Con Chim Móng Đỏ

tim gautreaux

dịch giả: lưu văn hiến

dịch từ “little frogs in a ditch” - trong “the best american short stories - 1997”

Lão Fontenot nhìn đứa cháu nội rít một hơi dài khói thuốc rồi gạt tàn lên nền gạch men xám hãy còn mới ở hiên nhà. Thằng bé đã bị cho thôi việc, lần này là bởi tiệm giặt ủi ở cuối phố.

“Gã chủ tiệm đó không có được đến một nửa trí thông minh của cháu”, Lenny Fontenot nói.

Ông lão gật đầu, uống một ngụm từ lon bia không ướp lạnh, “Ông chủ tiệm đó không thích mày ủi quần của khách đến hai nếp”. Lão không nhìn thằng bé mà nhìn một đám mây sáng rực đang trôi vào từ vịnh.

“Để cháu nói ông nghe”, Lenny bực tức nói, quay đầu theo một bóng chim bồ câu vừa lướt qua, “trên đời này có những kẻ ngu”.

“Thôi bỏ đi”, ông lão nói, nhìn về hướng mái tôn của tiệm giặt bị mưa làm bạc thếch. Thằng cháu lại về ở với lão, ăm cơm của lão, và sáng ra dùng sạch cả nước nóng. “Nếu cháu quan tâm đến thái độ của cháu hơn, thì có thể giữ được việc làm đấy”.

Lenny đứng dậy gí mũi vào kính cửa. “Dù sao cháu cũng cóc cần việc giặt ủi. Cháu sẽ bán hàng”.

“Mày đâu có thể bán phân bò cho tiệm hoa hồng được”.

Lenny vứt điếu thuốc xuống và dẫm lên bằng mũi giày đã mòn vẹt. “À, cháu có thể bán chim câu”.

Ông nội nó cầm mũ lên và nhìn nó. “Làm quái gì có ai mua chim câu?”

“Cháu có thể tìm được”.

“Lenny à, nếu có ai đó muốn chim câu, thì hắn ta chỉ cần bắt lấy một con”.

“Có người vụng về sẽ mua của cháu”. Nó bước xuống các bậc thềm đi về chiếc sân bên hông nhà. Ở cuối khoảng đất trống là một nhà xe đã lâu không dùng đến, xiêu vẹo bên những máy cắt cỏ và xe cút kít hỏng. Nó nhìn lên mái nhà, nơi có những cái tổ tả tơi trên chiếc xà nhà dây vết phân chim. Nó vung tay thật nhanh và một con chim câu màu xanh thẫm nằm gọn trong tay nó. Nó quay lại khi ông nó đến gần. “Đây này. Ông có thể bắt chúng, vô khối ở dưới chỗ mái này”.

Lão Fontenot nhìn nó gớm ghiếc. “Chẳng ai lại đi ăn chim câu cả”.

Lenny cúi đầu. “Ăn ư? Cháu có nói là ăn chúng đâu”. Nó mỉm cười với con chim. “Đây là chim câu đưa thư”.

“Thôi đi. Con vật đó cũng nhiều rận như một chính trị gia vậy. Bỏ nó ra”, ông lão kéo tay nó.

Mắt Lenny đỏ lên và mờ đi. “Chiếc xe Ford của ông bị hỏng và ông không đủ tiền sửa nó. Cháu sẽ kiếm tiền cho ông”.

Ông nó biết Lenny muốn có chiếc xe đó nhưng lặng thinh. Lão nhìn con chim trong tay đứa cháu, con vật đang đạp chân vào không khí và chớp chớp đôi mắt đen lánh. “Ông đã hứa với bố mẹ cháu là sẽ không để cháu gặp rắc rối gì nữa”. Lão thấy Lenny nhăn mặt. Lão nhớ căn phòng rộng của đứa cháu trong căn nhà gạch có máy lạnh ở nông trại, căn nhà mà bố mẹ nó đã bán để mua một chiếc Winnebago và du lịch vòng quanh đất nước. Một hôm thằng bé về nhà sau kỳ nghỉ cuối tuần và mọi thứ mà nó sở hữu đều đã bị bán đi.

Hai ngày sau ông lão đọc mẩu rao vặt của Lenny ở phẩn quảng cáo trên báa mà nó đã gấp lại: “Bồ câu đưa thư 10 đô một con. Có kèm hướng dẫn cách luyện tập”, ông lão vào bếp nấu bữa sáng. Lenny vào, nhìn xuống bếp lò.

“Ông có làm món trứng không ạ? Annie thích trứng”.

