Kể Xong Rồi Đi

nguyễn bình phương

Chương 1

Cậu không nên cuống cà kê như thế, mới chỉ có hơn một ngày thôi, ừ thì đúng, thì tất nhiên là tớ phải báo chứ, có điều cứ thong thả hẵng, vội cũng chẳng giải quyết được gì. Nhìn lại mình đi kìa, Phốc, mặt cậu cứ hếch lên, đuôi cụp cum như cành lau gãy, thảm quá thể là thảm.

Tớ đi đây, đi ngay đây, nhưng cậu phải nhớ dựng cái đuôi lên cho đàng hoàng nhé. Nhân cách của cậu nó nằm cả ở chỗ ấy đấy.

Người đầu tiên mà tớ báo là ông Trần, phó chủ tịch cựu chiến binh phường. Biết rồi, nhà ông ta ở đúng ngã ba đường đi Túc Duyên với Âm Hồn, tớ còn lạ gì.

Thú thực, bấm chuông xong tớ hơi ngài ngại vì chẳng khoái ông này lắm.

Phốc ạ, phó chủ tịch cựu chiến binh phường không thân với Đại tá đâu, mà anh trai của ông ta, ông Trinh tên lửa, mới thân thiết cơ. Nếu ông Trinh vẫn sống thì tớ sẽ báo cho ông ấy, còn khươn mới đến lượt cái ông Trần quắt xà lai này.

Cậu có biết vì sao ông Trinh lại được gọi là ông Trinh tên lửa không? Là bởi vì hồi chiến tranh ông ấy ở trong đơn vị tên lửa bảo vệ vùng trời Thái Nguyên. Hết chiến tranh, ông Trinh giải ngũ làm nghề hàn xoong nồi ở ngay cổng chợ. Tớ còn nhớ lúc nào ông ấy cũng đeo kè kè cái điếu cày bên hông như công an đeo súng lục. Hằng phiên, vào ngày ba và ngày tám, ông ấy đến từ sớm, trải mảnh vải bạt cũ kỹ ra, bày lên đó một cái đe, mấy chiếc búa to nhỏ khác nhau, một chiếc hộp vuông, cỡ bao thuốc lá Tam Thanh, một cái bếp đun bằng dầu hỏa và những đồ cần hàn gắn, vá víu của khách hàng. Ông Trinh làm nhanh, thoăn thoắt, miệng dẻo quẹo, vừa làm vừa quảng cáo. Ông ấy lấy ra một thỏi thiếc tròn, dài đúng bằng điếu thuốc lá, chặt mẩu nhỏ, dùng chiếc kẹp sắt kẹp mẩu đó, hơ lên lửa rồi đệm vào chỗ thủng, dùng búa tán cho cái mẩu thiếc tràn ra lấp kín vết cần vá. Công đoạn cuối là đổ ít nước vào cái nồi đã được hàn ấy, cho lên bếp dầu đun để chứng minh nó có thể dùng y như trước. Phần lớn mọi người đều biết kiểu hàn của ông Trinh chỉ là tạm bợ nhưng vẫn phải đến chỗ ông ấy vì có bói cũng chẳng tìm được nơi nào khác.

Đại tá với ông Trinh quen nhau từ lần bác ấy mang cái ca thủng ra thuê hàn lại. Trong lúc kẻ làm người chờ, họ nói chuyện rồi mới vỡ lẽ ra đều là cựu binh với nhau. Một là bộ binh vào Nam, một là lính phòng không không quân đánh trận tại quê nhà. Đơn vị ông Trinh nghe đâu chiến đấu cũng ra trò, lập nhiều thành tích, nhưng chẳng hiểu giời xui đất khiến thế nào, năm bảy mốt lại bắn nhầm phải một chiếc MiG của ta khiến phi công thiệt mạng. Thế là bao nhiêu tự hào, bao nhiêu oai hùng bay biến cả, chỉ còn lại cái mặc cảm âm thầm dù chẳng ai khiển trách. Cũng bởi mặc cảm ấy cho nên ông Trinh trở thành người dễ bắt nạt. Đại tá của bọn mình đã bênh ông ấy khi ông ấy bị tay quản lý thị trường đòi tịch thu đồ nghề do không chịu nộp thuế môn bài. Chẳng hiểu bác ấy nói gì mà tay quản lý thị trường đang hùng hùng hổ hổ tự dưng chuyển sang tái mặt bỏ đi giật lùi. Mấy hôm sau, ông Trinh dắt theo chú em trai vừa giải ngũ, mặt mày xẹp lép, ngơ ngác đến nhờ Đại tá dìu dắt để không bị thiên hạ chèn ép. Đó chính là ông Trần, phó chủ tịch cựu chiến binh phường.

