NGƯỜI BẮC KINH Ở NEW YORK

tào quế lâm

dịch giả: xuân du

- 1 -

nguyên tác: trung quốc văn nghệ xuất bản xã bắc kinh tháng 8 - 1991

Đầu tháng Hai, Bắc Kinh rất lạnh.

Trời tờ mờ sáng, mà gió Đông Bắc còn thổi ào ào giữa không gian xám xịt.

Vào giờ này, người Bắc Kinh vốn cần mẫn đã ăn xong bữa sáng, lục tục kéo nhau ra khỏi nhà để đến công sở.

Bó chặt người trong những tấm đại y nhà binh dày cộm, những chiếc áo bông màu xanh, hay những áo che tuyết kiểu mới, họ bước đi vội vã, mặc gió rét căm căm thổi tới.

Người đi xe đạp, kẻ đi bộ, tiếng chuông kính coong, tiếng chân rậm rịch tạo thành một hợp âm ồn ã. Sự náo động ấy mách cho người ta biết một ngày mới đang đến với cái thành phố Bắc Kinh cổ kính này.

Trong dòng xe đạp kìn kìn kia có một đôi nam nữ không gây chú ý cho người khác. Người đàn ông tên Vương Khởi Minh 35 tuổi, là nhạc công đại vĩ cầm trong Đoàn Nhạc Giao Hưởng ở Bắc Kinh; Người đàn bà cùng đi với Khởi Minh là Quách Nhạn vợ anh.

Cách ăn mặc của họ không có gì đặc biệt, hai chiếc xe đạp của họ đang đi càng không có nét khác biệt nào với dòng xe đạp đông đúc. Những kẻ bàng quan sẽ khó lòng phân biệt được họ với xung quanh.

Song, nếu để ý một chút, ta có thể thấy họ đạp vội vã hơn người khác và xe của họ cũng có phần lăn nhanh hơn, không những thế, trên đường đi, thỉnh thoảng hai vợ chồng còn trao đổi với nhau những nụ cười bí mật mà chỉ riêng họ mới hiểu hết ý nghĩa.

Kỳ thực, sự khác biệt lớn nhất giữa họ với mọi người không phải bởi cái vẻ ngoài mà là ý nghĩ của họ. Đi trên con đường này, đa phần là cán bộ công nhân đi làm việc hoặc học sinh đến trường. Đó là con đường họ vẫn qua lại hàng ngày. Còn con đường Vương Khởi Minh và Quách Nhạn đang theo lại là con đường họ chưa đi lần nào, hai vợ chồng ngầm cảm thấy đầu kia con đường là một đất nước bí hiểm mà họ chưa một lần nhìn thấy tận mắt.

Vương Khởi Minh một tay đặt trên ghi đông xe đạp, tay kia đẩy vào lưng Quách Nhạn, tiếp sức thêm cho vợ.

Quách Nhạn hỏi chồng:

- Đẩy em thế, anh không thấy mệt ư?

Vương Khởi Minh cười:

- Không. Anh có thể đẩy em đến tận nước Mỹ nữa kia!

Một chút lo lắng hiện trên đôi mắt Quách Nhạn:

- Chẳng biết thế nào, liệu có nên cơm cháo gì không hả anh?

Vương Khởi Minh quả quyết:

- Chắc xong thôi. Anh dự cảm thấy thế.

Nói thì mạnh như vậy, song trong bụng Vương Khởi Minh thấy không có gì bảo đảm.

Mới sáng bảnh mắt mà trước cổng toà đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã có một hàng người rồng rắn đứng đợi.

Thấy cảnh tượng đó, Vương Khởi Minh cảm thấy phần nào chán nản. Anh vừa tìm chỗ dựa xe, vừa cằn nhằn trách Quách Nhạn:

- Em thấy chưa! Đã bảo đạp nhanh lên, em cứ chùng chình, nên mới muộn thế này.

Quách Nhạn cự lại:

- Biết muộn, sao không dậy sớm?

- Có dậy sớm cũng bằng thừa, Vương Khởi Minh khóa xe xong, lôi ngay Quách Nhạn đứng vào cuối hàng người. - Chả lẽ em không biết con Ninh Ninh dậy ăn sáng và đi học lúc mấy giờ à?

