Gần đến tuổi sáu mươi, vậy mà lần đầu tiên trong đời, ngài đại sứ Ramuncátsen mới có cơ hội đến Việt Nam. Đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, với ngài đại sứ đâu phải là xa lạ. Ngay từ hồi còn làm phụ giảng ở trường đại học Soócbon Pari, hình ảnh đất nước Việt Nam đã chiếm lĩnh trong tâm trí nhà trí thức trẻ Ramuncátsen như một biểu tượng của sự quật khởi và chiến thắng. Cho đến chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ có một không hai trong lịch sử loài người thì Việt Nam thực sự là một thần tượng không chỉ đối với thế giới thứ ba, mà là của tất cả những ai yêu chuộng tự do và công lí trên trái đất. Nước Cộng hoà Scăngđi, tổ quốc của ngài đại sứ Ramuncátsen ra đời trong dòng thác cách mạng dân tộc, trong ánh sáng hào quang của đất nước Việt Nam chiến thắng. Và bây giờ, sau năm năm nước Cộng hoà Scăngđi xuất hiện trên bản đồ thế giới. Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Scăngđi trẻ tuổi ở cấp đại sứ. Ngài Ramuncátsen, tiến sĩ thần học, chiến sĩ tiêu biểu của phong trào đấu tranh đòi tách nhóm đảo nam Thái Bình Dương khỏi khối Liên hiệp Anh, được đích thân ngài Tổng thống bổ nhiệm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Cộng hoà Scăngđi tại Việt Nam.
Lễ trình Quốc thư sẽ được tổ chức trọng thể tại Phủ chủ tịch vào chín giờ sáng hôm nay. Theo kế hoạch đã định, xe của ngài đại sứ sẽ khởi hành tại khách sạn Hà Thành lúc tám giờ ba mươi, để mười lăm phút sau ngài đại sứ và đoàn tuỳ viên của ngài đã có thể đặt chân lên bậc thảm đỏ dẫn tới phòng đại lễ.
Buổi sáng mùa thu Hà Nội thật tuyệt vời. Không khí mát lành và tinh khiết khiến ngài đại sứ liên tưởng tới một buổi sáng vùng Địa Trung Hải. Cái ngôi biệt thự ven bờ biển Ađriatích, nơi ngài và vợ con thường nghỉ mùa hè cũng thường tạo cảm giác mỗi sáng ngủ dậy như ở đây, một cảm giác vừa lười biếng vừa hưng phấn, nó vừa muốn níu kéo người ta tận hưởng giờ phút nghỉ ngơi, vừa như giục giã người ta lao vào công việc.
Nếu như chỉ là một du khách, như bao du khách thuộc đủ các quốc tịch ở khắp các châu lục đang có mặt tại cái khách sạn sang trọng vào bậc nhất Hà Nội này, ngài đại sứ Ramuncátsen chắc chắn sẽ không chịu rời chiếc nệm ga trắng muốt và cảm giác khoan khoái sau một đêm ngủ yên tĩnh trước lúc mặt trời mọc. Nhưng hôm nay là một ngày trọng đại. Ngài đang thừa hành sứ mệnh Quốc gia và trọng trách của Tổng thống nước ngài. Năm giờ sáng ngài đã trở dậy tập thể dục, rồi ngồi vào bàn làm việc, soạn thảo lại tất cả các tài liệu có liên quan tới buổi lễ trọng đại và buổi làm việc đầu tiên với ngài thứ trưởng ngoại giao Việt Nam phụ trách về các vấn đề Nam Thái Bình Dương.
Ở phòng bên, người phụ tá tin cẩn của đại sứ Ramuncátsen cũng đã dậy từ lâu. Đó là một người đàn ông gốc Pháp lai Ấn có nước da rám nâu, mái tóc đen ánh và đôi mắt nâu trong trẻo. Trong nhóm tuỳ viên của đại sứ, anh là người duy nhất đã từng ở Việt Nam nhiều năm, biết nói tiếng Việt tuy không sõi lắm và hiểu biết khá sâu sắc phong tục tập quán xứ sở này.
