Một Quãng Xuân Thì

như hoa ấu tím

NGỎ & TỰA

Tên thật: Chu Thị Như Hoa.

Bút Hiệu: Ấu Tím - Ngô Đồng - Vũ Thần Ưng.

Tuổi Thiên Xứng.

Cộng tác: Văn, Văn Học, V-Times (San Jose),

Việt Nam Nhật Báo - Đặc San Đa Hiệu,

Đặc San Sương Nguyệt Anh, Đặc San Sóng Thần, Tạp Chí Nguồn.

Các website: Đặc Trưng, Phụ Nữ Việt,

Việt Báo (diễn đàn dành riêng Sương Nguyệt Anh).

Định cư và cư ngụ tại California từ năm 1991, cùng chồng và các con.

.

NGỎ

Nói và kể

Thích và viết

Là tôi.

Tôi hay nói như khướu

Tôi hay viết như tập:

- O tròn như quả trứng gà

- Ô thời đội mũ

- Ơ thời thêm râu

Mỗi ngày tôi tập viết

Mỗi ngày tôi tập kể

Chuyện chung quanh,

dưới đất trên trời

Lắng nghe tôi có gió

Hiểu chuyện tôi có mây

Êm đềm chiều thinh lặng

Vần vũ đêm bão giông

Chuyện tôi như cuộc đời đã thế

Buồn – Vui – Sướng – Khổ

Trên tất cả là hơi thở vẫn còn

Để còn kể cho nhau nghe

Để còn viết cho nhau đọc

Mong bạn đang nghe tôi kể

Mong bạn đang đọc tôi viết

Cười – Khóc cùng tôi.

Như-Hoa Ấu Tím

TỰA

1.Nguời xưa lấy ba tiêu chỉ Chân Thiện Mỹ làm cốt cách cho đời sống của con người. Học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng “cái gì làm cho đời người phong phú lên là cái ấy đẹp.” Theo ông, “cái đẹp bao trùm lên cả cái Chân và cái Thiện, mà mục đích của đời người là đi tìm tòi thực hiện rồi hưởng cái đẹp” (1).

Tôi muốn nói thêm, có những cái đẹp nhìn thấy được như dung nhan người thiếu nữ xuân thì, như nét hàm tiếu của bông hoa, như sắc màu, như cảnh vật thiên nhiên, sông hồ mây nước... đó là cái đẹp trực giác.

Lại có những cái đẹp chỉ nhận ra được bằng cảm thụ nội hàm. Đó là cái đẹp toát ra từ những nghĩa cử nhân từ, những hành vi bác ái... Cái đẹp này thấm cảm lâu bền hơn cái đẹp trực giác. Văn chương, tự thân đã có nghĩa là đẹp, do đó cái đẹp của văn chương có tính vĩnh cửu, phục vụ cứu cánh chân thiện mỹ của cuộc sống nhân sinh. Chúng ta sẽ nói về cái đẹp trong “Một Quãng Xuân Thì” của Ấu Tím.

Bạn đọc sẽ thấy trong Một Quãng Xuân Thì, cái đẹp trải dài khắp cả thế gian. Ngoài cái đẹp của thiên nhiên vạn vật, hoa lá cỏ cây, cái đẹp từ tấm lòng, từ nghĩa cử luôn luôn theo sát những mảnh đời, những nghịch cảnh trái ngang, những những giai đoạn thời thế, những kiếp sống lạc loài, những cảnh tình bất hạnh... để an ủi, để đẩy lùi, để hóa giải mọi hoạn nạn, tai ách, khổ đau.

Từ truyện đầu quyển sách, Nửa Nhánh Mimosa, cái đẹp muôn thuở của tình yêu, tình yêu đầu đời như một biển trời kỷ niệm, để nhân vật Như cứ mãi đắm chìm vào dĩ vãng mà kể chuyện huyên thuyên về cuộc tình thơ mộng với chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị. Nụ hôn “ác nghiệt” đầu đời, cành Mimosa trao tặng, nỗi xao xuyến bâng khuâng... và cả một quá khứ trở thành ngọn sóng ký ức cuộn trào lên, khi Thủy bạn của Thụy Như từ Mỹ trở về thăm gợi lại.

“Cho đến khi anh đến, nhẹ nhàng như cơn mộng, gõ cửa hồn tôi, mời tôi nhập vào giòng sông tình ngây dại và dẫn tôi đi trên con dốc này bao bận, dấu chân hai đứa đã góp phần mài mòn thêm con dốc. Dốc ơi, có biết ngậm ngùi cho đôi chân còn nhung nhớ đôi chân”. (Nửa Nhánh Mimosa).

