Tại Nam bộ châu Á có một bán đảo nhỏ tên Oa-ly-đà, núi non hiểm trở dân cư phần đông tụ tập ở miền đồng bằng phía Đông Nam ngay sát bờ biển.
Tại miền Bắc Oa-ly-đà ngay chính giữa khoảng núi non trùng điệp rừng cây sầm uất, có một cái hồ thật rộng, xung quanh mọc thuần một thứ cây thùy- dương, vì vậy người Oa-ly-đà gọi là Hồ Thùy Dương.
Các ông già bà cả xứ Oa-ly-đà trước đây vẫn thường kể cho con cháu nghe về sự tích cái hồ đó, lời các cụ kể mộc mạc. Về sau các thi sĩ Oa- ly-đà bèn kể lại thành khúc trường ca phổ nhạc, lời thơ chải chuốt bóng bẩy với nhiều tình tiết tỉ mỉ. Rồi vào những đêm xuân mở hội có trăng tròn, người ta vừa gẩy đàn vừa kể hoặc vừa hát chodân chúng nghe. Thường thường dân chúng tụ tập để nghe chuyện từ lúc trăng rằm vừa nhô cao lên khỏi dãy núi ngoài khơi. Dân chúng lặng yên nghe lời ca, nghe tiếng đàn, nhiều khi cùng vỗ tay giữ nhịp đồng ca với thi sĩ hoặc đứng lên làm điệu bộ hợp với lời thơ. Đêm dài thành ngắn. Khi câu chuyện vừa chấm dứt, dân chúng ra về thì trăng rằm thường cũng vừa kịp lặn, vừng đông hơi ửng hồng, cỏ hai bên đường đẫm sương. Những hình ảnh đó như nhắc nhở dân chúng nhớ lại biết bao tình tiết trong câu chuyện kể thâu đêm vừa qua. Khúc nhạc-thi này chia làm ba hồi rõ rệt như sau:
HỒI THỨ NHẤT
TRUYỆN CON CHÓ SÓI ĐUÔI XÒE
TRÊN NÚI LI-BIÊNG
Ngày xưa khoảng Hồ Thùy Dương này là một khu rừng quế tuyệt đẹp. Thân quế cao vút, cành quế ẻo lả rủ xuống như cánh tay của bầy tiên nghiêng múa. Tới mùa xuân năm kia có một con sói về đó ở. Nguyên nó là một con sói tu luyện lâu ngày đã thành tinh, hiện hình người, đi trên hai chân, duy cái đuôi vẫn còn. Sở dĩ con sói tu luyện được như vậy vì nó là con sói dị tướng lông ba sắc, đầu đen mình hung hung đỏ, và đặt biệt đuôi trắng xòe ra như bông lau.
Trước đây hồi còn tu luyện trên núi Li-biêng, một ngọn núi cao quanh năm tuyết phủ miền cực Bắc, con sói có lần thấy một khối đá bị nước soi mòn để lộ bên trong thỏi ngọc quý dài như chiếc đũa, óng ánh màu biếc. Nó bèn đem thỏi ngọc đến Hang Trời.
Hang Trời là một động đá thông suốt hai bề, hình hàm rồng. Chính là nơi tụ tập khí thiêng của trời đất. Gió từ bốn phương rừng núi lùa lại ngát hương. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng cùng các vì sao ngày đêm phản chiếu lấp lánh muôn mầu trên thành thạch nhũ khiến bất cứ giờ nào tại nơi đây cũng có một màu ánh sáng huyền ảo lân lâng đạc biệt của chốn thần tiên. Ngay giữa động Hang Trời có một phiến đá phẳng màu trắng trong. Phiến đá này trước đây chỉ là một phiến đá thường. Tục truyền, sau lần Thượng Đế giáng lâm an tọa trên đó qua mấy ngàn năm sau nó biến thành trắng phau và hầu như trong suốt như vậy. Do linh tính đặc biệt của loài yêu, con sói đuôi xòe đem thỏi ngọc đến đặt ngay chính giữa phiến đá. Nó biết rằng chờ ba trăm năm sau, thỏi ngọc sẽ thu hút tinh khí mặt trời ban ngày, trăng sao ban đêm, cùng hương gió bốn phương của núi rừng để biến thành chiếc đũa vạn năng.
