Nghe tiếng người ở khe khẽ mời, ông Long ngước nhìn lên rồi kéo ghế chậm rãi bước sang phòng ăn. Tuấn cũng vừa ngồi vào bàn.
Căn phòng lạnh lẽo, tuy trong lò sưởi lửa vẫn còn cháy, mặc dầu mới cuối thu. Trời chưa rét lắm mà người ở già đã cố ý đốt thật nhiều củi, hy vọng những tiếng nổ lách tách với hơi lửa ấm sẽ che bớt màu tang tóc. Chiếc ghế bỏ trống và mấy cái bát đĩa còn đấy, chỗ bà Long vẫn ngồi mọi ngày, tất cả đều chỉ chực gợi nhắc đến sự vắng mặt của một người.
Giờ ăn, từ nay chỉ là một giờ làm bổn phận đối với thân thể chứ không còn là những buổi họp mặt gia đình để chuyện trò vui vẻ, để thưởng thức những món ăn khéo nấu của mẹ.
Lần nào liếc sang Tuấn, ông Long cũng gặp đôi mắt đỏ ngầu, thằng con trai đang nhìn lại mình, ông vội vã cúi đầu xuống ngay.
Thì ra Tuấn có cái nhìn giống mẹ, thế mà ai cũng bảo là Tuấn giống hệt cha, cái nhìn dán chặt vào mắt, vào mặt chỉ làm cho ông Long càng khổ sở, cảm tưởng như vợ vẫn còn đấy, đang nhìn mình.
Người vợ mới chết cách có một hôm và sáng nay hai cha con ông vừa đi chôn xong.
Không dám nhìn con thì ông Long lại phải nhìn đến chiếc ghế bỏ trống, chiếc ghế chắc sẽ còn bị bỏ trống mãi, có bao giờ người vợ trở lại ngồi lên đấy nữa không?
Chỉ mỗi một ý nghĩ tầm thường vô lý như thế mà đã làm cho ông Long thấy sợ hãi, tưởng như đang đi một mình trong cái hầm sâu rộng chung quanh đầy xác chết.
Tuy vợ ông, Liên không to béo đẫy đà, nhưng mọi người vẫn bảo rằng gầy là thầy cơm, với cái thuyết đàn bà vẫn sống thọ hơn đàn ông làm cho ông Long quên lo lắng. Ðã thế tình của Liên đối với chồng hơi pha lẫn, vừa tình yêu, tình bạn lại vừa tình mẫu tử. Quen với thứ tình pha lẫn ấy, ông Long cứ yên chí rằng mình sẽ sống mãi bên vợ như những đứa trẻ ngây thơ yên chí sẽ sống mãi bên mẹ, bên cha.
Mỗi lần có chuyện gì bực tức ông Long chỉ việc về kể cho vợ, nghe một vài lời an ủi, giải thích của vợ thế là ông tìm lại được sự bình tĩnh cho tâm hồn ngay.
Quá quen thuộc trong khung cảnh êm ấm, ông Long không bao giờ tin rằng đời có thể đổi khác.
– Thế mà Liên chết, vô lý, vô lý.
Nghe giọng cha nói, Tuấn ngước nhìn nhưng thấy cha cứ cúi gầm mặt xuống như cố ăn vội cho chóng xong. Quả thực ông Long chỉ muốn đi ngay vào phòng riêng, hình như có một sức mạnh gì đang kéo trì ông ngồi lại.
Giá được khóc mà đừng có ai thấy, được kêu gào vội vã mà đừng có ai nghe chắc nỗi buồn sẽ vơi đi nhiều lắm.
Nghĩ đến đây ông Long nuốt vội mẩu bánh mì cuối cùng rồi không chùi miệng, cứ thế đứng dậy, ông nhất định sẽ vào phòng khóa chặt cửa để những giọt nước mắt tích trữ từ hôm qua được trào hết một lần cho thỏa thích.
Tuấn cau mặt nhìn theo cha, từ nãy đến giờ Tuấn nhận thấy cha cứ muốn tránh mình, biết cha sắp sửa đi vào phòng riêng Tuấn nghẹn ngào rồi gục mặt xuống bàn tức tưởi.
Cảm động, ông Long bước nhanh đến gần, đưa bàn tay vụng về vuốt mấy sợi tóc ở mặt Tuấn, ông Long không biết phải nói gì với con vì chính ông cũng đang muốn khóc, đang cần được khóc, được một bàn tay vuốt lên tóc, được nghe những lời an ủi
Từ lúc vợ chết đến giờ ông Long mới nghe thằng con trai khóc lên thành tiếng, còn thì Tuấn chỉ cắn môi hoặc quay đầu đi, lau vội những giòng nước mắt. Tuy cả hai cha con đều có đôi mắt đỏ ngầu nhưng vẫn muốn tỏ ra mình can đảm.
– Sao mẹ lại chết?
Câu hỏi tầm thường ấy tất cả moi người đều có một lần nào đã hỏi đến, chính ông Long không biết phải giả lời thế nào. Cố sức bình tĩnh người cha chỉ có thể gọi tên con:
– Tuấn.
Hai cha con nhìn nhau, lần nầy ông Long không còn đủ sức để tự đè nén, ông quay lưng, bước vội vào phòng riêng để mặc Tuấn khóc một mình.
– Chú Tuấn đừng khóc, mẹ sẽ phù hộ cho Tuấn.
Tiếng người ở vừa dỗ Tuấn vừa dọn dẹp bàn ăn càng làm cho ông Long thêm sợ hãi. Phù hộ, phù hộ là gì, chết rồi thân thể lạnh ngắt, tim ngừng đập nhưng con người sẽ có một uy lực khác, thật thế chăng?
– Mẹ sẽ phù hộ cho Tuấn.
Người ở không có câu gì lạ hơn, Tuấn cũng không muốn nghe thêm, Tuấn cũng đứng lên đi vào phòng mình đóng cửa lại để được tự do khóc.
Thế là hết, từ nay mỗi buổi đi học về không còn được nghe giọng nói của mẹ ở bếp vọng ra: Bé Tuấn về rồi sao con.
Chỉ mình mẹ gọi Tuấn bằng bé Tuấn, giọng mẹ hiền hiền so với giọng cha nghiêm nghị. Ông Long tuy thương con nhưng muốn cho con phải hiên ngang nên ông vẫn giấu kín tình cảm không dám bộc lộ. Từ độ vụt lớn, nghĩa là từ mấy năm nay Tuấn không còn được nũng nịu như thuở bé, mặc dầu ông vẫn đặt tất cả tin tưởng vào đứa con độc nhất. Thỉnh thoảng nhìn Tuấn ông hơi kiêu hãnh, nhận thấy con vừa khỏe mạnh vừa thông minh kháu khỉnh, và ông lại càng không dám để cho cảm tình điều khiển.
Trái lại, với bà Long thì Tuấn chỉ là một chú bé, cần phải được tất cả mọi sự thương yêu săn sóc. Tuấn tha hồ vòi vĩnh những khi cha vắng nhà. Chỉ có mình Tuấn nên bà Long không phải chỉ xem con như một chú bé lên ba mà còn xem như một vật quý, một con búp bế. Lắm khi Tuấn bực mình hét lên: Mẹ không để cho con lớn hay sao.
Bây giờ thì hết cả, càng nghĩ đến mẹ Tuấn càng tủi thân và Tuấn thấy tiếc những giờ phút được yêu chiều đó. Với cha, Tuấn không có quyền sống như một đứa trẻ mà phải ăn ở đứng đắn như một người lớn. Phải lo học hành, phải tập tính nết cho đàng hoàng, phải lo rèn luyện can đảm nghị lực để ra chống đối với đời. Áo quần lúc nào cũng phải tươm tất sạch sẽ. Một vạn thứ Tuấn phải thế này, Tuấn phải thế kia lắm khi cũng làm Tuấn đâm bực mình như những sự săn đón của Mẹ.
Quà tặng cho con trai không bao giờ ngoài mấy quyển sách dày cộm chứa đầy những tư tưởng anh hùng can đảm. Ngoài đời, cha Tuấn là một đại úy chỉ huy bao nhiêu người thì trong nhà ông Long cũng vẫn là một đại úy mà chỉ điều khiển có mỗi một tên binh nhì bé nhỏ, hẳn vì thế mà sự chỉ huy càng thêm nghiêm khắc chăng.
Tuấn ngồi gục mặt vào tay từ nãy đến giờ để nghĩ ngợi, chưa ai giả lời được rằng con người chết rồi sẽ đi đâu, sẽ ra sao, sẽ làm gì. Những sự thông minh, những học hỏi kinh nghiệm hiểu biết từ bao năm trời sau khi chết đi sẽ bỏ lại đâu. Hình hài là vật chất, có thể tiêu tan theo với thời gian, chứ những vật vô hình mà mỗi con người đều phải mất bao nhiêu lâu mới tạo nên cho mình được một chút vốn liếng tinh thần ấy, đến khi chết là đành chịu mất hết cả ư?
Những tình thương yêu từ xưa mẹ vẫn để dành cho Tuấn bây giờ mẹ trao cho ai. Người chết có mỗi một mình chắc trên đường đi sẽ cô độc lắm, đành rằng có bao nhiêu sự mới lạ đang chờ đợi mỗi người nhưng vụt chốc mà từ bỏ cả gia đình, chồng con, liệu mẹ sẽ bơ vơ đến thế nào.
Tuấn cố sức tưởng tượng hình ảnh xứ chết nhưng chịu, không có một ý gì rõ rệt ngoài những cái hầm to rộng ở bãi tha ma. Nơi ấy mà đi lại được thì tại sao người sống lại không tìm xuống thăm.