Nghe chồng nhắc đến tên con gái, Quách Nhạn thấy nao nao trong lòng:

- Hay ta thôi đừng làm thủ tục nữa anh ạ. Để một mình con ở lại, có ổn không?

Đã đứng vào cuối hàng, Vương Khởi Minh nghe vợ nói thế, cảm thấy buồn cười.

- Thôi là thôi thế nào? Đã lo được từng ấy công đoạn, bây giờ em lại bảo thôi! Còn Ninh Ninh hả? Chính vì nó mà chết sống chúng ta phải lo bằng được chuyến đi này, em phải nghĩ thế mới đúng chứ.

Một chàng thanh niên gầy nhom từ đầu hàng người bước xuống, hỏi Vương Khởi Minh một câu giọng tỉnh bơ như không:

- Chuyện gì thế?

Vương Khởi Minh không thiện cảm lắm với chàng trai mặt sần sùi trứng cá này. Anh dài giọng trả lòi:

- Làm thủ tục đi Mỹ.

- Ai chả biết làm thủ tục đi Mỹ, - anh ta tỏ vẻ khinh khi. - Làm thủ tục vào binh đoàn Hắc Long Giang thì ai xếp hàng ở đây làm gì!

- Thì anh đừng hỏi nữa.

- Tôi hỏi là anh làm thủ tục đi thăm người thân, hay đi học tự túc.

- Thăm người thân.

- Thăm ai?

- Bà dì.

Rồi chỉ sang vợ Vương Khởi Minh anh ta hỏi:

- Đi cả hai à?

Vương Khởi Minh gật đầu.

Anh ta lại hỏi:

- Không thể đi một người được sao?

Vương Khởi Minh vặn lại:

- Gì cơ? Khó làm thủ tục lắm ư?

- Khó! Khó cực kỳ là đằng khác! - Chàng ta nói như đinh đóng cột. - Không có cửa để chạy chọt nữa kia.

Nghe vậy, Vương Khởi Minh vô cùng hồi hộp. Anh cảm thấy bàn tay của Quách Nhạn đang nắm cánh tay mình bất chợt bóp mạnh lại, làm anh đau điếng. Anh cứng cỏi hỏi vặn:

- Sao lại không có cửa để chạy?

Anh chàng gầy nhom thấy lời dọa của mình đã gây được hiệu quả mạnh, hí hửng lắm.

- Tôi nói thế nào cho anh hiểu được nhỉ? - Anh ta làm bộ làm tịch, nửa kín, nửa hở. - Bố mẹ tôi xin đi thăm ông tôi, tuổi hai người cộng lại đúng trăm hai; người Mỹ bảo hai người có chủ ý di cư sang Mỹ. Làm đi làm lại hai ba lần, cuối cùng công cốc. Còn anh, tôi nghĩ chẳng có manh mối gì, hãy về kiếm việc mà làm cho sớm chợ.

Vương Khởi Minh đứng chết lặng. Không phải anh không muốn nói, mà là không biết nói gì hết. Ức thật!

- Đừng tin lời anh ta, - Quách Nhạn nói khẽ với Vương Khởi Minh, - anh ta có là đại sứ Mỹ đâu, anh ta biết quái gì. Đằng nào cũng đến đây rồi, ta cứ vào thử xem sao!

- Phải đấy! - Anh chàng gầy nhom nghe được câu cuối của Quách Nhạn, phù họa theo. - Đã đứng vào cái hàng rồng rắn này rồi, được hay không, hãy cứ thử xem cái đã. Hôm qua có một cô nhận được giấy nhập cảnh đấy, nhưng không phải là ăn may! Nhờ có ví tiền đầy với nhanh chân, nhanh mắt, nên người Mỹ ưng đấy thôi! Cái trò ký giấy nhập cảnh này không có chuẩn mực nào đâu, bố ai biết đám mây nào sắp đổ mưa.

Giữa lúc ấy chiếc xe Cadillac cắm cờ Mỹ chạy về phía cổng sứ quán.

Người lính gác đuổi mọi người:

- Nào nào, tránh ra!

