BI KỊCH LÀNG TÀO
Nói rồi lão bật khóc, lão khóc thật thảm thiết như khóc vợ mình chết vậy. Nhưng khổ nỗi lão Điếc có vợ đâu mà chết. Nghe chuyện lão khóc dì Thắm, bố tôi buồn bã:
- Lão Điếc khóc cho thân phận mình đó thôi…
LÃO ĐIẾC
Tôi không biết tên thật của lão, nghe mọi người gọi là lão Điếc nên cũng gọi theo. Năm ấy lão chừng 60 hay 70 tuổi gì đó, nhìn gương mặt lão vàng khè, nhăn nhúm như quả bầu khô, đôi mắt đục lờ nhờ cùng với hàng lông mày trắng như cước cũng đã rụng gần hết, nên nom mặt lão sợ lắm.
Lão Điếc không vợ, không con sống một mình trong căn lều cuối xóm Thành Vương được vá víu đủ thứ: Áo tơi rách, lá chuối khô, ni lon, giấy cat tông…Nghe mọi người nói trước đây lão bị bắt đi lính cho Pháp, đánh nhau tận Sê nê gan, rồi sang Lào…nghĩa là nhiều mặt trận ác liệt mà tôi là đứa trẻ ranh thì biết quái gì.
Bị bắt làm tù binh ở mặt trận biên giới Việt Bắc, rồi bị tù hơn chục năm lão mới được tha về với hai bàn tay trắng, năm ấy lão đã hơn 60 tuổi điếc lòi. Người dân làng Tào không ai muốn chứa chấp một thằng tù, nhất là tù binh đi lính cho Pháp có nợ máu với dân tộc. Lão ra bờ tre gom những lá tre khô và mo nang cùng những chiếc bao tải rách quây thành một cái ổ để ngủ qua đêm.
Sớm hôm sau lão gõ cửa nhà anh em, nhưng tất cả đều xua đuổi như xua đuổi con hủi. May sao hôm ấy cô em gái lấy chồng bên Thanh Đa trở về làng gặp lão đang đi thất thểu trên đường mới hỏi sự tình, biết lão còn sống trở về làng, cha mẹ thì đã mất, ngôi nhà bán chia đều cho các con, cô em gái được chia mảnh vườn dâu chừng hơn sào, cô không làm mà cho người ta trồng cấy, cuối năm được họ trả cho đôi thùng thóc, hoặc dăm bảy đồng. Nghĩa là họ có gì thì trả, không cố định thứ gì.
Không thể đón người anh đi tù về ở với gia đình mình được, cô em giao lại vườn dâu cho ông anh điếc lòi người gầy đét như que củi đầy bệnh tật về làng chờ chết. Lão chặt tay tre và những cây dâu già cỗi mọc ở ven ruộng cùng mo nang, bao tải rách…dựng lên một túp lều để ở, ngày ngày lão đi khắp các cánh đồng mò cua bắt ốc, ếch, nhái, rắn, rết…mang ra chợ bán kiếm sống qua ngày.
Lão Điếc bắt đầu làm nghề bốc mả và khâm niệm người chết từ một người ăn mày không biết từ đâu dạt về làng Tào đêm hôm trước thì sáng hôm sau nằm chết gục dưới gốc đa. Người ấy ghẻ lở, mặt mũi sần sùi, tay chân nứt toác máu me đóng thành dòng đen đặc ruồi bu kín mặt đen xì. Người ta bảo gã ăn mày bị bệnh hủi, nên không ai dám đến gần, tin được báo lên huyện và các xã bên cạnh để người nhà đến nhận, ai đó phủ lên cái xác manh chiếu rách nhìn cho đỡ sợ. Mãi đến chiều khi cái xác đã bắt đầu trương lên bốc mùi thì xã mới vội vàng lập biên bản, tìm người khâm niệm để đưa đi chôn. Không ai dám làm cái việc ghê rợn ấy, người nọ đùn đẩy người kia, mãi sau có người kêu lên: Thử gọi lão Điếc xem, lão ấy chuyên bắt rắn có thể làm được việc này.
Thế là lão Điếc được gọi đến, lão không ngần ngại xắn tay áo dùng khăn ướt rửa hết các vết máu khô trên người và mặt gã ăn mày một cách tỉ mẩn như rửa cho người thân. Lão bảo: Tôi đã khâm niệm cả trăm người ở mặt trận cả quân ta và quân Pháp. Nhiều người bị bom đạn chỉ còn nửa thân, mặt mũi biến dạng chứ thế này đáng gì…
Có người hỏi lão hồi đi lính cho Pháp lão làm gì, lính nhảy dù hay lính pháo? Vì điếc đặc, nên lão cứ ơ ớ chẳng hiểu gì, ai đó viết lên đất mấy chữ: Hồi đi lính cho Pháp ông làm gỉ? Lão lắc đầu, vì lão có biết chữ đâu, thành ra nói chuyện như cãi nhau, chẳng ai hiểu ai.
