Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy
Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không.
Rằm tháng Mười, mười người mười quảy".
Thời thơ ấu, tôi thường nghe bà nội tôi ngân nga câu này. Bà tôi không biết chữ nhưng lại thuộc hết các câu ca dao tục ngữ; thuộc và hiểu ý nghĩa của từng tích xưa. Tôi thường lẩn quẩn bên bà nên tôi cũng thuộc và hiểu chút chút về rằm tháng mười.
Rằm tháng 10 là rằm lớn là người người ai cũng đều cúng quảy tạ ơn tổ tiên, ông bà, thổ thần âm linh, các bát. Đó như là một ngày lễ Tạ ơn.
Tôi mộ đạo Phật nhưng có lẽ phước phần ít nên cả đời này tôi ngủ chưa hề mơ thấy Phật dù chỉ là tượng Phật thôi cũng không có nhưng tôi luôn cảm nhận rằng đức Phật không bỏ tôi Ngài vẫn luôn dõi theo tôi mà độ trì... Thời còn trẻ tôi ngủ thường thấy người âm, trong mơ tôi gặp lại những người thân hoặc những người mà tôi quen biết mà đã chết, cái thế giới u u mù mù đó làm cho tôi luôn có cái cảm giác sợ hãi. Nội tôi mất, tôi không biết kể cho ai nghe về những giấc mơ của mình và hồi đó tôi quên mất Phật pháp nên không biết niệm Phật để tâm an. Một thời gian rất lâu như vậy, cho đến sau khi mãn tang ba, tôi mới kể cho má tôi nghe. Má nói: " Vậy là con đã thấy các bát rồi, bận bịu quá thì các rằm lớn như rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư, rằm tháng Bảy và rằm tháng Mười con phải cúng cho họ. Nghe lời má tôi thắp cây nhang khấn vái giữa trời báo cho họ biết và thực hiện lời hứa này suốt mấy mươi năm cho đến năm nay thì tôi ngưng hẵn vì tôi không buôn bán nữa và vì chỗ ở chưa ổn định...
Những ngày còn lại ở Quy nhơn tôi bình thản an nhiên mà sống trọn vẹn cho từng ngày. Đầu tháng Mười chùa Long Khánh, thầy tụ trì đã cho dựng những mái che chắn mưa dột ướt để chuẩn bị cúng rằm. Mấy năm rồi, thầy Phước đã định cho ngày rằm tháng Mười là ngày cúng cầu siêu cho các thai nhi sản nạn. Tôi ở chùa thường xuyên nên tôi thấy người người dập dìu vào ghi sớ cầu siêu cho những linh hồn nhỏ cô đơn mà họ đã lỡ đánh rơi sút sảo hoặc phá bỏ nó khi nó còn nằm trong bụng mẹ. Khi con còn bé xíu đang nằm trong bụng mẹ, chỉ có mẹ mới bảo vệ được con mà mẹ lại chối bỏ nó đi thật là một điều rất tàn nhẫn. Lễ cúng trai tăng cầu siêu này tôi thấy rất hay. Đây cũng như một lời xin lỗi của các mẹ gởi cho con mình cho đỡ thấy đau. Tất nhiên không thể nào gột rửa hết cái ác tày trời, cái tội lỗi tận cùng mà mẹ đã lỡ làm ra cho con của mình. Nhưng nên có ngày này. Một ngày ý nghĩa. Ngày Sám hối của mẹ và ngày con rộng lòng mà tha thứ cho mẹ để siêu thoát mọi khổ đau suốt bao năm dài.
Tại Miền Nam Việt nam. Thế hệ của chúng tôi những người vừa lớn lên sau 1975 là những người gánh chịu cái đau này nhiều nhất; cũng là người gây nên tội ác tày trời núp sau cái bóng, cái lý lẽ của từ ngữ là "Kế hoạch hóa" này nhiều nhất.
