Pedro Páramo

juan rulfo

LỜI GIỚI THIỆU

JUAN RULFO luôn luôn nói rằng ông không phải là nhà văn chuyên nghiệp mà là một nhà văn nghiệp dư, chỉ viết khi cảm hứng văn chương buộc mình phải viết. Cho tới nay ông mới chỉ công bố hai tác phẩm: Bình nguyên trong lửa (El Llano en Ilamas, tập truyện ngắn, in năm 1953) và Pedro Páramo (tiểu thuyết, in năm 1955).

.

Ông chỉ có hai tác phẩm nhưng tiếng tăm của ông đã lừng danh khắp thế giới. Tác phẩm của ông không những được in rộng rãi trong các nước nói tiếng Tây Ban Nha mà còn được dịch ra hầu khắp các thứ tiếng quốc tế. Sự nghiệp văn học của ông có vị trí xứng đáng trong văn học Mexico và văn học Mỹ Latinh hiện đại.

Juan Rulfo sinh năm 1916 tại bang Sayula, tỉnh Jalisco và mất năm 1986 tại thủ đô Mexico. Tuổi niên thiếu của ông trôi đi trên đất quê hương và ông theo học bậc tiểu học ở trường làng. Cha mẹ ông, bị khánh kiệt trong thời kỳ cách mạng tư sản diễn ra ở Mexico, đã chết khi ông còn nhỏ tuổi.

Người bà nuôi ông một số năm sau đó gởi ông vào trại trẻ mồ côi bốn năm liền ở Guadalajara, thủ phủ bang Jalisco. Đây là thời kỳ rất khủng khiếp mỗi khi Juan Rulfo nhớ lại.

Tại thủ phủ bang, ông sáng tác một số truyện và được đăng tải trên tờ Pan (Bánh mì) do Juan José Arreola và Antonio Alatorre lãnh đạo.

Vài lần thi cử vào đại học nhưng đều không đậu, ông buộc phải đi làm để kiếm sống. Thoạt đầu ông vào làm công ở văn phòng Bộ Di cư rồi sau đó ở Văn phòng Định cư. Chính công việc này cho phép nhà văn có điều kiện đi lại hầu khắp đất nước. Sau đó ông chuyển sang làm việc ở bộ phận xuất bản của Viện Quốc gia Nghiên cứu về người Anh-điêng. Ông được nhận học bổng của Trung tâm Văn học Mexico.

Bên cạnh công việc sáng tác văn chương, Rulfo còn làm một số công việc khác: Gần hai chục năm ông làm công tác đạo diễn phim xung quanh các nhân vật của ông và một số tác phẩm văn học của người khác như tiểu thuyết Con gà vàng. Ông còn làm cả nghề chụp ảnh. Trong các ảnh nghệ thuật của ông, người xem dễ dàng nhận thấy những dư vị từng có trong các tác phẩm văn chương của ông.

Rulfo thường kể rằng ông sáng tác ngoài giờ làm việc của nhà nước.

Năm 1948, ông viết truyện ngắn đầu tay: Macario, sau này in trong tập Bình nguyên trong lửa. Như vậy chúng ta thấy cuộc đời niên thiếu và thanh niên của nhà văn trôi đi trong lúc đất nước Mexico đang trải qua giai đoạn chót của cuộc cách mạng Mexico mà thực chất của nó là cách mạng tư sản dân tộc theo hệ tư tưởng Ánh sáng Pháp và là sự tranh giành quyền lãnh đạo giữa các phe phái chính trị đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản và địa chủ. Nhà văn cũng đã lớn lên trong sự ngự trị của tư trào văn học lúc đó được gọi là tiểu thuyết cách mạng, vốn gắn bó mật thiết với cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cách mạng với lực lượng phản động và giữa các phe phái chính trị kéo dài từ đầu thế kỷ cho đến đầu chiến tranh thế giới lần thứ II. Tiểu thuyết cách mạng là sản phẩm của các trí thức tham gia cuộc đấu tranh đó, khi phe mình thất bại, họ lưu vong ra nước ngoài hoặc lui về sống ẩn dật ở một làng quê hẻo lánh nào đó. Trong lúc sống thanh lặng, họ hồi cố lại cuộc đời tham gia chính sự của mình và viết lại quãng đời ấy. Do đó xét về mặt hình thức mà nói, tiểu thuyết cách mạng Mexico là những tập truyện phóng sự, những tập truyện - hồi ký. Chúng không có nhân vật điển hình của văn chương mà chỉ có đám đông, sự kiện cùng những chính kiến được nói toạc ra. Tuy nhiên, tư trào văn xuôi ấy cũng đã để lại một số tác giả đáng lưu ý như Mariano Azuela với tiểu thuyết Những người dưới đáy (Los de Abajo) và José Rubén Romero với tiểu thuyết Cuộc đời vô dụng của Pito Perez (La vida inútil de Pito Perez). Vào những năm bốn mươi của thế kỷ 20, Mexico bước vào thời kỳ tương đối ổn định về mặt chính trị và đất nước bước vào thời kỳ phát triển công nghiệp, văn chương đòi hỏi phải chuyển sang một hướng khác, phải kết thúc tư trào tiểu thuyết cách mạng Mexico. Sáng tác của Agustín Yáñez đã chứng tỏ điều đó.