- Thưa ngài đại sứ, - Cánh cửa phòng hé mở, người phụ tá nhẹ nhàng và lịch thiệp xuất hiện trong bộ com-lê màu trắng sữa chiếc cra-vát màu mận chín chấm hoa xanh tuyệt đẹp. - Đã đến giờ ngài tắm sáng để dùng bữa cơm điểm tâm. Đúng tám giờ ba mươi chúng ta sẽ khởi hành.
- Rất cám ơn ông Pôn Vericơn - Ngài đại sứ nhìn người phụ tá và chậm rãi rời khỏi bàn làm việc. - Tôi sẽ tắm trong ba mươi phút. Ông nói với Rắc hãy chuẩn bị xe chu đáo. Buổi trình Quốc thư này, với chúng ta, có một ý nghĩa hết sức trọng đại.
- Xin ngài đại sứ yên tâm. Tôi và ông tham tán đã chuẩn bị mọi việc hết sức chu đáo.
Pôn Vericơn đi ra ngoài hành lang. Anh nghe thấy tiếng cửa phòng tắm ngài đại sứ khép nhẹ và từ trong đó vang lên tiếng vòi nước chảy.
*
Pôn Vericơn đến Việt Nam lần đầu vào năm 1978. Với danh nghĩa thành viên tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc, anh đã có dịp đi nhiều nơi trên đất nước, thăm nhiều di tích văn hoá lịch sử và danh thắng, có điều kiện để hiểu biết phần nào phong tục tập quán và đời sống của một dân tộc, mà theo anh là kì diệu. Anh không lầm tưởng mà tin một cách chân thành rằng sự đói nghèo và lạc hậu của đất nước này chỉ là do hậu quả của những cuộc chiến tranh triền miên, rằng bước ra khỏi cuộc chiến tranh này, Việt Nam sẽ tiến với một tốc độ thần kì, không thua kém bất cứ một cường quốc nào ở châu Á. Là một nhà sử học anh có quyền tin điều đó. Những hoa văn trống đồng và những mũi tên thành Cổ Loa, hàng vạn cây số đê dọc các triền sông, dọc dài bờ biển... cho anh tin điều đó.
Sáu năm ở Việt Nam, Pôn Vericơn tưởng như mình đã hoà nhập vào thiên nhiên và cộng đồng xứ sở này. Cái khách sạn Hoa Sen, nơi anh ở dài hạn hồi đó có một căn phòng dành riêng cho anh ấm cúng và giản dị như một ngôi nhà người Việt. Anh học nói tiếng Việt qua những nhân viên phục vụ khách sạn. Có một cô gái có giọng nói trong như chim hót và gương mặt Á Đông kiều diễm tuyệt vời làm anh say mê ngay từ những buổi đầu. Hoàng Dạ Nguyệt - tên cô gái, đã được anh viết bằng chữ Việt ở đầu cuốn sổ tay của mình. Sau này có người giảng cho anh tên cô nghĩa là một đêm trăng vàng thì anh lại càng yêu cái tên ấy. Anh thường nói với cô bằng cái giọng lơ lớ không có dấu: "Đêm trăng vang". Và cô mỉm cười e thẹn biểu lộ sự cám ơn, kèm theo một câu tiếng Anh rất chuẩn:
- Thank you, your praise is over on me. I am far-away reaching(1)
(1) Cảm ơn ngài. Ngài khen quá lời. Tôi không xứng đáng được gọi như thế.
Có một lần, sau ba tháng làm việc ở Băng Cốc, nơi đặt trụ sở văn phòng UNESCO khu vực, Pôn Vericơn trở về căn phòng của mình ở khách sạn Hoa Sen. Người ta đã chuẩn bị cho anh một bữa ăn hết sức thịnh soạn với những món ăn mà anh ưa thích. Ngồi xuống bàn ăn mà mắt Pôn cứ nhìn đi đâu đó, tựa hồ như anh vừa bị mất một cái gì, thiếu vắng một cái gì. Và anh cứ ngồi hút hết điếu xì gà này tiếp điếu khác, chai rượu vang còn nguyên trước mặt, những món ăn nguội ngắt.
