- MỞ ĐẦU
- PHẦN MỘT: TỰ HÀO VÀ THỬ THÁCH
Chương 1 - Chương 1 (tt)
- Chương 1 (tt)
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 3 (tt)
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương Đệm
- PHẦN HAI - NẠN NHÂN CỦA CHIẾN CUỘC
Chương 1 - Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 5 (tt)
- CHƯƠNG ĐỆM
- PHẦN BA- MỘT CHÚT NẮNG
Chương 1 - Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- PHẦN KẾT
Hồi mùa hè 1983, sếp khi đó của cơ quan tình báo Anh quốc đã phê chuẩn việc thành lập một Ban mới, bất chấp các phản đối trong nội bộ cơ quan.
Sự phản đối chủ yếu xuất phát từ những Ban cũ mà hầu hết đều có địa bàn hoạt động trải rộng khắp thế giới, vì lý do người ta tính trao cho Ban mới thành lập những quyền lực vượt quá các giới hạn thông thường.
Sức ép để có quyết định này đến từ hai phía. Một là sự nôn nóng ở Westminster và Whitehall, đặc biệt là trong thời kỳ đảng Bảo Thủ cầm quyền sau thắng lợi của Anh quốc ở Falklands năm ngoái. Mặc dù thắng lợi về quân sự, cuộc chiến vẫn để lại một cuộc tranh cãi quyết liệt và đôi khi đầy sự thóa mạ lẫn nhau, với đề tài: tại sao chúng ta lại bị bất ngờ khi các lực lượng Argentina của tướng Galtieri đổ bộ lên cảng Stanley?
Giữa các bộ, ngành, cuộc tranh cãi đã nung nấu suốt một năm ròng dẫn đến chỗ buộc tội rồi đổ tội cho nhau. Tôi- không - được - thông - báo - có - anh - được - thông - báo. Bộ trưởng Ngoại giao, Lord Carrington đã buộc phải từ chức. Mấy năm sau, chính ở Mỹ cũng xảy ra một cuộc cãi vã tương tự, về vụ một chuyến bay của Hãng Panam bị phá hoại trên bầu trời Lockerbie, trong đó một cơ quan tuyên bố họ đã cảnh cáo trước nguy cơ, còn cơ quan kia thì nói chưa bao giờ nhận được lời cảnh báo.
Sức ép thứ hai là việc Liên Xô đã tổ chức một cao trào hoạt động tình báo và thực hiện những biện pháp “kiên quyết” chống lại phương Tây, thông qua KGB. Trong đó người ta biết rằng biện pháp ưa thích nhất của cơ quan này là tung tin giả - gieo rắc sự thất vọng và thoái chí bằng cách sử dụng những tác nhân gây ảnh hưởng, và gây nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ đồng minh.
Bà Thatcher, khi đó đã được phía Liên Xô tặng danh hiệu Người đàn bà thép nhìn nhận rằng có thể ăn miếng trả miếng được và tuyên bố sẽ chẳng phiền lòng nếu cơ quan tình báo của bà có “đáp lễ” phía bên kia chút xíu.
Ban mới thành lập được gán cho cái tên dài lê thê: Lừa dối, Xuyên tạc và Tác động tinh thần. Dĩ nhiên sau đó nó được gọi tắt là Dee - Dee and Psy. Ops., rồi cuối cùng chỉ đơn giản là Dee - Dee.
Vào tháng Mười một thì Ban mới bổ nhiệm trưởng ban. Cũng giống như trưởng ban thiết bị được gọi là Sĩ quan hậu cần, trưởng ngành luật pháp được gọi là Thày kiện, viên trưởng ban mới của Dee - Dee được mấy kẻ tán dóc ở căng tin gán cho cái tên Kẻ Lừa Dối.
Khá thiển cận, món quà mà thượng đế thường ban tặng rộng rãi so với khả năng nhìn xa trông rộng - sếp, Sir Arthur có thể bị chỉ trích (và sau này như thế thật) vì sự lựa chọn của mình: không là một ứng cử viên lõi đời với những lề thói mà một viên chức dân sự cần có, mà lại nhặt một tay cựu điệp viên nằm vùng trong Ban Đông Đức.
Người đó là Sam McCready, và anh đã điều hành Ban trong bảy năm trời. Nhưng mọi sự dù hay đến đâu cũng có ngày kết thúc. Vào cuối mùa xuân năm 1991, có một cuộc trao đổi diễn ra ở phòng đầu não của Whitehall.
