Linh Hồn hay Xác Thịt

tchya (đái đức tuấn)

Linh Hồn Hay Xác Thịt

tiểu thuyết của tchya

Đây là báo PHỔ THÔNG BÁN NGUYỆT SAN.

Báo xuất bản ra làm 2 loại

Bìa trng thì ra mỗi tháng 1 số vào ngày đầu tháng

Bìa màu thì cứ 3 tháng ra một t vào 16 tháng 2, 16 tháng 5, 16 tháng 8 và 16 tháng 11

Tặng LÃNG NHÂN

NGƯỜI ta, nếu có được sự gì sướng vui, thú vị nhất, là chỉ trong lúc còn trẻ trung, hăng hái, dần dà tuổi trẻ đã qua thì những khoái lạc mình được trải, phần nhiều, kém hẳn vẻ say sưa. Đời niên thiếu có nhiều hi vọng và tưởng tượng đó, ta có thể đi sâu vào cõi mộng mơ hồ, huyền bí, rồi cho rằng mình đã một vài phen được thoát ly cõi thế, bay lên một từng vũ trụ, thiêng liêng đẹp đẽ dị thường.

Những phút mê say túy lý ở đời, hoặc mê vì ái tình, hoặc say vì nghĩa vụ, những phút ấy, thường thường, làm cho cuộc đời đỡ tẻ, đỡ buồn, không đến nỗi vô nghĩa. Ông Hóa công thực đã suy nghĩ sâu xa: ông đặt ra những cuộc khoái lạc phù phiếm để đánh lừa nhân loại, bắt nhân loại phải ham mê những thú phù phiếm ấy. Mà nhân loại có bị vướng vít trong gầm vật dục, giống nòi mới không đến nỗi bị tiêu diệt dần dần. Nếu ai cũng thấy đời vô nghĩa lý, ai cũng chán sự ‘‘tử, lộc, thê, tài’’ thì tất đã bao người tự hủy hoại thân mình, không muốn sống làm người nữa.

Thế cho nên từ đời thượng cổ, vẫn có người ham sống, vẫn có người sợ chết, vẫn có người bon chen danh-lợi, vẫn có người điêu đứng vì tình. Ấy là nghiệp con người; ấy là luật của Trời, mình không thể nào tránh khỏi luật đó được.

Đành vậy, sống cũng không hại gì; nhưng nếu bao nhiêu khoái lạc trên đời, chỉ trong lúc còn ngây thơ hưởng mới có thú vị thâm thúy, thì trở về già, cuộc đời chả hóa ra một trường thất vọng lắm ru? May thay! Trẻ có thú trẻ, già có thú già ; mỗi một tuổi nhớn lên, ta trông đời bằng một con mắt khác.

Vẫn biết hi vọng? tưởng tượng, hai sự ấy đều theo thời gian bay mà dần dà biến cả; nhưng cũng nhiều khi, trong lúc mình chịu đã ê chề thương tâm và thất vọng, trong buổi mình tưởng đời mình không còn có thú vị gì, một vài giờ khoái lạc tự nhiên thoảng qua cuộc sinh hoạt của mình như một giấc mộng, làm cho mình phải tin rằng trong đời còn lắm điều êm ái, còn lắm điều may-mắn, mà mình nên cứ kiên tâm sống mãi để chờ thời...

Những giờ ấy, ta có thể ví như những phút thiêng- liêng, huyền bí, như những phút sáng láng lạc vào trong một quãng thời gian ảm đạm mịt mờ, Đời ta ví như một miếng đất bằng phẳng lặng, trơ tẻ ; những phút kia tựa hồ như những chòm núi đá nhô lên, để làm cho phong cảnh đổi thay, gập ghềnh, ngoạn-mục!

Ấy, chỉ nhờ những phút khoái lạc dị kỳ ấy mà người ta cố bám lấy sự sống, để mong rằng, một ngày kia, được biết rõ nghĩa cuộc đời. Nghĩa cuộc đời, nó tức là những phút thiêng liêng ấy đó.

Tôi mới sống đến quãng ngoài bốn mươi mà đã thấy đầu râu lâm râm đốm bạc cả; tôi đã vì tình, chịu nhiều phen thương tâm tha thiết, đã vì công danh sự nghiệp, chịu nhiều phen nhục nhã điêu linh. Thành ra tôi nghĩ đến đời tôi mà chán quá ; nếu không còn chút hi vọng một ngày kia sẽ có tên tuổi trong văn giới thì có khi tôi tự tử đã lâu rồi.

Nhưng tôi vẫn cố kiên tâm, cố nén lòng buồn bã sống nốt quãng đời vô vị mà tuổi già càng làm cho vô vị. Tôi già rồi! Bốn mươi tư tuổi đầu rồi! Còn làm trò trống gì nữa! Nếu tôi sinh trưởng làm một dân Âu Mỹ, thì đến tuổi này, mới là vừa đúng tuổi hoạt động thành người ; nhưng sinh làm dân Việt-Nam, thì quá bốn, mươi, đã là một ông Cụ trẻ! Như người ta mau mắn ra, ắt đã có con đàn cháu đống ; tôi đây chỉ một thân trơ trọi, sống ngày nào là thấy ngày ấy lạnh lùng!

Nhưng mà thôi. Đã trót làm người phải chịu khó chịu rầu cho trọn kiếp ; có gia đình hay không, cung thế, nào hơn gì đâu mà thèm bận tấc lòng! Chả qua có vợ, có con, cũng chỉ tổ làm nô lệ để nuôi chúng nó! Từ khi Thục Nga bỏ tôi một mình ở lại, tôi không bao giờ nghĩ tới thú tục huyền. Thục Nga tuy không phải vợ tôi, nhưng tôi thực đã yêu nàng quá một người vợ chính thức, có cheo cưới theo tục lệ.

Phàm ở đời, có là nhân tình, yêu mến nhau mới được lâu dài bền chặt ; lúc đã lấy nhau, đôi bên cùng chóng chán nhau ngay. Có lẽ bởi Thục Nga và tôi chỉ là một đôi nhân tình, nên khi nàng chết đi, tôi không tài nào quên được hình ảnh nàng; hình ảnh ấy đã khảm chặt dưới đáy tâm hồn tôi. Tôi còn nhớ lúc đưa tiễn nàng về cõi hư linh, tôi khóc không còn nước mắt. Chao ôi! đau đớn làm sao kể xiết! Một nguời đàn bà đã làm quan niệm cho sắc đẹp mình ước muốn, một người thiếu phụ, những đêm mưa dầm gió bấc, dùng tấm da mịn màng êm ấm ủ cho quả tâm lạnh lẽo của mình, một người mỹ nhân da trắng tóc dài, cặp mắt sắc đen cũng như đôi môi mịn đỏ, một người vợ thuần thục, nết na, mội người nhân ngãi yêu mến mình một cách nồng nàn, đầm thắm, con người ngọc ấy, bỗng tự dưng để tôi trơ trọi trên cõi trần mờ mịt, tẻ buồn này!

Tôi làm thế nào quên đựợc những giờ ái ân chúng tôi đã cùng nhau nếm vị, những lúc say sưa, huyền bí, mà nàng cho tôi được làm chủ tấm thân băng tuyết của nàng! Những buổi cùng nhau khăng khít dưới trăng tà, trong một Tạo hóa nồng nàn đầy cảm hứng, những cuộc đi chơi thong thả, cầm tay nhau cùng ngắm vẻ âm thầm rực rỡ của buổi tà dương, những quãng thời gian chan chứa ái tình mà chúng tôi hẹn hò nhau cùng trải, trong khi trùng than dưới cỏ, để khóc bên hoa ; những ngày ấm áp đối diện nhau ngẫm mấy câu thơ ‘‘Chinh Phụ’’, trong khi trước lò than tiếng đàn Tỳ văng vẳng giọng bi hoài; những phút ấy, những cuộc ấy, ngày nay tôi biết tìm đâu thấy nữa, nếu tôi không theo nàng xuống chốn Tuyền đài!

