Trên Sông Hoàng Hôn

ngọc linh

Chương 1

Gởi anh chị NGỌC-SƠN

với lòng biết ơn của

một người em

NGỌC-LINH

1

TỪ trong eo bến Cái Bè, Năm Súng đẩy mạnh mái chèo, con đò lướt ra sông Cửu Long, hướng mũi về phía vàm Cái Muối.

Trời không gió, nắng nhạt màu phơn phớt trên giòng nước phẳng lặng mênh mông, làm tăng thêm vẻ buồn nhè nhẹ của buổi chiều. Giòng sông rộng, hàng cây bên kia bờ chỉ còn là một vệt xanh ngã màu xám, kéo dài đến tận vùng xa chỗ chân trời chụp xuống.

Ngồi bên chân ông lái, nhin mái chèo khuấy nước, Thọ cảm thấy yên tâm, không còn sợ trễ chuyến đò chiều. Năm Súng nhìn chàng mỉm cười, đôi mắt bộc lộ vẻ thương yêu.

Khi nãy vừa xuống xe, chàng còn bỡ ngỡ, thì ông Năm hiện ra, khiến Thọ có cảm giác nhẹ nhàng của người vừa thoát khỏi sự phức tạp giữa đám đông. Chàng theo Năm Súng xuống đò không coi ông là người chèo đò mướn, mà chỉ vui thích được đi chung với người thân trên một khoảng sông để về nhà.

Thọ chợt hỏi:

— Độ nầy làng mình, sao chú?

Năm Súng đẩy mạnh tay chèo, đôi mắt nhìn xa xôi. Ông đáp:

— Buồn lắm!

Giọng ông nhỏ lại rồi dứt hẳn khi ý nghĩ triền miên. Thọ nhìn ông, nhìn khách đồng hành trên chuyến đò mà không nhớ mặt một ai. Mọi người yên lặng như giòng sông yên lặng dưới chiều tà.

Chàng lại hỏi:

— Chú không đi câu nữa sao?

— Câu lưới gì bây giờ cũng không sống nổi! Ban ngày câu không đủ ăn, còn ban đêm thì nguy lắm. Thằng Mạnh ở Ngả Tư Kinh, tháng rồi đi câu tôm ngoài vàm, bị tàu Tây bắn chết. Mấy ngày sau xác nó tấp vào bến chợ Đồng Phú.

Thọ ngồi im, đôi mắt sụp xuống, trên trán mấy làn nhăn nổi vòng, đôi môi chàng cong lại.

Năm Súng tiếp:

— Tàu ‘‘đầu bằng’’ hễ thấy đèn là bắn càn. Có ai đám câu lưới gì nữa đâu!

Hoàng hôn buông xuống, vạn vật mờ dần. Những rặng cây xa trở nên mờ mịt thành những vệt đen mờ như sắp chìm đi trong ngấn nước. Vàm Cái Muối bắt đầu hiện ra trước mũi con đò.

Ngôi đình làng ngày xưa là chốn tôn nghiêm thờ phụng, bây giờ sụp đổ vì những quả đại bác tàn phá. Những chiếc cột còn trơ lại, đeo trên đầu kèo, xụ xuống trông thật điêu tàn hoang phế.

Thọ ngồi nhìn ngôi đình xơ xác với đôi mắt u hoài. Chàng cảm thấy tang thương gieo rắc đâu đây, trong khi ông Năm Súng và khách đi đò nhìn nó với vẻ thản nhiên. Họ đã quen cảnh tàn phá chua xót, nên ngôi đình làng không còn đủ gây cho họ sự xức động như đối với kẻ ít thấy cảnh sụp đổ, chia lìa.

Thọ lại hỏi:

— Sao không sửa đình làng, chú Năm?

— Làm gì đủ gạch ngói. Tây ngoài bót cho lính cạy hết gạch trong đình về xây lô cốt. Mấy ổng còn lấy thêm mớ cột, kèo về chụm lửa.

Mọi người đều im lặng, khi con đò lướt trên giòng nước, xuôi về bến chợ. Hai bên bờ sông, những ngôi nhà ẩn hiện sau những tàn cây, lấp lánh ánh đèn. Thỉnh thoảng một vài mái ngói lù lù vượt lên giữa cây lá xám đen, dưói ánh sáng lờ mờ còn sót lại, khiến Thọ nghĩ đến sự sung túc của quê hương mình thời xa xưa, một sự sung túc được nuôi nấng trong cảnh u tối vô tư của người thụ hưởng.