Anh chàng gầy nhom khom lưng nhòm qua cửa xe rồi quay đầu lại nói nhỏ với Vương Khởi Minh:

- Tiên sư nó, hôm nay trúng mánh rồi. Con khỉ tóc vàng đến là có cách. Nếu gặp lão râu xồm thì đừng hòng.

Vương Khởi Minh chẳng hiểu mô tê ra sao nữa. Anh hỏi người thanh niên dáng vẻ học sinh đứng bên cạnh:

- Trong sứ quán nuôi cả khỉ nữa à?

Cậu ta giải thích cho anh hiểu:

- Không phải khỉ thật đâu. Người ta đặt biệt hiệu cho các lãnh sự đấy. Khỉ tóc vàng tức là bà lãnh sự có mái tóc màu vàng, nghe nói bà này rất biết điều. Còn lão râu xồm là ông lãnh sự khác. Nghe nói ông ta là người khó nói chuyện lắm, chuyện gì ông ta cũng chối đây đẩy, không chịu ký.

Vương Khởi Minh lại hỏi:

- Hình như anh thông thạo nơi này lắm hả, có tay trong rồi phải không?

- Đâu có, chẳng qua đến đây nhiều lần nên tôi biết thôi!

- Đến mấy lần rồi?

- Lần này nữa là bốn.

Vương Khởi Minh nghe xong càng hồi hộp.

Khoảng nửa giờ, sứ quán có người đi ra và phát cho mỗi người một tờ khai. Thoạt đầu, người ta túm tụm nhóm năm nhóm ba để bàn tán, sau đó tản ra để điền vào tờ khai. Vương Khởi Minh và Quách Nhạn vừa bàn bạc, vừa điền tờ khai. Vì “không dám hỏi ai”, nên cả hai đều vất vả lắm mới khai xong. Vừa lúc ấy, người ta đến thu tờ khai.

- Số một Trương Mậu! - Người nhân viên văn phòng gọi tên.

- OK có tôi! - Anh chàng gầy nhom thưa to rồi chạy lên. Nghe cái tên “Trương Mậu”, mọi người đều cảm thấy tức cười nên ồ cả lên.

- Trương Mậu! Tại sao mẹ anh ta lại đặt cho anh ta cái tên ấy nhỉ?

- Trương Mậu, cái tên ấy khá đấy chứ, nghe vừa nôm na vừa chất phác.

Gió Đông Bắc vẫn thổi ào ào, người đợi làm thị thực nhập cư sang Mỹ vẫn lặng lẽ đợi, lòng càng tâm niệm một ước muốn chung.

Quách Nhạn ôm cánh tay Vương Khởi Minh. Nàng hơi run; có lẽ vì trời rét, nhưng cũng có thể không phải thế.

Mấy phút sau, cửa mở. Thân hình gầy nhom của Trương Mậu từ phía trong lách ra.

Mọi người cùng hỏi:

- Thế nào?

- Chẳng ăn thua gì. - Mặt anh buồn như đưa đám.

Có người lại hỏi:

- Hôm nay không phải khỉ lông vàng à?

- Phải khỉ lông vàng, - Trương Mậu đáp, - nhưng hôm nay cũng chẳng ăn nhằm gì, chắc mụ lây bệnh lão xồm mất rồi.

Mọi người cùng khúc khích cười.

Nhân viên văn phòng lại gọi mấy người nữa vào. Người đứng đợi bên ngoài sốt ruột, lúc lúc lo lắng kiễng chân, rướn cổ nhìn vào phía trong, mong thấy được điều gì đó.

Từ trong cổng, chốc một lại có người đi ra, mặt mày tái mét như bị cảm lạnh.

- Vương Khởi Minh, Quách Nhạn.

Nhân viên văn phòng gọi vợ chồng họ.

Vương Khởi Minh nói nhỏ với vợ:

- Em bảo liệu có nên cơm cháo gì không?

Quách Nhạn đáp:

- Thể nào cũng được!

Đến lúc này, Vương Khởi Minh mới vỡ lẽ phụ nữ thường cứng cỏi hơn nam giới.

Đối với người đứng đợi bên ngoài, Vương Khởi Minh và Quách Nhạn làm thủ tục bất quá chỉ mất hai mươi phút. Nhưng đối với vợ chồng Vương Khởi Minh, thì quãng thời gian đó dài bằng cả một đời người.