Viên trợ lý trẻ đứng dậy với nụ cười quen thuộc:
“Xin chào ngài, Sir Mark. Thứ trưởng thường trực muốn gặp ngài ngay.”
Anh ta mở cánh cửa dẫn vào phòng làm việc riêng của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung FCO. Sir Robert Inglis đứng dậy, niềm nở.
“Kìa Mark, ông bạn quý, anh đến đây thật tốt quá.”
Anh sẽ chẳng bao giờ trở thành sếp của cơ quan tình báo SIS được nếu không lập tức nghi ngờ cái thái độ thân tình mà một người chưa mấy quen biết phô bày ra. Sir Mark tiên liệu ngay một cuộc gặp gỡ khó chịu.
Khi ông đã yên vị, chủ nhà mở hộp đựng thông điệp trên bàn, lấy ra một tập hồ sơ bìa vàng sẫm nổi bật lên một vạch đỏ chạy chéo từ góc này sang góc kia.
"Anh đã kiểm tra một vòng các trạm của anh và chắc có thể cho tôi biết ấn tượng được chứ?” Ông hỏi.
“ Nhất định rồi, Robert, để sau tôi sẽ nói với anh.”
Sir Robert Inglis lấy ra tiếp một quyển sách bìa đỏ, gáy đóng bằng chuỗi lò so nhựa đen.
‘Tôi đã đọc kiến nghị của anh, SIS trong thập kỷ 90, cùng danh sách mua sắm của Đồng chủ tịch cơ quan tình báo. Xem chừng cả hai đã hoàn tất nhất trí với nhau?”
“Cám ơn anh, Robert. Vậy tôi có thể trông đợi sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao chứ?”
Nụ cười của nhà ngoại giao có thể đoạt giải trong các buổi trình diễn ở Mỹ được.
“ Với chúng tôi thì kiến nghị của anh không có gì phải bàn, chỉ muốn trao đổi với anh thêm vài điểm nho nhỏ.”
Bắt đầu đấy, sếp SIS thầm nghĩ.
“Tôi có thể hỏi, thí dụ, những trạm nước ngoài anh đề nghị bổ sung ấy, có phải đã được Kho bạc đồng ý và các anh đã rút được tiền thông qua ngân sách nào đó rồi?”
Cả hai đều hiểu ngân sách chi cho Cơ quan tình báo không hoàn toàn lấy từ Bộ Ngoại giao. Nếu có, chỉ là phần rất nhỏ. Chi phí thực sự của cái cơ quan SIS hầu như vô hình ấy, không giống như CIA, được khoanh vùng rất hẹp, lại được gửi vào ngân sách của tất cả các bộ trong chính phủ. Chia đều, kể cả những bộ dường như không dính líu gì, như Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nghề cá. Có lẽ khó có một khi nào đó bộ này lại cần là có bao nhiêu cá tuyết (là loại cá Morue hay cabillaud )bị dân Iceland đánh bắt ở Bắc Đại Tây dương.
Bởi ngân sách của nó bị phân tán quá rộng và giấu giếm khá kín nên SIS không thể bị FCO “dắt mũi” hay sợ bị cắt giảm chi tiêu nếu FCO không được thỏa mãn.
Sir Mark gật đầu. “Việc ấy xong rồi. Kho bạc đã ấn định số tiền mặt cần thiết, tất cả đều rút ở quỹ nghiên cứu khoa học của những bộ ít ai nghĩ đến nhất.”
“Tuyệt!” Thứ trưởng thường trực thốt lên dù chẳng biết có thấy tuyệt thật hay không. “Giờ đến lượt mấy vấn đề mà tôi nhìn thấy. Tôi không biết tình trạng nhân sự của anh ra sao nhưng chúng tôi đang rất khó khăn trong việc phiên chế người cho một cơ quan đã mở rộng ra từ sau chiến tranh lạnh và sau các biến động ở Trung và Đông Âu. Anh hiểu tôi định nói gì chứ?”
