Một Chuyện Tình 15 Năm Về Trước

lưu thị hạnh

Lời nói đầu

Độc giả thân mến,

Với mục đích sưu tập và bồi dưỡng lại nền văn học nước nhỏ, chúng tôi không ngại tuyển chọn tái bản một số Văn, Thi phẩm Tiền chiến.

Trong số các Văn, Thi phẩm được tuyển chọn tái bản, có một số của căc Văn, Thi gia mà, hiện thời, họ đang phục vụ cho chính quyền Miền Bắc.

Bởi, chúng tôi quan niệm rằng, những công trình sáng tác của họ - dù muốn dù không - cũng đã đánh dấu cho một giai đoạn lịch sử nền Văn học Dân tộc. Và chính những công trình đóng góp quý báu ấy, đã làm dồi dào thêm và tăng phần giá trị cho ‘‘kho tàng Văn học’’ nước nhà, không ít.

Ngoài ra, khi đề cập đến họ, chúng tôi không vì mục đích chính trị hay một tham vọng nào khác.

Vả lại, sống dưới chế độ đảng trị, chúng ta không tin rằng, các Văn,Thi gia ấy sẽ sáng tác được những tác phẩm mà tương đối, có được một tầm giá trị sâu rộng như những tác phẩm mà họ đã sáng tác trong thời Tiền chiến.

SAIGON, 15. 8.67

Các báo phê bình

‘‘ Một truyện tình 15 năm về trước’’

Cái giá trị, cái đặc sắc của tác phẩm ‘‘Một truyện tình 15 năm về trước’’ không phải ở câu chuyện mà cũng không phải ở luận đề. Nó ở phần văn chương của tác giả vậy.

Không là một nhà văn đã lâu năm sống với nghề viết, không có nhiều kinh nghiệm ở cây bút, không có tâm hồn thi sĩ và tấm lòng say mê văn chương, không phải là một người có đủ bấy nhiêu đặc điểm thì không sao có được cái văn thể kia. Nó đúng văn pháp, mẹo luật, nó trong trẻo, sảng sủa đã đành, nó còn gồm được đủ lối văn để diễn tả nhiều tâm sự khác nhau, có khi tác giả dùng cái văn thể tả chân, có khi dùng lối văn tượng trưng, có khi điệu văn êm ái nhịp nhàng như thơ. Và cái đáng khen nhất là, ở văn thể nào, câu văn bao giờ cũng có vẻ kiêu kỳ và đứng đắn.

Muốn cho bạn đọc có một ý niệm về cái văn thể đặc sắc và điêu luyện kia, tôi đơn cử ra đây một đoạn văn:

Mùa thi về báo tin trên mầu hoa phượng đỏ. Suốt các ngã đường, những chấm máu ấy rưng rưng dưới nắng hè, khiến người ta nghĩ đến bao nhiêu ngày thắm đã rụng, bao nhiêu kỷ niệm đã mờ. Thỉnh thoảng, ngang trời xanh thăm thẳm, tự nhiên tiếng một con chim kêu lên rồi vụt tắt đi, như một nỗi nhớ thương xa vắng. Rồi hoa phượng tàn theo một năm học, lặng lẽ rơi vào trong cái quên lãng của thời gian.

Người đọc có thể lầm tưởng là đã ngâm một bài thơ. Và đến khi phân tích ra thì câu văn đã được xếp đặt rất chặt chẽ, rất đúng văn pháp. Tìm được một nhà văn viết có công phu, có thận trọng như thế thực là hiếm thấy.

Thiều Quang

(Nam Cường)

... Tác giả biết kết thúc cuốn truyện bằng cách cho cả chàng và nàng đều nghĩ đến cái bổn phận làm chồng và làm vợ, mà sự đi ngược đường đã đem lại cho họ.

Cái kết ấy đem cho độc giả những ý nghĩ tốt về cuốn truyện.

Tác giả Lưu thị Hạnh có một lối hành văn dễ dãi và nhẹ nhàng nhiều đoạn đã diễn được tư tưởng một cách lưu loát, nhưng vẫn còn có những đoạn tối nghĩa tỏ ra tác giả tham quá...

Nó (Một truyện tình trong 15 năm về trước) là tác phẩm của khối óc một người vẫn trọng cái luân lý thông thuờng của xã hội.

