Truyện ngắn đầu tiên của Dương Nghiễm Mậu xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo bộ cũ, số 28-29 tháng 1-2/1959 dưới tựa đề là “Rượu, Chưa Đủ”. Nhà văn Mai Thảo, chủ nhiệm Sáng Tạo sau này nhớ lại tại sao ông lại có truyện này để đăng trên tạp chí do ông chủ trương:
“…Nhớ đó là một buổi trưa rảnh rỗi, tôi ghé vào thăm một diễn đàn bạn. Người bạn đang cắm cúi làm việc. Tôi kéo ghế ngồi hút thuốc lá, thấy ở cạnh mình một cái sọt rác đựng đầy những bản thảo gởi đăng không đăng và liệng bỏ đi. Buồn tay tôi nhặt những tờ bản thảo bị xé bỏ ấy lên coi. Cuối cùng và ở tận đáy cái sọt rác ấy là một bản thảo truyện ngắn. Tôi đọc mấy dòng đầu, giật mình vì lối vào truyện mạnh dạn, mới lạ, khác biệt hẳn với lối vào truyện vòng vo ngập ngừng thường thấy ở những người viết mới. Đọc tiếp mấy trang nữa; tôi hỏi người bạn: “Bỏ đi tất cả đây à?” Người bạn không ngửng đầu lên: “Ừ, đã đọc rồi bỏ không đăng” “Moi lấy đi được không?” “Để làm gì vậy?” người bạn ngạc nhiên hỏi. “Mặc moi” tôi nói, và cất cẩn thận cái truyện ngắn bị vất bỏ ở một diễn đàn bạn vào túi áo, trở về đăng ngay nó và nguyên văn không sửa một cái dấu phẩy trên tờ Sáng Tạo số đang làm. Người bạn tôi, chỉ biết thấy giá trị những tác giả đã thành danh, không thấy được những hạt ngọc lóng lánh lăn ra từ những cõi viết còn vô danh chưa tên tuổi đã liệng đi cái hạt ngọc văn xuôi ấy là truyện ngắn Rượu Chưa Đủ, truyện đầu tay của một người trẻ tuổi mới viết văn bấy giờ là Dương Nghiễm Mậu. Hạt ngọc bị vất bỏ ấy và tôi đã tình cờ lượm được, đúng là một hạt ngọc.”
(Mai Thảo – Con đường Dương Nghiễm Mậu)
Về đến đầu ngõ thì tôi chia tay Thùy anh ta lặng lẽ cúi đầu rồi vượt sang bên kia đại lộ, tôi quay trở vào lối ngõ. Ngọn điện trước dãy nhà thấp vàng lay động và ánh sáng thay đổi trên những vùng nước đọng đầy trên lối đi. Tôi về hơi trễ. Vào nhà, tôi tháo bỏ đôi giày ở chân cầu thang rồi lần lên gác. Hùng đang ngồi đọc một trang sách, tôi thừa biết đó là cuốn sách gì. Hai đứa làm thinh như sự có mặt của nhau không cần thiết.
Tôi ngồi vào bàn châm hai điếu thuốc với tay đưa cho Hùng một điếu, những vệt khói mỏng bay trườn ra ngoài khuôn cửa nhỏ. Tôi lắng giọng hỏi Hùng:
– Sao hôm nay cậu không đi đưa đám Thành? Mình biết cậu nghỉ học ở nhà.
– Đi đưa à, có ích gì không? Chúng mày vẽ vời lắm. Sống còn chả thể cho nhau lấy một bữa cơm hay nửa ổ bánh mì, đến khi chết còn nói chuyện đưa với rước, giả dối thì cũng phải vừa vừa thôi chứ. Tao, mày hay đứa nào đấy rồi cũng sẽ như thằng Thành, mày biết thế chứ?
Tôi không biết nói làm sao nữa. Chúng tôi đang sống với nhau những ngày chờ công việc. Hoặc mai hoặc kia, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng muốn và có thể rời nhau để sống. Nhiều bữa nhịn đói nhìn nhau, nhưng chúng tôi im lặng và cho sự than van không xứng đáng, vả lại chúng tôi cũng không biết than van cùng ai. Hùng bỏ cuốn sách rồi lên ghế nằm, nó nằm xoay mặt vào vách, tôi chỉ trông thấy khoảng lưng hơi cong.
