Kì lạ thật! Cái làng Hạ nằm ở ngoại vi thành phố, cả tháng trời điện đóm phập phù, vậy mà chỉ bằng "vô tuyến truyền miệng", loáng cái, từ già đến trẻ ai cũng biết anh Phú, con ông Tài Ban, vừa xuất ngũ đã dắt theo về một cô vợ trẻ măng.
Có người nói như đinh đóng cột:
- Anh chị dắt nhau về đã một tuần nay rồi. Thuê phòng khách sạn ở với nhau hẳn hoi. Bố cô ta làm việc ở Bộ. Chức vụ trưởng vụ phó chứ không phải xoàng nhé. Chuyến này anh Phú lại chuyển ngành làm xế. Có khi lái xe con ngay cho ông bố vợ. Sướng thế. Nhà ông Tài ăn về hậu vận. Anh cả Phát lái xe tải, hái ra tiền. Cô Lộc phục vụ trên tàu Thống Nhất, vốn riêng cũng tới chục "cây". Bây giờ lại đến anh Phú cũng giữ chân xế nữa. Của để đâu cho hết.
Cứ thế, từ đầu đến cuối làng Hạ, người ta rì rầm truyền nhau cái tin sốt dẻo ấy, như là một sự kiện trọng đại đáng ghi vào biên niên sử của làng.
Thực chất của sự việc ra sao? Hầu như cả làng Hạ không mấy người muốn truy tìm đến kiệt cùng sự thật. Đặc điểm này thật khác hẳn cái làng Hạ nông thôn truyền thống trước đây. Bởi lẽ hơn chục năm trở lại đây, cái chất của làng Hạ khác đi lắm rồi. Gần thành phố nên người ta cũng nhiễm dần lối sống phố xá, nghĩa là nhà nào biết việc nhà nấy, hơi sức đâu mà đi nhòm ngó chuyện người khác.
Ấy nhưng riêng những cô gái vốn có tình ý với Phú, hoặc ít ra vẫn thầm nuôi một hi vọng nào đó với Phú, thì những tiếng đồn kia vẫn khơi gợi ở họ một sự tò mò, thúc giục họ phải bằng mọi cách tiếp cận với "đối phương" để xem cái anh chàng Phú kia dại dột đến mức nào?
Thế là bỗng nhiên có vài ba cô gái làng, bằng cách của riêng họ, đã "mục kích" tận nơi, không những xem mặt mà còn bắt hình dong, hiểu đến chân tơ kẽ tóc cái sự việc anh chàng Phú dắt vợ về làng.
- Tưởng thế nào. Hoá ra cô nàng cũng đến tuổi băm rồi. Mặt đầy những ngoặc đơn ngoặc kép, má xém như hai tảng cháy...
- Dào ôi, dân đồng rừng từ đầu đến chân, chứ con ông vụ trưởng vụ phó nào, ông Phú già kén kẹn hom. Loại ấy cứ xách dép cho con gái làng Hạ không đáng.
Cái tin thứ thiệt của các cô gái làm bổ chửng khối người làng Hạ. À ra thế. Anh Phú đi bộ đội đóng ở trên rừng, chót tằng tịu với con gái nông trường, đành phải kéo cái "rơ moóc" ấy về đại tu. Thế mới biết anh nào bịa ra cái câu chuyện anh Phú chuyển ngành lái xe, hóm thật.
Câu chuyện về Phú cứ râm ran khắp làng.
Riêng Phú, anh không hay biết những lời đồn đại ấy. Vả lại, Phú cũng không thuộc cái hạng người dễ dàng để cho dư luận lung lạc. Trước khi quyết định đưa Xoan về làng, anh đã lường trước những dị nghị, bình phẩm của làng xóm, đoán được thái độ của từng người thân trong gia đình. Phú hoàn toàn tự tin về những quyết định của mình. Anh còn dự định sẵn cả phương án xấu nhất: Nếu như tất cả mọi người trong gia đình đều phản đối thì anh cũng sẽ kiên quyết bảo vệ Xoan đến cùng.
