TRÙM PHẢN CHÚA

trần diễn

Chương 1

1

Mật điện.

(khẩn)

Gửi Trưởng ty Công an Ninh Bình.

Theo mật điện số 5 của Ty, hồi 13 giờ hôm nay báo cáo về chiếc thuyền lạ, Bộ nhận định đó là thuyền của bọn gián điệp biệt kích Mỹ-ngụy đã xâm nhập vào vùng biển Kim Sơn. Ty cho dùng ngay phương án truy lùng. Một giờ một lần báo cáo kết quả về Bộ.

Cục trưởng Cục Phản gián.

Nguyễn Quý Dương

Sau khi nhận được chỉ thị của Bộ, các tổ truy lùng của tỉnh và Công an huyện Kim Sơn bắt tay ngay vào chiến dịch. Họ đã lùng sục suốt đêm trên tất cả các đồng cói, kênh rạch, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Thiếu uý Đặng Văn Thành, tổ trưởng tổ truy lùng số 8, vóc người tầm thước, da ngăm đen, dừng tay chèo, ngắm nhìn những hạt sương trên tàu cói, cành sú vẹt. Phía trước anh, màu đỏ hồng cả một vùng trời và biển gặp nhau.

- Báo cáo đồng chí, chắc nó đã trốn vào nơi nào đó chứ không thể nằm ngoài đồng cói này được đâu!

- Có thể, nhưng chúng ta phải chấp hành mệnh lệnh.

Trung sĩ Lân, khoảng hai mươi mốt tuổi, hai má bầu bầu, đưa tay phải dụi mắt, nói:

- Đi suốt đêm rồi. Nghỉ vài tiếng được không anh?

Thượng sĩ Mạnh nước da xanh, khép áo bạt cho đỡ lạnh vì gió biển và hơi sương, nheo đôi mắt ngái ngủ.

Thiếu uý Thành rút hai điếu thuốc lá đưa cho hai người:

- Nghỉ một lúc rồi đi tiếp!

Cả ba người ngả lưng xuống thuyền. Thiếu uý Thành cởi áo khoác ngoài, xoải tay vươn vai rồi ngồi lên mũi thuyền nhường cho Lân và Mạnh nằm.

Họ ngủ được hơn một tiếng, Thành đánh thức hai người dậy. Mạnh xoải tay vươn vai rồi lấy khăn hứng từng giọt sương lau mặt.

Thành cầm nắm cơm nguội to như quả bưởi bẻ từng miếng đưa cho Mạnh và Lân rồi mở gói thức ăn.

- Muối vừng để ở thành thuyền này này.

Mạnh vẫn nhìn lên trời, đưa tay chấm muối vừng.

- Quỷ sứ ơi, chạm nước rồi!

Thành vội chộp tay Mạnh nâng lên. Nhưng muộn mất rồi, miếng cơm đã ướt một phần. Mạnh cười nói vui:

- Tại tôi sợ thức ăn nhạt nên đã lấy thêm muối biển đấy.

Cơm nước xong ba người ngồi chụm vào nhau giữa lòng thuyền, trải bản đồ trên gối. Thiếu úy Thành giải thích:

- Trong chiến dịch truy lùng này, chúng ta phải trải đều lực lượng theo chiều dài khoảng mười tám cây số, từ cửa Đáy giáp giới Nam Định đến cửa lạch Thần Phù giáp Thanh Hóa. Tổ của chúng ta có nhiệm vụ lùng sục ở khu vực BM.2 - Trung sĩ và thượng sĩ đều nhìn theo hướng tay chỉ của tổ trưởng - đoạn này nước cạn, thuyền không đi được.

Ba người xuống thuyền đi bộ giữa sình lầy đầy sú vẹt. Sau hai ngày đêm lùng sục, họ đều thấm mệt, thỉnh thoảng vấp phải cây như đẩy họ bật trở lại. Gần hai ngày im lặng lang thang trong rừng sú vẹt, họ chấp hành lệnh truy lùng một cách nghiêm túc. Đến bên một cây sú vẹt gẫy cành, họ quan sát, thấy vết xước còn mới.

- Cây sú vẹt này gãy chắc không phải do gió bão mà do bàn tay người nào đó - Mạnh nói nhỏ.

- Chỉ tiếc là nước mưa đã xóa nhòa mọi vết tích.

Nghe hai chiến sĩ trong tổ trao đổi, thiếu uý Thành chỉ muốn họ nói thẳng ra: đây là dấu hiệu ban đầu để đi sâu vào cuộc truy lùng.

- Tôi cho rằng, chỉ có người nào thuộc rừng sú vẹt mới đi tới đây được.

- Nếu họ có bản đồ thì sao?

Ba người lội bì bõm, luồn dưới các lùm cây xem xét từng gốc cây, mặt bùn.

- Dấu vết thì chúng ta có thể thấy được - Mạnh giải thích - nhưng con người tới đây thì không thể tìm ra được. Nếu bọn gián điệp nhảy dù thì nó cũng cao chạy xa bay rồi.

Mãi tới gần chiều tối ngày thứ ba, tổ truy lùng của Thành vẫn không tìm thấy gì nghi vấn ngoài cành sú vẹt gãy. Ba ngày lặn lội giữa vùng sú vẹt, Thành và anh em trong tổ đều lấm bê bết bùn đất, chỉ còn đôi mắt vẫn giữ nguyên sự linh hoạt. Mặt trời thấp tới mức đã chìm dần về phía thị xã Ninh Bình, cả rừng sú vẹt như nhuộm sắc chiều tà. Mạnh quay lại phía sau nói:

- Chúng ta sắp đi hết khu vực mình được phân công - Giọng Mạnh khản đặc.

- Về chứ đồng chí chỉ huy?

- Lùng sục thêm vài giờ nữa - Thiếu úy Thành động viên - Cố gắng đợi lệnh cấp trên.

Họ tiếp tục lê bước. Một lúc sau có tiếng chó sủa.

- Anh nghe thấy không?

Cả ba người dừng lại.

- Có. Tiếng con Vích của tổ 5. Thế là chúng ta đã lùng sục hết khu vực được phân công - Mạnh bước chậm, đặt câu hỏi: "Có lẽ con Vích đã phát hiện ra mục tiêu?"

- Tiếng chó sủa ngắt quãng như thế chứng tỏ nó chưa bắt được mục tiêu.

Họ lại chậm chạp bước lên phía trước để lại đằng sau những hố chân người chưa lấp kín. Quá nửa đêm, ba người về tới địa điểm tập kết khi trăng mỏng như ngấn nước đã lặn xuống phía tây.

2

Tại trụ sở Cục Phản gián Bộ Công an có cuộc họp bất thường do Cục trưởng triệu tập.

Trụ sở Cục Phản gián là một tòa nhà hai tầng nằm gần trung tâm Hà Nội, ngày cũng như đêm đều có người bảo vệ. Thoáng trông, người ngoài tưởng trụ sở này là một biệt thự bỏ hoang. Người lạ vào đây sẽ không biết được gian nào có người đang làm việc, gian nào đặt máy, lưu trữ hồ sơ. Không một tiếng động, không một lời nói lọt ra ngoài khe cửa. Ban đêm, trụ sở vắng lặng đi, chỉ sôi động khi có xe lao qua cánh cổng sắt.

Chiếc xe commăngca dừng lại giữa sân. Cục trưởng Nguyễn Quý Dương khoảng hơn năm mươi tuổi, tóc bạc, vói cặp lông mày rậm bước xuống xe. Ồng đi thẳng lên gác hai, bước vào phòng họp dành cho lãnh đạo. Căn phòng này cũng như các căn phòng bên cạnh, rất tĩnh mịch. Ông Trưởng ty Công an Ninh Binh ngồi trên chiếc ghế đối diện vối ghế của Cục trưởng quay lưng về phía cửa ra vào. Trông thấy Cục trưởng, ông nói ngay:

- Chào đồng chí!

- Đồng chí tới lâu chưa? - Cục trưởng bắt tay mọi người.

- Báo cáo đồng chí, mới mười một giờ trưa nay.

- Chúng tôi đợi đồng chí một đêm mà tưởng hàng thế kỷ.

Phó cục trưởng phụ trách công tác chống gián điệp ẩn nấp bỏ máy điện thoại trở lại bàn họp.

- Đề nghị đồng chí cho làm việc.

Buồng bên hệ thống thiết bị vô tuyến vẫn đang hoạt động đều đặn truyền đi các nơi trong toàn quốc những chỉ thị mật.

- Cho mời các đồng chí tới để chúng ta cùng nhau nhận định về chiếc thuyền lạ xuất hiện ở vùng biển Kim Sơn, Ninh Bình - Cục trưởng vứt mẩu thuốc vào lọ gạt tàn, mở cặp lấy hai tấm ảnh cỡ 18 X 24 đưa cho đồng chí Trưởng ty Ninh Bình.

- Đồng chí nhìn kỹ xem ảnh hai chiếc thuyền này có chỗ nào khác nhau không?

Với con mắt nghề nghiệp, ông trả lời ngay:

- Hai ảnh chụp một chiếc thuyền nhưng góc độ chụp khác nhau một chút.

Cục trưởng cười:

- Vấn đề là ở chỗ hai chiếc thuyền khác nhau mà ta tưởng là một - Ông chỉ tay vào chiếc ảnh thứ nhất, thấp giọng - Đây là ảnh chiếc thuyền cao su của tên gián điệp người nhái đầu tiên xâm nhập vào nước ta ở vùng biển Hải Ninh, Hồng Quảng đêm ngày hai mươi tháng hai năm một ngàn chín trăm sáu mốt. Khi vào tới đất liền, y vùi thuyền xuống bãi cát rồi đi về cứ theo kế hoạch của trung tâm huấn luyện tình báo Mỹ Khê, Đà Nẵng - Cục trưởng chỉ tay vào chiếc ảnh thứ hai, nói tiếp - Còn đây mới chính là chiếc ảnh do các đồng chí chụp được ở Kim Sơn. Xét về khả năng và điều kiện, không gian và thời gian chúng ta tạm thời kết luận: Đó là chiếc thuyền cao su của bọn gián điệp biệt kích Mỹ - ngụy đã xâm nhập vào Ninh Bình. Sau ba ngày đêm lùng sục khắp nơi không kết quả, tôi mời đồng chí lên để nghe tường tận hơn về một số chi tiết: nguồn tin ban đầu do ai cung cấp; cung cấp trong trường hợp nào - giúp chúng ta có cơ sở xác định, tìm ra phương hướng truy lùng cho thích hợp.

Cục trưởng đứng lên kéo chiếc rèm vải đê lộ tấm bản đồ địa hình Việt Nam. Màu xanh của biển gợi cho ông Trưởng ty Ninh Bình một cảm giác buồn buồn giống như cảm giác của một cuộc chia ly vĩnh biệt. Chính ở vùng biển này, Tùng, cậu con trai của ông đã hy sinh. Đối với ông, cậu ta có lẽ là chàng trai ưu tú nhất. Mặc dù vậy, năm 1954 ông vẫn đồng ý cho cơ quan tình báo của ta huấn luyện Tùng rồi tung vào miền Nam hoạt động. Trên chuyến thuyền vượt biển từ Bắc vào Nam, cậu con trai ông và những người cùng đi trên chiếc thuyền đó đã bị biển cả cướp đi. Bây giờ đứng trước màu xanh nhớ thương đau xót ấy, chiếc gáy phẳng lỳ, với mái tóc kiểu húi cua của đứa con trai cứ lởn vởn trước mắt ông.

Ông kéo rèm vải sát vào góc tường hơn nhìn tấm bản đồ có đánh dấu các điểm đặc biệt ở Kim Sơn. Cả ông đại tá và ông Trưởng ty Ninh Bình cùng một lúc nghĩ đến những người cung cấp nguồn tin ban đầu về chiếc thuyền lạ.

Chính ở nơi đó bốn ngày trước, vào lúc xế trưa có một đôi vợ chồng trẻ người công giáo lội bì bõm giữa đồng cói. Thỉnh thoảng anh chồng lại cúi xuống rẽ những cây cói đổ nghiêng để cho vợ bước lên phía trước. Họ đi trong đồng cói rậm chằng chịt như níu chân mình lại, không thế đi nhanh hơn được.

