Những Vòng Hoa Ngụy Tín

thế vũ

Ngày thứ bảy kể từ hôm trận đánh diễn ra, đối phương rút lui khỏi chiến trường. Buổi sáng, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh xung phong vào làng như thường lệ. Ba đại đội bố trí hàng ngang, súng lăm le trên tay, những khuôn mặt bơ phờ, những con mắt đờ đẫn hướng về phía trước, súng cối rót vào trung tâm làng trong khi đoàn quân chậm chạp di chuyển bám vào bờ rào, những căn nhà vách phên, những đoạn giao thông hào đã cũ. Mười lăm phút sau, súng cối ngưng tác xạ, đoàn quân ba mặt giáp công, chạy băng vào làng. Ngôi làng quá rộng, súng nổ bừa bãi xuống những căn hầm trú ẩn cũ, những hố chiến đấu mới, những căn nhà còn nguyên hay chỉ sập nát một phần mà chưa cháy thành than. Cho đến lúc đó chúng tôi mới biết rằng đối phương đã rút lui từ đêm qua, chúng tôi đã rầm rộ tấn công vào một chỗ không người, những xác chết còn lại từ mấy ngày qua cháy thui trên những đống tro tàn hay được vùi lấp vội vã dưới những chiếc hố trước đó họ đã dùng để chiến đấu. Mùi khét, mùi sình thối, tôi nghĩ đến những con giòi ngọ nguậy trong những cái xác đó. Chúng tôi bố trí lại trên bãi chiến, ngồi bên nhau bên những căn nhà đổ nát, cháy đen, những cái xác đã có mùi nồng rợn người, vất nón sắt, ba lô, súng đạn, bắt đầu một cách thật buồn bã bữa ăn với khẩu phần lương khô cuối cùng còn lại.

Gần trưa, chúng tôi được lệnh kéo về căn cứ hỏa lực gần đó để nhận thêm tiếp tế, để được tuyên dương công trạng và rồi cuối cùng sẽ được trực thăng vận vào rừng truy kích địch quân. Chúng tôi đã ném tung những phần ăn dự trữ, đập vỡ những chai nước mắm, xì dầu mang theo trong ba lô, nổ súng bừa bãi vào những cái xác thối đang bốc hơi dưới nắng trưa, và sau cùng chúng tôi đã phải im lặng mang ba lô trên lưng, đội nón sắt lên đầu, vác súng trên vai, kẻ trước người sau kéo nhau ra đường. Không còn gì để than vãn thêm nữa, chúng tôi cũng đã quá sức mệt mỏi và chán ngán, chúng tôi đã văng tục, chửi thề quá nhiều và bây giờ là lúc nên im lặng di chuyển qua quốc lộ đúng như bài học chiến thuật ngày nào trên một bãi tập ngoài ngoại ô thành phố. Tôi đã đi chiến đấu đâu khoảng sáu năm, đã ở nhiều nơi khác nhau, đã tham dự nhiều trận đánh với nhiều đơn vị khác nhau và hầu hết những đồng đội của tôi quanh đây cũng thế. Ban đầu chúng tôi thấy đó là một việc làm ngao ngán, sau thấy đó là một cực hình và cuối cùng điều đó là một việc không thể tra vấn thêm nữa, mỗi người nhận chịu như nỗi mệt mỏi và buông xuôi ê chề. Ông trung úy, ông thiếu tá thì phải nghĩ đến những cái gọi là trách nhiệm, hay thực tế hơn đối với họ chẳng hạn như chiến thắng, như tuyên dương công trạng, như đặc cách tại mặt trận để thường xuyên mở bản đồ ra xem lại địa thế, xem lại tình hình của địch, của ta, khoảng cách, tổn thất, quan niệm điều quân... Còn tôi, chúng tôi thì không, chúng tôi không biết gì cả, không nghĩ gì cả, lúc rời khỏi quân trường chúng tôi đã không phải tuyên thệ danh dự và trách nhiệm, ngoài mặt trận chúng tôi đã chỉ được nghe lệnh đi tới mà không hề biết đi những nơi đâu và làm những gì, cho nên lâu lâu ông tổng thống có tuyên bố sắp sửa hòa bình hay mở rộng chiến tranh, ông tướng tư lệnh có bảo phải cho quân lính nghỉ ngơi dưỡng sức hay phải tăng cường hiệu năng cơ động đơn vị để sớm đạt được chiến thắng lớn lao, những điều đó hình như đã từ lâu chúng tôi không buồn lưu tâm tới nữa, mệt và nhàm quá thành thử điều gì cũng trở nên tầm thường và đáng quên. Điều mà chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thắc mắc, đó là nên chết đi hay trở thành què cụt mà trở về. Trở về, đó là việc quan trọng hơn cả, nhưng trở về như thế nào. Chết đi, quả thực điều đó không phải khó nhưng lại không hẳn là một việc dễ dàng. Què cụt, hình dung ra những con người hai tay hai chân bị cưa ngắn, ngo ngoe trên những chiếc giường ruồi bâu xanh đen trong quân y viện, những cái xe đẩy nằm buồn thảm trên một góc thị tứ ồn ào, hay những cái chân giả đong đưa, những chiếc nạng tủi nhục, chúng tôi đứa nào cũng ứa nước mắt vội vàng nói đến những chuyện khác.