Nói phòng xa vậy thôi, chứ mọi chuyện đều diễn biến thật tốt đẹp. Buổi chiều Phú và Xoan về đến nhà, ông Tài mừng lắm. Thấy con có bạn gái, ông tỏ ra săn đón, ân cần. Là người đi nhiều, biết rộng, ông Tài có thừa sự lịch lãm, từng trải và khả năng phân tích tâm lí để tạo ra một không khí cởi mở vừa phải, một lối ứng xử tế nhị khiến ngay từ phút đầu cả Phú và Xoan đều cảm thấy hết sức thoải mái, tự nhiên.
Người hồi hộp và lo lắng nhất trong chuyến đi này là Xoan. Gần ba mươi tuổi, lần đầu tiên trong đời Xoan sống những phút giây kì lạ - cái phút giây của người con gái đến nhà người mình yêu để trình diện, để được hoặc không được tiếp nhận như một thành viên chính thức của gia đình. Thật may mắn cho Xoan, cách ứng xử và đặc biệt là tấm lòng nhân hậu của một người cha toát ra từ toàn bộ con người ông Tài - người bố chồng tương lai - đã xua đi trong cô bao nỗi lo lắng, mặc cảm, tạo cho cô lòng tin và những dự cảm về hạnh phúc.
- Thế mà suốt tuần nay em cứ lo vơ vẩn. Em sợ nhất là bố với cô Lộc. Giả sử như lúc em về mà bố không thèm nhìn mặt, không thèm hỏi chuyện, thì có lẽ em phải xách túi ngược tàu về ngay đêm nay mất - Xoan nói với Phú khi hai người cùng vặt lông gà dưới gốc hồng xiêm.
- Bố dễ tính lắm. Với lại có cô con dâu như em là cụ hết ý rồi.
- Anh chỉ tán là giỏi - Xoan ngoẹo đầu cười, nhìn Phú đắm đuối - Nhưng còn cô Lộc với anh Phát. Em sợ anh Phát lắm.
- Cái Lộc nó phải sợ em bằng phép. Hỗn với chị dâu là anh cho cái bạt tai.
- Ứ ừ. Anh không được nói thế. Cô Lộc mà nghe thấy thì phiền lắm.
- Lộc nó đi tàu Thống Nhất hai ngày nữa mới về. Nói thế thôi chứ nó với anh hợp nhau lắm. Hai chị em gặp nhau, thế nào nó cũng kể cho em nghe những kỉ niệm về anh. Có một câu chuyện vui lắm nhé, ấy là cái hồi anh còn học lớp một. Suốt ngày nó cứ nhằng nhẵng đòi bế. Một lần anh chơi khăng với thằng bạn, cõng nó trên lưng. Ham chơi quá, nó tè lên lưng anh lúc nào không biết. Đến lúc phát hiện ra, anh cáu quá, quăng nó xuống rãnh nước, suýt nữa là cô nàng nghẹt thở vì sặc bùn. Thế mà nó vẫn chẳng giận anh gì cả. Tắm rửa xong rồi lại nằng nặc đòi cõng...
Xoan cười đến chảy nước mắt. Thấy Xoan vui, Phú càng huy động cái kho tàng chuyện tiếu lâm gia đình của mình để động viên cô, giúp cô làm quen và hoà nhập với cái môi trường mà với cô sẽ trở nên hết sức thân thuộc.
- Này, nhưng sao em vẫn cảm thấy mình xuất hiện đường đột quá - Có lúc Xoan bỗng thần người, đôi mắt thoáng gợn chút lo âu.