Mặt trời lên cao. Đồng cói tăng thêm màu xanh dữ dội. Một cây cói vướng chân làm méo mó gương mặt bê bết bùn của người chồng. Anh dừng lại quay về phía vợ:

- Em có nghe thấy tiếng gì không?

- Có chứ! - Người vợ im lặng một hồi lâu - Dân vùng biển mà không phân biệt được tiếng sóng biển với tiếng gió thì không phải dân biển. Có phải không anh?

Họ tiếp tục đi về phía biển. Bỗng người vợ hoảng hốt đứng chôn chân trên đồng cói. Người chồng dừng lại, mặt bắt đầu biến sắc, bước chậm hơn.

- Có vật gì lạ chôn ở ruộng cói nhà mình.

Người chồng nhìn theo hướng tay người vợ, chân bước cả lên những cây cói đứng thẳng như những lưỡi mác. cả hai co rúm lại vì lo sợ.

- Có lẽ ai giấu vật gì?

- Nếu họ chủ tâm chôn cất thì làm sao lại để lộ ra như thế?

Gió mang theo mùi sò ốc từ bãi biển xộc lên mũi cay sè. Hai người vẫn nhìn chằm chằm vào vật lạ và nói chuyện.

- Hay về thưa chuyện với Cha?

Người vợ giơ tay lên làm dấu cầu Chúa, nhưng người chồng vẫn im lặng. Một lúc sau, người vợ giọng yếu ớt, giục chồng:

- Chúng mình về trình Cha chuyện này, anh ạ!

Tiếng nói sợ hãi của người vợ như cầu khẩn.

Khi nỗi sợ hãi đã giảm dần, người chồng mới cúi xuống lấy dao cắt cây cói to buộc ngang vào cây cao nhất trong khóm. Anh nhìn cây thánh giá mới làm, tay giơ lên cầu Chúa. Trong sự im lặng thành kính, người chồng phân vân:

- Liệu Cha có ra đây đào vật đó đi không, hay lại đến tay mình?

Im lặng trở lại. Bây giờ, họ không nhìn về phía vật lạ. Người chồng đưa ra một lý giải khác:

- Hay là đi báo chính quyền thôn. Bác Tương dặn, nếu thấy hiện tượng gì lạ cứ báo cho bác ấy biết cơ mà - Và để thuyết phục vợ, người chồng nói thêm - Báo cho bác ấy là xong, mình không bận tâm gì nữa.

Người vợ thấy chồng nói có lý định chấp thuận, song lòng thành kính của con chiên ngoan đạo lại trỗi dậy.

- Nhưng nếu như Cha biết thì sao?

Người chồng dường như đã nghĩ vấn đề mình định đưa ra. Anh nói:

- Việc này không liên quan tới Cha đâu. Dân quân tìm được vật lạ chẳng qua do họ đi tuần tra phát hiện thấy. Và đây cũng là quy định của chính quyền địa phương cơ mà.

Người vợ không hoàn toàn chấp thuận lời giải thích của chồng, nhưng cô cũng đồng ý.

Hai người im lặng nhìn nhau, cùng đưa tay lên cầu Chúa rồi rời đồng cói ra về. Người chồng đi thẳng đến nhà ông Tương trình bày sự việc.

- Đồng chí đã cho người ra hiện trường kiểm tra lại chưa?

- Chính tôi đến tận nơi chôn thuyền để quan sát, gặp trực tiếp vợ chồng người thanh niên kia nghe kể lại, có thể kết luận: họ báo cáo thật.

- Nghe đồng chí trình bày, tôi cũng tin họ là người kính Chúa, yêu nước.

Cục trưởng ngồi nghe và suy tư như một thí sinh trong phòng thi đang tìm đáp số cho một bài toán. Ông đứng lên đi chậm và nhẹ như bước chân trên đệm không khí.

- Theo nguồn tin của N.5 từ nước ngoài báo về, gần đây Mỹ - ngụy tung nhiều tốp gián điệp biệt kích ra Bắc hoạt động gây cơ sở, tập hợp lực lượng phản động phá hoại, tổ chức bạo loạn để đón quân Bắc tiến - Ông dùng thước kẻ, khoanh một vòng tròn quanh cái hoa thị to màu đen giữa bản đồ rồi nói tiếp - Đây là trại huấn luyện biệt kích Mỹ Khê, Đà Nẵng. Tên Chinh huấn luyện tại đây rồi được tung ra Quảng Ninh. Chiếc thuyền cao su phát hiện ở huyện Kim Sơn - Ninh Bình hoàn toàn giống chiếc thuyền Mỹ - ngụy đã trang bị cho tên Chinh. Từ những hiện tượng đó cho phép chúng ta nhận định: có gián điệp biệt kích người nhái xâm nhập vào Ninh Bình. Hắn ta là ai, sẽ nằm ở Kim Sơn hay đi đâu, thực hiện nhiệm vụ gì? Hắn hoạt động một mình hay có tổ chức? Đó là những câu hỏi đồng thời cũng là nhiệm vụ mà Bộ và Ty cần phải làm rõ.

Cục trưởng Nguyễn Quý Dương đi đến bên bàn bật lửa hút thuốc - một thói quen khi ông suy nghĩ nhiều. Ồng nhìn về phía Trưởng ty, nói:

- Bộ yêu cầu các đồng chí, một là rà soát lại các gia đình trong tỉnh có người chạy vào Nam năm 1954 báo cáo về Bộ trước ngày hai mươi; hai là, phát động phong trào bảo vệ trị an, lập phương án truy lùng bọn gián điệp biệt kích trong toàn tỉnh; ba là, phối hợp với Bộ cử trinh sát tiếp cận đối tượng; bốn là, từ nay Ty làm việc trực tiếp với ban chuyên án gọi tắt là NB.5 do đội trưởng[1] Lê Đình Hồng làm trưởng ban.

Sau chỉ thị của Cục trưởng, không khí cuộc họp trầm lặng hơn.

Ông Trưởng ty Công an Ninh Bình ngồi im, đôi mắt chứa đựng điều gì sâu thẳm, kín đáo. Khi mới nhận chỉ thị, ông thường lặng lẽ, lầm lũi. Nhưng sau khi suy nghĩ, tính toán, đôi mắt ấy lại bừng sáng bất ngờ. ông nhìn thẳng vào đôi mắt Cục trưởng như thầm hẹn: Chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ Bộ giao.

3

Vào lúc Ban chuyên án NB.5 Cục Phản gián Bộ Công an đang họp nhận định về chiếc thuyền lạ, tại trung tâm huấn luyện biệt kích người nhái Mỹ Khê, Đà Nẵng, trung tá tình báo Mỹ Matin cũng đang kiểm tra lại điệp viên mà chúng vừa phái ra Kim Sơn, Ninh Bình.

Matin nhớ trước đó bảy năm khi đang ngả người trên ghế đi-văng đệm nhung đỏ, hai mắt nhắm nghiền khiến người ta tưởng y đang ngủ, Đặng Văn Sung thuộc Phủ đặc ủy Trung ương tình báo gõ cửa nhiều lần, y vẫn ngồi im. Sung mở hé cửa nhìn vào.

- Chào ngài.

- Cứ vào.

Không đợi Matin mời ngồi, Sung hỏi ngay với thái độ bất bình:

- Tôi không hiểu tại sao chính phủ Pháp lại tuyên bố đình chiến và rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Làm như thế có phải là sỉ nhục nước Pháp không?

- Việc đó là của nước Pháp - Matin vừa gõ gõ tay xuống bàn, vừa nói - Còn công việc của chúng ta là khẩn trương thảo luận một kế hoạch tuyển chọn điệp viên tung trở lại miền Bắc ngay trong thời gian Pháp và Việt Nam tiến hành tập kết. Tôi mời anh đến để lo việc đó.

- Nhưng thưa ngài, phái đi bằng con đường nào?

- Gần trọn đời hiến dâng cho ngành tình báo mà anh ngờ nghệch hết chỗ nói. Nó phụ thuộc vào kế hoạch chúng ta tuyển chọn, huấn luyện chứ.

Matin là một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam đã bán gần trọn cuộc đời cho nghề tình báo Mỹ. Thời kỳ Việt Nam chống Pháp, y đóng vai cố vấn quân sự cho Pháp, đã từng khoác áo ngoại giao sang Liên Xô hoạt động. Năm 1953, y đến Việt Nam, nằm trong Lãnh sự Mỹ tại Hà Nội. Năm 1954, vào Sài Gòn, chui vào sứ quán Mỹ phụ trách công tác tuyển dụng điệp viên CIA người Việt Nam. Năm nay, Matin 57 tuổi, y chỉ còn một nguyện vọng là vài ba năm tới xây dựng được một mạng lưới điệp viên tung trở ra miền Bắc Việt Nam. Đó là con đường công danh và cũng là con đường y kiếm được ít tiền chuẩn bị cho việc xây cất nhà ở thành phố California.

Đặng Văn Sung lim dim mắt nhìn mái tóc lơ thơ chải mượt về phía sau, cằm cạo nhẵn, đôi mắt ốc nhồi của Matin.

- Thưa ngài, nhiệm vụ chính của tôi trong kế hoạch này?

- Anh đến những khu giáo dân người Bắc di cư tìm chọn một số người, huấn luyện gấp rút tung trở lại miền Bắc hoạt động.

Matin rút ngăn kéo lấy danh sách và lý lịch đơn giản của 386 người miền Bắc di cư vào Nam đang sống ở Sài Gòn và các thành phố, thị xã đã được y sơ tuyển đưa cho Sung.

Đặng Văn Sung rút trong túi ra chiếc kính lúp nhìn lướt qua danh sách, không giấu nổi nỗi lo trước nhiệm vụ được giao. Hắn nghĩ, việc làm này thành công hay thất bại sẽ động chạm đến uy tín chính trị của cả Việt Nam cộng hòa. Nếu thành công, con đường công danh của hắn sẽ đạt đến vinh hoa; còn thất bại, chao ôi, cuộc đời sẽ sụp đổ hoàn toàn, những ngày cuối cùng của cuộc đời tình báo viên xế chiều lại phải ngậm bồ hòn. Biết thế, hắn vẫn không dám phản đối, coi như mệnh đã định.

- Dạ, thưa ngài, khi nào tuyển chọn xong, mời ngài kiểm tra lại.

Nói câu này, Đặng Văn Sung tỏ ý tôn trọng Matin, song thực tế hắn muốn kéo Matin cùng chia xẻ trách nhiệm. Gần cuối buổi nói chuyện, Matin mới nói cụ thể hơn:

- Anh nên tuyển người quê ở tỉnh Ninh Bình, đặc biệt chú ý người gốc Kim Sơn, Phát Diệm.

Ba tuần sau, Đặng Văn Sung trình lên danh sách 7 tên có đề bí số.

- Trong số bảy người này, N1 quê Kim Sơn, có trình độ hơn cả. Bố là địa chủ nhà Chung bị du kích bắn chết, N1 chạy vô Nam năm 1954.

- Những con người như thể tin tưởng được, nhưng phải kiểm tra lại.

Matin chấp nhận Nl vào cơ quan tình báo CIA. Nhưng sau lớp huấn luyện cấp tốc, Matin không tung N1 ra miền Bắc ngay mà chuyển về Sài Gòn tiếp tục huấn luyện cho mãi đến năm 1957 mới chuyển về trại huấn luyện biệt kích Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ớ trường huấn luyện này, lúc nào N1 cũng là học sinh xuất sắc tỏ ra trung thành với chủ, nên đã được chọn trong danh sách những người đầu tiên phái ra Ninh Bình.

Nhưng kể từ lúc Nl xâm nhập vào đất liền đã hai ngày hai đêm, Matin chưa nhận được tin hồi âm làm y hết sức sốt ruột.