Nàng chết đi, tôi không thể yêu ai được nữa. Không có người đàn bà nào có thể khiến tôi quên nàng, không nghĩ đến cuộc đời xưa nữa. Nếu ngày nay tôi sống trong một bầu trời hiu quạnh, mà vẫn không hề thấy trơ trọi buồn rầu, ấy chỉ vì luôn luôn tôi nghĩ đến nàng, nghĩ đến quãng đời tôi đã với nàng, cùng sống. Tôi sống để nhớ lại, để ôn lại, quãng đời thiêng liêng ấy. Những ngày dĩ vãng, đối với tôi, tức là nhẽ làm cho tôi chịu sống kham khổ thế này. Hình ảnh nàng là bạn của tôi, là sự nghiệp của tôi, là thân thế của tôi. Tôi chỉ muốn nhắm mắt cả ngày đêm cho bao giờ nàng cũng hiện về trước mặt.

Kia kìa! Nàng đứng trong một Tạo Hóa âm thầm mà rực rỡ, man mác mà nồng nàn, nàng mặc một thứ áo mềm như lụa, bóng như sa tanh, lờ mờ như sương tuyết, óng ả như gió chiều ; nàng nhìn tôi bằng đôi mắt say sưa, tình tự ; nàng hé miệng đào cười tươi như bông hoa hồng mai hàm tiếu, hẹn tôi lên chốn mơ hồ... Chao ôi! tỉnh dậy làm gì? Tỉnh dậy làm gì để phải trông thấy cõi đời ô trọc! Đã tám chín năm nay, không giờ nào hương hồn nàng không theo tôi, như cùng tôi vẫn cùng vui,cùng sống. Vì thế, tôi có thể thui thủi ở mãi một mình trơ trọi, tôi có cần gì phải lập nên gia thất như người? Tôi đã có Nàng, tôi an nhàn sinh hoạt trong lòng Nàng, bên cạnh Nàng ; tôi đã có bạn bè yêu mến tôi rồi, còn việc gì phải lấy ai cho bận bịu?

Sống như tôi, kể cũng sướng mà cũng khố I Sướng là sướng khi mơ màng trong mộng tưởng, khổ là khổ lúc mở mắt ra, Thấy mình vừa đốn, vừa già! Nhưng thôi! buồn mà làm gì? Ngao ngán nữa làm gì? Trời đã sinh ra tôi có chút thông minh, tư tưởng, tôi cũng đành vui vẻ chôn hết quãng đời đa lụy, cùng ngọn đèn, quyển sách, tạm vui trong lúc yếu hèn. Tôi chỉ biết có một thú nữa thôi: thú vùi thân thể và linh hồn trong cõi văn chương, mỹ thuật. Tôi không nghĩ gì nữa. Cũng không ham muốn gì nữa. Bao giờ chết, đã có thân bằng, cố hữu, làm ơn chôn hộ; bao giờ nghèo, đã có máy mẫu ruộng ở nhà quê nuôi chođủ ấm, đủ no. Vì thế, tôi mặc kệ cuộc xoay vần, chẳng bon chen, cũng chẳng đua cười cùng ai cả, Tôi chỉ có một thân, một bóng, nhưng chẳng hề trách ông Cao Canh cay nghiệt bao giờ.

Cũng có nhẽ tại tôi rất tin ở lòng quảng đại cũa đấng Thượng Hoàng, tại tôi rất thành thực kính yêu đức Chí Tôn, Chí Thánh, tại tôi rất thủy chung phúc hậu trong khi giao du với thiên hạ, để khỏi phụ ơn Ngọc Đế, để Ngài chứng minh cho tấm lòng ngay thẳng của tôi, Cho nên Ngài nghĩ thương tôi, và lúc tôi đã hết cả hi vọng sống lại quãng đời niên thiếu, Ngài cho tôi tình cờ được nếm một vài giờ say sưa, huyền ảo, khiến tôi những tưởng mình đã có hạnh phúc đưa linh hồn và thân thể vào một nơi khoái lạc tuyệt đích, một nơi mà người trần gian chưa mấy kẻ đã được vào.

Xác thịt tôi ngày nay như còn tê tái, mỗi khi tôi nghĩ tới phút thiêng liêng êm ấm đó. Tôi còn sống ngày nào, là ngày ấy, tôi không thể quên được lúc quả tâm già cằn của tôi đã hồi hộp, như thủa nó còn non nớt, lúc hình hài khô yếu của tôi đã rung động tựa buổi nó còn hăng hái, dẻo dai, lúc linl hồn tôi chan chứa, mê man chả khác phút nó còn ngây dại, lúc cảm giác tôi bị một thứ khoái lạc gì làm cho tiêu hẳn như tuyết lan ra nước lã, một thứ khoái lạc dị kỳ, khó hiểu, không thuộc về vật dục mà cũng không phải ở tinh thần. Khoái lạc đó có nhẽ làm bằng ái tình, một nguồn ái tình đã nguội mà hồi nóng lại, một nguồn ái tình đã chết rồi, mà bỗng trở về, lại nhuốm vẻ thơ ngây. Ôi! nói làm sao, tả làm sao, cái cảm giác mà tôi đã có? Họa chăng khi nào tôi chết rồi mà còn viết được, dễ chừng lúc ấy tôi có thể cắt nghĩa rõ ràng cho bạn hiểu cái thú vẩn vơ nhưng thắm thía, thô tục nhưng cao xa, cái thú êm ả, dịu dàng, mơ hồ, huyền bí, mà ông Cao Xank éo le đã thương tôi, cho tôi được nếm vị, có biết đâu khi tôi trải qua thú ấy, quãng đời thừa tôi còn sống bỗng hóa ra một trường đau khổ dị thường?

Tối hôm ấy, tại nhà Hát Tây, Cao đẳng học sinh viên diễn tấn kịch: Huyền Trân công chúa. Tác giả vở kịch ấy, nhân quen biết tôi khi chàng còn nhỏ tuổi, không muốn quên một bạn già xưa nay từng phục văn tài chàng, biếu tôi một vé đi xem. Tôi không phải một tay sành về kịch, nhất là về ‘‘kịch thơ mới’’, lần đầu tiên đem ra diễn trên sân khấu Hà Thành, hóa nên dù cảnh đẹp, dù người xinh, dù thơ hay, dù đàn ngọt, tôi không thấy gì cảm cả, chỉ hả mồm ngồi nhìn hết quan Toàn quyền lại sang quan Thống sứ, và nhất là để tâm ngắm rất kỹ những sắc đẹp tiêu hồn của mấy cô thiếu nữ An Nam với những bộ đùi non hồng hào, mũm mĩm trắng trảo, nõn nà, của mấy ả nữ học sinh quý quốc, mặc váy cộc, ra nhảy đùa, múa hát dưới ánh đèn sáng rực của sân trò.

Tôi ngồi xem ngót hai giờ, lúc ấy thấy hai mắt muốn dở hơi nhắm lại. Tôi lim dim buồn ngủ. Chỉ xuýt nữa là ngủ gật. Bỗng hình như tôi cảm thấy một sự gì rất lạ, tựa hồ một luồng điện chạy vụt qua người, khiến tôi gây gấy rùng mình, tâtn hồm hồi hộp, rồi mở choàng mắt ra.