Đâu đó có tiếng hát ru con, gieo âm điệu buồn man mác. Ngoài chiếc đò về muộn lần lần tiến về bến chợ, trên sông không còn xuồng ghe nào lai vãng. Thời ly loạn bóng đêm gây sự không lành cho mọi người, nên cứ chập tối là chẳng ai buồn đi đâu nữa!

Tiếng súng lẻ loi từ phía đồn Tây vọng lại, âm thanh khô khan ghê rợn như nhắc mọi người nhớ: mình đang sống giữa thời binh biến, phải mau trở về nhà vì nơi đó yên ổn hơn ngoài trời.

Đò cặp bến, hành khách lần lượt bước lên cầu, Thọ cũng xách cặp từ giã ông Năm Súng. Ông ta hỏi chàng một câu mà Thọ chưa biết trả lời ra sao:

— Cậu về chơi chừng nào đi?

Câu hỏi hết sức chân thành vì trong thời ly loạn ít có thanh niên nào dám sống lẩn quẩn ở những làng mạc hẻo lánh. Có lộn xộn gì, chính họ là những nạn nhân đầu tiên. Thọ đáp:

— Chưa biết chú Năm? Không chừng tôi ở nhà luôn.

Ông Năm trố mắt nhìn chàng, không tin gia đình Thọ tính như vậy. Nhà có tiền sao không ở Sài gòn học, về đây làm gì?

Thọ chậm rãi leo lên cầu thang. Chàng đặt va li xuống, đứng lặng nhìn bến chợ đìu hiu, giữa lúc ngày đi đêm đến. Những hàng quán quanh xóm chợ e dè mở cửa, bán vớt vát trong buổi đầu hôm và sẵn sàng đóng ập cửa lại, nếu có động tịnh gì. Những ngọn đèn dầu trong quán lờ mờ không đủ ánh sáng soi rõ con đường đất khô trắng chạy dài dưới hai hàng cây trứng cá.

Thọ còn nhớ được tiệm thuốc bắc của chú Sanh và quán nước của ‘‘anh Hai hủ tiếu’’. Nhà nhóm chợ bị đốt năm nào, chỉ còn trơ lại cái nền không, cỏ mọc um tùm. Vài gian nhà mới cất nối dài theo xóm chợ lần dần khoảng đất trống trước sân trường học cũ, bây giờ chỉ còn trơ lại cây cồng tàn rộng xum xuê.

Thọ cất bước đi, lòng chàng bỗng dưng buồn rười rượi, nhớ đến những kỷ niệm vui buồn của thời thơ ấu. Chân chàng bước nhẹ nhàng trên đường đất, không tạo thành tiếng động, không gây sự chú ý của mọi người trong các hàng quán. Thọ chỉ mong thế. Chàng muốn trở về trong sự im lặng để tránh bớt những cặp mắt tò mò và những câu thăm hỏi khó trả lời của người quen thuộc, dù đó là những câu chân thành mộc mạc.

Trong cảnh đêm gần như yên lặng, bỗng nổi lên một điệu đàn, khiến Thọ nhớ đến tiếng đàn đặc biệt của người Tàu, từ trên cửa sổ một ngôi nhà nào đó, trong Chợ-Lớn, nằm giữa hai dãy lầu cao, khi chàng là khách bộ hành độc nhứt nện gót giày trên hè phố, trong đêm khuya.

Tiếng đàn rất hòa hợp với cảnh đìu hiu của bến vắng, từ trong ngôi nhà ở cuối xóm chợ phát ra. Ánh sáng ngọn đèn giữa nhà lùa bóng tối ra khỏi hàng ba và ở chỗ tranh sáng đó, một ông già Tàu ngồi dựa trên chiếc ghế mây, ôm cây đàn nguyệt, tay khảy vào dây, tay nắn phím mà mắt nhìn vào chốn xa xôi nào.