Cái thời của ba má tôi trở về trước, người dân Miền nam Việt nam ai cũng đông con cháu. Thời chiến tranh có người có thai bất đắc dĩ, họ sinh ra những đứa con lai; cả những đứa con lai Mỹ đen, tóc xoăn đen nhẻm nhưng họ vẫn sinh... Chuyện một người mà đi phá bỏ đứa con trong bụng của mình là một tội ác tày trời không thể tha thứ được. Sau 1975 các anh lớp đàn anh chúng tôi những người từng làm trong chính quyền thể chế VNCH những ai còn sót lại ở VN họ bị bắt đi cải tạo. Các chị ở lại phải vất vả trăm bề để nuôi con, nuôi chồng nằm trong trại cải tạo. Khi các anh ra tù, cả gia đình được đi khỏi VN theo diện HO đoàn tụ gia đình. Không phải có cái khổ mà đi so bì song những người mà đã đi ra được nước ngoài tính ra họ còn có phúc để không phải tạo ra nghiệp ác này. Những ai còn ở lại thì khó lòng tránh khỏi.
Thay thế cho người ra đi là một số người tập kết ra Bắc quay trở về và mang theo mọi thay đổi từ nơi xa đó cho quê nhà.
Năm 1980, tôi đi dạy học ở một miền sỏi đá khô cằn, núi rừng lạnh lẽo. Hồi ấy tôi vô tư chưa biết gì. Có lần tôi đi với anh Long Nguyễn cũng giáo viên dạy cùng trường với tôi, tôi thấy có một người phụ nữ cầm cái bọc gói trong lá chuối và giấy báo đem vất ngay bên sườn đồi. Anh Long bảo đó là: " thai nhi", rồi anh chỉ cho tôi từng bọc từng bọc người ta đem vất bừa bãi đầy sườn núi, có bọc đã bị chó hoặc chim rừng đến banh ra tôi thấy cả những cánh tay, thấy tóc đen của đứa trẻ thơ. Giữa mênh mông đất trời này, họ không đào cho bé một chút đất để chôn cho nó. Tại sao lại như thế, tôi băn khoăn và ám ảnh những đứa trẻ thơ vô tội này đến cả trong giấc mơ.
Người đời nhìn vào luôn lên án người trực tiếp gây ra cái chết cho bé là mẹ. Bao sự dè bỉu cho cái ác cái hèn, cái dã tâm đều gắn cho mẹ. Nhưng ai "có ở trong chăn thì mới biết chăn có rận" từ đâu mà người phụ nữ Miền Nam Việt Nam hiền hậu, chất phát yêu chồng thương con, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời của mình cho cái mái ấm gia đình lại chính là kẻ giết người, kẻ thủ ác. "Đàn ông đi biển có đôi đàn bà đi biển mồ côi một mình ". Những trường hợp này thì người phụ nữ đa phần đi lẻ chỉ một mình. Ai có thấu cho họ không? Không kịp để cho có người thấu được đâu vì mọi người bị cuốn theo cái sự đương nhiên thời bấy giờ theo chủ trương chung của nhà nước. Đứng công tâm mà nói những người có đạoThiên Chúa thì họ ít phạm hơn đạo Phật và đạo thờ cúng tổ tiên, mà nước ta đạo Phật và đạo thờ cúng tổ tiên chiếm số đông nên gây ra tội ác này rất nhiều. Đức Phật và tổ tiên ông bà không hề cổ xúy cho con cháu làm cái việc tày trời này nhưng biết làm sao khi cái thời ấy ta cứ nghe hô hào theo chủ trương của nhà nước bắt chước Trung Cộng mà ra. Họ vô thần không suy tính trước sau, nên không sợ đất trời nhân quả.