Tôi không muốn ngồi một mình nên tắt đèn rồi định lên giường nằm; khi ngoái cô ra khỏi cửa sổ lúc quay vào tôi thấy bóng mình in trên vách. Bóng tối lù lù xoay lưng lại lớn và choáng đầy một khoảng bỏ trống. Cũng đã nhiều đêm như thế rồi, tôi muốn đạp chân lên, muốn chửi lớn và đập tan cái bóng tối xoay lưng lại ấy. Có phải cuộc đời câm điếc xoay lưng lại với tôi như thế không? Rồi tôi chập chờn trong một giấc mơ hãi hùng: mẹ tôi bị bắn chết, cha tôi bị cầm tù và anh em, họ hàng thất tán mỗi người một nơi tìm kiếm không thấy. Tôi la thét và gặp bầy sư tử. Lúc bấy giờ tôi không còn la thét được nữa. Con sư tử nhỏ nhất há miệng tôi áng chừng rộng độ hai gang tay. Lông nó màu vàng sẫm bết bùn, không có tai và chồm lên. Con thứ hai lại há miệng rộng chừng hai gang rưỡi, lông trắng đuôi cụt, nó cũng chồm lên. Con thứ ba há miệng rộng chừng ba gang tay, mắt mù, chồm lên. Con thử tư không có chân lao lên thật nhanh, thật nhanh. Cứ như thế, như thế hàng ngàn cái miệng lớn mãi lên, nhiều mãi ra. Những con mắt, những móng nhọn chồm lên nối tiếp như vũ bão, tàn ác. Tôi đếm mãi cho đến khi không thể đếm được nữa, rồi lịm dần lịm dần mà những con sư tử há miệng vẫn chồm lên. Đến nay, hơn hai mươi tuổi đầu tôi sống như vậy.
Tôi trở thức, còn đôi ba ngôi sao cuối mà những ồn ào của lối xóm, cái ồn ào xua đuổi những vì sao đêm lặng lẽ cúi đầu. Tôi nhớ lại lời chị tôi: khi ngủ thì duỗi chân để nếu giấc mơ tàn ác đến có thể chạy được. Nhưng đã từ lâu những giấc ngủ lạnh buồn, lầm lũi trong số kiếp vẫn đến. Tôi nằm chưa bao giờ duỗi chân, thân hình co quắp trong những lần thức dậy làm tôi đau đớn. Bởi tôi ngủ co như vậy nên không bao giờ chạy thoát những con sư tử há miệng cứ chồm lên mãi chăng? Thật tội nghiệp cho những ngôi sao bé mọn và lầm lũi kia để cho ban ngày đến phải chạy trốn, chạy trốn đến khi nào tự cho mình là thân phận muộn mằn và trôi nổi. Tôi muốn van xin sự vắng mặt nhưng chính tôi thường vắng mặt. Những trang sách cứ qua mãi cho đến khi đôi mắt nhíu lại, cho khi đến bầu dầu vơi đi, cũng như những chặng đường, ngắn dần, lùi dần và cuộc đời lớn dần già dần, rồi tan dần đi. Tôi nghĩ đến những người đang ồn ào trong xóm. Những lúc tranh đua kiếm miếng có khi nào nghĩ đến cái thân phận làm người của họ không? Hôm nay họ xanh trẻ, thời gian sau họ già nua. Con cái họ lớn lên và già theo cùng những vui buồn, sinh tử, sợ hãi, chán ghét... rồi họ chết đi nhưng xóm nhỏ thì đông thêm, đông thêm mãi cho đến khi nào những người còn sống quên dần những người đã chết.
Cuộc sống ngày nay mất đi những tham dự của sức mạnh siêu hình mà người trước tin cẩn để sống. Nhưng có lẽ thái độ can đảm liều lĩnh ấy khiến cho chúng tôi đau đớn hơn. Chúng tôi không thể đồ lỗi cho ai được khi chúng tôi tự cho mình là Thượng đế.
Lúc tối bỏ khuôn cửa sổ lên giường, chưa ngủ được tôi thao thức nhìn lên đỉnh màn: những ánh sáng đan lên từng vệt nhằng nhịt như những mắt lưới, mà trong mẻ lưới ấy tôi gần như khô cứng và mệt mỏi. Sự mệt mỏi li bì làm mất cảm giác ghê lạnh từ gáy và tôi lại vào một giấc ngủ mệt mê hơn nữa.