Thọ không có cảm tưởng ông ta đánh đàn mà đang làm một cử động cho qua thì giờ. Chàng không chắc ông có ý niệm gì về thời gian đang xoay chuyển! Trong nhà, năm ba đứa trẻ nằm dài trên bộ ván tập đọc, xí xô, xí xào lấn át tiếng nhau. Gần đó, một cô gái mặc áo ngắn tay, bó sát vào thân, đang cắm cúi dọn ly tách và những chai rượu, chai nước giải khát trên bàn. Mái tóc cắt ngắn vừa phủ khuất cổ nàng, đong đưa qua lại, theo nhịp cử động của đôi tay.

Chắc là gia đình một người Tàu mới đến lập nghiệp! Thọ nghĩ như vậy nhưng không chú ý đến sự đó nữa, khi chàng vừa nghe tiếng chim bồ câu gụ trên mái ngói nhà mình.

Thọ nhìn ánh đèn trong sân nhà, lòng nao nao cảm xúc. Chàng đã hình dung thấy sự êm ấm dịu dàng bên bà mẹ hiền từ, bên cô em gái ngây thơ, trong bầu không khí tươi vui dưới mái gia đình đoàn tụ.

Thọ nằm yên trên giường, ánh trăng lùa qua cửa sổ, ngã xuống đất, chiếm một khoảng vuông nhỏ trong phòng. Khó mà ngủ yên được đối với một kẻ đi xa vừa mới trở về quê. Chàng ra ngoài, bắc ghế trước sân, ngồi cho mát. Trăng sáng phủ xuống vạn vật màu tươi dịu. Hoa cỏ cây lá ướt đẵm sương đêm. Trước sân, những đóa cúc vàng nở sớm, phô hương sắc giữa đám lá xanh đen ươn ướt sương; những đóa vành vành trắng tinh, đượm đầy thân cây, thoang thoảng hương thơm.

Dưới thềm nhà có tiếng dế thanh tao nổi lên gây cho Thọ sự xúc động bồi hồi. Tiếng dế gợi cho chàng nhớ lại ngày xưa, thuở còn thơ ấu. Chàng rất thích con dế lửa có cánh vàng hực hỡ mà một đêm nào chàng bắt được ở một kẽ nứt dưới thềm gạch trước nhà. Kẽ nứt ấy được lấy hồ trét lại, nhưng Thọ đã lén cạy ra, và hy vọng con dế cánh vàng khác lại đến, để chàng bắt nhốt vào hộp.

Ngày nay, chắc không còn ai buồn săn sóc đến thềm gạch, mà chàng cũng không còn nỡ bắt con dế đang ung dung gáy dưới kẽ thềm.

Thọ rời khỏi chiếc ghế, nhón gót đến gần bực thềm khòm sát xuống tìm xem kẽ hở ngày xưa có còn chăng?

Có tiếng động phía sau lưng, Thọ giựt mình quay lại. Dung vừa hiện ra ở bực cửa tươi cười. Tóc nàng lòa xòa xuống vừng trán càng làm nổi bật đôi mắt trong sáng dịu hiền.

Dung khẽ hỏi anh:

— Anh chưa ngủ sao? Ở Sài gòn chắc hay thức khuya lắm nên dạo nầy anh ốm hơn trước.

Thọ nhìn em cảm động. Giọng nói của Dung êm dịu lạ thường, bộc lộ hết tình thương sâu kín trong lòng cô em gái, lúc nào cũng nghĩ đến sức khỏe của anh.

Chàng bước đến bên Dung nói:

— Anh thường ngủ sớm chớ. Đêm nay máới trở về, tâm hồn anh như trải qua một cơn thay đổi: giữa sự ồn ào phức tạp của thị thành và sự yên lặng gần như cái chết chóc ở thôn quê. Anh hơi bỡ ngỡ trước sự sống mới mẻ.

Thọ ngừng lại nhìn em rồi tiếp:

— Thêm vào đó những kỷ niệm của thời thơ dại đã qua và niềm vui đoàn tụ dưới mái gia đình bắt buộc anh suy nghĩ vẩn vơ, không thể nào ngủ được. Chưa bao giờ anh sung sướng như đêm nay.

Dung bật cười:

— Vậy mà mẹ cứ sợ anh không thể sống nổi ở nhà.

Bầu trời bỗng dưng tối sầm lại vì ánh trăng bị

mây che khuất. Cảnh vật chìm trong bóng tối lờ mờ.