Về đến căn cứ hỏa lực, chúng tôi được chia cho một khu đất trống bên cạnh bãi trực thăng để nghỉ ngơi, tái tiếp tế và chờ lệnh. Đó là một khu vực nằm phía sau quận lỵ, trống không và nắng gắt. Những đứa nhanh nhất đã ném súng đạn đi bổ ra khu chợ tồi tàn trước mặt quận để tìm quán nhậu, những đứa khác trải poncho ra đất nằm nghỉ mệt, đọc thư nhà. Còn hai giờ nữa buổi lễ tuyên dương công trạng mới bắt đầu và chắc chắn cũng khoảng gần tối chúng tôi mới được trực thăng ném vào một khu rừng nào đó. Tôi không nhận được một lá thư nào, những đứa em gái tôi lo nghĩ đến hạnh phúc, hẳn vậy; người chị tôi thì chắc chắn đang ngồi nơi xế chợ lo làm sao bán cho hết gánh hàng vặt để kiếm chút tiền lãi nhỏ mọn nuôi những đứa cháu còn bé bỏng của tôi; ông anh tôi thì có hơn gì tôi đâu, nếu không phải đang bò lê xung phong dưới hỏa lực trong một trận giao tranh ở đâu đó thì cũng đang buồn bã nhai phần cơm khô trong một khu rừng xa xôi nào ngoài sự tưởng tượng của trí óc rối ren của chị tôi. Cha mẹ tôi thì quá già, còn những bạn bè tôi chắc chắn không còn điều gì nữa để viết. Tôi không có người yêu để chờ đợi những dòng chữ hoặc nhí nhảnh hoặc làm dáng đọc cho đỡ buồn. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi có thật tôi cần điều đó hay không. Thỉnh thoảng mang cái đầu bờm xờm vào hiệu hớt tóc, tôi đã chăm chú nhìn khuôn mặt mình trên tấm kính để đo lường lại mình: đúng là tôi đã già. Nhưng qua khuôn mặt hốc hác, bệ rạc trên tấm kính, qua mái tóc đã có sợi ngả bạc hơi sớm mà tôi chợt đôi lần khám phá ra, tôi lại tự hỏi liệu mình còn sống được bao lâu nữa, tôi còn phải tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác, xảo trá, ngụy tặc trong cái hoàn cảnh phản trắc hiện nay bao lâu nữa, và nhất là tôi còn bị người ta tung hô và nguyền rủa, lợi dụng và vỗ về, lừa đảo và chèn ép bao lâu nữa? Tôi không còn đủ can đảm viết thư về thăm gia đình, kể lại cho ba má tôi nghe về những điều đó, và tôi thường cũng không còn đủ kiên nhẫn viết hết một trang giấy gởi cho bạn bè tôi, anh chị tôi, các em tôi rằng chiến tranh sắp chấm dứt, tôi sắp được trở về, rằng hòa bình đang đến hay sẽ đến. Lâu dần, tôi nhận ra rằng từ bao giờ tôi đã quen sống bằng những ngụy tín, không những chỉ do người ta mang đến để lừa đảo mà còn do chính tôi tạo ra để khỏi trở thành một kẻ mang tâm thức đào ngũ, tạo ra để tự ru ngủ chính mình.

Tôi nằm trên một tấm poncho với một anh bạn, hút thuốc lá vớ vẩn để chờ đợi. Hai giờ chiều, chúng tôi bị gọi tập họp bên sân trực thăng, cạnh một cái khán đài dã chiến đã có cắm những lá quốc kỳ, được thiết lập một hệ thống âm thanh. Một câu khẩu hiệu căng trước mặt tiền khán đài, ghi: “Toàn dân quận P.N chào mừng chiến thắng Plei Kenh Sănh” và một câu khác ghi “Plei Kenh Sănh mồ chôn quân thù” căng đối diện với câu kia qua một khoảng đất trống! Chúng tôi xếp lại quân trang vào ba lô, súng đạn lên vai ra tập họp. Dù bận rộn, tôi cũng đã phải chú ý đến những anh lính nghĩa quân già ngơ ngác trước sân, những lá cờ bay phất phơ trong gió lộng, hai câu khẩu hiệu làm tôi chột dạ, cái dáng ông quận trưởng bận rộn lo lắng y hệt một con lật đật, những ông sĩ quan khác đứng quanh khán đài lo chuẩn bị tiếp đón ông tướng tư lệnh và phái đoàn. Mấy anh nghĩa quân trang phục lộn xộn đứng gần một đám lính địa phương, những chiếc ống vố nặng trĩu trên đôi môi dày thẫm, những khuôn mặt thảm thiết của những người vừa thoát ra khỏi cái chết bủa xuống bất ngờ. Từ bên quận lỵ, một số cảnh sát và lính địa phương có mang vũ khí đang đưa một số đồng bào thiểu số vào khu vực hành lễ. Họ đóng khố, mang gùi, tóc búi cao, trẻ con được địu trên lưng, vài người đàn ông xách cồng xách chiêng đi trước có vẻ mạnh dạn hơn đám đàn bà bỡ ngỡ và sợ sệt chậm chạp theo sau.

Đại đội bị trưng dụng làm lực lượng tăng cường an ninh cho buổi lễ. Chúng tôi chuẩn bị đi ngay, phân tán thành từng tổ hoặc phân đội để nằm rải rác trong các buôn ấp quanh đó. Trong khi chờ đợi ông đại đội trưởng nhận lệnh chi tiết từ tiểu đoàn trở về, chúng tôi còn khoảng mười phút rảnh rỗi để chuẩn bị. Thật ra, chúng tôi cũng không cần phải chuẩn bị gì nữa, năm ngày lương khô vừa lãnh xong trưa nay đã được cho vào đáy ba lô, còn những bộ quần áo trên người mỗi đứa có bẩn lắm không thì chúng tôi không bận tâm tới. Mỗi đứa chúng tôi có cả những con rận, bọ chét khuấy phá trong người kể từ đầu trận đánh trong khu vực này, sau vài buổi tối chui rúc dưới các chuồng gà, chuồng lợn, dưới những ngôi nhà sàn hôi hám bẩn thỉu đầy phân người và phân thú vật. Buổi trưa rỗi rảnh vừa qua thật vội vã và quá mệt mỏi, không đứa nào nghĩ đến việc tụt quần ra mà bắt bọ chét dưới nắng trưa.