“Nó lại đến hả?” Lão cố tỏ ra bực dọc, nhưng thật ra lão thích Annie. Đó là một cô gái to con, tóc vàng mặc đồ jean làm việc ở một xưởng cơ khí. Lão thấy tội nghiệp Annie vì Lenny để cô bé trả tiền những chuyến đi chơi của chúng.

Lenny bước xuống thềm, và ông nó nhìn theo nó qua cửa sổ. Nó lôi từ sau nhà xe ra một cái chuồng thỏ có chân cao. Nó giũ chuồng cho sạch phân rồi đặt xuống. Bằng những ngón tay ám vàng khói thuốc, nó chộp lấy một con bồ câu màu xám đá ở dưới mái hiên, và nhét nó vào chuồng. Những con khác bay vụt đi với tiếng đập cánh rào rào, nhưng nó vẫn bắt được thêm một con màu hồng và xám. Ông lão tặc lưỡi, vặn to lửa ở bếp.

Annie vào bằng ngã sau mang theo một hộp đồ nghề. Cô đến bếp lấy một suất ăn, rồi ngồi vào bàn ăn.

“Annie, chào cưng”. Lenny ngồi phịch xuống đối diện cô gái với một đĩa xúc xích nóng đang bốc khói. Sau khi ăn xong, cô gái hỏi nó tại sao lại làm cái việc bán chim câu đó. Nó bảo là làm việc đó vì cô ta, nhờ đó chúng có thể dùng chiếc xe hơi. Rồi chuông cửa reo, và mọi người đứng dậy xem ai đến.

Ở cửa trước họ thấy một người đàn ông lịch sự tóc bạc trắng đang nhìn chăm chú vào một xấp báo. Ông ta mặc một chiếc quần vải thô màu nâu và một chiếc áo cao bồi xanh kẻ ô vuông.

“Tôi là Perry Lejeune ở đường Broussard. Cách đây khoảng năm dãy phố. Tôi đọc báo thấy mẩu quảng cáo của ông”.

Lão Fontenot lườm đứa cháu rồi bỏ mũ ra, làm như lão sẽ ném nó đi.

Lenny đứng thẳng lên và mỉm cười, khoe hàm răng nhỏ. “Ông Lejeune, ông có biết gì về bồ câu đưa thư không?”

Người đàn ông lắc đầu. “Không. Thằng cháu bé Alvin ở nhà tôi và tôi muốn tìm cái gì đó cho nó làm. Mẹ nó để nó lại cho tôi và tôi phải cho nó tiêu khiển, cậu biết không?” Ông Lejeune nhướng mày. “Tôi già rồi, không thể chơi bóng với nó được”.

“Đừng lo, cháu sẽ chỉ cho ông”, nó nói, ra dấu cho mọi người đi theo nó trở lại nhà xe. Nó đặt tay lên cái chuồng cũ kỹ và nhìn ông Lejeune. “Cháu chỉ còn hai con thôi. Con màu xám đá này”, nó gật đầu về phía con chim, “nó chịu mưa giỏi. Và cháu có con màu hồng kia nếu như ông muốn màu rực rỡ”.

Ông Lejeune giơ tay lên ra hiệu ngừng. “Tôi không muốn màu loè loẹt”.

“Con màu xám đá là con chim tốt. Tất nhiên, với giá này thì ông phải tập cho nó, ông ạ”.

“Ừ, tôi muốn hỏi cậu về việc ấy”, ông Lejeune dùng ngón trỏ và ngón cái tạo thanh một gọng kìm để nhổ râu ở cằm. Annie đến gần, còn ông nó cúi nhìn các bậc thềm và lắc đầu.

Lenny thò tay vào chuồng và bắt con chim ra. “Ông phải làm một cái lồng bằng vải bạt với một cái cửa một chiều”.

“Phải, cậu muốn nói là để cho lúc nó về”.

Lenny nhìn ông Lejeune. “Phải rồi. Bây giờ, để tập cho nó ông phải cầm nó với ngón cái ở trên và các ngón kia ở dưới, ông thấy chưa?’

Ông Lejeune đeo kính vào và khom người nhìn dưới bụng con chim. “Ờ nhỉ”.

“Ông đứng ở ngay trên đường thẳng hướng về nhà ông. Rồi ông giữ mỗi chân nó bằng hai ngón tay. Ông thấy không?” Lenny quỳ xuống, nhăn mặt vì nền xi măng gồ ghề. “Ông đặt chân nó xuống đất, như thế này này”.

“Ừ tôi hiểu”.

“Rồi ông cho nó bước đi trên đường thẳng mà ông đã nhắm, vừa bước đi sau nó vừa di chuyển chân nó như thế này. Ông phải đi cùng nó cả bốn phía lô đất của ông để nó nhớ phương hướng nhà ông”.