Cha mẹ ôi! tôi điên hay mê ngủ? Hay tôi đã chết xuống Tuyền đài? Tôi vẩn vơ, không hiểu rõ ra sao, lòng tự hỏi lòng chả biết mình ốm lúc nào, chết lúc nào mà chóng thế! Hay mình nằm mơ, nằm mộng ; nhưng, nếu thực tôi mơ màng, thì tôi ngủ tự lúc nào ? Tôi nhớ kỹ hiện tôi còn sống, mà tôi không ngủ, vì tôi ngồi chính giữa nhà Hát Tây. Chung-quanh tôi lại có quan viên làng báo. Tôi nhớ rõ tôi vào ngồi xem có ‘‘các’’, quả thực không phải tôi mơ hoảng chút nào, Nhưng, muốn cho chắc chắn, muốn chắc chắn rằng mình còn thức, còn tỉnh, mình vẫn sáng suốt như người thường, tôi đem ngón tay út lên mồm, cắn rất mạnh.

Tôi thấy tôi đau quá. Sợ rằng sự thí nghiện ấy chưa đủ,tôi lại tự véo đùi. Thôi đích thực rồi: tôi còn sống, và vẫn tỉnh, Nhưng… vì sao tôi thấy sự quái gỡ như vầy?

Trước mặt tôi, trong một ‘‘lô’’ ở từng gác sang nhất, một đôi mắt đen, sáng quắc, chòng chọc nhìn tôi. Một đôi mắt tôi vẫn xưa nay ghi sâu trong tâm trí. Đôi mắt ấy, nó dài như mắt phượng, nó dịu dàng nằm dưới một đôi lông mày bán nguyệt đặt trên cái trán vừa vặn và trắng nuột, như một đôi lá liễu cong cong. Nó sắc sảo làm sao, cặp mắt bồ câu ấy! Chả thế mà cổ nhân đã phải tặng cho luồng nhỡn tuyến cái mãnh lực xiêu quán, đổ thành! Đôi mắt này, nó cũng không kém gì những đôi mắt long lanh của các mỹ nhân trong iịch sử. Lông mi dài, nhỏ, vành cong lên, tua tủa như những sợi tơ đen, Mí mắt trên, hai ăn sâu lõm vào trong, nhuộm mầu timvtím, xanh xanh, của một lần phấn đươm. Mí mắt dưới cũng kẻ vẽ rất công phu, tĩ mĩ, hóa nên mỹ lệ vô ngần. Mỗi lẫn hai mi mắt ấy sẽ khép lại rồi mở choàng, một luồng điện lại từ đôi đồng tử đen nháy, sáng ngời, nhấp nhấy chiếu ra, sắc như lưỡi kiếm, lóng lánh tựa sao sa, nhưng lại đầm ấm, dịu dàng, như ánh nắng buổi chiều xuân, le-lói.

Quái lạ! làm sao trên thế gian này lại có một người đàn bà thứ hai có cặp mắt giống hệt như cặp mắt tôi thường khắc trong đáy óc? Mà không những thế, khuôn mặt đeo cặp mắt ấy cũng là khuôn mặt tôi thường tưởng nhớ ; tâm thước, hình dáng và bộ điệu của mỹ nkân có đôi mắt say sưa, kiều diễm ấy cũng quả là tầm thước, hình dáng và bộ điệu người mà tôi thương tiếc, chốc đã mười lăm năm rồi! Dễ thường tôi điên mất? Có lẽ đâu người chết đi bỗng sống lại thế này? Ồ hay! Thục Nga! Thục Nga, có lẽ là Thục Nga, vì nếu không phải chính Nàng, thì đôi mắt tinh anh tuyệt mỹ kia còn có thể là mắt ai được nữa?

Cũng cặp mắt sắc sảo và mơ mộng, cũng làn tóc vừa dài vừa mượt, giấu dưới vành khăn nhung gọn ghẽ, để lộ ra mái tóc óng ả, vầng lưỡi trai phẳng mịn với hai bên tóc mai rủ xuống lòa xòa; cũng nước da lợt trắng lợt xanh, nhưng một mầu xanh phơn phớt dịu dàng, biểu hiệu của những làn da quí phái; cũng đôi má nhung thoáng vàng, thoáng đỏ, chả khác gì trái đào vừa chín tới trên cây; cũng đôi lưỡng quyền hơi nhè nhẹ nhô lên, dưới cái trán sáng sủa hơi gồ ra chút đỉnh; cũng đôi môi mịn màng, mỏng, đỏ, mỗi lần cười phô bộ răng đen nhưng nhức, lại vành cong lên như cánh thắm đóa hoa hồng; cũng chiếc cầm tròn, nhỏ, xuôi xuôi, khi cúi xuống, lại làm lộ, đường sau, một cái gáy nõn nà, ngon đẹp quá!

Người thiếu phụ kia ngồi một mình trong một ‘‘lô’’ sang nhất, không những nhìn tôi chòng chọc, lại còn ngảnh trông tứ phía, có khi ngấp nghé đứng dậy, làm cho tôi được hạnh phúc ngắm một cách rất kỹ luỡng tất cả những nét đặc biệt, làm nên nhan sắc của nàng.

Một làn áo nhung lam bọc tấm hình hài yểu điệu, một tấm hình hài, trông xa, cũng biết rất mềm dẻo, rất thướt tha, kiều mị, mỗi một khi sức mạnh ái tình làm cho rung động, tê mê. Chao ôi! người đàn bà kia, tôi đã biết rõ nàng như biết những đường chỉ trên bàn tay tôi vậy! Không cần gần gụi nàng cho lắm, tôi cũng hiểu rõ rằng xác thịt nàng là một xác thịt làm bằng sương tuyết, làm bằng điện tuyến, làm bằng một chất tục mà thanh, một chất sờ nắn được mà cũng mơ-hồ, huyề ảo...

... Đã bao lần, bên cạnh một làn da vừa mát lạnh, vừa ấm dịu, như da nàng, tôi đã biết một thân thể giống đúc như thân thể nàng, đã thấy thân thể ấy, dưới gợn tê tái của một luồng ái ân đầm thắm, nồng nàn, cháy bùng lên như lửa đượm, lại tiêu tán ra như tuyết, như băng, để uốn éo, quay lượn trong tay tôi như ngọn gió tuôn bay man mác, để biến ra một thứ tiếng âm thầm, tuyệt diệu, như tiếng đàn réo rắt buổi đêm trường.., Trời ôi! tôi biết tả làm sao, tả làm sao cho cạn những cảm giác, mà giờ đây, tâm hồn tôi chan chứa?

Nếu người thíếu phụ kia chỉ có đẹp, thì dù nàng đẹp đến thế nào chăng nữa, tôi cũng không bao giờ để mắt ngắm nàng. Nhưng khốn nỗi người đó, không hiểu vì sao, giống Thục Nga như hai giọt nước, giống như in, như tạc, như Thục Nga sống lại; hay là chính thực Nàng hiện hồn về cho tôi lại được thấy Nàng? Da thịt Thục Nga ngày nay dễ chừng đã tan ra nưóc cả, có lẽ nào sau mười tám năm xa cách, tôi còn được thấy vợ tôi bằng thịt bằng da? Nếu người thiếu phụ kia không phải là ma, không phải là hương hồn Thục Nga nhân một phút thiêng liêng mà tụ lại, thì có khi mắt tôi vì hoa lên mà trông quáng cả, trông một người con gái chưa từng quen mặt lại tưởng nhầm là người mình yêu, mình tiếc, mình thường luôn luôn thấy trong giấc mộng si tình?