Tôi đang ngồi hút thuốc và nghĩ đến việc đi tăng cường an ninh cho buổi lễ chắc hẳn phải sung sướng hơn là đứng nghiêm trước khán đài, bồng súng chào ông tướng ông tá đi duyệt hàng quân, đứng yên một nơi suốt mấy mươi phút buổi lễ diễn ra..., ngay lúc đó thì ông đại đội trưởng cho lệnh gọi tôi. Ông nói tôi được đề cử ở lại thay mặt cho một người lính trong tiểu đoàn để nhận tuyên dương công trạng, bởi vì người kia bị sốt rét vừa được chuyển về hậu cứ. Quả là mệt, dưng không tôi phải đóng vai một người khác nhận lời tung hô rằng anh hùng, gan dạ, đứng đợi ông tướng đến gắn lên ngực mình một cái huy chương dành cho người khác! Quả thật, đó là một việc làm khôi hài rất đáng xót xa. Tôi đã nhiều năm liên tiếp vác súng đi từ mặt trận này đến mặt trận khác, chưa một lần nào tôi phải đứng chào một cấp chỉ huy để nhận lời tuyên dương công trạng của mình, nay thì tôi phải làm như vậy cho một kẻ khác. Được tung hô hay không đối với tôi thật không cần thiết gì, quả vậy, tôi chỉ cần làm thế nào để còn sống mà trở về với cha má, anh chị tôi, với các em các cháu tôi, làm thế nào để một mai may ra có ngày nào bình yên, tôi có trở về thì cũng không phải nhờ vợ đẩy xe qua các ngả thị tứ bán vé số ăn huê hồng, làm thế nào để còn đủ hai chân để đưa vợ con tìm lại quê nhà, dựng lại một mái tranh che mưa đỡ nắng, đêm đêm ôm vợ con mà ngủ qua ngày tháng cơ hàn, ngày ngày ươm những hạt giống chờ ra hoa kết trái nuôi sống lấy tôi và vợ con tôi, để chúng không phải đi ở đợ cho bọn nhà giàu nuôi lại bố mẹ chúng. Tôi có cần gì được gọi lên xếp hàng, nghiêm chào, chờ đợi người ta gắn lên người tôi một thứ vinh danh anh hùng, can trường, đã liều mình, đã say khói súng, đã trả được thù, đã hăng say chém giết... Thế mà bây giờ tôi phải đi đóng một vở kịch như thế. Thật là mệt, tôi xin ông đại đội trưởng hãy thương tôi mà vui lòng đề cử một người khác, nhưng ông lại nhất định khước từ. Ngay sau đó, tôi được đưa lên bộ chỉ huy tiểu đoàn để nhận chỉ thị. Tôi được lệnh bỏ súng đạn, ba lô xuống đất, thắt lại dây giày, gom lại ống quần trận, phủi bớt bụi trên áo, sửa lại khăn quàng cổ, xắn tay áo lên cao quá cùi chỏ, đội nón sắt lên đầu. Cuối cùng ông tiểu đoàn trưởng bảo tôi:

- Mày thay mặt cho trung sĩ Đinh Văn Tài, nghe chưa. Kể từ giờ phút này cho đến khi chấm dứt buổi lễ, mày phải luôn luôn nhớ rằng mày là trung sĩ Đinh Văn Tài, không còn là mày nữa, nghe chưa? Gọi tên trung sĩ Tài, mày phải nhớ mà trả lời, nghe rõ không?

Tôi vừa trả lời vừa cảm thấy khôi hài. Tuy nhiên tôi vẫn phải cố gắng sửa lại cái dáng bên ngoài của tôi thế nào cho có vẻ là trung sĩ Đinh Văn Tài nào đó mà tôi chưa hề biết. Càng lúc tôi càng thấy ngượng với mình và càng ngượng tôi càng thấy thật lố bịch. Có lúc tôi thấy như mình đang phải tham dự vào trò chơi của kẻ khác, một trò chơi buồn tẻ, không có gì hấp dẫn hết trừ điều đó có thể làm hài lòng những người chốc nữa đây sẽ ngồi trên khán đài cao nhìn xuống. Vị tiểu đoàn trưởng của tôi dẫn đầu một số anh hùng của trận đánh vừa qua trong đó có tôi trong vai trung sĩ Đinh Văn Tài tiến lên trước mặt khán đài, chuẩn bị cho buổi lễ. Trong khi chờ đợi ông tướng và quan khách đến, chúng tôi lại bắt đầu tập dượt những động tác cần thiết. Tôi được dạy cho biết phải đứng ở vị trí nào, tiến lên ra sao, đứng nghiêm và đưa tay chào như thế nào lúc ông tướng chìa tay ra nắm lấy bàn tay xương xẩu đầy gân cốt của tôi, của gã chiến sĩ đã hăng say chém giết, và cuối cùng phải lùi lại đằng sau như thế nào để lui về vị trí cũ. Hình như lúc đó tôi đã cố gắng nghĩ đến một điều gì khác đi để giữ mình đủ bình tĩnh mà đóng cho xong vai trò bị giao phó cho, nhưng không bao lâu sau, mắt nhìn về phía trước mặt, tôi đã bắt gặp ngay câu khẩu hiệu căng trước mặt tiền khán đài và bộ mặt ông trung tá đang di chuyển nặng nề đến phía tôi. Ông hỏi khi còn cách tôi khoảng ba thước:

- Quần áo sao bẩn thế này, hả?