Sir Mark biết quá rõ. Việc hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu tan rã hai năm vừa rồi đã làm thay đổi bản đồ ngoại giao thế giới, và rất nhanh nữa là khác. Ngoại giao đoàn đang ngắm nghía những cơ hội bành trướng ra ngay tại Trung Âu hoặc Balkan, thậm chí cả việc mở những tòa Đại sứ mini ở Latvia, Lithuania và Estonia nếu họ giữ được độc lập với Moskva một cách chắc chắn. Cứ thế suy ra, ông cũng đoán được, với chiến tranh lạnh đang nằm trong nhà xác, thì vai trò các đồng nghiệp của ông trong cơ quan tình báo sẽ rất hạn chế: giảm bớt là điều chắc chắn.
“Cũng giống các anh thôi, chúng tôi không còn con đường nào khác là phải tuyển mộ. Gạt chuyện đó sang một bên thì cũng còn phải huấn luyện sáu tháng trước khi đưa được một người mới vào Nhà Thế Kỷ và rút ra một người cũ đưa đi hoạt động ở nước ngoài. Mark thân mến ạ, đó chính là cốt lõi câu chuyện muốn nói với anh: Phân phối chức danh ở các tòa Đại sứ, và cho ai?”
Sir Mark rên thầm. Gã con hoang này đang chơi nước thượng đây. Trong khi FCO không thể nhúng mũi vào SIS bằng con đường ngân sách, thì nó cũng luôn thủ sẵn quân chủ bài trong tay. Đa số sĩ quan tình báo hoạt động ở nước ngoài đều phải sử dụng vỏ bọc của các tòa Đại sứ. Điều đó làm cho sứ quán trở thành vật chủ của họ. Không có một công việc “vỏ bọc” ở đây thì không làm được việc gì hết.
“Vậy anh nghĩ tương lai sẽ thế nào, Robert?” Ông hỏi.
“Tương lai, sợ rằng chúng tôi sẽ đơn giản là khó xếp việc cho một số nhân viên... quá đặc sắc ở chỗ anh nữa. Những người đã cháy vỏ, hoặc đeo biển. Trong chiến tranh lạnh, điều đó còn có thể chấp nhận, nhưng ở châu Âu mới thì bọn họ sẽ lòi ra như những ngón tay đau ấy. Sẽ gây ra phản đối. Tôi nhắc rồi, thế nào anh cũng sẽ thấy.”
Cả hai đều biết các nhân viên hoạt động được chia làm ba loại. Loại bất hợp pháp hoạt động không dựa vào vỏ bọc của sứ quán và không liên quan gì đến Sir Robert Inglis. Còn các sĩ quan phục vụ trong tòa Đại sứ thì hoặc là thuộc loại công khai hoặc là không công khai.
Một sĩ quan công khai, hay còn gọi đeo biển, là người không cần giấu giếm nhiệm vụ thật. Ngày trước, có được sĩ quan tình báo kiểu ấy trong sứ quán là điều đáng mơ ước. Tại các nước cộng sản và thể giới thứ Ba, những người bất đồng quan điểm, những kẻ bất mãn và bất kể ai muốn, đều biết có thể tìm đến ai để dốc bầu tâm sự, như là xưng tội với cha. Thế là tha hồ mà gặt hái tin tức và lượm được khối kẻ đào ngũ ngoạn mục.
Điều quan chức ngoại giao vừa nói có nghĩa ông ta không muốn có các sĩ quan như thế nữa, và họ sẽ không có chỗ trong các sứ quán. Đó là cống hiến của ông dành cho việc gìn giữ truyền thống đẹp đẽ của bộ mình, là vuốt ve tất cả những ai vốn sinh ra không phải người Anh.
“Tôi đã nghe anh nói gì rồi, nhưng tôi không thể và sẽ không lấy tư cách sếp của SIS để mà thanh lọc những sĩ quan đã phục vụ lâu năm, trung thành và đắc lực đâu.”
“Thì tìm chỗ khác cho họ, Nam Mỹ, châu Phi, hay...”
“Tôi cũng không thể tống họ tới Sirya chờ về hưu...”
“Các việc văn phòng vậy. Ngay ở nhà.”
“Anh muốn nói các việc được mệnh danh nhạt nhẽo? Đa số chắc sẽ từ chối.”
“Vậy họ sẽ nghỉ hưu sớm.” Nhà ngoại giao nói nhẹ nhàng, lại cúi về phía trước. “Mark thân mến, đó không là việc có thể bàn cãi đâu. Cả Năm vị Triết nhân sẽ đứng về phía tôi. Hãy thỏa thuận đền bù xứng đáng, nhưng...”