Lạ thực! tôi cố tự véo đùi, giụi mắt, cố thí nghiệm mãi để xem mình tỉnh hay mê, mà quay đi quay lại,thế nào cũng vẫn thấy Thục Nga ngồi tươi cười trước mặt! Thục Nga cũng hình như để ý đến tôi, cứ đăm đãm hai mắt nhìn tôi không chán, lại có vẻ muốn gọi tôi mà không dám gọi, vẫy tôi mà không dám vẫy, khiến tôi càng như dại, như ngây. Người tôi run lên, mặt tôi xám lại như khi bị ngộ gió, mắt tôi trông đèn thành ba mươi sáu ngọn, tai tôi ù ù, nghe âm nhạc tưởng chừng như gió khóc, mưa hờn trong đêm lạnh. Chỉ một chút nữa, tôi hóa điên, điên thật. Tôi sợ quá, sợ lại mừng. Mừng vì trông thấy người yêu duy nhất của mình, nhưng sợ là sợ người yêu ấy không phải người mà lại là ma quỉ hiện về để giun giủi mình đi cùng nàng vào cõi Chết. Nếu quả không phải hồn Thục Nga trở lại, thì có bao giờ tôi được thấy một người đàn bà giống hệt Nàng, từ kẽ tóc chân tơ? Không những chỉ giống vẻ mặt mà thôi đâu! Từ nét cười say đắm, từ đuôi mắt đậm đà, cho đến lối chống tay lên gò má, lối vuốt sáp trên cặp môi, cho đến cách đem nhè nhẹ mấy ngón tay búp măng lên đầu, sửa lại mái tóc hơi hơi lệch, tất cả bao nhiêu vẻ đẹp, tất cả bao nhiêu nết xấu, người đàn bà kia đã ăn cắp của Thục Nga. Thế thì kẻ kia mà không phải Thục Nga, thì còn có thể là ai được nữa?

Tôi dám chắc rằng bao nhiêu người đã quen biết tôi và quen biết người tôi yêu thủa trước, không ai trông thấy người tôi đã thấy mà không kinh hoàng, tê tái, đinh ninh rằng vợ tôi sống lại, trở về. Cái lối đeo chiếc kiềng vàng óng ả thế kia, cái lối đeo mỗi bên cổ tay một chiếc vòng ngọc trạm thế kia, trừ Thục Nga ra, không còn ai theo dáng lối điểm trang thanh tú ấy. Nếu vậy thì quả thật tình nhân tôi sống lại; song không hiểu vì sao, Nàng không đến tìm tôi ở tận nhà tôi?

Tâm trí tôi đương vẫn vơ, tìm những lý lẽ giả nhời câu hỏi ấy, thì là màn nhung từ từ hạ xuống, sân khấu đương âm âm tối, bỗng dưng choàng sáng tỏa ra. Hai con mắt đen của người thiếu phụ mà tôi cho là vợ tôi như chiếu thẳng vào tôi, không chớp. Trông làn da xanh lợt kia mà ánh đèn vàng nhạt trong phòng hát càng làm cho xanh một cách dị kỳ, ai không bảo người nhìn tôi không có một sẳc đẹp long Ianh, dữ dội sắc đẹp của Thục Nga khi tắt nghỉ, sắc đẹp của một con ma đã chết, mở quan tài đứng dậy rồi thong thả bước ra? Người thiếu phụ tôi trông thấy kia, tuy làm cho tôi nhớ lại em Thục Nga tôi thương, tôi tiếc, nhưng cũng làm cho tôi nghĩ đến nhiều điều quái gở, mà đâm ra lạnh buốt cả sương sườn.

Tôi còn chưa hết cơn hồi hộp, sợ, mừng, thì một mảnh giấy đã từ đâu, mượn tay một đứa trẻ con, đưa đến:

“ Nếu ông có phải là ông Đỗ khánh Thần, thì xin ông quá bộ, hết hồi sau, lên chơi trên từng trên mội phút.

Ông sẽ vào loge số 15. Tôi có câu chuyện muốn cùng ông giải tỏ. Kính bái.’’.

Trông nét chữ viết, thì không phải chử Thục Nga. Đã thế, tôi không có gì đáng sợ nữa; kẻ kia đã gọi, tôi cứ sang, nào có ngại gì!

Hồi kịch tôi xem, lúc ấy, sao nó dài dòng quá vậy? Khi màn vừa từ từ hạ, đèn chưa kịp mở, tôi đã vội xô ghế ngả ra môt xó, xách mũ cho nhanh để tếch thẳng đến từng trên. Loge 13, rồi 15, Tôi gõ cửa. Một tiếng nói nhẹ nhàng, thảnh thót, như rót vào tai tôi một khúc âm nhạc êm đềm:

- Xin ông cứ vào!

Trời ôi! tôi tả lại làm sao cái phút mà xác thịt và link hồn tôi cũng bị, trong một câu chuyện của một người đàn bà, tan ra như mây nước cả?

‘‘ - Em nhìn anh một lúc lâu, em ngợ quá. Bây giờ anh già đi nhiều lắm. Ô! tóc anh đã bạc cả rồi! Da mặt của anh cũng nhăn nheo cả. Chắc là anh lo nghĩ nhiều lắm nhỉ?’’

Chết nỗi! Có nhẽ là Thục Nga sống lại thực, vì cớ sao nàng đối với tôi, thân mật quá như vầy? Sao lại tự xưng bằng em? Sao lại gọi tôi bằng anh? Càng ngày, tôi càng đi vào một con đường bí mật. Mà biết đâu tôi sẽ khó lòng ra khỏi quãng đường này! Lạ quá.

‘‘- Kìa! anh không nhận được em ư? Sao mà mặt anh thừ ra như thế hở?’’

Một giọng cười giòn giã, trong trẻo, sang sảng như chuông đồng, khánh ngọc, làm cho tôi, đã kink hoàng mê mẩn, nghe tiếng cười, càng lạnh buốt cả người.

‘‘ - Chết thật! anh bây giờ đốn thật! Làm sao trông anh ngượng nghịu, e lệ thế kia? Em có đâu là người xa lạ mà làm anh phải sợ? Hay là anh quá yêu, quá tưởng nhớ Thục Nga để đến nỗi đâm ra khốn khổ thế này? Rõ tội nghiệp anh quá! Anh là một kẻ chung tình ; Thục Nga thực là một người bạc phận!

‘‘ - Thật quả là anh không nhận biết em ư? Em là Quỳnh Nga, Quỳnh Nga mà ngày xưa anh ghét cay ghét đắng,Quỳnh Nga mà nhiều phen đã làm lỡ duyên anh. Anh không nhận được em cũng phải. Em xa cách anh đã mười sáu, mười bảy năm có lẽ; anh lại chỉ biết em trong lúc em hãy còn thơ. Nhưng em, em vẫn nhớ anh,vẫn ghi hình ảnh anh trong linh hồn em, từ buổi trước. Tuy anh có khác đi chút đỉnh, nhưng em nhận được anh ngay. Chẳng hay anh đã ra khỏi cơn ngạc nhiên, mê mẫn chưa?

‘‘ Anh Thần!Anh là một người đáng yên, đáng quí. Từ đã lâu, từ khi em biết nghĩ, em vẫn đêm ngày hối hận, lúc thiếu thời, đã làm rẽ duyên anh. Em rất buồn đã làm cho anh chịu khổ, đau, nhớ, tiếc. Nhưng sự nhỡ rồi, còn biết làm thế nào để tạ tội cùng anh? Bấy lâu em không có dịp ở Hà thành, vì thế, chưa được gặp anh để giãi tỏ nỗi lòng cho anh hiểu. Em vừa về Hà nội, vừa về chưa được nửa ngày. Tình cờ lại khiến em, chưa kịp đi hỏi dò tìm đến, đã gặp ngay anh ở chỗ này, may quá!

« Anh Khánh Thần! anh có vui lòng tha thứ lỗi em không?’’.