Mấy hôm sau tôi nhận được một chân kèm trẻ tại nhà một người đàn bà ở xóm Rạch. Người đó cho tôi ở một căn gác nhỏ bằng bốn chiếc chiếu. Nơi ấy nguyên là phòng học của hai đứa con gái bà ta: đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Chồng bà là người Ấn đã qua đời được hơn một năm. Hồi chồng bà còn sống, những đứa nhỏ này theo học một trường tiểu học Pháp. Nhưng bây giờ bà muốn cho chúng theo học trường Việt. Bà bảo:
– Không nói dấu gì cậu, bà cụ thân sinh ra tôi chỉ có một mình tôi thôi. Mấy đứa cháu phải được gây dựng cho cẩn thận, cụ tôi muốn thế.
Tôi bắt đầu những buổi học vào ban sáng.
∞
Căn nhà đó nằm sát ngay bên một phố nhỏ toàn là người Ấn cư ngụ. Nhà có một tầng nhưng chủ nhân đã cho cất về phía sau một căn gác xép nhỏ. Giữa những mái ngói đen sạm và vòm cây cao của khu nhà yên tĩnh căn gác nhỏ vượt lên bé bỏng yên phận. Tôi kê chiếc bàn học cho hai đứa nhỏ về cửa sổ phía đông. Chúng tôi thường bắt đầu bài học vào lúc mặt trời lên độ con sào. Căn gác thật giản dị, tường trống trơn. Chiếc giường vải của tôi kê sát tường và gối đầu bằng một gói sách, chiếc va-li nhỏ để trên đầu giường. Ba chiếc ghế con ôm lấy ba mặt bàn bỏ trống. Những tường vôi vàng xẫm đã cũ kỹ lắm. Trên những ô cửa sổ đã có rêu và vài thứ cây dại nhỏ mọc bám vào. Chúng tôi làm việc bình thường. Tôi ít đi ra ngoài. Rồi sau nghe lời khuyên của bà chủ – bà thường lên thăm tôi vào lúc sắp đi ngủ – tôi yêu cầu bà đánh thức tôi để tôi đi dạo ngoài công viên. Những người Ấn thường cầu nguyện từ buổi tối cho tới khuya. Buổi sáng người đưa sữa tươi đạp xe đến sớm, đều đặn như một cái đồng hồ. Anh ta bao giờ cũng bấm chuông khoảng năm giờ làm tôi thức giấc và bà chủ cũng dậy khi đó. Tôi mặc áo cánh rồi trở ra công viên. Những ngọn diện đường đã tắt hết. Có ít người lác đác trên phố vắng.
Công viên còn vắng lặng, tôi đi trên những con đường rải đá cuội phủ ít nhiều lá khô mới rụng. Tôi tiến về phía những bệ gạch lớn trơ trẻn giữa bồn hoa màu tím. Những hàng cây xanh được cắt gọn gàng. Trong một khoảng vườn hình bầu dục có một giàn hoa giấy màu đỏ thẫm, hoa rụng tơi bời. Một hố cát, nơi những trẻ nhỏ đến đây làm bánh, xây nhà. Tôi đi dạo một vòng công viên, những cánh hoa cuối mùa nắng gầy và khô khan tô điểm cho bộ mặt công viên.
Có hai người phu mặc áo đen đặt những nhát chổi đầu tiên khua buồn trên lối sỏi. Tiếng kêu khô nhỏ và âm thầm. Bụi bay quấn lên rồi lắng xuống. Người phu ngừng tay ngáp nhiều lần. Tôi nhớ về một câu chuyện thần thoại cũ. Tôi trở về khu vườn bầu dục, chọn tấm ghế đá gần nơi có hố cát. Tôi đọc trang sách bỏ dở của Hương:
“– Bà có thai?
– Bây giờ anh còn hỏi tôi như thế! Tôi là bà, tôi đã 40 tuổi. Còn anh? Anh 20 và cái thai ba tháng của hai người. Tôi không muốn nó là con hoang như tôi. Anh phải cưới tôi. Cưới tôi ngay bây giờ trước khi đứa trẻ ra đời.
– Không thể được...
– Anh hối hận đã ăn ở với một con đĩ thập thành 40 tuổi đầu sao? Nhưng hồi trước anh có yêu tôi không? Không yêu sao...
– Tôi van bà...
– Còn tôi. Anh cứ khinh tôi đi. Cuộc đời cho tôi làm đĩ, bắt tôi làm đĩ, dù tôi có muốn trong sạch. Các người gây ra những các người khéo giấu bàn tay dơ bẩn của mình. Anh hối hận...