Thuợng-Sĩ

(Tin Mới)

...Cái giá trị đặc biệt ở ‘‘Một truyện tình 15 năm về trước’’ là sự hấp dẫn độc giả không bằng cốt chuyện mà là bằng văn chương. Những đoạn rất khó tả đã được tả rất dễ dãi, và lời văn luôn luôn êm đềm, trôi chảy, biểu lộ một nghệ thuật phong phú và dồi dào.

Nguyễn-Đình-Khải

(Saigon)

.. Lối hành văn trong tác phẩm ‘‘Một truyện tình trong 15 năm về trước’’ nhẹ nhàng quá khiến người ta ngờ tác giả đã viết chuyện mình với những rung động đặc biệt, những cảm xúc mãnh liệl, bất thần.

Thúy Ái

*

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi cũng không nhớ rõ câu chuyện này xảy ra vào năm nào, chỉ nhớ là đã lâu lắm. Những vai chính của thiên tiểu thuyết này vẫn còn sống như anh hay tôi trong một địa vị cao quý ở Hà Nội.

Giữa một phong trào mới, với ngọn gió “trẻ trung” thổi đến xã hội ta một nền văn minh quá sai lạc ra ngoài sự thực quá đáng của nó, họ có thể tự phụ là những người đã biết sống, mặc dầu sống đấy chỉ có nghĩa là sống với ái tình.

Còn gì khổ và đau lòng bằng phải nghe chính ở miệng những trai gái bây giờ thốt lên câu: Ái tình là quán trọ, và thú vui nhất thời. Ái tình không đem đến cho họ một tin tưởng, quan niệm gì tốt đẹp về cuộc đời, vì cái hoàn cảnh xấu xa bêu riếu chung quanh họ những kiểu mẫu hạ đẳng, đã làm mất giá tình yêu. Trai gái yêu nhau bây giờ vì hiếu thắng, bỏ nhau vì thiếu chân thành.

Ngày nay, một người con gái có thể gửi đến tận nhà cho tình nhân mình những bức thư bỏ thùng dây thép, mà không e ngại sự tò mò của kẻ khác. Trả lại sự tự do đến trơ tráo ấy, người con trai cũng có thể vinh hiển với chúng bạn rằng mình có một lúc đến tám chín người yêu.

Lễ nghi là một chữ thừa với họ. Trung thành là một cổ hủ. Chỉ có sự thay đổi chóng như áo mới thực là hợp thời! Người ta ngạc nhiên vô cùng, khi thấy hôm nay đã bỏ nhau, một cặp trai gái vừa hôm qua đây còn chỉ trời, vạch đất, thề hẹn một tình yêu bất tử.

Có người đã phải gọi cái nền tảng luân lý, mực thước nghìn xưa ra để chống lại với sự xô đẩy của đời mới, mới từ hình thức đến tinh thần. Tiếng kèn của họ bị mất tăm ở giữa bãi sa mạc. Thanh niên vẫn tiến từ chỗ mới đến chỗ hư đốn, nơi mà văn minh tự hào được khoác cái mảnh vỏ ngoài bóng loáng, nơi mà những đầu óc ít kiến thức đặt cho cái tên hoa mỹ là: “trường đời mới”.

Rồi từng lũ, những người có chức trách mang cái tương lại đẹp đẽ của đất nước, có cái bổn phận làm cao giá mình lên, vênh vang đi đến một cuộc sống hư phế, ở đấy, là hết biết tư cách làm người.

Phong trào mới dồn dập, kích thích, chiếm từ gia đình đến học đường, biến khuôn phép thành ra một hí kịch. Trước sự tấn công hiệu quả của cuộc đời mới tôi viết rõ: cuộc đời mới người ta đau lòng thấy vài cái ngụy trang không cứu được tinh thần thanh niên.

Câu chuyện sắp đem thuật ra đây, Tôi chắc sẽ làm cho anh cảm động, vì sự son sắt của những vai chính, tấm tình chung thủy hiếm thấy ở cuộc đời bây giờ. Bởi là câu chuyện thực, chuyện “sống” tôi không tin được cái hay có cả trong đấy. Tôi lấy nó để làm suy nghĩ các thanh niên lòng dạ hay thay đổi dẫu bằng một phần rất nhỏ đạt được cái ý muốn tầm thường của tôi: Nêu lên sự trong sáng có thể vĩnh viễn được của lòng người.

LƯU THỊ HẠNH

Lời nói đầu

Tiến >>

Scan: Casau - Đánh máy - Nguyễn Học & Thanh Vân
Nguồn: Nhà Xuất Bản HOA TIÊN 1 . 8 . 1968
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 15 tháng 4 năm 2020