- Em đừng có nghĩ vớ vẩn - Phú nói át đi. Dường như anh không chỉ nói với Xoan mà với cả chính mình. Đúng là anh và Xoan đang làm một công việc khá đột ngột đối với gia đình. Giá như trước chuyến đưa Xoan về trình diện này, anh có cách nào đó báo trước với gia đình, chuẩn bị trước dư luận. Đằng này anh lại làm một việc có vẻ như rất tuỳ hứng. Anh dám đem tình yêu và danh dự của mình đánh cược với gia đình. Thậm chí anh không nghĩ đến khả năng mọi người sẽ khước từ Xoan. Cho nên, người mà Phú phải tìm mọi cách để tuyết phục lại là Xoan chứ không phải ông Tài hay anh Phát, cô Lộc.
Mọi chuyện khởi đầu tưởng đang rất êm xuôi thì đột ngột ông Tài gọi:
- Phú, bố hỏi anh cái này.
Đang đun nấu với Xoan dưới bếp, Phú vội lên nhà. Ông Tài ý tứ khép bớt cánh cửa lại.
- Bố muốn hỏi anh, cô ấy với anh là thế nào? Bạn bè tầm phơ hay là anh có ý định thật?
Câu hỏi của ông Tài làm Phú có vẻ hơi phật ý. Hình như ông cố dùng một từ khá nặng nề để khích anh. Hình như ngồi trên nhà nhưng ông vẫn không bỏ qua những cử chỉ và câu chuyện có phần thân mật quá mức bình thường của con trai. Nhìn đôi mắt nghiêm khắc của bố, Phú thoáng chột dạ. Và anh chợt hiểu ra là từ lúc về, chính anh cũng chưa giới thiệu với bố về Xoan.
- Con tưởng bố biết rồi... Con sẽ cưới cô ấy...
Ông Tài chau mày, lặng đi một lúc. Chẳng phải bỗng nhiên ông muốn tỏ ra cái quyền uy của người bố, mà ông muốn nhắc nhở Phú về cái tôn ti trật tự gia đình.
- Con bé cũng được.. Nhưng mà sao anh không báo trước? Việc hệ trọng thế, không thể xem thường được. Thế chuyện xuất ngũ của anh thì sao? Lấy vợ rồi anh định ở trên ấy hay chuyển về?
- Khoảng một hai tháng nữa con sẽ ra quân. Con đã quyết định rồi. Dứt khoát con không về cơ quan cũ nữa.
- Không vội vàng thế được đâu. Phải tính toán cẩn thận - Ông Tài đằng hắng như cố bật ra vật gì vướng víu trong cổ - Chuyện vợ con là một, chuyện công tác là hai, hai chuyện ấy hệ trọng cả đời người. Hôm qua anh Phát có nói với bố là đã chuẩn bị cho anh một chỗ làm ở cơ quan anh ấy. Đợt này về, anh em phải bàn với nhau. Bố tính thế này, anh đạp phốc cái xe ra bảo anh Phát vào đây. Lát nữa mời cả chú Hạng sang ăn cơm. Nhân tiện anh về, chú cháu anh em cùng bàn bạc.
Phú đưa tay gãi đầu.
- Thôi bố ạ. Họp hành để khi khác, còn nhiều thời gian. Chưa chắc bây giờ anh Phát đã có nhà. Vả lại tính anh ấy khác lắm. Con không muốn ngày đầu về mà anh em đã sinh chuyện
***
Bữa cơm khách hôm ấy chỉ có bốn người. Ngoài ông Tài, Phú, Xoan, còn có thêm ông giáo Hạng, em ruột ông Tài. Nhà ông giáo Hạng ở cuối làng, nhưng ngay từ chiều, cái tin anh Phú xuất ngũ mang theo một cô vợ người "đồng rừng" về đã đến tai ông. Bây giờ, trước mặt ông là Xoan, đúng như người ta bình luận, hơi đứng tuổi và có vẻ quê mùa. Bằng con mắt của một nhà giáo hơi có phần nệ cổ, ông Hạng kín đáo xem xét Xoan và tự rút ra một nhận xét: "Xoan không đẹp, nhưng khoẻ mạnh, có duyên thầm".