Dân tộc Ai cập xưa khi xây những ngôi mộ to tướng ấy hẳn đã có lý một phần nào chăng?
Biết rằng mình đang nghĩ vơ vẩn, không có nghĩa lý gì nhưng Tuấn cứ để mặc, thả cho ý nghĩ được tự do phiêu lưu không kềm chế, vì chỉ có nghĩ vớ vẩn như thế chú bé mới quên được nỗi cô độc hiện tại
Bắt đầu từ hôm nay đi đâu cũng thiếu mẹ, làm gì cũng không có mẹ, áo rách không được mẹ vá, ốm đau không còn mẹ đến nâng đầu lên giục uống thuốc, đêm ngủ hết có mẹ vào đắp chăn cho khỏi lạnh, thiếu tiền mua quà bánh không có mẹ để xin, để vòi vĩnh.
Giờ phút nầy chỉ có Tuấn là bơ vơ nhất trên đời chăng?
Buồn rầu Tuấn lên giường nằm kéo chăn che kín đầu rồi ngủ lịm đi.
Gian nhà vắng lặng quá, ông Long hối hận sao lúc nãy đã bỏ trốn Tuấn, sao không có can đảm gọi Tuấn vào với mình. Tại sao lúc nào cũng để cho con người bị xiềng xích trong những vai trò mà chỉ tự mình giao cho mình, bắt buộc mình phải đóng chứ có nhà đạo diễn nào đâu.
Mọi thứ đồ vật chung quanh đều nhắc cho ông Long hình ảnh vợ, từ chiếc áo ngủ mầu lụa ngà máng trên thành giường cho đến đôi dép đi trong phòng, những quyển sách xếp gọn gàng trên cái bàn viết nhỏ. Cái tủ áo hỏng khóa mấy hôm trước Liên đã phàn nàn, ông Long hẹn để bảo lính gọi thợ đến chữa mà cứ quên mãi.
Tất cả, tất cả các thứ đồ vật vô tri ấy hôm nay như hợp lại sực nức mùi hương quen thuộc. Cái cửa sổ kia mỗi đêm không ngủ được, người vợ vẫn len lén dậy, đi chân không đến đứng tì tay hằn giờ nhìn ra sân. Có những lúc chợt thức, không tìm thấy vợ bên cạnh, ông Long quay nhìn về phía cửa sổ, hình dáng đen thẫm bé nhỏ của vợ đang nổi bật lên ở khung cửa, ông Long khẽ gọi
– Liên
Nghe tiếng chồng, Liên vội nhón chân chạy đến, nhẹ nhàng lên giường nằm xuống như cũ, không cử động không trở mình sợ làm tỉnh giấc ngủ của chồng.
– Em không ngủ được sao
– Có chứ, nhưng em vừa tỉnh, sợ nằm trằn trọc làm anh thức giấc
Và ông Long tin ngay vào câu nói của vợ nên lại yên lòng ngủ nốt. Bao nhiêu lần như thế mà người chồng vẫn không tìm hiểu vì sao vợ không ngủ được. Khi biết lý do thì sức khoẻ vợ đã sút hẳn, chỉ có mấy đêm bệnh tim phát nặng rồi ngừng đập.
Bây giờ người đàn ông mới cảm thấy hối hận, tại mình vô tư quá trong khi người vợ rất can đảm, tuy ốm yếu, Liên đã chịu đựng, cố gắng cho đến phút cuối cùng. Mặc dầu có lắm lần mệt nhọc, có lắm lần ngủ dậy cảm thấy tay chân rã rời, Liên vẫn bỏ qua cho rằng tại mình hơi yếu trong người, chỉ uống ít thuốc bổ hoặc nghỉ ngơi vài hôm là khỏi. Rồi nàng lại tiếp tục lo làm bổn phận như không có gì đã xẩy ra.
Từ độ lấy nhau Liên đã thay chồng trông nom tất cả, từ việc trong nhà cho đến sự mua sắm bên ngoài. Chưa có một lần nào ông Long phải phàn nàn. Mỗi buổi chồng đi làm việc về là mọi sự đều thu xếp đâu vào đó, nhà cửa sạch sẽ, món ăn sẵn sàng, riêng người vợ cũng đã trang điểm tươi cười để đón chồng con. Có bao giờ ông Long để ý đến, không bao giờ ông đặt câu hỏi vì sao mà cửa nhà lúc nào cũng sạch sẽ, vợ mình lúc nào cũng tươm tất. Biết đâu rằng tất cả những sự ấy ông đã phải trả bằng một giá rất đắt, giá sức khỏe của Liên và sự góa bụa hôm nay của ông.
Trở mình sang phía vợ nằm, ông Long rền rĩ, Liên sao em không bảo thật. Rồi trong tai ông vang lên giọng nói của người vợ, không em chẳng sao đâu, chỉ mệt một tí thôi rồi hết ngay.
Người đàn bà lại gượng dậy đi đứng cho yên lòng chồng, và rồi cứ thế …
Ngày mới gặp nhau, ông Long gặp vợ trong một buổi tiệc trà, lễ sinh nhật của một người bạn. Ngay phút đầu tiên, ông đã theo rõi nụ cười của cô thiếu nữ mặc tấm áo lụa xanh. Nụ cười dè dặt, nhẹ nhàng chứ không toác ra giống như những bông hoa bị ép buộc phải nở cho đúng kỳ, sau mỗi khi cười thì hàm răng trên vội vàng cắn xuống làn môi dưới như ngượng ngùng tiếc rẻ vì đã trót cười với ai Ông Long thấy lòng có gì lâng lâng vui và nhất định phải tìm cách làm quen.
Nàng bị người đàn ông lạ nhìn mãi nên càng ngượng nghịu, và cốc rượu ở trên tay rơi xuống vì một cử chỉ lúng túng. Ðấy là cơ hội để ông Long đến giúp nàng chùi vạt áo, nhặt những mảnh chai vụn. Các bạn đều reo ầm lên rằng cốc pha lê trắng vỡ tức thị thế nào cũng có tin vui.
Tin vui ấy là tin ông Long cưới vợ sau một thời gian quen biết tìm hiểu nhau. Mặc dầu ông Long chưa mang một gạch ngang gạch dọc nào ở trên vai, nhưng Liên không phải là loại đàn bà thích chức tước, huy chương, bằng cấp, thật may. Nàng ít nói, không hay bàn cãi, không giành lời của chồng, thỉnh thoảng một cái nhìn kính phục một nụ cười kín đáo cũng đủ làm cho người đàn ông kiêu hãnh.
Hạnh phúc đơn sơ quá, ông Long vẫn nói đùa rằng mình mang ơn tấm thiếp đã mời đi ăn buổi lễ sinh nhật hôm ấy, tuy trước khi ra đi ông đã không ngừng càu nhàu vì chẳng biết mua gì đưa đến.
Có lẽ tại hạnh phúc đơn sơ quá nên khi nắm được rồi thì con người trở nên quen thuộc, không nhớ đến cái giá trị của nó nữa, phải đợi đến lúc nào hạnh phúc bay đi mất. Một bảo vật, có mấy ai đang làm chỉ mà biết quý …
Ông Long cũng thế, mãi chạy theo công danh sự nghiệp, quên không lo vun xới gốc cây bé nhỏ mà ông đã mang từ vườn người đến trồng ở vườn nhà. Người đàn bà cũng chỉ là một gốc cây bé nhỏ, cần được sự chăm sóc cẩn thận mới có thể giữ cho cây tươi tốt. Ông Long đã xao nhãng công việc ấy.
Ðâu phải ông không biết quý vợ nhưng Liên tận tâm quá, lúc nào cũng lo đầy đủ bổn phận nên người đàn ông thấy không cần phải bận bịu suy nghĩ gì thêm cho mệt trí.
Ông Long thuộc loại người vô tư, vô tình, không thích nhiễu sự. Nếu người bên cạnh có sắp chết đói mà không xin ăn thì đến bữa ông chỉ việc ngồi vào bàn ăn chứ không nghĩ đến sự hỏi thăm mời mọc ai một câu. Liên lại không thế, tính nết trái hẳn với chồng, chưa nói hết câu đã hiểu, thoáng nhìn nét mặt đã đoán được ý nghĩ. Mục đích của cuộc sống đặt cả vào chồng con, hy sinh hết những gì mình có thể hy sinh.
Từ thuở bé Liên đã yếu nhưng vì ít nói nên không ai biết. Ði khám bác sĩ cũng chẳng rõ bệnh gì, lớn lên trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cái tuổi cần được ăn, được ngủ đầy đủ thì phải lo chạy loạn, gia đình lại ở về miền bắc nước Pháp là nơi đã chịu nhiều thiệt hại nhất. Cha Liên bị bắt làm tù binh, một mình người mẹ làm sao đủ sức lo liệu cho mấy đứa con.
Cuộc chiến tranh thứ hai còn rút ngắn cuộc đời của Liên thêm chút nữa,
Thấy chồng bận nhiều bên ngoài, Liên không muốn gieo thêm sự lo lắng mà nàng cho rằng vô ích. Những đêm không ngủ được chỉ vì ngạt thở, nặng nề trong lồng ngực, người đàn bà còn làm gì hơn là ngồi dậy đi đến mở cửa sổ, đứng đợi cho sương bắt vào mặt, bao giờ hết cơn mới trở lại giường.
Có mấy khi ông Long biết được.
– Nhưng Liên đã chết.
Ông Long nói một mình, ai dám ngờ người như thế mà lại chết trẻ, cái chết đến rất nhe nhàng, cũng nhẹ nhàng như bước chân của người vợ những đêm không ngủ, rón rén dậy ra đứng tìm khí trời ở bên ngoài.