Đến câu chuyện “Bốc Mộ” cuối sách, phần nào như một truyện ký, một tự sự, nói lên cái đẹp từ tấm lòng qua nghĩa cử của những con người chân quê mộc mạc như chú Sáu, một thương phế binh, bác Hai và Cu Tửng – đứa trẻ chăn bò, hay bác thợ chụp ảnh ở phố Biên Hòa. Tấm lòng nhân hậu và việc làm của những con người này đã đẩy lùi cái tâm độc địa, thù hằn của đám chức quyền địa phương tham ô, hách dịch để đứa con gái làm tròn hiếu đạo với người cha khuất bóng.

Phần nhiều tình tiết trong tập truyện tác giả đưa ra những điển hình nữ, từ những cô nữ sinh duyên dáng, e ấp mà tinh nghịch đến những cô gái quê mùa - cái đẹp của mùa hoa cà-phê nở trắng bạt ngàn, của đồi chè bát ngát, của vườn dâu, nương tằm cùng với cái đẹp của tâm hồn bao dung, vòng tay rộng mở và cái đẹp của một ý niệm sống chọn lựa, chấp nhận của chị

Ngàn trong “Một Quãng Xuân Thì”.

Trong nhiều truyện, những quan niệm thiển cận, những tập tục lỗi thời, từ gia đình ra ngoài xã hội đến phép tắc đạo giáo hầu như khi nào cũng đè lên thân phận làm con, làm vợ, làm dâu của người đàn bà Việt Nam:

“Nước mắt tôi tuôn ướt đầm mặt gối hồng thêu hình loan phượng, chỉ mình tôi gánh nỗi buồn hận này, tam tòng tứ đức, sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân chia, miệng lưỡi thế gian, làm sao tôi dám phá bỏ, chỗ nào cho tôi nương thân khi trốn chạy.....Loan trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh còn may mắn hơn tôi, không có đạo.” (Nỗi Lòng).

Nỗi lòng và nỗi đau của người đàn bà Việt Nam đã triền miên từ thời đại này đến thời thế khác. Trước 75 bị câu thúc, gò ép trong khuôn phép, lễ giáo gia đình, xã hội; sau 75 người phụ nữ Việt Nam trở thành những mảnh đời rách nát tả tơi khi lớp đàn ông bị gom hết vào trại tù cải tạo. Đọc Nỗi Lòng còn để thấy cả một sự thật lịch sử oái oăm:

Tôi hiểu sau hai mươi mốt năm trốn chạy khỏi miền Bắc, trốn chạy khỏi chủ nghĩa cộng sản, đến giờ phút ấy tôi phải đối diện lại với nó. Ngẫm nghĩ hay chồng tôi chính là người chịu trách nhiệm cho sự đổi dời này, anh mải ăn chơi phè phỡn, mải đàn đúm, vây cánh, hưởng thụ cho sướng thân, không xả thân giữ phần đất nước đẹp đẽ đã được trao sau hiệp ước Genève.”

Đó là lời than vãn của người vợ về một H.O. tiêu biểu của hạng người sa đọa tự bản chất, dù là ít ỏi.

Trong truyện Đoạn Cuối Tình Yêu, mọi ngõ ngách của cuộc sống, tình yêu, gia đình, xã hội... nổi bật lên trong một bức tranh xã hội buổi giao thời. Con người giành nhau để sống, chen chúc, chụp giựt, trấn lột, tù tội, trốn chạy, chia lìa...

Cũng trong xã hội giao thời đó, cuộc tình thơ mộng hồn nhiên giữa Hiếu và Cún đơm hoa kết trái từ biển, cũng lại kết thúc âm thầm nơi biển khi Hiếu vượt biên và Cún thả trôi giọt máu kết tụ từ ái ân đầu đời với Hiếu, rồi bị hải tặc dày vò. Cún sống sót trong nỗi kinh hoàng điên dại, cho đến khi nhờ vòng tay nhân hậu bảo bọc của một người khác chủng tộc, khác màu da, Cún đã sống lại với cảm giác “như đang nằm trong vòng tay mẹ”:

“...chỉ khi vòng tay Marion ôm lấy tôi ghì chặt, cơn hãi sợ của tôi mới chấm dứt. Bờ ngực êm của người nữ y tá cho tôi cảm giác ấm áp, như đang nằm trong vòng tay mẹ”...