Ba trăm năm qua. Con sói đã tu luyện hiện được thành hình người nhưng nó chưa thể sử dụng được chiếc đũa vạn năng vì nó chưa thành người thật, mà còn là loài sói với cái đuôi xòe đằng sau.
Vẫn với linh tính loài yêu, con sói đuôi xòe biết rằng nó cần phải uống máu hai giống người khác nhau thì cái đuôi của nó mới biến đi được. Nhưng nó không dám tự mình đi vồ hai giống người kia vì nó biết chiếc đũa vạn năng sẽ mất hết linh ứng dưới tay một kẻ phạm tội hung ác. Nó chợt nghĩ ra được một quỷ kế, không tự tay giết ai mà vẫn có đủ máu hai giống người để uống cho đuôi xòe biến đi. Lập tức nó từ giã đỉnh núi Li-biêng đằng vân bay mãi… bay mãi xuống miền Nam. Tới khu rừng quế nước Oa-ly-đà, nó xem kỹ hình thế rồi quyết định dừng lại.
Sở dĩ con sói đuôi xòe chọn rừng quế này làm nơi thi hành xảo kế vì ngang qua khu rừng có con đường lớn đưa ra biển, các giống người ở giữa đại lục vẫn mượn con đường này để liên lạc thông thương cùng các giống người khác ở ven đại dương.
Con sói đuôi xòe dùng phép biến dãy núi đá ven rừng thành một động lớn gồm hai động nhỏ bên trong. Con sói ngồi gọn vào một hốc đá ngay chính giữa động (nó cần ngồi thế để dấu cái đuôi xòe) và hiện thành hình một vị đạo sĩ râu tóc bạc phơ ngồi chắp tay trước ngực tham thiền. Nó thường cất giọng hiền từ nói cho từng người vào thăm động biết nó chỉ là một đạo sĩ đã từ lâu xa lánh cõi đời và thích tìm những nơi rừng sâu núi cao để tu luyện. Lữ khách đã nhiều kẻ dừng chân ngủ lại một đêm trong động, nhưng con sói với linh tính đặc biệt của nó, biết rõ họ đều là những người hoặc đã phạm tội giết người hoặc tính tình điêu ngoa phản trắc. Con sói cần những tâm hồn thật trong trắng thì xảo kế của nó mới thành tựu được. Bỗng một chiều kia nó nghe bên ngoài cửa động có tiếng hát rằng:
Ta đi nhặt những ánh sáng cuối cùng của ngày tàn
Nhưng ta chỉ nhặt được toàn lá rụng
Lát nữa các vì tinh tú sẽ đốt sáng vòm trời
Ta sẽ cho ngựa đi vào đồng sao chơi vơi
Giữa cảnh núi cao hùng vĩ rừng rậm mênh mông
Ta vẫn vui ca, quên đói mệt không chút hãi hùng
Ôi! Há là ăn cá cứ phải cá lớn sông Đường?
Há rằng lấy vợ cứ phải công chúa Huyền Phương?
Tiếng hát vừa dứt thì khách cũng vừa buộc ngựa xong và bước vào động. Tay khách cầm một gióng lau già. Khách hầu như không hề để ý đến sự vật quanh mình, ngồi phệt ngay dưới hốc đá chỗ sói tham thiền và bắt đầu khoét gióng lau thành ống tiêu.
Vừa rồi nghe giọng khách hát, sói biết ngay khách thuộc giống người phương Tây. Nay nhìn mái tóc đen, vừng trán cao, đôi mắt xa xôi của khách, sói đoán ngay khách một thi sĩ. Qua lời ca ngậm ngùi và giọng ca đầy thương nhớ, sói biết thêm thi sĩ đương bị thất tình. Nhưng điều làm sói mừng hơn cả chính vì nó biết thi sĩ còn giữ nguyên tâm hồn trong trắng.
Chàng thi sĩ thất tình phương Tây vừa khoét xong gióng lau thành ống tiêu bèn thổi lên mấy tiếng. Tiếng tiêu nghe thật êm đềm mà lại mang máng như ca lại lời ca ban nãy:
Ta đi nhặt những ánh sáng cuối cùng của ngày tàn,
Nhưng ta chỉ nhặt được toàn lá rụng…
Sói đánh tiếng:
- Chà, thi sĩ thổi ống tiêu tuyệt diệu!