Liên chết không kịp nói gì với chồng con, mấy hôm trước nàng cứ thấy mệt, tưởng chỉ nằm nghỉ vài hôm sẽ khỏi, hai cha con Tuấn cũng tin như thế nên chẳng ai lo lắng gì. Mãi đến đêm khuya ấy Liên gọi chồng dậy, ông Long đang ngái ngủ nhưng khi nhìn thấy mầu da tái và hơi thở dồn của vợ, ông chợt hiểu. Mời được bác sĩ đến thì cũng chỉ quằn quại thêm có mấy phút.
Liên chết nhưng nét mặt không hề thay đổi. Ông Long vẫn nghe kể có người chết thì trợn mắt, há miệng, vẹo cổ, xùi bọt mép rất đáng sợ, Liên không như thế, may quá. Nếu mỗi khi nghì đến những phút kỷ niệm đau đớn ấy mà còn bị thêm một hình ảnh ghê rợn chen vào thì khổ biết mấy. Ngay cả những người đến lo việc liệm xác cũng bảo thầm với nhau, phí của, bà nầy chết mà trông còn đẹp thế. Họ tưởng ông Long không nghe.
Từ khi giọng người bác sĩ vang lên trong đầu ông Long hai chữ “chết rồi” cho đến lúc tiễn vợ ra nghĩa trang, mãi phút nầy người đàn ông mới cảm thấy rõ thế nào là sự goá bụa, mãi phút nầy ông mới chịu tin rằng không phải mình đã nằm mơ.
Cách mấy năm trước có một đêm ông Long mơ thấy Liên chết, ông bật lên khóc làm thứ tỉnh người vợ đang ngủ bên cạnh, Liên đã cười chế riễu ông lớn rồi mà còn giống trẻ con.
☆
Tiếng người ở dọn dẹp bên ngoài bắt ông Long chợt nghĩ đến thực tế, ngày mai khi con người hết hạn được phép buồn. Bắt đầu từ ngày mai ông phải trông coi việc nhà, những công việc mà từ thuở bé ông chưa bao giờ biết đến. Nào là phải đưa tiền chợ hằng ngày cho người ở, áo quần cái nào đứt chỉ, mất khuy phải nhớ lấy mà bảo người ở mang đi khâu vá. Phải xem trong nhà cần những gì, lại còn khó nhất là phải lo dạy dỗ Tuấn.
Sự có mặt của người đàn bà trong gia đình trong xã hội quả là cần thiết. Ông Long tự hỏi những người đàn ông khác hôm đầu tiên góa vợ họ đã làm những gì, họ có ngợp lên với những công việc tuế toái vụn vặt trong nhà chăng?
Ngày xưa ông hay nói đùa rằng những người đàn ông đi đưa đám vợ, chân bước theo sau hòm mà đôi mắt lấm lét nhìn chung quanh xem trong số bạn bè quen biết của vợ và của mình, ai có thể thay thế người vợ vừa chết. Bây giờ ông Long mới thấy mình đã ác. Từ hơn 48 tiếng đồng hồ từ lúc bác sĩ bảo chết rồi cho đến bây giờ ông Long chưa hề có thoáng một ý nghĩ tìm người thay thế. Mà thay sao được, ai thương ông bằng Liên, lại còn Tuấn, ai có thể thương Tuấn như Liên.
Chắc ông sẽ không bao giờ lấy vợ nữa, Liên sẽ buồn nếu biết rằng cái giường mình nằm, cái ghế mình ngồi sẽ có kẻ khác nằm ngồi lên đấy. Ông Long cố thử tưởng tượng ra một người đàn bà lạ đang nằm bên cạnh mình nhưng không thể nào được. Ở đời có những câu nói, những cử chỉ không nên nhắc lại. Hoặc có nhắc lại thì cũng giống một tên hề làm tuồng, cái giá trị của thuở ban đầu đã mất hết. Hơn nữa còn Tuấn, Tuấn sẽ khổ, lúc nầy ông thấy cần phải thương Tuấn nhiều hơn.
Nghĩ đến đây bỗng nhiên nước mắt trào ra, những giọt nước mắt mà ông vẫn tưởng có thể điều khiển được nhất là khi con người đã từng quen điều khiển cả một đội quân. Ông vẫn cho rằng khóc là hèn, là không biết kiềm chế. Hôm nay những ý nghĩ anh dũng ấy biến đi đâu hết. Ông Long không biết mình khóc lúc nầy là vì thương vợ mới chết, thương thằng con trai mất mẹ hay thương cái cảnh góa bụa của mình từ nay.
Giá Tuấn lớn hơn, giá Tuấn đã thành người, đã học hành xong thì khoẻ cho ông biết mấy. Ðằng nầy Tuấn mới có mười bốn tuổi và ông cũng chưa đến bốn mươi. Ngày mới sinh ra Tuấn các bạn đều khen sao Liên bé nhỏ mà đẻ được thằng con giai khỏe mạnh, nặng cân như thế. Ngay cả ông cũng không ngờ, và như hầu hết những người cha khác trong giờ phút ấy ông Long chỉ biết đứng phổng ngực ra sung sướng nhận những lời ngợi khen.
Có Tuấn, Liên còn phải rút ngắn cuộc đời mình thêm tí nữa. Năm đầu nàng thiếu hẳn kinh nghiệm, thằng bé lại khó nuôi, đêm nào cũng khóc lè nhè bắt mẹ phải thức suốt sáng để bế, để ru.
Tình thương con đã cho Liên rất nhiều can đảm, Tuấn lớn dần, nhưng mỗi một cân nặng của thằng con giai là người đàn bà nhẹ cân hơn một chút.
Ðối với ông Long thì đời vẫn bình thản trôi, nào có hay biết gì, suốt ngày tháng lo làm việc, lo chạy theo những cấp bậc, một gạch, hai gạch trên vai. Ðấy là tất cả hoài bão của người đàn ông chăng?
Những kẻ mặc áo lụa mà không biết lụa mềm, không biết công người chăn tơ, dệt lụa. Nếu có ai hỏi tại sao ông sung sướng như thế thì ông sẽ mở tròn đôi mắt ra ngạc nhiên hỏi lại: sung sướng chỗ nào đâu.
Bây giờ ông mới hiểu thì ra hạnh phúc không phải ở trong chức tước, bằng cấp, huy chương. Hạnh phúc tầm thường lắm, chẳng cần gì phải thức khuya ngồi cắm đầu vào mấy quyển sách dày cộm để kiếm thêm vài mảnh bằng mới được hạnh phúc.
Biết thì đã muộn, một cái hòm, một nấm mộ đã mở mắt ông ra, nhưng mở mắt chỉ để nhìn cảnh cô đơn của gia đình, hai cha con thui thủi với một người ở ngơ ngác.
Có tiếng gõ cửa làm ông Long giật mình.
– Ba ơi con vào được không?
– Tuấn đấy con, gì thế?
Ông Long hơi ngần ngại, không muốn để Tuấn thấy cái mặt vừa khóc của mình, ông vốn sợ ai đoán được những gì đang xẩy ra trong lòng, dầu cho người ấy là đứa con độc nhất. Vô lý Tuấn cũng khổ và có lẽ còn khổ hơn ông, tuy nghĩ thế nhưng người đàn ông chưa có thì giờ để phân tách trong hai người Tuấn và mình ai khổ hơn.
Nhìn mi mắt con sưng lên vì khóc trước khi ngủ, ông Long thấy thương thằng bé từ nay hết người để làm nũng. Chính ông cũng thế, từ nay cố mà nuốt lấy một mình mỗi khi buồn bực.
– Ba ơi con muốn ra thăm mộ me, ba đi với con.
Nhờ Tuấn ông biết thêm một vấn đề mới nữa. Ngoài những lúc đi làm việc, đi phố mua sách, ra tiệm hớt tóc bây giờ lại còn đi thăm mộ vợ. Ông Long giả lời thẫn thờ
– Ði thì đi
Giọng nói của cha nghe khổ sở quá, thấy cha không hiên ngang như mọi ngày, Tuấn chẳng biết phải làm gì cho cha vui. Tuy ít gần cha nhưng Tuấn rất kính phục cha, chỉ ao ước ngày sau lớn sẽ được giống như cha. Trong đầu óc chú bé chỉ có cha là người hoàn toàn nhất, đáng chọ mọi người kính trọng nhất.
Mẹ chết, Tuấn muốn thay mẹ để săn sóc cha làm cho cha vui, lo lắng cho cha như mẹ đã lo lắng. Nghĩ thế thôi chứ Tuấn cũng chưa hiểu mình sẽ làm được những gì.
Ðường từ nhà ra nghĩa trang cả hai cha con chẳng ai tìm được một câu nào để nói với nhau, hai kẻ cô độc mới bị cướp mất một người thương, ông Long sợ hãi nghĩ đến ngày mai lạnh lẽo. Tuấn bở ngỡ chưa biết đời mình rồi sẽ ra thế nào, ai sẽ thay mẹ.
Chiều xuống nhè nhẹ, trời không lạnh như ban sáng lúc đi đưa đám. Gần hết thu nên tất cả cành cây đều mặc áo mới. Những tấm áo vàng thắm sắp chuyển sang nâu điểm lên không gian những vệt sáng. Từng làn gió thổi, không nơi nào gió mang nhớ nhung nhiều bằng ở tha ma. Nhớ gì, nhớ ai, hay chỉ nhớ đến những gì chưa gặp gỡ những ai chưa hẹn hò, những cuộc tình duyên ma …
Thỉnh thoảng một cơn gió hơi mạnh làm rơi xuống mộ bao nhiêu lá vàng lá nâu. Những chiếc lá trước khi đổi kiếp còn cố thoi thóp níu thêm vài ngày tô điểm lên mặt đất xám lên mầu cỏ xanh. Cho đến lúc cái chỗi của người phu quét mộ sàn sạt lướt ngang rồi cái thùng rác đến chất đầy nằm lẫn chung với những vòng hoa héo. Hết một kiếp.