Juan Rulfo, với những thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ dân gian của người nông dân Mexico kết hợp với kỹ thuật tự sự nhiều người kể, cấu trúc nhiều tầng trên cơ sở thời gian nhiều chiều trong Bình nguyên trong lửaPedro Páramo đã mở một cánh cửa cho tiểu thuyết Mexico hòa nhập vào dòng chính đầy sinh lực của tiểu thuyết Mỹ Latinh sau chiến tranh thế giới lần thứ II (1939 - 1945).

Như bạn đọc đã biết, năm 1949, nghĩa là trước khi Pedro Páramo ra mắt bảy năm, nhà văn Cuba Alejo Carpentier đã cho in Cõi thế tục này (El reino de este mundo). Trong lời nói đầu của cuốn tiểu thuyết, ông tuyên bố rằng: Lịch sử Mỹ Latinh là gì nếu không phải là một cuốn biên niên sử về cái kỳ diệu. Sau đó, năm 1958 ông cho in cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình: Những bước chân dò tìm (Los pasos perdidos). Cuốn sách này đã khẳng định bước đường sáng tác của Alejo Carpentier. Như vậy chúng ta thấy rằng, về mặt lý thuyết cũng như về mặt thực tiễn sáng tác, Alejo Carpentier là một bằng chứng cho sự khởi xướng của châu lục.

Vì vậy, có thể nói rằng Juan Rulfo, mặc dù số lượng tác phẩm để lại không nhiều lắm, đã có công đóng góp rất đáng kể cho thành tựu của tiểu thuyết Mỹ Latinh hôm nay và vị trí của ông trong nền văn học Mỹ Latinh là không bác bỏ được.

Để làm sáng tỏ kết luận trên chúng ta hãy phân tích tác phẩm Pedro Páramo: “Một cuốn tiểu thuyết mang tính sáng tạo mạnh dạn và điển hình, một cuốn tiểu thuyết đòi hỏi một cảm quan mới và một lối viết thích hợp trong việc thể hiện sinh động và có hiệu lực cảm quan mới ấy”, một cuốn tiểu thuyết từng là giấc mơ của Gabriel García Marquez. Vì ông nói rằng: “Nếu tôi viết được một cuốn tiểu thuyết như cuốn Pedro Páramo của Juan Rulfo thì tôi cùng sẽ bẻ bút không viết nữa”.

Như tên gọi của nó, cuốn tiểu thuyết này dựng lại cuộc đời tên địa chủ đại gian đại ác nhưng si tình tên là Pedro Páramo từ những mẩu ký ức vương vãi trong cõi hư vô. Trên thực tế Pedro Páramo đã chết rồi. Ở điền trang Media Luna, làng Comala cũng chẳng còn ai sống. Cuộc đời thực của y, từ hình dạng đến tâm tư của y, cùng với dân cư của hai làng ấy vĩnh viễn tan vào cõi hư vô, cõi người chết, trở thành những ảo ảnh. Như vậy, Juan Rulfo phải lấy ảo ảnh làm chất liệu cho cuốn tiểu thuyết của mình. Những ảo ảnh này là hình bóng của cái có thực, hay nói khác đi là cái có thực đã được thăng hoa nhưng vẫn giữ được cái bản chất, cái tinh túy trong lớp vỏ ảo ảnh của mình.

