cho chúng tôi chuyển vào sống trong ngôi nhà nhỏ xây trên khuôn viên nhà chúng tôi. Bác khoảng hơn 30 tuổi, một nam nhân thực thụ của thời Edo đang ở vào giai đoạn phong độ nhất, và là người vô cùng cứng rắn. Bác hay khoe khoang về những chiến tích cũ, chẳng hạn như lần làm việc ở đâu đó, bác một mình đương đầu với ba gã to con và đánh bọn chúng một trận nhừ tử, hay hồi 16 tuổi bác chạy trốn khỏi ông chủ rồi xin ăn dọc đường để đến Ise; hay lần bác đi qua một hẻm núi khi trên tay chỉ có duy nhất một quả dưa chuột để ăn; hay lần bác sửa mái cho ngôi miếu do tổ tiên để lại, vị sư thầy trông nom ngôi miếu đó tham lam quá mức khiến bác bực mình nên đã nhổ hết đinh trên mái, và khi vị sư ngu ngốc leo lên để kiểm tra, ông ta ngã sụp xuống cùng với toàn bộ phần mái nhà và bị xây xẩm mặt mày đến mức một lúc lâu sau mới đứng lên được.
“Lão sư thầy khốn kiếp đó bị sốt và phải nằm liệt giường suốt ba ngày,” Tatsu-san nói. Khi ngồi uống rượu buổi chiều với cha tôi, lần nào bác cũng khoác lên mình hết tầng này tới tầng khác những bộ trang phục của thợ mộc mà bác tích cóp từ nhiều nơi khác nhau như các quý bà mặc bộ trang phục 12 lớp; phần diễn xuất mà bác tự đảm nhiệm là bắt chước giọng của kép hát Kinokuniya, sau đó tự tán thưởng cho mình bằng cách hô to, “Kinokuniya!”
Cha tôi ngồi trước chiếc khay chắc chắn rộng tới 0,2 mét vuông, bên trên bày những chiếc bát đĩa lớn gấp đôi bát đĩa thông thường; những lúc này ông thường gắp một miếng đậu phụ nóng đưa lên miệng và vừa ăn vừa thổi phù phù, rồi rót rượu sake vào chiếc cốc dày ưa thích và uống ực, rồi lại rót và uống. Chúng tôi ngồi xung quanh ông, bắt đầu là mẹ và bác tôi, rồi đến sáu đứa con chúng tôi, bác Tatsu-chan, vú em và mấy người giúp việc. Mỗi lần màn bắt chước giọng đào kép của bác Tatsu-chan kết thúc, cha tôi lại ha hả cười rất sảng khoái.
Vào những dịp như thế này, ông cũng kể cho lũ trẻ chúng tôi nghe chuyện ngày xưa: năm ông 18 tuổi, khi cuộc cải cách Minh Trị sắp diễn ra, ông nội qua đời và tất cả những gì ông được thừa kế là một chiếc tủ đơn và vài đồng xu lẻ, phần còn lại là những món nợ lớn bé; hay chuyện sau khi chế độ thái ấp được thay thế bằng các quận, ông trở nên nghèo túng đến độ sau khi làm hết việc cho nhà chủ, ông lại thức đêm để bán ngói và làm khung diều. Khi hơi rượu đã ngà ngà và tinh thần trở nên hưng phấn, ông sẽ nói về những cuộc diễn tập quân sự kiểu phương Tây hiiyari-dondoko-don [có trống và sáo] mới được đưa vào thực hiện khi ấy, thậm chí ông còn nói cho chúng tôi nghe những từ bằng tiếng Hà Lan mà ông khoe rằng ông dùng để ra lệnh cho người của mình trước mặt ông chủ đang khoác chiếc áo ngoài mà các samurai thường mặc khi ra chiến trường. Ngồi bên cạnh ông, mẹ tôi, người bạn đời đã trung thành ở bên cạnh chồng trong suốt quãng thời gian nghèo khó ngày xưa, gật đầu tán thành ngay tức khắc mọi điều mà ông nói. Bác tôi, vốn cùng từng trải qua những hoàn cảnh gian nan tương tự nhưng kết cục lại thảm hại hơn nhiều, thì vừa lắng nghe vừa thả hồn về quá khứ, còn bác thợ cả ngơ ngác như lạc vào màn sương mù, trầm trồ ngạc nhiên trước mọi điều bác nghe được.