Tự nhiên tôi ấp úng, khổ sở không biết phải trả lời ra làm sao. Tôi giá như ông trung tá biết rằng trong người tôi đang có hàng vạn con rận và bọ chét thì hẳn ông sẽ tống cổ tôi ra khỏi hàng ngay. Ông hỏi tiếp:

- Tên gì?

Suýt chút nữa thì tôi đã quên. Nhưng vừa kịp nhớ ra, tôi lắp bắp:

Đinh Văn Tài... trung sĩ.

Chức vụ gì?

Vị tiểu đoàn trưởng của tôi vội vã đỡ lời trước khi tôi có thể bịa ra được:

- Tiểu đội trưởng tác chiến đó, thưa trung tá. Nó giỏi lắm, một mình bắn gục sáu bảy tên...

Ông trung tá nhìn tôi từ đầu tới chân rồi quay sang hỏi một người khác bên cạnh. Tôi đưa mắt ngao ngán nhìn sang đám dân thiểu số đang cố gắng đứng thành hàng ngũ một cách thật ngượng ngùng bên một góc trước khán đài dưới sự chỉ huy của hai người cảnh sát. Hẳn nhiên họ được đưa tới đây để đóng một vai trong vở kịch, vai trò quần chúng nhân dân trong vùng quận P.N. chào mừng chiến thắng mới. Chiến thắng, điều đó tôi biết rõ hơn cả cái vai mà tôi sẽ diễn trong vở kịch. Trước tiên là một đơn vị đặc công đối phương đã tràn ngập vào chi khu lúc hơn hai giờ sáng. Ông quận trưởng cố thủ và xin viện binh. Thế nhưng đến quá năm giờ thì địch rút ra khỏi chi khu sau khi đã phá nát hệ thống phòng thủ ngoài cùng của vị trí bằng chất nổ. Hơn tám giờ sáng, tiểu đoàn tôi và lực lượng tiếp ứng đầu tiên đến khu vực quận P.N. Dĩ nhiên là quá trễ để tiếp ứng cho trận công đồn đó, tuy nhiên đơn vị chúng tôi lại bị phục kích ở một vị trí cách đó không hơn ba cây số. Ông quận biết rõ rằng, với con số tổn thất khá cao của binh sĩ ông, ông bị xem như thất trận, và để níu kéo phần nào tâm lý quần chúng đang hoang mang bởi sự chiếm đóng rất dễ dàng của đối phương, ông đã phải xin thêm viện binh đến trợ chiến cho đơn vị tôi. Nhưng ông quận cũng không ngờ rằng cho đến ngày thứ ba, đơn vị tôi vẫn chưa chiếm xong mục tiêu, và tất cả những đơn vị tiếp ứng đến sau đó cũng đều kẹt lại ở mục tiêu đầu tiên. Những trận đánh lớn nhỏ diễn ra ở những nơi cách nhau không hơn ba cây số. Hai ngày sau đêm chi khu bị tấn công, người ta mới biết được rằng lực lượng đối phương có đến cấp trung đoàn, phân tán trú ẩn và sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các ấp sung túc nhất quanh quận. Bỗng dưng trận đánh biến thành rộng lớn với nhiều tiểu đoàn bộ binh và cả trăm chiến xa. Ngày thứ tư của trận đánh, địch quân rút lui khỏi mục tiêu thứ nhất của tiểu đoàn chúng tôi. Buổi sáng, hơn ba trăm quân tràn vào một vị trí bỏ không, sau đó chúng tôi tiến thêm khoảng một cây số nữa thì chạm địch lần thứ hai. Lần này, trận đánh chỉ kéo dài khoảng hai mươi bốn giờ và cũng kết thúc một cách thật bất ngờ như lần trước. Trong khi đó, nhiều cánh quân khác vẫn còn bị cầm chân ở ngay ngoài bờ rào ngôi làng đầu tiên mà họ cần phải vượt qua. Với tư cách một khinh binh chiến đấu, tôi đã nghe lệnh xung phong mỗi ngày năm bảy lượt, sau những tràng pháo binh, sau những đợt bắn phá bằng rocket, phản lực cơ, bom xăng đặc, bom 500 cân, hơi ngạt. Mỗi ngày chúng tôi xung phong năm bảy lượt, cuối cùng chúng tôi trở nên bơ phờ, hốc hác, mệt mỏi và chán ngán cùng cực. Một đôi lần ngồi nghỉ giữa tiếng bom nổ vây tứ bề, hút một điếu thuốc lá hay ăn một nắm cơm khô để giữ sức, nghe kể chuyện, chúng tôi biết thêm nhiều điều khá xót xa, chẳng hạn như về ông trung tá chỉ huy chúng tôi hiện nay, người được xem như chỉ huy trực tiếp trong trận đánh này là một sĩ quan chưa hề giữ một chức vụ nào ở bất cứ một đơn vị chiến đấu nào; hơn hai mươi năm lính của ông làm cho tôi có một thành kiến khá chua chát. Chắc hẳn những năm đầu trong quân ngũ, ông chỉ là một loại lính cho Tây sai vặt, sau đó ông cũng không phải có mặt ngoài chiến trường vì là giai đoạn đình chiến và thời kỳ sau cùng trước khi về nắm vận mệnh hai nghìn người lính anh em tôi, ông là một sĩ quan có rễ mọc thật vững trong thành phố. Tôi cũng còn được biết rằng trong trận đánh này, quan niệm điều quân của các cấp chỉ huy chúng tôi không thống nhất. Ông quận trưởng, ông tỉnh trưởng thì nghĩ rằng thà hy sinh bọn lính chúng tôi còn hơn là làm thiệt hại dân chúng. Ông tướng tư lệnh thì quan niệm rằng cứ sử dụng tối đa trọng pháo và không kích, như thế hẳn địch không thể chịu đựng được mà rút lui. Riêng ông trung tá thì muốn chúng tôi phải chiến thắng, mà tượng trưng là những chiến lợi phẩm bằng bất cứ giá nào, cái giá mà dĩ nhiên ông không phải trả, ông không thể ước tính được và chắc chắn không bao giờ ông biết được. Sáng ngày thứ ba, khi tấn công vào mục tiêu, chúng tôi bị bắn nhiều quả đạn 75 ly không thể bám sát vào vị trí của địch, vị tiểu đoàn trưởng của tôi báo cáo về cho ông trung tá biết tình hình và xin không kích phá hủy vị trí đó trước khi bộ binh xung phong, ông trung tá không có ý kiến gì về vấn đề không kích trong khi ông quận không thuận vì sợ tổn thất đến số dân chúng còn lại trong khu vực đó. Tuy nhiên ông trung tá đã ồn ào nói với vị tiểu đoàn trưởng trong máy vô tuyến: “Gắng lên, gắng lên! Lấy được khẩu súng đó đem vô cho tôi, tôi sẽ gắn thêm cho anh một cái mai bạc nữa. Tôi hứa chắc như vậy, tôi sắp cho người đi mua ngay bây giờ! Gắng lên!...”. Tôi nhớ khá rõ là đã có sáu người chúng tôi bị bắn ngã trong khi tiến lên vị trí khẩu đại bác đó. Hẳn nhiên bây giờ họ đang nằm buồn thảm trong nhà xác quân y viện thành phố bên cạnh hàng trăm người khác cũng vừa bị loại ra khỏi vòng chiến trong trận này. Và người đã đưa tay nắm khẩu súng đó kéo về phía bên này, chạy giật lùi lại phía sau để nộp cho ông tiểu đoàn trưởng, hắn cũng đã bị bắn chết chiều hôm đó khi vượt qua một hàng rào kẽm gai. Buổi chiều hôm đó, khi nằm chờ phiên gác đêm bên cạnh một cái chuồng lợn trống vắng và hôi hám dưới một căn nhà sàn, tôi đã nghĩ đến một điều đã ám ảnh tôi và nhiều người khác quanh tôi từ rất lâu rồi: thực ra, tôi đang chiến đấu cho ông tiểu đoàn trưởng, cho ông trung tá, cho ông tướng, cho ông tổng thống hay cho cá nhân tôi, hay cho tất cả những điều mà tôi đã nghe vẽ vời trên những bức tường cũ trong các thành phố lớn nhỏ, những điều như tự do, độc lập, đất nước, quê hương, dân tộc, tổ quốc, những điều như bản thân, gia đình, hòa bình, no ấm?