Lúc đó khách mới ngửng lên nhìn sói và cười hồn nhiên hỏi lại:
- Sao lão trượng biết tôi là thi sĩ?
Sói vẫn chắp tay trước ngực làm vẻ tham thiền đáp:
- Vì lão là đạo sĩ.
- A… thì ra lão trượng là đạo sĩ. Đạo sĩ thường biết rõ và tiên tri được mọi việc!
- Chính vì vậy mà lão biết thi sĩ đang bị thất tình. Thi sĩ để rơi ống tiêu, mặt cúi xuống vẻ ngậm ngùi:
- Công chúa Huyền! Công chúa Huyền Phương! Sói tinh ranh gợi chuyện:
- Công chúa Huyền Phương một thế giai nhân! Thi sĩ bỗng lắc đầu:
- Còn nhắc đến công chúa Huyền Phương làm chi nữa!
Sói cất giọng dịu dàng:
- Sao người không kể rõ đầu đuôi câu chuyện cho lão nghe? Lão sẽ tìm cách giúp.
Thi sĩ vui sửng sốt:
- Nếu được thế thì còn gì bằng! Giọng Sói càng dịu dàng:
- Người hãy kể lại chuyện đó cho lão nghe.
Thi sĩ bèn kể rằng:
- Thưa đạo sĩ tôi quê ở nước Bàng Quận cách đây chừng tám trăm dặm về phía Tây. Dòng vua nước tôi từ xưa tới nay, hình như đã do thần tiên định trước, vị nào cũng chỉ sinh hạ được một hoàng tử để nối ngôi và một công chúa tuyệt thế giai nhân để kén Phò mã. Qua đời vua này sang đời vua nọ, các công chúa tuyệt thế giai nhân đó đều kén chồng bằng hai cách: Bất cứ kẻ nào, không kể sang hèn, hễ dùng dao ngắn nhảy xuống một hồ đá xây giữa cung vua mà giết được mười con thuồng luồng lớn, hoặc một mình dùng mác xông vào giết được mười con hổ lớn nhốt trong hầm đá dưới cung vua, kẻ đó được kết duyên cùng nàng. Công chúa sẽ ở vậy suốt đời nếu các dũng sĩ rủi không thoát khỏi những nhánh tay mềm nhưng khủng khiếp của lũ thuồng luồng hoặc bị táng thân trong miệng lũ cọp đói. Riêng với công chúa Huyền Phương đã có mười ba dũng sĩ chết như vậy. Thưa đạo sĩ gần đây tôi được giáp dung nhan công chúa, tôi thấy dù thân tôi có tan ra khói ra nước thì khói nước đó cũng phải được rót vào đôi mắt của công chúa mới siêu sinh đi được. Tôi sức yếu chỉ biết ngâm thơ và ca hát, làm sao giết được hổ dữ, giết được thuồng luồng? Vì vậy tôi bỏ nước ra đi ngao du, ước ao có thể vui với cảnh đẹp đường xa mà quên nỗi ước mơ tuyệt vọng. Sự tình là thế làm sao mà đạo sĩ giúp tôi cho được?
Giọng Sói ôn tồn:
- Người hãy tiến tới gần lão!
Thi sĩ làm theo lời Sói.
- Người có thấy gì dưới chân lão không?
- Thưa lão trượng đó là chiếc đũa ngọc thì phải.
- Đó là chiếc đũa vạn năng, người hãy cầm lấy dùng thử theo ý muốn.
Thi sĩ cầm chiếc đũa thần đi xuống. Ra cửa động chàng chỉ vào một hòn đá lớn rồi hỏi:
- Hỡi hòn đá xù xì không rêu này, ta muốn biết tâm sự của mi làm sao mà đượm vẻ cô quạnh?
Thốt nhiên tự trong tảng đá có tiếng văng vẳng truyền qua đũa ngọc rồi thoát ra:
- Thưa thi sĩ, tôi chỉ ước ao có người trồng cho cụm hoa tím bên mình, vì…
Quả thực chiếc đũa ngọc của đạo sĩ là chiếc đũa vạn năng! Thi sĩ bỏ mặc câu chuyện dở dang chạy vụt vào động, quỳ trước đạo sĩ ân cần xin giúp cho chàng lấy được nàng công chúa tuyệt thế giai nhân.