Người anh trai Kin’ichi của Kansuke
Khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp viết của Naka Kansuke, chúng ta không thể bỏ qua người anh trai Kin’ichi của ông. Kansuke là con trai thứ năm của Kan’ya, nhưng ba người anh trai của ông đã mất sớm, chỉ còn lại người anh thứ hai là Kin’ichi (1871-1942). Kansuke còn có hai chị gái và hai em gái.
Kin’ichi học đông y tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Năm 1902, năm ông cưới Nomura Sueko, con gái của Tử tước Nomura Yasushi khi đó 19 tuổi, chính phủ cử ông sang Đức để nghiên cứu thêm về y học và khi trở về vào năm 1905, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Trường Y Fukuoka (vào năm 1911, trường này được nâng cấp lên thành Đại học Hoàng gia Kyüshü).
Nhưng chưa đầy bốn năm sau khi từ Đức trở về và đang ở vào giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp, Kin’ichi gặp một cơn đột quỵ nghiêm trọng và mặc dù vốn là người có tính tình hòa nhã, sau biến cố này ông trở thành một người tàn phế nửa điên khùng, gặp trở ngại về ngôn ngữ, và hung dữ. Trong 30 năm tiếp theo, ông không những phá hủy cuộc đời của vợ mình - người phụ nữ được bạn của Kansuke, nhà triết học kiêm nhà giáo dục nổi tiếng Abe Yoshishige (1883-1966), mô tả là người “mà tôi tôn trọng và yêu mến nhất, người vừa hấp dẫn lại vừa đáng ngưỡng mộ, hơn nữa còn là một người chân thành, xa lạ với thói hiểm ác của lòng người” - mà còn phá hủy cả cuộc đời của người em trai Kansuke. Sau khi Kin’ichi trở thành người tàn phế, theo hệ thống tổ chức gia đình thời bấy giờ tại Nhật Bản, Kansuke bị đẩy vào vị trí người chủ gia đình để đảm nhiệm cái mà ông gọi là “gánh nặng gia đình”.
Kansuke rất quý trọng người chị dâu Sueko - ông chỉ gọi bà là một cách đơn giản là “chị tôi” (ane) - vì bà đã cùng san sẻ hoàn cảnh khó khăn này, và ông đã viết nhiều mẩu truyện ngắn đầy cảm động về bà bằng lối hành văn như viết nhật ký, trong số đó có các tác phẩm Phá băng (Köri o waru) viết về giai đoạn sau khi bà phải nằm liệt giường vì một cơn đột quỵ (xuất huyết dưới nhện) vào năm 1940, và Ong mật (Mitsubachi) viết về giai đoạn sau khi bà qua đời vào năm 1942. Ông gọi bà là “ong mật” vì bà luôn chăm sóc chu đáo cho chồng và chu toàn việc nhà mặc dù Kin’ichi “bệnh tật, tàn nhẫn và hằn học,” và “40 năm trống trải cô độc cùng những khó khăn trong suốt 40 năm ấy”.
Natsume Söseki và Chiếc thìa bạc
Naka vào học tại trường Cao trung Nhất, sau đó vào Đại học Hoàng gia Tokyo. Giáo viên dạy môn tiếng Anh cho ông ở cả hai nơi là Natsume Söseki (1867-1916). Söseki nghỉ dạy ở trường đại học từ đầu năm 1907 để chuyển sang làm việc cho tờ nhật báo Asahi Shinbun trên cương vị “cộng sự” và viết bài toàn thời gian - với thỏa thuận đi kèm là mỗi năm ông sẽ viết ít nhất một cuốn tiểu thuyết cho tờ báo này. Vài tháng sau đó, Naka đổi chuyên ngành học từ văn học Anh sang văn học Nhật Bản. Ông tốt nghiệp vào năm 1909.
Trong thời gian Söseki còn giảng dạy, một số học trò thường xuyên đến nhà thăm ông, và những người này về sau trở thành những nhà văn, học giả, và nhà giáo dục nổi danh; họ được gọi là các “đệ tử” của Söseki. Naka cũng hay đến nhà thăm thầy, và sau này cũng nổi tiếng, nhưng với tính tình dè dặt, lạnh lùng, và khó gần, chàng sinh viên trẻ không hòa nhập vào nhóm học trò kia, dù rằng Söseki đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Naka đến với công chúng lần đầu tiên. Theo những lời tâm sự trong Thầy Natsume và tôi, bài viết mà Naka viết cho số ra tháng Mười một năm 1917 của tờ Mita Bungaku, trong số ba truyện dài trong tuyển tập Lồng chim cút của Söseki xuất bản năm 1907, ông thích tác phẩm Gối cỏ nhất, nhưng lại không thích Tôi là mèo, tác phẩm đầu tay của Söseki và cũng là tác phẩm đã mang về cho ông sự nổi tiếng và nhiều lời khen ngợi. Naka còn viết rằng ông thấy bản thân nhan đề tác phẩm trên thật “ghê tởm”. Ông nói thẳng trong bài viết trên, và có lẽ cũng từng nói trực tiếp, rằng ông không phải là một độc giả nhiệt thành, càng không phải là một độc giả ngưỡng mộ các tác phẩm của người thầy cũ của mình.