Ông tướng đến bằng trực thăng nhưng chậm gần nửa giờ. Tiếng kèn đồng rời rã xen lẫn với tiếng cồng tiếng chiêng của đám dân Thượng lúc ông tướng đi duyệt hàng quân tạo thành một thứ âm thanh kỳ cục. Sau đó, ông tướng cùng phái đoàn lên khán đài ngồi, bắt đầu nhồi thuốc vào những chiếc ống vố, lần lượt nghe ông quận trưởng và ông trung tá ngợi ca một cách ồn ào những chiến công hiển hách, lẫy lừng của lính địa phương, của những đơn vị bộ binh, thiết giáp trong tuần lễ qua. Ông quận ấp úng nói về tinh thần chiến đấu hăng say, quả cảm của các đơn vị địa phương quân trong đêm địch công đồn, đã làm cho đơn vị đặc công địch xem như bị xóa tên; những thứ chiến thắng mà hầu như mọi người đứng phía dưới khán đài đều biết rõ rằng đã được tô điểm một cách tồi tệ và lố bịch. Ông trung tá tiếp lời ông quận trưởng tường trình về diễn biến của cuộc hành quân bao vây tiêu diệt địch, ông đã gần như say sưa nói đến sự tiến quân như vũ bão của lực lượng bộ binh và thiết giáp. Bằng một quan niệm điều quân hết sức sáng suốt, với ý chí quyết thắng, các đơn vị đã đem lại chiến thắng lớn lao ngoài sự mong ước của đồng bào địa phương. Cuối cùng, ông còn nhấn mạnh thêm có lẽ để cho ông tướng hài lòng:

- Chúng tôi luôn luôn nhớ lời răn dạy quý hóa, sáng suốt và đầy kinh nghiệm của thiếu tướng, là diệt địch phải diệt tận gốc. Cho nên dù đã cố gắng đánh tan cả trung đoàn chủ lực địch, các binh sĩ của chúng tôi vẫn sẵn sàng hân hoan nhận thêm chỉ thị mới để tham dự cuộc hành quân truy kích và tiêu diệt cho tới tên cộng sản cuối cùng. Ngay sau buổi lễ này, các binh sĩ của chúng tôi...