- Ngài Pôn, chẳng hay ngài mệt hay những món ăn làm ngài không vừa lòng? - Anh nhân viên phục vụ hai ba lần đi lại trước bàn, cuối cùng đành phải lên tiếng.
Pôn như người gà ngủ, sực tỉnh, nhìn người phục vụ bàn trừng trừng:
- Đêm trăng vàng đâu?
- Thưa ngài, ngài định nói gì?
- Đêm trăng vàng đâu? Cô ấy đâu?
Người phục vụ như hiểu ra, vừa cười vừa nháy mắt với Pôn:
- Cô Hoàng Dạ Nguyệt phải không? Thưa ngài, cô ấy bị mệt mấy hôm nay.
- Vậy thì tôi phải đến thăm cô ấy, - Pôn đột ngột xô ghế đứng dậy.
- Rất cám ơn ngài. - Người phục vụ khoát tay ra hiệu mời Pôn ngồi lại. - Đáng tiếc rằng yêu cầu của ngài không thể thực hiện được. Luật pháp đất nước chúng tôi không cho phép người nước ngoài đến thăm nhà các công dân.
- Luật pháp kì lạ. - Pôn Vericơn lẩm bẩm một câu tiếng Anh, nhún vai một cách khó hiểu. Anh thầm tiếc rằng cho đến bây giờ anh cũng không hề biết Dạ Nguyệt ở đâu. - Vậy thì tôi sẽ tuyệt thực chừng nào tôi chưa nhìn thấy Dạ Nguyệt của tôi. - Pôn nói một cách kiên quyết và đứng dậy đi lên phòng.
Bằng hành động quyết liệt của mình, lần đầu tiên Pôn Vericơn đã thú nhận với chính mình mối tình của anh. Đúng là anh đã yêu. Có thể là ngay từ lần đầu tiên anh nhìn thấy Dạ Nguyệt tại khách sạn Hoa Sen này. Cô gái có đôi mắt huyền lúc nào cũng mở to, nhìn thăm thẳm, một gương mặt trái xoan không son phấn vẫn trắng mịn màng, một đôi môi tươi thắm mỗi khi hé mở lại khoe hai hàm răng trắng ngời, đều như hạt lựu. Trong tất cả những thiếu nữ ở khách sạn, Pôn thấy Dạ Nguyệt nổi trội hẳn lên như một hoa hậu. Cô nói tiếng Anh chuẩn và hay đến mức ban đầu chính Pôn cứ ngờ rằng hẳn cô phải được gửi đi tu nghiệp ở Luân Đôn, Xítnây hoặc Manila. Càng tiếp xúc với Dạ Nguyệt, Pôn càng khám phá ở cô cái đức tính tuyệt vời, mà sau này xâu chuỗi lại, anh hiểu rằng đó chính là bản sắc dân tộc đã được cô kế thừa và biểu hiện một cách nhuần nhuyễn, tinh tế. Những ngày ở Băng Cốc, tiếp xúc với các cô gái trong khách sạn, các tiệm nhảy, các hộp đêm, Pôn càng có dịp so sánh họ với Dạ Nguyệt, và anh nhận ra rằng tất cả phần hồn của anh dường như luôn hướng về cái khách sạn nhỏ bốn tầng giữa lòng Hà Nội. "Đêm trăng vàng" của anh thường xuất hiện với cái dáng nhỏ nhắn khiêm nhường.
Rất may là hôm đó Pôn chỉ phải tuyệt thực đến bữa thứ hai. Buổi chiều bà giám đốc khách sạn Hoa Sen đã phải cho ô-tô đến đón Dạ Nguyệt. Đúng là cô đang bị mệt. Làn da trắng xanh và đôi mắt mệt mỏi dường như to hơn. Nhưng chính vì thế mà Pôn lại càng thấy nàng đẹp một cách kiều diễm. Nàng ngồi đối diện với Pôn trước bàn ăn, đôi mắt đen huyền nhìn Pôn như người mẹ nhìn đứa con, mệt mỏi nhưng thật dịu dàng.