Matin đứng lên ấn một nút trên bàn điều khiển. Tấm màn chắn trước mặt từ từ kéo về góc trái lộ ra tấm bản đồ Việt Nam với nhiều mũi tên chỉ theo chiều từ Nam ra Bắc sau một tấm mica mỏng trong suốt. Trên tấm bản đồ, từ cửa lạch Thần Phù đến cửa Đáy có những chùm đèn nhỏ xíu nhiều màu sắc trông rất đẹp mắt. Anh đèn nhấp nháy trên Hòn Nẹ, nông trường Bình Minh, xã Kim Tân, Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, trên huyện Yên Mô, Nho Quan, Gia Khánh rồi lan rộng sang cả Nam Hà. Trên tấm bản đồ có sơ đồ bố trí các tốp biệt kích chuẩn bị cho xâm nhập vào Ninh Bình.

Nhìn tấm bản đồ, Matin thường có thói quen im lặng hồi lâu, có cảm giác tâm đắc đặc biệt với kế hoạch "Phá cộng sản từ trong lòng cộng sản".

- Thưa ngài, tôi sợ Nl ra Bắc bị tình cảm ủy mị làm thối chí.

Matin nhếch mép cười:

- Y anh muốn nói đến vợ hắn chứ gì? Chính cái tổ ấm đó lại có ích cho ta. Điệp viên của chúng ta hay của cộng sản, khi hoạt động vẫn phải có nơi ẩn nấp. Nơi đó là đâu? Tốt nhất là vợ, con, những người thân. Người vợ hôm nay không khác gì người vợ của hàng trăm năm về trước: rất thương chồng con. Cô ta sẽ là nơi cho Nl ẩn náu, là nơi giúp cho N1 lấy lại được bình tâm, không cảm thấy lẻ loi, cô độc. Điều tôi nói đã được kiểm chứng qua vụ Chinh xâm nhập vào Hồng Quảng.

- Đó là trường hợp đã trót lọt. Nhưng, nếu như trên đường đi từ biển vào cửa lạch Thần Phù, N1 bị bộ đội, công an hay dân quân bắt thì sao?

- Cũng có thể. - Matin thấp giọng - Nhưng tôi và anh phải kiên trì tìm chọn người tung ra Bắc thực hiện chiến dịch này. Chúng ta chỉ được phép thành công chứ không được phép thất bại - Matin im lặng nhìn Sung, hy vọng bắt gặp được một ấn tượng nào đó ủng hộ kế hoạch của y, mặc dù chỉ là ý kiến tham khảo.

Sung nhìn qua cửa sổ có vẻ cân nhắc:

- Tôi biết, từ tháng 9-1956, các ngài đã có chủ trương thu nạp tuyển chọn lại số GAMA cũ của Pháp. Đại tá Lansdele[2] đã đích thân ra lệnh sử dụng và cải tạo trung tâm huấn luyện GAMA cũ của Pháp ở Nha Trang. Kế hoạch được lập lại từ lâu rồi, nên tôi tin ý đồ sẽ được thực hiện.

- Tôi cũng nghĩ như thế. Bốn năm năm trời lo cho chuyến đi của N1 chẳng lẽ lại không thành công hay sao?

Matin đứng lên vươn cánh tay như cố ý gạt đi những giây phút mệt mỏi, chờ đợi.

- Tất nhiên, chiến lược “Phá cộng sản từ trong lòng cộng sản” không thể chỉ phụ thuộc vào một chuyến đi của Nl. Song dù sao nó cũng là viên gạch nền móng trong chiến dịch. Ở nước Mỹ, Tổng thống cũng đang chờ đợi về vụ tung người ra Bắc của chúng ta. Thượng hạ viện cũng quan tâm thích đáng đối với vấn đề này. Tháng trước, Tổng thống và những người đứng đầu Nhà Trắng đã họp bàn về chiến dịch của chúng ta nhằm trả lời sự thách thức của miền Bắc. Anh thấy không, bên kia bán cầu cũng đang theo dõi bước đi của Nl, nhìn nhận đánh giá công việc tuyển người của anh đấy.

- Tôi hiểu! - Sung thấp giọng nói.

Hắn hiểu câu nói vừa rồi của Matin mang nội dung động viên thì ít nhưng hù dọa thì nhiều, như đổ vấy cho hắn trách nhiệm: việc tuyển người của anh không chuẩn xác nên dẫn đến thất bại đấy. Sung thở dài. Thời gian gần đây công việc của y không được trôi chảy. Hai vụ tung người ra miền Bắc đều bị công an miền Bắc cho vào tròng. Sung kéo một hơi thuốc dài, ngửa mặt, thở thành vòng tròn rồi ngắm khói thuốc đang tỏa lên cao.

- Nếu lần này thất bại, vợ con tôi sẽ không có cơm ăn. Nhưng tôi tin rằng rừng thập ác ở Kim Sơn sẽ là nơi cho N1 ẩn nấp khá tốt.

- Đúng. Tôi cũng tin như anh, nhưng sự thật lại chưa trả lời chúng ta.

- Xin ngài cứ bình tâm. Chắc là ngày mai sẽ nhận được điện báo cáo.

- Anh không biết đã qua một phiên liên lạc rồi hay sao?

- Ngài lo lắng quá sớm đấy. Có thể Nl đang bị bao vây chưa có điều kiện cho điện đài hoạt động... Trong phương án phái Nl đi cũng đã tính đến khả năng này cơ mà.

Matin sa sầm nét mặt, đứng lên, giọng có vẻ bực tức:

- Anh có thể về suy nghĩ, sáng mai đến.

Đặng Văn Sung vừa mở cánh cửa, Matin nói theo:

- Nhưng anh đừng đi ra khỏi nhà, đề phòng có việc gấp tôi phôn tới.

*

Cục tình báo trung ương Mỹ và Phủ đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn nhận được báo cáo của trung tâm huấn luyện Mỹ Khê báo cáo không bắt được liên lạc của Nl, đã cử đoàn kiểm tra do tướng Tukơ dẫn đầu đến Đà Nẵng nghe báo cáo và giải quyết tại chỗ.

Đà Nẵng mùa hè nóng bức. Từ thành phố đi đến trung tâm huấn luyện Mỹ Khê phải vượt qua cầu Trịnh Minh Thế và đường Ngô Quyền dài vài cây số. Đoạn đường gần trại huấn luyện nằm trong khu quân sự khá vắng vẻ, chỉ có những cảnh sát đứng ở hai bên đường là không có vẻ để ý đến cái nóng nực này. Nước da màu cà phê càng làm cho sắc mặt tên nào cũng có vẻ lạnh lùng bí ẩn. Một luồng gió cát miền Trung ào qua làm vơi đi phần nào nóng bức, oi ả.

Chiếc xe Jeep giảm tốc độ dừng lại ở trước nhà chỉ huy trại huấn luyện biệt kích Mỹ Khê. Tukơ và những kẻ tháp tùng xuống xe đi ngay lên phòng họp ở tầng hai.

Cánh cửa sổ từ từ mở, cơn gió thoáng từ biển Thanh Bình tràn vào trong phòng mát lạnh. Phòng họp bố trí khá đặc biệt, cửa nào cũng có hai lớp cánh. Cánh ngoài làm bằng gỗ cẩm lai, còn cánh trong bằng đồng bọc nỉ cách âm. Một tấm bản đồ rộng với hệ thống đèn con nhấp nháy đánh dấu những nơi điệp viên Mỹ - ngụy cần xâm nhập ra miền Bắc do trại Mỹ Khê thực hiện. Phòng bên lưu trữ hồ sơ từng điệp viên đã được tung ra miền Bắc hoặc đang huấn luyện do các sĩ quan an ninh tình báo coi giữ. Trong trường hợp bị đối phương tấn công, để bảo vệ tuyệt đối an toàn, những sĩ quan an ninh tình báo có thể xử lý từng bộ phận, thậm chí cho huỷ toàn bộ tài liệu, hồ sơ. Ở đây còn có một hệ thống điện liên lạc thẳng với Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn và Phủ đặc ủy trung ương tình báo.

Phòng họp không rộng lắm, kê một chiếc bàn bằng gỗ cẩm lai hình chữ nhật, ở giữa có đặt bốn máy điện thoại màu sắc khác nhau.

Tướng Tukơ bật lửa châm thuốc.

- Nào chúng ta bắt đầu từ vụ xâm nhập người nhái đầu tiên vào Hồng Quảng.

Matin mở cặp da lấy bản báo cáo thuyết trình với cấp trên.

Sau khi khẳng định vụ phái người đầu tiên ra Bắc vẫn tiến triển tốt, Matin trình bày kỹ hơn về vụ phái N1 xâm nhập vào huyện Kim Sơn:

- Hai năm huấn luyện, Nl với năm người trên chiếc tàu số hiệu NB-15 được đưa ra miền Bắc. Sau gần một ngày đêm trên biển, tàu NB-15 đến phao số không nơi thẳng góc với huyện Kim Sơn, Ninh Bình hồi một giờ đêm ngày mười hai tháng sáu, Nl rời tàu NB-15 xuống thuyên cao su xâm nhập vào đất liền - Matin đứng lên kéo rèm che trên tường để lộ toàn bộ tấm bản đồ miền Bắc - Gần hai tiếng sau, N1 đã đi vào khu vực náy - Matin chỉ vào khu vực BM2.

- Biển số tàu NB-15 là biển số của chúng ta đăng ký chứ?

- Thưa ngài, đó là biển số đăng ký theo tàu đánh cá của tỉnh Ninh Bình. Thậm chí, trước khi xuất phát một tuần, chúng tôi đã sơn lại giống như màu sơn của tàu đánh cá Bắc Việt. Trên đường về tàu NB-15 bị tàu công an vũ trang tỉnh Thanh Hóa phát hiện đuổi theo. Lực lượng trên tàu đánh trả và chạy ra hải phận quốc tế an toàn.

- Có tin tức gì về N1 chưa?

- N1 đã vào nằm vùng ở bãi sú vẹt khu NM2 chờ Sư tử biển cho người ra đón.

- Sư tử biển cho ai ra đón? Người đó là người thế nào?

- Đó là N5 do Sư tử biển tuyển dụng, huấn luyện, gia đình đang ở Vũng Tàu, còn anh ta ở ngoài đó với lý lịch một người giang hồ, vô gia cư, một lòng kính Chúa, được giáo hội địa phương Phát Diệm trả lương.

Tướng Tukơ cau mặt nhìn Matin, hỏi:

- Sư tử biển đã ra đón N1 chưa?

- Chúng tôi vẫn chưa nhận được điện của Nl.

- Nl ra Bắc sống ở đâu?

- Sống tại nhà thờ mà Sư tử biển vẫn thuyết giáo.

Mặt Tukơ tái đi, đập tay xuống bàn, gầm lên:

- Còn ai ngốc hơn anh nữa không? Để cho Nl sống trong nhà thờ, nếu đổ bể thì không những hai người mà cả mạng lưới của chúng ta ở Ninh Bình đều bị sa bẫy - Tukơ thấp giọng hơn - Chính vì tôi ý thức được điều ngờ nghệch của các anh nên đã điện trực tiếp cho Sư tử biển không đón Nl về nhà thờ.

Bây giờ đến lượt Matin hoang mang:

- Thưa ngài, như vậy Nl sống ở đâu?

- Vấn đề đó do các anh họp bàn. Bằng giá nào tôi cũng không cho các anh chuyển điện đài về nhà thờ. Các anh phải chấp hành lệnh này.

- Ngài cứ yên tâm. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm túc - Matin nhìn Đặng Văn Sung như muốn khẳng định sự nhất trí giữa Cục tình báo Trung ương Mỹ và Phủ đặc ủy Trung ương tình báo - Mọi việc chúng tôi đều tiến hành theo lệnh của Ban lãnh đạo cao nhất của cơ quan tình báo trung ương Mỹ.

- Nhưng các anh nhớ rằng, để đảm bảo thắng lợi của chiến dịch, các anh chỉ được biết đến những vụ do các anh trực tiếp chỉ đạo.

Đặng Văn Sung bấm nút chuông trên bàn.