“Ừ, ừ, tôi hiểu rồi. Giống như cho nó đi vòng vòng vậy mà”.

Annie nhíu mày và đưa tay che miệng, ông nội Lenny ngồi trên bậc thềm nhìn đi chỗ khác.

Lenny bắt con chim đi chập choạng trên mặt đất, con chim lúc lắc đầu, chớp mắt và cố mổ nó. “Muốn luyện một con chim cần phải kiên trì. Cần phải có một người đặc biệt. Không phải ai cũng thích hợp để luyện bồ câu đưa thư”.

Ông Lejeune gật đầu. “Này, cậu đang nói chuyện với một người đã lập gia đình bốn mươi ba năm đấy. Cần phải luyện nó trong bao lâu?”.

Lenny đứng dậy và bỏ con chim vào chuồng. “Tập mỗi ngày trong hai tuần lễ, ông phải làm việc ấy”.

“Bất kể nắng mưa?”. Ông Lejeune nhướng cặp lông mày bạc trắng.

“Đúng vậy. Sau hai tuần ông bỏ nó vào mọt cái hộp đem ra công viên Bayou và thả nó ra. Nó có thể về nhà còn trước cả ông, ông biết không?”

Ông già gật gù. “Thằng Alvin sẽ thích trò này cho mà xem.” Ông rút ví tiền. “Có thuế gì không?”

“Một đôla”.

Ông Lejeune đưa cho nó một tờ mười và tìm thêm một đô nữa. “Không phải thuế suất trong thành phố là tám phần trăm sao?”

“Hai phần trăm thuê thú hoang dã”. Lenny nói, thò tay vào gầm chuồng lấy ra một hộp đựng giày mà nó đã đục lỗ bằng đồ gắp nước đá.

Ngày hôm ấy Lenny bán bồ câu cho Mankatos Djan, một người Phi mới nhập cư, và hai đứa trẻ đến bằng xe đạp BMX rỉ sét. Đến ngày thứ mười hai, nó đã bán được hai mươi sáu con bồ câu và đã có đủ tiền để sửa chiếc xe hơi phủ đầy lá rụng. Lenny đếm tiền và đi ra cổng trước, ở đó ông nó đang uống một vại bia trong tiết trời nóng bức. Ông lão nhìn số tiền trong bàn tay Lenny đang xoè ra. “Cái gì thế?”

“Đủ tiền để sửa xe đấy”.

Ông nó nhìn về phía tiệm giặt. “Ta thấy cháu lấy hai mươi đô của mấy đứa trẻ để đổi lấy hai con chim đầy rận. Cháu thật không còn đạo đức gì”.

“Này, đó là để sửa xe của ông mà, mẹ kiếp”.

“Thằng bé da màu tội nghiệp đó còn chưa nói được tiếng Anh. Nó đen trũi như một hòn than và tin bất cứ gì cháu nói. Cháu của ta bịp nó lấy mười một đô, số tiền đủ để nuôi một người bà con của nó trong túp lều tranh ở Bogoslavia trong một năm trời”. Lão ngước nhìn Lenny, đôi mắt nâu của lão mờ đi trong cái nóng. “Mày làm sao vậy?”

“Cháu làm sao chứ?”, nó la lên, bước lùi lại. “Ai cũng kiếm được tiền, ngoại trừ cháu. Cháu không có việc làm, và cháu bắt đầu làm ăn, như mọi người khác thôi”.

“Mày chẳng biết gì về làm ăn cả. Mày là đồ bịp bợm”.

“Cũng được”. Nó đập xấp tiền vào đùi. “Vậy cháu là đồ bịp bợm. Vậy giữa cháu và người bán xe Mercedes có gì khác nhau?”.

Người ông cao giọng, nắm lấy tay ghế. “Một chiếc Mercedes không bay lên mây, không mổ mắt mày, và không đi mất sau khi mày đã trả tiền để mua nó”.

Lenny hất đầu về phía đường phố. “Điều đó tuỳ thuộc vào cách ông nghĩ về nó”, nó càu nhàu.

“Mẹ kiếp, chỉ có một cách để nghĩ về nó thôi. Đó là nghĩ cho đúng.” Ông nó đứng dậy. “Mày hãy ra khỏi nhà tao. Bố mẹ mày tống khứ mày và bây giờ tao biết tại sao rồi. Có lẽ vài đêm ngủ trong xe sẽ giúp mày tu tỉnh lại”.

Lenny lùi lại một bước nữa, xấp tiền vẫn ở trong tay nó. “Bố mẹ cháu đâu có đuổi cháu. Bố mẹ di dân về phía Tây”.

“Đi ra.” Ông lão nói, những giọt mồ hôi lấp lánh trên vầng trán hói. “Khi nào có việc làm mới được về”.