Tuy vậy, người mà Naka gửi cuốn hồi ký Chiếc thìa bạc để xin ý kiến vẫn là Söseki. Và Söseki, một con người vô cùng bao dung dù rằng thi thoảng ông lại lâm vào một đợt suy nhược thần kinh nghiêm trọng, đã rất ấn tượng với cuốn sách này nên đã tích cực tác động để nó được đăng tải trên tờ Asahi Shinbun. Ông viết cho một biên tập viên của tờ nhật báo như sau:
... Hôm nọ tôi được nhờ đọc hai bản thảo. Cả hai đều thú vị và tờ Asahi chắc chắn sẽ không bị mất mặt nếu đăng tải chúng với mục đích giới thiệu các tác giả chưa được công chúng biết đến. Trong hai bản thảo này có một bản là tác phẩm của một cử nhân tên là Naka Kansuke; đây là những hồi ức về giai đoạn cậu ta lớn lên cho đến năm 8 hoặc 9 tuổi, và tôi tin rằng nó là bản thảo xứng đáng hơn để Asahi đăng tải, bởi vì lời văn mới mẻ và trang trọng, và cách viết cũng rất chân thực. Chỉ có điều, khác với những cuốn tiểu thuyết được viết sao cho có thể minh họa được, bản thảo này lại không có nhiều kịch tính (henka) hay diễn biến phát triển cốt truyện (shinten)...
Tờ Asahi chấp nhận sự tiến cử của Söseki và tiến hành đăng tải dài kỳ nội dung cuốn hồi ký Chiếc chìa bạc, từ ngày 8 tháng Tư đến ngày 4 tháng Sáu năm 1913. Thực ra, Söseki không chỉ giới thiệu cuốn sách này. Ông còn đưa ra cho chàng thanh niên Naka rất nhiều lời khuyên hữu ích về cách viết: những lỗi đánh vần, việc Naka thường xuyên bỏ qua các đoạn văn, viết câu dài bằng hệ kana (hệ thống ký hiệu âm tiết) mà không sử dụng hệ kanji, “ký tự chữ Hán”, một cách hợp lý. Trong hệ thống chữ viết của Nhật Bản, hệ kanji đóng vai trò là những chỉ tố cú pháp riêng biệt.
Năm tiếp theo, khi Naka viết phần hai cho cuốn sách, một lần nữa, Söseki cũng “rất thích nó” như lời ông viết cho Naka, dù rằng ông cũng lưu ý là nó “không có sự kiện nên những độc giả bình thường có thể sẽ khó theo dõi.” Lần này, tờ Asahi cũng nghe theo lời tiến cử của Söseki và đăng tải dài kỳ cuốn sách mới, từ ngày 17 tháng Tư đến ngày 2 tháng Sáu năm 1915, với nhan đề Kẻ chống đối (Tsumujimagari). Cuốn này về sau trở thành Phần II của Chiếc thìa bạc.
Khi việc đăng tải phần thứ hai hoàn tất, Söseki thậm chí còn ngỏ ý muốn viết lời giới thiệu cho cuốn hồi ký này và đưa nó xuất bản thành sách. Nhưng Naka nói rằng nó quá ngắn, không đủ để làm sách, và khi Söseki đề nghị bản thân ông sẽ viết bổ sung thêm một phần nữa để sách trông dày hơn thì Naka cho biết ông không thích phần mà Söseki đặt tên. Vì thế chuyện này không đi đến đâu cả.