– Tôi van bà…
– Anh cần vào một thánh đường phải không? Anh cần một đấng cao cả, như Thượng đế chẳng hạn. Nhưng dù là Thượng đế cũng không bao giờ có thể làm được gì trong những vấn đề thuộc về con người cả. Anh phải cưới tôi. Đứa nhỏ ba tháng rồi. Nó sẽ mang họ anh. Anh họ Nguyễn, họ Trần, hay họ Đinh? Anh chạy trốn được sao? Anh không thể đi đâu được dù để nôn mửa.
. . . . . . . .
– Anh có ý kiến!
– Không. Tôi không có ý kiến gì cả. Tôi muốn hỏi anh con người ngày nay đòi hỏi những cái gì trước nhất? Anh đừng vẽ ra một dòng sông một ranh giới làm gì? Anh bảo tôi đứng ở bờ này hay bờ kia ư? Không thể như thế được.
. . . . . . . .
Đừng nghĩ rằng đã chết, đang chết, hay sẽ chết mà tôi muốn hỏi anh: chúng ta bắt đầu ở chỗ nào? Chỉ có chúng mình mới có trách nhiệm về chúng mình, còn ngoài ra là thừa.
Dù chết bằng cách nào thì cũng hèn và một thái độ chưa đủ...”
Tôi nghe thấy một hồi còi xe lửa rúc ở phía xa trong thành phố. Người phu già đã nghỉ tay quét đang ngồi ăn bánh mì. Tôi gập cuốn sách của Hương lại.
Tôi nghĩ đến bạn bè mà thấy rỗng không. Hương nằm ở bệnh viện. Thu đi làm đêm cho một giàn nhạc. Hoài sửa bài nhà in. Toàn kèm trẻ. Hoành bỏ đi buôn ở biên giới. Vịnh chạy hàng xách và Thành mới chết hôm nào...
Chúng tôi bám lấy cuộc sống bằng những sợi dây mỏng manh nhất. Và tôi vẫn thường thầm hỏi: giữa một tình trạng như thế này sao mình không bỏ đi? Người yêu đã rời xa. Bà dì ghẻ tôi đã khuyên tôi lập gia đình. Chị tôi túng quẫn trong vòng bệnh hoạn và em tôi thì đã được gửi vào nhà tế bần; năm nay nó 13, học lớp nhì. Tôi không làm gì được cả. Tôi nhiều lần định vào nhà thờ nhưng lần lữa mãi chưa đi rửa tội. Công viên sáng hơn, có ít đứa trẻ ngoại quốc đánh đu ở phía bên kia. Tôi nhìn thấy những cụm tóc vàng óng rung lên.
Bất chợt tôi nhìn lại, nơi hố cát. Có đứa nhỏ đang giồng cây chuối thẳng đứng. Đứa nhỏ mặc một cái quần cộc đen, áo cánh sọc xanh, nó hát nhỏ và trợn cả mắt, hai má phồng lớn giữ hơi, áo dốc ngược phơi ra cái bụng lép và cái rốn đen sâu. Gót chân sầy xám những dầu mỡ bẩn thỉu. Nó lộn nhào luôn mấy cái. Nó hát nhưng tôi không nghe rõ. Rồi nó ngồi xuống lấy tay bốc cát và đào nhiều hố, đắp nhiều mô nhỏ. Bấy giờ nó mới chú ý đến sự có mặt của tôi. Nó thấy tôi chăm chú nhìn nó, nó cười thật dễ dãi.
− Để tôi cùng đào sông với em?
− Tôi không đào sông đào núi gì đâu. Tôi làm cái trại như ba tôi hồi xưa. Trước kia nhà tôi như thế đấy. Để tôi chỉ cho ông hay; chỗ này ao đình có sen, ba tôi giồng nhãn ở bờ. Bên này là vườn cau và giàn trầu. Cau trầu cho những đám cưới ông biết chứ? Chỗ này cầu ao, có lần tôi ngã gần chết. Ông không biết làm đâu.
− Sao lại không?
– Hay là ông làm nhà của ông đi cho tôi xem với nào?
Tôi lúng túng. Tôi nào có biết nhà mình ở quê ra làm sao! Cha tôi bỏ đi Tân thế giới làm cao su từ năm tôi mới bốn tuổi. Tôi chả biết gì về quê hương cả. Tôi không thể nói dối mình được.