Trương Mậu bép xép với người bên cạnh:

- Cặp này ngu lâu lắm. Họ tưởng chỉ loáng cái là xong, làm gì có chuyện bở ăn thế? Mộng Mỹ quốc đâu có dễ như vậy, phải không các vị?

Nhưng anh ta vừa dứt lời thì cổng sứ quán bật mở, Vương Khởi Minh và Quách Nhạn cùng ôm lưng nhau bước ra, nước mắt lấp lóa trên má. Trương Mậu bước lên hỏi:

- Ký rồi à?

Vương Khởi Minh gật đầu lia lịa.

Trương Mậu “ái chà” một tiếng, cất giọng tiếc rẻ:

- Hừ! Hôm nay kỳ thật.

Vương Khởi Minh khẽ hỏi vợ:

- Họ ký cho chúng mình rồi phải không em?

Quách Nhạn đáp:

- Ký rồi!

- Ký thật không?

- Ký thật!

Vương Khởi Minh ôm chặt Quách Nhạn và hôn mãi lên môi vợ.

Trương Mậu đứng cạnh không khỏi ghen tỵ, bình luận.

- Ái dà, chưa đến đất Mỹ mà đã hơn Mỹ rồi.

Vương Khởi Minh và Quách Nhạn mặc kệ, họ vẫn ôm hôn nhau trong gió lạnh, rồi sau đó vẫy chào dòng người đang đứng đợi thị thực.

Vừa đi được mấy bước, họ nghe thấy có tiếng vỗ tay phía sau lưng. Hai người ngoái đầu lại nhìn, anh chàng Trương Mậu đầu têu vỗ tay tiễn biệt họ.

Nghĩ ngợi một lúc, Vương Khởi Minh mới phun ra được một câu:

- Hẹn gặp ông bạn ở nước Mỹ nhé!

Trên sân khấu của phòng hòa nhạc Bắc Kinh, ánh đèn rực rỡ, các dãy ghế khán giả không còn ghế nào bỏ trống. Giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt, Vương Khởi Minh là người đầu tiên bước lên sân khấu, tiếp đó đến Quách Nhạn, người kéo tiểu vĩ cầm, rồi đến Đặng Vĩ, người chơi trung vĩ cầm, và sau cùng là Tiểu Trân, người chơi nhị vĩ cầm.

Vương Khởi Minh nhìn lướt qua một lượt sau khi cúi chào khán giả. Theo nhận xét của anh, các khán giả hôm nay trông nghiêm trang hơn mọi ngày. Anh lại đưa mắt về phía Quách Nhạn, thấy mặt nàng bừng đỏ và đôi mắt nàng long lanh ngời sáng.

“Cô ấy đẹp thật”, anh thầm nghĩ và lần đầu tiên cảm thấy mình đang bị lưới tình yêu vây bủa.

Sau khi vào chỗ yên vị, họ so thử dây đàn. Vương Khởi Minh liếc nhìn ba người rồi gật đầu thật mạnh, tiếng nhạc ùa ra như tiếng thác reo.

Bản nhạc tứ tấu đàn dây của Môda họ đã thuộc lòng. Họ phối hợp với nhau thật nhuần nhuyễn, không có lấy một khiếm khuyết nhỏ, làm mê đắm lòng người.

Mái tóc của Quách Nhạn rung nhịp nhàng với độ lên bổng xuống trầm của tiếng nhạc. Đối với Vương Khởi Minh những búp tóc đẹp mê hồn của vợ anh đóng vai trò chính và vô cùng thích hợp với khúc tứ tấu tuyệt vời của Môda mà họ đang trình diễn.

Đặng Vĩ và Tiểu Trân chơi cũng rất hay, không còn có thể chê vào đâu được.

Bản nhạc kết thúc, tiếng vỗ tay của khán giả ào lên như mưa đổ.

Bản nhạc trình diễn lại cũng rất tuyệt khiến mọi người đắm chìm trong tiếng nhạc, cả gian phòng ào lên tiếng vỗ tay theo nhịp. Bốn nhạc công đỏ bừng mặt trước niềm hân hoan. Tiếng vỗ tay chưa tắt hẳn, ban nhạc đã nhanh chóng lùi sát vào cánh gà sân khấu, vừa lùi họ vừa vẫy tay chào lại người xem. Mãi sau, tiếng vỗ tay nồng nhiệt ngoài phòng hòa nhạc mới dứt.