Năm vị Triết nhân là năm Thứ trưởng thường trực của Nội các, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Kho bạc. Đó là năm người nắm những quyền lực khủng khiếp trong các hành lang chính phủ. Chính họ chỉ định (hay đề cử cho Thủ tướng duyệt cũng thế) sếp của SIS và Tổng giám đốc cơ quan An ninh. MI-5.
Sir Mark buồn, nhưng hiểu những tương quan quyền lực. Ông thua thôi. “Tôi cần có bản hướng dẫn thực hiện.”
Cái ông muốn là, với vị thế của mình, ông cần tỏ ra bị buộc thi hành lệnh trên. Còn Sir Robert Inglis ở điều kiện rộng rãi hơn; ông ta có thể cho phép.
“Hướng dẫn sẽ có ngay.” Ông ta nói. “Tôi sẽ cùng các Triết nhân bàn bạc và sẽ đặt ra những quy định mới cho hoàn cảnh mới. Cái tôi muốn đề nghị là anh hãy xếp đặt, việc mà cánh luật sư gọi là tác động hàng loạt và thế là sẽ giải quyết được một số kiểu người?’
“Tác động hàng loạt? Một số kiểu người? Anh muốn nói cái gì vậy?” Sir Mark hỏi.
“Một tiền lệ, sẽ khiến cho cả nhóm bị tác động theo.”
“Một cái bung xung chứ gì?”
“Đó là một từ rất khó chịu. Nghỉ hưu sớm với lương hưu rộng rãi thì đâu chết chóc gì. Anh hãy chọn một sĩ quan mà việc anh ta ra đi sẽ không bị phản đối gì, tổ chức một buổi nghe khiếu nại và thế là anh có một tiền lệ.”
“Một sĩ quan? Anh đã có ý định trước phải không?”
Sir Robert chụm đầu ngón tay lại, nhìn lên trần nhà.
“À, thì có Sam McCready đấy.”
Dĩ nhiên là thế. Kẻ Lừa Dối. Ngay sau cuộc biểu diễn gần đây nhất, một sáng kiến vĩ đại, nhưng không được phép, của anh ta ở vùng Caribbe ba tháng trước, Bộ Ngoại giao đã coi anh ta chẳng khác một Genghis Khan xổng xích. Kỳ cục thật đấy. Một anh chàng... đến là lạ lùng.
Ngồi trên xe băng qua sông Thames về nhiệm sở Nhà Thế Kỷ, Sir Mark hiểu vị quan chức Bộ Ngoại giao không đơn thuần “đề nghị” việc ra đi của Sam McCready, ông ta còn khăng khăng một mực. Là sếp cơ quan, ông thấy không còn nhiệm vụ nào khó khăn hơn nữa.
Năm 1983. Khi Sam McCready được chọn làm Trưởng Ban mới, Sir Mark mới là Phó giám sát, cùng lứa với McCready và chỉ trên Sam một bậc. Ông thấy thích người nhân viên hay giễu cợt, bất kính mà Sir Arthur đã chỉ định vào vị trí mới - và như ai nấy cũng nghĩ như ông.
Ngay sau đó, Sir Mark được điều đi Viễn Đông, ba năm liền (ông vốn nói tiếng Hoa rất giỏi), và trở về năm 1986 để thăng lên phó sếp. Sir Arthur nghỉ hưu, một sếp mới kế tục ngay. Còn Sir Mark lên kế tục ông đó.
Trước khi đi Trung Hoa, Sir Mark, cũng giống nhiều người khác, đoán rằng Sam McCready sẽ chẳng thọ lâu. Kẻ Lừa Dối là viên kim cương quá gồ ghề để có thể đánh bóng dễ dàng bằng các chính sách đối nội ở Nhà Thế Kỷ.
Thứ nhất, khi ấy ông nghĩ, không một Ban địa phương nào lại đón mừng một nhân vật mới toanh cứ toan tính hoạt động trong lãnh địa được bảọ vệ một cách ghen tuông của họ. Đó sẽ là cuộc tranh chấp giữa những nhà ngoại giao thượng thặng và mặc dù bằng tất cả tài năng của mình, Sam vẫn sẽ đứng ngoài rìa. Lý do thứ hai là Sam quá tuyềnh toàng, khó mà ăn nhập được vào một thế giới các quan chức chải chuốt, đa số là sản phẩm của các trường nổi tiếng ở nước Anh.