Dung bỗng nghiêm giọng hỏi:

— Độ rày ở Sài gòn, anh làm gì đến nỗi anh Hai phải lo sợ, thơ nào gởi về cũng than phiền với mẹ. Mẹ buồn lắm và định bắt anh ở nhà luôn.

Thọ không đáp, ngước nhìn mảnh trăng đang từ từ ra khỏi đám mây. Dung cảm thấy câu nói của mình hơi dư vì nàng thừa hiểu hành động của anh ra sao rồi.

Nàng đã đọc những bức thơ từ Sài gòn gởi về cho mẹ, nên biết Thọ thường cùng bạn bè làm những việc có thể bị bắt lúc nào không biết. Vì vậy mà Thọ mới bị anh Hai đưa về quê để trốn tránh.

Thình lình, Thọ nói:

— Hơi đâu mẹ nghe anh Hai? Lúc nào, ảnh lại chẳng muốn sống an thân.

Biết anh buồn nhiều về chuyện đó, Dung mỉm cười, đưa câu chuyện sang hướng khác:

— Anh còn nhớ chị Mai hông?

Thọ nhìn em như tìm hiểu. Đương không, Dung nhắc đến một cô gái trong làng khiến Thọ ngạc nhiên và không khỏi nghi ngờ có chuyện gì đó?

Chàng hỏi:

— Cô Mai, con ông Hội Đồng Thành ở Phước Định hả?

— Em tưởng anh đã quên! Mẹ định hỏi cưới chị ấy cho anh đó.

— Bậy nà! Đừng nói chơi, đến tay ông bà Hội lại mích lòng.

Dung thản nhiên tiếp:

— Không! Em nói thật. Chính anh Hai cũng muốn hỏi chị Mai cho anh.

Thọ ngồi im. Bỗng dưng chàng nhớ đến hình ảnh cô gái nhỏ mặc áo bà ba trắng, thường ngồi câu dưới mé sông trước nhà, trong những buổi hoàng hôn. Mỗi lần, thấy bóng chàng ở xa xa, nàng đã cúi gầm mặt xuống không dám ngẩng lên. Bây giờ thì Mai hẳn lớn rồi và chàng chắc không còn thái độ như xưa nữa.

Dung nói:

— Trong thơ gởi về cho mẹ, anh Hai bảo nên cưới vợ để cầm chân anh. Có phải khi người ta có vợ rồi thì không còn muốn làm gì nữa hả anh?

— Em ngớ ngẩn thật. Anh cưới vợ lần nào đâu mà biết.

Hai anh em nhìn nhau cười. Giọng cười trong trẻo của Dung làm xao động bầu không khí trong đêm khuya.

Nàng chợt im bặt, nhìn con đường đất trống trơn thẳng về phía chợ rồi bảo Thọ:

— Đi ngủ anh. Dưới nầy, đêm khuya, không nên ở ngoài trời.

Thọ theo em vào nhà. Khi lên giường nằm, chàng bỗng nghe văng vẳng tiếng đàn nguyệt bên kia nhà ai rời rạc, buông lơi mà từ nãy giờ, chàng không chú ý.

Thọ định bụng hỏi Dung về cái gia đình người Tàu xa lạ kia, nhưng rồi lại quên khuấy đi mất.

Bảy giờ hơn, ánh nắng mới hiện ra khi trận mưa từ khuya kéo dài đến sáng mới dứt!

Từ trên mái ngói, nước mưa còn rỉ lại, thỉnh thoảng nhểu xuống từng giọt, gây thành tiếng động nhỏ trên vũng nước ngoài hiên.

Trời mưa buổi sáng ở thôn quê không làm cho người vui được, nhứt là kẻ mới đi xa về. Thọ nhìn trời nặng trĩu màu ướt át mà lòng bâng khuâng buồn. Chàng với tay lấy cây đàn và tìm khuây khỏa trong tiếng nhạc. Tiếng đàn của chàng cũng nặng trĩu nỗi niềm như những làn mây xám xậm, chầm chậm kéo lê thê ngoài trời và đến khi nắng bừng lên ấm áp, tràn vào cửa sổ thì Thọ buông đàn đứng dậy, chống tay lên thành cửa nhìn ra. Lòng chàng rạng rỡ lên như màu nắng sáng.

Thọ nhìn về phía chợ, chỗ những gian nhà mới cất, đột nhiên đôi mắt chàng bắt gặp đôi mắt một kẻ khác đang nhìn trộm.