- Cám ơn cô. Nếu cô không đến, có lẽ tôi không thể nào ăn nổi. - Pôn nói với nàng không hề khách sáo. Anh thấy nàng mỉm cười gật đầu. Chỉ một thoáng mỉm cười ấy thôi mà Pôn tràn trề hạnh phúc. Anh ăn uống một cách ngon lành, như một đứa trẻ đói cồn cào, được chính bàn tay mẹ chăm chút cho từng miếng.
Không biết nàng có biết ta yêu nàng đến mức nào không? Đã bao lần Pôn tự hỏi. Đôi khi anh rất muốn bộc lộ tình yêu của mình trước nàng. Anh sẽ thú nhận với nàng, dù phải quỳ dưới chân nàng. Anh sẽ đón nàng sang sống ở Pháp, ở Italia hoặc bất cứ một nước văn minh nào. Và nếu nàng muốn ở lại xứ sở của nàng, Pôn sẽ xin tình nguyện nhập quốc tịch Việt Nam, tình nguyện làm bất cứ việc gì, miễn là làm cho nàng hạnh phúc. Nhưng rồi Pôn vẫn không dám thổ lộ một điều gì. Anh sợ nàng khước từ. Anh sợ những luật lệ và truyền thống của xứ sở này không cho phép nàng chấp thuận tình yêu của anh. Và anh quyết định giấu kín mối tình của mình, một mối tình đơn phương, cuồng nhiệt và thầm lặng, nồng cháy và trong trắng như tình yêu của con chiên với Đức Chúa Trời.
Bây giờ, sau ba năm xa Việt Nam đến công tác ở các nước vùng Đông Nam Á, sau bao lần chung chạ với những người đàn bà Nhật Bản, Thái Lan, Xingapo, Hồng Kông, Pôn Vericơn vẫn không thể quên được Dạ Nguyệt. Vừa đặt chân đến Hà Nội, anh lao ngay đến khách sạn Hoa Sen tìm Dạ Nguyệt. Người ta nói rằng nàng không còn làm việc ở đó. Pôn thẫn thờ như kẻ mất hồn. Biết tìm nàng ở đâu giữa một đất nước mà sự giao tiếp giữa người nước ngoài và các công dân hoàn toàn bị cấm kị?
Trong khi chờ đợi để cải tạo một ngôi biệt thự cũ thành cơ quan đại sứ của nước Cộng hoà Scăngđi, người ta bố trí cho ngài đại sứ Ramuncátsen và đoàn tuỳ viên của ngài ở tại khách sạn Hà Thành. Cái khách sạn này so với khách sạn Hoa Sen ngày Pôn ở thì có vẻ hiện đại và sang trọng hơn nhiều, nhưng với Pôn thì quả là quê kệch và nhếch nhác. Bởi vì ở đây anh là người xa lạ, ở đây không có Dạ Nguyệt, "đêm trăng vàng" của anh nữa rồi.
Đang chìm đắm trong những kỷ niệm, Pôn Vericơn chợt giật mình quay lại khi nghe đằng sau anh tiếng ngài đại sứ thất thanh:
- Pôn Vericơn! Tôi không thể nào hiểu được. Đang tắm thì mất nước.
Pôn tròn xoe mắt nhìn ngài đại sứ toàn thân trắng toát bọt xà-phòng đang cố kéo chiếc khăn tắm che đi nửa phần dưới thân.
Pôn nhảy bổ vào phòng tắm. Anh vặn các vòi nước nhưng tất cả đều không còn một giọt.
- Xin ngài đại sứ bình tĩnh. Tôi sẽ đi gặp ông chủ nhiệm khách sạn.
- Ông hãy điện ngay cho Vụ lễ tân Bộ ngoại giao Việt Nam. Tôi không thể đến trình Quốc thư với cái thân người đặc mùi xà-phòng thế này được. - Giọng ngài đại sứ nhão ra như người kiệt sức.
- Tôi sẽ làm mọi việc có thể, thưa ngài.
Pôn lao xuống cầu thang. Anh xồ ra một tràng tiếng Anh khi bắt gặp ở phòng lễ tân người nhân viên khách sạch đầu tiên.
- Tôi không biết. Tôi không biết ông định nói gì. Anh thanh niên có bộ ria mép lắc đầu quầy quậy, tựa như những tràng tiếng Anh kia là một tràng súng liên thanh.