Trước sự ngạc nhiên của Sir Mark, khi trở về, ông thấy McCready vẫn phát triển sum xuê, như cây nguyệt quế xanh trong tục ngữ. Anh ta dường như có khả năng chế ngự được các nhân viên của mình một cách đáng ghen tỵ, với lòng trung thành hoàn toàn của họ mà vẫn không làm mếch lòng kể cả những Trưởng Ban khó tính nhất khi cần ở họ một sự trợ giúp.
Sam có thể chuyện trò bằng tiếng lóng với các điệp viên nằm vùng. Đối với họ, anh như cuốn tự điển sống mà đa số những điều thu lượm được ở anh, không nghi ngờ gì nữa, sẽ không thể lấy được từ bất cứ nguồn nào khác.
Sam cũng dư sức bia bọt với đám kỹ thuật, kể cả đám thợ ốc vít, việc không một quan chức nào làm, nên đôi khi được họ giúp cho nghe trộm điện thoại, xem trộm thư từ hay kiếm cho cái hộ chiếu giả mà các trưởng phòng đang mướt mồ hôi làm phiếu xin.
Tất cả những cái đó - và nhất là những nhược điểm dáng bực mình khác, kiểu như lách qua luật lệ, hoặc tùy tiện lẩn tránh, khó mà làm cho các tổ chức say mê được. Cái giữ cho Sam ngồi được trên ghế chỉ đơn giản vì Sam có sản phẩm, khi điều hành một hoạt động khiến nhiều cơ quan tình báo đối phương phải dự trữ hàng kho thuốc chống bệnh khó tiêu. Vì vậy, anh ta tồn tại... đến bây giờ.
Sir Mark thở dài, ra khỏi cái Jaguar đỗ ở tầng hầm Nhà Thế Kỷ và vào thang máy, lên phòng mình ở tầng trên cùng. Bây giờ ông tạm thời chưa cần làm gì cả. Sir Robert Inglis sẽ bàn bạc với đồng nghiệp của ông ta và cho ra Quy tắc mới, Hướng dẫn thực hiện... những thứ giúp cho ông có thể nói trung thực nhưng đau khổ rằng “Tôi không thể làm gì khác.”
Tận đầu tháng Sáu, bản Hướng dẫn thực hiện, đúng hơn, bản chỉ dẫn, mới được ban hành từ Bộ Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung, cho phép Sir Mark triệu tập hai cấp phó của mình lên. Nghe xong, Basil Gray nói ngay.
“Hà khắc quá. Ngài không thể phản đối ư?”
“Không phải lúc. Inglis nhất quyết rồi. Hơn nữa, các anh sẽ thấy, ông ta có cả bốn vị Triết nhân đằng sau.”
Bản chỉ thị mà ông đưa họ xem là mẫu mực của sự sáng sủa và logic hoàn hảo. Nó chỉ rõ vào ngày 3 tháng Mười, Đông Đức, một thời là chính thể cộng sản cứng rắn và hữu hiệu nhất, đã thực sự ngừng tồn tại. Cũng không tồn tại sứ quán Đông Berlin nữa. Bức tường đã hoàn toàn sụp đổ, lực lượng cảnh sát bí mật đáng nể SSD hay Stasi đã tan rã hoàn toàn và quân đội Liên Xô đang rút về nước. Vùng mà một thời đòi hỏi hoạt động quy mô lớn của SIS sẽ trở thành vùng thứ yếu, nếu phải đề cập đến.
Hơn nữa, chỉ thị tiếp tục, rằng ông Vaclav Havel đã nắm quyền ở Czechoslovakia và lực lượng tình báo của quốc gia ấy, SEB, sẽ sớm giải nghệ. Thêm vào đó, là Ba Lan, Hungary, Rumani, rồi Bulgari đã giúp người ta hình dung chính xác vế tương lai.
“Thế là," Timothy Edawards thở dài, “người ta phải kết luận rằng chúng ta sẽ không còn tiếp tục những hoạt động mà ta vẫn tiến hành ở Đông Âu cũng như không còn cần người ở đó. Họ thắng một điểm rồi.”
“Anh hiểu như thế thật tốt quá.” Sếp mỉm cười.