Đôi mắt long lanh sáng ngó Thọ nửa như tò mò, nửa như cảm mến. Đôi mắt sáng đẹp dịu dàng trên gương mặt thùy mị sâu kín, của cô gái Trung-Hoa mà đêm hôm trở về làng, chàng thoáng thấy trong gian nhà có tiếng đàn nguyệt.

Người thiếu nữ Trung-Hoa đứng bên trong khung cửa không chấn song, nhìn qua cửa phòng Thọ lúc nào không biết, bỗng dưng bị chàng bắt gặp. Thiếu nữ hơi e thẹn, ngước nhìn trời như tránh đôi mắt của chàng, nhưng cái nhìn ngắn ngủi vừa qua đủ gây xúc cảm tự nhiên trong lòng Thọ... Chàng chưa bao giờ thấy một đôi mắt sáng, linh động ẩn chứa nhiều nỗi niềm như vậy, trong những đôi mắt đẹp mà chàng đã gặp trên đường đời.

Thọ có cảm tưởng nếu không có phút bắt chợt tình cờ kia, có lẽ cả đời chàng không làm sao tìm thấy đôi mắt linh động, phát lộ nỗi niềm, trên gương mặt người thiếu nữ Trung-Hoa, vốn sâu kín gần như lãnh đạm.

Thọ có cảm giác như mình là người bị truyền cảm bởi người thiếu nữ xa lạ. Chàng phân vân không hiểu vì đâu nàng trao cho mình cái nhìn ấy, nhưng chàng cũng cảm nhận lờ mờ là nàng có chút cảm tình với mình.

Nắng tươi đẹp tràn ngập xuống làm cho toàn thân thiếu nữ sáng hẳn lên, trong khung cửa. Gương mặt nàng trắng hơi dài, má hồng thắm tự nhiên, miệng cười tươi, mắt sáng long lanh dưới đôi mi nhỏ cong vòng nguyệt. Mái tóc đen huyền cắt ngắn vừa chấm đến vai lòa xòa xuống má, phơ phất trên vừng trán hơi cao như che giấu sự hiểu biết của nàng.

Một con chim tự đâu đáp xuống cành cây lá rậm bên cửa sổ nhà nàng, cất cao giọng hót gieo âm thanh lảnh lót thanh tao trong bầu không khí êm dịu của vườn quê.

Thọ và người thiếu nữ Trung-Hoa như hòa hợp tâm hồn trong cảnh êm đềm tươi sáng. Có một sự gì là lạ gây cho họ nhiều cảm giác kỳ thú nhẹ nhàng.

Dung từ trước sân, vừa bước đến hông nhà, chỗ phòng ngủ của anh, trên tay cầm mấy cành hoa huệ trắng tinh, mới cắt. Nàng mang hoa vào phòng ngủ cho Thọ.

Nhưng đến đây, Dung bắt chợt Thọ và Hà Anh, cô bạn gái Trung-Hoa bên cạnh nhà, đang bỡ ngỡ nhìn nhau trong sự cảm thông vừa thoáng hiện. Nàng cúi đầu bước qua mau, như muốn để yên cho hai người trong giờ phút giao cảm ấy.

Thọ và Hà Anh đều thấy Dung mỉm cười, đôi má núng đồng tiền rất duyên dáng, nọ cười đó như có ẩn ý trước sự bỡ ngỡ của hai người.

Hà Anh e thẹn, cúi đầu nhìn xuống rồi quay vào trong. Bóng nàng lẩn trong gian buồng mờ mờ tối.

Thọ cũng hơi ngượng đối với em vì vô tình Dung bắt gặp mình tò mò nhìn một thiếu nữ lạ; nhưng đôi mắt linh động của cô gái láng giềng kia gây cho chàng nhiều sự chú ý. Chàng phải hỏi Dung về thân thế của cô ta. Nàng sống với ai và đã đến đây từ bao giờ?

Dung đã đi thẳng ra nhà sau, cắt hoa huệ cắm vào bình. Thọ bước theo em định gợi chuyện. Nhưng khi thấy Dung quay lại, nét mặt hí hởn như sắp cười mà vừa làm bộ nghiêm khiến Thọ khó chịu. Chàng có cảm tưởng như Dung định phá mình về chuyện lúc nãy.