Trong nhà Phật có quan niệm. Vì kém tu nên phải làm thân người nữ. Người phụ nữ trong những năm 1975-1990 được hô hào là được giải phóng song họ chính là người khổ ải nhất. Họ phải lăn ra bon chen giữa cuộc đời để giành giật chén cơm manh áo cho con mình; về nhà từ việc lớn việc nhỏ người phụ nữ phải đảm hết mọi điều cho đủ, nhất là chuyện khá nhạy cảm này không thể chia sẻ dễ dàng. Họ đắn đo, lo sợ, họ đau cắt lòng với sự dằn vặt là nên bỏ đứa con trong bụng của mình hay nên giữ. Làm sao mà sinh ra thêm một đứa nữa trước áp lực quá nặng của cuộc sống cái ăn, cái mặc thiếu thốn trăm bề và càng thiếu hơn nếu sinh thêm ra nữa. Họ sẽ bị mất tiên tiến (cái công mà họ bỏ ra miệt mài phục vụ cho nhà nước bị phủi sach), họ bị người đời cười chê dè bỉu và bị mất việc làm. Còn những đứa con họ đã sinh ra, đã có mặt trên đời sẽ ra sao nếu mẹ nó mất tiền thưởng mất việc... Đi buôn bán ư? Đó bị xem là thành phần tiểu tư sản "ngồi trong mát ăn bát vàng" không dễ mà xin được cái lô hàng ngồi bán ở chợ. Còn nếu đi buôn hàng chuyến họ sẽ bị bắt bớ, bị bòn ép, bị moi tiền trắng trợn có khi là bị lợi dụng cả thể xác khi qua các trạm kiểm soát gay gắt thời bấy giờ. Lương của người chồng không đủ nuôi cả vợ lẫn con, đa phần thời đó thì thành phần giáo viên là chính, mà đàn ông rất ít người đồng lòng quan tâm đến điều này của vợ. Người vợ làm mẹ phải biết vun tém sao cho đủ mà giữ ấm no cho gia đình. Không thể dùng những biện pháp tránh thai được vì nó hoàn toàn hầu như là hiếm khi bảo đảm an toàn nên không thể tựa vào và tin đó đươc. Chỉ còn cách là không gây nên cái thai đó mà tuyệt đối không gần chồng, nếu không có sự đồng lòng của chồng thì phải chịu mất chồng. Và phá thai là con đường duy nhất họ phải thực hiện, việc xảy ra tràn đầy riết rồi như chuyện bình thường. Đi "kế hoạch" là đi giết người mà lại giết chính con mình mà đi ngang nhiên không thấy hỗ thẹn lòng mình. Một người làm vợ chân chính, lỡ có bầu ngay chính chồng của mình mà như chữa hoang luôn phải xấu hổ, lén lút, che giấu cái thai của mình như che giấu tội phạm. Nếu để lộ ra thì nhiêu khê bao là việc.
Tất nhiên không phải nói quơ đũa cả nắm vì cũng còn sót lại những người chịu trăm cay ngàn đắng để giữ lại con mình không phá bỏ. Những người đó bây giờ mãn nguyện lòng mình mà kể chuyện hồi xưa, hồi xưa ấy họ cũng đắng cay muôn phần khi lỡ có thai... Tôi là người sống trong thời kỳ đó cho đến tuổi về chiều và lại là người buôn bán ở chợ đa số là phụ nữ. Tôi nhìn ngắm, tôi gần gũi, tôi lắng nghe, tôi gẫm suy chuyện của rất nhiều người... Hầu như là gần 80/100 họ mang tội này. Sau này chính quyền đương thời không cần phải mạnh tay càn quét như xưa nữa mà khổ quá, nguòi ta tự nguyện phá bỏ con mình nếu vỡ kế hoạch. Thuận theo thời cuộc như một lẽ đương nhiên.
Năm tháng rồi qua đi. Bây giờ cuộc sống cũng dần thay đổi. Người ta dần ổn định, những người cũ năm xưa của thời bao cấp đã đến tuổi về chiều. Lòng lắng lại những hơn thua ngày cũ, họ nương náu tâm về thế giới tâm linh nhiều hơn. Những điều cố lãng quên giờ như nhớ lại, chuyện của một thời... Chùa chiền là nơi chốn họ trọn lòng nhắn gởi nên các Đàn tràng cầu siêu độ tổ chức khá là nhiều. Chùa Long Khánh là nơi cúng đầu tiên và cúng lớn nhất ở tỉnh Bình định. Những ngày rằm lớn mà má tôi dặn phải cúng trong đó có rằm Tháng Mười; dường như nó sâu đậm trong lòng rồi. Dù tôi có vào Sài gòn, tôi vẫn quay về quê để cúng. Năm nay không còn nhà, tôi lại cúng ở chùa và đã tự lâu rồi, tôi dành rằm Tháng Mười là rằm cúng cho các Thai nhi.
Tôi cúng rồi hồi hướng cho tất cả các cháu thai nhi ở thế gian này, cho tất cả các con cháu của tôi, những thai nhi bé bỏng thương yêu lạc lỏng bên đời.
Biết sức mình không đủ sức nên tôi cùng nương tựa vào tất cả quần chúng đóng góp vào chùa mà sư thầy lập nên để giải oan khiên. Rất cảm tạ ơn sư thầy đã tổ chức lên đại lễ cầu siêu bạt độ cho các Thai nhi sản nạn này.