“Cháu đâu có sống ở ngoài đường được”, Lenny nói, giọng đã dịu xuống, nó cố mỉm cười.

“Những kẻ bịp bợm rốt cuộc cũng sống đầu đường xó chợ và khi chết bị thiêu ở địa ngục”, ông lão nói.

Lenny đá vào khung cửa, và ông nó quát lên. Năm phút sau, nó đã đứng cạnh chiếc xe Ford cà tàng, lắng nghe tiếng đập cánh khi ông lão bắt bồ câu ra khỏi chuồng thỏ và ném chúng lên mái nhà.

Đêm hôm đó ông lão không ngủ được và cuộn màn cửa sổ cạnh giường lên, nhìn ra khoảng sân sáng trăng nơi chiếc Ford của ông đậu cạnh hàng rào. Lão quỳ xuống sàn và khoanh tay gác lên bệ cửa sổ, hình dung ra cảnh thằng Lenny quay lại tiệm giặt, tươi cười sau làn hơi nước của chiếc máy ép. Ở dưới sân chiếc xe Ford rung chuyển, và lão hình dung ra cảnh Lenny đang đập muỗi bu vào mặt nó, cảnh Lenny trở mình, gí mũi vào khe hở ở lưng ghế, ngửi mùi bụi bậm, mùi những đồng xu cũ và đầu lọc thuốc lá. Lão nghĩ đến Annie, đến làn da trắng sữa, đến những đường nét cơ thể của cô. Với vẻ thèm muốn Lenny đã kể về những tẩm chi phiếu lương của cô, gần 2.400 đôla một tháng. Lenny chưa bao giờ lãnh được nhiều hơn mức lương tối thiểu và than phiền rằng đã bị đánh giá thấp ra sao. Ông nó băn khoăn liệu nó có được ý tưởng mơ hồ nào về thế giới công việc thực tế không. Ông lão lên giường nhưng không ngủ được vì trong trí ông hiện lên những người đã mua chim của Lenny, những đứa trẻ ngờ nghệch, thằng bé người Phi, và không biết làm thế nào thằng cháu mình có thể bán linh hồn để lấy 11 đôla.

Lúc sáu giờ ông lão đi ra sân và mở cửa xe. Thẳng bé nằm trên ghế, tay gác lên trán. “A, ông.”

Ông nó đẩy vai nó. “Mày có việc làm chưa?”

Lenny nhướng con mắt đỏ lên. “Làm sao tìm việc được khi cháu hôi hám, chưa cạo mặt và người đầy nốt muỗi đốt thế này?”

Ông lão suy nghĩ trong giây lát, nhìn đứa cháu bằng đôi mắt ngái ngủ. Lão nhớ lại khi nó còn bé xíu. “Được. Ông cho cháu được tạm miễn phạt với một điều kiện”.

“Điều kiện gì ạ?” Lenny tựa đầu vào nệm ghế.

“Nhà thờ St. Lucy cho xưng tội trước khóa lê bảy giờ mỗi sáng, ông muốn cháu nghĩ đến việc xưng tội và kể cho cha nghe những việc cháu đã làm”.

Lenny ngồi thẳng dậy và nhìn ngôi nhà. Ông lão biết nó đang nghĩ đến bồn tắm rộng và cái máy nước nóng ngoại cỡ của nó. “Trong sách giáo lý có nói bán chim câu là có tội đâu?”

“Mày đi, hay là mày cứ việc ở ngoài mà bốc mùi?”

“Cháu phải nói gì với cha?”. Nó ngửa hai bàn tay đặt lên đùi.

Ông nó ngồi xổm xuống cạnh nó. “Mày còn nhớ Sơ Rorita đã dạy gì trong lớp giáo lý không? Rằng nếu mày nhắm mắt lại trước khi đi xưng tội, thì tội lỗi của mày sẽ phát ra tiếng đấy.”

Lenny nhắm mắt lại. “Tiếng ồn ư”.

“Chúng nó sẽ nhao nhao lên như lũ ếch dưới mương lúc hoàng hôn ấy”.

“Tất nhiên rồi,” Lenny bật cười khi nó nói, tròng mắt đảo qua lại dưới mí mắt đang nhắm. “Chà, cháu chẳng nghe thấy gì.” Nó mở mắt ra nhìn lão. “Xưng tội làm gì nếu như cháu chẳng nghe gì cả?”.

Ông nó rên rỉ đứng dậy. “Cứ lắng nghe đi”. Lão nói.

Sau khi Lenny tắm rửa, hai ông cháu ăn sáng ở một quán cà phê trên phố River, và sau đó, khi đi bộ về, nhìn thấy Annie đi ngược chiều, tay cầm hộp đồ nghề, mái tóc vàng óng ả của cô xõa xuống vai chiếc áo jean cô đang mặc.