Có nhiều người tạo ra những giàng buộc với mình để sống; như giàng buộc với Thượng đế, với quê hương, với bổn phận, với tình yêu và máu mủ nhưng tôi thì mất đi gần hết những thứ ấy, dù có muốn tạo ra cũng không sao có được. Đứa nhỏ còn biết nhà của nó, nơi nó đã sinh ra và sống những ngày thơ dại. Tôi chỉ nhớ một căn buồng nằm trong một dẫy nhà ẩm thấp nơi đồn điền cao su. Những người cai tàn ác. Cơm hôi và ánh đuốc trong rừng cho những dòng mủ trắng. Tôi sống lên như thế và mất đi những ràng buộc cuộc đời, mất đi như những giọt cát ướt chảy khỏi những kẻ tay mỗi lần vớt lên ở biển.
– Ừ mà tôi không biết làm thật chú bé ạ!
Tôi trở ra về. Công viên buổi sáng ồn thêm một chút. Những cánh hoa tím rụng trên lối đi không còn nữa.
Về đến nhà tôi bắt đầu ngay buổi học. Những người Ấn đã mang vải đi chợ từ sớm. Tôi ngửi thấy mùi nhang của người bán nhang đi qua cửa.
∞
Tôi gặp Hoài báo tin Toàn định cưới vợ và Long đã vào lính.
– Muốn trong sạch thì chỉ nên biết một người con gái mà thôi.
Tôi thêm:
− Hay không biết người nào lại càng hay.
Hoài đưa thuốc cho tôi hút. Bàn tay Hoài cháy khói, đôi môi nhợt và khô se.
− Mình định đi xa.
– Ừ đi đâu thì đi.
− Lẽ dĩ nhiên thuộc về mình.
− Khi nào thôi nghĩ đến nhau lại càng hay nữa. Ở đâu mà chả vậy. Có chạy đằng trời con ạ. Thân mới chả phận...
Buổi chiều rưng rưng. Chúng tôi đi với nhau một lúc lâu và nhắc đến những người bạn vắng mặt. Có tiếng hát nhỏ ở ngoài khuôn cửa « que sera... sera »... Điệu nhạc cho tôi những ý nghĩ buồn. Tôi nhìn lên bầu trời, bóng tối nhá nhem trên những ngọn cây.
∞
Tôi trở ra công viên như thường lệ thì đứa nhỏ đã đến hố cát. Nó lại giồng cây chuối, lộn nhào rồi hỏi:
– Sao ông không đắp nhà?
– Tôi không biết đắp em ạ!
- Ông không ngạo tôi chứ? Hôm qua tôi còn quên ngồi ở gốc cây bàng nơi tôi thường ngồi câu buổi trưa nhìn chuyến tàu về quê ngoại thú lắm, giá mà tôi cưới vợ rồi...
− Cưới vợ? Em còn bé mà đã cưới vợ sao!
– Có chứ. Ông tôi bảo: vợ tôi như chuyến xe lửa về quê ngoại ấy. Tôi tiếc rằng chưa cưới vợ. Để bao giờ cưới tôi sẽ cưới vợ to và dài hơn nữa. Như thế tôi sẽ cho được nhiều người về quê ngoại tôi chơi.
Tôi khẽ cười về một ý nghĩ ngộ nghĩnh.
– Ở quê ngoại tôi mùa nào thứ ấy. Nhãn, ôi, hồng... thôi đủ thứ. Ông có quê ngoại không, chắc quê ngoại ông đẹp lắm nhỉ?
Đứa nhỏ lộn nhào nữa. Cát bay mù. Tôi dụi mắt như muốn khóc. Mẹ tôi chết sớm nên không ai cho tôi biết quê ngoại ra sao. « Vợ là một chuyến xe lửa về quê ngoại », là những niềm thân yêu tha thiết với quê hương. Và nếu như thế chắc đứa nhỏ sẽ còn đòi cưới nhiều vợ cho nó để được về quê ngoại luôn. Đứa nhỏ đắp lại nhà. Tôi giúp nó giồng thêm một giàn hoa tím, và xây một con đường bằng đá trắng để khi tôi về thăm được sạch sẽ, mùa mưa không sợ lầy lội. Tôi định sẽ đào thêm một cái giếng và đứa nhỏ muốn dựng một cái quán nước
Mặt trời lên cao. Tôi bỏ ra về.
Buổi chiều tôi tới thăm chị tôi. Đứa cháu nhỏ yếu đã hơn một tuần lễ nay. Nó xanh và gầy. Nó không nhận ra tôi. Nó không cho tôi bế khóc thét lên. Tôi ăn cơm dưới ngọn đèn dầu rồi ra về khi trên trời sao mọc đã đặc. Tôi hút thuốc liên tiếp cho đến khi tới nhà. Tôi thức khuya dù không làm được gì.