Sau khi khâm niệm xong, trước lúc khiêng cái xác ra đồng, lão bó gã ăn mày vào chiếc chiếu rách rồi thắp ba nén nhang cắm ở phía đầu người chết kính cẩn khấn:
- Người anh em chết đường chết chợ hãy cho tôi thắp một nén nhang tiễn biệt về suối vàng, cầu mong linh hồn người anh em tìm được gia đình. Nếu không tìm được thì người anh em hãy về đây trú ngụ trên cây đa này, đến ngày giỗ, tôi không giàu có gì nhưng cũng thắp cho người anh em một nén nhang…
Lão cầm cây nhang đang cháy lủi thủi theo chân những người dân quân khiêng gã ăn mày đi chôn. Sau khi chôn xong mọi người đã về hết, chỉ một mình lão Điếc nán lại xắn những mê cỏ đắp lên ngôi mộ gã ăn mày rất cẩn thận như đắp mộ cho mình.
Từ đó người làng Tào có ai chết hay bốc mả đều gọi lão Điếc đến, công trả cho lão là đĩa xôi quả trứng hay con gà cúng cho người chết. Lão nhận những thứ đó như một ân huệ của gia chủ mà không đòi hỏi gì thêm.
Là đứa trẻ tò mò muốn hiểu cuộc đời lão nên đôi lần tôi tìm đến căn lều của lão nhưng không dám vào, chỉ đứng ngoài cửa hé manh chiếu rách nhìn vào bên trong. Căn lều tối âm u, như một cái động, một tia nắng yếu ớt từ góc lều giúp tôi nhìn thấy những chai lọ, quần áo rách treo lủng lẳng trên vách. Mùi hôi hám và ẩm mốc xộc thẳng vào mũi khiến tôi suýt nôn.
Từ trong đống chăn rách như tổ đỉa lão nhỏm dậy ho hắng một thôi, một hồi mới thò gương mặt vàng khè như ám khói nhìn tôi rồi bảo:
- Người anh em lạc từ đâu đến thăm lão vậy?
- Mẹ cháu bảo mang đến cho lão mấy bơ lạc tươi để lão giã làm thức ăn. Nhà cháu mới dỡ lạc sáng nay, củ không được chắc lắm…
Lão Điếc chống gối vịn vách bước ra cửa rồi ngồi xuống cái gốc tre được lão róc hết rễ làm ghế. Thi thoảng mẹ tôi cho lão bơ lạc, cân ngô bà bảo: Lão Điếc khổ hơn mình, cho lão để sau này mẹ chết lão ấy nhặt hết xương khi cải mộ…
Mẹ tôi nói thế cho vui, chứ lão có còn sống để bốc mộ cho mẹ tôi hay không, vì trông lão hom hem lắm rồi. Tôi nhìn lấy lưng lão đã bắt đầu còng, đôi cẳng chân thò ra dưới cái ống quần ngắn cũn cỡn gầy như hai cành củi khô lại lội nước lâu ngày vàng như dỉ sắt. Tôi có cảm giác da của lão cứng đến nỗi muỗi và đỉa không thể nào cắn thủng. Hai bàn chân to bè các ngón chõe ra nứt nẻ, đen như rễ bèo tây như chưa bao giờ xỏ vào dép hay giày.
Tôi cũng kéo một cái gốc tre khác ngồi xuống ngay cạnh cửa lều hỏi lão từ sáng đến giờ đã ăn gì chưa, lão lại trả lời:
- Ngày trước à, lão bị bắt đi lính không phải đi đánh nhau mà chuyên đi chôn xác người ở các trận địa, cả xác Tây và xác ta.
Nói rồi lão ra hiệu như thể bó xác người, đào đất hay cõng thương binh. Chợt lão cười nhăn nhó:
- Xác Tây nặng lắm, không mấy thằng chết lành lặn, có thằng chết úp mặt xuống suối mấy ngày sau mới tìm thấy trương như con trâu mộng thối hơn rắn chết, nhìn sợ lắm. Nhưng làm việc chôn xác lâu rồi cũng quen…
Chợt lão bật khóc hu hu, khiến tôi hoảng quá mới hỏi vì sao lão khóc, nhưng lão không đáp, một lúc sao bảo:
- Lão điếc vì pháo của Pháp nã xuống mặt trận khi đang đi lượm xác đồng đội, sau đó vẫn còn nghe được, nhưng khi bị bắt làm tù binh vào tù thì họ đánh vào mang tai cho điếc hẳn. Họ bảo đi lính cho Pháp đánh nhau ở đâu, bắn chết bao nhiêu người, đốt bao nhiêu ngôi nhà? Tôi chỉ là lính tải thương, chỉ nhặt xác và chôn xác chết thôi. Họ không tin dùng dép đánh vào hai mang tai, mấy tháng nghe ù ù như sấm…
Tôi nói như hét vào tai lão, nhưng lão không hiểu gì hỏi tôi:
- Đọc thơ à, lão còn nhớ mấy bài thơ tiếng Pháp, giờ lão đọc cho cháu nghe…