Lenny huých cô một cái bằng hông. “Annie, dậy sớm vậy cưng”.

Cô hắt cằm lên. “Em đến tìm anh. Có người nói với em là anh ngủ trong xe hơi như một kẻ lang thang”. Cô nhấn mạnh ba từ chót.

“Ông cụ không ưa công việc làm ăn vừa qua của anh”.

“Đó không phai là công việc làm ăn”, cô gắt lên. Annie nhìn hết ông đến cháu, tìm điều gì đó trong mắt họ. “Anh vẫn không hiểu, phải không?”

“Hiểu gì cơ?” Khi nó nhìn thấy nét mặt cô, nó vụt tắt nụ cười.

Cô thở dài, nhìn đồng hồ. “Rồi anh sẽ hiểu”. Cô cầm hộp đồ nghề lên và đi tiếp đến phố Broussard. Sau khi qua năm dãy phố họ băng qua một đại lộ rộng, đi thêm một dãy phố nữa rồi dừng lại sau một bụi dâu dại mọc gần vỉa hè. Bên kia đường là một căn nhà gỗ dán giấy dầu. Lớp giấy đang bong ra.

“Hôm qua cháu thấy ông ấy cũng khoảng giờ này”, Annie nói.

“Ai cơ?” Ông lão hỏi.

“Ông già đã mua chim câu của Lenny”.

Lenny lủi vào sau bụi cây. “Trời, em muốn ông ấy thấy anh sao?”

Bên kia đường có người di động bên ngoài căn nhà, và ông Lejeune chậm chạp vòng quanh cổng nhà, lẹt xẹt trên hai đau gối như một đầu máy xe lửa. Ông lão kiễng chân lên và thấy ông già kia mặt đỏ gay, còn con bồ câu trông như mệt mỏi và say rượu.

“Trời ạ”, Lenny thì thào, “ông ấy bó giẻ quanh đầu gối”.

“Hôm qua em thấy ông ấy cắt mũ giày ra. Nhìn xem”.

Một thằng bé gầy gò đi sau ông Lejeune, nó khoảng chín tuổi, vụng về và xanh xao.

“Không phải ông ấy bảo có một đứa cháu sao?” Thằng bé đang cười, cúi xuống nói chuyện với bác nó.

“Thằng bé có vẻ hào hứng về chuyện gì đó”.

“Hai tuần”, Lenny nói.

“Hả?” Ông nó khum một tay lại che tai.

“Hôm nay là đủ hai tuần. Có lẽ chiều nay họ sẽ ra công viên Bayou để thả nó”.

Ông Lejeune ngước lên nhìn qua đường về chỗ họ đang đứng, ông ngả người qua một bên rồi nhỏm dậy, vẫy tay lia lịa như một cái gạt nước. “Này, các người làm gì bên kia đường thế?”

Ba người băng qua đường và đứng ở lối đi. “Chúng tôi đang đi loanh quanh”, Lenny nói. “Con chim sao rồi?”. Hình như con bồ cầu đang nhìn nó tức giận, chớp mắt, giãy giụa. Ai đó đã sơn đỏ móng nó bằng thuốc sơn mỏng tay.

“Đây là Amelia”, ông Lejeune nói. “Alvin đặt tên cho nó đấy. Không biết là trống hay mái”. Ông nhìn đứa cháu, ông lão thấy thằng bé đang run dù nó mỉm cười. Hai bàn chân nó quặp vào nhau, và bàn tay trái của nó bị teo và đỏ ửng.

“Cháu bé, cháu khoẻ không?” ông lão hỏi, xoa đầu nó.

“Cháu khoẻ”, thằng bé trả lời. “Lúc bốn giờ cháu và bác cháu sẽ ra công viên để thả Amelia”.

Lenny cố mỉm cười: “Em và bác em tập cho Amelia chắc là vui lắm nhỉ?”

Thẳng bé nhìn bác nó đã lại ngồi trên thềm nhà. Ông đang xoa đầu gối. “Vâng. Thích lắm. Ngày đầu tiên bác cháu em bị mắc mưa và em bị cảm, nhưng em uống thuốc và đã bớt”.

“Em phải đi bác sĩ à?” Annìe hỏi.

“Cả bác em nữa”. Thằng bé trả lời bằng một giọng khò khè. “Phải chích ở chân”. Nó ngước nhìn Lenny. “Nhưng cũng bõ công khi Amelia bay qua thành phố để về nhà”.

“Sao điều ấy lại quan trọng thế?” Lenny hỏi.