Trong khi thiếu phụ ngồi nắm tay tôi nói một hơi dài một câu chuyện làm cho tôi đương tê mê, bỗng hóa ra người tỉnh mộng, óc tôi vẫn vơ nghĩ đến những thời trai trẻ, những thời mà tôi cùng Thục Nga còn an nhàn hưởng thú yêu nhau. Phải rồi! Bây giờ tôi nhớ ra rồi! Thảo nào tôi cứ tưởng Thục Nga hiện hồn về mãi! Thì nào có sự gì lạ! Quỳnh Nga là em ruột Thục Nga! Nếu em giống hệt như chị, ấy chỉ tại vì truyền thống, có sự gì đáng ngại, làm cho tôi phải kinh hoàng! Nói vậy thời nói, chớ lúc nhớ tiếc Thục Nga đã hầu tan hồn, nát trí, mà, sau mười tám năm ly biệt, lại gặp một người giống đúc như Nàng, thìchẳng cứ là tôi, dẫu đến Hóa công cũng phải giật mình hoảng sợ!

Nỗi sợ đó, nay bỗng biến tan đi phút chốc, để nhường chỗ cho những kỷ niệm thủa chúng tôi còn thơ ấu cả, Thục Ngạ, Quỳnh Nga và tôi.

Hồi đó, tôi hai mươi ba tuổi, Thục Nga hai mươi mốt, Quỳnh Nga thì mới vừa lên sáu tuổi đầu. Cha mẹ hai chị em Thục và Quỳnh đều mất sớm, hai chị em phải trông cậy ở lòng thương mến của người chú ruột, cấp vốn cho ả Thục mở một ngôi hàng tạp hóa ở Hàng Đường. Chị buôn bán và làm lụng nuôi em; đôi gái thơ mồ côi rất đỗi thương nhau, chị thương em chả khác gì mẹ thương con vậy. Quỳnh Nga đi học tại trường hàng Cót. Lúc tôi bắt đầu quen biết Thục Nga, Quỳnh Nga còn bé quá; vả lại hai chúng tôi cùng giấu giếm không cho đứa trẻ em được biết, nên trong ba năm trời, Quỳnh Nga vẫn không ngờ chị nó có tình Iang. Mãi đến khi lên sáu, khi nó bắt đầu cắp sách đi học, một hôm, ở trường về, nó mới bắt được chị nó, đương cợt cười, đú đởn, đứ đởn trong lòng tôi.

Không hiểu vì sao, từ hôm đó, trông tôi, nó lấy làm ghét lắm. Ảc cảm của nó đối với tôi là một ác cảm tự nhiên, vô lý, ác cảm của một đứa trẻ còn ấu trĩ; song ác cảm ấy ghi rất sâu trong óc nó, khiến cho, trong mấy năm trời, không bao giờ nó nể chị mà dung thứ cho tôi. Nhất là khi nó bị mấy đứa trẻ con bạn nó chế giễu rằng chị nó mất tiết giá vì tôi từ khi mới vừa đôi chín, thì Quỳnh Nga trông mặt tôi lại càng ghét cay, ghét đắng, chỉ muốn làm cho tôi phải khổ sở điêu đứng để báo thù tôi cho bõ tức mới nghe.

Mà nào tôi có làm hại chị nó đâu! Thế mà nó vẫn yên trí rằng tôi là một kẻ làm nhục nó và chị nó, phá tan hạnh phúc nhà nó, lấy mất tình Thục Nga yêu nó, rồi đêm ngày nghĩ cách làm cho tôi phải xa lìa chị nó, không cho tôi được cùng nàng tình tự, chuyện trò. Trời ôi! nó có biết đâu! Biết đâu đã yêu nhau như tôi và chị nó yêu nhau, thì dù đến Trời sanh kia, cũng khó lòng làm cho chúng tôi chia rẽ! Nhưng mà trong óc đứa trẻ con, đã yên trí sự gì thì tất hết sức làm cho đạt mục đích. Quỳnh Nga đã ghét tôi, nó cố làm cho tôi phải, vì nó, đau đớn, buồn rầu cho hả giận.

Sự rủi may khiến cho nó thắng thế. Nó thắng thế là nhờ chú nó, Sau khi chịu một cách nặng nề để cho tôi cùng Thục Nga, trong hai năm trời, đi lại cùng nhau thân mật, một hôm, Quỳnh Nga nghĩ ra mệt kế, một kế làm cho tôi, về sau, phải ôm hận suốt đời. Lúc đó, nó đã lên tám tuổi.

Không hiểu ai xui nó, nó làm ra bộ tươi cưòì vui vẻ, để đánh bẫy tôi. Tôi đã bị sắc đẹp Thục Nga làm cho mê mẫn tâm thần, thì còn có sợ gì mà không dám cùng nàng tình tự? Nhưng từ trước đến giờ, Thục Nga vẫn trốn nhà sang nhà tôi, không bao giờ tôi sang nhà nàng, là cốt để tránh mặt con bé em ranh mãnh. Như thế, chúng tôi vẫn được yêu ổn, không bị ai lôi thôi kiếm chuyện bao giờ. Đến khi Quỳnh Nga làm ra bộ vui vẻ cùng tôi, nó trách móc tôi làm sao không lại chơi nhà nó. Nó lại vờ cắt nghĩa tôi nghe: đêm chị nó bỏ nó một mình trơ trọi, nó sợ quá, hóa nên không ngủ được phút nào. Nó van tôi giữ hộ chị nó ở nhà, cho nó được yên lòng ngỷ kỹ.

Yên chí rằng con bé ngày nay đã dần dà biết mến yêu anh rể nó, tôi mua cho Quỳnh Nga rất nhiều kẹo bánh, và, từ khi ấy, chúng tôi đóng đô ở Hàng Đường, không đi đâu xa một bước nào nữa cả. Có ai ngờ Quỳnh Nga đã đi báo chú nó tự bao giờ không rõ, để chú nó xăm xăm chạy đến, bắt được tôi cùng Thục Nga đương hẹn bể thề non Ông chú thấy tôi bèn nổi cơn thịnh nộ, đuổi tôi ra, rồi bắt Thục Nga xếp hàng hóa dọn ngay nhà đi chỗ khác.

Vì câu chuyện éo Ie vô Iý ấy, tôi tự dưng, mất hẳn Thục Nga. Mà cũng không biết vết tích nàng ở đâu hết cả. Thôi, thế là xong. Bao nhiêu nguyền xưa ước cũ, bao nhiêu duyên thắm tình nồng, phút chốc, theo ngọn sóng của thời gian, biến ra thành thương tâm và thất vọng. Tôi chết dở, sống dở, ngẫn ngơ,điêu đứng, sống mấy tháng trời trong một trường đau đớn dị thường. Cách đấy tám tháng sau, tôi được tin Thục Nga tạ thế ở Thanh Hoá.

Thế là từ lúc ấy, ôm mối hận bên lòng canh cánh, tôi nhẫn nhục đeo kiếp sống thừa lẻ Ioi cô trích, mãi đến ngày, đến ngày tôi tự nhiên được gặp Quỳnh Nga, sau mười tám năm li biệt.

Quỳnh Nga trông vẻ mặt tôi buồn rầu, ảm đạm, cầm tay tôi, thỏ thẻ khuyên rằng:

‘‘ - Anh Khánh Thần ôi! Sự đã lỡ rồi, em còn biết chữa làm sao cho được nữa! Em thủa ấy hãy còn bé dại, song lỗi lớn trong đời em, em nhớ mãi chẳng bao quên. Không hiểu vì sao, em lại nhẫn tâm tàn ác thế! Sau khi chú em biết chuyện, chú em bắt chị em phải lập tức bỏ cửa hàng và công việc, dọn nhà ngay vào quê, trong Thanh Hóa, ở cùng tất cả gia đình của chú thím em. Đằng đẵng mấy tháng trời, chị em buồn rầu ủ rũ, em thấy chị em đau đớn, nghĩ càng thương càng hối, nhưng đã trót rồi thì biết nói làm sao. Chị em quên ngủ, quên ăn; khi được tin chú thím em nhất định đem chị em cố ép gả chồng, thì chị em khóc sướt mướt đến năm đêm rôi thụ bệnh mà mất.