Xuất bản thành sách và danh tiếng được nâng cao
Năm 1922, bạn cùng lớp của Naka là Iwanami Shigeo (1881-1946) cho xuất bản cuốn hồi ký này thông qua nhà xuất bản Iwanami Shoten do ông thành lập như một phần minh họa cho các phần được đăng tải dài kỳ trên báo, nhưng có cắt bỏ một số chỗ. Bốn năm sau, nhà xuất bản này phát hành cuốn hồi ký như một cuốn sách thông thường. Cho lần tái bản này, Naka đã chỉnh sửa và cắt bỏ khá nhiều để tạo nên câu chuyện với hình thức hiện tại, trong đó ông không chỉ bỏ đi những đoạn lặp mà còn bỏ cả những chi tiết tạo hình ảnh tốt đẹp quá mức cho ông. Kết quả là, số chương ở Phần I giảm từ 57 xuống còn 53, và ở Phần II giảm từ 47 xuống còn 23 - ở Phần II, hình thức dài kỳ ban đầu hầu như đã bị cắt bỏ.
Số lượng độc giả của cuốn sách bắt đầu có sự gia tăng rõ rệt từ sau năm 1935, khi Iwanami đưa Chiếc thìa bạc vào series sách bìa mềm của mình và kèm thêm phần lời bạt của Watsuji như đã trích dẫn ở trên. Lịch sử in nối bản của cuốn sách kể từ thời điểm này trở đi chính là bằng chứng sinh động cho thấy sức hấp dẫn ổn định của nó.
Tháng Mười năm 1943, khi Nhật Bản đang giao chiến với Mỹ và các nước khác (và nhanh chóng thảm bại), Naka viết một bài thơ có nhan đề “Tem” (Ken’in) và úp mở nói rằng “sẽ có điều bất ngờ ở lần in nối bản thứ 12,” khiến doanh số bán cuốn sách tăng vọt lên đến 15.000 bản. Lúc này, ngành xuất bản đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ và tình trạng khan hiếm giấy ngày càng gia tăng.
Hơn nửa thế kỷ sau, vào năm 1999, khi Chiếc thìa bạc đạt tới lần in nối bản thứ 108, Iwanami Shoten giới thiệu một ấn bản mới, và ấn bản này cũng bán chạy. Tới cuối năm 2008, ấn bản mới được in nối bản 11 lần, và tính gộp lại cuốn sách đã bán được tổng cộng 1 triệu bản kể từ khi ấn bản đầu tiên ra mắt vào năm 1935.
Chiếc thìa bạc đã được xuất bản theo nhiều hình thức và ấn bản khác nhau, trong đó có hai bộ là “tác phẩm hoàn chỉnh” của Naka: bộ thứ nhất gồm 13 tập do Kadokawa Shoten xuất bản từ năm 1960 đến năm 1965, và bộ thứ hai gồm 17 tập do Iwanami Shoten xuất bản từ năm 1989 đến năm 1991. Ngoài Iwanami, nhiều nhà xuất bản khác cũng tham gia xuất bản cuốn hồi ký này bằng các ấn bản bìa mềm.
Nếu như Chiếc thìa bạc không đặc biệt hút khách trong khoảng hai thập niên đầu tiên, thì lý do chính ở đây rất có thể là như Natsume Söseki đã chỉ ra: thiếu kịch tính và diễn biến phát triển cốt truyện, và thiếu các sự kiện. Để làm ví dụ minh họa ngược lại, Söseki có thể nhắc đến một trong những tác phẩm ban đầu của ông, Botchan, được chào đón ngay từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1907. Tác phẩm này chỉ nói về tuổi thơ của nhân vật chính, cũng là người kể chuyện, ở phần đầu, và toàn bộ nội dung của nó toát lên sự châm biếm và hài hước. Tuy vậy, cách hành văn lại súc tích và đầy khí lực, nội dung truyện có rất nhiều kịch tính, tiết tấu nhanh, và không thiếu những sự kiện lý thú.
Vậy thì đâu là sức hấp dẫn của Chiếc thìa bạc?