- Thằng Phú tinh ra phết đấy bác ạ - Ông Hạng ghé tai ông Tài thì thầm khi cả Xoan và Phú còn ở dưới bếp - Xét về hình thức màu mè thì có vẻ bình thường. Nhưng cái nết mới đánh chết cái đẹp. Cứ xem cách nói năng đi đứng, cách nó làm ăn thì đủ biết. So với con Lộc nhà này là nó ăn đứt...
Hai anh em còn đang to nhỏ bàn tính thì Xoan đã bưng mâm cơm lên. Không biết vì lửa bếp hay vì ánh mắt của hai ông già mà mặt cô bỗng hồng rực, căng đầy sức trẻ và vẻ đẹp mà thời gian tưởng đã lấy đi mất.
- Dạ, con xin phép bố với chú - Xoan nhẹ nhàng thu dọn ấm chén, giành chỗ đặt mâm. Ông Hạng vừa thu cái điếu vào lòng vừa nhìn Xoan gật gù. Có thế chứ. Rõ ràng là con nhà có văn phép. Chứ các cô gái mới lớn bây giờ, chúng nó đâu cần biết đến cái lối thưa gửi, phép tắc. Đến nhà con trai, chẳng thèm biết đến ông bà bố mẹ, cứ cười nói hô hố. Lắm cô mặc áo phông cộc đến nách, trông đến dơ dáng. Cứ cái đà này rồi bố mẹ ông bà đối với chúng nó cũng chẳng ra cái nghĩa lí gì sất. Thế nên có được một cô gái như thằng Phú nó chọn đây thì còn chê trách cái nỗi gì...
Ông Hạng có vẻ cao hứng. Khi Phú mang chai rượu về, mặc dù có chứng đau dạ dày, ông cũng tự phá lệ, để mặc cho anh rót một chén đầy.
Cả nhà ngồi quanh mâm cơm. Có tí men, câu chuyện bỗng đậm đà và cởi mở hẳn lên.
- Báo cáo với bố và chú - Phú đặt đũa ngang miệng bát, hai tay xoa vào nhau, trịnh trọng một cách hơi cố ý khiến anh có vẻ không được tự nhiên - Lẽ ra con phải báo cáo trước với gia đình về chuyện giữa con và Xoan. Nhưng vì điều kiện bộ đội, mong bố và chú thông cảm. Hôm nay, nhân đợt nghỉ phép trước khi làm thủ tục ra quân, con đưa Xoan về báo cáo với gia đình. Việc bố và chú, cũng như anh Phát, cô Lộc có đồng ý hay không, con chưa biết. Nhưng riêng ý con thì đã quyết. Chúng con dự định sẽ tổ chức cưới ngay sau khi con có giấy xuất ngũ chính thức.
Mấy lần Xoan kín đáo kéo áo Phú ra hiệu cho anh hãy thận trọng, nhưng Phú vẫn cứ tuồn tuột bộc bạch hết ý nghĩ của mình.
- Anh đã quyết rồi thì việc gì phải báo cáo - ông Tài bỗng dằn mạnh chén, làm rượu đổ lênh láng ra chiếu. Đôi mắt ông chợt tối xầm lại, như có một vạt mây vừa kéo qua. Cái thằng đến ngu. Giá như nó đừng nói ra cái điều kia trước mặt con Xoan thì ông đã sẵn sàng cho qua. Bản tính ông không phải hạng người cố chấp. Nó có thể đặt ông vào chuyện đã rồi, bắt ông phải công nhận. Nhưng nếu xử theo tôn ti trật tự thì không thể nói như vậy. Bố nó, chú nó ngồi đây mà nó dám vuốt mặt. Đã quyết rồi thì mang nhau đi đâu mà cưới chứ việc gì phải báo cáo...