‘‘Chị em mất chóng quá anh ạ, chỉ ốm có ba ngày đã lìa bỏ cõi trần. Chỉ tại chị em trước kia quá ưu sầu, tư lự. Khi chị em tắt nghỉ, hai mắt chị vẫn mở, em trông thần sắc chị tưởng chừng như chị chết mà trong lòng vẫn còn thèm muốn điều gì. Chị em chết tâm hồn chưa được thỏa. Chị em còn muốn sống, sống để cùng anh kết cấu nốt thiên tiểu thuyết ái tình. Chị em vẫn hận, vẫn tiếc không được cùng anh trọn nhời thề cũ. Bên giường chị em, em khóc đã hầu ra huyết lệ; thật là vì em mà nên nỗi nước này. Chị em chết chỉ vì em, hai chúng em mồ côi thui thủi có nhau, chị em thác, em còn biết có ai thương yêu, chiều chuộng em như thủa nọ! Thực là lỗi ở em, em hối hận quá, những muốn chết theo chị em cho đỡ khổ. Thấy em vật mình than khóc, chị em cầm tay em, nhìn em, ứa lệ, bảo rằng:

‘‘ - Quỳnh Nga em ôi! em chớ khóc làm chi nữa! Không phải vì em đâu, chả qua chỉ là oan nghiệt! Chị đây không may bạc phận, chị không oán trách gì, chỉ giận nỗi đã làm cho anh Khánh Thần vì chị phải từ đây ôm mối hận nghìn thu!... Bao giờ em lại gặp anh, em sẽ xin lỗi anh cho chị nhé! Em sẽ đưa cho anh quả tâm này, quả tâm của chi. Thôi, chị về đây!...

‘‘ - Rồi chị em mất. Đây này, đây là quả tâm bằng vàng bình sinh chị em thường đeo trên ngực, chị em muốn tặng anh chút của này làm kỷ niệm, xin anh trân trọng giữ lấy, cho chị em dưới chín suối, được vui lòng.’’

Vì sao tôi yêu Quỳnh Nga, sự ấy không bao giờ tôi hiểu rõ. Tôi chỉ biết đã mười tám năm có lẻ, quả tim tôi chưa hề vỗ đập cho một người thiếu phụ nào. Cũng có lẽ vì Quỳnh Nga giống hệt như người tôi yêu, tôi tiếc, tôi thờ trong chỗ thiêng liêng sáng láng nhất của tâm hồn tôi, nên khi vừa mới gặp nàng, tôi bị sắc đẹp nàng thôi miên, chiếm hẳn bản ngã của tôi trong chốc lát.

Nhưng Quỳnh Nga? Biết rằng nàng có rủ lòng thương đến tôi không? Quỳnh Nga là một người đàn bà còn ít tuổi, nàng lại là gái có chồng. Tôi đây đã đứng bóng rồi, đã sắp thành người vô dụng; một thiếu phụ còn xuân hơ hớ, dễ gì đã động lòng yêu mến đến tôi ru? Vả lại ngày nay tôi chỉ còn trơ trọi tấm thân già cằn, kiết xác, Quỳnh Nga vừa giầu, vừa đẹp, được nàng yêu tất phải là người vừa trẻ, vừa sang. Thì tôi còn hi vọng gì mà mơ ước hão huyền cho mệt xác? Chả quá già rồi, thì tưởng đến những điều vô lý cho đỡ thèm, đỡ muốn, chớ thực tình, mình cũng tự biết mình không còn mầu mã gì có thể khiến lòng một bạn gái phải say mê. Đã vậy, yêu Quỳnh Nga, tôi đành phải chôn sâu trong đáy dạ, tôi bây giờ chỉ còn được yêu nàng một cách viển vông, mơ mộng, yêu nàng mà không dám tỏ cho nàng biết rõ mối tình chan chứa; yêu nàng chỉ riêng bằng tưởng tượng mà thôi. Có nhẽ Quỳnh Nga cũng không biết, vì nàng, tôi đến phải chết mê chết mệt; nàng đối với tôi tự nhiên như đối với anh, với bạn, tuyệt nhiên không hề nghĩ tới ái tình.

Chắc trong tâm trí nàng, nàng nhận rằng yêu tôi hẳn là một điều vô lý, không bao giờ nên để ý tới. Nàng ngày nay nghiễm nhiên là vợ một ông quan giàu và danh giá, không nhẽ nàng nhất đán quên bổn phận và địa vị mình để tư tình cùng một chàng văn sĩ đã già, lại kiết như tôi? Quỳnh Nga, khi vừa đúng tuần hai chín xuân xanh, đã may được hạnh phúc đẹp đôi cùng một luật khoa cử nhân, con nhà thế phiệt. Chàng kia mê nhan sắc nàng, hết sức xin phụ mẫu cưới cho chàng người chàng đã tự kén chọn. Mấy năm sau khi về làm dâu quan Nghệ Tĩnh Tổng đốc, Quỳnh Nga được thấy mình nhẩy lên địa vị nội tướng quan Tri phủ Điện Hà. Rồi quan Tri phủ, tuy tuổi chả có bao, được thăng hàm Án sát, nhờ thế lực của quan Tổng đốc, ngày nay đã có chân trong điệu phủ các thân thần.

Một bà Án còn trẻ măng như đóa hoa vừa tươi cười hé nhị, một thiếu phụ mà sắc đẹp và thanh thế vang lừng khắp xứ Trung Kỳ, có nhẽ nào nhân mấy tháng xuân ra thăm viếng cảnh Hà thành lại quên hẳn bản ngã mình, mà yêu mến tình-lang của chị? Không được! Không thể nào được! Trừ ra khi tôi cũng là một ông quan sang trọng, lắm tiền!

Vì thế, tuy nhiều phen Quỳnh Nga cho mời tôi lại ăn tiệc, hoặc nói chuyện ở ‘‘ô ten’’ nàng vẫn giữ một thái độ nghiêm trang, nền nếp. Tôi không dám đi sâu vào sự tự do, xuồng xã. Cũng không dám nghe tiếng gọi của con tâm đêm ngày thổn thức, không dám theo sức mạnh của xác thịt rung động, nóng bừng. Tôi vẫn phải đối với Quỳnh Nga như đối với một người em đáng kính trọng. Tôi phải cố nén lòng hồi hộp, cố đuổi ra khỏi linh hồn những ý nghĩ vẩn vơ. Tôi ngậm miệng nhai sự thèm thuồng, nhai mãi mà vẫn không nuốt được.

Tháng ngày cứ thế lần hồi đi mãi, non một tháng trời đã thoảng lúc nào rồi. Một buổi chiều, trong khi cùng nhau uống cạn một ấm trà, Quỳnh Nga nhìn tôi, bảo nhỏ:

‘‘ - Ngày kia em lại phải về trong ấy. Chúng ta đã đến ngày phải vĩnh quyết nhau đây. Có lẽ sau này, em khó có dịp gặp anh được nữa. Ngày nay được gặp anh, là vì em đã phải tìm thiên phương bách kế để theo đúng lời dặn của chị em khi lâm chung, mười tám năm về trước. Nhưng gặp nhau lần này, thì từ đây, đôi ta tất phải xa nhau. Anh nên coi em như đã chết theo chị em rồi vậy. Đừng nên nghĩ đến em nữa. Về phần em, em sẽ cầu Trời khấn Phật cho anh khỏe mạnh và sống lâu. Anh phải nên tự trọng lấy thân, chớ có ưu phiền mới được!