Vài phút sau, hai nữ phục vụ vận đồ trắng, khoảng hai mươi tuổi bưng hai khay đựng các đồ uống tới. Họ chưa kịp quay ra thì hai người phục vụ khác lại bưng đồ nhậu đến. Cả bốn người lặng lẽ rời khỏi phòng họp để cho những người chủ của họ tiếp tục công việc hệ trọng mà bổn phận họ không được biết đến.

4

Ban chuyên án NB.5 chuyển trụ sở về một ngôi nhà hai tầng tại thị xã Ninh Bình, bên dòng sông Đáy. Ngôi nhà này yên tĩnh, giống như một trạm khí tượng quay mặt về phía núi Cánh Diều. Ở đây đã đón nhận tất cả những tin tức liên quan tới vụ truy lùng gián điệp biệt kích xâm nhập vào Kim Sơn.

Đã ba ngày, trưởng ban chuyên án Lê Đình Hồng chưa hề có phút nghỉ ngơi. Hôm nay, qua khung cửa sổ, từ phòng làm việc trên gác hai, ông nhìn ra dòng sông Đáy nặng đỏ phù sa đang chảy ra biển, ông ngả người trên ghế bành, tay đỡ đầu, suy nghĩ, phân tích các sự việc liên quan tới vụ án. Nguyễn Mạnh Hùng nhìn sắc mặt Lê Đình Hồng - người quen giấu những biểu hiện tình cảm của mình, anh đoán ngay trong ông đang phải chống đỡ với bệnh tật một cách ghê gớm. Ban chuyên án nhận hết bức điện này, báo cáo khác từ các tổ truy lùng, các đài săn sóng gửi về, nhưng tất cả đều không có kết quả.

Lê Đình Hồng ngồi yên lặng trên ghế bành nghe tiếng dòng sông Đáy chảy vừa gần lại vừa xa. Tiếng dòng sông chảy tạo nên âm thanh êm nhẹ giúp ông suy tư trong phút giây căng thẳng. Đối với nhiều người, những lúc công việc không tiến triển được thường là những giây phút nặng nề mệt mỏi nhất. Nhưng với ông Hồng, lúc đó ông không cảm thấy mệt mỏi mà chỉ nghĩ về những ngày đã dẫn ông vào làm công tác bí mật.

Bố mẹ ông sông trong cảnh bần hàn của một gia đình nông dân phải làm việc cho địa chủ, chỉ biết nghe chửi mắng và đánh đập. Tối đến, cả nhà chui vào một túp lều dột nát, tối tăm, lợp bằng thân cây đay. Lê Đình Hồng lớn lên trở thành đứa trẻ chăn trâu cho địa chủ. Mãi tới khi Cách mạng tháng Tám thành công, cậu thiếu niên ấy thấy nhiều người đi theo cách mạng, cũng bỏ nhà địa chủ đi theo Việt Minh hoạt động bí mật, rồi bị bắt, và đưa ra xử tại tòa án binh Pháp. Từ khi bị bắt cho đến khi đứng trước tòa, ông chỉ khai là con chiên ngoan đạo. Cố đạo đến xin rửa tội đề nghị giảm án tử hình xuống tù chung thân và đày lên Sơn La giam cùng anh Phan Thanh Hằng công an khu Ba. Hai người trốn tù, bắt liên lạc với công an khu Việt Bắc tiếp tục hoạt động. Những ngày ở tù, bị tra tấn, nhưng ông không để ai biết ngoài Mạnh Hùng. Mỗi khi ông ngồi chết lặng trên ghế là lúc cơn đau trỗi dậy.

Lê Đình Hồng mở gói thuốc lá sợi Nho Quan lấy tay vê vê.

Trưởng phòng Cơ yếu Ty Công an bước vào.

- Báo cáo đồng chí, có điện từ Hòn Nẹ báo về.

Trưởng phòng Cơ yếu chuyển cho ông tờ giấy trắng đục có ghi chữ "tuyệt mật" ở góc trái.

"Điện mật mã

1 giờ đêm hôm nay, 13 tháng 6, đài săn sóng của chúng tôi ở Hòn Nẹ bắt được làn sóng lạ. Tính phương vị đài phát, xác định được đài đó đặt ở giữa nhà thờ xứ xã Kim Tân và khu vực BM2 phát về hướng nam.

Chúng tôi không dịch được bản mật mã, xin chuyển toàn văn bức điện đó về cho NB5".

Trong phòng làm việc, Nguyễn Mạnh Hùng vẫn đi đi lại lại. Anh là cấp dưới, song là người cộng tác nhiều năm với trưởng ban Lê Đình Hồng nên nói năng khá thoải mái.

- Thế là thêm một chứng cứ nữa khẳng định có gián điệp biệt kích đang hoạt động ở Kim Sơn. Nhưng buồn một nỗi chúng ta chưa dịch được nội dung bức điện.

- Anh cho tôi xem - Mạnh Hùng vừa đề nghị vừa đưa tay về phía trưởng ban.

- Đề nghị anh cho chuyển bản mật mã về Hà Nội để các chuyên viên phá mã của ta dịch.

Bản mật mã được cấp tốc chuyển về Bộ, nhưng nhiều chuyên viên giải mật mã của Bộ cũng đành bó tay. Mọi người đều thừa nhận khóa mã rất phức tạp.

Hai ngày sau, cũng vào một giờ đêm, đài săn sóng ở Hòn Nẹ lại nhận được bức điện mật mã. Xác định phương vị và tần số, các chuyên gia của ta vẫn khẳng định do chiếc đài trước phát đi. Các chuyên gia phá mã của Bộ vẫn không dịch được mã, chỉ khẳng định kẻ địch đã sử dụng khóa mã khác.

- Muốn biết được nội dung bức điện, chúng ta chỉ có thể đợi Hà Nội trả lời.

- Chúng ta cần bản dịch bức điện, nhưng không có nó thì đành bó tay để mặc bọn gián điệp biệt kích hoạt động hay sao - trưởng ban chuyên án Lê Đình Hồng hỏi Mạnh Hùng. Dừng một lúc ông nói tiếp - Hà Nội phải theo dõi chiến trường cả nước, biết bao nhiêu chuyên án. NB.5 do chúng ta đặc trách lo liệu, vì vậy một mặt vẫn phải yêu cầu Hà Nội dịch, một mặt không chờ đợi mà chủ động truy tìm. Đồng chí hãy chỉ huy đài săn sóng của ta hướng về khu vực xã Kim Tân, khu vực BM2, còn tôi chỉ huy các tổ lùng sục.

Mạnh Hùng im lặng.

- Tôi cũng đồng ý phương án đó. Các đài dò sóng của ta cần di chuyển đến gần mục tiêu. Theo tôi, nên tăng cường thêm một đài ở cửa lạch Thần Phù, đặt trên chiếc thuyền để có thể di chuyển kịp thời tới nơi đài phát. Bằng cách đó, chúng ta sẽ rút ngắn dần khoảng cách giữa đài phát và đài săn sóng.

Sau khi thống nhất kế hoạch, trưởng ban chuyên án Lê Đình Hồng và Mạnh Hùng rời thị xã Ninh Bình đi về Kim Sơn.

Ôtô đưa hai người về gần tới thị trấn Phát Diệm, trời bỗng đổ mưa. Ôtô cứ rẽ mưa lao đi.

Những con chiên kính Chúa ra khỏi nhà thờ tỏa về các xóm xã Lưu Phương. Họ lặng lẽ đi trong mưa, mắt nhìn chằm chằm vào tượng Chúa và những cây thập ác hai bên đường, nói nhỏ:

- Thế là Người khỏi khát.

Những giáo dân ở đây mải mê nhìn tượng Chúa đến nỗi mưa đã nhẹ hạt mà họ cũng không hay biết.

Xe dừng lại trước trụ sở công an huyện. Trưởng ban Lê Đình Hồng và Mạnh Hùng chia tay nhau. Trưởng ban cùng với tổ truy lùng của Đặng Văn Thành đi xuôi về phía nông trường Bình Minh ra khu vực BM2. Những đám mây lớn ở phía đông vẫn ùn ùn xuất hiện. Những tia chớp thỉnh thoảng lóe lên như đâm vào bụng các đám mây. Lại một trận mưa nặng hạt đổ xuống. Mãi chiều tối, tổ truy lùng của Thành mới vượt được qua nông trường Bình Minh đúng lúc mưa trút xuống như thác đổ.

- Đồng chí dẫn tôi đến nơi có cây sú vẹt bị gãy cành.

Bốn người lội bì bõm trong bùn ngập đến đầu gối. Họ đi thành hàng dọc về phía biển đang gào thét sau giấc ngủ gần một năm. Gần một đêm một trận mưa như đổ nước, yên lặng lại đè nặng một cách kỳ lạ lên rừng sú vẹt, hòa trong tiếng biển rì rào sóng vỗ.

- Báo cáo đội trưởng, đây là cây sú vẹt bị gãy cành.

Lê Đình Hồng quan sát tất cả, không thấy dấu vết gì nghi vấn như mẩu giấy, mẩu thuốc lá hút còn thừa, hoặc thức ăn rơi vãi.

- Đài dò sóng của ta đặt tại Hòn Nẹ thu được làn sóng ở khu vực này phát đi. Tôi cùng các đồng chí đến đây hy vọng tìm được dấu vết chúng để lại.

Đội trưởng Lê Đình Hồng đi xung quanh từng cây chăm chú xem xét từ gốc đến cành để cố tìm các chứng cứ nhỏ bé trong cái thế giới bí hiểm. Bỗng ông đứng nguyên tại chỗ nhìn kỹ cành sú vẹt cách cây sú vẹt gãy cành khoảng năm mét. Ông tiến đến, vít ngọn cây, cẩn thận xem xét, có một đoạn vỏ bị xước. Ông căng óc phán đoán: có thể đó là nơi buộc dây ăng-ten.

- Đồng chí Mạnh kéo cành sú vẹt gãy cho tôi xem - Ông ra lệnh.

Thượng sĩ Mạnh kéo cành sú vẹt đến một vũng nước, té nước cho trôi bớt bùn, đưa cho đội trưởng Lê Đình Hồng. Ông vạch từng lá, xem kỹ từng cành nhỏ và cũng phát hiện thấy có vết xước, ông reo lên:

- Đây rồi, các cậu ơi!

Cả tổ truy lùng chạy đến. Ông chỉ vào cành sú vẹt xước vỏ giải thích:

- Địch đã buộc dây ăng-ten vào cành cây này.

- Nhưng thưa đồng chí, giải thích như thế nào về việc dây ăng-ten kéo căng đến mức gãy cành.

Ông Hồng suy nghĩ hồi lâu.

- Có thể khi tháo dây ăng-ten hắn đã vít cành sú vẹt quá mạnh.

Cả bốn người tiếp tục tìm kiếm. Bỗng trung sĩ Lâm lại phát hiện thấy có một vật nhỏ màu vàng dài khoảng 2 centimét.

- Báo cáo anh, có vật lạ!

Trưởng ban chuyên án Lê Đình Hồng đến gần quan sát.

- Bề ngoài màu vàng, bên trong xốp như bấc.

- Đề phòng đó là loại thuốc độc - Đội trưởng Lê Đình Hồng nhắc nhở và ra lệnh - cẩn thận thu vật đó gửi về Hà Nội phân tích.

Cả bốn người tiếp tục xem xét gốc cây, cành cây xung quanh khu vực bán kính khoảng một trăm mét, song chẳng thấy thêm vật gì khác. Họ đành trở về nơi tập kết.

Dưới ánh trăng và sương đêm, cả rừng sú vẹt như ngủ say trong tiếng ru của biển.

5

Trên toàn tuyến từ cửa lạch Thần Phù đến cửa Đáy có khoảng hai mươi tổ truy lùng của công an và hàng ngàn tốp dân quân, thanh niên, học sinh các xã ven biển lùng sục nhưng không phát hiện được tên gián điệp biệt kích nào.

Việc chính trong chuyến đi lần này của ông Hồng là kiểm tra hoạt động của các tổ lùng sục và quan sát lại nơi có khả năng địch dừng chân đánh điện đài. Một phần, ông nghĩ rằng đây là trách nhiệm, đồng thời cũng muốn là người đầu tiên nói chuyện với tên gián điệp nếu như tóm được hắn.