Thọ đển gần em, Dung vẫn chậm rãi cắt những cành hoa huệ trắng, không tỏ vẻ gì chú ý đến sự có mặt của anh, Thọ thấy khó khăn khi mở lời hỏi Dung. Câu nào định nói ra chàng cũng đều cho là không được tự nhiên và ngại Dung sẽ cho mình quá tò mò.

Dung thình lình nhìn vào mặt anh, rồi đem bình hoa lên thẳng nhà trên.

Thọ mỉm cười và nghĩ là mình không nên tò mò như vậy. Dung trở xuống nhà dưới thì anh mình không còn ở đó nữa. Nàng bước ra vườn sau. Bây giờ ánh nắng đã lên cao, rực rỡ trên cây cỏ, lá, hoa. Những vũng nước đọng như biến thành hơi khói mỏng bốc lên tan hòa trong không khí. Bên cạnh vườn nhà nàng, có tiếng hát nho nhỏ lẫn với tiếng động của hai mảnh vải ướt chạm vào nhau. Dung nhìn sang và mỉm cười khi thấy Hà Anh ngồi giặt áo dưới cầu ao, Nàng cọ những mảnh vải vào mặt ván làm bọt xà bông tung lên thành những quả bong bóng xanh đỏ dưới ánh sáng mặt ười.

Hà-Anh hôm nay có gì sung sướng hơn mọi ngày và đây là lần đầu tiên, Dung thấy bạn vui vẻ, hồn nhiên. Nàng vừa làm việc vừa hát bài ca, ca ngợi ái tình...

Tiếng chim se sẻ chiu chích gọi nhau trên hàng cây sua đũa bên hông nhà, gợi thêm sự cô tịch trong buổi chiều vắng lặng. Thọ ngồi trong phòng thẫn thờ nhìn lên nền trời xanh thẳm thỉnh thoảng vài con cò trắng bay ngang, hướng về phía đình làng. Một nỗi buồn vô căn cứ như xâm chiếm tâm hồn. Chàng thấy trong lòng như thiếu thốn một sự gì. Bỗng dưng Thọ liếc nhìn sang bên kia song cửa sổ sơn màu xanh tối mà buổi sớm mai chàng đã bắt gặp một đôi mắt đẹp. Bên trong khung cửa lờ mờ không phân biệt được vật gì nhưng chắc chắn là không có bóng người thiếu nữ Trung-Hoa. Tiếng chân ai nhè nhẹ bước vào phòng khiến Thọ quay đầu nhìn lại. Dung hiện ra, dịu dàng trong ánh mắt, trong nụ cười tươi trẻ hồn nhiên.

Nàng hỏi Thọ:

— Anh đang nghĩ gì đó? Nhớ cô ta hả?

Thọ nghiêm trang đáp:

— Em trẻ con quá! Ai đi nhớ một người chỉ thoáng thấy một lần.

Dung đưa ngón tay lên môi cắn chặt, cho khỏi bật tiếng cười. Đôi mắt nàng sáng hẳn lên. Nhưng chỉ một phút nàng lại cười thành tiếng.

Thọ ngạc nhiên hỏi:

— Em cười gì vậy?

— Em cười anh! Không ai hạch hỏi mà đã khai. Người anh thoáng thấy là ai vậy?

Thọ lúng túng và biết mình hở hênh bị Dung trêu chọc, chàng đáp:

— Em hay xoi bói anh quá. Có lẽ em sắp nói những gì mà buổi sáng chưa kịp nói phải không?

Dung tinh nghịch hỏi lại:

— Có chuyện gì đâu?

Thọ ngó em, không đáp. Dung cứ tưởng anh mình sẽ hỏi những điều muốn biết, nhưng Thọ vẫn im lặng. Sự đó khiến Dung náo nức. Nàng không thể trầm tĩnh như anh được.

Lòng nàng hồn nhiên sáng sủa, không bận chút gì u ẩn. Nàng cần trút hết những ý nghĩ vui buồn với người thân thích:

— Anh nghĩ sao về sự thay đổi ở làng mình?

— Anh chưa ra khỏi nhà làm sao biết được?

Rồi Thọ mỉm cười, tiếp:

— Có điều anh thấy trước mặt nhà mình có gia đình người hàng xóm mới, mà anh đoán là người Tàu.