- Thôi bác ạ. Cháu nó lỡ lời - Ông giáo Hạng lừ mắt cho Phú rồi quay lại phía ông Tài - Cánh trẻ bây giờ nói năng lỗ mỗ lắm. Chấp nê chúng nó thì cứ cãi nhau suốt...
- Nhưng chú tính, nói như thế mà nghe được à. Tôi không cổ hủ đâu. Nhưng phải có trên có dưới. Không thể tự do quá trớn, đầu gà lộn ngược.
Mặt Phú nóng rát. Anh nào có ý hỗn hào gì. Nói thẳng nói thật mà ông già cũng tự ái.
Rất may là Xoan đã lên tiếng. Từ nãy, tuy ngồi xuống mâm cơm, nhưng cô chỉ dám ngồi gá cho đủ chỗ, chứ còn bụng dạ nào mà ăn uống.
- Dạ thưa bố và chú - Xoan xưng hô một cách thật tự nhiên, như là giữa cô và hai ông già đã có sẵn những tình cảm gia đình thân thiết - Đúng như bố nói, chúng con chưa được phép thưa với bố và chú chuyện của chúng con khi bố và chú chưa cho phép. Giữa chúng con vẫn còn là tình bạn. Hạnh phúc của chúng con có thành được hay không, trước hết phải có ý kiến của bố, của chú và các anh chị trong gia đình...
Ông Tài đang nâng chén rượu bỗng ngỡ ngàng đặt xuống. Câu nói của Xoan đã đánh tan đi cái khối nặng vô hình đang ứ đầy trong ngực ông. Còn ông Hạng thì nhắp một tợp rượu, gật gù. Ông thầm khen một sự ứng xử tế tế nhị, rất có văn hoá. Vốn là một ông giáo làng dạy lớp ba cải cách, ít lâu nay ông sẵn có mối lo của một người tâm huyết với nghề nghiệp, ấy là những chuẩn mực đạo đức đang có nguy cơ bị lối sống thực dụng, thói vô văn hoá làm mai một đi. Bây giờ, chính Xoan phần nào đã nhen lại lòng tin cho ông, giúp ông nhận ra rằng ông quá lo xa đấy thôi. Lớp trẻ không đến nỗi quá hư hỏng như ông tưởng.
- Như cháu Xoan nói là chí phải. Giấy rách phải giữ lấy lề. Còn cha chú đây thì các cháu không thể vượt quyền được. Bác ạ, các cháu nó đã nói thế thì mình cũng không nên câu nệ. - Ông Hạng quay sang ông Tài rồi liếc nhìn Phú như muốn dàn hoà giữa hai bố con.
- Con xin lỗi bố nếu như lúc nãy con nói điều gì không phải. - Phú nói lúng búng.
Ông Tài có vẻ nguôi. Có vẻ thôi, vì thực ra ban nãy ông cũng chỉ làm oai thế thôi. Trước mặt Xoan ông muốn tỏ rõ tôn ti lề luật, chứ tính ông đâu phải người quá nghiêm khắc, nệ cổ đến như vậy.
***
Khi chỉ còn hai bố con ngồi với nhau ở nhà ngoài, ông Tài mới hỏi nhỏ Phú:
- Về chuyện công tác của anh, sau khi xuất ngũ anh tính thế nào?
- Thì bố tính còn đi đâu nữa? Cưới vợ rồi chẳng lẽ để vợ một mình ở trên đó. Mà chuyển Xoan về dưới này thì biết làm gì? Giả sử có nghề nghiệp thì cũng phải tốn hàng chục "cây" mới chuyển về được. Con sẽ xin chuyển ngành ngay ở trên đó thôi bố ạ.
- Hả? Vậy là anh sẽ không chuyển về cơ quan cũ?