Khi tiếp xúc với Pedro Páramo, bạn đọc nhận thấy tác phẩm như một bức tranh cần được ghép bởi những phiến đoạn mà những phiến đoạn này là những đoạn văn dài ngắn khác nhau: có khi dài năm bảy trang, có khi dài không quá một trang. Mỗi đoạn văn ấy có khi là một mẩu chuyện, có khi là những cuộc độc thoại hay đối thoại. Chúng ta nhớ rằng cái làng mà Juan Preciado đến để tìm cha mình là một địa ngục, một làng thuộc cõi âm phủ. Bởi vì con đường từ Colima đến Comala là một con đường dốc, càng đi xuống càng nóng và thiếu không khí. Làng Comala là thế giới những bóng ma vì tiếng nói, tiếng chó sủa, tiếng gió, tiếng ồn, tiếng động là dư âm của cuộc sống trước đó vọng về, vì chúng chỉ được cảm thấy mà không thể nghe thấy, chúng tựa như nước từ trong các bức tường qua các khe hở, các kẽ nứt mà chui ra.

Thoạt đầu chúng ta tiếp xúc với lời kể của Juan Preciado. Anh ta kể lại lộ trình đi từ thành phố Colima đến điền trang Media Luna là nơi Pedro Páramo sống. Giữa đường anh ta gặp bà Eduviges (tại làng Comala). Bà này kể cho anh ta biết mẹ mình bị lão Pedro Páramo lấy làm vợ, bị lão hành hạ và đuổi đi khỏi làng. Rồi từ đấy anh được một bóng ma khác, bà Damiana, quản gia của lão Pedro Páramo, dẫn về điền trang Media Luna. Trên đường đi anh lại nghe thấy những cuộc đối thoại. Đó là cuộc đối thoại giữa hai người nông dân bị lão Pedro Páramo cướp mất ruộng đất, là cuộc đối thoại của những phu đòn đi đưa đám Miguel, con trai lão Pedro Páramo, là cuộc tình tự giữa một đôi trai gái. Anh ta đến điền trang Media Luna, lạc vào nhà của anh em Donis. Anh ta chết được chôn vào mồ của Dorotea, một người đàn bà nghèo chuyên sống bằng của bố thí, và anh ta chuyện trò với bà ta. Đến đây độc giả chợt nhận ra những lời tự tường trình lại chuyến đi đến của Preciado là dành cho Dorotea chứ không phải dành cho chúng ta, những người đọc.

Cùng với lời kể chuyện của Juan Preciado, chúng ta tiếp xúc với lời kể của người kể chuyện, luôn luôn ở ngôi thứ ba, kể về cuộc đời của Pedro Páramo từ khi y còn là một thanh niên choai choai, sống trong một gia đình giàu có đã khánh kiệt sau khi người cha qua đời. Y ươn lười nhưng xảo trá và sớm biết yêu. Y yêu say đắm một người con gái tên là Susana. Rồi y trở thành một ông bố đang đau khổ trước cái chết của Miguel con trai y.

Đến đây lời kể của người kể chuyện cùng hòa làm một với cuộc nói chuyện giữa Juan Preciado và Dorotea. Cứ mỗi bận Juan Preciado nghe thấy tiếng động, tiếng nói thì nói lại cho Dorotea và đến lượt mình Dorotea giải thích cho Preciado hiểu nguồn gốc những tiếng động hoặc tiếng nói ấy. Đó là lời độc thoại của một nông dân bị tay chân của Pedro Páramo giết... Nhân những cuộc độc thoại này, người kể chuyện cho chúng ta nghe những việc làm của Pedro Páramo như cướp đất để trở nên giàu có, bằng cách cưới những cô gái nhà giàu để hưởng của hồi môn rồi tìm cách ruồng bỏ họ; bằng cách nuôi luật gia Gerardo Trujillo làm ra những văn tự giả để căn cứ vào đó chiếm đoạt ruộng đất của nông dân. Khi đã giàu có, Pedro Páramo tìm mọi cách chiếm đoạt Susana San Juan mà lúc này vì bệnh lao đã trở thành một bóng ma.

Bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy càng về cuối câu chuyện càng ít đi những cuộc đối thoại giữa Juan Preciado với Dorotea và vai trò của người kể chuyện càng ngày càng trở nên quan trọng. Những lời đối thoại giữa Preciado với Dorotea xen kẽ giữa những lời độc thoại của Susana San Juan, hoặc giá trong lúc người kể chuyện đang kể về giây phút vĩnh biệt cuộc đời của Susana San Juan thì người đọc lại thấy lời đối thoại giữa Juan Preciado và Dorotea:

“-Ta đã thấy doña Susanita chết.

- Bà đã nói gì kia, hở bà Dorotea?

- Điều ta vừa nói xong”.