Một lần nữa, nhận định của Söseki dường như lại đúng. Naka kể lại rằng trong một lần trao đổi, người thầy giảng dạy môn văn học Anh của ông đã nhắc đến Tom Brown’s School Days (tạm dịch: Những ngày đi học của Tom Brown), cuốn tiểu thuyết của Thomas Hughes xuất bản năm 1857, và Peck’s Bad Boy (tạm dịch: Gã trai xấu của Peck), series đăng báo của George W. Peck được tập hợp lần đầu vào năm 1883, để chỉ ra rằng “những lĩnh vực mà họ viết là khác nhau.” Ông cũng nhắc đến Shönen (tạm dịch: Những đứa trẻ), một câu chuyện ngắn của nhà văn Tanizaki Jun’ichirö (1886-1965) cùng thời với Naka, để chỉ ra rằng “nó có sự khác biệt một chút về nhân vật” - thực ra, đây là lời nhận xét có phần nhẹ nhàng, bởi vì tác phẩm Shönen nói về thiên hướng khổ dâm và ác dâm trong thời kỳ dậy thì. Nagai Kafü (1879-1959), biên tập viên của Mita Bungaku, đã không tiếc lời ca ngợi câu chuyện này cùng với bốn truyện ngắn khác, trong số đó có tác phẩm Shisei (tựa Việt: Xâm mình), và điều này đã khiến nhà văn trẻ Tanizaki trở thành tâm điểm chú ý.
Trong các đoạn dưới đây theo lời kể của Naka, người thầy được nhắc đến là Söseki.
... Tôi nghe một người bạn kể rằng Thầy đang một mình đứng ra bảo vệ cuốn Chiếc thìa bạc trước sự chỉ trích của mọi người. Và tôi chợt nghĩ rằng có lẽ Thầy thích cuốn sách đó hơn là tôi.
Tôi không nhớ vào dịp nào, nhưng khi bình luận về cuốn Chiếc thìa bạc, Thầy nói, “Đó không phải là cuốn sách mà có thể được mô tả với tính từ ủy mị.”
Khi nghe thấy lời này, tôi chợt nghĩ hẳn là đã có người dùng từ đó [“ủy mị”] để phê bình cuốn sách.
... Đó là cuốn sách hay, Thầy nói. Một mô tả chi tiết. Thầy cũng bảo, ở nó có sự độc đáo. Khi nghe đến từ “độc đáo,” tôi nghĩ thầm, từ ngày học đại học tới giờ tôi chưa từng nghe lại từ đó. Thầy nói, thầy không hiểu vì sao một tác phẩm được đẽo gọt tỉ mỉ đến vậy mà không hề phá hỏng sự thật. Tôi nghĩ bụng, không có gì khó hiểu cả bởi vì việc đẽo gọt phục vụ cho sự thật sẽ không phá hỏng sự thật. Khi nói về người nào đó cho rằng Chiếc thìa bạc không có chút thú vị nào, Thầy thường nói rằng kẻ đó chỉ thấy thú vị với những cảnh như hai người tình tứ cùng cắn chung một quả đào. Thầy còn bảo nên để cho kẻ đó đọc những tác phẩm như thế này, như thể Thầy cho rằng thật bất hợp lý khi lại có người thấy cuốn sách nhàm chán trong khi những người khác lại thấy nó thú vị...
Chúng ta có thể tin rằng Söseki quả thực đã nói những lời này theo đúng những gì mà Naka kể lại, bởi như những trích đoạn trên đã chỉ ra, Naka là người thích đi ngược lại số đông, ông sẵn sàng thẳng thừng phủ nhận bất kỳ ai lên tiếng khen ngợi cuốn sách. Söseki gọi ông là henjin, nghĩa là kẻ lập dị, và Naka thừa nhận điều này.
Chiếc thìa bạc còn mang một nét thuần khiết đượm màu “hoài niệm”. Đối với những độc giả sống cùng thời với Naka, đặc điểm này có thể là tầm thường và nhàm chán, nhưng trong mắt của độc giả thuộc các thế hệ về sau, đây có thể là khía cạnh đáng thưởng thức nhất, như kết quả cuộc khảo sát do Iwanami thực hiện năm 1987 đã chỉ ra. Đây là cuộc khảo sát nhằm kỷ niệm 60 năm ra mắt series sách bìa mềm của nhà xuất bản, trong đó họ yêu cầu “các độc giả đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau” kể tên ba cuốn sách trong series lưu lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng họ, và Chiếc thìa bạc xếp hạng đầu. (Cuốn sách bán chạy nhất là Socrates tự biện, Crito và Phaedo của Plato.) Trong số 300 người tham gia khảo sát, nhiều người cho biết rằng cuốn hồi ký của Naka đã mô tả thế giới của đứa trẻ thật nhạy cảm, thật đẹp đẽ, đến mức nó “thanh lọc được tâm trí của họ”. Nhưng ý kiến phổ biến nhất là cuốn sách đã làm sống lại những ký ức tuổi thơ của chính bản thân họ.