- Ông chủ nhiệm ở đâu? - Pôn cố trấn tĩnh lại và cố nhớ lại những tiếng Việt cần thiết.
- Ông chủ nhiệm không có phận sự phải tiếp ngài. Ngài muốn gì?
Da mặt Pôn đỏ tía như da gà chọi. Anh chỉ muốn vung nắm đấm quai vào cái bộ mặt tỉnh bơ của gã thanh niên. Nhưng Pôn chợt hiểu rằng làm việc đó là vô ích. Và anh phải ra sức thuyết phục. Bằng những động tác, bằng vốn tiếng Việt bập bõm pha lẫn tiếng Anh, tiếng Pháp. Rất may là có thêm một cô gái trong phòng lễ tân vừa đến. Nghe Pôn trình bày, cô giải thích rằng đường ống dẫn nước vào khách sạn gần đây thỉnh thoảng lại bị tắc, xin quí khách thông cảm chờ cho vài tiếng nữa sẽ sửa.
- Không thể được. Ông đại sứ của chúng tôi cần tắm ngay bây giờ. Chúng tôi đang có công chuyện hết sức trọng đại, cô hiểu không? Tôi đề nghị cô hãy dẫn tôi đến gặp ông bà chủ nhiệm khách sạn ngay bây giờ.
Cô gái làm nhiệm vụ lễ tân nhún vai, đôi môi đỏ chót cong tớn lên.
- Ông phải chờ một lát để tôi vào báo cáo ban lãnh đạo. Các đồng chí lãnh đạo chúng tôi đã có quy định chỉ tiếp xúc với khách trong những trường hợp thật cấp thiết.
Pôn buông thõng hai tay, đầu rũ xuống bất lực. Quỉ bắt các người với cái thứ qui định vớ vẩn của các người đi. Anh rủa thầm và sực nhớ đến lời nhắc của ngài đại sứ, vội chạy bổ tới máy điện thoại, hối hả quay số.
- A-lô. Tôi cần gặp Vụ lễ tân Bộ ngoại giao Việt Nam. Vâng, tôi, Pôn Vericơn, phụ tá đặc biệt của ngài Ramuncátsen, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Scăngđi tại Việt Nam, xin thông báo với ngài Vụ trưởng Vụ lễ tân rằng, vì một lý do khách quan đặc biệt, buổi trình Quốc thư của ngài đại sứ Ramuncátsen có thể bị chậm lại ít nhiều so với thời gian đã được thoả thuận với quí ngài. Chúng tôi rất lấy làm tiếc và xin quí quốc đại xá.
*
Trong khi ngài đại sứ Ramuncátsen, mình đầy bọt xà-phòng bực bội đi lại trong phòng, vừa lo lắng cho buổi trình Quốc thư đầu tiên của ngài, vừa cảm thấy uất ức như chính ngài bị sỉ nhục, thì ở dưới tầng một, ông Phạm Lẫm, chủ nhiệm khách sạn Hà Thành cũng vừa đặt chân đến nhiệm sở.
Sau khi mở khoá phòng, công việc đầu tiên của ông và đó cũng là một thói quen thường nhật có tính nguyên tắc, là kéo chiếc sọt rác từ gậm bàn ra, vớ chiếc điếu cày trên bàn xì một bãi xái vào đó, rồi rít rong róc để thử độ kêu của nó đồng thời tra thêm nước nếu thấy cần thiết. Xong xuôi động tác thử, tiếp đến những động tác cũng đã thành thói quen theo một bài bản định sẵn, tức là ông kéo cả hai chân lên ghế vén quần để lộ hai cái cẳng chân gầy ngẳng đầy lông lá và hai khuỷu đầu gối xương xẩu như hai cái gộc tre rồi ông nhẩn nha mở hộp thuốc lào có lót vỏ quýt để giữ cho thuốc vừa mềm vừa thơm, nhúm ba ngón tay vê một điếu thuốc đủ chờm khắp nõ điếu, rồi xé một tờ lịch châm lửa.