Điều đó cho chúng ta thấy người kể chuyện, lúc này đã đóng vai trò số một, đã nắm chắc được Pedro Páramo là ai. Để khẳng định tính chất xác thực của câu chuyện, người kể chuyện đã đứng ra kể về cuộc đời đầy thất vọng của Pedro Páramo: Susana San Juan chết, đời y cũng hết. Tất cả của cải chiếm đoạt được cũng đi hết.

Đó là cấu trúc của tiểu thuyết Pedro Páramo. Trong cấu trúc này bạn đọc thấy có hai dòng chảy: dòng chảy những ký ức, những áo ảnh và dòng chảy sự kiện có tính xác thực. Lúc đầu hai dòng này tách rời nhau: một dòng về Juan Preciado và một dòng do người kể chuyện kể. Hai dòng chảy này ngày một xích lại gần nhau, bổ sung cho nhau để rồi hòa thành một dòng. Nhờ vậy mà cái thực, cái ảo nương tựa vào nhau cùng nhằm một mục đích làm nổi bật hình tượng nhân vật chính: Pedro Páramo.

Cấu trúc trên có được là nhờ tác giả sử dụng kỹ thuật tự sự nhiều người kể: bên cạnh người kể chuyện còn có Juan Preciado, Dorotea, Eduviges,... Nhờ vậy nhân vật chính được soi rọi từ nhiều góc độ: có góc độ của cha xứ Rentería, có góc độ của người dân mà hầu hết là nạn nhân của Pedro Páramo như Dorotea, Aldrete, Damiana, Bartolomé San Juan.

Một lối cấu trúc nhiều tầng, một lối tự sự nhiều người kể chỉ có thể thực hiện mỹ mãn khi chúng được dựa trên thời gian nghệ thuật nhiều chiều. Chúng ta thấy trong tiểu thuyết Pedro Páramo có thời gian cốt truyện do người kể chuyện giữ vai trò chủ đạo. Đó là thứ thời gian biên niên sử biến tuần tự từ đầu cho đến cuối thiên truyện: Từ khi Pedro Páramo còn là một cậu thanh niên choai choai cho đến khi y chết ngã gục xuống đất, thân xác tan vụn từng mảnh tựa như một thằng phỗng được ghép lại từ những đá sỏi. Mặt khác, tham gia vào câu chuyện còn có những mẩu đời tư của Pedro Páramo được các nhân vật khác nhớ lại. Đó là thứ thời gian tâm lý. Thời gian này gắn bó rất mật thiết với quá trình hồi tưởng của các nhân vật. Thời gian tâm lý kết hợp với thời gian cốt truyện, thời gian thực tại, đã tạo ra thời gian nghệ thuật. Đó là thứ thời gian không vận động, một thứ thời gian không thời gian, thời gian của cõi hư vô, của cõi chết, về điều này, Juan Rulfo thú nhận với Fernando Benitez như sau:

“Trong Pedro Páramo có một cấu trúc và cái cấu trúc này được xây dựng bằng những sợi chỉ căng thẳng xâu chuỗi những cảnh rời rạc, bởi vì những sự kiện được đưa vào trong tác phẩm xảy ra trong những phiến đoạn thời gian tương tác lẫn nhau, đó là thời gian không thời gian”.

Thời gian nghệ thuật này rất thích hợp để nhà văn ở vào giữa những năm 50 thế kỷ 20 tạo dựng lại cuộc sống Mexico ở đầu thế kỷ, một quá khứ gần kề còn nóng bỏng ý nghĩa thời sự. Đó là vấn đề Mexico sẽ đi về đâu, Mỹ Latinh sẽ đi về đâu.