Lê Đình Hồng trở về trụ sở Ban chuyên án khi trời đã chạng vạng tối.

Ông mở cửa và lặng lẽ ngồi vào bàn làm việc, hút tiếp điếu thuốc cuộn rồi vứt mẩu còn lại qua cửa sổ, cầm ống nghe.

- A lô! Cho tôi nói chuyện với kỹ sư Minh.

Từ đầu dây bên kia trả lời:

- Dạ. Tôi là Minh, tổ trưởng tổ hóa nghiệm.

Giọng bực tức, ông Hồng nói to:

- Tại sao đồng chí vẫn chưa chuyển kết quả hóa nghiệm viên thuốc độc cho tôi.

- Ôi! Sao đồng chí lại trút tội lỗi lên đầu tôi? Đồng chí trưởng ban chuyên án ạ, chính đồng chí đã trói tay chúng tôi rồi. Đồng chí ra quyết định, tất cả các tang vật vụ án đều chuyển về Hà Nội cơ mà. Chấp hành quyết định đó, chúng tôi đã chuyển ngay mẩu bấc nghi có tẩm thuốc độc về Cục kỹ thuật Bộ.

Ông Hồng cười, giọng chân thật:

- Mình quên mất, cứ tưởng giao cho tổ kỹ thuật Ty - Giọng ông ôn tồn hơn - Đã hơn ba ngày ba đêm mà Hà Nội vẫn chưa trả lòi kết quả hay sao?

- Chúng tôi vẫn điện hỏi, song chưa được trả lời.

- Đồng chí tiếp tục giúp chúng tôi nhắc Bộ trả lời sớm. Chiến đấu mà chậm như rùa thế thì kẻ địch đã cao chạy xa bay rồi mà vẫn cứ nằm chờ.

Ông Hồng tức tối, buông ông nghe rồi lục tìm thuốc lá, miệng lẩm bẩm:

- Một đống kỹ sư hóa học đào tạo chính quy hẳn hoi về mà không tìm ra được chất độc tẩm trong một đoạn bấc, thì trinh sát chiến đấu khẩn trương thế nào được cơ chứ?

Đội phó Nguyễn Mạnh Hùng xoa dịu nỗi bực tức của đội trưởng:

- Đồng chí Hồng ạ! Đôi khi tôi nằm mơ trở lại thời kỳ còn là lính, mọi việc mình tự đi làm, tự viết báo cáo nên bao giờ cũng được biết kết quả sự việc đầu tiên. Còn bây giờ là người chỉ huy, lại phải đợi anh lính đi điều tra báo cáo nên chúng ta không bao giờ nhận được kết quả sớm nhất, có phải không đồng chí trưởng ban chuyên án?

Lê Đình Hồng quẳng điếu thuốc lá đang cháy dở:

- Cậu có mang theo chai "thuốc bổ" không?

- Có. Chỉ cần một chén nhỏ là mang đi tất cả mọi mệt nhọc.

- Loại thuốc bổ gì đấy?

- "Quốc lủi" Kim Sơn chính hiệu.

Hai người đi vào phòng ăn với chai rượu gần đầy.

Họ vừa ăn cơm xong thì đồng chí Trưởng ty Công an Ninh Bình đến.

Từ ngày có chiếc thuyền lạ xuất hiện ở Kim Sơn, ông Trưởng ty thường xuyên có mặt tại trụ sở Ty để chỉ đạo chiến dịch lùng sục.

Đội trưởng Lê Đình Hồng nhận thấy sắc mặt vui vẻ khác thường của ông Trưởng ty, nheo mắt, hóm hỉnh nhận xét:

- Cứ theo con mắt không đến nỗi nhìn gà hóa cuốc của tôi thì đồng chí đã tóm được tên biệt kích đúng không?

- Tại sao đồng chí lại hỏi như vậy?

Ông Hồng nhận ra sự thiếu tế nhị vừa rồi của mình, thân mật giải thích:

- Vì thấy đồng chí có vẻ vui hơn.

Ông Trưởng ty cười:

- Đã là người chỉ huy trên trận tuyến không tên này thì dù giành được thắng lợi hay đang gặp khó khăn, sắc mặt cũng không được thay đổi.

Sau những câu hỏi xã giao, họ trao đổi với nhau về công việc.

- Đồng chí báo cáo xem kết quả của các tổ lùng sục có gì giúp ta làm sáng tỏ vụ án không?

- Cho tới nay vẫn chưa có kết quả gì ngoài hiện tượng chiếc thuyền và cành sú vẹt gãy mà đồng chí đã biết.

- Về chiếc đài lạ phát từ khu vực BM2 đã xác định được chính xác nơi phát chưa?

- Báo cáo đồng chí, những ngày đầu xác định vị trí đài phát ở khu vực BM2 luôn luôn lưu động nhưng khoảng cách lưu động không xa, chứng tỏ người sử dụng điện đài có kinh nghiệm.

- Khoảng cách xác định giữa hai nơi phát cách xa bao nhiêu?

- Một kilômét?

- Nào, chúng ta cùng xem cụ thể.

Trung tá đứng dậy trải tấm bản đồ huyện Kim Sơn lên bàn. Trưởng ty Công an Ninh Bình bước đến bên.

- Ngày mười ba tháng sáu, xác định được đài phát ở nơi có cành sú vẹt bị gãy. Ngày mười bốn, cũng đài này chuyển về đây. Lần này chúng vừa di động vừa đánh điện, có lẽ chúng đặt máy trên thuyền. Tôi đã điều năm tổ trinh sát và một đại đội công an vũ trang có mang theo chó đến đây lùng sục. Rất đáng tiếc là đêm ấy trời mưa to, hiện trường bị giông bão và sóng biển xóa nhoà dấu vết, lùng sục không kết quả.

- Thời gian đài phát sóng hoạt động?

- Một giờ ba mươi phút.

Đội trưởng Lê Đình Hồng nhận định:

- Rõ ràng nó hoạt động có chu kỳ. Đêm thứ ba hoạt động vào giờ nào?

- Chúng đánh điện vào lúc chập tối. Ban chỉ huy công an tỉnh chúng tôi nhận định, bọn gián điệp đánh điện vào giờ này vì nó muốn dựa vào hai bạn đồng minh là rừng sú vẹt và bóng đêm. Tính toán của nó rất đúng. Nếu như đài của ta săn được nơi phát sóng, lực lượng lùng sục cũng không thể vượt hàng chục kilômét sình lầy, sông nước đến ngay. Rừng sú vẹt, bùn lầy và bóng đêm là bức tường che chở cho chúng chạy trốn đến một khu vực khác, việc kiếm tìm của chúng ta sẽ vô ích.

- Đúng. Đứng vào vị trí của bọn biệt kích bị truy lùng mà xét, nếu mà chúng không tính toán đến sình lầy, sông nước, rừng sú vẹt thì quả là ngốc nghếch. Mặc dù bị truy lùng, nhưng nó vẫn phải liên lạc với chỉ huy của chúng ở miền Nam.

Đêm thứ ba không thấy đài này hoạt động, nhưng đài dò sóng đặt trên biển ở phía ngoài cửa lạch Thần Phù lại nhận được điện phát đi từ khu vực nhà thờ của linh mục Bường truyền đạo.

- Có cùng tần số và khóa mã như những lần trước không?

- Chỉ cùng hướng phát nhưng các tín hiệu truyền đi rất yếu, chứng tỏ nó đã hoạt động nhiều, nguồn pin đã cạn.

Trưởng ty công an ngừng một lúc, chỉ tay vào nơi có đánh dấu thập, giọng nhỏ hơn:

- Đêm thứ tư, chính ở khu vực nghĩa địa gần thôn Lưu Hạ này tung lên trời làn sóng cùng tần số và khóa mã đài phát ở khu vực BM2 mà chúng ta đã nhận được hai đêm đầu tiên.

- Đài này di chuyển từ rừng sú vẹt lên đất liền. Chúng ta đã bắt được bốn lần sóng của chúng. Ba lần của một đài, một lần của đài khác. Như vậy ở huyện Kim Sơn hiện nay có hai đài lạ đang hoạt động. Điều này cho phép nhận định, chúng hoạt động có nhiều tên, nhưng có cùng một tổ chức không, cần theo dõi tiếp.

Ông Hồng kéo ghế ngồi, nhận định:

- Có thể chúng biết đang bị lùng sục nhưng không biết chúng ta đã bắt được sóng điện của chúng - Ông suy nghĩ, gõ nhẹ tay xuống bàn - Nếu tiếp tục lùng sục chỉ có thể bắt được tên gián điệp biệt kích kia nhưng không thể bắt được tên gián điệp khoác áo linh mục Bường. Phải bắt linh mục Bường với đầy đủ tang vật, điện đài ngay khi y đang hoạt động. Muốn như thế, chúng ta. có thể dừng cuộc truy tìm để cho linh mục Bường bộc lộ thực chất của y được không?

- Tôi cho rằng không nên chờ đợi như thế - Ông Trưởng ty nói một cách thong thả, trầm tĩnh - Theo tôi, một mặt vẫn phải dùng "cái bừa" bừa khắp rừng sú vẹt, đồng cói, kênh rạch để bọn biệt kích không còn nơi ẩn nấp, một mặt tổ chức bám sát nhà thờ và hoạt động của linh mục Bường.

Đội trưởng Lê Đình Hồng rảo bước trong phòng, giọng nói có vẻ gay gắt hơn:

- Trong công tác lùng sục gián điệp thì thời gian, tốc độ cực kỳ quan trọng. Những ngày qua Ty triển khai công tác này chưa đồng bộ. Nhưng dù sao những ngày đầu phát động được hàng ngàn tổ thanh niên, học sinh, dân quân đi truy lùng bọn biệt kích như thế là rất đáng hoan nghênh, đáng mừng.

Giọng ông khàn khàn. Đôi má hõm rung lên nhè nhẹ. Cặp mắt trũng sâu màu đen nhìn lên bản đồ tỉnh Ninh Bình treo trên tường. Ông lạnh lùng nói tiếp:

- Bốn ngày đêm vừa qua, chúng ta đã tung ra hàng vạn người vào chiến dịch này, nhưng chúng ta phạm một sai lầm là không nhắc nhở họ khi gặp bọn gián điệp, biệt kích chỉ được phép bắt sống chứ không được bắn chết! Cũng may, bốn ngày qua không nơi nào giáp mặt với bọn biệt kích nên không có cuộc đụng độ chứ không thì anh em chúng ta hoặc bộ đội, hoặc dân quân, học sinh đã khiêng xác chúng về nộp cho chúng ta rồi - Đội trưởng Hồng nhìn ông Trưởng ty thấp giọng hơn - Bốn ngày lùng sục đã đủ rồi. Bây giờ chúng ta cho ngừng cuộc truy tìm này.

Ông Trưởng ty chưa có lý lẽ nào bác bỏ quyết định của trưởng ban chuyên án, chỉ ngồi im lặng hút thuốc, vứt mẩu thuốc qua ô cửa, nói một cách mệt mỏi:

- Như vậy là chúng ta chưa xác định được đâu là mắt xích của vụ án đã phải dừng lại?

- Nhưng không có nghĩa là bỏ cuộc truy tìm kẻ đã đem chiếc thuyền đến chôn ở ruộng cói mà chỉ khép lại hướng đang truy tìm để chuyển sang hướng truy tìm mới. Đồng chí cứ chấp hành theo quyết định đó.

Ông Hồng thuyết trình toàn bộ sơ đồ bố trí trinh sát và điện đài chuẩn bị cho một chiến dịch mới.

Sau khi nghe ông Hồng nói, ông Trưởng ty im lặng một lúc lâu mới đề nghị:

- Vì kỹ thuật dò sóng Ty chúng tôi còn hạn chế, xin để nghị Bộ tăng cường cho vài đài săn sóng.

- Các đồng chí cần khoảng mấy đài loại đó?

- Ít nhất là ba, và đề nghị cho cả người sử dụng luôn.

- Ngay đêm nay đồng chí sẽ nhận được những phương tiện đó, còn người sử dụng Ty phải lo liệu lấy.