Cũng thành một thói quen, bao giờ hút thuốc, ông Phạm Lẫm cũng đặc biệt tập trung nhãn lực vào ngọn lửa. Ông dùng ánh mắt và những ngón tay điều khiển cho ngọn lửa đi một vòng quanh nõ điếu cho cháy hết những sợi thuốc xung quanh, rồi mới đặt lửa vào giữa điếu thuốc, hóp sâu hai lõm má rít cho xái thuốc tụt hẳn xuống. Rồi ông ho sặc sụa, ho tới mức mặt mũi đỏ tía và đờm dãi ứ ra đầy miệng. Phải một lúc sau khi cơn ho đã hết, ông mới thực sự chìm trong cơn say đê mê. Ông vớ lấy một tờ báo, móc túi lấy cái nhíp đính kèm chùm chìa khoá, vừa nhổ râu vừa nhướng mắt qua cặp kính lão tìm ngay bài xã luận và nhẩm đọc.
Cô gái ở phòng lễ tân đẩy cửa, tiến sát đến bên bàn mà ông Lẫm không hay biết.
- Báo cáo bác.
- Cái gì? - Ông Lẫm giật nẩy mình, gọng gắt gỏng.
- Ông Pôn ở phòng 24 muốn gặp bác.
- Sao lại gặp tôi? Có việc gì? Cô phải nhớ rằng về nguyên tắc, lãnh đạo chúng tôi không tiếp xúc với khách. Có việc gì thì các phòng chức năng của các cô phải trực tiếp giải quyết.
- Nhưng ông ta cứ muốn được gặp lãnh đạo. Ông ta kêu đang tắm thì hết nước. Cháu và anh Sang đã giải thích, nhưng ông ta không nghe.
- Hết nước là do nhà máy nước, chứ chúng ta làm sao mà giải quyết được.
- Ông ta nói đang có việc hết sức trọng đại. Ngài đại sứ đang tắm dở...
Ông Lẫm khịt mũi, rồi xì ra một tiếng như chiếc van vừa bị tháo.
- Cô sang báo cáo với chị Kim Thanh. Điện nước là phần việc của chị ấy.
Cô gái toan đi ra, nhưng ông Lẫm đã phẩy tay giữ lại:
- Này, cô mặc cái quần bó chặt quá, mông đùi hằn cả lên thế kia, khách người ta nhìn vào không có lợi. Mà mắt cô bôi cái gì mà thâm quầng lên thế, cô Thuý? Hôm nọ họp chi đoàn tôi đã nói với các cô cậu rồi. Khách sạn chúng ta toàn tiếp khách nước ngoài. Không thể để cho họ hiểu nhầm về người Việt Nam mình được. Chúng ta có một truyền thống văn hoá và một bề dày lịch sử...
Thuý bĩu môi quay đi, cái mông nở căng ngoáy nửa vòng như trong một điệu điscô, rồi vội rảo bước ra khỏi phòng.
Phải tiếp xúc với chị phó chủ nhiệm Kim Thanh điều mà Thuý rất ngại. Bao giờ đứng trước mặt chị, Thuý cũng có cảm giác như đang đứng trước bà mẹ chồng. Làm phó chủ nhiệm, nhưng thực tế quyền hành ở khách sạn này chị ta thâu tóm cả. Chính ông Phạm Lẫm, người có thâm niên công tác ở khách sạn nhiều năm, tuy không dám công khai thú nhận sự bất lực của mình, nhưng mỗi ngày, bằng một cách không tự giác, vẫn phải lặng lẽ bàn giao công việc của một người thủ trưởng cho bà phó chủ nhiệm đầy khôn ngoan và giảo hoạt.
Khác hẳn với khi đến gặp chủ nhiệm Phạm Lẫm, đến cửa phòng phó chủ nhiệm Kim Thanh rồi, mà Thuý vẫn ngại ngùng không dám gõ cửa. Kim Thanh đang làm việc với ai đó. Thuý nghe rõ tiếng chị đanh chói:
- Tại sao cô không bán kèm số phích tồn kho với thuốc lá? Giá thuốc lá ở ngoài đang tăng. Thằng Toàn đen đã đánh hơi thấy, nên nó dễ dàng chấp nhận việc tăng hai đô một kiện. Được thêm bốn trăm đô mà để ứ đọng ba trăm cái phích thì chẳng bõ. Cô phải gặp thằng Toàn đen ngay và nói lại ý kiến của tôi. Muốn làm ăn lâu dài thì bảo nó phải tiêu thụ nốt số phích tồn kho...