Hôm qua chị phụ trách ghi tên cúng ở chùa Long Khánh trách móc một chị phụ nữ: "Một năm chỉ cúng cho con cháu mình có một lần mà so đo từng cắc bạc, bỏ rơi nó ngần mấy chục năm mà còn tiếc của, còn đối với đứa con đang sống nó phá của như vậy mà có bao nhiêu cũng đưa cho nó". Rõ ràng là nghiệp chướng kia mà... Nhưng những người mẹ ấy họ biết quay đầu lại chuộc lỗi lầm xưa vẫn còn hơn một số người không còn nhớ, hoặc không muốn nhớ mà lãng quên đi con của mình.
Tôi luôn tin có thế giới vô hình của người cõi âm hiện hữu quanh cõi đời này nên tôi thường cúng kiến cho họ. Song hầu như tôi không cầu xin họ phải độ trì cho tôi được điều gì, tôi chỉ cầu nguyện kêu cứu từ Đức Phật. Nội tôi dạy tôi như thế, nội bảo người âm họ chưa siêu thoát được, họ rất khổ nên đừng cầu xin ở họ điều gì chỉ cầu Phật thôi. Thế mà hồi còn sống nội cứ bảo rằng: " Mai mốt bà nậu chết bà sẽ phù hộ cho con". Từ khi nội tôi chết đến bây giờ đã mấy mươi năm, tôi chưa hề cầu cứu vong hồn nội giúp cho tôi bất cứ cái gì. Bây giờ có một số sư thầy, một số nghiên cứu về đạo Phật lên án về việc cầu xin nơi Phật. Nhưng tôi thấy không có gì là sai khi ta dựa vào tha lực để bớt đi sân si giận ghét mà vơi đi bao đau khổ cuộc đời. Tôi luôn hướng về đức Phật mà cầu nguyện cho mình, cho tất cả ông bà cha mẹ anh chị em, bạn bè cho quê hương đất nước của tôi mỗi ngày. Cầu cho kẻ âm được siêu thoát và người dương được an lành...
Tôi nán lại nơi này chờ cúng rằm Tháng Mười, chờ cúng Thai nhi như mọi năm. Những ngọn nến lung linh thắp lên lời cầu nguyện. Tiếng cầu kinh đều đều gõ nhịp như giải hết nỗi oan khiên. Các trẻ thơ vô tội nghe được lời nguyện cầu nhờ sự chở che của chư Phật hộ niệm nó sẽ buông dần mọi oán hận mà đi.
Cầu cho các con thanh thản an lành mà đi về cõi bình yên.
Những người cha người mẹ ở thế gian đã từng mang tội xin hãy nhớ đến những sinh linh bé nhỏ này mà trở về chùa thắp cho con nén hương cầu siêu độ mà tạ lỗi con mình. Dẫu rằng tội ác vô cùng tận, tựa như tảng băng lạnh nhưng hãy cứ thắp từ trái tim, xin thắp lên ngọn nến ấm dần... ấm dần cho những vong linh bé nhỏ tội nghiệp này cho đến khi ta về chốn thiên thu vĩnh hằng. Xin hãy đừng nghĩ rằng, ngày xưa ta bỏ nó khi nó còn rất bé chưa tựu hình. Dù là nó bé tẻo teo như thế nhưng nó đã được tạo ra từ tinh cha huyết mẹ mà thành. Nó đã có linh hồn tự lúc đó và nếu được nâng niu chào đón thì nó sẽ lớn dần lên thành hình hài. Đã quá lâu rồi xin hãy đón nhận nó dù đã muộn màng.
Mẹ ơi! xin hãy nhớ đến con mà thắp cho con một ngọn nến ấm nồng. Cho con an lành mà về thế giới bên kia vĩnh viễn. Mẹ ơi hãy vĩnh biệt con bằng trái tim yêu thương mà mẹ quên dành cho con nhé mẹ của con... Mẹ ơi con vẫn còn tồn tại chưa thể đi được con chờ mẹ đã tự lâu lắm rồi mẹ ơi xin hãy đừng quên con, mẹ ơi...!!...
...............................
Nguyện bao công đức lành
Con kính dâng chư Phật
Hướng về bao sinh linh
Thai nhi cõi vô hình
Siêu thoát mọi khổ đau
Đến được bến an lành...
Qui nhơn 2019
.
Nguồn: FB- Truyện ngắn Hải Ngoại
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 24 tháng 11 năm 2022