Dung cũng cười, nụ cười tinh nghịch. Nàng hỏi thình lình:

— Chỉ có vậy thôi?

— Chớ còn gì nữa?

— Vậy mà em tưởng anh muốn biết nhiều điều khác về họ?

Thọ nhìn lảng đi và nói:

— Đêm hôm về, anh nghe tiếng đàn nguyệt bên nhà đó. Tiếng đàn quen thuộc của người Trung-Hoa.

— Người đánh đàn là cha chị Hà Anh.

Thọ hỏi liền:

— Hà Anh nào?

Dung dịu giọng đáp:

— Một cô gái khôn ngoan, có học và rất hiền lành.

Tự nhiên lòng Thọ trở nên nhẹ nhàng. Chàng gật đầu:

— Anh cũng nghĩ vậy.

Nắng chiều đã tắt hẳn trên các ngọn cây, hoàng hôn buồn tím ngắt. Những hàng quán đằng phía chợ đã lên đèn. Bóng tối lan dần, lan dần phủ kín bờ sông.

Trong khung cửa gian nhà kế cận, ánh đèn vụt cháy, Hà Anh hiện ra bên cạnh chiếc bàn con, đôi mắt sáng long lanh. Thọ thầm nghĩ đôi mắt của nàng dễ gây cảm tình với bất cứ ai chỉ thoáng gặp một lần. Vừa chợt thấy nàng, Thọ đã quay đi nơi khác. Chàng không muốn Dung nghĩ ngợi nhiều về chàng và cô gái Trung-Hoa kia. Nhưng đôi mắt của Hà Anh vẫn làm cho chàng phải lưu ý...

Chàng quay sang em:

— Họ về đây bao lâu rồi?

Dung đáp:

— Gần một năm. Họ có đất bên Cái Sơn nên về đây để được thâu huê lợi. Nếu ở xa họ hết còn quyền lợi.

Thọ lại hỏi:

— Nhưng sao không cất nhà bên Cái Sơn cho gần?

Dung mở to đôi mắt nhìn anh:

— Bên ấy không đóng bót, Tây đi bố hà rầm làm sao dám ở!

— Trước kia họ ở đâu?

— Cha Hà Anh có phố ở Chợ-lớn, nhưng bây giờ không còn nữa. Ông ấy ghiền thuốc phiện mà hết sạch đó?

— Sao em rõ chuyện của họ nhiều vậy?

Dung liền đáp:

— Hà Anh là bạn thân của em. Chúng em vẫn thường tâm sự với nhau.

Thọ hỏi khéo em:

— Em thân với người Trung-Hoa dễ dàng như vậy à? Họ khó tánh và lãnh đạm với mọi người.

— Anh lầm, họ vốn kín đáo nhưng cũng giàu tình cảm như ai vậy. Nhìn bề ngoài khó hiểu được họ. Hà Anh dễ thương và tốt lắm. Chị ấy mến em.

— Anh thật không ngờ.

Dung giải thích:

— Anh nghĩ, chúng em gần trạc tuổi, lại cô độc như nhau, làm sao không tha thiết với nhau được.

Thọ gật đầu rồi nhìn qua nhà Hà Anh, bảo em:

— Nhà cô ấy đông trẻ con quá.

— Em của chị ấy đó. Hà Anh phải lo lắng cho chúng từng chút vì bà mẹ đã qua đời.

Thọ buộc miệng nói:

— Tội nghiệp!

Dung thấy Thọ thốt ra hai tiếng tội nghiệp bằng tất cả sự thành thật đối với bạn mình, chớ không phải nói lấy lệ. Nàng nhìn anh và gương mặt buồn buồn của Thọ làm nàng không vui.

Dung nói:

— Thôi đi ăn cơm anh. Ở đời mỗi người mỗi cảnh mà.

Thọ đứng lên. Chàng vói tay khép cửa sổ và Dung nghe anh lẩm bẩm một mình:

— Tội nghiệp!

Dung cảm thấy anh mình thay đổi hơn những năm về trước và nàng không làm sao hiểu ngay được sự thay đổi ấy.

Chương 1

Tiến >>

Bản Scan - tusachtiengviet.com- Đánh máy: Thanh Vân & Ct.Ly
Nguồn: Nhà Xuất Bản: Phù Sa 1966
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 4 năm 2022