Ông Hồng rút khăn lau mồ hôi trán, lau đi lau lại những giọt mồ hôi chảy xuống cổ.

- Đó là vấn đề thứ nhất. Bây giờ chuyển sang vấn đề thứ hai. Đồng chí đưa cho tôi xem danh sách những người phụ nữ huyện Kim Sơn có chồng theo Chúa vào Nam.

Trong lúc chờ ông Trưởng ty mở cặp lấy tài liệu, ông lấy sổ mật điện trực tiếp viết rồi gọi văn thư chuyển về Bộ xin tăng cường người và phương tiện kỹ thuật.

- Báo cáo đồng chí, đây là tên tuổi và địa chỉ những người đó - Ông dừng lại một lúc, nói tiếp - Trong đó có sáu chị vừa nhận được bưu thiếp của chồng từ trong Nam gửi ra.

Ông Hồng hỏi ngay:

- Nhận được lần đầu hay lần thứ bao nhiêu?

- Có hai chị nhận được lần đầu tiên, đó là chị Nhung và chị Thơm.

Ông Trưởng ty kể lại khá tỉ mỉ về gia đình và bản thân hai chị. Trung tá cầm lý lịch đơn giản góc phải có dán ảnh của hai chị xem. Trong ảnh, chị Thơm trẻ hơn chị Nhung nhưng dấu vết tuổi tác cũng đã thoáng hiện qua những vết nhăn "chân chim" trên trán của cả hai chị. Ông xem và phân tích từng câu chữ, con số ghi trong bưu thiếp.

- Chồng của chị Thơm và chị Nhung gửi bưu thiếp cho vợ chứng tỏ họ còn đang ở trong Nam. Như thế, chúng ta có thể loại hai chị ra khỏi danh sách nghi vấn được không?

- Đó là lý do chấp nhận được, song tôi lại nghĩ khác, không nên loại họ ra khỏi danh sách quá sớm khi chưa có đủ tài liệu.

Ông gấp danh sách lại, đứng dậy như nói rằng vấn đề này tạm thời kết thúc, rồi nói tiếp:

- Ngay đêm nay chúng ta phải triển khai kế hoạch vừa bàn.

Ông Trưởng ty định chào trưởng ban chuyên án ra về thì có tiếng gõ cửa.

- Mời vào.

Tổ trưởng hóa nghiệm Bùi Văn Minh bước qua cửa, vẻ mặt rất phấn khởi.

- Có kết quả rồi phải không?- Ông Hồng hỏi.

- Dạ. Hà Nội đã trả lời.

- Như thế là chậm nhưng còn hơn không trả lời - Ông Hồng sốt ruột hỏi - Thuốc độc loại gì, hay là băng ghi âm loại mới?

Minh suýt bật cười song anh trấn tĩnh ngay vì trước mặt mình là cán bộ của Bộ và ông Trưởng ty, thủ trưởng cao nhất của mình. Giọng anh nhỏ hơn:

- Báo cáo đồng chí, đó không phải là thuốc độc.

- Là cái gì? - Ông Hồng nói to hơn.

- Là bấc lọc của điếu thuốc lá do Mỹ sản xuất.

Ông Hồng đập tay xuống bàn cười hết cỡ:

- Trời ơi! Thế mà tôi cứ đinh ninh nó là thuốc độc Mỹ trang bị cho điệp viên của chúng sử dụng khi sa vào tay đối phương - Ông dừng lại một lúc rồi nói một cách thành thật - Không mở rộng sự hiểu biết về sinh hoạt của thế giới bên ngoài nó tai hại như thế đó.

- Vì chúng ta phải tập trung kháng chiến chống thực dân Pháp chứ có phải không chịu khó học tập để mở rộng thêm sự hiểu biết đâu.

- Đồng chí lại đổ tội cho kháng chiến rồi - Ông Hồng đi quanh bàn - Cách đây tám năm, khi mở chiến dịch Thu Đông, trong lúc tôi đang cùng với Vũ, sư trưởng bên quân đội nghiên cứu cách bố phòng mặt trận, một trinh sát đem về bao thuốc đầu lọc thu được của một sĩ quan cao cấp Pháp. Chính tôi đã được nhìn tận mắt, thế mà bây giờ không nhớ ra...

Ông Hồng mải nói chuyện quên mất có Minh đang đứng bên. Ông vội quay lại bắt tay Minh và nói như tâm sự:

- Thế mà ban nãy tôi lại cáu với đồng chí về việc hóa nghiệm chậm - Ông thấp giọng - Đồng chí có thể về nhà cho cô ấy đỡ mong.

Minh đi rồi, ông Trưởng ty cũng chào trưởng ban chuyên án ra về, khi đó mặt trăng giữa tháng sắp vượt qua núi Cánh Diều. Mặt trăng lớn một cách kỳ lạ đang chạy đua với những mảng mây nhuốm màu da cam và màu đỏ gạch. Nhiều giáo dân đã rời khỏi nhà thờ ở trung tâm thị xã Ninh Bình trở về gia đình.

Ông Trưởng ty vượt qua đường ray bóng loáng tựa vầng trăng non. Cả thị xã bắt đầu vào giấc ngủ đêm, thở hơi mát của dòng sông Đáy. ông Trưởng ty đăm chiêu trong gánh nặng tính toán bố trí trinh sát và hệ thống điện đài săn sóng trên biển và đất liền. Ông loay hoay với kế hoạch đó cho tới giờ sao mai nhạt dần ở cuối chân trời mới chợp mắt để chuẩn bị bước vào ngày mới.

6

Thiếu úy Đặng Văn Thành - tổ trưởng tổ lùng sục số 8 - trở lại khu vực mình được phân công. Cách anh không xa, các chiến sĩ trinh sát và dân quân đang đi hàng ngang, lặng lẽ, chăm chú tìm kiếm dấu vết.

Quá trưa, tổ lùng sục của anh mói dừng chân để ăn lót dạ trong ngày - mỗi khẩu phần chỉ có gói cơm nếp với muối vừng lạc.

- Mời anh ăn cùng với chúng em - Bí thư chi đoàn thanh niên thôn Lưu Hạ mời thiếu úy Thành và báo cáo luôn - Chúng em chẳng thấy dấu vết gì đáng nghi ngờ cả.

- Có thể nó không xâm nhập vào khu vực chúng ta - Trung sĩ Mạnh ngồi phía sau Thành lẩm bẩm nói.

- Cho rút thôi anh Thành ạ! - Thượng sĩ Lâm đề nghị.

- Không được. Chừng nào chưa có lệnh của cấp trên chúng ta chưa được rút khỏi đây!

Sau khi ăn cơm xong, mọi người uống nước và lấy ống tay áo chùi mồm.

Thành trầm ngâm suy nghĩ nhưng nhận thấy mọi người đang nhìn mình, anh lại làm bộ vui vẻ mỉm cười.

"Dù công việc có khó khăn đến đâu chăng nữa - Anh nhớ lại lời của ông Hồng căn dặn trước lúc mở cuộc săn lùng - Cũng không bao giờ lộ ra nét mặt. Nhất là đôi với chúng ta, những trinh sát trên trận tuyến thầm lặng càng phải bình tĩnh, vui vẻ trước mọi sự việc".

Sau những phút giây suy nghĩ, thiếu úy Thành đề nghị mọi người:

- Đi cà kheo ra tận mép biển - Anh đưa tay chỉ về phía trước - Khoảng cách đi giữa chúng ta bây giờ phải xa hơn, nhưng phải quan sát kỹ để không sót một hiện tượng nghi vấn nào.

Cả tổ lùng sục do Thành chỉ huy lội bì bõm giữa sình lầy.

- Khéo sa lầy mất - Bí thư chi đoàn báo động cho mọi người.

Đột nhiên phía trước, nước bắn tung toé rồi tạo thành dòng làm họ sởn da gà. Chắc là loại cá to, thấy người lạ vội quẫy đuôi chạy trốn. Thành cố gắng rút cà kheo chân phải đế lấy lại thăng bằng sau phút loạng choạng.

Bỗng bộ đàm nhận được tín hiệu chỉ thị ngừng cuộc lùng sục. Khi đó trời đã gần tối. Họ đành nghỉ lại rừng sú vẹt qua đêm để sáng hôm sau trở về nơi tập kết, riêng Thành và Mạnh trở về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

Sau khi nghe Cục trưởng giao nhiệm vụ, Thành tới thăm Mai, cô bạn gái ở phố Lò Đúc. Bố mẹ là công nhân Nhà máy ô tô Ngô Gia Tự, còn cô làm ở nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà. Ngoài thời gian làm việc tại nhà máy, trở về nhà cô cùng mẹ bán chè đỗ đen. Thấy Thành đến, Mai phấn chấn hẳn lên, vừa mời anh ăn chè đỗ đen vừa ngắm nhìn anh cho thỏa những ngày xa nhớ.

Khoảng nửa giờ sau, hai người dắt xe đạp đi về phía cuối phố Lò Đúc, qua đê Lương Yên ra phía bờ sông Hồng.

- Những ngày qua anh đi đâu mà chẳng báo cho em một câu.

Thành hơi lúng túng, song anh trả lời ngay theo phản xạ nghề nghiệp.

- Anh đi Bắc Giang.

Từ ngày yêu Mai, lần đầu tiên anh phải đi xa, và cũng là lần đầu tiên anh nói dối người yêu. Thành chỉ biết cười để mong xóa đi lỗi nói dối vừa rồi, mặc dù anh biết lời nói dối đó là vì công việc. Mai đi bên Thành nhưng không hề biết suy nghĩ của anh. Thỉnh thoảng cô vắt lọn tóc về phía sau để trả lại cho gió cả bộ ngực căng tròn sức sống. Trong một thoáng Thành cảm thấy ngực mình rung lên nhè nhẹ, xúc động.

Hai người đi ra bãi sông Hồng. Gió mang theo nước sông phả nhẹ vào mặt. Thành và Mai ngồi phía ngoài bãi ngô nơi kề mép nước, càng về khuya sương giăng càng dầy. Bãi ngô như co mình lại vì lạnh. Thỉnh thoảng nước sông vỗ bờ oàm oạp. Sau mỗi đợt sóng vỗ, hai người chỉ nghe thấy tiếng những hạt sương rơi, rồi tất cả chìm dần trong mênh mông.

Trong lúc hai người dành cho nhau những phút giây của cỏ cây ở nơi chấm hết giữa bãi ngô và sóng nước, Thành không quên rằng sáng mai anh lại phải đi xa. Anh kéo sát Mai vào lòng, tâm sự:

- Chuyến đi công tác này anh báo trước cho em ngày đi nhưng không hẹn được ngày về.

- Anh đi công tác ở tỉnh nào, có lâu không?

Thành không muốn nói dối người yêu một cách lộ liễu, phũ phàng như lần trước nên anh chọn câu trả lời mà anh cho rằng mình không nói dôi:

- Do đồng chí Cục trưởng cơ quan anh quyết định.

- Nhớ ghi thư cho em, nghe anh!

- Ghi thư chậm đừng trách nhé.

- Nếu vì công việc thì em không trách đâu, còn tơ tưởng cô khác mà lười ghi thư thì em phạt đấy.

Thành kéo Mai sát vào lòng, cố hướng cho cô nhìn về phía trăng sáng trên đỉnh đầu để anh được nhìn rõ hơn khuôn mặt mà anh cho rằng xinh đẹp nhất trên đời. Dưới ánh trăng suông, chiếc áo màu tím hoa cà càng tôn cho sắc mặt vốn đã trắng hồng của Mai như thoa thêm lớp phấn. Anh cúi xuống, nói nhỏ:

- Phạt như thế này nhé.

Trong một thoáng, Thành và Mai đều cảm thấy mặt trăng như thấp dần, dòng sông thu ngắn lại, trái đất mỗi lúc một bé nhỏ hơn.