– Có bao giờ người chết sống lại không ba nhỉ?
– Nói bậy nào, chết thì thôi chứ.
Ông Long cau mặt rầy con, tuy giọng nói nghe nghiêm nghị nhưng không thoát một chút run sợ, chính ông cũng đang đặt câu hỏi ấy ở trong đầu mình mà có lẽ còn ghê gớm hơn.
Ông vừa hình dung ra cái cảnh vợ đang vùng vẫy trong hòm, gọi tên ông, oán giận ông. Nếu Liên đã sống lại thì sao. Ừ biết đâu, mà biết đâu được. Tại sao ông lại chịu cho người ta chôn ngay, tại sao ông không đợi xem, biết đâu sau đó người chết có thể sống lại nhất là Liên chết mà nét mặt tươi tỉnh, biết đâu chỉ là chết giả trong một lúc.
Khoa học đành phải chịu nhường bước cho sự tưởng tượng của con người trong lúc nầy, khoa học bảo sau bốn phút là hết, nhưng cảm tình viện ra nhiều lý lẽ khác, cảm tình tìm đến sự nhiệm mầu huyền bí. Biết đâu, biết đâu.
Tuấn có cùng một ý nghĩ với cha từ nãy đến giờ không mà cả hai cùng im lặng như cố chờ xem có tiếng gì khác ngoài những tiếng gió thổi qua mấy cành khô, hoặc những chiếc lá rụng đang chơi đi trốn đi tìm với nhau quanh quẩn sau mấy ngôi mộ. Mấy lần hai cha con đang ngồi yên bỗng cùng giật mình lắng tai nghe tưởng có giọng ai rên rỉ, nhưng rồi trở lại yên lặng. Chỉ là một tiếng gió lạ khác.
-Ði về Tuấn.
Ông Long đứng dậy, vươn vai uể oải gọi con, những vòng hoa phúng mới có từ sáng mà trông đã ủ rũ.
Ngày còn sống Liên không bao giờ chịu cắt hoa trên cành, nàng cho rằng đấy cũng là một tội ác như cắt cổ gà hay đi săn bắn, lý luận của Liên rất trẻ con, nếu mình là cỏ cây mình sẽ không muốn bị ai cắt mất cành hoa vừa nở. Nếu là con gà mình cũng muốn được sống. Mặc những sự chế riễu chỉ trích Liên vẫn tránh tất cả mọi công việc ấy giao cho người ở làm và ông Long hay đùa hỏi vợ, nếu không có người ở thì ai làm cho.
Nhờ thế nên hoa lá trong vườn tha hồ nở tha hồ tàn chẳng bị ai phá rối chỉ những lúc nào xác hoa đã khô queo trên cành Liên mới chịu lấy kéo tỉa đi để chỗ cho những bông hoa khác sắp ra.
Vào đến nhà trời đã sẩm tối, người ở đang làm cơm sau bếp nên đèn trước không bật lên, đứng ngoài trông tối om, càng tăng thêm vẻ hoang lạnh.
Hôm qua tuy Liên đã chết nhưng cái hòm còn ở trong nhà, nhờ thế nên người đàn ông chưa cảm thấy sự vắng lặng bằng hôm nay mọi việc đều xong. Không còn gì để chờ đợi, để lo lắng nữa, bây giờ mới là lúc cô đơn nhất.
Hoàng hôn về, hoàng hôn báo trước một đêm sắp dài dằng dặc, làm sao ngủ cho hết, nhất là từ nãy Tuấn lại gieo vào đầu ông những ý nghĩ dại dột quái ác, biết đâu Liên đã chẳng sống lại.
Giá ông đừng cho bỏ vào hòm, đừng cho chôn vội, ông sẽ cứ để vợ nằm trên giường, cạnh mình như khi còn sống. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ có trở người ông sẽ quàng tay qua ngực vợ, và biết đâu. Biết đâu hơi thở với cánh tay ấm áp của ông, mối tình chân thành của ông sẽ đưa sức nóng vào tim vào phổi Liên và nàng sẽ dần dần sống lại.
Muộn quá rồi, dầu cho Liên có tỉnh lại từ lúc sáng thì cũng đã kiệt sức vì kêu rên vùng vẫy, và bây giờ chắc Liên đã chết thật, chết hẳn.
Bữa cơm tối còn nặng nề gấp mấy bữa cơm trưa, cả hai cha con hầu như quên biết đói. Ban trưa tuy buồn nhưng còn mới quá bây giờ mọi người đều có những phút rỗi rãi để suy nghĩ thêm nghiền ngẫm rõ sự cô đơn vì góa bụa, vì mồ côi của mình.
Tuấn chỉ muốn trở lại nghĩa trang, đêm vắng, biết đâu tiếng rên từ dưới mộ nghe chẳng rõ hơn. Ban ngày có nhiều thứ tiếng động, tiếng xe, tiếng người, tiếng lá cành xao xác, tiếng đập cánh của lũ chim bay đi về gọi nhau. Ðêm xuống mọi vật đều say ngủ.
Nếu được cha ừ cho một tiếng thì Tuấn sẽ mang các thứ cần dùng nào kìm búa xẻng cuốc để bật nắm hầm rồi cạy hòm ra đỡ mẹ dậy, dìu mẹ về nhà. Mẹ có yếu quá không bước được thì Tuấn sẽ cõng mẹ lên lưng, chạy rất nhanh về, Tuấn sẽ gọi cửa phòng cha như lúc trưa, nhưng không phải gọi một cách rụt rè nữa Tuấn sẽ đưa chân lên đạp tung cửa vừa đạp vừa hét:
– Ba ơi con đưa mẹ về đây
Cha sẽ mừng rỡ chạy ra ôm lấy mẹ, hôn Tuấn cảm ơn Tuấn rối rít. Mới chỉ có nghĩ đến mà Tuấn đã thấy sung sướng cảm động và có gì nặng nặng trên lưng như ngày bé Tuấn hay cõng mẹ để đùa với mẹ khoe sức mạnh của mình.
Tuấn nghẹn ngào nhìn sự thực sừng sững. Sự thực là chỗ ngồi của mẹ, chỗ ngồi trống từ bây giờ và mãi mãi, ai sẽ ngồi lên đấy nếu Tuấn không ra nghĩ trang đón mẹ về.
Muốn đưa ý định ra bàn với cha, biết đâu cha cũng đồng ý và sẽ giúp mình trong công việc bật nắp hầm, cạy hòm, nhưng rồi Tuấn không dám. Nhìn cha nuốt từng mẩu bánh mì như nuốt gạch vụn, Tuấn chỉ sợ làm cha buồn, nếu nói ý kiến của mình ra, nếu cha cũng đồng ý ra đón mẹ, nhưng khi mở được nắp hòm mà xác mẹ vẫn lạnh ngắt, cứng đờ thì sự buồn khổ sẽ còn tăng lên đến biết mấy.
Tuấn đành giữ lấy ý nghĩ của mình, có lẽ chẳng bao giờ thực hiện được.
Ăn xong, ông Long đứng lên, đưa mắt ngó quanh gian nhà có ý muốn tìm xem cần phải làm những gì trong ngày mai đến. Trước khi vào phòng riêng ông quay liếc về phía thằng con trai, khẽ nói:
– Tuấn ngày mai đi học lại chứ con.
Tuấn ngước nhìn lại cha không giả lời, một lần nữa ông Long quay đi ngay, trốn cái nhìn của vợ qua đôi mắt đứa con trai. Giá Tuấn là con gái chắc sẽ an ủi được ông hơn, sẽ gần ông hơn, ông sẽ tìm được hình ảnh vợ nhiều hơn.
Cha vào đến của Tuấn mới gọi giật lại.
– Ba
Ông Long quay nhìn con
– Ba ngủ nhé
– Cảm ơn, con cũng vào ngủ cho sớm.
Hai cha con cùng cảm thấy có một sức mạnh gì kéo lại gần nhau, lặng lẽ cả hai cùng bước đến bên nhau. Tuấn vòng cánh tay qua lưng cha, gục đầu vào ngực cha im lặng. Ông Long cúi hôn mái tóc con lâu hơn mọi lần.
Ngày xưa tóc Tuấn thơm mùi tóc mẹ bây giờ đã thoảng mùi của một đứa con trai, của một thằng đàn ông chứ không phải cái mùi hoi hoi sữa hay mùi thơm của thịt tươi, thịt búp bế như Liên vẫn nói.
Giá Tuấn là con gái, nhưng không. Nếu Tuấn là con gái hẳn ông sẽ phải lo nghĩ bận bịu nhiều hơn. Thằng con trai đến tuổi nầy có thể đi tìm bạn bè, đi xem chiếu bóng một mình. Có thể tự vá víu lấy cái cô độc không cần đến gia đình. Ðứa con gái vào tuổi ấy chắc sẽ lúng túng lắm. Bằng chứng là từ năm lên mười Tuấn đã bắt đầu đến chơi nhà bạn đi xem hội hè với bạn ít khi muốn ở nhà ngày nghỉ.
Liên vẫn phàn nàn, đẻ con trai mới lên mười đã bị bạn bè chúng nó cướp mất. Ông Long thì cho rằng như thế đỡ bận, phải để cho nó ra đời dần đi thì vừa.
Vào đến phòng riêng ông Long khóa vội cửa lại, gian phòng chẳng có gì thay đổi mà sao ông có cảm tưởng như không phải là gian phòng mình vẫn sống mọi ngày, vẫn đi ngủ mỗi đêm vẫn thức dậy mỗi sáng.