Một vụ áp-phe của bà phó chủ nhiệm - Thuý thầm nghĩ và tự nhiên cô thấy gai người, vô tình làm bật ra một tiếng động. Cánh cửa lập tức vụt mở, gương mặt to bè với đôi lưỡng quyền nhô cao của chị phó chủ nhiệm ló ra.
- Có chuyện gì thế, cô Thuý? Chúng tôi đang bận việc.
- Báo cáo chị, ông khách ở phòng 24 muốn gặp chị.
- Phòng lễ tân các cô phải giải quyết chứ, sao lại gặp tôi?
- Dạ, chúng em không giải quyết nổi... Ông đại sứ Scăngđi đang tắm thì hết nước.
- Vớ vẩn. Nói với ông ấy là khách sạn đang sửa đường ống dẫn nước. Việc này do nhà máy nước chịu trách nhiệm.
- Ông ta vừa gọi điện sang Vụ lễ tân Bộ ngoại giao...
Đang chực đóng cửa lại, nghe Thuý nói vậy, Kim Thanh vội mở trừng mắt nhìn cô và bước hẳn ra ngoài hành lang.
- Cô Mỹ Lệ ở đây đợi tôi - Kim Thanh nói với cô gái trong phòng, rồi cầm tay Thuý - Cô đi với tôi.
Hai người đi đến trước mặt Pôn Vericơn. Suốt trong lúc chờ đợi dể gặp người quản lý khách sạn, anh như đứng trên tổ kiến lửa.
- Xin các ngài hết sức thông cảm. Khách sạn chúng tôi rất có lỗi với ngài đại sứ - Sau lời giới thiệu, Thuý phiên dịch với Pôn những lời của Kim Thanh.
Pôn hằn học nhìn người đàn bà mà cô phiên dịch vừa cho anh biết là phó chủ nhiệm khách sạn. Lần đầu tiên Pôn nhìn thấy bà ta kể từ khi anh đến đây. Một người đàn bà thấp béo, thô kệch như một mụ hàng phở.
- Bà nghĩ gì khi ngài đại sứ của chúng tôi đang tắm thì mất nước? - Hai tròng con ngươi màu nâu nhạt của Pôn nhìn trừng trừng vào Kim Thanh, một cái nhìn khiếm nhã mà chính bản thân Pôn cũng thừa biết, nhưng anh không thể làm khác.
Nụ cười thường trực trên môi Kim Thanh vụt tắt. Chị nghiêm nét mặt khiến hai gò má như nhọn thêm ra.
- Xin ngài thông cảm. Đất nước chúng tôi đang khó khăn. Chúng tôi vừa trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt và anh hùng nhất trong lịch sử...
Pôn Vericơn nhún vai.
- Chúng tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng trong trường hợp cụ thể này chẳng lẽ cuộc chiến tranh lại gây hậu quả lâu dài và nghiêm trọng như vậy sao? Tôi nghĩ rằng bà sẽ có cách giải quyết khi biết rằng ngài đại sứ của chúng tôi đang chuẩn bị cho buổi trình quốc thư...
Mặt Kim Thanh tái đi. Chị biết rằng đây là công việc hệ trọng và cố lấy lại nụ cười thường trực mỗi khi phải tiếp xúc với những người ngoại quốc.
- Thưa ngài, quả là một trường hợp đặc biệt. Giá các ngài cho chúng tôi biết từ trước... Nhưng không sao. Chúng tôi sẽ sửa lỗi ngay. Nhờ ngài thưa lại với ngài đại sứ rằng chúng tôi rất có lỗi...
Năm phút sau, khi Pôn Vericơn lên trình lại với ngài đại sứ công việc mà anh vừa thu xếp, thì anh thanh niên mà Pôn gặp lúc đầu tiên đã huỳnh huỵch xách hai xô nước lên phòng.
Chương I
Tiến >>
Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 31 tháng 10 năm 2024