Thằng bé nhún vai. “Chỉ cần con chim này từ tít trên cao tìm được nhà em là hay rồi.”

Ông già gượng đứng dây, cởi các miếng đệm ở đầu gối. “Ra sân sau nhìn cái chuồng xem”. Ông phủi quần và dắt thằng bé ra sau nhà, đến khoảng sân cỏ cắt thật ngắn, ở giữa có một cây cam. Tựa vào vách sau nhà là một cái chuồng có chân cao, bóng loáng màu vải tráng kẽm mới.

“Ông cuộc là đóng cái chuồng ấy mất khối công đấy”, ông nội Lenny thấp giọng nói với nó, nhưng nó chỉ nhún vai và bảo là đã chỉ cách cho ông ta rồi. Các góc chuồng được đánh bóng y như đồ đạc trong nhà, ghép mộng hẳn hoi. Ở giữa có một đường đi dẫn ra cửa chuồng. Con chim câu nhoài ra khỏi tay ông già và lọt vào chuồng, nôn nong muốn được tự do sau lớp lưới thép.

“Chúng tôi sẽ cho nó nghỉ dưỡng sức cho chuyến bay trọng đại”, ông Lejeune nói.

Lenny liếc mắt nhìn gương mặt nghiêm nghị của Annie. Cô nhìn con chim thật lâu, rồi nhìn thằng bé đang lom khom tựa vao thân cây cam. “Bác biết không,” Lenny bắt đầu nói, “nêu không hài lòng với con chim thì bác có thể lấy tiền lại”.

Ông Lejeune nhìn nó, “Đâu được. Giờ đã tập cho nó xong rồi. Tôi cuộc là ngay cả từ Bắc cực nó cũng tìm được căn nhà này.”

Ông lão bảo ông Lejeune là ông rất thích cái chuồng, rồi chạm vào vai Annie, và họ chào tạm biệt. Trên đường về Annie lặng thinh. Khi về đến nhà ông lão, cô dừng lại, lắc cái hộp đồ nghề nhỏ, liếc nhìn về cuối phố và hỏi “Lenny, chuyện gì sẽ xảy ra nếu con chim không trở về với thằng bé?”

Nó lắc đầu. “Nếu nó bay về phía sông và nhìn thấy kho thóc, thì nó sẽ chẳng bao giờ về phố Broussard nữa, chắc chắn như vậy”.

“Hai tuần trước anh đã biết là ông ấy mua Amelia cho thằng bé làm con vật nuôi chơi”. Lenny xoè tay. “Chẳng lẽ anh phải chịu trách nhiệm về mọi việc những con chim ấy làm đến khi chúng chết sao?”

Annie nắm chặt tay rồi lại mở ra. “Nếu em mà nóng tính, thì em đã đập cho anh một cái mỏ lết rồi”. Cô nhìn nó như nhìn một miếng phôi đang quay tít trong cỗ máy tiện của cô, dường như tự hỏi liệu nó rồi có trở thành một kẻ ra hồn không.

Lenny châm thuốc và vừa nói vừa phà khói. “Anh xin lỗi. Anh sẽ cố nghĩ ra điều gì đó để nói với thằng bé nếu con chim không trở lại”.

Cô cân nhắc câu nói của nó một lúc, rồi ngả người tới hôn lên khoé miệng nó. Khi ông lão nhìn cô rảo bước trên vỉa hè, ông nghe thấy tiếng những chìa khóa Williams khua xủng xoẻng trong hộp đồ nghề của cô, và nhìn thấy Lenny đang chùi miệng chỗ cô vừa hôn nó.

Đêm hôm đó, một giờ sau khi trời tối, Annie, Lenny và ông nó đang ở trong nhà xem một phim có John Wayne đóng thì có tiếng gõ cửa. Đó là ông Lejeune, và ông đang lo lắng về Amelia.

“Tôi thả nó ra lúc bốn rưỡi, và đến giờ nó vẫn chưa về”, ông già bảo Lenny. “Cậu nghĩ sao?”

Lenny nhìn xuống một chiếc giày. “Bác muốn lấy tiền lại hả?”

“Không.” Ông già vuốt lại mái tóc bạc. “Không phải chuyện đó. Thằng bé mà thấy con chim về nó sẽ mừng lắm”. Khuôn mặt xanh xao của Alvin ló ra từ sau thắt lưng bác nó.

Annie lúc đó đang mặc quần soóc, đứng dậy khỏi chiếc ghế xếp nhựa, còn ông lão che mắt bằng bàn tay lốm đốm tàn nhang. Lenny làm ra vẻ nghiêm trang quay nhìn thằng bé. “Đôi khi lũ chim chọi nhau với những con chim khác. Đôi khi chúng bị thương và không về được nữa. Anh biết nói sao với em đây? Em muốn lấy tiền lại không?” Nó thò tay vào túi nhưng để yên ở đó.