Con sói cũng vui mừng không kém. Nó nói:
- Nhưng thi sĩ có nhận lời giúp lão một việc chăng?
- Xin đạo sĩ cho biết ngay!
- Trước khi ta cho thi sĩ mượn chiếc đũa vạn năng để làm bảo bối giết chết lũ thuồng luồng hay đàn hổ dữ, thi sĩ hãy dùng kim này – (con sói giơ lên một chiếc kim dài đen nhánh) – chích vào cánh tay cha hay mẹ, hay anh chị em, hứng cho lão chín giọt máu vào hồ rượu này. (Con sói giơ lên hồ rượu nhỏ.)
Nhìn cái kim đen thi sĩ thấy rợn người. Chàng hỏi lại.
- Thưa đạo sĩ, nhỡ khi lấy xong chín giọt máu người thân của tôi bị mệnh hệ nào thì sao?
- Thi sĩ quên chiếc đũa này là chiếc đũa vạn năng rồi sao?
Thi sĩ cúi đầu suy nghĩ rồi nói:
- Đạo sĩ cho tôi dùng thử chiếc đũa thần một lần nữa.
- Xin cứ tự nhiên!
Ra ngoài cửa động, nhớ lại lời hòn đá khi nãy, thi sĩ leo cao lên sườn núi tìm được một cây hoa tím và bẻ một cành đã khô chết. Chàng mang cành khô đó về đặt trên hòn đá, dùng chiếc đũa vạn năng chỉ vào rồi nói: “Cành hoa tím, hãy sống lại để ngày đêm bầu bạn cùng đá!” Lập tức cành khô nẩy mầm thành một cây hoa xinh xắn, rễ non bám lấy kẽ đá, đồng thời thi sĩ nghe truyền lên đũa thần tiếng văng vẳng của hòn đá:
- Đa tạ thi sĩ vạn bội! Đa tạ thi sĩ vạn bội! Không còn thắc mắc gì nữa thi sĩ trở vào động đá nhận lời giúp đạo sĩ việc lấy máu người thân và giục đạo sĩ đưa mình lên đường tức khắc.
Con sói cần chờ nạn nhân thứ hai nữa, nên lựa lời dùng kế hoãn binh:
- Lão xem số mệnh thi sĩ trong những ngày gần đây còn gặp nhiều gian nan lắm. Chi bằng hãy ráng ở lại động với lão đợi cho những ngày tai nạn qua đi rồi hãy lên đường.
Thi sĩ nghe bùi tai ở lại. Con sói đuôi xòe bảo chàng tự chọn lấy một trong hai động nhỏ làm nơi ở tạm. Chàng chọn động nhỏ bên phải. Rồi trong khi chờ đợi, ngày ngày chàng leo núi qua rừng đi khắp cảnh đẹp trong vùng. Dưới mắt các khách qua đường khác chàng là một đạo hữu của đạo sĩ.
Một hôm thi sĩ chợt chú ý đến phiến đá cũ. Chao ôi, một sự thay đổi lạ lùng đã khiến thi sĩ không nén nổi lòng bồi hồi: hòn đá trước đây xù xì gớm ghiếc nay rêu phủ xanh mướt như nhung. Rễ cây hoa tím đã bám khắp các kẽ đá. Từng cụm lá cây run rẩy theo gió và những đóa hoa tím xinh xinh đua nở như những nụ cười tươi tắn dịu dàng của người vợ hiền.
Trông cảnh âu yếm của tạo vật, thi sĩ chạnh lòng nhớ đến vẻ quốc sắc thiên hương của công chúa Huyền Phương và tự hỏi thầm chẳng biết đến bao giờ đạo sĩ mới đưa mình lên đường. Thi sĩ vô tình rút ông tiêu bên mình đưa lên miệng thổi. Tiếng tiêu bùi ngùi đượm bao niềm thương nhớ.
Chợt có tiếng nói sang sảng:
- Có thế chứ! Trên đời này có bao giờ thiếu người thổi ống tiêu.