Sau khi xuất trình giấy tờ. Thành được ủy ban xã giới thiệu đến ở nhờ nhà ông Khương cách nhà chị Nhung khoảng năm trăm mét, cách nhà thờ khoảng một cây số theo đường chim bay. Tổ trắc địa của Thành đến nhà ông Khương khi ông đang đan lưới đánh cá. Thấy cán bộ, ông bảo vợ dọn gian nhà chính cho cán bộ ở, còn vợ chồng ông xuống ở nhà ngang.

Từ ngày Thành đến ở nhờ, ông Khương ít nói chuyện với vợ hơn, nhưng lại tích cực đan lưới. Ông ngồi ngay cửa nhà chính, làm luôn tay, có vẻ như không muốn để phí thì giờ.

Ngày đi đo đạc ở ngoài cánh đồng phía sau nhà thờ, đêm đến Thành đi mai phục. Anh khổ sở nhất là lúc không khí oi nồng để rồi sau đó lại chịu một trận mưa như trút nước, chớp liên hồi lóe lên trên đỉnh đầu, những tiếng sấm inh tai như tiếng nổ của đại bác; phía trước anh, tiếng sóng biển như một tràng cười của người khổng lồ man rợ vọng đến. Thành và Mạnh che áo mưa nằm ngoài cánh đồng, có cảm giác như cơn phẫn nộ của thiên nhiên chỉ dành cho họ. Công việc mai phục đó mang lại cho anh hậu quả: sốt một tuần phải đi bệnh viện huyện và suýt nữa phải về Hà Nội.

Ra viện, Thành lại trở về với công việc mai phục. Chiếc kim đồng hồ dạ quang chỉ mười một giờ đêm. Chẳng lẽ cứ nằm lì ở giữa thửa ruộng này đêm này qua đêm khác hay sao? Thành băn khoăn, hoài nghi về quyết định bí mật theo dõi một ngôi nhà trong bóng đêm như vậy.

Thời gian có vẻ thờ ơ và chuyển dịch hết sức chậm chạp. Buồn quá, Thành đưa tay lên nghe tiếng "tích tắc, tích tắc" rồi ngước nhìn bầu trời đen sẫm như ai quét một lớp sơn đen. Tuy trời đen như thế nhưng anh vẫn tưởng tượng thấy nó sáng trong, mặt trăng quàng lên mình những làn mây như những chiếc khăn bông trắng xốp đang soi tỏ mặt người yêu. "Chắc giờ này Mai đang ngủ - Anh thầm nghĩ - Còn mình thì đang chết cóng ở đây".

Cách Thành một mét, Mạnh vẫn nằm im.

- Anh Thành ạ.

Thành quay sang hỏi nhỏ:

- Gì thế cậu?

Mạnh ngập ngừng:

- Chúng ta nằm như thế này bao lâu nữa?

- Cho đến khi có lệnh rút.

Trong nhà chị Nhung bỗng lóe lên ánh đèn vàng nhạt như đom đóm giữa nhà mồ rồi lại tắt ngay. Nhờ ánh chớp mờ nhạt, Thành phát hiện có bóng đen cao to bước ra cổng.

Thành kéo tay Mạnh:

- Chú ý.

Bóng đen choàng vải mưa, đi khá nhanh.

- Bám sát! - Thành ra lệnh.

Cả hai người nhẹ nhàng đứng dậy đi theo bóng kẻ lạ mặt. Họ đi mò mẫm trên những đoạn đường xuyên đồng, nhầy nhụa bùn đất. Vì nước mưa thấm vào người lại nằm lâu dưới ruộng nước, Thành và Mạnh đều thấy rét. Thành rùng mình cho người ấm hơn rồi đi tiếp. Ánh chớp lóe lên, cả hai người đều đứng im, khom người lại, mắt không quên nhìn về phía trước.

Họ chạy đuổi theo. Bỗng Thành hẫng chân, hai tay chới với giơ cao, mất thăng bằng ngã xuống rãnh nước, đầu đập vào bờ kênh. Mạnh chạy lại cầm tay Thành đang quờ quạng trên bờ kéo lên.

- Có làm sao không?

- Bị sái chân không đi được - Anh giục Mạnh - Cậu để mặc tớ ở đây, bám sát kẻo nó biến mất.

Thấy Mạnh có vẻ còn ngần ngại, Thành nói như ra lệnh:

- Đi ngay đi, chậm một giây là hỏng rồi.

Tiếng chuông nhà thờ đập vào những hạt mưa tạo nên âm thanh giống tiếng kêu của một phù thủy.

Mạnh nhìn quần áo Thành đang ướt sũng, người đầy bùn đất có vẻ ái ngại. Sau phút giây ngập ngừng, anh chạy lao đi vẻ lo lắng hồi hộp.

Tia chớp lại lóe lên. Một mảng tia sáng lộ rõ đồng ruộng làng mạc hai bên đường. Bỗng Mạnh nghe thấy tiếng động như tiếng chân người từ phía trước lép nhép trên bùn nước. Hay là người đó quay lại? Anh nghĩ như thê và rẽ vào bên đường, ép mình xuống ruộng cói. Mấy phút trôi qua, vẫn không có ai đi tới. Lúc bấy giờ anh mới nghĩ có lẽ do mình bị mệt và quá nghĩ về đối phương nên trong đầu vang lên cái âm thanh khốn khổ đó. Anh đứng dậy và tiếp tục chạy. Vê gần đến nhà thờ, ánh chớp lóe lên bất chợt. Thật kỳ quặc, Mạnh nhận ra dáng người cao to đó chính là viên quản lý giáo xứ. Xác định được đối tượng, Mạnh không đuổi theo viên quản lý giáo xứ nữa mà dừng chân quay trở lại đón Thành. Những làn mưa như những chiếc mành khổng lồ vẫn từ trên trời thả xuống đập vào mắt anh rát như lửa.

7

Theo lệnh của trưởng ban chuyên án, các chuyên viên điện đài đã có mặt tại vị trí quy định.

Tổ điện đài do trung úy Tùng phụ trách cũng đóng vai cán bộ trắc địa khiêng đồ nghề về nhà ông Khương bổ sung cho đội trắc địa của thiếu úy Thành.

Hai chuyên viên nhanh chóng lôi trong hòm ra dụng cụ máy móc của máy dò sóng, bắt đầu thận trọng nối chúng lại với nhau.

- Khoan đã, chúng ta phải tổng vệ sinh gian buồng rồi hãy đặt máy - Trung úy Tùng ra lệnh.

Mọi người chấp hành ngay, sau đó mới chăng các dây điện, máy móc chằng chịt khắp gian buồng. Họ vừa đặt xong máy, màn ảnh huỳnh quang tỏa sáng. Họ bắt đầu theo dõi biến đổi trên màn ảnh. Ngoài sân ông già Khương vẫn đang ngồi dệt chiếu, thượng sĩ Mạnh ngồi chọn từng sợi cói đưa cho ông, mồm luôn luôn huýt sáo.

Chuyên viên điện đài nhăn mặt xoay núm máy thu đặt trên bàn một cách nhẹ nhàng.

Đêm đầu và cả ngày hôm sau máy dò sóng không nhận được tín hiệu lạ.

Gần một giờ sáng đêm thứ hai, chuyên viên điện đài thấy xuất hiện trên màn ảnh những vệt sóng lăn tăn, rồi biến mất. Trung úy Tùng trải sơ đồ thôn Lưu Hạ, cầm bút vạch tọa độ. Hết sức thận trọng, tỉ mỉ, anh dùng kính lúp đo từng centimét.

- Nó đây rồi!

Hai chuyên viên điện đài quỳ xuống dùng kính lúp soi kỹ chỗ bút chì Tùng chỉ.

- Báo cáo anh, đường của sóng điện lại truyền đi trên một trục qua nhà chị Hường và cả nhà chị Nhung nữa. Hai nhà này cách nhau không đầy hai mươi mét thì làm sao có thể xác định chính xác đài phát sóng đặt ở nhà nào?

Ánh mắt Tùng chững lại, chiếc kính lúp bất động hồi lâu trên tấm bản đồ.

- Như vậy chúng ta lại phải tiếp tục đặt đài dò sóng theo hướng cũ để tính một cách chuẩn xác hơn.

Cả ba người ngồi quanh chiếc chõng tre im lặng khoảng hơn mười phút. Niềm vui vừa đến với họ rồi lại mất đi quá nhanh. Họ tiếp tục kiên trì theo dõi. Tùng quyết định cho đài dò sóng di chuyển đến một vị trí khác cách nhà ông Khương không xa. Đêm thứ ba, cũng vào lúc một giờ, đài săn sóng lại nhận được tín hiệu của những đường dích dắc trên màn ảnh. Tùng nhìn vào máy ghi âm, chiếc băng cát-xét bắt đầu quay. Chuyên viên dò đài kéo ghê lại gần dán mắt theo dõi màn ảnh, tay phải đặt vào nút bấm máy ở bên phải, sẵn sàng điều chỉnh nếu có sự cố.

- Tìm ra được mục tiêu rồi!

Chuyên viên dò đài quay lại, vẻ mặt phấn khởi.

- Tính ra rồi. Hai đường xiên của một tam giác đã giao nhau đúng nhà số hai tức là nhà Vũ Kim Nhung.

Tùng nhìn đồng hồ, nói:

- Bây giờ là một giờ mười lăm phút. Đồng chí điện báo cáo ngay về Ninh Bình kết quả vừa thu được. Sáng mai đồng chí đem toàn bộ bản mật điện đi Ninh Bình trao cho anh Hồng để chuyển cho các chuyên viên mở khóa mã của Bộ.

- Xác định được đài phát rồi, chúng ta vẫn tiếp tục ở đây hay rút về Hà Nội?

Tùng cười, nhắc nhở:

- Lại sốt ruột rồi. Cứ yên tâm ở đây để mặc cô Phương Lan ở Hà Nội đi với chàng trai khác.

- Có mà em cho mấy cái bạt tai.

- Nếu thế tớ sẽ bắt cậu vào trại giam vì tội đánh người đấy.

Hai người cùng cười rồi cho máy hoạt động tiếp tục chiến dịch dò đài phát của địch.

Nhận được điện mật của tổ trinh sát điện đài báo dò được nơi đài phát là nhà chị Nhung, ông Hồng mừng lắm. Ông đứng lặng bên ô cửa nhìn trời mưa và suy tính phương án phục kích bắt tên biệt kích.

Mưa vẫn xối như có hàng ngàn, hàng vạn chum nước đổ xuống. Những giọt mưa bây giờ thẳng đứng, dày dịt như hàng triệu tấm mành khổng lồ ròng ròng xối nước.

Đội trưởng Lê Đình Hồng quyết định triệu tập ban chuyên án họp bất thường. Ông rút gói thuốc lá sợi trong túi ra cuộn, châm lửa rít một hơi rồi để nó cháy lặng lẽ trên tay, tàn dần dần cho tới khi bị gió xô đổ tan vụn, bay ra ngoài ô cửa. Khi ông rít điếu thuốc lần thứ hai, cũng là lúc mọi người đã có mặt trong phòng họp. Hội nghị bắt đầu từ lúc mười giờ tối đến một giờ đêm, thành phần gồm trưởng ban chuyên án Lê Đình Hồng, Trưởng ty Công an Ninh Bình, đội phó Mạnh Hùng, thường trực ban chuyên án. Vứt mẩu thuốc vừa cháy sém tay, ông quay lại nói ngay:

- Tôi vừa nhận được báo cáo, nhà chị Nhung ở thôn Lưu Hạ là nơi đặt đài phát. Tôi cho mời các đồng chí tới để cùng nhau đánh giá độ tin cậy của báo cáo này và đánh giá lại toàn bộ vụ án.

Sau khi phân tích tỉ mỉ từng hiện tượng, ông Hồng tóm tắt:

- Một là, chiếc thuyền cao su, tang vật ban đầu báo động cho chúng ta có tên biệt kích người nhái xâm nhập vào Kim Sơn. Hai là, tổ lùng sục phát hiện trên hiện trường có cành sú vẹt gãy, có vết xước treo ăng-ten, sau này lại thu được sóng điện phát đi từ khu vực BM2. Ba là, mẩu thuốc lá rơi xuống vùng sình lầy.

- Viên thuốc độc chứ? - Trưởng ty Công an Ninh Bình cười, hỏi.