Ông già bước ra thềm. “Tôi và Alvin sẽ cùng đợi. Nếu con chim đó trở về chỉ một lần thôi, cũng bõ công bò ngang bò dọc, cháu thấy không?”. Ông cầm lấy bàn tay bị tật của thằng bé và dắt nó xuống thềm, từng bậc một. Annie vào nhà bếp và đập vỡ một cái ly ở bồn rửa. Ông lão cố không nghe chuyện xảy ra sau đó.

Lenny đi vào xem cái gì bị vỡ, và một tràng buộc tội của Annie vang lên. Rồi Lenny quát lên. “Tại sao em lại kiếm chuyện với anh chứ?”

“Tại vì anh lừa ông già đó và đứa cháu tật nguyền của ông ấy. Em chưa từng thấy anh làm chuyện như thế bao giờ”.

“À, em nên làm quen với chuyện ấy đi là vừa”.

“Làm quen với chuyện gì?” Cô có một giọng nói vang to hơn hầu hết phụ nữ khác, ông lão nghĩ.

“Làm quen với việc anh làm gì mà anh thích”.

“Việc gì chứ, việc ăn cắp của người già và trẻ con hả? Hành động như đồ cóc nhái thế hả? Bay giờ tôi đã biết tại sao bố mẹ anh tống anh ra đường”.

Giọng Lenny rít lên sau cửa nhà bếp. “Này, chẳng ai bỏ tôi cả. Họ chỉ đi nghỉ thôi, đồ bò cái”.

“Người ta không bán nhà để đi xa và chẳng bao giờ viết thư hay gọi điện chỉ vì họ đang đi nghỉ, đồ khùng. Họ đi bởi vì họ đã tìm ra điều mà tôi mãi đến giờ mới biết”.

“Điều đó là gì?”

Có tiếng cô gái khóc nấc lên, và ông lão gục đầu xuống.

“Con người anh sẽ chẳng bao giờ làm gì ra hồn cả”.

“Cô không được nói với tôi bằng cái giọng đó”, Lenny nạt nộ, “và tôi sẽ cho cô biết tại sao”. Từ nhà bếp vang lên tiếng tát tai giòn tan, ông lão cố đứng dậy từ chiếc ghế nệm, nhưng lão chưa kịp đứng hẳn dậy và giữ thăng bằng thì một tiếng đọng vang lên, nghe như chiếc dương cầm bị đổ, làm rung chuyển cả ngôi nhà, và Lenny thét lên đau đớn.

Sau khi chuẩn bị bịch đá chườm, ông lão vào giường nhưng không ngủ được. Lão nghĩ đến vết hằn ngón tay trên má Annie và sự yên lặng nặng nề khi lão đưa cô về. Giờ đây lão hình dung ra ông Lejeune kiểm tra chiếc chuồng của Amelia trong đêm, với đứa cháu hỏi han ông bằng một giọng an phận. Lão còn hình dung ra cảnh con chim câu đáp xuống một chỗ thông gió trên mái kho thóc của công ty lương thực St. Mary, bộ óc nhỏ xíu cua nó cố nhớ lại đường Broussard ở đâu. Vào lúc một giờ sáng lão vỗ trán, mặc quần áo vào và cầm đèn pin đi xuống chỗ nhà xe cũ. Trong rầm nhà lão thấy những cái đầu tròn trĩnh hiện ra, và khi lão kiểm tra nơi Lenny đã bắt được Amelia, lão cho là đã nhìn thấy nó. Tắt đèn đi, lão thò tay vào chỗ trống và bắt ra một con chim kháng cự yếu ớt. Móng chân của nó sơn đỏ, và lão nhẹ nhàng tuột xuống chiếc xe cút kít để suy nghĩ, giữ con chim bằng cả hai tay. Con vật mổ nhẹ vào tay lão. Lão giằng co giữa ý muốn thả nó ra và quên ông Lejeune đi, nhưng rồi lão hình dung ra thằng bé sẽ phải thấy cái chuồng trống rỗng. Trông nó sẽ giống một ngôi nhà hoang, và mỗi ngày thằng bé sẽ nhìn vào đó mà tự hỏi tại sao Amelia lại quên nơi ở của mình.

Lúc hai giờ mười lăm lão đi quanh nhà ông Lejeune, sát vào tường nhà và tránh ánh đèn đường. Khi lão vòng xuống sân sau, bóng tối bao trùm lên lão và lão phải mò mẫm tìm cái chuồng, rồi rờ rẫm tìm cửa chuồng. Tim lão thót lại khi con chim cựa quậy trong tay lão, và nhảy tót vào chuồng. Ngay lúc đó đèn sau nhà bật sáng và cánh cửa sau cót két bật mở, rồi ông Lejeune hiện ra trong chiếc quần pyjama màu vàng đất và một chiếc áo may ô.