Kìa ông Trần đang ra. Loắt quắt lê đôi dép tổ ong màu cháo lòng, thấy tớ, ông ta có vẻ thất vọng, hất hàm hỏi có việc gì. Tớ bảo hôm qua Đại tá bị đột quỵ phải vào cấp cứu ở viện đa khoa, hiện rất nguy kịch. Ông Trần nghe xong, bình thản nói tuổi già như lá rau xà lách, quăn queo, rúm ró, dễ gãy, không việc gì phải hốt hoảng.

- Thế thằng Thảnh đâu mà để cậu đi. Anh em nhà này chẳng có lễ có nghĩa gì.

Qua song cửa cao và dày, khuôn mặt nhỏ bé của ông ta bị chẻ ra làm ba mảnh không đều. Tớ tò mò hỏi Ông Trần xem lễ nghĩa có liên quan tới lá xà lách không mà ông ta nhắc tới cả hai cùng một lúc.

Phó chủ tịch cựu chiến binh phường bực bõ phẩy tay, cun cút đi vào nhà, sau đó nói vọng ra rằng cánh cựu chiến binh của ông ta thì để ông ta lo, đừng có ai lanh chanh làm loạn xị lên.

- Đi mà báo cho bà Lan ấy.

Giọng nói không kèm theo người nên nghe nó khác hẳn, béo tốt, mậy màng hơn.

Tớ bỏ đi nhưng vẫn kịp nhìn thấy trong nhà bức ảnh của ông Trinh tên lửa thấp thoáng trên bàn thờ.

Bà Lan, bà Lan, làm sao tớ bỏ qua bà Lan được. Đấy là bà bạn thân của Đại tá, không báo thì chết với bác ấy, cậu công nhận không. Tình bạn của bà Lan với Đại tá nhiều lúc cũng gây tò mò cho mọi người. Có lần tớ đã chứng kiến Lĩnh hỏi thẳng Đại tá và bác ấy đáp rằng bọn họ chơi với nhau vô tư đến mức chưa hề thay đổi ánh mắt, chưa hề chạm vào nhau, dù chỉ là qua cái bắt tay.

Khác với phó chủ tịch cựu chiến binh phường, bà Lan tỏ ra thất thần khi đón tin tớ báo. Bà Lan cũng khác phó chủ tịch cựu chiến binh phường ở chỗ bà ấy gọi hẳn tớ vào trong nhà, cho quạt điện hướng về phía tớ và pha mời tớ một cốc nước chanh tươi đàng hoàng. Nhìn cái quạt cây màu xanh nõn chuối tớ lại nhớ Lĩnh. Nhà vợ chồng Lĩnh cũng có một cái y như thế.

Nếu bà Lan mà là Lĩnh thì tớ sẽ nằm lăn quay ra ở đây luôn cho suông.

Chính tớ cũng không để ý tên cái khoa mà Đại tá nằm cho nên hơi ớ ra khi bà Lan hỏi. Để chữa ngượng, tớ nói bừa là bác ấy ở khoa cấp cứu, ai dè bà Lan gật đầu bảo con một người bạn của bà làm trưởng khoa ở đấy, tên là Oanh hay Oánh gì đó.

Này Phốc, tóc bà Lan bạc xen nhau, cứ một sợi bạc một sợi đen, đệm giữa hai sợi ấy là sợi màu miến khô, cho nên tớ thấy cả mái tóc của bà ấy nó cứ giống cốc cà phê sữa đang bị rót tuột xuống.

- Có nghe nó gọi không?

Tớ hỏi, muốn vặt một quả của nải chuối để trên bàn, nhưng bà Lan lại đưa cho tớ cái oản bọc ni lông đỏ nhóng nhánh như cục máu tươi.

- Cậu bảo ai gọi cô?

Tớ ngắc miếng oản cho nó xuôi xuống rồi mới trả lời. Tớ bảo tớ nói nhầm, thực ra ý tớ muốn hỏi bà ấy gội dầu gì mà tóc giống Lĩnh thế, lúc nào cũng rờ rẫm, lay động. Xem ra bà Lan ngạc nhiên ghê gớm vì mắt mở to hết cỡ, miệng há ra, vươn cổ về phía tớ. Khi tớ nói xong thì đã thấy hai tay bà ấy nối nhau vuốt ve mái tóc của mình từ lúc nào. Hai bàn tay thành hai cái lược, hai cái lược sừng loang lổ, cứ cào lên cào xuống cần mẫn trên mái tóc bạc man dại, tang tóc.

