Vì dạy Việt ngữ cho lớp đệ tứ niên, tôi phải đọc kỹ cuốn Văn phạm Việt Nam của Trần Trọng Kim và vài cuốn như Nhận xét về văn phạm Việt Nam của Bùi Đức Tịnh… Đọc xong tôi thấy những sách văn phạm (nay gọi là ngữ pháp) đó, nhất là cuốn của Trần Trọng Kim phỏng theo ngữ pháp của Pháp quá, không hợp với đặc tính tiếng Việt. Tôi lại thấy tất cả các giáo sư và học sinh đều miễn cưỡng dạy và học môn đó, chứ không tin tưởng, không thấy ích lợi chút nào cả. Và tôi viết cuốn Để hiểu văn phạm, đưa ra vài ý kiến, mặc dầu tôi chưa hề nghiên cứu về ngữ pháp.
Đại khái tôi cho rằng Việt ngữ không có phần biến di tự dạng (morphologie, cũng gọi là từ pháp; cùng một từ dùng làm danh từ, động từ thì viết cũng vậy: cái cuốc, cuốc đất), cho nên nhiều từ (mot) không có từ loại nhất định, ta không nên chú trọng quá đến việc phân biệt từ loại, mà nên chú trọng đến việc phân biệt từ vụ (fonction des mots), đến vị trí của mỗi từ trong câu. Chính từ vụ, vị trí và ý nghĩa cho ta biết loại của mỗi từ.
Tôi lại đề nghị không nên dùng gạch nối, vì Việt ngữ có tính cách đơn âm (ngày nay gọi là ngôn ngữ cách thể - langue isolante), rất khó để gạch nối cách nào cho hoàn toàn hữu lý được lắm, mà chỉ làm rối trí thêm cho học sinh. Viết liền những từ ghép (mots composés) lại cũng không nên.
Tập này dày khoảng hơn trăm trang, tôi viết trong hai tháng. Nhà P. Văn Tươi không nhận xuất bản vì khó bán. Tôi đề nghị bỏ vốn ra in 1.000 hay 1.500 bản để họ độc quyền phát hành (nhà P. Văn Tươi đứng tên), bán được bao nhiêu, trừ hoa hồng rồi còn về phần tôi. Bán hai ba năm chưa hết nhưng tôi không lỗ vốn in. Lợi vật chất không có gì, nhưng lợi về tinh thần thì đáng kể. Chính nhờ cuốn sách mỏng đó mà mấy năm sau ông Trương Văn Chình (bút hiệu Trình Quốc Quang tác giả hai cuốn Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontainbleau) ở Hà Nội di cư vô, lại đường Monceau kiếm tôi, đề nghị viết chung với nhau về ngữ pháp Việt Nam vì chủ trương của tôi có nhiều điểm hợp với ông. Rồi hơn hai chục năm sau, miền Nam được giải phóng, một số học giả trong viện Khoa học Xã hội (ban Ngôn ngữ) ở Bắc vô cũng lại thăm tôi, bảo họ để ý đến tôi từ khi đọc cuốn đó. Nó được chú ý như vậy vì là cuốn đầu tiên vạch một hướng mới cho công việc nghiên cứu ngữ pháp Việt, thoát ly ảnh hưởng của các sách ngữ pháp Pháp dùng trong các trường học.
Cũng vì dạy Việt văn, nên tôi có ý viết một cuốn chỉ cho học sinh trung học và những người lớn tự học cách viết văn và sửa văn, nhan đề là Luyện văn.
Để viết cuốn này, tôi đọc khá nhiều tác phẩm văn chương Việt, Pháp, và một số sách Pháp về môn nghệ thuật viết như cuốn L’Art d’écrire của Antoine Albalat, La Formation du style của tu viện trưởng Moreux[1], Le Style au microscope (3 cuốn) của Criticus…
Không kể thì giờ đọc sách và thu thập tài liệu để dẫn chứng, chỉ nội công việc viết kỹ ba trăm trang cũng mất sáu tháng làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, trừ những lúc dạy học, chấm bài, giờ ăn, giờ nghỉ trưa. Nhưng tôi không thấy mệt vì viết rất có hứng.