‘‘Ngày mai, trước khi em từ biệt anh đi theo chồng em, em muốn cùng anh đi chơi một hôm ra khỏi ngoài thành Hà Nội, Cuộc du lịch ấy sẽ là kỷ niệm của thời gặp gỡ đôi ta.Em muốn trong cuộc đi chơi ấy, anh sẽ quí em, chiều-chuộng em, tỏ rằng anh đã quên hẳn thù xưa, thứ lỗi cho em rồi vậy. Anh có thuận không?’’.

Mặt trời buổi tà dương, theo nhời nói của Quỳnh Nga, biến vào quãng không gian ảm đạm. Một vẻ im lặng thấm thía đến câu hỏi cuối cùng của thiếu phụ, vì tôi sung sướng quá, không biết trả lời sao nữa, chỉ dằn lòng se sẽ gật đầu. Tôi sợ nói một nhời, nhời ấy sẽ chạm mạnh vào cảm giác êm ả của tôi, khiến cảm giác ấy phải tan, biến đi vào thời dĩ vãng...

Ngày hôm sau, thuê một chiếc ‘‘ô-tô’’, chúng tôi đi về vùng Nam Định. Ăn cơm trên mặt cỏ. Ngủ trưa trong một quán ở dọc đường. Thở không khí buổi chiều giữa một quãng đồng hoang. Viếng một tòa miếu cỗ, ngã lưng ven sườn núi.

Trời tối đến lúc nào không rõ, chúng tôi lững thững ra về. Quỳnh Nga, cả ngày hôm đó nô cười như một người con gái nhỏ. Nàng dắt tay tôi lôi kéo, như em dắt tay anh đi dạo mát, tuyệt nhiên không tỏ ra vẻ gì lơi lả, lẳng lơ. Đến tối, khi tôi bảo xe quay về Hà Nội, nàng lại cố dìu tôi về Nam Định ăn cơm. Bữa cơm ấy, nàng uống rất nhiều rượu mạnh. Ăn xong, nàng lại gọi xâm banh.

Dưới ánh đèn lờ mờ, mặt nàng bị hơi rượu bốc lên làm cho đỏ ửng. Nàng nói cười lúc bấy gíờ cũng không giữ nữa, có nhiều khi nàng kề đầu vào dựa vai tôi. Tôi phải mắm môi nghiến lợi để nén lòng cho khỏi làm bậy, làm càn, tôi hết sức giữ mình bình tĩnh và điềm đạm. Ở Khách-sạn bước ra, nàng bắt tôi phải đem nàng đi xem chớp bóng, chớp bóng tan, nàng rủ tôi cùng ở lại Nam thành:

‘‘ - Đã đi chơi, thì phải chơi cho trọn ngày giờ, chúng ta ở lại đây, sáng mai về nào đã lấy gì làm muộn!’’.

Hai chúng tôi thuê hai buồng liền nhau ‘‘ô ten’’ Thương mại. Tôi đưa nàng đến tận phòng, cúi chào, rồi lui ra, về phòng tôi, đi ngủ. Tôi ngủ, mà nào ngủ được. Cả người tôi hồi hộp, bồn chồn. Tôi những muốn cậy cửa sang phòng ai, quỳ xuống chân vị nữ chúa kiều diễm kia để kể lễ tình yêu, nỗi mến. Nhưng tôi không dám. Cứ lưỡng lự như thế mãi, tôi nằm trằn trọc suốt canh chầy. Hồn tôi, du dương, như vơ vẩn bay vào cõi mộng...

Trong lúc bàng hoàng, ngây ngất, cảm giác tôi, như hồn tôi, cũng lơ mơ, vơ vẩn, mà ngũ quan tôi thì như bị chìm đắm, tiêu tán đi trong một gầm sương che, khói tỏa ; tôi chỉ nhận được rằng cả thân thể lẫn linh-hồn tôi đương phiêu diêu trong một bầu không khí mơ hồ, huyền ảo, trong một cõi đời gì khó hiểu, khó tả, mù mịt hắt hiu những mây cùng gió, nửa tối mờ, nửa lợt sáng, lại hình như chứa đầy những tấm màn lụa xám cứ phất phưởng dập dềnh trôi giữa quãng lưng chừng. Có nhẽ tôi mê ngủ. Nhưng không phải mê ngủ, vì thỉnh- thoảng trong trí não tôi còn có thể vụt qua được một ý nghĩ phân minh. Nhưng tôi không trông thấy gì cả, không nhận được hiện trạng nữa. Hiện trạng cuộc đời, lúc ấy, bỗng hóa ra bình bồng, không rõ rệt, không vững vàng. Vì tôi không có mắt. Tôi chỉ thoáng nghe thấy tiếng động, thoảng ngửi thấy mùi thơm, thoáng sờ thấy một vật mịn trơn, ấm áp, và mát lạnh. Lạ quá, cái gì thế này?

Tôi toan ngồi nhỏm dậy để kêu, nhưng... môt bàn tay ai - hình như bàn tay thì phải - một bàn tay mềm mại, thơm tho, đậy chặt lấy mồm tôi, áp một làn da êm dịu xuống cặp môi khô khan lạnh lẽo của tôi. Đã mê đắm mê say trong giấc ngủ, tôi lại càng thấy tâm hồn dần dần nặng chình chịch rồi chìm mãi, chìm mãi. Nặng như mà không, nhẹ...Tựa hồ tấm thân của cô Ngọc nữ, trong như sương móc, đầm như gió xuân, tựa hồ hình hài cao quí của một giai nhân tối mỹ lệ, tôi đa tình, từ từ ngả nhẹ xuống thân thể khô héo tiều tụy của tôi, trong khi dưới chân tôi, trên ngực tôi, trên mặt tôi, tua tủa rủ xuống không biết bao nhiêu là lượt là tơ lụa, mềm lả như làn gió thoảng, thơm nồng như mùi hoa đưa, rồi biến đi, tan đi, như sương, như khói. Ôi! êm dịu, êm mát, êm ấm... chả biết vì đâu giấc ngủ đêm nay lại khoan khoái thế này? Thôi, ngủ đi, ngủ say đi. Mơ vơ vẩn làm gì cho mệt?

Nhưng mà nào phải tôi mơ! Quả nhiên, phải, quả nhiên, tôi nhận thấy, cảm thấy, bên má tôi, phều phào có hơi người thở, rồi không hiểu vì đâu - có lẽ tự trên trời sa xuống, tự âm phủ tung lên, - một làn tóc dài quá, dầy quá, mượt quá, thơm quá, rũ tỏa xuống mặt tôi, che lắp mắt mũi tôi, ám hẳn Iinh hồn tôi, đè nén nghị lực tôi, để giúp cho một sức mạnh dị kỳ lôi kéo tôi đi, lôi mãi, lôi mãi... đưa tôi vào bờ bến một cõi khoái lạc, nửa cao khiết, nửa tục tằn. Tôi chết rồi, có lẽ chết hẳn rồi, bởi cớ, này này, tôi thấy mình được hạnh phúc ôm trong lòng thiết tha đau đớn, con người mà bấy nay tôi nhớ, tôi thương: Thục Nga, nhân tình tôi, vợ tôi, em Thục Nga của tôi quá cố từ ngày xưa. ngày xưa, xa lắm... Tôi xuống Âm ty thực rồi, thực rồi! Vì nếu không phải thế, làm sao, làm sao, tôi lại được bùi ngùi âu yếm em Thục Nga, này, nhỉ?