Ông trung tá làm tôi mủi lòng nhớ tới bổn phận của mình sau buổi lễ. Năm ngày lương khô đã lãnh xong trưa nay, quả thật chúng tôi đã sẵn sàng chờ ban hành lệnh hành quân mới, nhưng chúng tôi không hân hoan tí nào khi nghe ông lặp lại lời tuyên bố quý báu và sáng suốt kia của ông tướng, càng không hân hoan tí nào khi phải đứng đây nghe những chỉ thị, những tường trình của các tên lính thú ngày xưa còn sót lại, nghe những anh lính vốn do Tây đào tạo để sai vặt hay nhiều lắm là đánh thuê trong một thời kỳ đã xa lắc, bây giờ đang cất giọng hô hào nỗ lực chiến đấu. Làm sao tôi có thể vui lòng thi hành những chỉ thị của một ông đơn vị trưởng quá tồi và quá ngu dốt, đã đánh mất tất cả niềm tin tưởng cần thiết của thuộc cấp, làm sao tôi có thể chạy thêm năm mười bước nữa dưới hỏa lực của địch quân để chiếm lại một vị trí thiết yếu của họ khi mà tôi chỉ làm để những kẻ hèn nhát và vô trách nhiệm lên lon, để họ đứng vênh váo trên bục cao ngỏ lời phủ dụ đám lính rách rưới là chúng tôi phía dưới, để họ tự vinh danh như đó là những chiến tích vĩ đại của họ. Ông tướng, làm sao ông biết được rằng cái kiến thức về chiến thuật của ông trung tá chỉ đáng làm một tên lính khố đỏ cách đây nửa thế kỷ. Làm sao ông biết được rằng chúng tôi đã ứa nước mắt khi một đồng đội của chúng tôi ngã gục, những giọt nước mắt kia không phải duy chỉ để tiếc thương cho một người nằm xuống trong quạnh hiu mà còn là những giọt nước mắt tủi nhục nhất khóc cho chính mình, bởi vì số phận của chúng tôi đã phải nằm trong tay một kẻ không đáng. Làm sao ông biết được rằng những thương binh trong các quân y viện đã bị bỏ rơi một cách thật khốn nạn và không bao giờ được thăm viếng. Làm sao ông hiểu được ý nghĩa của những giọt nước mắt mẹ già sáu mươi từ Đồng Tháp lên cao nguyên miền Trung thăm con trai đang cầm súng đã bị xua đuổi trở về. Làm sao ông biết được những phần lương khô viện trợ cho những con tốt đen Á châu chiến đấu cho tự do và sống còn đã bị ăn cắp công khai bằng cả một hệ thống. Ông tướng làm sao ông biết được tinh thần chiến đấu thực sự của binh sĩ chúng tôi như thế nào. Làm sao ông biết được con số đào ngũ càng ngày càng cao đến mức độ trầm trọng trong lúc ông vẫn được báo cáo tinh thần phục vụ của chúng tôi vẫn hăng say. Làm sao ông biết được số quân tham chiến đã suy giảm một cách đáng ngại khi trong những tờ báo cáo mà ông vẫn đọc hàng ngày đã nói với ông rằng các đơn vị vẫn đầy đủ quân số. Ông tướng, ông làm sao biết được con số lớn lao bọn lính ở lại hậu cứ lo những dịch vụ riêng tư cho ông trung tá này, ông thiếu tá nọ trong khi họ vẫn được chứng minh trên các thứ báo cáo là hiện có mặt tại các cuộc hành quân, làm sao ông biết được rằng có những đứa được đưa về phố xây cất nhà cửa liên tiếp trong năm bảy tháng cho cấp chỉ huy, những tên lính đặc trách làm vườn, quét dọn, giặt quần áo cho vợ con các ông sĩ quan, những tên lính đặc trách đi kinh tài riêng cho nhiều ông sĩ quan khác nhau; ông có biết và tin những điều như thế? Ông tướng, làm sao ông tin được rằng đời sống ở những khu gia binh trong các đồn quân xa xôi quả thật là thế giới khốn nạn nhất, họ phải chen lấn nhau, chui rúc nhau trong những căn phòng chật hẹp một cách khó tin, thiếu thốn, đói rách, đó cũng quả thật là thế giới của loài thú khi họ phải làm tình trên nền đất và không có gì dùng được để ngăn che; trẻ con lớn lên không thể đi học, nước uống phải mua từ những chiếc xe không bao giờ thấy dùng trong bất cứ một thứ công tác nào khác, hàng quân tiếp vụ mỗi tháng họ phải xô đẩy nhau giành giật một chỗ đứng chờ đợi trước một cánh cửa chật hẹp để có thể mua không quá vài trăm bạc cho cả một gia đình gồm gần mười miệng ăn. Làm sao ông có thể biết được những điều đó, làm sao ông có thể hiểu được những giọt nước mắt ứa ra trên những khuôn mặt khốn khổ chúng tôi. Làm sao lúc ông ngồi trên bục cao của một khán đài trong một buổi lễ tuyên dương công trạng, trước mặt ông là đám lính xám ngoét, rã rời, ê chề và câu khẩu hiệu dối trá Plei Kenh Sănh, mồ chôn quân thù bay phơ phất những bày biện có tính cách lừa đảo quanh đây, làm sao ông biết được sự thảm bại đang ngự trị trong đầu bọn lính chiến chúng tôi. Những điều mà ông quận trưởng đã nói, những điều mà ông trung tá vừa nói, những điều mà ông sắp sửa nói ra có phải để làm cho chúng tôi tăng thêm tinh thần chiến đấu hay thật ra chỉ là để tự ru ngủ các ông và đánh lừa đám dân thiểu số đang há hốc mồm để nghe bên đây?

Tôi không còn nghe rõ những chỉ thị của ông tướng nữa. Tôi đưa mắt nhìn quanh khu vực hành lễ. Bên kia khoảng sân, những tà áo phất phơ trong gió chiều và những khuôn mặt tuổi thơ trong sáng làm tôi chú tâm. Những vòng hoa màu nhạt nằm trên tay họ. Gió thổi tung những mái tóc dài phủ xuống vai, buổi chiều đang ngả bóng xuống khá dài trên mặt đất đỏ và khô của cao nguyên mùa nắng. Tôi bắt đầu hiểu cái việc mà các cô bé dễ thương kia sắp làm.