Ông Long uể oải đi mở tủ lấy bộ quần áo ngủ mặc vào. Ngày xưa cứ mỗi tuần Liên lại để sẵn ở đầu giường một bộ quần áo ngủ sạch cho nhớ mà thay, bây giờ phải tự làm lấy tất cả.
Cái tủ áo xếp đặt rất thứ tự, ông như còn hình dung ra đôi bàn tay gầy gầy, mấy ngón tay dài nhỏ của vợ đang vuốt từng nếp áo vô tình ông chọn đúng bộ áo mà Liên vừa mua hôm lễ sinh nhật để tặng ông. Bộ áo còn mới nguyên mặc một lần chưa giặt.
Thay xong quần áo, ông Long đi quanh phòng không biết còn phải làm gì nữa, mới có 9 giờ tối, đêm nay tha hồ dại, tha hồ mênh mông.
Con người có thể đi trốn một tiếng động, một hình ảnh ghê rợn bằng cách bịt tai, nhắm mắt, nhưng đi trốn đêm tối thì biết trông vào đâu. Bóng tối len cả vào trong đầu óc, trong tâm hồn, trùm lên thân thể, nhắm mắt cũng gặp, đưa tay lên che mắt cũng lại gặp. Nằm sấp xuống giường úp mặt vào gối cũng vẫn gặp bóng tối.
Con người đành chịu thua, bóng tối, một sức mạnh rất lạ lùng khi đã trĩu xuống tâm hồn thì không còn cách gì trốn thoát.
Ông Long muốn tìm một quyển sách để đọc cho khuây. Chỉ có thế, người ta thường trốn sự cô đơn trong một quyển sách, một cốc rượu, một buổi chiếu bóng hay trong đôi cánh tay của một người bạn khác giống.
Một quyển sách liệu ông Long có trí não để hiểu một quyển sách không, một cốc rượu, nhưng tính ông không thích bê tha, có thể bảo rằng ông rất ghét rượu. Phim chiếu bóng thì bây giờ đã quá muộn, thành phố tỉnh đâu phải như ở các kinh đô lớn mà muốn ra đường giờ nào cũng có thể tìm được những hộp đêm, rạp hát thường trực. Còn lại đôi cánh tay của cô nhân tình, giải pháp nầy dễ nhất mà cũng khó nhất.
Ðôi cánh tủ riêng của vợ vừa mở, các thứ quần áo đồ vật đều được xếp đặt ngăn nắp. Từ chiếc khăn tay cho đến tấm áo lót mình, cái nào vào với cái ấy không lẫn lộn. Sang bên phía ngăn kéo thì toàn những tập thư với ảnh. Ðầy cả ảnh gia đình, ảnh của ông và của Tuấn mỗi năm, xếp theo thứ tự ngày tháng, sau đấy là một tập sổ chi tiêu trong nhà từ năm nầy sang năm khác.
Ông Long lật qua những quyển sổ, tiền mua sách cho Tuấn, tiền cho Tuấn đi xem chiếu bóng, quà lễ giáng sinh …v.v…
Thật quả Liên là một người đàn bà kiểu mẫu, sinh ra để hy sinh cho chồng con. Ông Long thầm tiếc tại sao Liên không để lại một tập nhật ký như bà vợ của văn sĩ Tolstoi hay như nhiều người đàn bà khác. Giá tìm được một tập nhật ký của Liên chắc ông sẽ sung sướng lắm dầu trong ấy có chứa toàn những trách móc hờn giận như bà Tolstoi đã viết.
Ông công nhận mình là người đáng trách, ông đã thờ ơ không biết cái giá trị của mối tình thâm sâu ấy.
Lục lọi một lúc chẳng thấy gì người đàn ông bâng khuâng rồi bỗng không hiểu tại sao ông lại kéo giật tất cả quần áo của vợ vứt hết lên giường. Toàn những quần áo sạch đã giặt là cẩn thận nhưng lẫn trong mùi xà phòng, mùi bàn là nóng, ông Long đã tìm thấy cái mùi hương quen thuộc cũ.
Ông Long như người say, nằm vật lên giường để cho mùi hương ấy tỏa khắp người khắp mặt. Ðêm nay và chắc rằng mãi mãi ông sẽ ngủ trong cái mùi kỷ niệm quen thuộc nầy.
Nằm vùi mình nghĩ ngợi trong đống quần áo ngổn ngang, ông Long hầu như không cảm thấy gì nữa, những hình ảnh lờ mờ hiện về, có lúc âm u, có lúc rực rỡ có lúc chỉ là những vòng tròn đang quay cuồng hay lại là những hình khối sừng sững, to nhỏ. Những vòng khối ấy cứ quay tít chung quanh ông, khi gần khi xa có khi như muốn quấn chắt lấy mình ông bắt ông phải quay theo.
– Ta đang điên chăng? Hay là ta sắp điên?
Ông Long tự hỏi lên thành tiếng vì sợ hãi ông muốn nghe một giọng người để khỏi cảm thấy rằng mình chỉ có một mình. Nếu ai thấy ông đang nằm như thế này, gục mặt trong đống quần áo của người vơ mới chết, chắc họ sẽ cho rằng ông điên. Nếu ai theo rõi tâm hồn ông từ sáng đến giờ chắc họ sẽ lo sợ giùm ông.
Riêng ông, tự thấy mình vẫn tỉnh, có lẽ còn tỉnh hơn lúc nào hết, nhưng đây có phải là sự tỉnh táo của người say rượu chăng.
Chắc không phải thế, ông Long không điên nhưng ông biết rằng mình đang buồn và ông chỉ muốn tìm cách nào để lẫn trốn cái buồn ghê sợ ấy, nếu những giờ phút này còn kéo dài thì ông sẽ trở nên điên thật.
Mùi quần áo chỉ làm thức giấc con người tầm thường của ông dậy, thêm vào đấy hình ảnh người vợ quằn quại trước khi chết …
– Làm sao bây giờ?
Một lần nữa câu hỏi của ông lại vang lên thành tiếng.
Trở về với mấy giải pháp ban nãy, môt quyển sách, không thể được, một buổi chiếu bóng, muộn mất rồi tuy mới có vào độ mười giờ đêm. Còn lại một cốc rượu với đôi cánh tay của người đàn bà khác, hai giải pháp nầy vẫn thường đi chung với nhau, càng hay.
Có lẽ chỉ còn hai giải pháp cuối cùng ấy may ra giúp được ông qua khỏi cơn khủng hoảng điên cuồng này chăng. Ông Long vùng dậy đi ngay đến chỗ mắc quần áo, thay vội bộ đồ ngủ, mặc lại bộ áo mà sáng nay ông đã mặc đi đưa đám vợ
Thay xong quần áo ông Long mới chợt nghĩ chưa biết mình sẽ đi đâu tại sao lại không ngủ nhà như mọi người, tại sao những người khác cũng goá vợ như ông mà họ đâu có điên cuồng. hẳn tại họ được an ủi được nghe những lời khuyên can hay cũng có người không yêu vợ như ông. Mùi hương trong áo quần đã dằn vặt ông bây giờ thì chỉ có một sức mạnh gì tương đương mới đưa ông trở lại với sự bình tĩnh cũ.
Khoác chiếc áo quàng lên vai ông Long rón rén bước ra khỏi phòng như sợ hãi trốn tránh ai, nhưng nhà còn ai nữa đâu. Tuấn đã đi ngủ người ở cũng đã ra về từ lâu, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa
Ra đến đường, bây giờ ông Long mới cảm thấy hơi yên tĩnh, lòng đã bớt quay cuồng. Sương đêm mát lạnh gội vào đầu vào mặt làm thức giấc con người Ông Long tìm bao diêm trong túi, châm điếu thuốc cuối cùng hút, rồi cứ thế cắm đầu bước.
– Cứ đi đã rồi hẳn biết.
Người đàn ông bây giờ lại thấy cần có can đảm để khỏi quay trở về. Lương tâm như đang lên tiếng trách mắng, nhưng về để khổ sở với mùi hương quần áo, với hình ảnh kỷ niệm của vợ thì rồi sẽ bệnh hoạn như lúc nãy. Ông nhất định đập gót giày thật mạnh xua đuổi những ý nghĩ đan vờn trong đầu óc.
Một vài chiếc xe tắc xi vắng khách lướt gần sát bên ông có ý chào mời, nhưng ông Long chỉ nhìn thẳng đằng trước, không thèm để ý.
***
Đưa tay lên bấm xong mấy hồi chuông, có tiếng dép kéo lê của người ra mở cửa, lúc nầy ông Long mới bàng hoàng sực tỉnh, tự giận mình sao lại đến đây.
– Ô kìa Đại úy, tôi không ngờ…
Giọng người đàn bà có gì trách móc hay là vì ông Long tưởng ra thế. Ông chỉ gật đầu chào, hơi nhếch mép rồi bước thẳng vào nhà trong không đợi phải mời.
Đây là chỗ mà thỉnh thoảng ông vẫn đến giải trí với mấy người bạn. Hoặc nói chuyện, hoặc đánh vài ván cờ, hoặc uống rượu bên cạnh mấy cô gái trẻ đẹp, nhí nhảnh, vừa để được họ nghe chuyện với đôi mắt thán phục với nụ cười nũng nịu. Được họ săn sóc chiều đãi và trước lúc ra về được họ chia cho cái giấy tính tiền rất kín đáo. Ở đây một cốc rượu nhỏ cũng phải trả giá bằng một chai rượu lớn, vì còn bao nhiêu thứ tiền phải trả. Tiền chùi dọn nhà cửa, tiền son phấn, tiền mua những cái nhìn thán phục với những nụ cười thơ ngây. Đã biết từ trước nên chẳng ai ngạc nhiên. Kẻ nào dư dả mới dám đến.