‘‘ -Thục Nga em ôi! Anh nhớ em đã gần nát trí, anh thương em đã rữa mất tâm rồi! Ôi! biệt ly! Tới nay thấm thoát đã bao lâu, vì đâu mãi ngày nay anh mới được cùng em gặp gỡ? Phải chăng anh đã bỏ cõi trần đi theo em vào cõi mộng, phải chăng anh đã thoát ly được cuộc đời đau khổ của anh? Em Thục Nga! Thục Nga! Sao em không nói chuyện cùng anh? Em ôi! Anh sung sướng quá! Được gặp em, anh không còn ân hận nỗi gì. Em có thấu cho tình duy nhất của anh không, hở em?’’

Gặp người yêu, dù là trong một giấc mê, ai mà không cảm động? Nhất là tôi xa cách Thục Nga lâu ngày quá, nên khi tưởng tượng đến nàng, khi cảm thấy hình như nàng về chung gối cùng tôi, tôi ghì chặt lấy nàng không buông, kể lể cho thỏa thuê những nỗi nhớ nhung, thương tiếc. Rồi, quá xúc động, tôi òa lên khóc nức nở, khóc bao nhiêu càng thấy khối lòng nhẹ nhàng khoan khoái bấy nhiêu. Trong khi khóc, tôi cũng say sưa tê tái.

Tôi đã sống một giờ thiêng liêng nhất trong đời tôi, giờ mà tôi cảm thấy người tôi yêu sống lại, về âu yếm tôi một cách chân thành, khao khát, dẫu rằng Nàng lạnh lùng im lặng, không hé môi nói lấy nửa nhời. Thục Nga đã làm cho tôi như chết ngất trong tay Nàng, nhưng tôi được chết rất êm đềm, mát mẻ.

Tôi không thể làm sao tả lại được giờ tôi đã trải. Quãng thời gian ấy nó dài hay ngắn, đến bây giờ tôi cũng vẫn không hay. Tôi chỉ nhớ mang máng rằng người tôi bỗng nóng bừng lên, tâm tôi đập mạnh như muốn thoát ra ngoài lồng xương ngực, mắt tôi trông không rõ nữa, tai tôi chỉ nghe được những tiếng lộn xộn, xì xào, mà tứ chi và thân thể tôi thì như đều nhủn mềm ra, không theo ý muốn của tôi sai khiến nữa.

Xác thịt và linh hồn tôi đều bị một xác thịt sạch thơm hơn sai khiến, tôi như một người nô lệ, hi sinh hết cả hình hài cho một giờ vật dục thiêng liêng. Máu tôi, xương tôi, vá tất cả bao nhiêu gân cốt trong người tôi, lúc ấy, như tan ra một luồng không khí nhẹ, như tiêu trong một gầm sương tuyết mơ hồ.

Một trường êm ái, say sưa, đau đớn và tê tái...

Đến khi tôi giật mình tỉnh lại, thì tôi còn nằm trơ trên chiếc giường rộrg rãi trong phòng. Tôi vùng đứng dậy, tung chân, cảnh tượng tôi thấy trước khi đi ngủ vẫn không có gì thay đổi cả. Tôi chạy vội sang phòng bên cạnh: Quỳnh Nga đã bỏ tôi, biến tự lúc nào rồi! Chỉ trên bàn, một bức thư còn sót lại:

Anh yêu quí của chị em,

Em đã hẹn đi, em phải đi. Em xin phép anh về trước. Từ đây đôi ta sẽ không bao giờ còn gặp nhau được nữa, hóa nên trước khi đi, em muốn làm xong phận sự và nghĩa vụ của em. Em ra Hà Nội chỉ cốt để tìm anh, cốt tìm anh, là chỉ vì chị em, khi trước,đã nhờ em đưa cho anh quả tim mà chị em muốn tặng anh làm kỷ niệm cuối cùng. Ngoài sự ấy, em không hiểu vì sao, em lại muốn được gặp anh cho thỏa lòng ao ước.

Chị em, trước buổi lâm chung, vẫn tiếc không được cùng anh trọn nghĩa, trăm năm ân ái. Chị em ôm hận mà chết. Vì thế chết không nhắm mắt. Em trông thần sắc chị em, biết rằng chị em, dù thác, vẫn không tắt hết lửa lòng, vẫn còn mơ tiểc một cuộc ái ân mà, nhắm mắt, cũng chưa thỏa nguyện.

Ngày nay chị em thịt đã nát rồi, nhưng em làm sao quên được nỗi, chỉ tại em, anh chị đã phải lìa nhau giữa khi yêu mến nhau đằm thắm? Từ ngày em biết nghĩ, không một phút nào em không hối hận đã làm lỡ duyên của người em u quí nhất trên đời, Vì thế, em ;nghĩ thương hại cả anh, Em dẫu được hạnh phúc, ngày nay, có địa vị giầu sang, quí trọng ; song, tuy giẫm trên đống vàng, em vẫn chẳng nguôi lòng!

Em đã hết sức cúng cấp, cầu cho linh hồn chị em đó siêu linh, tịnh độ, cho chị em được ngậm cười vui vẻ dưới suối vàng, Nhưng em vẫn không bao giờ hiểu được vì sao, trong người em, luôn luôn có cảm giác là hồn chị em, trong mười mấy năm nay, không khi nào được thỏa. Vì chị em lúc hấp hối còn muốn yêu anh, hôn anh, cùng anh hưởng thú ái tình cho đến cực điểm. Không maychị em chết mà vẫn chưa được mãn nguyện. Vậy nên hương hồn chị em vẫn như mờ ám, nặng nề.

‘‘Sự em làm phải chăng là một việc thiêng liêng, huyền bí? Cái đó em không rõ. Em chỉ biết hình như em bị một sức mạnh sai em. Thân thể anh ôm tối qua quả là thân thể em: nhưng linh hồn anh làm cho sung sướng trong quãng thời khắc ấy, có nhẽ là linh hồn chị em. Em đã dùng da thịt, em để làm chỗ hẹn hò cho hai anh chị. Linh hồn hai anh chị đã họp nhau trong xương tủy của em.

Bây giờ em có thể lặng lẽ sống nốt đời niên thiếu của em ; em đã rũ sạch được một mối hận cắn rứt em từ thủa em còn bé dại. Chị em ngày nay được thỏa nguyện, hồn chị em sẽ thơm, sẽ nhẹ, sẽ phiêu phiên bay bỗng lên Trời... Chị em sẽ mỉm cười nơi Cõi Chết...

‘‘Phận sự của em đã tròn rồi, em xin cùng anh vĩnh quyết. Anh sẽ hiểu vì sao em trao thân cho anh một cách quá dễ dàng. Ấy chỉ vì em bị một sức mạnh thiêng liêng bắt em phải hi sinh trinh tiết của em đi rửa sạch một lỗi xưa em đã phạm. Lỗi ấy, bây giờ chắc anh cũng vui lòng tha thứ cho em?

Anh ôi! Thời gian bay sẽ bảo rõ anh hay em đã làm một sự tối thiêng liêng hay đã phạm thêm một lỗi xấu xa, đê nhục. Cái đó, lấy mắt thịt trần gian mà xét thì ta không bao giờ giải quyết được ; họa chăng khi anh gặp chị em nơi chín suối, chị em sẽ cắt nghĩa rõ anh hay. Chỉ một mình chị em có thể biết được thôi, chỉ có Nàng, ngoài cõi Sống, có thể cho đôi ta thấy rõ về mặt thật của đêm hôm qua, một đêm em được biết một sự khoái lạc vật chất lẫn tinh thần mà cả đời em, có nhẽ không khi nào em còn được hưởng vị một lần thứ hai nữa.’’

Em anh:

QUỲNH NGA đốn thủ

TCHYA

(Copyright by Tchya avril 1936)

Linh Hồn Hay Xác Thịt

Tiến >>

Đánh máy: Thanh Vân, Ct.Ly
Nguồn: casau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 10 năm 2017