Người vừa nói là một trang thanh niên anh tuấn, đôi mắt sáng như sao, nước da rám hồng.
Thoáng nhìn thi sĩ cũng nhận được ngay tráng sĩ đó là giống người ở các quần đảo miền Đông.
Tráng sĩ, giọng thân mật và đầm ấm vô cùng, vừa tiến lại vừa nói lớn với thi sĩ:
- Xin ngài cứ thổi ống tiêu cho tôi được nghe nhờ. Đã mười năm nay tôi không được nghe tiếng tiêu.
Thi sĩ mời người bạn mới ngồi lên một phiến đá phẳng ngay gần mình rồi nói:
- Tôi sẵn sàng thổi ống tiêu để quý hữu nghe nhưng dám hỏi chẳng hay quý hữu có phải tự ngoài biển Đông qua đây?
Tráng sĩ chợt nhìn về phía biển vẻ căm hờn uất hận:
- Phải, tôi ở quần đảo biển Đông lại đây. Tôi trốn ra đi phen này quyết kết nạp anh hùng bốn phương kéo về giết hết lũ bạo tàn tại xứ sở tôi.
- Quê hương quý hữu bị giặc xâm lăng?
- Quê hương là của dân lành, người cùng giống nắm quyền cai trị mà tàn bạo thì cũng coi như quân xâm lăng!
- Xin quý hữu kể lại đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe, may ra tôi có cách giúp.
Tráng sĩ miền Đông vui lòng thể theo lời yêu cầu của bạn, kể rằng:
- Thưa quý hữu, quê hương tôi là một quần đảo hiền hòa với những rừng cây bát ngát. Đồng bào tôi chất phác như rừng, quảng đại như biển, hòa thuận như chim khuyên. Ban ngày, đàn ông chúng tôi rủ nhau ra biển lặn xuống đáy, len lỏi trong rừng san hô giữa đàn cá muôn màu để kiếm hạt trai, trong khi đàn bà con gái trồng bông, cấy lúa hay dệt vải ở nhà. Ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng, tất cả nam nữ chúng tôi kéo nhau ra bờ biển thổi ống tiêu bằng trúc, gõ trống căng bằng da hải cẩu, vừa ca hát vừa nhảy múa theo nhịp sóng vỗ. Cuộc sống thần tiên đương kéo dài theo chuỗi ngày vui bất tận thì tại kinh đô xảy ra cuộc biến loạn: Một tên gian thần xảo quyệt hung ác kết nạp được một số đồng đảng đã âm mưu giết mất vị anh quân của chúng tôi rồi chiếm đoạt ngai vàng. Từ khi tên gian thần cùng đồng đảng lên nắm quyền cai trị, chúng cấm chúng tôi ca hát, cấm thổi ống tiêu và cấm nhảy múa. Chúng bắt chúng tôi họp lại thành từng đoàn thay phiên nhau hoặc lặn xuống biển mò hạt trai hoặc khuân đá xây những lâu đài hùng vĩ, nền cao trăm bực, nóc sát ngọn cây rừng, để dùng làm nơi cung điện cho chúng ở. Trong mười năm qua chúng tôi ngày đêm phải làm tận lực như nô lệ đã xây được mười tòa lâu đài như vậy và còn phải tiếp tục xây nhiều nữa… Chúng tôi không được mở hội ăn mừng điềm lành, điềm tốt để tạ ơn Thượng Đế mà chỉ được mở hội ăn mừng ngày kỷ niệm đăng quang của tên bạo chúa hoặc ngày kỷ niệm hoàn thành của từng tòa lâu đài lũ chúng ở. Ngay trong dịp mở hội đó, chúng tôi cũng không đươc thổi ống tiêu, không được gõ trống, không được nhảy múa mà chỉ được cầm đèn kết hoa đi diễu quanh cung điện tên bạo chúa, cao lời ca ngợi công ơn hắn đã dựng những kỳ công hùng vĩ cho xứ sở.
Nói đến đây tráng sĩ miền Đông vùng đứng dậy cười gằn:
- Chúng bắt chúng tôi làm việc không kể đêm ngày để dựng lên những lâu đài đồ sộ bằng đá mà chúng quý hơn tiếng tiêu, câu ca, điệu múa của xứ sở. Chúng tôi ai nấy muốn vằm chúng ra làm muôn ngàn mảnh, hỏi chúng có ơn gì?