- Về làm gì nữa bố. Con đã thề là sẽ đi hẳn khỏi cái đơn vị sà lan ấy ngay từ khi con xung phong đi bộ đội. Con đã quyết định là không thay đổi. Ngày mới nhập ngũ, có lúc con cũng có nghĩ tới cơ quan cũ. Nhưng con cũng sẽ chỉ trở về với điều kiện là tay thuyền trưởng ấy bị đi tù. Đáng buồn là chuyện đó không thể xảy ra. Vì sao thì bố đã biết rồi. Con và Xoan sẽ ở trên đó. Con sẽ chuyển về tổ lái phà ở ngay gần nông trường...
Chỉ cần gợi đến chuyện sông nước là những kỉ niệm xưa như cùng ùa về, chộn rộn trong đầu Phú. Giống như một mối tình vừa ngọt ngào vừa cay đắng, mỗi lần nghĩ tới cuộc đời thuỷ thủ ngắn ngủi ấy, Phú lại có cái tâm trạng vừa luyến tiếc vừa chán ngán. Ước mơ được trở thành một thuỷ thủ, suốt ngày dài rồi lại đêm thâu lênh đênh trên sông nước vốn đã được Phú ấp ủ ngay từ những năm tháng ngồi học trên ghế nhà trường. Thế rồi sau khi tốt nghiệp lớp mười phổ thông, anh được đi học một lớp thợ máy và được điều về Công ty vận tải đường sông. Chiếc tàu dắt sà lan mang biển số XK. 132, với anh, trở thành ngôi nhà thân thiết. Cả một tuyến đường sông từ cảng Hải Phòng ngược lên Việt Trì, Yên Bái, xuôi xuống Cẩm Phả, Cửa Ông, rẽ sang Thái Bình, Nam Định, Phú đã quen thuộc đến từng bến bãi, từng nhịp cầu, xóm nhỏ. Cuộc sống sông nước bồi đắp thêm cho Phú đức tính mạnh mẽ, quả quyết vốn đã là nét tính cách ở anh, nhưng đồng thời cũng mở cho anh một khoảng trời mơ mộng, một lối sống khoáng đạt, đầy trực cảm.
Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại những ngày ấy, Phú vẫn có cảm giác đâu đây vang lên tiếng máy trầm khoẻ của con tàu ngược dòng, kéo theo một đoàn sà lan nặng đằm, nối đuôi nhau trườn trên sóng. Anh vẫn cảm thấy rất rõ làn hơi nước mát ẩm phả từ mặt sông, nhìn thấy những tán hoa gạo đỏ rực như những hàng cọc tiêu cắm trên bờ và tiếng cười vang của các cô gái một làng ven sông đang đùa nhau trên bến tắm... Nếu cuộc sống chỉ êm đềm, thơ mộng như thế thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Nhưng rồi chỉ một năm sau Phú đã nhận ra rằng cuộc đời thuỷ thủ của anh chắc chắn sẽ chẳng thể kéo dài được mãi. Một tay truyền trưởng có bộ mặt to bè, nhờn bóng, bỗng được điều về phụ trách đội sà lan, thay thế bác thuyền trưởng già tốt bụng. Ngay từ lúc mới xuất hiện, hắn đã gây cho Phú một mối ác cảm. Có thể vì cái bộ mặt to bè nhờn bóng lúc nào cũng đỏ phừng phừng. Cũng có thể do cái điệu bộ khệnh khạng đầy chất thủ lĩnh, gia trưởng, cách tính toán làm ăn đặc lối con buôn mà ngay từ ngày đầu tiên chính hắn cũng không cần rào đón, che đậy.
- Anh với các chú từ nay coi như một tổ ấm gia đình - Hắn tuyên bố hôm liên hoan với các thuỷ thủ - Đã là gia đình thì phải có chủ, cũng như nhà thì phải có nóc. Và anh em trong nhà phải hết sức trung thành bảo vệ nhau. Anh nói để các chú yên tâm. Làm ăn với anh, các chú khỏi phải lo đói. Nhà nước giao cho chúng mình sà lan, tàu kéo, việc làm giàu cho nhà nước là lẽ đương nhiên. Nhưng chúng mình cũng phải biết cách làm giàu cho mỗi người. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người...