Viết xong cuối năm 1952, nhà P. Văn Tươi in ngay, sau tái bản được hai ba lần. Sách in ra đúng lúc Việt ngữ đương được trọng dụng, ai cũng thấy cần viết và nói tiếng Việt cho đúng, cho hay, còn tiếng Pháp chỉ là một ngoại ngữ ở các trường trung học, cho nên được độc giả hoan nghênh, cho là “gia đình nào cũng phải có”; có vị còn khuyến khích tôi, buộc tôi viết thêm nữa: “ông Lê, ông phải soạn ngay một cuốn Luyện văn thứ nhì và phải xuất bản gấp, nội trong ba tháng, không được trễ, để hè này tôi có sách đọc mà quên cái nắng nung người đi nhé. Vấn đề còn rộng, ông chưa xét hết và ông không được từ chối”.
Tôi không từ chối, nhưng còn bận nhiều việc khác, nên năm 1956 tôi mới viết được cuốn II, 1957 mới ra nốt cuốn III. Hai cuốn sau này cao hơn cuốn I nên chỉ in được một lần thôi. Sau tôi lại viết thêm bộ Hương sắc trong vườn văn nữa. Tôi sẽ trở lại vấn đề này.
Ngày nay nghĩ lại, ba năm dạy học ở Long Xuyên, mới đầu chỉ vì tình bạn, mà không ngờ đã gợi cho tôi viết ba cuốn cho học sinh (Kim chỉ nam, Để hiểu văn phạm, Luyện văn) và sau này cả chục cuốn nữa về toán, phê bình văn học, ngữ pháp… Trong đời có những cái duyên may thú vị như vậy như có một sự an bài nào đó[2].
NGUYỄN HIẾN LÊ
(Trích Đời Viết Văn Của Tôi của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hoá Thông tin, 20016, trang 79-82)
Chú thích:
[1] Trong Hồi Kí cũng in là: “L’Art d’écrire của Antoine Albalat, La Formation du style của tu viện trưởng Moreux…”. Chắc cụ NHL đã nhớ lầm vì trong bài Nguyễn Hiến Lê viết về nghề văn, tác giả Nguyễn Ngọc Điệp, có lẽ căn cứ vào một tác phẩm nào đó của cụ NHL, cho biết: “Theo Nguyễn Hiến Lê, đó là các cuốn L’Art d’écrire, La formation du style của Antoine Albalat, Science et style của tu viện trưởng Moreux…” (trích trong Nguyễn Hiến Lê: con người và tác phẩm, Nhiều tác giả, Nxb Trẻ, năm 2003, trang 129). Tên đầy đủ của ba cuốn cụ NHL tham khảo đó là: L'art d'écrire enseigné en vingt leçons, La formation du style par l'assimilation des auteurs của Antoine Albalat (1856-1935) (theo http://fr.wikipedia.org/wiki/Antoine_Albalat); và Science et style, conseils à un jeune écrivain của Théophile Moreux, được gọi là tu viện trưởng Moreux (1867- 1954) (theo http://fr.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A9ophile_Moreux). (Goldfish).
[2] Tôi dùng đoạn trích trong cuốn Đời Viết Văn Của Tôi của Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn hoá Thông tin, 20016, trang 79-82) làm bài Thay Lời Giới Thiệu, thay thế bài Lời Nhà Xuất Bản của Nxb Văn hoá Thông tin in trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê III của Nxb Văn Học. (Goldfish).
THAY LỜI GIỚI THIỆU
Tiến >>
scan: Hoaithu84 - eBook: Goldfish
Nguồn: Nhà Xuất Bản VĂN HỌC - TVE-4u
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 23 tháng 7 năm 2023