Ông Long không phải là loại khách lui tới thường ngày, tính ông nghiêm nghị, ai cũng đã biết, câu chuyện bao giờ cũng điềm đạm, bình tĩnh chứ không giống những người khác tuy rằng ở đây mọi người đều có quyền đùa nghịch chút ít.
Gian phòng trang hoàng mỹ thuật, ấm cúng, xứng với giá tiền. Một chiếc ghế dài bọc nhung tím thâm với mấy chiếc gối nhung đen, nhung vàng vứt ngổn ngang trong mấy góc gợi mầu sắc những bông hoa thương nhớ. Nền nhà lót thảm bằng len dày mầu xanh lá. Một cái bàn thấp bằng gương hình giống cái bàn pha mầu của họa sĩ. Cách không xa có một cái tủ rượu và một bình hoa lớn đặt trong góc sát nền nhà. Những bông hoa cuống dài cắm rất công phu chứng tỏ sự dụng ý của chủ nhân.
Cả gian phòng chỉ có hai ngọn đèn mờ từ trong tường tỏa ra một thứ ánh sáng mơ hồ giả dối che đậy hết mọi sự thực từ một nếp nhăn trên trán, vài sợi tóc bạc sớm hay cả đến những cái hôn lén lút, những cái nắm tay ngập ngừng.
– Lâu ngày không thấy Đại úy….
Bích-Hợp, người thiếu phụ chủ nhà tỏ vẻ ngượng nghịu, quả thật nàng không chờ đợi một người khách ở trong hoàn cảnh ấy. Sống giữa thành phố nhỏ bé, chuyện gì người ta cũng mách với nhau, nơi nầy lại là chỗ gặp gỡ của các sĩ quan cao cấp. Hôm qua trong câu chuyện Bích-Hợp lắng nghe, nàng biết tin vợ Đại úy Long vừa chết. Các bạn đang bàn tính chuyện nghĩ việc đi đưa đám. Bích-Hợp đã thương hại người đàn ông cô độc từ nay, thế mà bây giờ chính người đàn ông ấy lại đến nhà nầy để tìm an ủi trong khoé mắt nụ cười, trong cốc rượu hay hơn thế nữa, trong cánh tay của một người đàn bà khác.
Trông nét mặt hốc hác của ông Long, Bích-Hợp không biết phải nói câu gì, làm cử chỉ gì. Liếc nhìn vào tấm gương soi, thiếu phụ đưa tay lên vuốt nhẹ mấy sợi tóc.
Với người đàn ông khác, hoặc ở vào lúc khác thì Bích-Hợp đã đi ngay vào phòng để tô lại đôi môi, sửa soạn lại cái nhan sắc tuy gần chiều nhưng vẫn còn nhiều uy tín thu hút.
Người đàn bà ấy tự biết rằng mình còn đẹp, nàng biết nhờ những đôi mắt thèm khát của đủ các hạng đàn ông, những đôi mắt những cái nhìn như hét to lên mỗi khi Bích-Hợp đi ngang qua.
Ở tuổi bốn mươi nếu không bị hoàn cảnh túng thiếu tinh thần và vật chất dằn vặt, nếu không bị bắt làm lụng cực khổ thì nhan sắc của người đàn bà còn có thể kéo dài như một buổi chiều hè mát trời. Ánh nắng gắt gao đã qua nhưng chiều vẫn còn sáng trong, có người lại chuộng thứ ánh sáng nhạt mầu ấy hơn cà thứ ánh nắng gắt gao oi nồng của buổi trưa.
Sống lăn lóc nhiều nên Bích Hợp rất thành thạo về khoa tâm lý vặt của phái nam. Thoáng nhìn nàng biết ngay họ ở vào giới nào, có tiền hay không, sau vài câu chuyện nếu người khách đáng cho nàng mất thì giờ thì chỉ độ mấy tiếng đồng hồ sau khách và Bích-Hợp sẽ trở nên đôi bạn thân. Bích-Hợp biết đánh trúng ngay vào lòng người bằng những câu nói, những cử chỉ hợp thời, hợp cảnh. Nàng lại thuộc nhiều câu chuyện dí dỏm học được của người này mang sang kể cho người khác bên cốc rượu hay trong những giờ êm vắng. Bích-Hợp biết an ủi, biết chiều chuộng, nhà nàng là nơi mà những tấm hồn nào thiếu bạn tâm tình đều có thể tìm đến.
Từ năm mười sáu, Bích-Hợp đã nổi tiếng là đẹp nhất vùng, vì đẹp nên các cậu trai không để cho mà học hành yên ổn. Cha mẹ mất sớm, ở với dì và dượng. Bà dì, đã không phải dì ruột lại còn mang chứng bệnh ghen. Bà ghen với người, với vật, ghen với tất cả những gì mà chồng để mắt đến. Tất nhiên, bên cạnh cô cháu gái xinh đẹp ấy ông dượng làm sao tránh khỏi rơi rớt vài cái nhìn. Thế là mới vào cái nhìn thứ ba, cô cháu đã được bà dì gọi vào phòng riêng ngọt ngào bảo: Chim có đủ lông đủ cánh đều phải đi kiếm lấy mồi, nhà bà không thể nào nuôi nổi một miệng ăn của người lớn. Đây có một số tiền cầm lấy mà đi sinh sống đâu thì đi.
Nghe dì nói, Bích-Hợp biết ngay rằng không phải vì nàng đã ăn nhiều hơn mấy năm trước mà vì một lý do khác. Đành phải vâng lời dì, Bích-Hợp cầm số tiền mang bọc quần áo đi thẳng ra ga mua vé tàu lên Paris.
Số tiền chỉ đủ mua cái vé hạng bét, còn lại thì phải tằn tiện lắm mới có thể sống trong vòng nửa tháng.
Nhan sắc cũng như tiền bạc lắm khi chỉ gieo họa vào thân, nếu Bích-Hợp không có nhan sắc thì đâu có bị ông dượng nhìn. Hay có xảy ra chuyện gì rủi ro cũng sẽ được một vài gia đình thương hại gọi về nuôi ăn ở, làm việc thế công. Nhưng Bích-Hợp trót mang vào thân một thứ nhan sắc rất khiêu khích cám dỗ, cái thứ nhan sắc quỷ quái mà khi ra đường từ già trẻ lớn bé ai cũng quay lại nhìn để rồi mỗi người theo dõi một ý nghĩ khác nhau, hoặc thèm thuồng, ghen tức hoặc mơ ước được như thế. Còn có bà vợ, bà mẹ nào dám rước của nợ ấy về nhà mình.
Paris tuy là nơi mà mọi người đều phải tranh giành miếng ăn rất gắt gao, nhưng Paris sẵn sàng thâu dụng tất cả những ai tài hoa nhan sắc. Nhờ thế cô thiếu nữ quê mùa bị dì đuổi vì trót đẹp, vừa lên Paris có mấy hôm mà đã tìm được việc làm ngay, đọc trong hai dòng báo nhỏ: Cần những thiếu nữ đẹp để làm chiêu đãi viên trong một hộp đêm ở Mông-Mác.
Có mấy loại đàn bà, loại không tham vọng chỉ ao ước một cuộc sống yên ổn, có đủ cơm ăn, áo mặc với một tấm chồng cho khỏi thua chị kém em. Loại thứ hai lúc nào cũng sùng sục những tham vọng, luôn luôn đòi hỏi tìm kiếm, cho mấy cũng chưa hài lòng. Ở giữa, hai loại ấy là loại Bích-Hợp, nàng muốn có công việc gì làm đủ tiền tiêu mà vẫn nhàn nhã, vài người nhân tình để được chiều chuộng. Bích-Hợp không đòi hỏi nhiều, biết rằng có đòi cũng chẳng được, miễn việc làm đừng vất vả lắm, để nàng có thì giờ mà trau dồi nhan sắc, thế là tạm đủ.
Hôm đến cho lão chủ xem mặt, Bích-Hợp thấy đứng trước mình đã sắp hàng cả chục thiếu nữ khác, cô nào cũng phấn son rực rỡ, quần áo đúng thời trang chỉ mình nàng là vụng về ngơ ngác. Bích-Hợp chưa biết cách trang điểm, chưa biết cách dùng những mầu sắc giả tạo để nâng thêm giá trị của nhan sắc mình. Bích-Hợp chỉ biết mở mắt nhìn lão chủ, mỉm cười với lão. Không ngờ cái nhìn và nụ cười quê mùa ấy mà lại được việc.
Lão chủ gầy như con tép, mắt sâu má hóp vì chỉ chuyên sống về ban đêm, đôi mày rậm, bộ râu mép dài ở giữa bốn cái vệt đen ấy nổi lên một cái mũi nhọn hơi quặp xuống giống cái mỏ két. Đôi mắt sáng – thứ ánh sáng láu lỉnh tinh quái chứ không phải thứ ánh sáng thông minh. Loại mắt bất lương xảo quyệt chưa hề từ chối một việc gì nếu việc ấy mang tiền đến. Thêm vào đấy còn một cái trán ngắn, tóc mọc xuống thấp và đôi môi dày, đôi môi tố cáo một tâm hồn tham ăn, tham uống, tham tất cả.