“Này, ông làm gì thế?” ông thận trọng bước xuống sân.

Lão không nghĩ ra được lời nói dối nào để tự cứu mình, nên đành đứng đó nhìn vào khoảng giữa cái chuồng và cửa sau nhà. “Tôi chỉ muốn thăm con chim thôi”, cuối cùng lão ấp úng. Ông già kia bước tới và nhìn vào chuồng. “Gì thế này? Làm sao ông bắt được con chim ngốc nghếch này? Tôi tưởng giờ này nó đã đến Texas rồi chứ”.

Lão há hốc miệng. “Ông đã biết rồi sao?”

“Phải”, ông Lejeune nhấm nhẳn. “Có thể tôi ngớ ngẩn, nhưng tôi đâu có ngu. Không có gì bực mình đâu, ông Fontenot. Nhưng thằng cháu ông nó đầy những mánh lới của bọn lái buôn xe cũ”.

“Thế sao ông lại đến hỏi về con chim nếu ông đã biết nó sẽ chẳng quay về?”

“Đó là vì Alvin, ông biết không? Tôi muốn nó nghĩ là tôi lo lắng”, ông Lejéune nắm lấy khuỷu tay lão và dẫn lão vào nhà bếp, ở đó hai ông già ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ mặt tráng men. Ông già mở tủ lạnh lấy ra hai lon Schlitz mát lạnh. “Thế này nhé”, ông Lejeune nói, nhăn mặt khi hơi ga thoát ra từ chỗ khui ở nắp lon. “Thằng bé Alvin chẳng bao giờ có bố, và mẹ nó là một đứa khùng đã chạy theo một thằng lãng tử đến Alaska”. Ông đưa một lon cho lão Fontenot, lão uống một hơi dài vì đang đổ mồ hôi. Ông Lejeune thấp giọng và ghé lại gần. “Thằng bé Alvin vẫn còn ở trong xứ thần tiên, ông biết không. Nó nghĩ rằng mẹ nó sẽ trở lại vào mùa thu lúc khai trường. Nhưng nó phải cứng rắn hơn và đối diện sự thật. Đó là lý do tôi mua con chim đó của thằng cháu ông”. Ông ngồi ngay lại và xoa đầu gối. “Nó sẽ bắt đầu thất vọng về một chuyện nhỏ, là con chim đó, rồi có lẽ tôi sẽ dạy nó cách đương đầu với chuyện to tát hơn. Thằng bé đó sẽ phải trải qua hết, ông Fontenot, ông hiểu tôi muốn nói gì chứ?”

Ông lão để mũ lên bàn. “Dù vậy đó chẳng phải là bài học quá khó sao?”

“Này, chúng tôi sẽ cùng nhìn trời vài hôm và tôi sẽ cho nó thấy tôi đón nhận việc đó như thế nào. Chúng tôi sẽ thất vọng cùng nhau.” Ông Lejeune nhìn xuống hai bàn chân tím bầm. “Nó bị tật, nhưng nó khoẻ và khôn”.

Ông lão cầm lon bia lên uống cho đến khi mắt cay xè. Lão nhớ Lenny, hãy còn ngủ ở nhà với một cục u sau gáy và một con mắt bầm đen. Lão nghe ông Lejeune nói đến khi cảm thấy buồn ngủ. “Tôi phải về đây”, lão nói, đúng dậy đi ra cửa. “Cảm ơn về lon bia”.

“Này, ông đừng nghĩ ngợi gì hết. Chỉ xin ông đưa hộ con chim về tổ nó”. Họ đi ra và ông Lejeune thò tay vào chuồng bắt Amelia ra và bỏ nó vào một túi giấy to.

“Ông tin là ông hành động đúng đấy chứ?” ông lão hỏi. “Bây giơ ông đổi ý vẫn còn kịp”. Lão giúp gập miệng túi xuống. “Ông thật tử tế”. Lão hình dung ra nét mặt thằng bé khi nó thấy con chim đã trở về chuồng.

Ông Lejeune chậm rãi đưa cái túi cho lão. Họ cùng cầm cái túi một lúc và nghe ngóng, ở bên trong, con chim bước đi tới lui sột soạt trên đáy túi bằng những ngón chân sơn của nó, tìm đường về tổ.

HẾT

Đánh máy: hoi_ls
Nguồn: Tạp chí Kiến thức Ngày nay
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 30 tháng 10 năm 2023