- Ông ấy đã hứa với cô một việc, thế mà...

Phần bỏ lửng là một tiếng thở nhẹ, kín đáo đến mức không thể nghĩ đó là tiếng thở cậu ạ. Người độc thân ai củng thở nhẹ, ai cũng lắm đồ ăn vặt.

Bà Lan hỏi lúc Đại tá bị thì tớ có ở đấy không, hỏi mà cứ nhìn chằm chằm vào tớ như muốn tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc ông bạn mình đột quỵ.

Kỳ thực khi ấy tớ đang dọn dẹp ngoài sân, có cả cậu nhắng nhít chạy đi chạy lại bên cạnh, đúng là có cậu, nhỉ, còn Thảnh thì cũng vừa mới ra về được mấy phút. Nghe tiếng đổ trầm đục bất bình thường, bọn mình chạy vào đã thấy Đại tá nằm ngoẹo trên nền nhà mắt mở to, mồm há ra như thiếu không khí...

Bà Lan nói, giọng sẻ chia, từ tốn, không giống với ánh mắt săm soi lúc trước, rằng dạo này bà ấy cũng linh cảm không ổn lắm vì thấy Đại tá lẫn nhanh quá. Tớ đoán bà ấy nhớ cái vụ Đại tá gọi lẫn tên bà ấy thành bà Ngải đây mà. Theo cậu bà Lan đã biết chuyện hôm sinh nhật thằng Tuyên chưa? Tớ thì tớ cho là chưa, vì chẳng ai trong gia đình dại gì nói ra với bà ấy cả.

Bà Lan ơi bà Lan, bà mà chẳng biết chuyện đó thì chắc gì đã phải là bạn thân của Đại tá cơ chứ.

Quay về, tớ đếm bước chân mình và nhận ra đếm bước không phải là dễ, chỉ khoảng trên trăm là sẽ chấp chới chực tan loãng đi vì những thứ khác đun đẩy nhau ngoi lên. Bước thứ một trăm hai mươi hay ba mươi gì đó thì tớ gặp giấc mơ đêm qua.

Đêm qua tớ lại mơ thấy một con mắt long lanh như giọt nước, nó nhìn tớ chằm chằm, cứ nhăm nhe nhảy xổ vào khiến tớ sợ quá ngã bổ chửng ra, dạ dày héo quắt lại.

- Này, thằng kia.

Thảnh cũng vừa đi đâu về, đang lạch cạch mở khóa cửa, thấy tớ liền ngoắc tay gọi. Tớ còn hơi chần chừ thì mưa đột ngột đổ xuống nên vội theo chân Thảnh vào nhà. Nhìn mưa nhảy múa trên vỉa hè, tớ nôn nao quá thể là nôn nao.

Thảnh háo hức cho tớ biết là anh ta vừa nhận tin sáng mai vợ chồng Vân sẽ lên đây. Tớ nào có thèm quan tâm tới vợ chồng ai, tớ chỉ quan tâm tới Lĩnh thôi, tớ muốn mọi người gọi Lĩnh về.

- Không về thì chắc gì đã đi được.

Tớ bảo vậy. Thảnh ráo riết gặng hỏi tớ muốn ám chỉ gì khi nói thế, nhưng tớ không đáp bởi tớ chẳng ám chỉ gì cả. Đâu phải cứ mở miệng là có ám chỉ, cậu nhỉ.

Mưa đột ngột tạnh như lúc đổ xuống. Có thể nó tạnh vì biết nếu kéo dài thì tớ sẽ tan chảy mất.

Ra khỏi cổng nhà Thảnh, tớ nhìn thấy một bầu trời nghèo nàn, tẻ nhạt. Lắm lúc tớ cứ nghĩ trời cũng hao hao người, cũng khi này khi nọ, lúc xênh xang, lúc úi xùi, chẳng biết đâu mà đoán trước.

Chiếc xe lại xuất hiện cậu ạ. Sặc sỡ, chầm chậm, kẽo kẹt với những cuộn khúc dữ dội, thê lương, nó tiến về phía tớ. Có một vài quầng không khí xám nhạt vờn quanh, chính xác hơn là bị cuốn theo, hai bên bánh xe. Cái mái vẩy vàng, dĩ nhiên là vẽ thôi, uốn cong, bốn xung quanh có rèm rủ lay động lờ lững.