Chúng tôi, những người được tuyên dương công trạng đứng thành ba hàng ngang trước mặt khán đài. Hàng thứ nhất gồm có ba sĩ quan, ông trung tá, vị tiểu đoàn trưởng của tôi và cuối cùng là một lão đại úy già mà tôi chưa hề biết. Hàng thứ hai, một ông đại úy cố vấn Mỹ, ông trung úy đại đội trưởng tiểu đoàn tôi, hai sĩ quan kế tiếp hình như thuộc một đơn vị bạn, một viên phi công Mỹ, một hạ sĩ quan cố vấn, một chuẩn úy trẻ tuổi, ba hạ sĩ quan, đến tôi và khoảng mười người nữa, tất cả đều đỏ ngoét màu bụi đất đỏ. Hàng thứ ba, một ông thượng sĩ và một ông trung sĩ Thượng, một số binh sĩ thuộc lực lượng địa phương đứng đầu hàng, một số binh sĩ thuộc lực lượng nghĩa quân sắc phục lộn xộn ở cuối hàng, có người chân đất, có người mặc quần đùi, có người chỉ quấn một chiếc khố và lưng còn mang cả gùi, tôi nghĩ họ phải là những người còn sống sót sau đêm chi khu và đồn Plei Kenh Sănh bị tấn công dữ dội. Ông tướng bước xuống khỏi bục, cho cái ống vố mà ông vẫn nắm trên tay từ lúc rời trực thăng vào túi áo trận thẳng nếp. Tiếng kèn đồn, tiếng cồng, tiếng chiêng lại khua vang lên. Ông tướng bước tới phía chúng tôi sau khi toàn thể binh sĩ đứng dưới khán đài đồng loạt đưa tay lên trong tư thế chào. Phần gắn huy chương và đặc cách bắt đầu. Một anh hạ sĩ quan hai tay bưng chiếc gối có cài sẵn những chiếc huy chương và những cấp hiệu mới tiến lên bên ông tướng. Cạnh khán đài, một sĩ quan đứng đọc thành tích anh dũng của từng cá nhân được tưởng thưởng. Tôi muốn bỏ chạy khỏi nơi đó lúc ông tướng gắn cấp bậc mới cho ông trung tá với những lời ca tụng lải nhải phía sau: Một vị chỉ huy xuất sắc, đầy kinh nghiệm chiến trường, đã trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân bằng một quan niệm điều quân mới mẻ, vững chãi và nhanh nhẹn, với một kế hoạch tấn công như vũ bão đã đánh vào đầu địch quân những đòn chí tử làm cho cả một trung đoàn chủ lực địch phải tháo chạy điên cuồng, bỏ lại trên chiến địa hơn hai trăm xác chết, chưa kể... Những điều này, tôi nghĩ rằng tôi phải biết rõ hơn ông tướng: những cánh quân nhỏ chạm địch đã bị bỏ rơi ra sao, những cánh quân khác lý ra phải yểm trợ cho cánh quân kia đã phải rút lui vì lý do nào, những lần thay đổi lệnh tấn công, bao nhiêu lần khác chờ đợi ông ra chỉ thị, chờ yểm trợ, chờ đợi quyết định đã tố cáo cho tôi biết cái khả năng điều quân của ông trung tá như thế nào. Thật ra ông trung tá đã chỉ có mặt tại căn cứ hỏa lực để tiếp đón những phái đoàn từ các bộ tư lệnh xuống thăm vào ban ngày, mỗi buổi chiều ông đón chuyến trực thăng sau cùng bay từ căn cứ hỏa lực về hậu cứ trung đoàn, bỏ rơi mấy nghìn mạng người lính ngoài các buôn ấp cho một ông sĩ quan cấp úy điều động và trực tiếp chỉ huy. Tôi cũng biết rõ rằng sự thăng cấp đặc cách tại mặt trận cho ông là một sự sỉ nhục quá lớn cho những người còn sống sót sau trận đánh, và là một sự phản bội tàn bạo những người đã chết. Làm sao ông tướng biết được những điều đó?

Sau phần gắn cấp bậc cho các sĩ quan đặc cách thăng cấp tại mặt trận, ông tướng bắt đầu tiến đến hàng thứ hai và ông tân đại tá bắt đầu đi gắn cho đám lính địa phương quân rách rưới, lem luốc và bệ rạc ở hàng thứ ba. Tôi thấy tay mình bắt đầu run, cố gắng một cách thật khó khăn mới giữ được cho bàn tay nguyên trong tư thế chào trên vành nón sắt. Tôi thấy hình như mình có thể ứa nước mắt, chực khóc được khi nghĩ đến chốc nữa đây, khi ông tướng lên trực thăng trở về lại thành phố, và chúng tôi... Tôi cũng đã nghĩ đến những người bạn mình đã chết, xác trong nhà vĩnh biệt thành phố, những thân nhân nào của họ đang gào khóc trên đường tìm kiếm xác người thân yêu. Một sĩ quan trẻ của đơn vị tôi khi chết đi, xác đưa về hậu cứ, đem vào Niệm Phật đường đơn vị để làm lễ đã bị bà trung tá đuổi ra với cái lý do làm chúng tôi ứa nước mắt, là tại sao không chịu hỏi ý kiến bà trước khi đem vào, gặp nhằm ngày bà đi lễ Phật, cái xác đã làm cho bà bẩn mắt. Tôi cũng nghĩ đến những người còn nằm hấp hối trong quân y viện, vết thương nung mủ không ai săn sóc, những anh y tá còn bận ngồi trong sòng bạc, những ông bác sĩ còn bận đi kinh tài, những thương binh vừa tỉnh lại lao đao trong cơn nhức nhối, những con ruồi xanh chờn vờn trước mặt mà họ bất lực xua đuổi, những chiếc giường hẹp cho một thương binh đã phải dùng cho nhiều người nằm ngược xuôi nhau, những người bắt đầu thấy tỉnh lại không thể chết được nữa đành phải bò lê trên nền xi măng bẩn thỉu, nhớp nháp chờ cơn đau hành hạ. Tôi đã có một đồng đội bị thương được đưa về quân y viện điều trị, nằm bất động liên tiếp ba ngày, đêm thứ tư hắn chết vì vết thương nhiễm độc, nở toét ra với những con giòi trắng ngọ nguậy cựa mình. Bọn y tá chỉ khám phá ra điều đó sau khi hắn chết...