- Hai bạn cứ về trước, mình ra phố Tây Đơn kiếm vài món về nhậu. - Đặng Vĩ tay xách hộp đàn, nện gót giày trên mặt đường nhựa lạnh cứng.

- Tiểu Trân, em về nhà lấy chai Mao Đài đến nhé!

Vương Khởi Minh vội can:

- Đừng uống Mao đài! Có phải lần đầu tiên chúng ta nhậu nhẹt với nhau đâu.

- Đã đành thế, - Đặng Vĩ cãi lại. - Nhưng lại là lần cuối cùng.

Câu nói ấy làm cho cả bốn người đứng khựng lại giữa đường phố giá lạnh, nhìn nhau, lòng bùi ngùi khôn tả. Đúng là họ không sao nói được nên lời.

Tiểu Trân là người đầu tiên cứu vãn tình thế:

- Anh Đặng Vĩ xưa nay là người vụng nói. Sao lại là lần cuối cùng, phải nói là “bữa ăn cuối cùng với nhau chứ!”

Vương Khởi Minh cười gượng:

- Thì có sao đâu. Đúng là lần cuối cùng chứ sao.

- Thôi, đừng cuối cùng cuối tận lôi thôi nữa, - Quách Nhạn lên tiếng. - Miễn sao ăn ngon là được.

Đặng Vĩ hưởng ứng:

- Đúng!

- Các cậu nhanh nhanh lên nhé! - Vương Khởi Minh dặn Đặng Vĩ và Tiểu Trân - chúng mình về trước nấu nướng.

Bốn nhạc công giải tán giữa màn đêm trước cổng phòng hòa nhạc.

Bữa ăn tối cuối cùng diễn ra rất vui. Trên bàn ăn hình tròn bày đủ các món: Mì nước, lạc rang, đậu phụ rán, búp cải trộn, thịt gà rán, cá hấp và tôm bóc nõn. Đặng Vĩ đặt chai Mao Đài vào giữa bàn tiệc như bày một món chúa tể của bữa ăn thịnh soạn.

Vương Khởi Minh cất giọng cảm kích đầy luyến tiếc:

- Chà, chà, đến đất Mỹ rồi, liệu có bao giờ còn được thưởng thức món búp cải trộn này nữa không đây.

- Thôi đi ông - Đặng Vĩ nói át đi - ở nước Mỹ người ta chuyên ăn thịt bò và uống sữa bò, ai thèm ăn cái thứ búp rau cải của ông.

Tiểu Trân cãi lại:

- Chán những thứ đó rồi thì cũng phải thèm rau chứ.

Đặng Vĩ mở chai Mao Đài, rót vào bốn cốc:

- Nào, Khởi Minh. - Đặng Vĩ nâng cốc, - tôi đã nói trước, cấm có sai. Ông là thằng tốt số mà. Chỉ có sớm hay muộn thôi.

Tiểu Trân cũng nâng cốc:

- Chúc các bạn vui vẻ, hạnh phúc trên đất Mỹ.

- Chuyện vớ vẩn! - Đặng Vĩ phản ứng ngay -Bên Mỹ làm gì có chuyện không vui vẻ, hạnh phúc. Chỉ có tôi là gặp số hẩm hiu, gia tộc nhà tôi kém cỏi, không có quan hệ với ai trên đất Mỹ. Cứ nghĩ mà nẫu ruột, sao mẹ tôi không lấy một người Mỹ nhỉ?

- Hay, hay, hay đấy! Hóa ra là như thế! - Tiểu Trân cắt lời Đặng Vĩ, - nếu mẹ anh lấy Mỹ, thì làm gì có anh.

Vương Khởi Minh uống cạn cốc rượu, từ tốn cất giọng:

- Tôi nghĩ, ông Đặng Vĩ đừng có bi quan thế. Ông biết gia đình tôi thế nào không? Gia đình tôi suốt tám đời chưa ra khỏi thành phố, chứ đừng nói đến nước Mỹ. Đến ngay Thiên Tân ở gần đây thôi, cũng không có nổi một người ruột thịt.