Mặt đường quắc lên dữ tợn như dòng sông.

*

Đuôi cậu vểnh dựng thế kia là oách rồi. Phải thế chứ Phốc, trong lúc tớ đi thì cậu đã tự vực được mình cứng cáp lên.

Để ý nhé, bọn họ đang nhìn đấy, nhìn ra từ bức ảnh ố vàng với viền răng cưa treo trên tường. Hầu như ai cũng cố gắng tập trung giữ cho đầu thật thẳng với thân, nhưng do áo quần nhàu nhĩ cho nên cả tập thể vẫn là một đám trệu trạo, dù rất chặt chẽ. Đại tá đứng hàng đầu, ở giữa, hai người đứng hai bên bác ấy đều là dân Tuyệt Sơn. Tớ ấn tượng với người phía bên trái Đại tá vì đấy là người mà bác ấy bảo bác ấy không ưa nhưng cũng không thể quên. Tên người ấy là Tình. Đại tá không ưa Tình là vì có lần đánh vào căn cứ địch, Tình lấy được một cái cặp da căng phồng tiền. Thấy mọi người tò mò, Tình liền bảo đó là tiền Campuchia, chỉ giữ lại để sau này làm kỷ niệm chứ chẳng tiêu được. Thật không may cho Tình, trong đơn vị lại có người bố làm cán bộ ngành thương nghiệp nên người ấy biết đó là đô la Mỹ. Chuyện đến tai sư đoàn, sư đoàn điện cho tiểu đoàn, thế là Đại tá phải thân chinh xuống đại đội tìm hiểu. Lúc bác ấy đến, đại đội đang xả thịt một con voi rừng, Tình mặc quần đùi, cởi trần, rúc hẳn người vào trong bụng voi để mò lấy quả tim. Nghe gọi, Tình nhoài ra, miệng ngậm ngang con dao găm, hai tay khệ nệ ôm quả tim voi to như chiếc ba lô lèn căng, người ngợm, đầu tóc dây máu đỏ lòm, nhớp nháp. Đại tá hỏi Tình lấy cặp tiền để làm gì thì Tình đáp để mai này nếu trở về được, sống sẽ dễ chịu hơn.

Hòa, người đứng bên phải Đại tá thì ngược lại. Anh ta được Đại tá để ý tới vì bố anh ta là thầy Quyền, người nức tiếng khắp vùng Tuyệt Sơn. Rỉ tai cho riêng mình cậu biết, dạo nhỏ tớ đã từng nhìn thấy nhũng tờ giấy xanh đỏ lòe loẹt của ông thầy Quyền nhưng tớ chẳng hiểu ông ta dùng để làm gì. Đại tá quý Hòa tới mức có lần bác ấy hứa sau này nếu sống sót trở về thì nhất định sẽ gả Lĩnh hoặc Vân cho anh ta. Khi được nghe lại chi tiết này, Khuất nói nhỏ với tớ và Hoành là Đại tá có máu bốc đồng chứ không hẳn lúc nào cũng chúi chắn như mọi người vẫn tưởng. Bằng chứng Khuất đưa ra là bác ấy cũng đã từng hứa làm thông gia với ông Văn từ hồi ở mặt trận dù chẳng biết con ông ta mặt mũi, tính tình thế nào.

Lần đầu tiên Hòa gặp lại Đại tá, sau mấy năm bác ấy chuyển về thành phố, anh ta vẫn gọi bác ấy là thủ trưởng. Đại tá nài nỉ Hòa nên gọi bác ấy là chú cho thân mật vậy mà anh ta nhất định không nghe. Khi ấy tớ rất khó hiểu về thái độ ương bướng của Hòa, mãi sau này thì tớ mới hiểu là có nguyên nhân của nó cậu ạ.

Dạo tám sáu hoặc tám bảy gì đó, nhân dịp sang lại Tuyệt Sơn dự đám tang bà Lài, Đại tá có ghé vào chơi với Hòa, nhưng anh ta đi vắng. Vợ Hòa hơi thấp, bù lại nước da trắng như bột lọc, tóc dài đen óng, đặc biệt đôi mắt và cái miệng rất có duyên. Nếu chị ta mà cao hơn chút nữa thì gần giống với Lĩnh. Tớ ngạc nhiên vì giọng chị ta hơi lơ lớ như ngắn lưỡi mặc dù thần thái hoàn toàn bình thường. Người ngắn lưỡi trên mặt bao giờ cũng có nét tù đọng, cậu cứ nghiệm mà xem. Biết Đại tá là thủ trưởng cũ của chồng mình, chị ta tiếc rẻ bảo Hòa lên Lạng Sơn thăm mẹ chị ta, tranh thủ bắt bệnh cho mấy người trên ấy nữa.