Thi sĩ miền Tây nắm lấy tay tráng sĩ miền Đông kể lại tỉ mỉ chuyện đạo sĩ và chiếc đũa vạn năng, rồi kết luận:
- Tôi có thể giúp được quý hữu. Xin hãy theo vào động yết kiến đạo sĩ ngay bây giờ.
Sói vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Nó lặng nghe tráng sĩ miền Đông kể xong tình đầu câu chuyện rồi hỏi:
- Vậy người muốn lão giúp gì? Tráng sĩ hăm hở nói:
- Xin đạo sĩ cho tôi mượn chiếc đũa vạn năng, tôi sẽ dùng đũa thần bắt sống tên gian tặc phản nghịch cùng bè lũ đồng đảng của nó. Tôi sẽ xích cổ từng tên bằng xích sắt, nhốt từng tên vào cũi sắt, cho khiêng từng tên bỏ vào từng lâu đài. Ban đêm chúng tôi sẽ mở hội ăn mừng, thổi ống tiêu, ca hát và nhảy múa quanh chúng để tỏ rằng chúng tôi đã thắng. Ban ngày chúng tôi cùng đi làm việc như xưa rồi về nghỉ chân nhàn nhã dưới mái nhà cũ lẩn dưới hàng cây xanh, để tỏ cho chúng biết chúng tôi không thèm ở trong những khối đá nặng nề mà chúng kiêu hãnh. Chúng tôi tiếp tục nhảy múa cho đến khi lũ tàn bạo chết rũ trong cũi sắt. Da thịt chúng sẽ rữa nát trơ xương nhưng bên dưới đầu lâu của chúng vẫn còn vòng xích sắt của chúng tôi cùm nơi cổ.
Con Sói đuôi xòe nói:
- Nhưng tráng sĩ phải giúp ta một việc…
Nó chưa kịp nói hết tráng sĩ miền Đông đã ngắt lời:
- Tôi sẵn sàng về nhà chích lấy chín giọt máu người thân của tôi dâng lên đạo sĩ.
- Được lắm, tráng sĩ hãy ở tạm động nhỏ bên trái đợi ngày lão giúp xong thi sĩ, lão sẽ quay về đua người lên đường.
Ngay tối hôm đó nó báo cho thi sĩ miền Tây biết là sáng sớm hôm sau nó sẽ đưa thi sĩ về quê hương thực hiện mộng đẹp của chàng với công chúa Huyền Phương. Cả đêm hôm đó thi sĩ không sao ngủ được. Thi sĩ ra ngồi bên hòn đá rêu và cây hoa tím thổi ống tiêu dìu dặt. Thi sĩ muốn ứng khẩu đọc một bài thơ ca ngợi tình yêu trong vạn vật nhưng không hiểu sao khi nhìn vì sao hiu hắt xa xôi trên đầu núi, chàng lại ngâm lên bài thơ cũ, tuy chàng biêt bài thơ đó nay không còn hợp thời hợp cảnh:
Ta đi nhặt những ánh sáng cuối cùng của ngày tàn
Nhưng ta chỉ nhặt được toàn lá rụng
Lát nữa các vì tinh tú sẽ đốt sáng vòm trời
Ta sẽ cho ngựa đi vào đồng sao chơi vơi
Giữa cảnh núi cao hùng vĩ rừng rộng mênh mông
Ta vẫn vui ca, quên đói mệt, không chút hãi hùng Ôi!
Há là ăn cá cứ phải cá lớn sông Đường?
Há là lấy vợ cứ phải công chúa Huyền Phương?
Đêm đã hầu tàn, trời gần về sáng, theo lời yêu cầu của Sói, thi sĩ ra đứng trước cửa động tự bịt kín mắt. Sói đằng vân đưa thi sĩ về tới khu rừng quê hương thì hạ xuống, rồi tìm ẩn trên vòm cây cao mà nói xuống rằng:
- Thi sĩ hãy tháo khăn bịt mắt! Lão để sẵn dưới gốc cây chiếc kim đen, chiếc hồ rượu và chiếc đũa thần. Đêm nay thi sĩ để chiếc kim đó lên đầu giường, chờ người thân ngủ say rồi hãy lấy kim ra chích cho lão chín giọt máu hứng vào hồ rượu. Xong xuôi người cấp tốc đem lại đây đặt hồ rượu máu xuống đổi lấy đũa thần mà toàn quyền sử dụng.