Các cô đến xin việc phải khai tên tuổi, quê quán, biết làm gì nhảy hay múa, có bao nhiêu áo đẹp. Xong còn phải đi mấy vòng trước mặt lão chủ để lão nhìn xem dáng đi có ăn khách không. Cô nào đi mà bộ đùi không khép chặt, lưng hơi gù hoặc đôi chân chỉa ra ngoài hành lang hình chữ V thì thôi, đừng hy vọng. Lão chủ là đàn ông, thuộc tâm lý khách, lão biết rằng chẳng có gì ế ẩm bằng một cô gái không biết cách đi, cách đứng, cách ngồi.
Trong số mười mấy tấm nhan sắc, lão khọm già để ý đến Bích-Hợp trước nhất, mặc dầu đáng điệu với cách ăn mặc chưa đúng là con gái Mông-Mác.
Sau khi chọn xong được ba cô, lão đợi các cô kia về cả rồi mới gọi cả ba vào phòng làm việc để huấn luyện cấp tốc, cho vào nghề nghiệp ngay.
– “Các cô nên nhớ vào đây trước hết là phải tâm niệm một câu, làm sao ép khách uống cho thật nhiều. Cho khách cái cảm tưởng rằng mình sẵn sàng chui tuốt vào giường họ, mặc dầu sau đấy mình có bận việc khác… Nếu khách có mời uống champagne thì thỉnh thoảng phải giả vờ vô ý làm đổ rượu, đánh vỡ cốc. Như thế để khách phải gọi thay cốc, gọi thêm rượu.
Xong phần lý thuyết khôn ngoan lại đến phần thực hành, các cô phải tập pha bao nhiêu phần nước trà với với bao nhiêu phần nước lạnh để giả whisky. Như thế các cô sẽ uống được những mấy cốc mà khỏi say trong khi khách cứ cong lưng ra giả tiền. Các cô không có quyền say, vì không phải chỉ có một người khách ấy mời các cô mà còn hàng chục người khác nếu có nhan sắc. Các cô lại phải biết hút thuốc, để rồi cũng giả vờ vô ý hay giả vờ say, say rượu hay say gì cũng được nhưng cứ gạt bừa tàn thuốc vào cốc đề rồi lại phải thay rượu, v.v…
Nói chung là các cô phải biết tất cả mọi mánh khóe bịp bợm trong nghề, nếu các cô đưa đến một người khách và nếu người ấy gọi một chai champagne thì các cô sẽ được bốn chục phần trăm tiền bán chai rượu ấy. Làm thế nào mà rượu càng mở nhiều càng tốt.
Nhưng không phải việc của các cô là chỉ có tiếp khách với uống rượu mà thôi đâu, những lúc vắng khách thì tất cả các cô phải dẹp nhan sắc lại mà xắn tay áo lên để rửa dọn, lau chùi, sắp đặt bàn ghế hệt như những tên phu phen chuyên nghiệp. Đừng mong có người nào đến phụ giúp.
Làm việc độ hai tuần, Bích-Hợp ăn đứt tất cả các cô gái khác vào nghề từ bao nhiêu năm trước nàng. Từ một cô gái quê, Bích-Hợp biến thành cây tiền của lão chủ. Lão rất tự hào ở cái tài nhìn người của mình, đêm nào Bích-Hợp ốm hay bận việc gì là y như số nút chai không chất đầy một cốc rượu, trái lại khi nàng có đấy, thôi thì rượu nổ như đêm hội. Ông nào cũng đến mời cô xơi với tôi một cốc. Tha hồ cho nàng ưỡn ẹo nũng nịu, nhất là vào lối hai ba giờ sáng, giờ mà đạo đức của mỗi người hay đi vắng. Gặp một ông già ngoài cuộc đời ban ngày cùng ông già ấy trong hôm đêm vào hai ba giờ sáng, ta sẽ thấy khác hẳn. Uống quên nghĩ đến tuổi tác và bộ gan sắp toác ra. Tiêu tiền quên nghĩ đến vợ con đang đợi để mua sắm cái ăn cái mặc hằng tháng.
Bích-Hợp lớn khôn dần trong hoàn cảnh bịp bợm ấy. Sau khi có đủ vốn liếng với những sự nâng đỡ khác Bích-Hợp thôi không làm với lão chủ nữa, nàng ra dựng riêng một cơ sở mới. Rút kinh nghiệm của bao nhiêu năm tháng lăn lóc.
Đã mấy lần Bích-Hợp thử lấy chồng xem cuộc đời có gì thay đổi, có gì khác lạ không nhưng nàng chỉ thấy bận rộn thêm rất nhiều mà thôi. Tính người đàn ông lúc nóng lúc nguội. Lúc thì vòi vĩnh như con cầu tự ; lúc thì đạo mạo như ông cụ già sắp chui xuống lỗ. Không ai hợp được với cái tính phóng khoáng của nàng
Lần nào thử thách cũng chỉ đưa đến sự thất bại, Bích-Hợp trở về tỉnh nầy mở một phòng tiếp khách.Từ sáu năm nay nàng sống rất yên ổn, khách lui tới toàn các sĩ quan cao cấp, các thương gia gặp thời nên tiền nong sòng phẳng hậu hĩ, người nào cũng ăn nói lịch sự và Bích-Hợp không có ý định đi đâu nữa.
*
Nhìn cái băng đen còn mới nguyên trên áo ông Long, Bích-Hợp thấy tội nghiệp, nàng muốn tìm lời an ủi, chưa biết nói câu gì thì người đàn ông đã lên tiếng trước:
– Tôi muốn trốn những gì đang đợi cho tôi hình ảnh…
– Em hiểu.
Bích-Hợp nói như cái máy khi được bấm đúng vào nút điện chứ quả thật nàng không thể nào hiểu được và có lẽ rất nhiều người không hiểu được. Trong lòng Bích-Hợp vừa chớm một chút khinh ghét chung tất cả đàn ông và ghét riêng con người đang đứng trước mặt mình.
Bích-Hợp chẳng biết làm gì hơn ngoài sự đi đến tủ rượu pha một cốc rượu mạnh mời khách và một cốc nước chanh cho mình. Hy vọng rằng men rượu sẽ đưa đến một lối thoát.
– Anh xơi cốc rượu ấm…
– Cảm ơn bà, tôi phải uống, uống thật nhiều…
– Ngày mai người ta sẽ nghĩ gì về anh lúc biết anh ở nhà em đêm nay. Anh có sợ…
Ông Long lắc đầu.
– Người ta hiểu sao được. Không phải ai cũng góa vợ, mà ngay đến những kẻ đã trải qua, mỗi người một hoàn cảnh, một tính nết.
Nói xong ông Long cảm thấy mình trơ trẽn, việc gì phải đi biện bạch với một người xa lạ.
Bích-Hợp không nghĩ thế, câu nói của ông Long giúp nàng bớt bối rối, nàng đang muốn tìm một câu gì cho hợp tình, hợp cảnh nhưng chọn mãi chưa ra câu nào thông minh. Tuy đã dọn sẵn mấy câu: “ở đời ai học được chữ ngờ”, hoặc “đời là một cái quán trọ”, câu này nàng học được của một ông nhân tình theo đạo Phật, trong buổi nói chuyện nàng nhớ mãi vì thấy câu ấy nghe có vẻ rất cao siêu triết lý. Còn một câu thứ ba là gì nàng không nhớ rõ nhưng cũng đại khái như thế.
Bàn tay Bích-Hợp cứ xoay mãi cốc nước chanh, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn người đàn ông.
– Đáng lẽ tôi không nên đến đây làm phiền bà…
– Có sao đâu, em chỉ sợ người ta dị nghị anh.
Ông Long nhếch mép tỏ vẻ không cần, mắt vẫn nhìn thẳng vào quãng trống, đầu óc không ngừng gào thét những câu hỏi, tại sao lại đến đây tại sao hèn yếu đến thế. Sau cốc rượu rồi thì sẽ làm gì, về hay ở.
Thời gian như đứng lại, Bích-Hợp đưa tay lên che miệng để dấu một cái ngáp, cử chỉ cố làm ra kín đáo nhưng sự thực thì nàng đã hơi buồn ngủ.
– Chắc bà mệt?
– Không sao, còn sớm…
Bích-Hợp nói gượng, nàng chỉ cầu mong cho ông khách quyết định, ngủ lại hay đi về. Người đàn bà trên bốn mươi tuổi không muốn thức đêm, sợ những nét nhăn sẽ vạch hằn sâu lên trán, lên mép, lên đuôi mắt. Lúc nầy chính là lúc cần phải tranh đấu quyết liệt nhất với thời gian. Bích-Hợp đã chán chường những cốc rượu mạnh làm cồn cào ruột gan, những làn khói thuốc phì phèo trên môi, những cốc cà phê đen uống để thức suốt đêm. Bích-Hợp chán lắm rồi, cỏ ai ở hoàn cành nàng mà không chán.
– Bà cho phép tôi ở lại đêm naỵ.
Bích-Hợp thở dài một tiếng, nàng chỉ chờ có thế, gặp mãi những hoàn cảnh tầm thường, nghe mãi những lời tán tỉnh rỗng tuếch, đêm nay lạ lùng hơn mọi đêm. Bích-Hợp nhất định sẽ trổ tài, sẽ giúp cho người đàn ông bớt cô đơn. Mỗi người làm nghề gì rồi cũng đâm ra yêu nghề và càng ngày càng muốn tìm kiếm những sự khó khăn để thử tài, thử sức.
Nằm trên giường rồi Bích-Hợp cảm thấy có gì lành lạnh sau lưng. Đôi cánh tay mới hôm qua còn ôm cái xác cứng đờ lạnh ngắt, bàn tay đã vuốt lên mắt, lên mặt của người chết, eo ôi thế mà bây giờ bàn tay ấy và đôi cánh tay ấy đang nằm gần sát vào thân nàng. Muốn khỏi nghĩ vẩn vơ người đàn bà hỏi lên một câu.