Quách Nhạn tiếp lời chồng:

- Nếu em không được gả vào cửa quan nhà họ Vương của anh, thì dù có một bà dì bên Mỹ, cũng đừng hòng mơ tưởng sang bên ấy, anh ạ!

- Ôi, tôi đâm nghĩ quẩn rồi! - Đặng Vĩ kêu lên.

- Nghĩ quẩn thế nào? - Mọi người đều quay về phía anh.

- Chính sách di dân của Mỹ là thế nào, nói trắng ra là chính sách cởi mở. Chỉ cần cái ấy mon men đến gần, chắc chắn bọn Mỹ cấp giấy ngay.

Lại một trận cười rộ lên.

Tiểu Trân lấy đầu đũa ấn vào trán Đặng Vĩ, vừa cười vừa bảo:

- Có tý rượu vào là lại giở trò nói bậy.

Quách Nhạn cũng hớn hở chêm vào:

- Mồm ông bé, không phun ra được ngọc ngà châu báu đâu.

- Bà chị ơi! - Đặng Vĩ làm vẻ mặt nghiêm túc, - bà chị đừng đứng đắn như thế, hãy thử phô cái thân hình đẹp tuyệt vời của bà chị ra mà bắc cầu sang đất Mỹ.

Vương Khởi Minh cười chảy cả nước mắt. Anh đập tay xuống bàn.

Quách Nhạn xấu hổ đỏ bừng mặt. Nàng chỉ bưng miệng cười, không biết nói gì để chống chế lại chàng Đặng Vĩ bẻm mép.

- Đừng đỏ mặt chứ bà chị! Sang đến đất Mỹ,bà chị còn ối dịp để đỏ mặt. Ở bên ấy, cứ tồng ngồng đi ra phố, chẳng ma nào thèm nhòm. Con gái nhảy thoát y vũ được cho là một nghề hẳn hoi. Bà chị hãy so sánh với ta ở đây, quần áo bông dầy cộp, người ta có nhìn có liếc một tí đã cho là quân lỗ mãng. Thế là bà chị bảo làm gì có chuyện khai hóa nữa.

Quách Nhạn vặn lại:

- Nam nữ quan hệ lăng nhăng bừa bãi mà gọi là khai hóa được à? Tiểu Trân, cậu hãy quản anh ta thật chặt vào nhé.

Tiểu Trân phù hoạ theo Quách Nhạn:

- Anh Đặng Vĩ, anh nói nước Mỹ như thế à? Anh tưởng người ta cũng như anh đấy hẳn?

- Nói thế để em hiểu không phải là anh không biết gì cả! - Đặng Vĩ sẵng giọng nói với Tiểu Trân.

- Nói một cách đứng đắn là để các bạn biết nước Mỹ giàu mạnh như thế nào! Nước Mỹ tự do, thả sức, muốn làm gì thì làm, có sức thì cứ làm, chẳng phải xin ai cả. Chỉ có làm, chẳng ai can ngăn ai hết...

Vương Khởi Minh nghe bạn nói, tự nhiên động lòng:

- Còn mình, mình chưa biết phải làm gì đấy cậu ạ.

Tiểu Trân chêm vào:

- Anh đừng lo chuyện ấy. Người ta bảo ở bên Mỹ, rửa bát đĩa cũng được mấy trăm đô một tháng cơ mà.

Vương Khởi Minh nói thật lòng:

- Nhưng mình đã làm việc ấy bao giờ đâu.

- Việc ấy thì có gì là khó. Vả lại, - Đặng Vĩ khích lệ bạn. - Người ta đã cơ giới hóa tất cả kia mà.

Thấy chồng thực sự lo lắng, Quách Nhạn bèn khuyên:

- Em nghĩ, ở bên ấy người ta cũng chẳng để mình chết đói đâu mà lo.

- Bà chị nói đúng đấy!

- Các em không yên tâm, lại không phải là chuyện sợ đói. - Quách Nhạn nói thêm. - Mà là...

- Bà chị đừng nói nữa! - Đặng Vĩ cắt ngang lời Quách Nhạn, - Bà chị không yên tâm về cháu Ninh Ninh chứ gì?