Ông Hồng cũng mỉm cười, nói tiếp:

- Ba tang vật đó đủ khẳng định có tên gián điệp biệt kích đang hoạt động ở vùng sình lầy BM2 - Dừng một lúc, ông thấp giọng - Điều quan trọng là phải xác định nó là đứa nào, nằm ở đâu. Một số hiện tượng gần đây đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này. Một là, chị Nhung nhận được bưu thiếp của chồng; hai là, các chuyên viên dò sóng xác định chính xác nhà chị có đặt máy phát; ba là, tổ trinh sát của Thành phát hiện trong đêm tối linh mục Bường cho người đến nhà chị Nhung. Với ba chứng cứ này cho phép chúng ta khẳng định khả năng Tình đã trở về, nằm tại nhà chị Nhung.

- Nhưng cũng tại đây, lần trước chúng ta lại nhận định, Tình gửi bưu thiếp cho vợ chứng tỏ nó đang ở miền Nam cơ mà - Mạnh Hùng lập luận bác bỏ kết luận của trưởng ban chuyên án - Theo tôi, đó có thể là đồng bọn dựa vào nhà chị Nhung làm nơi trung gian trú chân trước khi chuyển đến nơi ở mới.

- Hai ý kiến của hai đồng chí đưa ra, theo tôi, nó sẽ dẫn đến hai biện pháp đối phó khác nhau. Nếu Tình trở về nhà thì chúng ta chỉ bao vây nhà chị Nhung là có thể tóm gọn; nếu đó là nơi quá giang thì chúng ta phục kích ở đó để bám chúng đến hang ổ. Khi đó, lực lượng chúng ta tung ra không phải một vài người mà lớn hơn nhiều.

Ông Hồng quay lại phía Mạnh Hùng:

- Ý kiến đồng chí?

- Nếu như nó viết sẵn hàng trăm tờ bưu thiếp từ trước lúc ra Bắc thì sao? - Mạnh Hùng nhận định một cách không chắc chắn.

- Đúng. Có thể như thể lắm. Cứ gửi yêu cầu cho bộ phận giám định chữ viết. Nếu viết cùng thời gian thì sẽ có sự chuyển màu của mực viết bưu thiếp.

- Nhưng chị Nhung mói nhận được một bưu thiếp, làm sao có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ điều đó được?

Câu hỏi của Mạnh Hùng lại dồn trưởng ban chuyên án vào bế tắc. Ông rút một điếu thuốc rồi chuyển cả bao về phía Trưởng ty Công an.

- Bác sĩ bảo anh bị áp huyết cao không được hút thuốc cơ mà?

Ông Hồng xua tay, cười:

- Ô, quy định của bác sĩ là để cho "phạm nhân" vi phạm.

Sau câu nói bông đùa, ông Hồng đặt câu hỏi một cách nghiêm túc:

- Loại trừ chứng cứ Tình viết bưu thiếp, chỉ với chứng cứ nhà chị Nhung có điện đài, liệu chúng ta có bắt được đối tượng tại nhà chị Nhung không?

- Chuyện đó phải bàn cho kỹ - Ông Trưởng ty đề nghị - Nếu vào nhà chị Nhung tức là vào nhà một giáo dân mà không có điện đài, không có tên biệt kích nào hoặc có nhưng nó đã chạy trốn thì bà con giáo dân sẽ kéo đến phản đối chúng ta, linh mục Bường sẽ tha hồ nói xấu chế độ. Vì vậy, đề nghị các đồng chí tính toán thận trọng, không nên vội vàng, nếu không một năm, mười năm sau chúng ta vẫn không lấy lại được lòng tin của bà con với chính quyền.

Sau một lúc suy nghĩ, trung tá nói như kết luận:

- Phương pháp tốt nhất, khi phát hiện chính xác nhà chị Nhung có đài phát sóng, chúng ta vào ngay bắt quả tang lúc nó đang hoạt động. Các đồng chí không bàn đến phương pháp bắt mà coi như đã bắt rồi, chúng ta sẽ xử trí như thế nào? - ông Hồng đề nghị - Bây giờ đã khuya, các đồng chí về suy nghĩ, sáng mai cũng tại phòng họp này chúng ta bàn tiếp.

Nghĩ đến sức khỏe của đồng đội, ông Hồng cho hoãn cuộc họp. Nhưng trong đêm đó vẫn bị các hồ sơ thu hút hết tâm trí tới tận sáng vẫn chưa dứt ra được. Từ trong vụ án này và nhiều vụ án gián điệp biệt kích trong những năm gần đây do Cục ông chỉ đạo phá án, ông nhìn rõ hơn tâm địa của Mỹ, đang muốn mở chiến dịch phá cộng sản từ trong lòng cộng sản. Thực hiện âm mưu này, chúng tập hợp hàng ngàn tên phản bội người Bắc di cư vào Nam huấn luyện rồi phái ra miền Bắc liên lạc với bọn gián điệp tình báo Pháp cài lại, bắt tay với bọn phản động đội lốt cha đạo, tung những luận điệu Mỹ sắp Bắc tiến nhằm lôi kéo giáo dân, đồng bào các dân tộc ít người, những phần tử bất mãn... lập mật khu. Cuối cùng tổ chức các vụ ăn cướp có vũ trang của chúng vào cơ sở chính quyền như ủy ban, hợp tác xã giết cán bộ, cướp lương thực, tạo nên sự mất ổn định ở miền Bắc, tiến tới lập đội quân nổi dậy hỗ trợ cho Mỹ - ngụy từ miền Nam đánh ra.

Muốn đập tan kế hoạch này của Mỹ, mình phải tuyên truyền đế cho cán bộ, nhân dân hiểu: phải tóm gọn bọn biệt kích. Đúng rồi! Phải câu nhử chúng để tóm cả chuỗi - ông Hồng gõ nhẹ tay xuống thành giường - như thế cuộc đấu tranh này sẽ phải gánh chịu sự gian nan, vất vả, thậm chí cả đổ máu hy sinh mà ông là người đứng mũi chịu sào.

Suy nghĩ đó như tăng thêm sức mạnh cho ông quyết tâm lập kế hoạch câu nhử. Chỉ có bằng cách này mới tiêu hao được sinh lực địch nhanh chóng. Nhưng rồi ông lại tự hỏi, thả lưới và mồi câu như thế nào để có thể bắt được chúng?

Ông Hồng quyết định tóm tên gián điệp biệt kích mới tung ra để rồi không chế bắt làm việc; mặt khác, đưa người xâm nhập vào tổ chức của chúng, tạo cho chỉ huy Chi cục tình báo trung ương Mỹ ở miền Nam tưởng rằng "lực lượng chống cộng sản ở trong lòng cộng sản" ở Ninh Bình đã phát triển mạnh. Đúng rồi, mở chiến dịch câu nhử. Sáng mai sẽ cùng anh em trong ban chuyên án bàn cách thực hiện kế hoạch này.

8

Theo kế hoạch của ban chuyên án, Thành và Mạnh nằm phục kích trên mô đất ở phía sau nhà chị Nhung với chiếc máy thu phát nhỏ xíu, bán kính truyền sóng không quá 500 mét.

- "Trung tâm" gọi "trạm gác".

- "Trạm gác" nghe rõ.

- Mục tiêu bắt đầu hoạt động, cần di chuyển vị trí quan sát gần hơn.

- Rõ

Thiếu úy Thành cầm súng trong tay dẫn đầu tổ phục kích tiến về phía nhà chị Nhung, vượt qua ruộng cói chằng chịt, cả ba người cúi gập người quan sát mặt đất, tay vẫn cầm máy thu phát.

- "Trung tâm" gọi "trạm gác", khẩn trương di chuyển.

- Rõ.

Họ lại bắt đầu đạp bùn lầy, rẽ cói lao đi. Bỗng chiếc máy thu phát trên tay Thành mất tín hiệu, rồi lại kêu rè rè.

- Mất tín hiệu, dừng lại!

Thành và anh em đứng sững giữa đêm tối đầy gió, mùi cói và đồng ruộng ẩm ướt. Thành há mồm để hít không khí đầy lồng ngực sau những phút chạy bộ tới "mục tiêu", nơi có đài phát. Anh bực mình nói:

- Lại mất mục tiêu rồi!

Họ quay lại nơi xuất phát.

- Hai tuần, bốn lần chạy như thế này mà không có kết quả - Mạnh bàn - Điện nó phát đi trong có vài phút mà ta phải chạy xa nửa cây số thì làm sao có thể bắt được quả tang - Anh đề nghị - Từ mai, chuyển vị trí chốt đến gần hơn, sát mục tiêu.

- Nhưng xung quanh nhà chị Nhung không có một mô đất, không lẽ chúng ta lại nằm dưới ruộng cói?

- Chỉ có như thế mới đủ thời gian đột nhập vào nhà chị Nhung giữa lúc nó phát sóng.

Thành chấp nhận ý kiến của Mạnh. Họ chui vào ruộng cói cách nhà chị Nhung khoảng hơn trăm mét. Từng đàn muỗi hung hăng xông vào đốt tay chân, mặt mũi ba anh trinh sát. Cả ba người đều luôn tay xua lũ côn trùng thèm khát máu người. Bỗng có một con chim ăn đêm va nhẹ vào đầu Thành rồi hốt hoảng, bay loạn xạ cố tìm cách thoát thân.

Tiếng máy thu phát kêu rè rè.

- Chú ý! Đài chúng đã truyền tín hiệu liên lạc!

Lần này, không đợi "trung tâm" phát lệnh tiếp theo, trạm chốt của Thành đã tiến sát bức vách nhà chị Nhung. Tiếng máy "tu tu tu" vẫn phát liên hồi. Khi tiếng máy vừa ngừng, Thành đã đẩy xong then cửa nhà ngoài. Bằng một động tác nhanh như chớp, anh mở cửa, nhảy tỏi cửa buồng đạp mạnh. Hai cánh cửa đập vào hai bức vách không cùng lúc tưởng như hai tiếng súng chát chúa vang lên.

- Giơ tay lên!

Tên Tình hoàn toàn bất ngờ, không kịp trở tay, mặt biến sắc, đôi mắt chốc chốc lại nhìn bộ điện đài, nhìn xuống chân như tìm kiếm vật gì. Bỗng hắn nhảy bổ về phía trước, tay chém mạnh vào tay Thành đang cầm súng. Thành kịp tránh sang một bên. Bàn tay hắn đập vào bức vách, đất tung toé bay vèo qua đầu Mạnh đang đứng phía ngoài. Một cú đá móc bất thần vào bụng làm hắn ngã xuống ngưỡng cửa buồng, đầu bê bết máu.

Sự việc này xảy ra nhanh như tiếng động, chị Nhung chưa kịp bước ra khỏi giường thì mọi việc đã xong xuôi. Chị sững sờ đến hoang mang, kêu lên không thành tiếng: "Lạy Chúa!".

Thành bước đến bên Tình xốc hắn lên rồi bí mật giải ngay về Công an huyện Kim Sơn. Còn chị Nhung vẫn ngồi như một pho tượng ngước nhìn tượng Chúa, tay đặt trước ngực chưa hạ xuống. Ông Trưởng ty Công an bước vào nhà. Thấy người lạ cao to, oai vệ, chị đoán chắc là cán bộ cao cấp nên vội vàng xuống đất.

- Thưa ông, tất cả việc con làm đều vì Chúa.

- Tôi hiểu! - Ông Trưởng ty nói và động viên chị Nhung - Chị bình tĩnh kể cho chúng tôi nghe, chị đã vì Chúa như thế nào để đón Tình về nhà?

Sau nhiều lời động viên, giải thích của ông Trưởng ty, chị Nhung đã kể lại những gì chị biết về Tình, về quan hệ giữa hai người.

Chú Thích

[1]Tương đương với chức trưởng phòng trinh sát.

[2]Lansdele: Đại tá CIA, cha đỡ đầu Ngô Đình Diệm.

Chương 1

Tiến >>

Nhà xuất bản CAND, 2003
Nguồn: Giangtvx (Vnmilitary)
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 15 tháng 2 năm 2024