Sau khi đọc xong Pedro Páramo, gấp sách lại, bạn đọc sẽ thấy hình ảnh Pedro Páramo hiện lên đầy đủ từ vóc dáng, lời ăn tiếng nói, việc làm đến những suy tư rất thầm kín của y. Xuất thân từ một gia đình nông dân có ruộng đã bị khánh kiệt đến mức thiếu từ con dao phát trở đi, muốn mua thứ gì đều phải mua chịu, ngay cả cái cối xay ngô cũng phải mua chịu của bà Inés. Ấy thế mà chẳng bao lâu y trở thành lãnh chúa đầy thế lực: cả một vùng đất bao la cùng với cơ man đàn gia súc ở điền trang Media Luna thuộc về y. Tay chân của y có đủ loại: luật sư, quản gia, cha xứ, và bọn người ở đông hàng ngàn người. Với thế lực mạnh mẽ trong tay, y mặc sức gây tội ác, từ hiếp dâm phụ nữ đến giết người, giết bất kỳ ai dám coi thường y. Y thường tuyên bố ra miệng rằng pháp luật do y làm ra. Dưới ách thống trị của y, dân của điền trang Media Luna và làng Comala sống cuộc sống cực nhục. Đàn bà, khi còn ở tuổi thanh xuân, nhất loạt đều phải qua tay y. Đàn ông, bị y tước đoạt mất ruộng đất, muốn sống được phải đi làm thuê cho y hoặc phải tha phương cầu thực. Cả làng chỉ còn lại toàn dân nghèo khổ, mòn mỏi kéo theo mình cuộc đời đói rách, để đến khi chết trở thành những bóng ma lởn vởn trên các nẻo đường làng vì họ chết không được giải tội, không được ban Thánh thể. Media Luna tiêu điều. Đó là thực tại, đời sống của nông dân Mexico trong thời tên bạo chúa Porfirio Díaz thống trị. Có thể nói Pedro Páramo là một tên lãnh chúa tiêu biểu cho các lãnh chúa Mexico mà chế độ độc tài của Porfirio Díaz dựa vào. Bọn lãnh chúa là một nhúm người nhưng lại chiếm tới 85% số ruộng đất của toàn Mexico (tức là 50 triệu hecta). Dựa vững chãi trên sự ủng hộ của bọn lãnh lúa và chế độ cảnh sát và nhà tù, Porfirio Díaz đã tìm mọi thủ đoạn xảo quyệt để được bầu đi bầu lại làm tổng thống Mexico cho đến khi hắn tám mươi tuổi và hắn vẫn cố bám lấy quyền lực bằng mọi thủ đoạn gian giảo. Vì thế, tuy tình hình chính trị xã hội lúc ấy nhìn bề ngoài có vẻ ổn định, thịnh trị nhưng người nông dân Mexico đang trăn trở tìm đường thoát khỏi ách thống trị của Porfirio Díaz. Các giai cấp khác, nhất là giai cấp tư sản mới lên cũng đang cố hoạt động để đẩy lịch sử đất nước đi lên. Đúng như một nhà báo đương thời nhận xét: “Hòa bình ngự trị trên các đường phố, trên các quảng trường nhưng hòa bình không ngự trị trong tâm hồn người dân Mexico”.

Con giun xéo mãi cũng quằn, người nông dân đã vùng lên. Họ tự phát vùng lên giết lão quản gia Fulgor. Theo lời hẹn của tên lãnh chúa Pedro Páramo, nghĩa quân kéo đến nhà y đòi phải nộp tiền. Được tên lãnh chúa hỏi vì sao họ nổi dậy, họ lúng túng, mỗi người nói một phách. Nhưng họ cũng đã nói rõ được vì sao họ nổi dậy: Họ không thể chịu nổi ách thống trị của chế độ độc tài và sự bóc lột của bọn lãnh chúa. Dưới ngòi bút của Juan Rulfo, nghĩa quân nông dân là đám người đói rách, ngu dốt, không có đường lối cách mạng và họ rất khờ khạo đến mức để cho tên lãnh chúa dễ dàng lừa bịp. Nghĩa quân chỉ đòi số tiền cống nạp là năm mươi ngàn peso, lão Pedro Páramo còn hào hiệp cho nghĩa quân mượn ba trăm quân có đủ ngựa chiến và vũ khí. Nghĩa quân không biết đó là một âm mưu thâm độc của Pedro Páramo. Ba trăm quân này dưới sự chỉ huy của Damasio (tức Tilcuate) luôn luôn phá hoại phong trào nông dân, lúc theo Pancho Villa (một lãnh tụ nông dân đích thực), lúc lại theo Carranza và Obregón (những chính khách tư sản).