Marion tìm đến với tôi, đôi bàn tay giơ ra nâng đỡ, cầu nối cảm thông giữa hai con người không chung ngôn ngữ, chỉ bằng ánh mắt và tiếng thở dài. Tôi con bệnh cần bờ vai, lồng ngực hơn cần những viên thuốc an thần. Marion, người y tá có đôi mắt xanh màu biển đã thấy những rạn vỡ tan hoang nhỏ máu mỗi ngày, trong nhà thương trại tị nạn năm xưa. Marion đã vụn vỡ cùng tôi, cùng trăm ngàn nỗi đau đớn khác, những tiếng thét kinh hoàng, những co rút trong góc tối, cả một dãy nhà tiền chế dựng khuất trong góc dành cho những người con gái, bị hải tặc hãm hiếp trên biển, muốn trốn tránh ánh mắt người đi chung thuyền nhìn ngó”. (Chẳng Thà Xe Cát Mà Vui).

2. Là một nhà văn nữ, người “có thẩm quyền” thay mặt cho nữ giới, cho vị trí và thân phận của người đàn bà Việt Nam, tác giả đã gióng lên tiếng nói như một giải bày, một phản kháng trước những quan niệm, những thói tục lỗi thời, cùng lúc vẽ lên một bức tranh xã hội trong đó người phụ nữ đòi hỏi được giải phóng trước 75; và người phụ nữ sợ hãi giải phóng, trốn chạy giải phóng sau năm 1975.

3. Tác phẩm Văn chương nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ, là tài sản của nhân loại. Có nhiều con số thư viện không đếm hết trên khắp thế giới, là nơi lưu giữ các sản phẩm văn chương nghệ thuật. Đội ngũ nhà văn nữ trước 75 có Nguyễn thị Thụy Vũ, Nhã Ca, Trùng Dương, Lệ Hằng; Sau 75, tại hải ngoại, Ấu Tím sánh vai cùng các nhà văn nữ như Lê Thị Nhị, Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến, Võ Thị Điềm Đạm..., và trong nước như Nguyễn Ngọc Tư, tác giả cuốn “Cánh Đồng Bất Tận”; Đỗ Hoàng Diệu, tác giả cuốn “Bóng Đè” góp vào gia tài văn học những truyện ngắn. Tôi tin rằng các tác giả này rồi sẽ có những tác phẩm “bất tử ” như Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng, hay The Last Leaf và The Gift of the Magi của O. Henry từng làm say mê giới trẻ Sài Gòn thập niên 60-70.

4. Ấu Tím là một cây viết tài hoa với nhiều năng khiếu. Tôi “gặp người này” lần đầu nhiều năm trước trên diễn đàn Đặc Trưng. Một lần khác, gặp Ấu Tím trong một buổi văn nghệ bỏ túi, dịp có nhóm thân hữu từ Paris qua dự buổi kỷ niệm một năm Nguồn.

Tôi đọc văn Ấu Tím nhiều hơn sau lần gặp gỡ đó. Tôi đã mời Ấu Tím cộng tác với tạp chí Nguồn. Nhiều truyện ngắn và thơ của tác giả đã có mặt trên Nguồn từ số 15 (tháng 6-2005).

Về bút hiệu Ấu Tím, nhiều người (trong đó có tôi) có ý tò mò về bút hiệu này. Đọc nhà văn Diệu Tần trên E-boooks tôi mới biết bút danh này do chính tác giả thổ lộ như sau: “Tôi tròn đầy trong đối xử với mọi người, chín bỏ làm mười. Còn màu tím? Tôi rất ưa màu tím, tím hoa sim, hoa cà và tím của hoa ấu, củ ấu có hai mũi nhọn. Nhưng “khi yêu trái ấu cũng tròn, nên khi thương yêu, tha thứ cho nhau hai chiếc gai nhọn đó biến đi.”

Khi biết “sự tích”, tôi bỗng cảm thấy cái bút danh này đẹp. Cái đẹp toát ra từ ý nghĩa và sự lựa chọn của...Ấu Tím.

Bài viết này chỉ là cái Tựa cho tập truyện mà nội dung 22 truyện ngắn còn trăm ngàn ngõ ngách ý nghĩa ẩn tàng, tôi chỉ nhìn ra một góc cạnh mà trình bày ra đây, không chủ ý khen chê.

Việc phân tích mổ xẻ tìm tòi cái hay cái dở là công việc của các nhà phê bình văn học.

Tôi xin ân cần giới thiệu với bạn đọc tập truyện có nội dung phong phú với lối văn rất lôi cuốn trong Một Quãng Xuân Thì của Ấu Tím.

SONG NHỊ

San Jose, 8-2007

Chú thích:

(1) Nguyễn Hiến Lê.

Hương Sắc trong Vườn Văn,

NXB Tổng Hợp Đồng Tháp 1993

NGỎ & TỰA

Tiến >>


Nguồn: Như Hoa Ấu Tím - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 3 năm 2021