- Chị cứ yên lòng mà đi, - Tiểu Trân cùng an ủi Quách Nhạn, - Đã có chúng em. - Em đảm bảo mỗi tuần đến thăm cháu hai lần, cả bà già lẫn cháu bé, chúng em bao hết, không để cho bà cháu nó tủi thân đâu.

- Ninh Ninh mới mười một tuổi, đúng cái tuổi cần sự dạy dỗ thường xuyên của cha mẹ.

Nói đến đây, mắt Quách Nhạn đỏ hoe. - Thế mà tôi lại bỏ con để đi Mỹ... thì còn làm mẹ nó như thế nào được...

Cuối cùng, không kìm được, nước mắt Quách Nhạn trào ra.

Vương Khởi Minh kéo vợ về phía mình, nước mắt của Quách Nhạn rơi cả xuống vai áo anh. Anh nghẹn ngào an ủi vợ, và cố giữ cho nước mắt mình khỏi trào ra.

- Em đừng quá lo buồn, không sao đâu em ạ. Ninh Ninh là đứa bé... ngoan... nhất trần đời.

Đêm đã khuya, Đặng Vĩ và Tiểu Trân cáo từ ra về.

Gian phòng đang ấm cúng, giờ bỗng trở nên hoang lạnh. Quách Nhạn vừa trải chăn đệm ra giường, vừa dịu dàng cười với chồng:

- Đêm nay là đêm cuối cùng ở Trung Quốc, giá đừng uống mấy cốc rượu thì nằm xuống là ngủ được liền.

Vương Khởi Minh ngầm hiểu ý vợ, liền từ phía sau ôm chầm lấy Quách Nhạn.

- Sang Mỹ, anh sẽ không cho em đi xem những điệu vũ thoát y đâu đấy nhé!

- Em chả thèm xem, mời kẹo em cũng xin vái.

Vương Khởi Minh vừa lần cởi áo vợ, vừa xoa nắn khuôn ngực đầy đặn, trắng ngần của nàng.

- Chả ngực ai đẹp bằng ngực vợ anh!

- Chưa đến lúc đây ông ạ! - Quách Nhạn ôm rịt lấy cổ chồng kéo xuống giường.

- Anh là anh, đến nơi nào anh cũng vẫn là anh...

Những lời lẽ tiếp theo bị nuốt giữa nụ hôn nóng bỏng. Hạnh phúc và sự thỏa mãn dường như chưa bao giờ có được, nó như từ trên trời rơi xuống, vậy mà trong đêm nay, cái đẹp được phô bày hết thảy, để rồi sau đó, họ ôm nhau chìm vào giấc ngủ ngon lành đầy mộng đẹp.

Họ mơ thấy nước Mỹ chưa từng được nhìn tận mắt, họ mơ thấy bản thân, mơ thấy hạnh phúc yên bình đẹp như tranh vẽ song rất thực.

Họ có chung một giấc mơ, ở đó họ được chuyện trò ôm nhau thật chặt, như sợ hạnh phúc tuột qua khe trống giữa hai cơ thể...

Mà đâu chỉ toàn là mơ.

Sáng tinh sương hôm sau, chiếc Boing 473 đã rời sân bay thủ đô. Và trong chiếc máy bay ấy, có một cặp vợ chồng trẻ ghì chặt tay nhau suốt cuộc hành trình dài đằng đẵng, không rời nhau dù chỉ là trong chốc lát. Họ sốt ruột hỏi các nữ tiếp viên trên máy bay: “Chúng ta đang bay sang Mỹ phải không ạ”?

- Vâng, bay đến New York. - Các nữ tiếp viên hàng không trả lời họ mấy lần như vậy, đương nhiên họ thấy lạ. Sao chỉ một câu hỏi ấy mà đôi vợ chồng kia cứ phải hỏi đi hỏi lại nhiều như thế?

Thực ra, Vương Khởi Minh và Quách Nhạn chỉ muốn chứng minh: tất cả mọi chuyện không phải chỉ là mơ.

- 1 -

Tiến >>

Đánh máy: hoi_ls
Nguồn: hoi_ls
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG, HÀ NỘI, 2006
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 3 tháng 9 năm 2019