– Anh có buồn không?
Bích-Hợp ngượng ngùng lắng nghe giọng nói đầy vẻ thân mật của mình đang chìm vào không gian, lúc nãy trước khi vào giường giọng nàng có vẻ khách sáo hơn, dè dặt hơn. Cái giường là xứ sở của sự thân mật.
Không nghe tiếng ông khách trả lời Bích-Hợp hơi ngạc nhiên nhưng cũng đành im lặng theo. Ngọn đèn nhỏ nằm gọn trong chiếc lồng hình mảnh trăng non, màu đen cũng bắt chước cái điệu xanh xanh huyền ảo giống hệt ánh trăng, ánh đèn chưa tắt nên Bích-Hợp có thể liếc nhìn nét mặt khắc khổ lạnh lùng của khách. Tiếng thở dài cứ thườn thượt ra làm Bích-Hợp cũng bắt chước thở dài theo.
– Anh làm em cũng đâm buồn.
– Bà tha lỗi.
Giọng khách vẫn lạnh lùng không thay đổi như lúc mới đến còn ở nhà ngoài, cái giọng gì mà khó chịu chỉ làm cho Bích-Hợp mỗi phút mỗi thêm ngượng nghịu, nàng tự bảo thầm: «con người kỳ quặc, vợ mới chết thì đi tìm cánh tay khác, vào đến giường thì chỉ nằm mà thở dài»
Ban nãy Bích-Hợp vẫn tưởng đây là một trò chơi khó xứng với sức của một người lão luyện như mình không ngờ. Thì ra những lời tán tỉnh những câu chuyện hài hước vẫn dễ tiêu hơn. Nàng thường bảo rằng mình là người đàn bà biết điều khiển hoàn cảnh, đêm nay gặp cái hoàn cảnh lạ lùng, nàng đành chịu lúng túng mãi chưa tìm được một lối thoát.
Ngập ngừng một lúc, người đàn bà đưa bàn tay vuốt nhẹ lên mái tóc của ông Long rồi từ từ kéo sát người đàn ông vào mình. Ông Long không tỏ vẻ chống cự cũng không ngoan ngoãn như những người khách thường.
– Anh làm em cũng đâm buồn theo.
Bích-Hợp nhắc lại câu nói ban nảy vì chưa tìm ra được câu gì khác. Lần nầy ông Long hơi nhích lại gần người đàn bà, cánh tay ông vừa đưa qua định khoác lên tấm thân nhỏ bé ấy thì bỗng như có một luồng điện giật, ông Long rút vội cánh tay về làm Bích Hợp mất cả bình tỉnh.
– Anh buồn đến thế sao còn tìm lại đây.
– Bà tưởng rằng vì không buồn mà tôi đến đây hay sao?
Câu trả lời nầy quá sức hiểu biết của Bích-Hợp, những bài học triết lý rẻ tiền mà nàng đã thâu tóm được trong bao nhiêu cánh tay khác góp lại cũng không đủ sức giúp nàng hiểu nổi?
– Anh muốn gì?
– Muốn quên, muốn nhớ, muốn tìm lại người đã chết.
– Muốn tìm người đã chết sao không ra bài tha ma mà tìm.
Bích-Hợp bật cười lên thành tiếng, cái duyên của nàng ở đấy. Lúc nào câu chuyện đi đến chỗ gay cấn thì nàng tìm đến giọng cười để thoát. Giọng cười hơi khàn khàn do khói thuốc, do rượu mạnh và do những đêm thức trắng để nói chuyện và nghe chuyện của mấy ông nhân tình. Các ông ở nhà thường vẫn bị các bà vợ yêu quý dành nói hết phần nên mới tìm đến những chỗ này. Tất cả mấy thứ ấy đã tạo cho Bích- Hợp một giọng cười vật chất, quyến rũ. Biết thế nên mỗi khi gặp dịp là nàng cười lên ngay và cái thứ khí giới ấy lúc nào cũng mang thắng lợi về phần nàng. Cục diện biến đổi liền sau đó.
– Bà tha lỗi cho tôi
– Đã vào đây sao anh không gọi em là Hợp, là Bích hoặc là em…
Người đàn ông lại nhếch mép, ông nào đâu có ý định đến để tán tỉnh, nếu rượu mạnh và thêm vào đấy sự lôi cuốn của một người đàn bà đủ sức giúp ông say trong một lúc và may ra sau đó giấc ngủ mệt nhọc sẽ đến tiếp liền, như thế ông sẽ thoát khỏi cái đêm đầu tiên ghê sợ. Ngày mai ông sẽ hối hận, sẽ mệt mỏi, nhất định cái giường với gian phòng ở nhà sẽ không bắt ông phải lẩn trốn như đêm nay.
*
Trả tiền xong, ông Long quay gót đi, không muốn nhìn thêm một phút, một giây cái nét mặt, cái thân hình và cái gian phòng mà mình đã tìm đến đêm qua để trốn sự cô độc.
Ra khỏi nhà Bích-Hợp, ông Long thấy trời còn sớm nên định đi thẳng lên nghĩa trang. Một chiếc xe taxi vắng khách lái ngang chầm chậm, ông Long đưa tay vẫy, nghĩ thầm đây có lẽ là ý muốn của vợ xui khiến ra như thế. Sự thật thì các bác tài xế rất khôn ngoan đã chờ đón trước cái giờ xuất đầu lộ diện của mấy ông khách đứng đắn nầy.
– Đi đến nghĩa trang.
Người tài xế quay lại nhìn khách, đôi mắt hấp hem tỏ vẻ ngạc nhiên thầm đặt câu hỏi: thằng cha nầy chắc điên rồi, ở nhà ấy chui ra mà đến nghĩa trang làm gì. May nhờ có chiếc băng đen to tướng mới nguyên với đôi mắt thâm quầng của khách đã phân trần hộ.
Người tài xế thoáng hiểu, lặng lẽ đưa tay ra ngoài vặn công tơ cho tiền lên rồi đạp ga đi thẳng về phía nghĩa trang.
– Suốt đêm nay em đã ngủ một mình dưới mộ.
Ông Long nói khẽ chỉ đủ mình nghe. Từ xa những vòng hoa phủ kín ngôi mộ của vợ tươi rực lên, không như chiều hôm qua. Sau một đêm sương, bông hoa nào cũng tỉnh hẳn lại, hệt như các cô thiếu nữ sau một đêm dài được ăn ngủ đầy đủ. Bông hoa nào cũng mơn mởn tưởng như mình còn nằm trong lọ sứ của hiệu bán hoa. Nếu biết thân phận mình chỉ là những vòng hoa tang, hẳn các cô nàng sẽ bớt vênh váo lên như thế.
– Liên tha lỗi cho anh.
Đấy là câu nói đầu tiên khi ông Long đứng trước mộ vợ. Tai ông vang lên giọng cười của Liên. Giọng cười trong sáng dòn như những tiếng ngọc rơi, khác hẳn với giọng cười của người đàn bà đêm hôm qua, hai cuộc sống không giống nhau thì giọng cười làm sao mà giống nhau.
Ngày xưa mỗi khi ông Long làm gì để vợ buồn thì chỉ cần có mỗi một câu “Liên tha lỗi cho anh” là giọng cười tươi sáng ấy vang lên chấm dứt hết những sự hiểu lầm trong giây lát.
Vô lý, người có giọng cười tươi như thế, trẻ trung như thế mà sao lại yểu mệnh, toàn nét mặt và dáng dấp của Liên chẳng có tướng gì là tướng đời ngắn ngủi.
Đòi mắt ông Long chăm chú vào những đóa hồng phơn phớt hình ảnh người vợ mặc tấm áo hồng, chiếc áo ông đã cùng vợ đi chọn mua, chiếc áo ông đã mặc cho vợ lúc đặt vào hòm.
Trên đường về, vì không đón được xe nên ông cứ thế chậm rãi bước. Biết rằng hôm nay có đến phòng làm việc cũng chẳng ích gì, ông muốn tránh những lời chia buồn nhạt nhẽo của các bạn cùng sở. Có gì vô duyên bằng, vui mới chia chứ buồn thì chia sao được, vui còn đưa nhau đi ăn uống.
Vào đến nhà thấy người ở đã dọn dẹp lau quét xong. Tuấn cũng đã thức dậy đang ngồi ăn sáng. Tội nghiệp thằng bé từ nay bắt đầu bước vào đời không có ai bên cạnh để dìu dắt. Ông Long biết trước rằng mình sẽ bất lực, làm sao thay thế được Liên.
Người cha, theo ông vẫn nghĩ thì chỉ có đi làm việc để mỗi tháng mang tiền về. Đồng tiền ấy phải do người vợ điều khiển mua sắm các thứ, từ quần áo quà bánh cho đến hạnh phúc, sự bình tĩnh trong tâm hồn, một bát canh ngon, chiếc khăn trải giường thơm mùi nắng, một nụ cười khỏe mạnh của đứa con. Tất cả đều do sự khéo léo của người vợ. Những bà vợ không biết cách mua sắm đã để cho cái quỹ gia đình thiên lệch nên hạnh phúc cũng vì thế mà lệch theo.
Cả một nghệ thuật tinh tế mà ông Long tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ đạt đến nơi. Từ nay Tuấn sẽ phải tự lo liệu lấy, sẽ thiếu thốn rất nhiều. So sánh mình và con, ông Long không biết ai khổ hơn, ai đáng thương hơn. Nhưng bổn phận sẽ nhiều hơn về phần ông, hẳn thế.
PHẦN I
Tiến >>
Lê Thy đánh máy từ sách của MyNgoc Vota gởi tặng
Nguồn: Baovecovang
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 11 tháng 11 năm 2024