Sáng hôm sau tôi dậy muộn, công viên ồn ào hơn mọi khi.
− Sao bữa nay ông tới chậm?
– À tại tôi ngủ trưa, em đã làm thêm được gì rồi?
− Chưa. Tôi cũng mới tới. Em tôi đau phải đi nhà thương thí. Chắc ông không có em, ông có con chưa?
Thấy nó hỏi ra vẻ người lớn tôi gần bật buồn cười vì đau đớn:
– Tôi có một người em trai, nó 13 tuổi, hiện ở nhà tế bần. Tôi không có vợ thì làm sao có con, và cũng không ai lấy tôi cả.
Đứa nhỏ há miệng lớn. Nó có cả một hàm răng sún. Đôi mắt nai tơ mở rộng ngạc nhiên. Tôi ngồi kể chuyện « cô gái quàng khăn đỏ và con chó sói » cho đứa nhỏ nghe. Nó quên xây nhà. Đứa bé ra về sớm. Nó ngắt theo một cụm hoa giấy và giải thích:
− Người ta cấm đấy. Nhưng lúc em tôi đi nhà thương tôi dỗ nó đừng khóc khi về tôi sẽ cho nó một ít hoa. Chút nữa tôi quên nó khóc thật tội nghiệp.
Tôi cũng ngắt theo một cành. Tôi muốn đến ngay nhà tế bần nhưng giờ này lại đóng cửa. Tôi bần thần trở về, những bông hoa héo rũ tôi ngắt ra và ép vào một trang nhật ký. Xưa. Tôi đọc – « Tôi mong người đến nhưng chắc không bao giờ người đến nữa. Và anh hỏi: với những ý nghĩ nào chúng mình tìm đến với nhau – rồi từ đấy em bỏ đi. Như thế anh còn mất thêm những gì? Hai tay vẫn còn trắng, với hai bàn tay chết đuối ấy còn bám được vào đâu? Những bộ cánh của tuổi thơ và tình yêu dài quá đã bay đi cả rồi, không bao giờ anh níu lại được nữa. Anh khóc nhiều rồi, bây giờ thì không khóc được đâu. Quyên ơi... »
∞
Tôi sống bình thường. Đôi lần tôi bắt gặp một người đàn ông có mặt vào những buổi tối là những đêm mà bà chủ đi ngủ sớm và dậy muộn.
Tôi được thư của Lâm từ nhà lao gửi ra. Nó nhận đã làm một việc đồi bại, nó cưỡng hiếp một đứa nhỏ 12 tuổi. Nó viết một lá thư dài. Nó biện bạch đủ cách để cứu vớt một phần những tội lỗi mà nó gây ra. Nó còn dám bảo rằng chẳng qua những tội lỗi ấy là do hoàn cảnh thúc đẩy con người mắc phải và nó lên án cái xã hội thời hậu chiến. Nó tố cáo đủ cách. Như thế là nó muốn bênh vực nó. Nó gần mãn hạn tù và không biết khi trở ra sẽ sống bằng cách nào. Tôi viết thư bảo Lâm nếu cần thì tìm đến tôi, dù đời sống của tôi cũng không hơn gì nó.
Tôi ra công viên như thường lệ. Đứa nhỏ hôm nay không còn chơi xây nhà nữa. Nó mang theo một con dao cùn, một cái ống bơ lớn đầy nước và một cái hộp con dùng đựng một thứ thuốc ho. Đứa nhỏ đi tìm tổ dế. Nó nói với tôi:
− Ông có biết chơi dế không?
− Thuở bé tôi có chơi. Thành phố làm gì có dế. Ở nhà quê mới nhiều.
– Đúng thế, ở đây người ta đem dế bán hàng giỏ lớn. Dế mà có người mua mới chết chứ. Mấy chú lõi ở thành phố biết gì. Chúng nó mua hàng chục con mà lấy toàn dế cái thì đá cái gì. Chúng nó chọn to xác mà. Sao không mua kí có phải được nhiều không. Phải kiếm những chú dế đực. Loại « mèn tổ » phải kiếm ở bãi tha ma mới có, chứ cái thứ non oẹt thì đá cái thói gì? Mấy con lớn khỏe nó vừa ra oai đã vác giáo quy hàng. Muốn nó hăng phải ráy cho các chú nóng tiết mới thật thú. Chúng nó thiệt ngu. Ráy đứt cả đầu còn đá sao được nữa. Ở đây có dế hang cũng khá, tôi vừa kiếm được một con. Nó gan ghê, đổ nước mãi mới chịu lên. Chú ấy cứ gáy hoài. Thằng em tôi thích lắm nhá. Ở đây mà mùa mưa có lẽ nhiều ông ạ.