Xét ở khía cạnh này, cuốn Yöshö jidai (tạm dịch: Thời thơ ấu) của Tanizaki Jun’ichirö mang đến một sự tương phản giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Chiếc thìa bạc. Cả hai cuốn sách đều viết về cùng một giai đoạn lịch sử và cùng một giai đoạn trong cuộc đời của tác giả, từ nửa cuối thập niên 1880 đến đầu thập niên 1900, từ thuở mới lọt lòng cho đến tuổi thơ. Nhưng sự tương tự giữa hai tác phẩm chỉ dừng lại ở đó.
Naka mô tả cuộc sống diễn ra chủ yếu ở Yamanote, nơi cư dân phần lớn thuộc về tầng lớp quý tộc nhỏ; còn Tanizaki mô tả cuộc sống ở Shitamachi với cư dân đa phần là dân thường. Naka viết hồi ký vào cuối độ tuổi 20 và đầu 30, và những gì ông viết rõ ràng là dựa vào ký ức; Tanizaki viết hồi ký khi đã 70 tuổi và không chỉ dựa vào ký ức của bản thân mà còn tham khảo thêm lời kể của họ hàng, người quen, và bạn bè cũ, ngoài ra ông còn sử dụng đến các ghi chép, những bài bình luận về lịch sử, thậm chí cả những tác phẩm kinh điển. Vì hồi tưởng lại quá khứ nên tầm nhìn của Naka chỉ giới hạn ở môi trường gần xung quanh và những người có tiếp xúc với ông khi ông còn nhỏ cùng những cảm giác và cảm xúc mà những cảnh và người ấy gợi lên; trong khi đó, Tanizaki mở rộng phạm vi sang bối cảnh và thời đại chung để xây dựng lại thời thơ ấu của mình trong giai đoạn 10 năm.
Nhưng điểm khác biệt đáng lưu ý nhất có lẽ là điều mà trong phần lời bạt dành cho ấn bản Chiếc thìa bạc xuất bản năm 1935 Watsuji Tetsurö đã chỉ ra là “chưa từng có tiền lệ”: rằng đây “không phải là thế giới của một đứa trẻ trong mắt người lớn, cũng không phải là những ký ức tuổi thơ được hồi tưởng trong trải nghiệm của người lớn”. Thay vào đó, đó là những ghi chép đơn giản, chính xác về cuộc sống mà một đứa trẻ quan sát và hiểu được. Ngược lại, Thời thơ ấu là một trong hai hoặc thậm chí là cả hai điều trên mà Watsuji phủ nhận ở cuốn hồi ký của Naka. Thi thoảng Tanizaki gác lại những cảm nhận và ý nghĩ của một đứa trẻ để mang đến một cái nhìn hồi tưởng - chẳng hạn khi ông viết “bây giờ khi tôi nghĩ lại chuyện hôm đó” - nhằm nhấn mạnh điều mà ông nghĩ rằng khi ấy mình đã cảm thấy, hay cách mà ông đã phản ứng với sự việc và con người. Trên thực tế, cuốn sách của ông là một câu chuyện đa chiều mang hơi hướm của hành trình đi tìm thời gian đã mất.
Chiếc thìa bạc trong sự nghiệp sáng tác của Naka
Như đã đề cập, Naka để lại cho chúng ta một kho tàng phong phú các tác phẩm văn chương, trong đó bao gồm những câu chuyện ngụ ngôn được tập hợp trong Những câu chuyện của các loài chim và nhiều tác phẩm hư cấu khác. Một số tác phẩm của ông mang tính hiện thực cao độ. Đặc biệt, cuốn Inu (tạm dịch: Chó) mà ông viết năm 1922 có phần hiện thực quá mức trong những phần mô tả về sự giao hoan giữa những con chó, đến nỗi nhà xuất bản cuốn sách này, Iwanami Shigeo, bị triệu tập tới Sở Cảnh sát Thành phố và buộc phải kiểm duyệt cắt bỏ một số phần. Về sau, cuốn sách cũng bị cấm phát hành hoàn toàn. Câu chuyện kể về một lão tu khổ hạnh người Ấn Độ, vì không vượt qua được dục vọng đối với một phụ nữ trẻ đẹp nên đã biến cả bản thân và cô gái thành chó để có thể thỏa thích quan hệ tình dục với cô.