Thế là lão cất giọng đọc, tôi không thể nào hiểu nổi bài thơ nói gì ra hiệu cho lão ngừng đọc, nhưng lão cứ đọc với vẻ mặt buồn chan chứa. Tôi vỗ vai lão ra hiệu về đây, thì lão ngừng đọc bảo:
- Mai ngày lão chết, cháu nhớ chôn lão nhé…
Kể từ khi lão về làng, người thuê mảnh vườn không thuê nữa, lão Điếc đánh những gốc dâu trồng ngô, khoai. Mỗi vụ cũng được dăm sáu chục cân ngô, vài yến khoai. Lão bán một phần số ngô để lấy tiền mua gạo, muối và các thứ nhì nhằng khác. Một hôm lão Tư Lâm sai anh Tẹo và cu Đụn đến thống kê số ngô, khoai và yêu cầu lão Điếc phải nộp nghĩa vụ với nhà nước. Lão không nghe và hiểu anh Tẹo nói gì, hai người phải ra hiệu rất lâu lão mới hiểu, rồi chỉ vào mấy thùng ngô, đống khoai lang cười nhăn nhó:
- Các ông muốn lấy ngô, khoai để nuôi bộ đội đánh Mỹ à? Thế thì muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Lão còn khỏe, còn đi bắt cua, bắt ốc được…
Anh Tẹo chưa biết lấy thế nào thì cu Đụn sấn tới, bê hai thùng ngô đổ vào chiếc bao tải mang theo kéo ra khỏi căn lều rồi quay lại chọn những củ khoai to nhất nhét vào hai túi quần rồi giục anh cu Tẹo ra về. Lão nhìn theo hai người cười rất sung sướng, dường như kể từ ngày ra tù đến nay lão mới làm được một việc vô cùng lớn lao là góp một phần của cải của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, như thể chuộc lại lỗi lầm những năm tháng đi lính cho Pháp.
Tôi cay đắng nhớ lại chuyện đàn vịt nhà anh Hoa đã bán cho hợp tác xã, mới hiểu ra rằng họ đến cướp số ngô của nhà lão chứ đâu phải nuôi bộ đội. Tôi nói cho lão hiểu, nhưng lão chỉ nhăn răng ra cười, tỏ ra rất mãn nguyện được đóng góp của cải nuôi bộ đội đánh Mỹ.
Hôm dì Thắm mất, lão Tư Lâm cho người gọi lão Điếc đến khâm niệm, lão vừa lau rửa cho dì Thắm vừa khóc. Lão khóc như chính người thân mình mất, rồi nói lẩm bẩm tiễn biệt người quá cố, lão kể lể, nhắc đến các mặt trận, tên từng người bằng cả tiếng Pháp khiến nhiều người đứng gần đó quá kinh ngạc. Tôi ở trong đội nhạc hiếu nên hiểu tâm trạng lão, lúc đó lão nói những lời tiễn biệt đồng đội về thế giới bên kia với sự xót thương vô tận:
- Các huynh đi để lại một mình tôi trên cõi đời này, chiến tranh không biết đến bao giờ mới chấm dứt, có lẽ mai tôi cũng theo các huynh về thiên đàng. Còn cậu ở xà lim nào mà chết thảm vậy, chết đói hay bị đánh mà chết. Dì Thắm ơi, dì sống nhục mà chết lại vinh. Có bao nhiêu người đến viếng dì đây, tôi tắm rửa cho dì lần cuối, dì nhớ cái mặt tôi nhé, để mai ngày xuống âm phủ dì còn mời tôi bát nước vối…
Lão khóc thảm lắm, khiến lão Tư Lâm hét lên:
- Lão khóc thế đủ rồi, khâm niệm nhanh nhanh lên, đã đến giờ phát tang người trong làng và trên huyện đợi viếng đông chật ngoài kia.
Lão lầm lũi đi theo đám tang đưa dì Thắm ra đồng, sau khi đắp mộ cho dì Thắm xong mọi người đặt bát xôi, quả trứng và con gà lên nóc mộ để thầy Lung cúng nhập hồn vào mộ cho dì không phải phiêu diêu, lang bạt ăn mày ăn xin khắp nơi. Sau bài cúng, lão Tư Lâm bảo Quốc Tũn:
- Để bát xôi quả trứng trả công lão Điếc, còn mang con gà về làm ba ngày cho mẹ mày…
Nói rồi lão Tư Lâm móc túi đưa cho lão Điếc 5 hào bảo:
- Tiền công khâm niệm trả lão đây, lão nhớ khi nào cải táng, tôi lại thuê lão bốc mả cho vợ tôi…
Lão Điếc chỉ nhận bát xôi và quả trứng còn tiền thì nhất quyết không nhận:
- Đây là tiền tôi viếng dì Thắm…
Nói rồi lão bật khóc, lão khóc thật thảm thiết như khóc vợ mình chết vậy. Nhưng khổ nỗi lão Điếc có vợ đâu mà chết. Nghe chuyện lão khóc dì Thắm, bố tôi buồn bã:
- Lão Điếc khóc cho thân phận mình đó thôi…
Thúc sinh
(Trích Chuyện Làng Tào)
.
Nguồn: FB- Truyện ngắn Hải Ngoại
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 14 tháng 5 năm 2023