Đứa nhỏ mang tất cả những hiểu biết của nó về dế nói cho tôi nghe. Thủa trước cũng có lần tôi chơi đế nhưng dại hơn đứa nhỏ này nhiều. Người lớn có nhiều chuyện đáng làm quên cả những trò chơi trẻ nhỏ, người ta mải xoa tay trên bàn mạt chược, hoặc theo nước ngựa đua. Mai kia những đứa trẻ lại mất đi những con dế của tuổi thơ, tuổi thơ của cả một con người hiền hòa, trong sạch đáng sống.
Đứa nhỏ chăm chú bên mép cỏ bồn hoa, cạnh bậc gạch. Nó nhặt cho tôi mấy xác ve sầu nơi những gốc cây. Nó hỏi:
– Cày cạy lột xác thành ve sầu. Nhưng ve sầu sẽ lột xác thành gì? Chắc ông người lớn thì biết?
– Nó không thành gì cả.
– Thế à. Mẹ tôi bảo rắn biết lột và không bao giờ chết già. Thế mà người lại không biết lột. Hay tại người ta có tay?
– Cũng không hiểu. Nhưng giá như các em thì có thể lột được. Mà sao rắn cắn chết người kia mà. Lành như trâu bò lại không biết lột nhỉ?
– Không biết rắn thế nào, chứ tụi trâu bò cũng tồi lắm!
– Sao em biết?
– Bà tôi bảo: xưa kia trâu cái cũng có yếm như bò cái. Hai loài ở với nhau hiền lành. Nhưng có lần bò cái tham muốn có nhiều yếm mới xui bò đực ăn cắp yếm của trâu cái để khi rách có yếm mặc. Bò đực nghe vợ, nhân buổi trâu bò đi tắm chung, giữa lúc đang lội dưới nước bò đực hò nhau chạy lên mặc yếm của trâu cái mang về cho vợ. Không ngờ dính luôn không gỡ ra được hóa bò đực có yếm mà trâu cái lại không. Hai bên trâu bò sinh ra ghét ghen mà húc nhau, ruồi muỗi ở giữa chết. Rồi từ đấy muỗi mới hút máu trả thù. Loài vật có khác, chúng nó ngu ghê ông nhỉ! Người ta khôn hơn nhiều lại làm thịt chúng mà ăn.
– Thế là người ta lại ác hơn vì khôn.
– Loài vật cũng khôn. Đây ông ra mà xem: những con kiến bồ dạt làm tổ che cao về phía nào thì mưa bão sẽ đến từ phía ấy. Rồi ông xem.
Công viên nắng bàng bạc, mây đen về nhiều, thời gian trôi thật mau. Bây giờ mùa nắng sắp tàn và sắp xa thêm những kỷ niệm. Dù có khuất xa đi nhưng nhờ những kỷ niệm để nắng tin rằng mình đã sống.
Đúng như đứa nhỏ nói, tiếp theo đó là những ngày mưa gió mở mùa. Trong thời gian này tôi mới hay bà chủ nhà chửa hoang. Tôi nhớ đến người đàn ông có mặt ở đây vào những buổi tối mấy tháng trước. Tôi ái ngại cho bà.
Tôi đến tìm Thùy, Thùy bỏ đi xa. Hùng thì mới nhận một chân thủy thủ. Tôi tìm Hoài ở bến xe, Hoài cho biết Hương rời bệnh viện và không hiểu đi đâu. Tôi nhắc với Hoài những kỷ niệm về bạn bè. Hoài gắt lên:
– Hiện tại sống còn chưa đủ sao mày cứ nhét đầy kỷ niệm làm gì.
– Vì nó rỗng quá, trống quá. Ít ra tao cũng còn có kỷ niệm.
– Tao cần một số tiền thật lớn.
– Tiền không đủ. Tao cần một đời sống. Chỉ một đời sống thôi.
– Tao không có đời sống. Tao bệnh tật cần phải có tiền để làm lấy đời sống.
– Nhưng tiền không thể làm được đời sống. Như thằng Thành đấy, rồi cũng chết đi.