Khi thi sĩ mở mắt ra, quả nhiên nhận thấy dưới gốc cây chiếc kim dài đen nhánh, chiếc hồ rượu và chiếc đũa thần lấp lánh tỏa hào quang màu biếc. Chàng theo đúng lời đạo sĩ cúi xuống cầm kim và hồ rượu rồi vội vã theo đường quen về nhà.
Cha mẹ thi sĩ đã mất từ sớm. Dưới mái gia đình chàng chỉ còn người em gái thùy mị tuổi mới mười lăm và người lão nô trung thành.
Cả hai thấy chàng về bất ngờ cùng reo vui hớn hở.
Hồi đó đương vào mùa cá, lại biết tính tiểu chủ đặc biệt thích món này nên lập tức người lão nô chèo thuyền ra sông Đường gần đấy quăng một mẻ lưới, kéo lên được con mè cực lớn và vô số cá thờn bơn nhỏ. Cô em gái vội vàng đem con cá lớn sông Đường vào bếp làm bữa ăn thịnh soạn dâng lên anh xơi.
Thi sĩ đã thay cha mẹ âu yếm săn sóc em từ nhỏ, nay nghĩ đến việc sắp dùng cây kim dài đen nhánh chích lấy máu đứa em mồ côi đó hứng vào hồ rượu, chàng thấy rợn người. Nhưng, nghĩ đến chiếc đũa vạn năng thi sĩ thấy yên lòng ngay. Chàng sẽ là chàng dũng sĩ thứ 14 nhảy xuống hồ giết thuồng luồng hay xông vào hầm giết mãnh hổ. Oai hùng biết bao! Rồi được vua kén làm phò mã. Vinh quang biết bao! Được sánh duyên cùng công chúa Huyền Phương. Còn diễm phúc nào bằng?
Tối hôm đó thi sĩ đã lén để chiếc kim dài đen nhánh dưới gối đứa em gái dịu hiền rồi ngồi sang buồng bên chờ đợi. Tới khuya, bỗng tiếng người em gái thét lên kinh hoảng. Nàng kể với anh:
- Em mơ thấy một con chó sói ba sắc đầu đen, mình hung hung và đuôi trắng. Thấy em, nó nhỏ một cái lông đen trên gáy rồi hung hăng xông lại.
Thi sĩ khuyên giải em mấy câu rồi trở về phòng, bán tín bán nghi.
Một lát sau cô em đã ngủ, hơi thở đều đều.
Thi sĩ cũng gục mặt lên bàn ngủ thiếp. Hình như có gió lùa lộng vào phòng. Hình như chàng thấy có bóng cha mẹ lướt qua. Sực tỉnh, chàng đứng dậy. Vừa lúc đó tiếng em gái nói mê: “Ta có cha mẹ trông nom, có Trời che chở mày giết ta sao được?”
Thi sĩ rùng mình ngồi xuống. Chàng ngồi như vậy lâu lắm.
Chợt có tiếng gà gáy báo sáng. Lần này chàng vùng dậy cương quyết. Chàng chỉ còn nghĩ đến chiếc đũa thần, nghĩ đến ngày vinh quang được kén phò mã. Một tay cầm hồ rượu, chàng tiến thẳng đến giường em, rút chiếc kim dưới gối, nhắm mắt thích mạnh vào cánh tay em. Chui qua làn da, mũi kim như có sức hút cứ thế tiến ngập vào thớ thịt. Thi sĩ thấy người em gái uốn người lên, miệng há muốn thét mà không thành tiếng, đồng thời một giọt máu theo kim rỏ ra. Giọt máu bỗng thành một bong bóng máu phồng to… phồng to… lên mãi chật cả gian nhà. Thi sĩ hãi hùng thấy chính mình cũng bị ngập trong bong bóng máu ấy. Nhưng kỳ lạ thay, khi giọt máu rơi vào hồ rượu, tự nhiên nó trở lại gọn nhỏ như thường. Chín lần máu nhỏ ra, chín lần thi sĩ thấy mình ngập trong biển máu bóng loáng. Không thấy máu chảy ra nữa, chàng rút kim và trấn tĩnh định thần nhìn kỹ thấy xác cô em gái đã cứng lạnh, nước da xám ngoét. Hốt hoảng, chàng cầm hồ rượu chạy vội tới bờ rừng để lấy đũa thần cứu em. Chàng thấy bước chân mình trở nên nhún nhẩy quái đản như bước chân của loài đười ươi say mật hoa rừng. Khi chuyển mình ngoái cổ nhìn lại phía sau chàng tự thấy toàn thân mềm oặt như mình con trăn lớn.