Tôi bàng hoàng khi ông tướng đến trước mặt tôi. Ông dừng lại, đưa tay nắm lấy một chiếc huy chương, đưa mắt nhìn lên khuôn mặt tôi một giây, rồi vừa làm cái công việc đã quen tay, ông vừa hỏi:

- Tên gì?

Tôi quên hẳn những điều đã được dặn dò, run run nói:

- Lê Văn Hai.

- Cấp bậc?

- Hạ sĩ.

- Chức vụ?

- Khinh binh chiến đấu.

- Giỏi lắm.

Ông chìa tay ra trước mặt tôi. Tôi cất tay từ trên vành nón sắt xuống nắm lấy bàn tay ông. Bàn tay tôi nhớp nháp mồ hôi trơn tuột và khó chịu. Ông bước đi hai bước, tới trước mặt người đứng kế tôi. Tôi nhớ rõ là trong khi trả lời những câu hỏi ngắn của ông tướng, tôi nghe thấp thoáng giọng ông sĩ quan tuyên đọc thành tích của ông trung sĩ Đinh Văn Tài từ trên khán đài. Chắc hẳn ông tướng không lưu ý tới điều đó. Tôi cũng còn nhớ rõ là ông đã mở một nụ cười ngắn ngủi với tôi trước khi bước đi. Ông tướng, làm sao ông biết được rằng ngay sau khi ông lên trực thăng, tôi sẽ cởi trả chiếc huy chương mà ông vừa gắn lên ngực tôi cho người khác, làm sao ông biết được rằng ông đã bắt tay một người vô hình trung đã đánh lừa ông hai lần, làm sao ông biết được vì lý do nào...

Ông tướng trở về khán đài, ngồi lại vào ghế và nhìn xuống. Bọn con gái bắt đầu được đẩy ra trước mặt chúng tôi, trên tay bé bỏng mỗi người có một vòng hoa, vòng hoa kết bằng những cánh sứ trắng bắt đầu héo, mùi hương ngát thơm rưng rức. Tôi nhìn đứa bé gái trước mặt mình, cô ta quả thật còn trẻ thơ, khoảng 14, 15 tuổi, tóc thướt tha trong gió chiều lồng lộng, tà áo trắng đã có vướng những vết bụi đất đỏ, bộ ngực mới nhú thật tội nghiệp của tuổi mới dậy thì. Bỗng dưng tôi mỉm cười. Chắc chắn cô bé còn quá nhỏ để phải đi làm một thứ công việc như thế. Hơn nữa lại gặp một ông lính già như tôi. Tôi thầm thì trong đầu mình với cô bé chưa giấu hết vẻ ngỡ ngàng trên khuôn mặt ngây thơ: Thôi đừng ngượng ngùng gì cả, con ạ, lý ra con không nên tham dự vào cái trò chơi khốn nạn này, nhưng bây giờ thì con không còn có thể suy nghĩ gì nữa, con hãy vui lên, hay ít ra cũng cố nở một nụ cười dù sao, hãy xem ta như bố con, một ông bố như ta thảm thương cho con quá có phải không. Này, ta cúi xuống đây, con cứ choàng vào cổ ta những bông hoa đã bắt đầu tàn héo mà con đã phải vất vả tìm kiếm từ sáng sớm hôm nay, rồi xong, con có thể an tâm quay trở về chỗ của con. Con có thể trở về nhà, ngồi nhìn lại những vết mực xanh trên tập vở của mình, những vết mực đó không có thể làm con ứa nước mắt, có phải không? Đừng nghĩ gì đến buổi chiều hôm nay nữa cả, nghe chưa con gái của ta, hãy bắt đầu bài học ở trường đi, có phải những trái đại bác đầu tiên và cuối cùng trong lịch sử nước ta chỉ được chế tạo bằng bù loong, ống khóa cũ và những mảnh kim khí vụn; có phải tất cả những ông vua đều là những thiên tử và những kẻ không thần phục triều đình đều là những kẻ phản tặc, loạn thần cần tiêu diệt? Mười bốn tuổi, con còn quá nhỏ để biết được rằng những vòng hoa mà con đã choàng lên người ta, đó là những vòng hoa ngụy tín. Chính con, con cũng bị đánh lừa nhiều lần, hỡi cô bé áo trắng tội nghiệp của ta, không phải chỉ có ông tướng đang ngồi ngậm ống vố trên khán đài cao hay những người lính lem luốc như ta mà thôi đâu...

Cheo Reo, 3/1971

Đánh máy: Sun Ming
Nguồn: VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 11 tháng 11 năm 2016