Naka viết câu chuyện này và một câu chuyện tương tự, Devadatta (tạm dịch: Đề Bà Đạt Đa), khi ông đang cân nhắc đến việc “tự tử hoặc đi tu”, và bản thân ông cũng đang thực hành lối sống khắc kỷ. Có giai đoạn ông ăn đồ ăn kém dinh dưỡng tới nỗi mắc chứng beriberi[3] nghiêm trọng. Vào thời điểm này, ông tự nhủ rằng: “Nếu việc yêu ai đó chỉ để nhắm đến mục đích quan hệ tình dục hoặc đưa tình dục trở thành điều kiện tiên quyết, thì mình không có tình yêu cũng không muốn yêu. Mình là người kiên quyết muốn kiểm soát mọi dục vọng, thanh lọc chúng, tận dụng chúng một cách toàn vẹn thông qua trí tuệ, và biến chúng trở thành nguyên liệu phục vụ cho sự phát triển về mặt đạo đức.”
Ngoại trừ truyện ngụ ngôn và các tác phẩm hư cấu như trên, các tác phẩm còn lại của Naka chủ yếu bao gồm những sáng tác mà ông gọi là shöhin, “đoản văn”, và một thể loại khác có tên là nikki-tai zuihitsu, “những tác phẩm được viết theo lối nhật ký”. Cả hai nhóm đều là những ghi chép về những chuyện diễn ra hằng ngày và những quan sát của tác giả, sau đó được trình bày thành các bài viết. Watanabe Gekisaburö, học giả nghiên cứu về Naka, đã so sánh chúng với một phạm trù rộng lớn hơn gọi là “biên niên sử cuộc đời” bắt đầu với Chiếc thìa bạc.
Tuy nhiên, những thiên đoản văn tưởng chừng như vô thưởng vô phạt này không phải không mang theo những rắc rối. Chẳng hạn, nữ tiểu thuyết gia Nogami Yaeko (1885-1985) từng ghi vào nhật ký riêng ngay từ năm 1935 rằng cách tiếp cận của Naka buộc ông phải liên tục “lý tưởng hóa” bản thân, biến bản thân thành “một dạng đạo đức giả”. Năm 1951, bà cho biết bà cảm thấy “bực mình” vì Naka “tự đóng kín mình trong một tấm vỏ tự phụ và luôn tự cho là mình đúng... mỗi khi tự nói về mình, ông không lúc nào quên tự đeo huy hiệu người tốt cho mình”. Năm 1954, bà cảm thấy “lo lắng” khi ông sẵn sàng lợi dụng những “người ngưỡng mộ” mình. Thực ra, không phải tác giả nào cũng nghĩ đến chuyện biến những lá thư mà người hâm mộ gửi đến thành một câu chuyện như cách làm của Naka với tác phẩm Yose (tạm dịch: Phần đời còn lại) được xuất bản năm 1947. Câu truyện này chủ yếu được tạo thành từ những lá thư do độc giả gửi tới ông sau khi đọc tác phẩm Ong mật, trong đó có những lá thư được gửi từ tiền tuyến trong thời kỳ chiến tranh.
Học giả nghiên cứu văn học Pháp Ikushima Ryöichi cũng cảm nhận được “tính tự phụ” của Naka đằng sau lớp vỏ ngoài nhẹ nhàng của tính cách cũng như cách viết của ông; Ikushima cho biết ông hình dung rằng Naka “trong thâm tâm luôn phải vật lộn đương đầu với tính tự phụ này”.
Tuy nhiên, những ý kiến phê bình của Nogami có điểm nổi bật một phần bởi bà từng có lần thổ lộ tình yêu với Naka và rõ ràng bà vẫn giữ tình cảm quý mến với ông, kể cả sau khi đã kết hôn với người bạn cùng lớp với ông là Toyoichirö, người sau này trở thành một nhà giáo dục danh tiếng. Mặc dù ngày nhỏ ốm yếu, nhưng Naka lớn lên trở thành một chàng trai cao to, ưa nhìn. Kobori Annu (1909-1998), con gái của nhà văn nổi tiếng thời Minh Trị, Mori Ögai (1862-1922), và bản thân bà cũng là nhà văn, nhớ về ông với “những đường nét Bắc Âu đẹp như tạc tượng và vóc người đường bệ, to lớn, khác hẳn với phần đông người Nhật Bản”. Ông không thiếu bạn bè thuộc phái nữ, bất chấp quyết tâm kiểm soát khao khát nhục dục của mình. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì cuộc sống độc thân cho đến năm 1942, khi ông bước sang tuổi 57 và cưới người vợ Shimada Kazu khi đó đã ở vào tuổi 42.