Basil Gray là người chính Sếp đã chọn, cũng chính là quyết định đầu tiên của ông khi được bổ nhiệm hồi tháng Giêng mới đây. Còn Timothy Edwards đã gắng sức vượt qua ông trong ba năm qua, cũng biết anh ta chẳng bao giờ có ý định đề cử ông - không phải Edwards là thằng ngốc. Anh ta quá thông minh là khác, nhưng...
“Họ không đá động đến những nguy cơ khác.” Gray cằn nhằn. “Không một lời về chủ nghĩa khủng bố quốc tế, về sự ngóc đầu dậy của các cartel ma túy, các quân đội riêng và không một lời về sự bành trướng lực lượng.”
Tại báo cáo riêng SIS trong thập kỷ chín mươi, mà Sir Robert Inglis đọc và rõ ràng đã thông qua, Sir Mark đã nhấn mạnh đến những biến thái, chứ không phải sự giảm bớt những de dọa có tính toàn cầu. Đứng đầu tất cả những cái đó là sự bành trướng lực lượng của các nhà độc tài. Một vài người trong số họ tính khí bất bình thường, không coi các kho vũ khí khổng lồ là thứ chiến lợi phẩm như ngày xưa, mà là các thiết bị công nghệ cao, như tên lửa, dầu đạn hóa học và vi trùng, thậm chí chứa chất liệu hạt nhân. Nhưng tờ giấy trước mặt ông bây giờ lại là sự gạn chắt một cách xảo trá những điều ấy.
"Vậy điều gì sẽ xảy ra?" Timothy Edwards hỏi.
"Điều xảy ra," Sếp nhẹ nhàng, "là ta phải đương đầu với việc di chuyển người của ta từ Đông Âu về căn cứ nhà."
Ông hàm ý các chiến binh của cuộc chiến tranh lạnh, các cựu binh, đã trải bao chiến dịch, điều hành bao mạng lưới điệp viên địa phương bên ngoài các sứ quán ở phía đông Bức màn sắt, nay phải trở về - và thất nghiệp. Họ sẽ bị thay thế, dĩ nhiên, nhưng bởi những người trẻ hơn, những người mà không ai biết được nghề nghiệp thật của họ, bị chìm lẫn giữa đám nhân viên sứ quán, và vì thế, cũng sẽ không làm mếch lòng cả những chính thể lẫn chính khách vừa ló dạng tại những khu vực đó. Người ta vẫn tiếp tục tuyển mộ, dĩ nhiên, vẫn phải tiếp tục có công việc cho cơ quan chứ. Nhưng còn các cựu binh. Biết để họ vào đâu? Chỉ một câu trả lời - loại họ ra ngoài.
“Chúng ta phải tạo ra tiền lệ.” Sir Mark nói. “Một tiền lệ sẽ dọn đường cho việc giải quyết nhẹ nhàng những người còn lại.”
“Ngài đã chọn ai chưa?” Gray hỏi.
“Sir Robert Inglis đã chọn Sam Mc Cready.”
Basil Gray nhìn ông trừng trừng, miệng há hốc. “Sếp, ngài không thể bắn Sam được.”
“Không ai định bắn anh ấy.” Sir Mark nói, lặp lại những lời của Sir Robert Inglis. “Cho nghỉ hưu sớm với món tiền lương rộng rãi không phải là một tội ác.”
Ông chợt băn khoăn, không biết ba mươi đồng bạc mà những người La Mã đã trao tay nặng đến bao nhiêu.[1]
“Dĩ nhiên là buồn, bởi chúng ta không ai không quý Sam.” Edwards phán. “Nhưng công việc là công việc.”
“Hoàn toàn đúng. Cám ơn anh.” Sir Mark nói.
Và ngay khi đó, ông, lần đầu tiên nhận ra thực chất tại sao mình đã không chọn Timothy Edwards làm người kế tục. Ông, chính ông, với tư cách là sếp, sẽ làm cái việc phải làm, bởi không thể tránh khỏi, và ông sẽ căm ghét nó. Còn Edwards sẽ làm, bởi nó giúp anh ta leo lên cao.
Chú thích:
[1] Nhắc đến sự tích trong Kinh Thánh.
MỞ ĐẦU
Tiến >>
Đánh máy: Ct.Ly
Nguồn: Nhà Xuất Bản: VĂN HỌC 2005
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 30 tháng 11 năm 2021