Lúc đó tớ mới hiểu vì sao giọng vợ Hòa lơ lớ, có điều không biết cụ thể chị ta là người Tày hay Nùng. Trong nhà, ở gian giữa, vây quanh bộ bàn ghế để mộc khoe những đường vân lượn sóng tuyệt đẹp là đồ đạc bừa bộn với trăm thứ bà rằn, bao tải, thùng phuy, chậu nhựa và một đống lớn rễ cây cành cây lá cây khô chất ở góc nhà. Tớ để ý thấy trên tường treo một khung kính to, trong đó lồng nhiều ảnh nhỏ chen chúc nhau vây quanh bức ảnh Hòa mặc quân phục mới toanh, tay chống hông tươi cười đứng trên nền phong cảnh núi non lổ đổ cao thấp, đậm nhạt. Đó là loại ảnh trắng đen được tô màu, trông thiếu đượm đà, giống như người mất máu. Vừa rót nước mời khách, vợ Hòa vừa tranh thủ quảng cáo

Tự dưng tớ nhớ Ao Làng. Cũng chẳng phải, tớ nhớ hình ảnh những con sóng lăn tăn của nước ao rợn vào cái xác người cởi trần, quần dài, nằm oặt ngay sát mép Ao Làng thì đúng hơn Phốc ạ. Vụ ấy không tìm ra thủ phạm, nhưng tớ biết người bị chém chết vì tớ đã nhận ra hình xăm trái tim ở bắp tay phải của anh ta. Tớ nhớ lúc ấy vào quãng sẩm tối, tớ từ nhà ông Chính về sau khi mang trả cái bom xe đạp mà Thảnh mượn. Qua bờ mé trái của Ao Làng thì tớ thấy hai người mồm ngấu nghiến gắn chặt mồm như bị dính nhựa mít. Tới gần, tớ nhận ra người con gái là Lĩnh, vì Lĩnh hướng mặt về phía tớ, còn người con trai thì cởi trần, quay lưng lại cho nên tớ không nom được mặt, chỉ thấy trái tim xanh đen nơi bắp tay và tớ đoán đó là anh Phần, người yêu của Lĩnh. Tớ hẫng ở lồng ngực và buồn ghê gớm, ý tứ đi men phía bên trong hàng rào để hai người khỏi nom thấy tớ. Nhưng ra đến ngã ba thì tớ gặp anh Phần áo vắt vai, mặt đỏ rực khệnh khạng đi ngược lại phía tớ. Anh Phần bảo tớ: "Con chị họ mày nó cho anh rớt mấy hôm nay rồi. Mẹ nhà nó." Tớ lẳng lặng né sang bên nhường đường cho anh Phần. Khi ngoái theo, tớ phát hiện tay anh ấy không có trái tim nào. Về nhà, tớ ngồi ở đầu hồi hóng mãi chẳng thấy Lĩnh về, hóng đến nhức hết cả hai thái dương, rồi tớ lơ mơ hình dung tớ trôi đi đâu đó, nổi nênh, chòng chành...

Bây giờ mọi thứ cũng nổi nênh, chòng chành... Những cành gầy guộc màu đen nhạt vờn trên vai tớ, bám hờ hững vào hai bắp chân tớ, bám lên đùi và cả người tớ loang lổ một cái cây màu đen nhạt điểm những chấm đỏ đòng đọc. Im ắng lan rộng đáng ngờ. Nó nuốt biến mọi thứ, bắt đầu từ hai cánh tay, xương đòn chéo biến mất, lồng ngực và cột sống biến mất, chỉ còn lại quả tim to bằng cái ba lô lèn căng bồn chồn chống cự mãnh liệt. Cửa nhà Rồ liu riu, êm đềm với những viên gạch sáng đục sau lớp vữa sần sùi... Gió thổi bật tung tớ ra phía sau cùng với tiếng gầm như đá vỡ: Địt mẹ mày, lại thế.

Hình như là giọng của Rồ chồng.

Chương 1

Tiến >>

Scan & Đánh máy: Mọt Sách & Ct.Ly
Nguồn: NXB Hội Nhà Văn, 2022
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 1 tháng 1 năm 2025