Phong cách của cuốn Chiếc thìa bạc và bản chuyển ngữ
Có lẽ để tái hiện lại quá trình tư duy của một đứa trẻ, giữa những câu trần thuật ngắn Naka thường đặt xen vào những câu dài có cấu trúc phức tạp nhằm phát huy tối đa khả năng chấp nhận của ngôn ngữ Nhật Bản đối với những câu dài được kết nối lỏng lẻo với nhau bằng liên từ. Ông sử dụng cả câu trực tiếp và gián tiếp, đôi khi có kèm ngoặc kép, đôi khi không. Dấu phẩy được sử dụng khá ngẫu nhiên. Mặc dù những đặc điểm này không phải là điều làm nên sự khác biệt ở Naka, nhưng tôi vẫn cố gắng mô phỏng lại chúng bất cứ khi nào có thể; thực ra, trong lúc chuyển ngữ tôi luôn cố gắng trung thành với văn bản gốc. Vì vậy, bản dịch này sẽ có một đôi chỗ không được thuận tai lắm, dù rằng khi nói điều này tôi không khỏi nhớ đến lời nhận xét đầy châm biếm của Vladimir Nabokov rằng: “Trong những bài phê bình về các tác phẩm dịch theo lối tôn trọng nguyên tác, tôi thường nổi cơn tam bành trước những nhận xét như: ‘Bản dịch của ông A (hay bà B) đọc nghe rất mượt mà’.”
Ngoài văn phong của Naka, Chiếc thìa bạc còn có vài đặc điểm nữa khiến việc theo dõi tác phẩm không được nhất quán - không chỉ đối với độc giả nước ngoài mà đối với cả các độc giả Nhật Bản ngày nay. Naka nhớ các chi tiết rất chính xác. Ông gọi tên mọi thứ - cây cối, côn trùng, các lễ hội và tất cả mọi thứ liên quan đến chúng - một cách cụ thể và sinh động. Ông còn tham chiếu rất nhiều từ các tư liệu lịch sử và văn chương. Vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao vài năm trước nhà xuất bản Iwanami quyết định bổ sung vài chục chú thích chân trang cho ấn bản bìa mềm của cuốn hồi ký này. Trong quá trình chuyển ngữ, tôi cũng mở rộng các mục cần chú thích vì có một số chi tiết tuy có thể vẫn là kiến thức phổ thông đối với độc giả Nhật Bản nhưng lại xa lạ với độc giả ngoại văn.
Điều cuối cùng: Cuốn hồi ký của Naka đáng tin cậy đến mức độ nào?
Trong bài thơ Tem mà tôi nhắc đến ở trên, Naka nói rằng Chiếc thìa bạc là sự tập hợp “những ký ức cũ về những điều có thật và không thật”. Nhận định này có thể đúng, bởi vì trong hầu hết các trường hợp, những điều mà người ta nhớ được từ quá khứ thường mơ hồ, trong khi những điều nhớ được cùng lắm chỉ là những mảnh chắp vá giữa thực tế và phi thực tế. Nhận định của Nabokov về cuốn tự truyện Speak, Memory (tạm dịch: Nói, ký ức) của chính ông có lẽ cũng áp dụng được cho Chiếc thìa bạc: “Hành động nhớ lại một cách sinh động những mảnh quá khứ là điều mà tôi vẫn làm rất hăng say trong suốt cuộc đời mình,” trong khi ông định nghĩa quá trình nhớ lại này là “một loại ảo thuật... một trò chơi phức tạp của sự mê hoặc và lừa dối”.
Chúng ta cũng có thể nói rằng Naka Kansuke đã thực hiện thành công màn ảo thuật của mình trong Chiếc thìa bạc.
Chú thích:
[1]Bao gồm lễ mừng năm mới, lễ hội dành cho các bé gái (tháng Ba), lễ hội dành cho các bé trai (tháng Năm), lễ hội sao (tháng Bảy), và tết Trùng Cửu (tháng Chín). Tất cả các ngày lễ này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đã được cải biên nhiều trong quá trình tiếp nhận. (Chú thích của tác giả)
[2]Sinh nhật Thiên hoàng, được tổ chức vào ngày 23 tháng 2 hàng năm.
[3]Beriberi: Chứng bệnh tê phù do sự thiếu hụt vitamin B1 gây ra.
Lời giới thiệu
Tiến >>
Nguồn: NXB Thanh Niên - sachxanhxanh.com
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 17 tháng 2 năm 2025