Tác phẩm này phản ánh cuộc nổi dậy của nông dân Mexico hồi đầu thế kỷ. Tác giả đã cho ta thấy rõ một đòi hỏi bức bách của thời đại lúc ấy là ruộng đất về tay người cày. Dù không được chuẩn bị sẵn về mặt tư tưởng nhưng họ đã nổi dậy và trở thành lực lượng đông đảo của cuộc cách mạng tư sản dân quyền Mexico do Madero khởi xướng với lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái và khẩu hiệu ruộng đất về tay nông dân, được nhân dân cả nước ủng hộ. Cả nước dấy lên một cao trào cách mạng. Chế độ độc tài Porfirio Díaz sụp đổ cùng với chế độ đại điền trang. Nhưng sau đó, vì thiếu cơ sở tư tưởng vững chắc, nội bộ giới lãnh đạo cuộc cách mạng này đã mâu thuẫn lẫn nhau, xâu xé lẫn nhau nên không thể thiết lập được một chính thể đại diện cho quyền lợi của nhân dân Mexico, nó đã bị thất bại. Nhận xét về nguyên nhân thất bại của của cuộc chiến này, Alfonso Reyes đã viết: “Cuộc cách mạng Mexico bùng nổ một cách tự phát. Nó không phải là sự vận động các nguyên lý cách mạng mà chỉ là một sự nảy sinh tự phát. Các chương trình bức thiết của nó đều bị dìm tắt ngay trong dòng thác cách mạng sôi trào vì chúng không chỉ đạo được quá trình diễn biến cuộc cách mạng”.

Nhưng có lẽ với Pedro Páramo, Juan Rulfo còn trình bày cảm quan khải huyền của mình trước thực tại Mexico nói riêng và Mỹ Latinh nói chung. Susana vào phút lâm chung đã cảm thấy tiếng kêu lạo xạo của trục quả đất bị khô dầu. Pedro Páramo vào lúc sắp tàn đời cũng cảm thấy thời gian như ngưng lại, bộ máy thời gian đã hỏng rồi. Phải chăng hành tinh con người đã già cỗi rồi? Không. Hành tinh nơi con người cư trú vẫn trẻ trung lành mạnh, vẫn là nơi đáng tin cậy để con người cư trú. Nhưng cái cảm quan Trái đất già lão là cảm quan về ngày tận thế của một thế giới cũ, thế giới của chế độ người bóc lột người. Quả nhiên cái thế giới ấy đã tận diệt. Trong tác phẩm ta thấy Susana, lý tưởng về cái đẹp của kẻ ác, kẻ bóc lột, đã chết. Pedro Páramo, kẻ bóc lột cũng chết, điền trang Media Luna, làng Comala điêu tàn như một đống đổ nát. Còn dân của nó: người thì chết, kẻ thì tha hương. Làng thành nơi không người, thành xứ sở của những bóng ma. Bất giác chúng ta nhớ tới cơn gió thần đã quét khỏi mặt đất làng Macondo quê hương và xứ sở của dòng họ Buendía, một dòng họ đã đánh mất tình thương yêu con người, tình đoàn kết giữa những con người để tự hạ cấp xuống thành con người ích kỷ, con người - thú vật đầy tội lỗi. Cơn gió thần đã xóa sổ cái dòng họ tội lỗi ấy, xóa luôn cả dấu vết của nó trên hành tinh của con người và vĩnh viễn loại trừ khả năng trở lại mặt đất này. Đó chính là cảm quan của tác giả về ngày tận diệt của thế giới cũ.

Tóm lại Pedro Páramo, là một cuốn tiểu thuyết lớn đã khắc họa thành công và sinh động ngày tận diệt của chế độ đại điền trang, cơ sở xã hội - kinh tế của chế độ độc tài Porfirio Díaz, đã phân định rõ ràng sự thất bại của cách mạng tư sản dân quyền Mexico đầu thế kỷ 20 và cũng đã chỉ ra rằng hệ tư tưởng tư sản mà đại diện của nó là tư tưởng Ánh sáng Pháp đã lỗi thời không thể dẫn dắt các dân tộc đấu tranh vì độc lập và tiến bộ xã hội được.

Dù số lượng sáng tác của Juan Rulfo không lớn, nhưng đóng góp của ông trong quá trình đổi mới của văn học Mexico và Mỹ Latinh lại rất quan trọng. Vì thế, ông đã được Chính phủ Mexico tặng giải thưởng Văn nghệ Quốc gia (1970) và chính phủ Tây Ban Nha tặng giải Premios Principe de Asturias (1988). Khi ông mất, thi hài được quàn ở Lâu đài Nghệ thuật tại Thủ đô Mexico. Tổng thống Miguel de la Madrid đã đến vĩnh biệt ông.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tiểu thuyết Pedro Páramo của Juan Rulfo với bạn đọc.

NGUYỄN TRUNG ĐỨC

LỜI GIỚI THIỆU

Tiến >>

Đánh máy: Pandaa
Nguồn: Pandaa - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 26 tháng 3 năm 2022