Chúng tôi đến Huỳnh. Đứa em giai Huỳnh cầm súng nhựa, dao gỗ nó khoe:
– Súng để bắn và dao để giết người phải không anh?
Tôi trợn mắt quát lớn:
– Ai bảo thế hử? Ai bảo mày thế hử?... Câm đi.
Tôi cốc cho nó một cái mạnh, đứa nhỏ sợ và đau ngã xuống bậc của chảy máu cam. Tôi vội lấy tay giữ lấy mũi nó, máu chảy lênh láng. Nó khóc mãi, tôi bực tức bỏ ra ngoài. Dưới ánh đèn đường tôi thấy bàn tay vấy máu.
Tôi về ngủ với Hoài một đêm. Đến sáng tôi tìm về công viên quen thuộc. Trời mưa mau. Hố cát đầy nước. Tôi nhớ đứa trẻ và những căn nhà xây trên cát. Tôi ngồi trên ghế đá cho đến lúc ướt run lên mới trở về nhà.
Hai đứa học trò của tôi ngồi khóc ngay ở ngưỡng cửa. Mẹ chúng chết đêm qua vì uống thuốc phá thai. Tôi thấy nghẹn ngào. Tôi tìm cuốn sách của Hương: « Không, không thể làm gì hơn được nữa đâu. Tôi chết đi để xã hội khỏi thêm một đứa con hoang nữa. Tôi cầu cho các người trong sạch. Nhưng đừng van xin sự trong sạch của ai ban cho. Con người ở cõi đời này còn bao nhiêu trong sạch mà thừa... »
Tôi giơ bàn tay lên đề nhìn những vết máu khô. Tôi có bàn tay của một kẻ giết người… Tôi nghĩ đến những tờ lưỡng diện trên đường đến nghĩa trang của một đám tang gặp buổi chiều.
Tôi đến tìm chị tôi. Xóm nhà lá bị cháy từ hôm nào đã trở thành lầy lội. Tôi ngơ ngác trở gót.
Tôi đến nhà Quyên. Bác Hàm – cha Quyên hỏi tôi:
– Sao độ này cháu không đến Chi?
Tôi muốn khóc và trách Bác, đáng ra bác đừng hỏi tôi như thế. Nhưng tôi chỉ biết nín thinh, có lẽ bác không biết rằng Quyên không còn yêu tôi nữa. Thu tiến ra, tôi bắt tay:
– Anh vẫn mạnh.
– Chắc thế. Sao cậu không đến Chi. Cậu quên những ràng buộc giữa cậu, Quyên và mình rồi sao?
Đã lâu lắm tôi mới được nghe tiếng « mình ».
– Tôi không quên đâu. Thì chính bây giờ tôi đang đứng đây. Anh cứ nhìn thẳng vào mắt tôi và nói nữa đi.
Tôi cầm tay Thu như cầm tay một người thân sắp từ biệt. Tôi muốn nói một câu thân thiết nhất nhưng không biết nói sao:
– Có lẽ đêm nay trời lạnh. Anh…
Tôi ôm lấy cổ Thu và muốn khóc như một đứa trẻ khóc trong lòng mẹ. Khóc để thấy mình trẻ dại hơn.
Tôi bỏ ra đường không lời chào hỏi. Tôi đi thật mau đến lĩnh đứa em ra khỏi nhà tế bần. Tôi nhắc với đứa em về ngày mẹ mất, cha bỏ đi làm đồn điền cao su. Ngày tôi về sống với dì ghẻ. Tôi cầm chặt lấy tay nó:
– Chúng mình phải sống với nhau, không thể xa nhau được nữa.
Em tôi rơm rớm nước mắt, giữ chặt lấy tay tôi:
– Em không muốn vào nhà tế bần nữa đâu.
Đêm hôm ấy hai anh em tôi ôm nhau mà ngủ, mưa bão bên ngoài. Tôi mê trong giấc ngủ: vẫn những con sư tử chồm lên nhưng kịp đứa em thấy tôi kêu ú ớ thì đánh thức dậy. Tôi nhớ đứa bé ở công viên. Tôi nghẹn ngào không biết làm sao. Lại đến mùa mưa rồi, bao giờ thì vào xuân.
Tôi bỗng bảo đứa em:
– Mẹ chết mười năm rồi!
Nước mắt chạy quanh, chúng tôi nhìn nhau thương mến.
DƯƠNG NGHIỄM MẬU
Nguồn: TVE-4U
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 3 tháng 4 năm 2024