Lúc qua suối, nước suối trong vắt bỗng như đông lại biến thành tấm gương lớn và khi nhìn xuống, ôi kinh khủng! Chàng nhận thấy bóng chàng toàn máu, quần áo nhầy nhụa máu, mặt mũi nhễ nhại máu, khiến mầu đen của mớ tóc càng thêm kinh rợn. Chàng lội nhanh qua suối và hãi hùng thấy như bóng dưới nước là con quỷ đỏ rượt theo vồ mình. Tới rừng, chàng vui mừng thấy dưới gốc cây vẫn còn chiếc đũa vạn năng óng ánh màu biếc.
Đặt hồ rượu xuống, chàng vồ lấy chiếc đũa. Than ôi! Mầu biếc óng ánh vụt tắt. Chàng linh cảm thấy mình đã mất tất cả. Dù sao chàng cũng cầm đũa chạy vội về. Qua suối chàng nhắm mắt lại để khỏi nhìn thấy bóng con quỷ máu in hình dưới nước.
Tới nhà, chàng dùng đũa niệm lời chú, ước mong cải tử hoàn sinh cho em. Nhưng ánh sáng biếc của đũa không còn, khí thiêng cũng hết, thi thể người em gái vô tội vẫn cứng lạnh nằm nguyên trên giường.
Đau đớn, thất vọng, hối hận chàng chạy ra khỏi nhà, theo ngược đường bờ suối. Cỏ bên bờ suối lóng lánh muôn ngàn giọt sương sớm và ghê rợn thay, trong từng giọt sương nhỏ xíu như vậy chàng cũng thấy phản chiếu đủ và rõ cả thân hình đẫm máu của chàng.
Chàng chạy miết mải tới một khoảng cao kia, xung quanh có những thác bạc réo lên như tiếng hàng trăm con ngựa hí.
Tới đó chàng thi sĩ khốn nạn của chúng ta nhắm mắt lại rồi gieo mình xuống vực!
Hai ngày sau cũng vào giờ này, tráng sĩ miền Đông cũng ở vào tình trạng đó. Tráng sĩ miền Đông mồ côi mẹ từ nhỏ và chàng đã mắc mưu con sói đuôi xòe về quê giết cha. Chàng chạy như điên như cuồng qua bãi biển cát trắng chói lòa. Chàng nhắm nghiền mắt lại bởi bãi cát trắng khi đó cũng như biến thành gương soi bóng máu của chàng. Chàng hối hả leo lên một mỏm đá thấp nhô ra biển. Chàng lấy con dao sắc chích sâu vào cánh tay rồi đâm đầu xuống biển. Máu ở cánh tay chàng loang ra gọi đàn cá mập xô lại.
Khi thi sĩ miền Tây gieo mình xuống vực cũng như tráng sĩ miền Đông đâm đầu xuống biển, con sói đuôi xòe vẫn bay lơ lửng trên đầu họ. Nó đã sà xuống rất kịp lúc để lượm lại chiếc đũa vạn năng. Bây giờ thì đuôi nó đã biến hết. Nó có thể hiện thành hình ông già như cũ, đi đi lại lại ngay giữa đám đông mà không còn điều gì nghi ngại nữa.
HỒ THÙY DƯƠNG - Hồi Thứ Nhất -
Tiến >>
Nguồn: https://doanquocsy.com/
Xuất bản ở Miền Nam Việt Nam năm 1960 - tái bản tại Hoa Kỳ năm 2020
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 10 năm 2024