Cách nói của thuyền trưởng thật ỡm ờ, nhưng rõ ràng hắn không hề muốn che dấu những thủ đoạn và mánh lới làm ăn. Chỉ sau mấy tháng, đội thuỷ thủ của Phú gồm mười hai người thì chín người đã bị tay thuyền trưởng đưa vào tròng, trở thành những môn đệ trung thành của hắn. Phú là một trong ba người ngoài số đó. Thủ đoạn làm ăn của tay thuyền trưởng cũng thông thường như hết thảy những kẻ tham lam, biển lận trên đời: Mỗi chuyến chở than, chở phân đạm, chở gạo... hắn lại tìm cách bớt xén dăm mười tấn, lấy cớ để "cải thiện" thêm cho anh em thuỷ thủ. Ban đầu Phú không đồng tình, nhưng cũng không thể tỏ thái độ phản đối. Bởi anh thuộc về số ít. Vả lại số hàng bị tham ô so với trọng tải của sà lan cũng không đáng là bao. Nhưng rồi những cuộc tham ô, ăn cắp tập thể ngày một nghiêm trọng hơn nhiều. Trong đội ngũ thuỷ thủ và lãnh đạo phân chia thành hai lực lượng. Phú thuộc số ít, nhưng là lực lượng quyết liệt đám đấu tranh chống lối làm ăn bất chính của thuyền trưởng. Cuộc đụng độ gay gắt nhất xảy ra trong một đêm đoàn sà lan táp vào giữa bãi sông Hồng. Theo kế hoạch đã móc nối sẵn giữa tay thuyền trưởng và bọn con buôn, chúng sẽ đổ năm mươi tấn than xuống các thuyền nhỏ đã nằm đợi sẵn. Phú và ba người bạn trên tàu đã cương quyết ngăn chặn vụ ăn cướp trắng trợn ấy. Chuyến sà lan chở than cặp bến Phà Đen an toàn. Nhưng từ đêm đó, những người thuỷ thủ dũng cảm bảo vệ tài sản của nhà nước bắt đầu bị trù dập, khi thì kín đáo tế nhị, khi thì trắng trợn, tàn nhẫn.
Giải pháp đẩy Phú đi bộ đội vừa là một sự giải thoát cho tay thuyền trưởng đầy mưu mẹo nhưng đồng thời cũng là nguyện vọng của Phú. Bốn năm tham gia quân đội. Phú sống cuộc đời lính vất vả gian khổ, nhưng anh lại thấy thanh thản giữa đồng đội, thấy bằng lòng về những đóng góp hữu ích của mình...
- Anh nên cân nhắc lại đi. Chuyện này phải bàn với anh Phát - Ông Tài để chiếc đóm cháy hết mà vẫn chưa hút trọn điếu thuốc. Ông nhìn chăm chú vào vừng trán gồ lên một cách bướng bỉnh của con trai, cố đoán xem anh nghĩ gì.
- Con đã quyết định rồi - Phú bật một que diêm, như một cậu bé ngứa ngáy tay vẫn thường làm chứ không để làm gì. Và theo thói quen, anh vẫn nhắc lại cái câu nói hình như đã quá quen thuộc - Bố ạ. con không tin ông Phát có thể giải quyết được chuyện của con đâu. Ông ấy nhúng vào chỉ thêm rách việc. Con biết thừa rằng ngay cả chuyện con lấy Xoan, ông ấy cũng không đồng ý đâu. Mặc. Sáng mai con sẽ đưa Xoan về quê. Bố chuẩn bị sẵn, khi nào chúng con mời, bố sẽ xuống gặp bà mẹ Xoan để chính thức lo việc cưới.
CHƯƠNG I
Tiến >>
Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 31 tháng 10 năm 2024